Thích Nữ Huệ Hằng Học viên Học viện PGVN tại Tp.HCM

MỞ ĐẦU

Giáo pháp của đức Phật trải rộng bao la cho tất cả những ai muốn tìm cầu sự an lạc giải thoát. Và quả vị tu chứng giải thoát không dành riêng cho một giai cấp nào, một chủng tộc nào, hay một giới tính nào cả.

Trước khi đức Phật ra đời người phụ nữ không được xem trọng bởi vì quan niệm trọng nam khinh nữ. Chính đức Phật đã đưa ra cuộc cách mạng giải phóng phụ nữ trên toàn cầu, và tuyên bố nam nữ điều bình đẳng như nhau. Và người nữ còn dự vào hàng ngũ xuất gia điển hình như: Ma Ha Ba Xà Ba Đề. Bà là một nhân vật lịch sử đã vượt qua mọi thường tình của nhi nữ. Được Thế Tôn chấp nhận người nữ xuất gia đầu tiên, thành lập Ni đoàn, và chứng đắc quả A La Hán.

Vì thế cho thấy vai trò của người phụ nữ cũng là thành viên không thể thiếu trong xã hội của Diêm Phù Đề, họ không là công cụ trong xã hội, họ cần có được nhân quyền và tôn trọng. Vì sao? Vì trong thực tế người nữ đã thành tựu Từ Bi và Trí Tuệ trong Phật pháp cũng như trong thế gian.

Thế nên, để biết được đặc điểm cũng như giá trị về người nữ như thế nào, thông qua việc tìm hiểu “Vai trò người phụ nữ trong kinh điển Nguyên Thủy” , để có cơ hội nghiên cứu tìm hiểu sâu hơn về vai trò người phụ nữ, sống trong một đất nước phân chia nhiều giai cấp, sẽ được trình bày một cách cụ thể, thông qua nguồn tư liệu trong năm bộ Nikaya và một số sách có liên quan đến bài viết.

Tag: kinh nguyên thủy, Nikaya, Từ Bi, người nữ, đức Phật, kinh sách, vai trò nữ giới, ni đoàn, nhi nữ, giai cấp, chủng tộc…

NỘI DUNG

1. Bối cảnh lịch sử thời đức Phật

Ấn Độ là một trong những nước có nền văn minh lâu đời nhất trong lịch sử loài người, của non sông thiêng liêng hùng vĩ. Là xứ sở của huyền thoại, của thần linh, của Tôn giáo, là cái nôi của Phật giáo. Người dân Ấn rất sùng bái và tôn kính thần linh, ưa thích tế tự. Trước khi đức Phật thành đạo, Bà La Môn là tôn giáo chính. Xã hội bấy giờ có bốn giai cấp:

Bà La Môn: giai cấp tăng lữ, coi việc tế tự. Sát Đế Lợi: vua chúa, nắm quyền thống trị. Phệ Xá: thứ dân, nông công thương. Thủ Đà La: tiện dân, địa vị thấp nhất.

Hai giai cấp Bà La Môn và Sát Đế Lợi là giai cấp thống trị, họ chi phối toàn bộ hoạt động trong xã hội. Ngoài ra còn một hạng nữa là Dalit-Untonchable, là giống dân mọi rợi, bần tiện bị liệt ngoài vòng xã hội, bị các giai cấp trên đối xử như xúc vật, cuộc sống vô cùng tối tăm khổ nhục. Giai cấp Bà La Môn sung sướng nhàn hạ bao nhiêu thì hạng người hạ tiện càng khổ sở, nhục nhã bấy nhiêu. Sự bất công không thể nào tả hết. Qua đây chúng ta thấy xã hội thời bấy giờ thật rối ren. Bên cạnh đó phụ nữ của Ấn Độ không được tham dự các công việc xã hội, trong gia đình có bổn phận phục vụ người chồng và sinh con. Người phụ nữ luôn bị khinh rẻ, hành hạ, không được tự do tín ngưỡng tôn giáo.

Trước những thực trạng này đức Phật đã xuất hiện, Ngài đã thật sự làm một cuộc đại cách mạng tư tưởng khai phóng phụ nữ, Ngài đã gióng lên tiếng chuông vang vọng, thức tỉnh mọi người giữa xã hội đương thời đầy tư tưởng u mê nặng trĩu bởi quan niệm phụ hệ nam tôn, nữ ti, chế độ phân biệt giai cấp hà khắc. Thế nên đức Phật đã khẳng định rằng: Khả năng và vai trò của người phụ nữ trong mọi lĩnh vực, đưa phụ nữ lên ngang tầm với nam giới. Điều này là thành quả sâu xa nhất trong lịch sử bình đẳng hóa phụ nữ.

2. Quá trình cầu xin xuất gia mang tính tích cực

Năm 504 TTL tức năm thứ năm sau khi Phật thành đạo, lần thứ hai đức Phật trở lại quê nhà vì vua cha bệnh nặng. Trên giường bệnh, nghe bài pháp vua liền chứng đắc quả A La Hán trước khi lìa trần. Ngay lần đầu khi đức trở lại hoàng cung, Kiều Đàm Di mẫu đã giác ngộ giáo lý của Như Lai. Nay đức vua không còn, bà muốn được nương mình trong pháp và luật cao quý của Thế Tôn. Chính vì thấu rõ giá trị vi diệu của giáo pháp cứu khổ và hiểu được sự thật của cuộc đời nên dù biết cuộc sống tu hành là chông gai, bần hàn, khổ cực, Bà vẫn một lòng cầu xin đức Phật cho phép xuất gia. Lúc bấy giờ đức Phật nói rằng, dù giáo pháp bình đẳng ai cũng có thể thành Phật, nhưng chức năng của nam và nữ khác nhau. Trong thực tế tiếp xúc, vì ngại có thể sinh những điều không hay, quần chúng dị nghị, qua ba lần thưa thỉnh nhưng Thế Tôn không chấp nhận.

Sau đó, Thế Tôn cùng Tăng chúng rời Kapilavatthu tiếp tục bộ hành đến Vesali. Lúc bấy giờ, Ngài Kiều Đàm Di cùng với năm trăm người nữ tự xuống tóc, đắp cà sa, đi chân trần cũng theo chân Phật bộ hành đến Vesali. Tại Đại Lâm, nơi Thế Tôn đang trú ngụ, Kiều Đàm Di và các vương phi cung nữ đi đến, chân bị sưng, mình mẩy lấm lem bụi bặm, nước mắt đầy mặt, sầu muộn khóc than, đứng ngoài cửa chính. Nhờ Tôn giả Ananda can thiệp, Phật bằng lòng cho họ được xuất gia với điều kiện bắt buộc phải thọ trì Bát Kỉnh pháp đến suốt đời[1].

Sự kiện này có rất nhiều tài liệu ghi lại như trong Luật Tứ Phần Tỳ Kheo Ni Giới Bổn Lược Ký, Thích Nữ Thể Dung đã dịch. Bấy giờ Đức Thế Tôn ở tại nước Thích Sí Sấu, trong vườn Ni Câu Luật. Khi ấy Ngài Maha Pajabati và 500 phụ nữ dòng Xá Di, cùng đi đến chỗ Phật, đầu mặt lễ chân Phật rồi lui qua một bên, bạch rằng: “Lành thay Thế Tôn, kính xin Thế Tôn cho nữ giới chúng con được xuất gia hành đạo trong Phật pháp”.

Phật dạy: “Thôi đi hỡi bà Cù Đàm Di, đừng nên nói thế. Ta chưa muốn độ cho người nữ xuất gia tu hành trong Phật pháp. Vì sao? Vì nếu cho người nữ xuất gia tu hành trong Phật pháp, sẽ khiến cho Phật pháp không được thường trụ lâu dài”.

Thế nhưng Di Mẫu vẫn một lòng kiên trì nhẫn nại vượt hàng trăm cây số đến xin đức Phật cho phép xuất gia. Dứt bỏ đời sống cao sang, uy quyền chốn cung son để sống đời phạm hạnh, ngõ hầu giải thoát cho mình và cứu khổ cho hàng nữ lưu.

Đức Phật liền từ chối mà không nói lý do gì cả: Thôi đủ rồi. Hãy đừng thỉnh cầu việc đó nữa, này Kiều Đàm Di!

Di Mẫu vẫn lập lại lời thỉnh cầu 2, 3 lần như thế, nhưng đức Phật một mực từ chối.

Lúc bấy giờ Tôn giả A Nan thấy Di Mẫu khóc lóc, đến hỏi nguyên do và sau đó vào bạch cùng đức Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Người nữ có khả năng đạt được thánh quả Tu Đà Hoàn (Sotapanna), Tư Đà Hàm (Sakadagami), A Na Hàm (Anagami) và A La Hán (Arahant), nếu họ có thể tiến bước từ bỏ gia đình, sống đời sống không nhà, theo khuôn khổ Giáo pháp và Giới luật mà đức Như Lai tuyên thuyết”

Đức Phật trả lời rằng: “Người nữ có đủ khả năng để thành tựu các thánh quả” Khi nghe câu trả lời ấy như được thêm niềm khích lệ, Ngài A Nan liền thiết tha kính bạch rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Nếu vậy, người nữ cũng có khả năng đạt các thánh quả. Di Mẫu Kiều Đàm Di đã có công lớn đối với đức Thế Tôn. Người vừa là dì ruột vừa là mẹ nuôi. Người đã nuôi đức Thế Tôn bằng chính sữa của mình và thương yêu Ngài thay cho Mẫu hậu. Thế nên, bạch đức Thế Tôn, theo khuôn khổ Giáo pháp và Giới luật mà đức Như Lai tuyên thuyết”.

Cuối cùng đức Phật trả lời rằng: “Này A Nan, nếu Di Mẫu Kiều Đàm Di có thể chấp nhận tuân giữ Tám Kính pháp này thì Ta sẽ đồng ý cho Bà xuất gia và thành lập Giáo đoàn Ni”

Tám kính pháp như sau:

1. Tỳ kheo ni dù cho thọ đại giới 100 năm cũng phải cung kính chấp tay, đảnh lễ và xử sự đúng với pháp đối với một tân Tỳ kheo dù mới thọ giới một ngày. 2. Một Tỳ kheo ni không được an cư nơi không có Tỳ kheo tăng. 3. Mỗi nửa tháng Tỳ kheo ni cần hỏi thỉnh chúng Tỳ kheo tăng ngày đến giáo giới. 4. Sau mùa an cư kiết hạ, Tỳ kheo ni cần làm lễ tự tứ trước hai bộ Tăng già để cầu thỉnh chỉ lỗi nếu có thấy, nghe và nghi. 5. Tỳ kheo ni phạm trọng tội, nửa tháng phải hành pháp Ma Na Đỏa trước cả hai bộ tăng già. 6. Sau khi học tập sáu giới pháp trong hai năm, vị ni ấy phải đến trước hai bộ Tăng già cầu xin thọ Cụ túc giới. 7. Không vì duyên cớ gì, một Tỳ kheo ni có thể mắng nhiếc hoặc chỉ trích một Tỳ kheo tăng. 8. Tỳ kheo ni không được phê bình Tỳ kheo, nhưng Tỳ kheo tăng có quyền phê bình Tỳ kheo ni

Tám kính pháp này phải tuân giữ trọn đời, phải tôn trọng, kính nễ, không được thay đổi. Khi nghe Ngài A Nan tường thuật lại, Di Mẫu và 500 phụ nữ dòng Xá Di vui mừng và chấp nhận ngay Tám kính pháp này. Do đó, hàng nữ giới được xuất gia thọ giới cụ túc và thành lập Giáo đoàn Ni.[2]

Sự khai phóng phụ nữ của đức Phật bằng cách cho người nữ xuất gia, thật sự đã quét sạch dần những thành kiến đối với phụ nữ đang lan tràn xã hội lúc bấy giờ. Ngài đã dọn đường tự do cho nữ giới đi lên, giới nữ lưu cũng đã thấu hiểu được điều đó và thể hiện tấm lòng báo ân Phật qua sự nổ lực tu tập của mình. Sự thành công của Tôn ni xuất chúng đã là niềm tự hào cho giáo đoàn Ni và cho tất cả người nữ trên thế giới. Nếu bên Tăng có Thập đại đệ tử Phật thì bên Ni cũng có những Tôn ni lừng danh về quả vị Thánh. Thập đại đệ tử ni của đức Phật, gồm:

Trưởng lão ni về kinh nghiệm lãnh đạo đệ nhất: Maha Pajapati Gotami Tôn ni Khema: Trí huệ thiền quán đệ nhất Tôn ni Uppalavanna: Thần thông đệ nhất Tôn ni Dhammadinna: Thuyết pháp đệ nhất,…

Theo quan niệm Ấn cổ, mọi phương diện người phụ nữ bị cho là “phái yếu”. Cũng vì lẽ đó, du sĩ ngoại đạo Vacchagotta chấp vấn Đức Phật rằng ngoài các Tỳ kheo ra, có vị Tỳ kheo ni nào đã đoạn trừ lậu hoặc, chứng đại Thánh trí ngay trong hiện tại không? Đức Phật đáp: “Này Vacchagotta không phải chỉ một trăm năm, hai trăm, ba trăm… mà còn nhiều hơn thế nữa, những Tỳ kheo ni, đệ tử của Ta đã đoạn trừ các lậu hoặc, với thượng trí tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại, vô lậu tâm giải thoát và tuệ giải thoát”[3].

Đức Phật đã xác nhận điều này, chứng minh hùng hồn hơn những Tôn ni đắc đạo đã thể hiện cho xã hội thấy rằng nữ giới có nhiều năng lực đặc biệt lớn lao mà nam giới chưa chắc có được. Đại sư Ấn Quang nói: “Nếu anh có một người mẹ đạo hạnh khi còn nhỏ và có một người vợ đức hạnh khi lớn lên thì chính anh sẽ dễ trở thành người đạo đức”[4]. Đây chính là chìa khóa cho một quốc gia hòa bình và thịnh vượng.

Qua những đoạn kinh vừa trích dẫn, chúng ta có thể thấy cụ thể địa vị người phụ nữ trong giáo lý đạo Phật. Giáo lý nhà Phật cho mọi người thấy rằng: Người phụ nữ xứng đáng có một chỗ đứng danh dự ngang hàng với nam giới về phương diện khả năng và thành đạt mục tiêu Niết Bàn, và trên nấc thang thành tựu của nhân loại, người nữ cũng có khả năng trèo đến mức tột đỉnh mà người nam có thể đến.

3. Sự thành lập Ni đoàn

Nếu tính từ khi Đức Phật thành đạo cộng năm năm trở về Ca Tỳ La Vệ là vào năm 589 ngài Di Mẫu và 500 người nữ dòng Xá Di được xuất gia, thọ Đại giới. Giáo đoàn Tỳ kheo ni được thành lập, do Kiều Đàm Di đứng đầu, tuân theo sự lãnh đạo của Thế Tôn cùng với sự trợ duyên của chư Tăng. Sau khi được xuất gia, Kiều Đàm Di đến yết kiến Phật, nghe Phật thuyết pháp rồi chuyên cần tinh tấn tu tập chứng đắc quả vị A La Hán với trí tuệ trực giác và phân tích. Năm trăm Tỳ kheo ni sau khi nghe Tôn giả Nandaka giáo giới, chứng được sáu thắng trí, hoàn toàn tự giải thoát. Nhờ tài tổ chức, huấn luyện khéo léo của Kiều Đàm Di, Ni đoàn phát triển nhanh chóng và thực sự lớn mạnh. Nhiều Tỳ kheo ni chứng đắc quả vị A La Hán, có uy tín trong quần chúng, được cư sĩ và dân chúng ca ngợi, ngưỡng mộ. Lúc Bậc Đạo sư ở Tinh xá Kỳ Viên (Jetavana), Thế Tôn xác nhận Kiều Đàm Di là nữ Tôn giả kinh nghiệm đệ nhất, sống hưởng thọ hạnh phúc giải thoát, Niết Bàn.[5]

Trong lịch sử nhân loại, đức Phật là vị Giáo chủ đầu tiên đã thành lập Giáo hội Ni với đầy đủ Giới và Luật. Và đức Phật cũng đã chỉ định Tỳ kheo ni Khema và Uppalavanna là Trưởng ni trong giới chư ni. Cho nên qua sự thành lập Ni đoàn đức Phật cho ta thấy chư Ni cũng có thể đi đến kết quả giải thoát, giác ngộ như trong các kinh đức Phật bảo với Anan rằng: “Phụ nữ có đầy đủ khả năng để thành tựu đạo quả, nếu được khép mình vào khuôn khổ của giới pháp và giới luật”[6].

Hay trong kinh Tương Ưng bộ đức Phật có dạy: “Này nhân chủ ở đời có nhiều thiếu nữ có thể tốt hơn con trai, họ có trí tuệ có giới đức; khiến nhạc mẫu thán phục, họ sinh con trai là anh hùng, là quốc chủ”.[7]

Như vậy, Ni đoàn được thành lập thời đức Phật đã thể hiện được bản thể thanh tịnh, tâm bất thoái chuyển, chứng đắc thánh quả. Những thành tựu đó đạt được cũng nhờ oai lực của Bát Kính pháp. Bát Kính pháp thật sự đã bào mòn được cái ngã kiêu mạn, là chướng lớn trong quá trình tu tập đoạn tận vô minh, lậu hoặc. Bát Kính pháp là bất khả tư nghì, vì có Bát Kính pháp Ni đoàn mới cửu trụ cho tới ngày nay.

4. Vấn đề ngũ chướng mang tính tiêu cực

Đức Phật cho rằng người phụ nữ khó mà lìa bỏ gia đình, sống đời khất sĩ khổ hạnh. Hơn nữa, tâm lý của người nữ quá mềm yếu lại có 84 thói mê hoặc người, khiến họ khó đắc đạo đây kể ra đại loại như thói thứ 1: “Người nữ ưa vuốt mi mắt, trang sức bản thân”, thói thứ 31: “Người nữ dễ sinh ngã mạn, cô đơn yếu đuối, lấy sức thắng người”, thói thứ 60: “Người nữ ưa hành tham dục, ra oai tự lập, toan nắm giữ Chính pháp, qua mặt trượng phu”[8],...

Qua sự trích dẫn trên cho thấy người nữ có tính ngã mạn, hay ỷ lại đây cũng gọi là những chướng ngại trong quá trình tu tập. Nay chúng ta tiếp tục bàn đến năm chướng ngại của người phụ nữ. Đó là: "Này A Nan, có năm việc nữ nhân không làm được. Nếu nói rằng nữ nhân được thành Như Lai, bậc Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác, hoặc chuyển Luân Vương, Thiên Đế Thích, Ma Vương hay Phạm thiên thì điều này nhất định không thể có. Nhưng có năm việc nam nhân làm được. Nếu nói rằng nam nhân được thành Như Lai, bậc Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác, hoặc Chuyển Luân vương, Thiên Đế thích, Ma Vương hay Đại Phạm Thiên, thì điều này chắc chắn có thật"[9].

Lại một vấn đề mang tính chất bất bình đẳng giữa người nữ với người nam phát sinh. (Người nam luôn có bảy món báu), còn đối với phụ nữ luôn có năm điều chướng ngại. Thực ra năm điều chướng ngại ấy thật có đối với nữ giới không? Tại sao ngoài kinh Cù Đàm Di (Trung A Hàm II), kinh Mâu Ni Vương Nữ (Tăng Nhất A Hàm), lại có thêm kinh Không Thể Xảy Ra của Kinh Tăng Chi Bộ I đề cập đến.

"Sự kiện này không thể xảy ra, này các Tỳ kheo, không có được: “Một phụ nữ có thể là bậc A La Hán, Chánh Đẳng Giác”, sự kiện này không xảy ra. Sự kiện này có xảy ra, này các Tỳ kheo: “Người đàn ông có thể là bậc A La Hán, Chánh Đẳng Giác”, sự kiện này có xảy ra".

"Sự kiện này không xảy ra, này các Tỳ kheo, không có được: “Một phụ nữ có thể là vị Chuyển Luân Vương”, sự kiện này không xảy ra"…

"Sự kiện này không xảy ra, này các Tỳ kheo, không có được: “Một phụ nữ có thể là vị Đế Thích…, là Ác ma..., là Phạm Thiên”, sự kiện này không thể xảy ra"[10]…

Một phụ nữ không thể làm bậc A La Hán, Chánh Đẳng Giác, không thể làm Chuyển Luân Vương, làm Đế Thích, Ác ma, Phạm Thiên. Vì sao? Vì không đủ trí để lãnh nhiệm những ngôi bậc đó ư (A La Hán, Chánh Đẳng Giác, Chuyển Luân Vương, Đế Thích, Ác ma, Phạm Thiên là năm ngôi vị tượng trưng cho sự thành đạt lớn lao)? Nếu như vậy là đồng quan niệm với những gì Ác ma nói với Tỳ kheo ni Soma: người nữ không có trí làm sao có khả năng thành tựu thánh quả?

“Địa vị khó chứng đạt Chỉ thánh nhân chứng đạt Trí nữ nhân hai ngón Sao hy vọng chứng đạt”[11]

Sự thật là vậy chăng? Người phụ nữ không đủ trí đức, không đủ khả năng để hoàn thành những việc nam nhân làm chăng? Chúng ta nên lắng nghe Tỳ kheo ni Soma nói kệ đáp lời Ác ma:

“Nữ tính chướng ngại gì Khai tâm khéo thiền định Khi trí tuệ triển khai Chính quán pháp vi diệu Ai tự mình tìm hỏi Ta nữ nhân nam nhân Hay ta là ai khác Xứng nói chuyện Ác ma Ác ma thật cân xứng”[12]

Phật tính vốn đồng thì làm sao có thể có sự sai khác giữa các chúng sinh trong việc chứng ngộ chân lý. Nhưng trong thực tế chúng ta cũng nên công nhận rằng đa số phụ nữ thiên về tình cảm, ít có tính cương quyết nên cũng ít có khả năng lãnh đạo, tuy nhiên đó không phải là tất cả.

Thế nên theo thiển ý người viết, năm điều chướng ngại ràng buộc người phụ nữ đã được đức Phật đề cập rất nhiều trong kinh, đó chỉ là thể hiện những quan điểm, những tư tưởng hoàn toàn bất lợi với người phụ nữ của thế gian và xã hội, mà trong Phật giáo thì ngược lại. Và chính năm điều chướng ngại này làm thềm thang cho người nữ tu tập đạt được an lạc giải thoát.

KẾT LUẬN

Tóm lại, từ quan điểm lịch sử Ni giới thời Nguyên Thủy, Di Mẫu được coi là người phụ nữ đầu tiên quan tâm đến quyền lợi nữ giới nếu không muốn nói là quyền con người. Giáo lý đức Phật là giáo lý duy nhất vào thời đó đã nhận ra sự bình đẳng tâm linh giữa mọi giới tính. Đi theo đạo Phật là con đường duy nhất để thoát khỏi xiềng xích nô lệ. Đạo Phật tôn trọng và đối xử tất cả mọi người một cách bình đẳng. Di Mẫu đã thuyết phục được đức Phật cho nữ giới xuất gia, vì lời thỉnh cầu của Bà là họp lý với quan điểm này của đức Phật. Ngài là một trong số ít các vị giáo chủ của nhân loại đã nâng cao hàng phụ nữ lên một vị trí xứng đáng trong đời sống, bằng cách cho phép nữ giới gia vào Giáo đoàn Tỳ kheo ni, và như vậy mở ra một chương sách hoàn toàn mới trong lịch sử giải phóng của người phụ nữ.

Như vậy, ngay từ buổi đầu trong Tăng đoàn, chẳng bao lâu sau khi đức Phật nhập Niết bàn và những thế kỷ sau, nữ giới bị phủ nhận vị trí, sự tôn trọng rồi cho rằng quan điểm này được đức Phật chấp nhận. Sự cảnh giác và lo sợ sự thành tựu của phụ nữ đã ngấm ngầm qua nhiều thế kỷ cho đến ngày nay và vẫn được phản ảnh qua việc phụ nữ thiếu cơ hội để thực hiện niềm khát vọng của họ và dâng tặng những đóng góp có ý nghĩa, có giá trị cho Tăng đoàn Theravada.

Do đó một lần nữa ta khẳng định rằng: “Cái quyền to lớn và đặc ân mà Bà Kiều Đàm Di Mẫu đã tranh đấu và thành công, tức quyền của nữ giới được gia nhập vào Giáo hội Thánh Thiện, là bước thể hiện dấu ấn nữ quyền trong tiến trình phát triển của lịch sử Phật giáo nói riêng và tôn giáo nói chung”.

Thích Nữ Huệ Hằng Học viên Học viện PGVN tại Tp.HCM

------------------------

CHÚ THÍCH [1] Thích Chơn Thiện, “Tăng Già Thời Đức Phật” , Nxb Tôn Giáo, 2000, tr. 52 [2] Sự Thành lập Ni đoàn chương X của Tiểu Phẩm. Kinh Bộ Tăng Chi, Phẩm Gotami, tr. 112-113 [3] HT.Thích Minh Châu, Trung Bộ Kinh II, Đại kinh Vacchagotta, Viện NCPHVN, 1998, tr. 238 [4] Thích Nữ Diệu Nghiêm, Các bài tham luận Sakyadhita lần thứ 11, tập II, tr. 104 [5] TK Siêu Minh dịch Việt ngữ, Tiểu Bộ Kinh III, Trưởng Lão Ni Kệ [6] Trần Ngọc Ninh, Đức Phật giữa chúng ta, Nxb Lá Bối, 1971, tr. 76 [7] HT. Thích Minh Châu, Tương Ưng Bộ Kinh, Tương ưng Kosala, phẩm 1, Người con gái VNCPHVN ấn hành 1992 [8] Xem 84 điều Kinh Đại Ái Đạo Tỳ kheo ni, tr. 66 [9] Kinh Trung A Hàm II, Cù Đàm Di, Viện NCPHVN, 1992, tr. 751 [10] HT. Thích Minh Châu, Kinh Tăng Chi Bộ I, Phẩm Không Thể Có Được, Viện NCPHVN, 1998, tr. 37-38 [11] HT.Thích Minh Châu, Kinh Tăng Chi Bộ I, Phẩm Tương Ưng Tỳ Kheo ni, Viện NCPHVN, 1988, tr. 285-286 [12] Kinh Tăng Chi Bộ I, Phẩm Tương Ưng Tỳ Kheo ni, sđd, tr. 285-286 TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. HT. Thích Minh Châu, Tăng Chi Bộ Kinh, Viện NCPHVN, 1988 2. HT.Thích Minh Châu, Tương Ưng Bộ Kinh, Viện NCPHVN, 1992 3. HT.Thích Minh Châu, Trung Bộ Kinh, Viện NCPHVN, 1998 4. HT. Thích Thiện Siêu, Kinh Trung A Hàm, Viện NCPHVN, 1992 5. Thích Chơn Thiện, Tăng Già Thời Đức Phật, Nxb Tôn Giáo, 2000 6. Tiểu Bộ Kinh III, Trưởng Lão Ni Kệ. TK. Siêu Minh dịch Việt ngữ 7. Thích Nữ Diệu Nghiêm, Các bài tham luận Sakydhita lần thứ 11, tập 2 8. Trần Ngọc Ninh, Đức Phật Giữa Chúng Ta, Nxb Lá Bối, 1971 9. Kinh Đại Ái Đạo Tỳ Kheo ni