Tác giả: Ths.Thích Đạo Tâm (Phạm Văn Bắc)

Tóm tắt

Địa Tạng kinh giải thích Hoa ngôn đây là một trong 20 tác phẩm dịch Nôm lớn của Hương Hải thiền sư, được nhắc tới trong Hương Hải Ngữ Lục và trong Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn với tên gọi là Giải Địa Tạng kinh.

Đây là tác phẩm dịch Địa Tạng Bản Nguyện Công Đức Kinh bằng Hán văn sang chữ Nôm – tiếng Việt đầu tiên được biết cho tới hiện nay. Văn bản này có giá trị rất lớn về nhiều mặt như: Nghiên cứu về chữ Nôm – Tiếng Việt, văn học Phật giáo trong quá trình phát triển của lịch sử tiếng Việt.

Tác phẩm còn có giá trị trong việc nghiên cứu tư tưởng Kinh Địa Tạng ở thời đại đương thời và cả quá trình sau đó trong tín ngưỡng, tư tưởng  của Phật giáo Việt Nam. 

Từ khóa: Hương Hải thiền sư, kinh Địa Tạng, Giải địa tạng kinh, Địa Tạng kinh giải thích Hoa ngôn, thiền sư Hoa Quang Như Nguyệt, kinh Địa Tạng dịch Nôm. 

1. Dẫn nhập

Phật Giáo Việt Nam nói riêng và các nước Phật giáo Bắc truyền nói chung thì các hình ảnh tứ đại Bồ tát rất đỗi quen thuộc là: Quán Thế Âm Bồ tát, Văn Thù Sơ Lợi Bồ tát, Phổ Hiền Bồ tát, Địa Tạng Bồ tát, bốn vị Bồ tát này tiêu biểu cho: Bi, Trí, Hạnh, Nguyện trong Phật giáo.

Địa Tạng phạm văn Ksitigarbha; Ksiti có nghĩa là: Trụ xứ, cư xứ, gia, đại địa, thổ địa; garbha Hán dịch là: Thai, tàng, thai tàng, bào thai.

Như vậy, Ksitigarbha đây là danh từ mang ý nghĩa hợp từ, có thể hiểu là: sự tàng chữ cất chứa của đất. trong Địa Tạng thập kinh luận nói: “An nhẫn bất động như đại địa, tĩnh lự thâm mật như bí tạng” ( 安忍不動如大地,靜慮深密如秘藏) (1)– có nghĩa là: Chịu đựng yên an không lay động như đại địa, yên lặng thầm kín như kho tàng bí mật, cho nên gọi là Địa Tạng.

Tên gọi này là ẩn dụ cho danh hiệu Địa Tạng Bồ tát cũng đầy đủ đức của đất như: Năng chứa bảo vật vô cùng vô tận, kiên cố bất hoại, nuôi dưỡng sinh trưởng vạn vật..., cũng mang hàm nghĩa hàm tàng hết thảy trủng tử bồ đề, năng sinh dưỡng trủng tử thiện căn của chúng sinh. 

Địa Tạng bản nguyện công đức kinh là bản kinh được đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết tại cung trời Đao Lợi, vào mùa an cư cuối cùng trước khi đức Phật nhập niết bàn. Duyên khởi vì ngài muốn độ cho Thánh mẫu Ma Da. Ở pháp hội này Ngài đã giảng nói về bản nguyện của Đức Địa Tạng Bồ tát, và phó chúc độ sinh cho Địa Tạng Bồ tát sau khi Ngài nhập niết bàn. Địa Tạng Bồ tát đã phát thệ nguyện “Địa ngục vị không thệ bất thành Phật, chúng sinh độ tận phương chứng bồ đề” – Nghĩa là: Đia ngục chưa không thề chưa thành Phật, chúng sinh chưa độ hết không chứng Bồ đề. do vậy Ngài là hình ảnh tiêu biểu của đại Nguyện. 

Địa Tạng bản nguyện công đức kinh gồm 3 quyển với 13 phẩm, được coi là bản kinh tiêu biểu cho tinh thần hiếu đạo. Bản kinh này với những nội dung tinh thần chủ đạo là: Tinh thần hiếu đạo thông qua tấm gương hiếu hạnh của tiền thân đức Địa Tạng. Nói rõ nhân quả nghiệp báo thiện ác của chúng sinh trong cõi diêm phù đề. Nói về phương pháp tu tập, thực hành để cứu độ người mất, người sống.v.v. Do vậy đây là bản kinh từ xưa tới nay được phật giáo đồ tin chuộng tu học, tụng niệm phổ biến trong các tự viện, đạo tràng, cùng với các kinh như: Kinh Phổ Môn, kinh Di Đà, Kinh Dược Sư, Kinh Pháp Hoa...

Bản kinh này được dịch ra Hán văn từ rất sớm các nhà nghiên cứu cho rằng từ thế kỷ thứ 3 kinh này đã được dịch và hoằng truyền ở Trung Quốc, tuy nhiên phải cho đến thời nhà Tùy, Đường kinh này mới được phổ biến rộng rãi, sau đó trở thành tín ngưỡng Địa Tạng cho tới ngày nay.

Các bản dịch Hán văn hiện nay vẫn được lưu truyền là: Thứ nhất là bản dịch của Pháp Cự, dịch vào khoảng thời gian 290-306. Hai là, bản dịch của Pháp Đăng, khoảng thế kỷ thứ 7. Ba là, bản dịch của Thực Xoa Nan Đà, thời gian dịch 695-704. 

Ở tại Việt Nam bản kinh này có lẽ đã du nhập và được truyền bá từ rất sớm. Đặc biệt văn bản Địa Tạng Kinh giải thích Hoa ngôn (Giải Địa Tạng kinh) của Hương Hải Thiền sư, là bản kinh Địa Tạng được dịch ra chữ Nôm -Tiếng Việt rất đặc sắc và có giá trị lớn. 

2. Tình hình văn bản

Hương Hải thiền sư là một trong những tác giả quen thuộc trong giai đoạn văn học thế kỷ XVIII. Cuộc đời và sự nghiệp trước của Ngài được Lê Quý Đôn nhắc tới trong Kiến Văn Tiểu Lục. Tác phẩm Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam (Nguyễn Tài Thư chủ biên), xuất bản lần đầu năm 1988, tại Nxb Khoa học xã hội, tái bản năm 2022, tại Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, và tác phẩm Phật giáo Việt nam từ khởi nguyên đến năm 1981 của Nguyễn Đại Đồng, Nxb Tôn giáo, 2018.

Hai tác phẩm này đều nói tới thân thế sự nghiệp và nêu tên các tác phẩm trước tác của Hương Hải. Toàn Tập Minh Châu Hương Hải của Lê Mạnh Thát, Nxb TP Hồ Chí Minh, 2000.

Tác phẩm này đã tìm hiểu phân tích, đánh giá rất công phu về cuộc đời và sự nghiệp của Minh Châu Hương Hải. Lê Mạnh Thát cũng căn cứ vào Hương Hải Thiền Sư Ngữ Lục đã nêu danh sách trước tác của Hương Hải gồm 20 tác phẩm.

Tuy nhiên, trong số đó thì: “20 tác phẩm gồm cả thảy 30 quyển do Minh Châu Hương Hải đã diễn giải bằng tiếng Việt dưới dạng văn xuôi và thơ. Trong số này, ta hiện mới tìm được 4 tác phẩm, đó là Giải Kim Cang kinh lý nghĩa, Giải Di Đà kinh, Giải Tâm kinh ngũ chỉ và Soạn Sự lý dung thông, cùng với Hương Hải thiền sư ngữ lục”(2). Lê Mạnh thát cũng đã công bố 4 tác phẩm trên. 

Về văn bản kinh Địa Tạng hiện có lưu trữ trong thư viện của Viện nghiên cứu Hán Nôm thuộc Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam mà chúng tôi tra cứu thấy có một số bản như sau:

1. ĐỊA TẠNG BẢN HẠNH - 地臧本行, 3 bản in, 26 tr., 17x12.  Ký hiệu AB.44 do Thịnh Văn Đường in năm Tự Đức 28(1875) (đóng chung với AB. 45, AB. 46, AB. 48). 
MF. 1122. Truyện thơ Nôm, gồm 568 câu 6-6, kể hành trạng của Mục Liên Địa Tạng Bồ Tát. 

2. ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BẢN NGUYỆN KINH 地 藏 菩 薩 本 願 經. Ký hiệu AC.361: chùa Long Đậu in năm Minh Mệnh 6 (1825), gồm 183 tr., 32 x 12.

3. ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BẢN NGUYỆN KINH 地 藏 菩 薩 本 願 經. Ký hiệu AC.139: Tất Sô Ni Diệu Lan in lại tại chùa Linh Quang, Hà Nội năm Tự Đức 26 (1873), 172 tr., 31 x 19.

4. ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BẢN NGUYỆN KINH 地 藏 菩 薩 本 願 經. Gồm hai bản in. Ký hiệu AC.281: chùa Kim Liên, Hà Nọi in năm Tự Đức 31 (1878), 168 tr., 32 x 12.

5. ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BẢN NGUYỆN KINH YẾU GIẢI  / 地臧菩薩本願經要解. 2 bản in (bộ 2Q: Thượng và Hạ). Một quyển ký hiệu AC. 500: 78 tr: 27 x 15, và một quyển ký hiệu AC. 415: 200 tr. 27 x 15. DoTừ Quang Lan Nhược Sa môn Thích Pháp Chuyên  / 慈光蘭若沙門釋法專 soạn thuật. Nội dung Giải nghĩa chú thích kinh Địa Tạng do Sa môn Thực Xoa Nan Đà  đời Đường dịch ra tiếng Hán. Cả 2 bản trên đây đều thiếu. Bản AC. 415 chỉ còn quyển Thượng. Bản AC. 500 chỉ còn phần phụ ở đầu sách (Lời tựa; Bài giải thích một số nhầm lẫn...) mà không có phần nội dung chính của sách, tức quyển Thượng và quyển hạ.

Như vậy, cho tới thời điểm hiện nay, văn bản Địa Tạng Kinh giải thích Hoa ngôn (Giải Địa Tạng kinh), được phát hiện là văn bản mới nhất chưa được công bố giới thiệu, qua khảo sát tra cứu của cúng tôi hiện chưa thấy văn bản nào khác (dị bản), có thể nói đây là độc bản hiện nay. 

Văn bản Địa Tạng Kinh giải thích Hoa ngôn của Hương Hải thiền sư chúng tôi có hiện nay, là văn bản đang được lưu tại chùa Hói – Linh Ứng Tự (thôn Cao Dương, xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương), đã được Trung tâm tư liệu Phật giáo chụp lưu trữ. Văn bản này tương tự như văn bản Diệu Pháp Liên Hoa Kinh giải thích phương ngữ ký hiệu AB.488 đều không thấy có bài tựa, hay bạt hậu ghi lại việc san khắc hay dịch Nôm. 

Mở đầu quyển thượng là 1 tựa của kinh, sau đó là phần kệ khai kinh, sau phần kệ khai kinh là phần chính kinh gồm 3 quyển là: Quyển thượng, quyển trung, và quyển hạ, tổng gồm 13 phẩm từ phẩm thứ nhất: Đao lợi thiên cung thần thông phẩm đệ nhất. Phẩm thứ hai là: Phân thân tập hội phẩm đệ nhị. Phẩm thứ ba là: Quán chúng sinh nghiệp duyên phẩm đệ tam .v.v.Cho đến phẩm thứ 13 là: Chúc lụy nhân thiên phẩm thập tam. Các phẩm này đều y cứ theo bản Hán dịch của ngài Thực Xoa Nan Đà. Duy nhất thấy ở cuối quyển hạ có nội dung như sau: “永盛五????歳在己丑冬孟月榖日頂禮謹識。 侍師與住道號華光法名如玥欽述寫”

“Vĩnh thịnh ngũ niên tuế tại Kỷ sửu đông mạnh nguyệt cốc nhật đỉnh lễ cẩn thức. Thị sư giữ trụ đạo hiệu Hoa quang pháp danh Như Nguyệt khâm thuật tả”. 

Tạm dịch: Niên hiệu năm Vĩnh Thịnh thứ 5(3), ngày lành tháng đầu mùa đông năm Kỷ Sửu, đỉnh lễ cẩn trọng ghi nhớ. Đệ tử hầu thầy cùng “giữ đạo” (kế đăng truyền thừa) hiệu là Hoa quang pháp danh Như Nguyệt kính vâng viết lại. 

Như vậy, có thể thấy văn bản này do thiền sư Hoa Quang Như Nguyệt là đệ tử kế dòng truyền thừa của Hương Hải thiền viết lại vào năm 1709 (Kỷ sửu). Tổng toàn bộ văn bản bao gồm khoảng 230tr, kích thước sách 27x15,5.  

Về hình thức của mỗi trang sách có hai mặt, mỗi một mặt có 8 cột chữ, chữ khắc to in đậm cỡ chữ khoảng 1x1, sau phần chính kinh Hán văn là phần dịch nôm của Thiền sư Hương Hải, phần chữ Nôm này, chữ nét nhỏ song cước khoảng 0,5x0,7 rõ ràng dễ đọc, lòng bát chữ kích thước 13x21. Tâm sách có ghi tên sách, quyển, dưới là ký hiệu số tờ. 

Phần cuối quyển hạ, từ trang 33a, cho tới trang 38b, gồm 12 trang ghi phương danh các tín chủ cúng dàng công đức, danh sách các tín chủ được phân chia theo địa danh như: 1. Cac tín chủ ở Dinh Hiến (33a). 2. Các tín chủ ở xã Hải Thiên huyện Tiên Lữ (35b). 3. Các tín chủ ở xã Nhật Chiêu huyện Bạch Hạc (36a). 

3. Một vài nhận định ban đầu

Địa Tạng kinh giải thích Hoa ngôn của Hương Hải Thiền sư, là bản kinh Địa Tạng được dịch chữ Nôm – tiếng Việt với hình thức văn xuôi, ra đời sớm nhất ở Việt Nam được biết đến cho tới hiện nay. Đây là một trong 20 tác phẩm lớn của Hương Hải thiền sư, được nhắc tới trong Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn và Hương Hải thiền sư Ngữ Lục là Giải Địa Tạng kinh. 

Văn bản này hình thức trình bày cũng tương tự như văn bản  Diệu Pháp Liên Hoa Kinh giải thích phương ngữ ký hiệu AB.488, tức là Hương Hải thiền sư dịch từng đoạn kinh ngắn, không theo đoạn dài, hay phân theo phẩm, hay tách riêng phần chữ Hán, mà đan xem giữa kinh văn chữ Hán và kinh văn dịch chữ Nôm. Cho nên, văn bản này không phù hợp trong việc tụng đọc (tụng kinh) trong nghi lễ Phật giáo, mà chỉ phù hợp như là bộ sách giáo khoa giảng dạy. Điều này không có gì là lạ, bởi lẽ khi Hương Hải hành đạo giáo hóa tại đạo tràng Nguyệt Đường có hàng nghìn Tăng ni, Phật tử sam học, thì việc giảng dạy kinh điển theo cách từng câu, từng đoạn là hoàn toàn phù hợp. 

Chữ Nôm trong văn bản này cũng tương đối dễ học, dễ hiểu, sự xuất hiện các thể loại từ cổ đã hạn chế...

4. Kết luận

Địa Tạng kinh giải thích Hoa ngôn của Hương Hải Thiền sư, có thể nói đây là một tác phẩm dịch Địa Tạng Bản Nguyện Công Đức Kinh bằng Hán văn sang chữ Nôm – tiếng Việt đầu tiên được biết cho tới hiện nay. Do vậy, văn bản này có giá trị rất lớn về nhiều mặt như: Nghiên cứu về chữ Nôm – Tiếng Việt trong quá trình phát triển của lịch sử tiếng Việt, Văn học Phật giáo.

Bên cạnh đó có giá trị rất lớn trong việc nghiên cứu tư tưởng Kinh Địa Tạng ở thời đại đương thời mà văn bản dịch Nôm này ra đời đối với trước đó và hiện nay. Do vậy, nó có vị trí nhất định trong dòng chảy lịch sử tư tưởng của Phật giáo Việt Nam. 

Văn bản Địa Tạng kinh giải thích Hoa ngôn của Hương Hải Thiền sư cần được tiếp tục nghiên cứu sâu hơn nữa, giúp chúng ta có cái nhìn đầy đủ hơn diện mạo nền văn học chữ Nôm – tiếng Việt của dân tộc mà thời kỳ nó ra đời. Bên cạnh đó, thông qua những tư tưởng được thể hiện trong văn bản, cũng cho chúng ta góc nhìn về phong trào học thuật, tư tưởng giáo lý của Phật giáo Việt Nam đương thời mà văn bản thể hiện. Có giá trị rất lớn trong việc tu học, tìm hiểu về sự hoằng truyền Kinh Địa Tạng của lịch sử Phật giáo Việt Nam. 

Tác giả: Ths Thích Đạo Tâm (Phạm Văn Bắc)

***

Tài liệu tham khảo:

1. Minh Châu Hương Hải dịch Nôm, ĐịaTạng kinh giải thích Hoa ngôn - 地藏經解釋言.

2. Lê Mạnh Thát, Toàn tập Minh Châu Hương Hải, Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh, 2000. 

3. HT.Thích Trí Tịnh dịch, Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bản Nguyện, Nxb Tôn giáo, 2016. 

Chú thích:

(1). 唐。玄奘譯,“大乘大集地藏十論經。字品”第一,《大正藏》十三冊,No,411,頁722a8-9

(2). Lê Mạnh Thát, Toàn tập Minh Châu Hương Hải, Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh, 2000. Tr25. 

(3). Vĩnh Thịnh thứ 5: là năm 1709, thời trị vì của Hoàng đế Lê Dụ Tông, thời Lê Trung Hưng.