Thích Nữ Huệ Lợi Học viên Cao học khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 3.2022

MỞ ĐẦU Phật giáo là một tôn giáo được truyền vào nước ta từ rất sớm. Với tư tưởng từ bi, bình đẳng Phật giáo sớm bén rễ, ăn sâu và giữ một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tư tưởng của người Việt. Sau nhiều thế kỷ phát triển, đến cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, dưới sự cai trị của thực dân Pháp, Phật giáo rơi vào tình trạng suy thoái. Chính tình hình đó đã thôi thúc chư tăng cùng các vị cư sĩ có đạo tâm chủ trương chấn hưng đạo Phật. Các hội Phật giáo/Phật học ra đời trở thành trụ cột trong phong trào chấn hưng. Phong trào đã thu hút đông đảo các tầng lớp xã hội, nghề nghiệp tham gia. Bên cạnh những đóng góp chủ chốt của chư tăng và các vị cư sĩ còn có phần đóng góp của nữ giới. Tuy vậy, những đóng góp này ít được đề cập tới. Bài viết tập trung làm sáng tỏ những đóng góp của nữ giới trong phong trào thông qua những hoạt động cụ thể của họ. Tag: nữ giới, phật giáo, chấn hưng, phật giáo việt nam,…

Hải Ấn Ni Tự (Tp.Hồ Chí Minh) - Ảnh: St

1. Trợ duyên cho việc thành lập hội Phật giáo

Trước hết cần thấy rằng, mặc dù nữ giới không phải là tác giả của tư tưởng chấn hưng Phật giáo cũng như thành lập các Hội Phật giáo nhưng họ lại là những người trợ duyên, giúp cho việc thành lập hội được thuận lợi. Chúng ta có thể thấy điều đó qua đóng góp của Ni sư Diệu Không và Đoan Huy Hoàng Thái Hậu đối với việc thành lập An Nam Phật học hội.

Được thành lập vào năm 1932 do Hòa thượng Giác Tiên và một số vị tu sĩ và cư sĩ khởi xướng, An Nam Phật học hội ra đời tương đối nhanh và thuận lợi. Bên cạnh những tên tuổi nổi tiếng như Tâm Minh Lê Đình Thám, Nguyễn Khoa Tân, Ưng Bàng,… cần phải kể tới vai trò của Ni sư Diệu Không và Đoan Huy Hoàng Thái Hậu.

Theo Hồi ký của ni sư Diệu Không, năm 1932, được sự ủng hộ của phụ thân cùng các thân thần ni sư “thảo thơ xin lập hội Phật học”(1). Thế nhưng việc lập hội vẫn còn gặp nhiều sự trở ngại và cần được sự hỗ trợ của Thánh cung Hoàng Thái Hậu. Nhờ những mối ngoại giao, Bà đã vào cung trình bày sự việc cùng Hoàng Thái Hậu và xin phép được gửi thẳng bản điều lệ thành lập Hội lên vua Bảo Đại. Nhờ vậy, Hội An Nam Phật học được phép thành lập một cách thuận lợi và nhanh chóng.

Sau đó, do ông Lê Đình Thám bận công tác bên ngành y, vâng theo lời chỉ dạy của Hòa thượng Giác Tiên, bà đã đi các tỉnh để “phát triển thành lập hội”(2). Bà đã đi khắp nơi để vận động, thuyết phục các tỉnh mở các chi hội. Trải qua 2 năm, hầu hết các tỉnh thành miền Trung đều thành lập Tỉnh hội và chi hội, các trường Phật học lần lượt được mở ra và phát triển một cách mạnh mẽ.

Những chi tiết được đề cập trong Hồi ký cho thấy, Ni trưởng cũng là một trong những thành viên sáng lập An Nam Phật học Hội. Những hoạt động kể trên thể hiện được những nỗ lực không nhỏ của Bà trong công cuộc vận động và thành lập Hội Phật giáo. Chúng ta biết rằng quá trình thuyết phục và kêu gọi những vị đồng tâm hiệp lực tham gia vào phong trào chấn hưng là điều không hề dễ dàng, đòi hỏi nhiều thời gian. Ngay cả các vị chư Tăng như Hòa thượng Khánh Hòa, Sư Thiện Chiếu cũng đã gặp rất nhiều khó khăn. Việc Sư bà Diệu Không đã cùng với các vị Hòa thượng Giác Tiên, Phước Huệ, Cư sĩ Lê Đình Thám tham gia vào quá trình thành lập Hội Phật giáo Trung kỳ là một dấu hiệu đáng mừng và rất đáng được hoan nghênh.

Bên cạnh những hoạt động trực tiếp của ni sư Diệu Không, cần kể tới vai trò của Đoan Huy Hoàng Thái Hậu. Qua Hồi ký của Sư bà Diệu Không cùng một số nguồn tài liệu khác, chúng ta được biết đến sự hỗ trợ đắc lực của nữ phật tử Hoàng Thị Cúc (tức Đoan Huy Hòang Thái Hậu, mẹ vua Bảo Đại). Bà xuất thân trong một gia đình quan lại, quê ở làng Mỹ Lợi, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên. Thân sinh là cụ ông Huỳnh Văn Tích, làm Tri huyện Hòa Đa (Phan Thiết) và thân Mẫu là cụ bà La Thị Sơn. Vì có nhan sắc, tính tình đoan hậu, nên được tiến vào làm thị nữ hầu hạ bà Thánh cung và Tiên cung – vợ vua Đồng Khánh. Năm 1916, Phụng Hố Công Bửu Đảo được tôn lên làm vua lấy niên hiệu Khải Định. Năm 1917, bà được phong Tam Giai Huệ Tần, rồi Nhị Giai Huệ Phi (1918). Là người được vua Khải Định sủng ái nhất. Cuối năm 1925 vua Khải Định băng hà, con trai Bà nối ngôi lấy niên hiệu là Bảo Đại, tấn tôn Bà là Đoan Huy Hòang Thái Hậu(3).

Bà là một vị hộ pháp đắc lực và có rất nhiều đóng góp cho Phật giáo. Năm 1932, Bà đã tác động vua Bảo Đại giúp cho thành lập Hội An Nam Phật học và chính vua Bảo Đại nhận làm Hội trưởng danh dự của Hội. Nữ cư sĩ không từ nan trong các phật sự, như trùng tu chùa chiền bị hư hại, bảo trợ cho các lớp học tăng ở Tây Thiên và Báo Quốc trong những năm 1940 - 1950. Bà đã có công ngoại hộ cho sự hưng thịnh của Phật giáo Thuận Hóa và đã có nhiều đóng góp đối với phật giáo và dân tộc(4).

Bên cạnh những vị đã được sử sách công nhận và biên tập lại, còn những vị nữ giới Phật giáo khác cũng đóng góp một phần không nhỏ trong công tác vận động chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX như Ni trưởng Diệu Tịnh. Bà đã nhiều lần kêu gọi ni giới tham gia chấn hưng. Trong bài Phát biểu tại chùa Hội quán Linh Sơn, Ni trưởng Diệu Tịnh đã có những dẫn giải rằng: “Tại Việt Nam, các vị cao tăng đại đức và cư sĩ nhiệt tâm cũng đã đem hết tinh thần, nghị lực để tổ chức nên các Hội Phật học. Đó là những thành quả mà chư tăng đã cống hiến cho Phật giáo nước nhà. Vậy còn chư ni nghĩ sao? Chư ni cũng nên suy nghĩ các phương pháp để hỗ trợ chư tăng chứ chẳng nhẽ cứ điềm nhiên, tọa thị rồi ngoảnh mặt làm ngơ hay sao. Trong số ni lưu, nếu ai là người có lòng thành tâm muốn gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống của đạo Phật thì hãy tán thành và ủng hộ các tổ chức trong công cuộc chấn hưng Phật giáo”(5) và còn rất nhiều hoạt động khác dù trực tiếp hay gián tiếp cũng phần nào đó hỗ trợ cho phong trào chấn hưng.

2. Nữ giới là thành viên, tham gia hoạt động của các hội Phật giáo

Về việc tham gia hội Phật giáo của nữ giới trong phong trào chấn hưng có rất ít tư liệu đề cập. Tuy vậy học viên may mắn có trong tay danh sách tán trợ hội viên và thường trợ hội viên năm 1935. Nhờ đó có được những thông tin quý giá về sự tham gia của nữ giới trong Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học. Trong danh sách tán trợ hội viên có 9 vị, trên tổng số 35 vị, chiếm khoảng 25%. Còn trong danh sách thường trợ hội viên nữ giới có 30 vị, trên tổng số 183 vị, chiếm 16%. So với hai hội ở Trung và Bắc, Nam kỳ nghiên cứu Phật học hội có một khác biệt lớn. Ngoài là tán trợ, thường trợ hội viên, nữ giới cũng là danh dự hội viên đó là trường hợp bà Lê Thị Ngỡi, đại điền chủ ở Bến Tre, bà Karpelès, Chánh đầu phòng Sở khảo cứu Phật giáo nước Cao Miên và nước Lào.

Ở Bắc kỳ, mặc dù không có gương mặt nữ giới nào tham gia sáng lập hội Phật giáo Bắc kỳ, nhưng nữ giới chiếm ưu thế về số lượng hơn so với nam giới. Theo số liệu khai thác từ Trung trung Lưu trữ Quốc gia I được Ninh Thị Sinh công bố thì trong danh sách hội viên tham gia kỳ đại hội đồng tại chi hội Phật giáo Hải Phòng nữ hội viên chiếm hơn phân nửa so với nam giới (25/48, chiếm tỷ lệ 52%)(7). Mặt khác, dựa vào danh sách các hội viên đóng góp 1 đồng cho quỹ xây chùa Quán Sứ - Hội quán của Hội Phật giáo Bắc kỳ được đăng tải công khai trên báo Đuốc Tuệ, chúng ta thấy trong danh sách ấy, phụ nữ luôn chiếm số lượng nhiều hơn nam giới. Bên cạnh đó, trong số các nhà hảo tâm cúng góp vào việc khởi công xây chùa Quán Sứ, có sự hiện diện của nhiều phụ nữ, người buôn bán cũng như phu nhân của các quan lại, các bà không ghi rõ nghề nghiệp, đôi khi chỉ để lại địa chỉ.

Phụ nữ trong Hội Phật giáo Bắc kỳ không tham gia vào Ban quản trị nhưng họ là lực lượng tham dự các cuộc diễn giảng cũng như các lễ hội Phật giáo do hội Bắc kỳ tổ chức. Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha nhận ra rằng: “từ khi Hội Phật giáo ra đời, những ngày khánh đản, những cuộc diễn giảng cứ trông ghế ngồi trong chùa hội quán này cũng đủ rõ rằng tấm lòng mộ đạo, nữ giới chiếm đa số hơn nam giới”. Không những vậy họ còn tích cực tham gia vào việc xây dựng chùa hội quán bằng việc cúng góp cũng như lãnh trách nhiệm đi quyên tiền. Trong cuộc lạc quyên lần thứ hai để xây dựng chùa Quán Sứ, phụ nữ chịu trách nhiệm đi tới các địa phương. Theo số liệu được Ninh Thị Sinh công bố, ở Hà Nội có 23 người đi quyên tiền thì có tới 21 vị là phụ nữ. Từ trong phong trào chấn hưng đã xuất hiện một số vị ni sư tiêu biểu, đóng góp trên từng lĩnh vực cụ thể. Chẳng hạn như ni sư Diệu Không (Trung kỳ), ni sư Huệ Tâm (Bắc kỳ), ni sư Diệu Tịnh (Nam kỳ).

3. Một số ni sư tiêu biểu

Ni sư Diệu Tịnh: Vị ni sư tiêu biểu cho phong trào chấn hưng Phật giáo Nam kỳ, không ai khác chính là Ni trưởng Diệu Tịnh. Sư bà tên thật là Phạm Đại Thọ, người Gò Công. Năm 15 tuổi sư bà vào chùa Tân Lâm ở Tân Sơn Nhất – Gia Định. 18 tuổi theo học trường ni Giác Hoa ở Bạc Liêu và cầu pháp với Hòa thượng Như Hiển Chí Thiền, được pháp danh Hồng Thọ Diệu Tịnh. Năm 19 tuổi, sư bà được cử về làm trụ trì chùa Hội Sơn (Biên Hòa)(8).

Trong phong trào chấn hưng giai đoạn đầu thế kỷ XX, Sư bà nổi bật với vai trò xây chùa, đào tạo Ni chúng và cũng là một cây bút đóng góp rất nhiều bài viết cho tạp chí Từ Bi Âm. Nhận thấy sự yếu kém của hàng ni giới lúc bấy giờ, trong mỗi bài viết của mình, Bà đều nêu lên những hiện trạng trước mắt và khuyến khích hàng ni chúng nên phát tâm tu học dõng mãnh và cống hiến cho đạo Pháp. Ni trưởng nhấn mạnh rằng: Phàm đã là một người phật tử thì chư ni không thể ngồi yên trước tình trạng khốn khổ của nhân dân mà ngược lại cần phải tham gia gánh vác trách nhiệm cho xã hội. Trong đó, chư ni cần phải chú trọng đến việc phát huy hạnh bố thí của đức Phật. Bố thí có ba lợi ích, một là để dứt trừ lòng tham, sân si của mình, hai là để cứu giúp những người cùng khổ và ba là để làm gương cho người đời noi theo. Bên cạnh đó, chư ni cũng cần phải vận động thêm những người cùng chí hướng để chăm lo gây dựng các giá trị đạo đức, nhân văn trong xã hội. Phải mở các lớp học tình thương để cứu vớt mê tâm, lập nhà dưỡng lão để chăm sóc những người già yếu, lập viện dục anh để nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, xây dựng phòng khám để cấp phát thuốc và chữa bệnh miễn phí cho những người nghèo khó. Làm được như vậy thì chư ni mới xứng đáng với danh dự của một người phật tử(9).

Ni sư Diệu Không: Ni sư thế danh là Hồ Thị Hạnh sinh năm 1905 tại xã An Phú, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, hiệu là Nhất Điềm Thanh. Thân phụ là Khánh Mỹ Quận Công Hồ Đắc Trung và thân mẫu là bà Châu Thị Ngọc Lương, gia đình có tất cả 11 anh chị em, bà là con gái út. Với tố chất thông minh, chăm chỉ cộng thêm việc được sinh ra vào buổi giao thời giữa hai nền văn hóa cũ và mới, Đông và Tây, nên Bà thông thạo Hán văn, Pháp văn và am hiểu về nhiều lĩnh vực khác như chính trị học, triết học v.v…Năm 1932, Bà xuất gia với Hòa thượng Giác Tiên, được Hòa thượng Bổn Sư đặt pháp hiệu là Diệu Không và bà cũng là vị ni độc nhất được tham dự vào lớp học ở Chùa Trúc Lâm do Ngài Phước Huệ dạy(11).

Như đã trình bày ở trên, bà là một trong những thành viên cùng với Hòa thượng Giác Tiên, cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám v.v…sáng lập Hội An Nam Phật học ở Trung Kỳ.

Ngoài ra, Ni sư cũng là một cây bút chủ lực của tạp chí Viên Âm. Qua khảo cứu sơ bộ trên Tạp chí Viên Âm, học viên đã tìm được 17 bài viết của bà với các thể loại văn xuôi, thơ phú.

Ni sư Huệ Tâm: “Ni sư Huệ Tâm, thế danh là Nguyễn Thị Khuê, sinh năm 1911 tại Hưng Yên, trong một gia đình danh gia thế phiệt, cha là ông Tham Cảnh. Thuở nhỏ Ni sư được đi học chữ Quốc Ngữ và chữ Pháp. Năm 13 tuổi theo gia đình sang Trung Quốc, đến năm 15 tuổi trở về quê hương.

Năm 16 tuổi, vì gia cảnh thương tâm, Ni sư phát tâm xuất gia học đạo. Năm 19 tuổi thọ giới Thức xoa ma na và tập học Luật thọ giới Tỳ kheo ni, thầy truyền cho pháp danh Huệ Tâm. Năm 1933, Ni sư vào Nam học đạo, gặp Hòa thượng Khánh Hòa ở chùa Linh Sơn, Ngài có biên thư giới thiệu Ni sư tới chùa Viên Giác (Bến Tre). Trong thời gian lưu trú tại Nam kỳ, Ni sư được học gia giáo với các vị tôn túc như: Hòa thượng Khánh Hòa ở chùa Tiên Linh, Hòa thượng Huệ Quang chùa Long Hòa (Trà Vinh), chùa Thiên Phước ở Cần Thơ, chùa Viên Giác ở Bến Tre…

Đến tháng 1/1935 Ni sư Huệ Tâm trở ra Bắc. Thời điểm này ở Bắc kỳ, Hội Phật giáo đã được thành lập, lãnh trách nhiệm chấn hưng Phật giáo Ni sư Huệ Tâm có đăng đàn thuyết pháp”(12).

Trong suốt cuộc đời tu học ngắn ngủi của mình, Ni sư đã để lại hai bài viết, với nhan đề: “Chúng ta nên tín ngưỡng Phật pháp, tín ngưỡng Phật pháp không phải là mê tín” và bài “Các hội Phật học nên hiệp nhất”. Qua hai bài viết này, học viên cảm nhận được Ni sư là một người hết sức nhiệt huyết với tiền đồ của Phật giáo. Chỉ riêng với bài “Các hội Phật học nên hiệp nhất” cũng đủ để thấy sự trăn trở của bà đối với đạo Pháp. Bà viết: “cái cốt yếu cần phải làm trước để cho thiên hạ trông vào là các Hội cần phải thiệt hành chủ nghĩa lục hòa, hiệp nhất cùng nhau đặng chung lo Phật sự”(15). Bà cũng đề xuất cách thức thực hiện như sau: “các Hội Phật học và các sơn môn trong 3 kỳ cử đại biểu của mình, các đại biểu này sẽ liên hiệp với nhau trong một đại tùng lâm. Đại tùng lâm sẽ họp 3 năm một lần hoặc 1 năm một lần để cùng nhau thảo luận và bàn định chương trình hoằng pháp của mỗi xứ cho thích hợp với trình độ dân chúng”(16). Từ đó Ni sư cũng nêu lên những việc làm cụ thể để các Hội có sự hiệp nhất, bao gồm bốn việc:

1. “Giảng - biệt Phật pháp và ngoại đạo 2. Định rõ giới – tướng và phẩm cách của các bậc xuất gia 3. Định rõ giới – tướng và bổn phẩn của các bậc tại gia 4. Kiểm soát những cơ quan tuyên truyền Phật giáo”(17).

Ở mỗi việc, Ni sư đã nêu ra những chương trình chi tiết, như ở mục Kiểm soát những cơ quan tuyên truyền Phật giáo, Ni sư chỉ ra cần phải có Hội đồng đại biểu để kiểm soát những cơ quan ngôn luận. “Hội đồng đại biểu phải mời những ông chủ bút hay chủ nhiệm các san chí kia đến hạch hỏi về Phật pháp, ông nào quán thông giáo lý thì được hội đồng giới thiệu san chí cho cả tín đồ Phật giáo”(18). Nếu tòa soạn nào mà không cử người đến dự hạch hoặc không đạt yêu cầu cuộc thi thì Hội đồng sẽ khuyên họ nên đình bản và sẽ tuyên bố cho công chúng biết là tờ báo ấy không đúng Phật pháp.

Có thể nói, Tỷ khiêu ni Huệ Tâm là người đầu tiên trong Ni giới đề xướng vấn đề thống nhất Phật giáo Việt Nam. Và bà đã dấn thân không mệt mỏi vào sự nghiệp này: “Tôi trực tiếp với thiền gia ngoài Bắc trong Nam ngót 10 năm trời, biết rõ nội dung nên phát sinh ý kiến như vậy”(19).

Tạm kết

Với những đóng góp của nữ giới, đặc biệt là của các vị ni sư tiêu biểu đã thể hiện được tinh thần hi sinh, phụng sự cho đạo pháp và dân tộc. Mang thân phận nữ nhi nhưng một bộ phận nhỏ trong số họ luôn canh cánh trong lòng nỗi lo về vận mệnh của đất nước, sự hưng suy của đạo Phật. Qua đấy, chúng ta cũng thấy được rằng với những thành tựu mà phong trào chấn hưng đã đạt được có một phần không nhỏ đóng góp của hàng nữ nhi, đặc biệt trong việc trợ duyên cũng như là thành viên sáng lập Hội. Mặc dù còn khá khiêm tốn nhưng chấn hưng Phật giáo chính là cơ hội để nữ giới vươn lên, khẳng định vai trò của mình.

Thích Nữ Huệ Lợi Học viên Cao học khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 3.2022 ***

CHÚ THÍCH: (1) Thích Nữ Diệu Không, “Hồi ký của Sư Bà Thích Nữ Diệu Không (từ 1911 đến 1985)”, phiên bản điện tử của Hồ Đắc Duy, http:// chimvie3.free.fr/61/hdds_HoiKySuBaDieuKhong_061.htm, truy cập ngày 25/8/2021. (2) Thích Nữ Diệu Không, “Hồi ký của Sư Bà Thích Nữ Diệu Không (từ 1911 đến 1985)”, phiên bản điện tử của Hồ Đắc Duy, http:// chimvie3.free.fr/61/hdds_HoiKySuBaDieuKhong_061.htm, truy cập ngày 25/8/2021. (3) Thích Nữ Diệu Không, “Hồi ký của Sư Bà Thích Nữ Diệu Không (từ 1911 đến 1985)”, phiên bản điện tử của Hồ Đắc Duy, http:// chimvie3.free.fr/61/hdds_HoiKySuBaDieuKhong_061.htm, truy cập ngày 25/8/2021. (4) Thích Nữ Diệu Không, “Hồi ký của Sư Bà Thích Nữ Diệu Không (từ 1911 đến 1985)”, phiên bản điện tử của Hồ Đắc Duy, http:// chimvie3.free.fr/61/hdds_HoiKySuBaDieuKhong_061.htm, truy cập ngày 25/8/2021. (5) Diệu Tịnh (1935), “Bài diễn văn hôm đại hội của Hội Nam Kì Nghiên cứu Phật học”, Từ Bi Âm, số 79, tr.37-43. (6) Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, hồ sơ, D.56, 58. (7) Ninh Thị Sinh (2020), “Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc Kỳ Trường hợp hội Phật giáo (1934-1945)”, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.274. (8) Tỳ Kheo Ni Như Đức biên soạn (2009), Lược sử Ni giới Bắc Tông, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.36. (9) Diệu Tịnh (1937), “Bài giảng tại chùa Linh Sơn hôm nhóm ngày đại hội”, Từ Bi Âm, số 126, tr.35-42. (10) Thích Nữ Diệu Không, “Hồi ký của Sư Bà Thích Nữ Diệu Không (từ 1911 đến 1985)”, phiên bản điện tử của Hồ Đắc Duy, http:// chimvie3.free.fr/61/hdds_HoiKySuBaDieuKhong_061.htm, truy cập ngày 25/8/2021. (11) Thích Nữ Diệu Không, “Hồi ký của Sư Bà Thích Nữ Diệu Không (từ 1911 đến 1985)”, phiên bản điện tử của Hồ Đắc Duy, http:// chimvie3.free.fr/61/hdds_HoiKySuBaDieuKhong_061.htm, truy cập ngày 25/8/2021. (12) Ninh Thị Sinh, “Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc Kỳ Trường hợp hội Phật giáo (1934-1945)”, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2020, tr.276-277. (13) Bài giảng này trích lục ở báo Đông Pháp số 2966 ngày 17, 18 năm 1935 do Ni sư Huệ Tâm giảng tại Chi hội Phật giáo ở chùa Đồng Quang, Hà Đông. Và được L.T.S trích lại nguyên văn đăng trên Tạp chí Viên Âm số 13. (14) Huệ Tâm (1935), “Các hội Phật học nên hiệp nhất”, Tạp chí Viên Âm, số 17, tr.4-11. (15) Huệ Tâm (1935), “Các hội Phật học nên hiệp nhất”, Tạp chí Viên Âm, số 17, tr.5. (16) Sđd, tr.5. (17) Sđd, tr.5 (18) Sđd, tr.10. (19) Sđd, tr.11.

TÀI LIỆU THAM KHẢO: (1. Diệu Tịnh (1935), “Bài diễn văn hôm đại hội của Hội Nam Kì Nghiên cứu Phật học”, Từ Bi Âm, số 79, tr.37-43. 2. Diệu Tịnh (1937), “Bài giảng tại chùa Linh Sơn hôm nhóm ngày đại hội”, Từ Bi Âm, số 126, tr.35-42. 3. Huệ Tâm (1935), “Các hội Phật học nên hiệp nhất”, Tạp chí Viên Âm, số 17, tr.4-11. 4. Ninh Thị Sinh (2020), “Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc Kỳ Trường hợp hội Phật giáo (1934-1945)”, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội. 5. Thích Trung Hậu -Thích Hải Ấn, Chư Tôn Thiền Đức & Cư Sĩ Hữu Công Phật Giáo Thuận Hoá, tập 2, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. 6. Thích Nữ Diệu Không, “Hồi ký của Sư Bà Thích Nữ Diệu Không (từ 1911 đến 1985)”, phiên bản điện tử của Hồ Đắc Duy http:// chimvie3.free.fr/61/hdds_HoiKySuBaDieuKhong_061.htm, truy cập ngày 25/8/2021. 7. TKN. Như Đức biên soạn (2009), Lịch sử Ni giới Bắc Tông Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. 8. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, hồ sơ, D.56, 58