Tiễn năm cũ đi, sống từ bi, thể hiện chân thiện mỹ
Đón năm mới về, tập hỷ xả, tỏa sáng đức tài tâm.
Một số phật tử sống chung trong gia đình chưa hiểu sâu đạo Phật, nên khó tránh khỏi việc sát sinh trong dịp Tết. Nhiều gia đình trong đó có thói quen sửa soạn các món ăn ngon, vật lạ để cúng Tổ tiên, ông bà, sau đó mở tiệc ăn mừng năm mới. Tuy nhiên, người phật tử thường được nghe giảng rằng trong những buổi lễ Tết, ngày chạp, ngày giỗ, không nên bày tiệc mặn linh đình bởi sẽ gây nghiệp sát rất lớn không chỉ cho người sống mà cho cả những người đã khuất. Vì vậy, trong những ngày Tết, khi làm mâm cơm cúng Tổ tiên, ông bà chỉ nên làm đơn giản để thể hiện tấm lòng của mình, hạn chế gây thêm nghiệp sát sinh. Đức Phật dạy “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính”, mọi chúng sinh đều bình đẳng. Không tự mình hại mạng chúng sinh, không xúi người hại mạng chúng sinh, không ăn thịt chúng sinh là từ bi, là con đường đưa chúng ta đến niềm hỷ lạc. Đi chùa lễ Phật: Đây là một nét đẹp văn hóa tâm linh không thể thiếu trong đời sống của người Việt Nam mỗi dịp Tết đến Xuân về, đi lễ chùa đầu năm không đơn giản để ước nguyện mà đó còn là thời gian để mọi người tìm về với chốn tâm linh sau những ngày tháng vất vả mưu sinh, mong tìm được sự bình an, gạt bỏ đi những muộn phiền, lo âu của năm cũ. Người dân Việt đi chùa với nhiều mục đích khác nhau, người thì cầu tài, cầu lộc, cầu duyên; người thì cầu bình an, cầu sức khỏe cho bản thân và người trong gia đình. Cũng có những người đi chùa chỉ để tìm lấy những giây phút bình yên nhằm xua tan đi những lo toan bộn bề trong cuộc sống. Nhưng nói chung, khi đi chùa mọi người đều mang theo tấm lòng thành kính, từ đó họ tìm được đến với đức tin, sự thanh thản, bình an trong tâm hồn, hòa mình trong chốn thiền môn thanh tịnh.
“Đi đến cửa chùa đem lòng hỷ xả.
Bước vào cảnh Phật giữ dạ từ bi”
Đối với người con Phật, việc đi lễ chùa vào dịp Tết còn có ý nghĩa đặc biệt. Nhiều phật tử nhân dịp này học hỏi thêm rất nhiều kiến thức mới, ý nghĩa của cuộc sống, mở mang trí tuệ, tâm từ bi. Thông qua những lời kinh, bài giảng đạo lý, triết lý sống ở chốn thiền môn họ tự rút ra cho mình những bài học quý giá trên con đường hoàn thiện cốt cách đạo đức con người. Xin chữ đầu Xuân: Từ xưa, người Việt đã có thói quen xin chữ và cho chữ vào những ngày đầu năm mới, đây là một việc làm mang nhiều ý nghĩa văn hóa truyền thống, thể hiện đạo lý “tôn sư trọng đạo”, trọng chữ nghĩa, trọng tri thức và mong cho năm mới may mắn, bình an, một năm tài lộc, phúc thọ đầy nhà. Tại một số chùa – vị trụ trì lại đóng vai trò “ông Đồ” trong những ngày này và trao tặng “lộc Chữ” cho các phật tử, trong đó phải kể đến một số chùa như: chùa Lá, Tp.Hồ Chí Minh; chùa Hương, Hà Nội; chùa Giám, Nghệ An.v.v…Hoạt động xin chữ trở nên nhộn nhịp và thu hút du khách chơi xuân, do vậy đã hình thành không khí vui xuân lành mạnh, thắm tình đạo vị, gắn kết giữa Đạo và Đời, xây dựng niềm tin nơi phật tử. Hành hương thập tự: Đây là phong tục mang tính văn hóa dân gian được các phật tử hưởng ứng trong những năm gần đây. Qua ngày mùng Một Tết, một số chùa bắt đầu tổ chức cho các phật tử đi thăm viếng, lễ Phật và cúng dường các chùa. Mục đích là nhằm tạo cơ hội cho phật tử gieo duyên, làm phước đầu năm. Vậy vì sao lại là “hành hương thập tự” (đi lễ 10 ngôi chùa)? Có thể coi con số 10 viên mãn còn có ý nghĩa 10 tâm trưởng dưỡng, 10 tâm Kim Cương, đó là những mảnh đất tâm tốt đẹp để nảy sinh mọi công đức, quả lành trong hành trình tự độ, độ tha, tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Số 10 còn biểu hiện Thập Thiện Nghiệp Đạo nơi thân khẩu ý trọn lành của hành giả trong năm mới. Hành giả tu tập để đạt được 10 sức mạnh và Thập Lực, đầy đủ phương tiện nhập thế độ sinh. Số 10 đó còn có ý nghĩa 10 phương chư Phật trong khắp pháp giới.
Tác giả: Tâm Đạt Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 1/2018
Bình luận (0)