Ăn chay là một phương thức tu tập hằng ngày, nhắc nhở ta về lòng từ bi. Ăn chay để cải thiện chính tâm thức ta, giúp cho tâm thức an bình hơn, từ đó vun bồi chất liệu của sự từ bi thương xót đến mọi loài chúng sinh.
Thích Quảng Như Học viên Thạc sĩ khoá V, Học viện PGVN tại Tp.HCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2023
Lời dẫn: “Nhất thiết chúng sinh, giai y ẩm thực” nghĩa là tất cả mọi loài đều phải nương vào việc ăn uống mới có thể sinh trưởng và phát triển. Đối với con người, ăn uống không chỉ dừng lại ở việc nuôi sống cơ thể mà còn thể hiện ở thực phẩm và phương thức thọ dụng làm sao để tăng trưởng trí tuệ và lòng từ bi, góp phần bảo vệ môi trường sống.
Ăn chay, nói cách khác không ăn thịt động vật, là một phần của việc thực hành giáo pháp; giữ gìn giới luật, trưởng dưỡng lòng từ bi. Đây là một trong số những pháp hành quan trọng của người phật tử trong cả hai truyền thống Phật giáo Nguyên thủy (PGNT) và Phật giáo Đại thừa (PGĐT). Từ khóa: Ăn chay, đạo Phật, Phật giáo Nguyên thủy, Phật giáo Đại thừa, thảo mộc, thịt…
Phật giáo nguyên thuỷ
Ngày nay, có người mặc định người nào tu theo PGĐT thì ăn chay và ngược lại PGNT là ăn mặn. Điều này không hẳn là đúng, bởi lẽ trong PGNT tồn tại những vị tôn túc trường chay thuần túy (strict vegetarians) như ngài Narada Maha Thera, tác giả của “Đức Phật và Phật Pháp” một cuốn sách nghiên cứu Phật học nổi tiếng.
Tại Việt Nam cũng có nhiều vị thầy lỗi lạc như cố Hòa thượng Thích Minh Châu, suốt đời của Ngài cũng trường chay.
Sự thật, trong tất cả các văn bản kinh điển của PGNT còn sót lại, vẫn chưa có giới luật nào ngăn cấm một hành giả tu học không được ăn thịt. Việc ăn hay không ăn thịt là một sự lựa chọn hoàn toàn mang tính cách cá nhân. Dẫn xuất trong Trung bộ kinh (Majjhima-Nikaya) có đề cập đến câu chuyện của Devadatta vì có ý định chiếm quyền lãnh đạo tăng đoàn. Devadatta đã cố gắng tỏ ra nghiêm khắc hơn cả đức Phật cũng như muốn chứng minh rằng đức Phật có phần dễ dãi trong việc ăn uống?!.
Devadatta đã trình lên đức Phật năm nguyên tắc thiểu dục và tri túc từ đó để chấn chỉnh nếp sống tăng đoàn. Năm điều này bao gồm các tỳ kheo tuyệt đối phải ăn chay, không được đụng tới thịt cá. Qua đó đức Phật đã bác bỏ hoàn toàn năm điểm ấy, bởi vì đạo Phật là một tôn giáo tự do, nên Ngài khuyên là để mỗi người tự mình quyết định việc ăn chay hay không. Rõ ràng đức Phật không coi việc ấy là một luật lệ hay một đạo lý quan trọng cũng như đức Phật cũng không đề cập gì về vấn đề ăn chay của các cư sĩ Phật giáo trong giáo lý của Ngài.
Có một lần tướng quân Siha là một tín đồ của Kỳ-na giáo, sau khi nghe những lời dạy của đức Phật ông đã xin Quy y Tam bảo và thỉnh đức Phật cùng chư tăng đến nhà dùng trai. Ðể sửa soạn cho bữa cúng dường đó, ông Siha ra lệnh người làm đi mua một số thịt ở chợ về chế biến. Thế nhưng, khi các vị tu sĩ Kỳ-na giáo biết được sự quy y Phật Pháp của tướng quân Siha và ông ta đang sửa soạn một bữa cơm cúng dường đức Phật, họ trở nên bực tức và nói rằng: “Ngày hôm nay tướng quân Siha đã giết một con vật béo, để dọn một bữa tiệc thiết đãi ẩn sĩ Cồ Ðàm (Ðức Phật). Ẩn sĩ Cồ Đàm đã cố ý ăn thịt từ con vật mà ông ta biết đã được giết để thiết đãi ông ta và các vị chư tăng đi theo; và việc này được thực hiện chỉ vì ông ta mà thôi”(1). Thế rồi, để xác định rõ thái độ về việc ăn thịt cho chư tăng, đức Phật dạy:
“Này chư Tỳ kheo, Ta cho phép các vị dùng thịt cá trong ba truờng hợp sau đây: thịt này phải chưa được các vị nhìn thấy, các vị chưa được nghe biết, hoặc giả chư vị không có gì phải nghi ngờ là con vật đó đã được sát sinh chỉ nhằm mục đích thiết đãi cho chư vị. Nhưng các vị không được cố tình sử dụng thứ thịt đã được giết chỉ dành cho các vị sử dụng mà thôi”(2).
Tương tự với bản kinh trên, trong mùa an cư thứ hai tại Ràjagaha, đức Phật có cuộc gặp gỡ với y sĩ Jivaka (Kỳ-bạt). Vị y sĩ đó đã hỏi đức Phật về thái độ của Ngài đối với việc sát sinh và cách dùng thực phẩm toàn rau quả (trường trai). Qua đó đức Phật đã xác chứng, “thịt không được nhận làm món khất thực trong 3 trường hợp nếu ta thấy, nghe và nghi (con vật ấy bị giết vì vị Tỳ kheo này) song nếu không phải các trường hợp trên thì vị Tỳ kheo có thể thọ dụng món thịt”(3).
Qua dẫn xuất việc ăn chay của Devadatta cũng như quan điểm của đức Phật trong hai đoạn kinh trên ta thấy được rằng PGNT quan niệm rằng ăn cách nào cũng được(4). Điều chính yếu ở đây là sự giải thoát không phải do nơi ăn, mà là do nơi việc thanh lọc tâm và vun bồi thiện nghiệp.
Nếu như ăn chay mà thân khẩu ý không thanh tịnh, giới luật không giữ gìn thì đâu gọi là chay. Đức Phật cùng giáo đoàn bấy giờ đều ăn theo truyền thống khất thực, xem việc ăn uống như một phương tiện để nuôi thân, để hành đạo, chứ không phải để hưởng thụ.
Mặt khác, Thế Tôn nhấn mạnh về sự khiếm khuyết về đạo đức giới hạnh của cá nhân còn nghiêm trọng hơn là việc ăn thịt. Trong Āmagandha hé mở một chi tiết khá thú vị về một Bà-la-môn giữ giới trường trai, nhưng khi đối diện với đức Phật Kassapa thì lại chỉ trích những tội lỗi của việc sử dụng cá thịt. Nhân đó đức Phật Kassapa đã trả lời rằng, đồ ăn hôi thối (āmagandha) không phải là cá thịt mà chính là sự ô uế của thân tâm biểu hiện bằng 10 nghiệp bất thiện của thân, khẩu và ý. Chính sự cấu uế này đa hủy hoại tư cách đạo đức của một người chứ không phải vì ăn thịt cá:
“Sát sinh và hành hình Ðả thương và bắt trói Trộm cắp và nói láo Man trá và lừa đảo Giả bộ kẻ học thức Ði lại với vợ người Ðây là đồ ăn thối Ăn thịt không phải thối”(5).
Thật ra, mục đích căn bản của đạo Phật về mặt giới luật là tránh làm mọi điều ác, làm tất cả việc lành, giữ tâm được trong sạch. Sự giác ngộ giải thoát chẳng phải do việc ăn chay hay ăn thịt, mà là do sự trong sạch của thân khẩu ý. Phàm tất cả những việc gì có hại đối với thân tâm, gia đình, xã hội, quốc gia, nhân loại, cho đến tất cả chúng sinh hữu tình, đều bị chi phối bởi năm giới đức căn bản, mà giới cấm sát sinh là giới cấm đầu tiên của đạo Phật.
Phật giáo Đại thừa
Đến khi Phật giáo du nhập vào Trung Hoa vào thế kỷ thứ 2 sau kỷ nguyên Tây lịch thì PGĐT vẫn chưa được thiết lập. Đứng trước một bối cảnh xã hội khác với Ấn Độ, khi đời sống hằng ngày của chư tăng không phụ thuộc vào việc khất thực, thì việc chọn thức ăn lúc bấy giờ lại là một vấn đề. Dấu mốc quan trọng đối với việc ăn chay của PGĐT cho đến ngày nay đó là sự xuất hiện của vua Lương Võ Đế một ông vua thâm tín Phật Pháp. Vì muốn ứng dụng tinh thần từ bi của Phật giáo vào trong đời sống của nhân dân, trước nhất là giới tăng sĩ. Do đó ông đã hạ chiếu chỉ “đoạn sát tiệt tông miếu hy sinh chiếu” nghĩa là tuyệt đối đoạn tận việc giết thú vật đối với các tự viện.
Cấm tất cả các tự viện Phật giáo dùng thịt của súc vật để tế tự, cấm chỉ tất cả thái y dùng sinh mạng của súc vật còn sống làm thuốc trị bệnh, kể cả trị bệnh cho quốc vương. Cũng từ đây, Lương Võ Đế chấp bút soạn ra “đoạn tửu nhục văn”(6), trong đó trình bày rõ nguyên nhân của việc đoạn tửu nhục, đề phòng ngăn ngừa những kẻ mượn cớ giết hại súc vật để cúng tế thần thánh...
Trong bài Đoạn tửu nhục văn, ngoài việc dẫn chứng từ kinh Niết Bàn, Lăng Nghiêm, Ương Quật Ma Mộng, Lương Võ Đế còn đưa ra nhiều lý do có cơ sở hợp lý để thuyết phục tăng lữ phụng trì chay thực: “Nếu tăng sĩ không đoạn trừ cá thịt, thì họ sẽ đồng với ngoại đạo; và khi họ bị ngoại đạo so sánh chỉ trích thì họ là người cô phụ niềm tin Tam bảo. Nếu tăng sĩ không đoạn cá thịt, thì họ có thái độ và cử chỉ của một người tại gia, họ sẽ xa rời các pháp Thanh văn, Bích chi, Bồ-tát và xa rời vĩnh viễn Phật quả. Nếu tăng sĩ không đoạn cá thịt, thì họ đồng với ma quỷ, chịu lấy cảnh khổ địa ngục, và bị các nhân ác khủng bố….”(7).
Đó là những điều mà vua Lương Võ Đế dùng để chứng minh giá trị của việc ăn chay. Nó mang đậm tinh thần từ bi, coi trọng mạng sống của sinh linh. Ngoài ra, dưới triều đại của mình, Lương Võ Đế cũng hạ sắc lệnh thanh lọc và đào thải những tăng sĩ bất hảo hầu duy trì và khai sáng mạng mạch phật pháp. Việc làm của ông đã được hầu hết chư tăng đương thời hưởng ứng. Có thể thấy phong trào ăn chay của vua Lương Võ Đế là một dấu son của PGĐT tại Trung Quốc và phát triển cho đến triều đại nhà Đường thì đến đỉnh điểm, chỉ riêng thủ đô Tràng An thời bấy giờ có khoảng hai triệu dân mà có ít nhất là phân nửa dân số ăn chay (8).
Một điều quan trọng nữa liên quan đến vấn đề ăn chay của PGĐT là giới luật. Trong giới luật của Đại thừa, ngoài Tỳ kheo giới ra còn có Bồ tát giới. Nếu Tỳ kheo giới đặt nặng về giới dâm thì Bồ tát giới lại chú trọng vào việc không được giết hại chúng sinh. Theo sự khảo sát của người viết thì Bồ tát giới không được nhắc đến và không có văn bản tồn tại ở tại Ấn Độ. Bồ tát giới được biên tập từ 3 bản kinh có trước đó là Ưu Bà Tắc Giới kinh, Úc Già Trưởng Giả kinh và Bồ Tát Anh Lạc kinh. Tinh thần của Bồ tát giới là tinh thần của
một vị Bồ tát hành đạo, đặt nặng về việc làm lợi ích cho chúng sinh cũng như tạo những thắng duyên cho mọi loài quy hướng Tam bảo. Thế nên chúng ta không lấy làm ngạc nhiên khi giới Bồ tát đề cập đến ăn chay là “một Tỳ khưu ăn thịt từ con thú sống là một điều tội lỗi”(9).
Từ những minh chứng trong kinh điển trên ta thấy được sự khác biệt rõ rệt về hai truyền thống Phật giáo này. Đối với PGNT, không có quan niệm về chay mặn, chỉ có quan niệm tịnh nhục. Do đó, chư tăng và phật tử tu tập theo truyền thống PGNT có khả năng ăn những thực phẩm thuộc về tịnh nhục. Dù được ăn thịt nhưng không giết hại sinh vật và tu tập phát triển tâm từ bi vẫn là những tiêu chí hàng đầu. Riêng đối với PGĐT, không ăn những loại thịt, chỉ ăn ngũ cốc và rau quả tức ăn chay là nguyên tắc bất di bất dịch. Mặt khác, nguyên tắc này chỉ áp dụng cho tăng sĩ. Còn đối với phật tử tại gia, việc ăn trường chay vẫn được khích lệ, còn lại hầu hết chỉ giới hạn trong những ngày trai mà thôi.
Định hướng việc ăn chay đúng pháp
Đối với một người phát nguyện ăn chay trường theo tinh thần Phật giáo thì ăn chay là một việc hiển nhiên đối với họ, đặc biệt là người xuất gia. Thường những vị khi xác định tu theo PGĐT ít nhiều cũng sẽ nhận thức được việc mình phải ăn chay khi vào tập sự ở các tự viện. Việc ăn chay trường giúp cho họ không còn suy nghĩ gì về lực chọn thực phẩm và tiêu thụ nó… Trong các văn bản PGĐT thường đưa ra hình ảnh của một vị Bồ tát, không thể nghĩ đến việc ăn thịt một sinh vật huống nữa là sát hại nó, cũng như một người mẹ không thể nào nghĩ đến việc ăn thịt đứa con do chính mình sinh ra.
Đến đây lại có nhiều người đặt ra câu hỏi liệu đức Phật có ăn chay hay không? Đây quả thực là một vấn đề khá nhạy cảm yêu cầu chúng ta phải có một nhận thức sâu sắc. Tất nhiên nếu người nào đưa ra những câu hỏi như thế tức là họ muốn so sánh hành vi của họ tương đồng với hành vi của đức Phật, so sánh trí tuệ vô minh của bản thân và trí tuệ tỉnh thức của bậc Đại giác, so sánh tâm thức vương mắc của họ với tâm thức giải thoát của Ngài. Hỏi như thế tức là đã tự đồng hoá chính họ với đức Phật. Theo thiển ý của người viết đây là một câu hỏi đặt sai vị trí và có sự so sánh khập khiễng. Đức Phật đã từ bỏ cung điện, vợ đẹp cơn thơ, cao lương mỹ vị bậc nhất trên thế gian để sống một cuộc đời phạm hạnh. Thế thì những quyết tâm tìm đường giải thoát của đức Phật lại là để tìm những miếng ăn ngon khoái khẩu ư? Ta không nên thắc mắc về việc Phật đã dùng những thực phẩm gì, trái lại ta nên tự hỏi ta có đủ sức thấu hiểu và thực hành được những lời dạy của Phật hay không.
Ăn chay còn có ý nghĩa cao thượng hơn là để làm giảm bới đi những khổ đau cho chúng sinh hướng cho chúng ta trở thành một người bất bạo động. Người ăn chay theo ý nghĩa của Phật giáo là một người không tự trói buộc mình trong chuỗi dài bất tận của thèm khát hưởng thụ. Nhưng cũng cần chú ý rằng người ăn chay cũng đừng nên quá chấp chặt vào việc ăn chay của mình, cẩn thận từng ly từng tý không đụng chén đụng đũa với người ăn thịt. Thậm chí còn tệ hại hơn là phỉ báng những người ăn thịt. Thế nên đây cũng là một hình thức của sự cố chấp, đi ngược với tinh thần giáo lý nhà Phật.
Một điều cần nhìn nhận nữa là ăn chay không phải đơn giản chỉ để giữ giới, không phải cầu mong cho thân xác được tinh khiết, cũng không phải để cứu vớt một số chúng sinh...Dù ăn chay trường ta cũng không cứu vớt được bao nhiêu sinh linh trước sự tàn phá của vô minh và bản năng tham ăn và thích ăn của con người. Nếu ý nghĩa ăn chay dừng ở mức độ như vừa kể trên đây, ta vẫn còn vướng trong sự trói buộc của vô minh. Nhất định ăn chay phải có một ý nghĩa cao cả hơn, tích cực hơn thế nữa.
KẾT LUẬN
Ăn chay là một phương thức tu tập hằng ngày, nhắc nhở ta về lòng từ bi. Ăn chay để cải thiện chính tâm thức ta, giúp cho tâm thức an bình hơn, từ đó vun bồi chất liệu của sự từ bi thương xót đến mọi loài chúng sinh. Khi lòng từ bi được khai triển đến một mức độ nào đó thì trí tuệ mới được phát sinh. Lòng từ bi như thế mới gọi là Từ bi của Phật giáo. Ăn chay như thế mới gọi là ăn chay theo Phật giáo. Thức ăn chay là thực phẩm nuôi nấng lòng Từ bi, Từ bi là mảnh đất giúp cho Trí tuệ nẩy mầm và phát triển.
Thế nên, ăn chay phải tích cực và phải biết xử dụng việc ăn chay như một phương pháp tu tập của tâm thức. Ăn chay mà vô cảm trước mọi hoàn cảnh chỉ là một hành vi vô ích mà thôi. Đến đây, ta thử lạm bàn xa hơn, cao hơn nữa, đưa tâm thức vượt lên trên mọi khái niệm nhị nguyên của ăn chay và không ăn chay, vượt lên trên mọi sự gò bó, bám níu, câu nệ của giới luật, của tích lũy đạo hạnh, của từ chương trong kinh sách, vượt lên trên những gì đã được trình bày trên đây.
Thích Quảng Như Học viên Thạc sĩ khoá V, Học viện PGVN tại Tp.HCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2023
***
TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Book of the Discipline (Luật tạng), vol. 4. 2. ĐTKVN, Kinh Trung Bộ, tập 2, Kinh Jìvaka, VNCPHVN, 1992. 3. ĐTKVN, Kinh Tiểu bộ, tập 1, Kinh Hôi Thối (Amagandha), VNCPHVN, 1999. 4. HT Hộ Tông, Tăng Thống Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam, Người Tu Cần Phải Ăn Chay Không? Kỷ Yếu Bửu Môn Xuân Mậu Thìn 1987. 5.《釋門自鏡錄》卷2:「斷酒肉文」(CBETA 2022.Q1, T51, no. 2083, p. 816a23. 6. Jon Gregerson, Vegetarianism: A History, Jain Publishing Company, Fremont, CA 1994. 7. Tỳ khưu Yen Kiat, Luật Ðại Thừa, xuất bản năm 1960, tr.60.
CHÚ THÍCH: (1) Book of the Discipline (Luật tạng), vol. 4, p.324. (2) Book of the Discipline (Luật tạng), vol. 4, p.325. (3) ĐTKVN, Kinh Trung Bộ, tập 2, Kinh Jìvaka, VNCPHVN, 1992, tr. 282. (4) HT Hộ Tông, Tăng Thống Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam, Người Tu Cần Phải Ăn Chay Không? Kỷ Yếu Bửu Môn Xuân Mậu Thìn 1987, tr.100. (5) ĐTKVN, Kinh Tiểu bộ, tập 1, Kinh Hôi Thối (Amagandha), VNCPHVN, 1999, tr.544. (6)《釋門自鏡錄》卷2:「斷酒肉文」(CBETA 2022.Q1, T51, no. 2083, p. 816a23. (7)《釋門自鏡錄》卷2:「斷酒肉文」(CBETA 2022.Q1, T51, no. 2083, p. 816a23 (8) Jon Gregerson, Vegetarianism: A History, Jain Publishing Company, Fremont, CA 1994, tr.37-42. (9) Tỳ khưu Yen Kiat, Luật Ðại Thừa, xuất bản năm 1960, tr.60.
Bình luận (0)