Tác giả: Thích Nữ Giới Chân

Đức Phật là bậc đạo sư vĩ đại xuất hiện ở đời, nhân duyên đó được thể hiện qua bốn phạm trù: Khai-thị-ngộ-nhập tri kiến Phật.

Giáo pháp mà Ngài truyền giảng nhằm mục đích chỉ ra nguyên nhân của đau khổ, con đường đưa đến giải quyết khổ đau, đồng thời đem lại lợi ích an lạc, hạnh phúc và giải thoát cho con người. Đức Phật dạy: “Các ngươi hãy trở về nương tựa chính mình và nương tựa chính pháp. Chính pháp là con đường đi ra khỏi khổ đau và đi vào hạnh phúc”. Chính pháp của Phật dạy hướng đến nếp sống thuần thiện vô nhiễm, một nếp sống đạo đức hoàn hảo, tạo nên những con người hướng thượng xây dựng xã hội nhân văn nhân bản.

Trải qua gần 3000 năm lịch sử, hình ảnh đấng Từ Phụ và Thánh đoàn Tăng già tưởng chừng như đã cách quá xa, nhưng âm ba và hình bóng đó vẫn lưu lại mãi trong ký ức của mỗi con người. Như hoa Ưu Đàm tuy đã rời cành nhưng vẫn tỏa ngát mùi hương giải thoát; như ánh dương chưa một lần tắt lặn; là chân lý tồn tại mãi không cùng.

Giáo pháp vi diệu ấy vẫn mãi lung linh và sáng soi cho nhân loại, nhưng cũng có lắm kẻ chưa một lần nhận ra được vầng dương ấy nên mãi quờ quạng trong bóng đêm mờ mịt, lặn hụp trong biển khổ mê mờ. Khác nào tìm trăng huyễn trong bóng nước, kiếm hoa ảo chốn gương soi.

Ảnh: St

Chính pháp được truyền nối bởi tăng già, tăng già là rường cột của ngôi nhà Phật giáo, là người thay thế đức Phật nối truyền ngọn đèn chính pháp ở thế gian. Sự tồn tại của tăng già là sự tồn tại của chính pháp. Đại Sư Thái Hư dạy rằng: “Chỉ mong cầu quả Phật, song thành tựu hay không là ở nơi nhân cách; nhân cách thành tựu thì quả Phật thành tựu, đây chính là cách thực tế chân thật”. Được mệnh danh là sứ giả của đức Như Lai, mang trong mình sứ mạng hoằng dương chính pháp, người Xuất gia còn phải sống và thể hiện tinh thần của một con người mẫu mực làm mô phạm cho xã hội. Muốn như vậy thì người xuất gia cần phải tinh chuyên nghiêm trì Giới Luật, tác phong oai nghi phải đĩnh đạc trong tu học. Trong thời đại vật chất ngày nay, người xuất gia cũng phải ý tứ hơn trong vấn đề ăn-mặc. Để tránh sự cơ hiềm của thế tục, xa hoa bóng bẩy quá cũng không được, lôi thôi lếch thếch cũng không nên. Đây cũng là một ý khác trong nghĩa Trung Đạo của Phật giáo. Chư Phật, Tổ đã thiết tha chế Giới, trước tác văn từ sách tấn hậu bối chúng ta qua nhiều tác phẩm, mục đích giúp hành giả xây dựng nhân cách hoàn thiện bản thân, không chỉ tạo dựng đạo đức nội tâm mà còn thể hiện tướng. Còn sống và đi trên con đường Bát Chính Đạo mới có thể làm phúc cho đời, có thể dẫn dắt thói tục.

Lập cho mình một thời khóa tu tập riêng, siêng năng tụng kinh bái sám ngoài thời khóa cùng đại chúng, nỗ lực khắc phục những nhược điểm yếu kém của bản thân để oai nghi được thành tựu, hoàn thiện nhân cách. Thì từ đó chúng ta mới hoằng pháp được cho người khác. Người hoằng pháp là phải hoàn thiện được nhân cách của mình thì khi đó mới có thể giáo hóa được tha nhân. Xã hội ngày nay đang trên đà phát triển toàn diện, tỉ lệ thuận với sự phát triển đó là những tệ nạn phát sinh. Do đó, người xuất gia Phật giáo đà vượt ra ngoài thế gian nhưng cũng không tách rời thế gian. Người tu sĩ phải luôn gần gũi giúp đỡ mọi người, truyền trao Ngũ giới, giảng giải và khuyên nhủ họ sống theo tiêu chí mà Ngũ giới đề ra. Tùy theo căn cơ của mỗi đối tượng để thi thiết phương pháp giáo dục. Đây là tinh thần “Khế lý-khế cơ” của đạo Phật, lấy cuộc đời làm đối tượng tu tập, lấy những người cùng sống làm bạn lữ, tự thân người đó phải tu tập hoàn hảo về Thân, khẩu, ý. Thân, khẩu, ý, hành của họ là một bài pháp giáo dục cho người khác, cần phải quán triệt thấu đáo về đối tượng được giáo hóa, họ đang ở trong hoàn cảnh nào, điều kiện ra sao và nhất là phải biết rõ họ đang cần gì. Nắm rõ điều kiện đời sống, tâm sinh lý của mỗi lớp người thì sự nghiệp hoằng pháp mới có thể đi đến thành công. Cần giúp người chỉ ra được nguyên nhân gây nên sự khổ đau, đồng thời mở các khóa tu học, tổ chức các chương trình ca nhạc văn nghệ, vui chơi giải trí lành mạnh nhằm giúp mọi người có được mái ấm tâm linh, từ đó hướng về nguồn tâm vi diệu của mình hằng tránh xa những tệ nạn.

Trước thực trạng đó, người xuất gia là một tế bào của xã hội, cần phải làm gì để góp phần ngăn chặn vấn đề này?

* Trước hết người tu sĩ Phật giáo cần hoàn thiện đời sống tu học, mới có sức giáo hóa.

* Cần sự đồng thuận và hợp tác từ các bậc làm cha mẹ.

* Lắng nghe ý kiến và nắm bắt nhu cầu của thanh thiếu niên, trao những gì các con muốn và ngăn chặn những điều không cần thiết.

* Kêu gọi thanh thiếu niên tham gia các đạo tràng tu tập, các hoạt động cộng đồng để tạo cho các em thêm niềm tin và thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn.

* Sử dụng nhiều phương diện thiện xảo và khéo léo để khai mở cho lớp trẻ về với đạo Phật. Thể hiện tinh thần của Phật giáo qua Tứ Nhiếp Pháp.

* Vốn quý báu sẵn có lớn nhất của giáo hội đó là Gia Đình Phật Tử, chúng ta nên triển khai như thế nào để mang lại lợi ích cho bộ phận thanh thiếu niên.

* Tổ chức những buổi tu tập, hội họa về Phật giáo, Games show Phật pháp, chương trình từ thiện, giúp đỡ sinh viên nghèo.

* Tổ chức ăn chay, trà đạo và đọc sách cho lớp trẻ.

* Tổ chức chương trình vì môi trường, trồng cây.

* Đặc biệt là đào tạo hàng ngũ xuất gia trẻ có được chuyên môn để phục vụ công việc giảng dạy cho giới trẻ.

* Tin tưởng rằng, nếu có những định hướng đúng đắn và thực hiện đồng bộ của các Ban ngành có thẩm quyền thì chắc chắn thế hệ trẻ hiện đang sai lạc và những thế hệ tiếp nối sẽ được niềm tin để trở thành những người có ích cho gia đình và xã hội.

Người xuất gia phải là người cương trực, ngay thẳng, tác phong đỉnh đạc. Đó là sự mong mỏi về một tầng lớp mô phạm cho đời, phải là người thoát tục không đắm nhiễm bất kỳ một hình thức nào của thế tục. Sống cuộc sống thanh bần, không chạy theo xu hướng của xã hội, không vướng bận vào sắc tài. Tu sĩ phải làm gì để đáp lại sự mong mỏi đó của người Phật tử? Đức Phật dạy:

“Trước hết tự đặt mình Vào những gì thích đáng Sau mới giáo hóa người Người trí khỏi bị nhiễm”.

Chúng ta không phải là bậc Bồ tát nhập thế độ sinh, chưa đạt đến khả năng “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” nên chưa thể xem “trà đình tửu điếm vô phi thanh tịnh đạo tràng”. Vì vậy, trong hạn cuộc của thế sự, người xuất gia giữ cho mình những chuẩn mực nhất định để phát huy ánh đạo và giữ giềng mối đạo đức cho đời. Ở hạn cuộc đó, người xuất gia cần biết “đến nơi cần đến, làm việc cần làm, ăn thứ nên ăn, uống loại nên uống…”. Đồng thời tu tập Giới, Định, Tuệ và bước đi trên con đường Bát Chính, mới xứng đáng là đệ tử Phật, không phụ công ơn của chúng sinh và tín thí đàn na. Người xuất gia học Phật cần chuẩn bị hành trang trên bước đường phụng đạo giúp đời.

“Nếu có tấm thân sáu thước mà không có trí tuệ thì Phật bảo là si Tăng, có ba tấc rưỡi mà không biết thuyết pháp thì Phật gọi là Á dương tăng, Tăng chẳng ra Tăng, Tục chẳng ra tục thì Phật gọi đó là Ô thử tăng, hay còn gọi là cư sĩ trọc”. Cho nên, mỗi một cá nhân hãy tự sách tấn, tự cứu vớt chính mình, tự cứu rỗi bản thân. Nếu không như thế thì chỉ có y phục hình thức của Tăng mà thôi, khác nào: “lông là chim cắt mà lại bắt chước tiếng hót của chim phượng”. Cần xác định cho mình một đường hướng sống với mục đích kết hợp cả hai lý tưởng giải thoát và hoằng pháp độ sinh, được như vậy mới không hổ với người và không thẹn với bản tính thanh tịnh sáng suốt vốn có của mình.

Trước cuộc thế nhiễu nhương, sự hiện hữu của Phật giáo như một dưỡng chất bù đắp sự thiếu hụt về mặt tâm linh mà con người đang dần lãng quên theo cuộc thế. Với chừng đó ý tưởng về con người và cuộc sống hôm nay.

Một nhà giáo dục Phật giáo hiện đại trong việc hoằng pháp không chỉ biết đến những kiến thức chuyên môn là đủ mà còn là một vị thầy “thông chuyện đạo, thạo chuyện đời”. Con người của thời đại này đòi hỏi kiến thức nhận được phải vừa nuôi sống bản thân, vừa phải cân bằng trạng thái tâm lý, thì có thể ung dung đi vào đời để độ sinh, hoàn thành chí nguyện: “niệm niệm thượng cầu Phật đạo, tâm tâm hạ hóa chúng sinh”.

Phật giáo ra đời nhằm mục đích như lời Ngài dạy: “Hãy ra đi này các Tỳ Kheo, vì sự an lạc và hạnh phúc cho số đông, vì sự tốt đẹp cho đời, vì an lạc và hạnh phúc cho chư Thiên và loài người”. Theo lời khuyên bảo của đức Từ Phụ, nhiều phái đoàn Tăng già đã mang sứ mệnh hoằng pháp lợi sinh, ban trải lòng từ bi và trí tuệ, khiến pháp giới nhân sinh được thêm nhuần cơn mưa pháp.

Tiếp nối truyền thống thiêng liêng ấy, Tăng đoàn ngày nay kế thừa và phát huy ánh đạo nhiệm mầu trong quần chúng nhân loại. Xã hội ngày nay đang trên đà phát triển cực điểm với những thành tựu khoa học công nghệ, những cung điệu sống của xã hội có thể lỗi nhịp trong sự phát triển đó, song Phật giáo vẫn là nốt thăng trong khúc nhạc đời và sánh bước vững vàng với văn minh khoa học hiện đại. Khoa học gia, triết học lỗi lạc người Đức, Albert Einstein đã tuyên bố: “Nếu có một tôn giáo nào có thể đương đầu với khoa học hiện đại thì Tôn giáo đó là Phật giáo”.

Khoa học phát triển giúp đời sống con người trong xã hội được cải thiện đáng kể. Nhưng mặc khác, nó cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến xã hội lâm vào tình trạng khủng hoảng về nhiều mặt đặc biệt là về đạo đức nhân cách. Thế hệ người xuất gia trẻ, những người kế thừa nguồn tài sản vô giá của đức Thế Tôn đang bị những cám dỗ vật chất lung lạc. Vai trò và trách nhiệm của người xuất gia trong việc Hoằng pháp hiện nay phải sống thế nào, làm thế nào, khi làn sóng văn minh vật chất đang tấn công từ mọi phía? Như trước đã phân tích, người xuất gia cần thành tựu oai nghi, hoàn thiện nhân cách, nuôi dưỡng và phát triển tứ vô lượng tâm, tịnh hóa tam nghiệp, đồng thời cần học tập trau dồi và phát triển Ngũ Minh. Sống bằng cái nhìn của một người có tuệ giác, đại diện cho sự giáo dục toàn diện của Phật giáo, làm bậc mô phạm cho thế nhân noi theo.

Khi người xuất gia biết đem những giáo lý của Phật giáo để trang bị điểm tô cho tự thân và giáo dục con người xã hội ngày một thuần lương thì ngay lúc ấy đã hoàn thành thệ nguyện sở hành của mình. Sở nguyện đó như một vườn hoa ngát hương quyện tỏa đẩy lùi bao cấu uế bất tịnh của cõi đời ô trược. Đó là con đường để hoàn thiện tự thân, cải tạo xã hội và là chính nhân khiến Phật pháp vĩnh trụ ở thế gian.

Tác giả: Thích Nữ Giới Chân ***

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. HT. Thích Minh Châu, Kinh Trường Bộ 3, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, năm 1991. 2. HT. Thích Minh Châu, Kinh Pháp cú, câu 158, Nxb Tôn Giáo, TPHCM, năm 2000. 3. HT. Thích Minh Châu, Kinh Pháp cú, câu 408, Nxb Tôn Giáo, TPHCM, năm 2000. 4. HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung bộ I, Giáo Giới La Hầu La ở rừng Ambula, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, ấn hành, năm 1995. 5. H.T. Thích Trí Tịnh dịch, Kinh Đại Bát Niết Bàn II, Nxb Tôn giáo. 6. HT. Thích Minh Thông, Theo Dấu Chân Xưa, Nxb Đồng Nai, năm 2015. 7. Sa môn Thích Nhật Từ, 423 lời vàng của Phật, Đạo Phật Ngày Nay, Nxb Hồng Đức.