Hai pho tượng ở Tổ đình Nhạn Sơn được cụ Bùi Văn Lang ghi chép trong sách Địa dư nông học tỉnh Bình Định (xuất bản năm 1933 và tái bản năm 1935). Tuy có vài khác biệt về địa danh và một số tình tiết trong câu chuyện nhưng các dị bản này cũng nhằm mục đích lý giải về nguồn gốc hai pho tượng cổ này.

Tác giả: Thích Đồng Niệm Chùa Sùng Ân, số 56 đường 21 tháng 8, P.Phủ Hà, Tp.Phan Rang- Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận

1. Quá trình hình thành

Tổ đình Nhạn Sơn tọa lạc tại núi Long Cốt, thôn Nhạn Tháp, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Đồi Long Cốt trước kia làm tiền án cho thành Đồ Bàn.

Hiện nay làm bức bình phong yểm hộ cho Tổ đình Nhạn Sơn. Núi nằm trong thôn Nhạn Tháp, nên cũng thường gọi là núi Nhạn Tháp, và chùa nằm dưới chân núi nên mang tên là chùa Nhạn Sơn.

Tổ đình Nhạn Sơn còn lưu giữ 2 pho tượng của đôi bạn chí thân Huỳnh Tấn Công (đỏ) quê ở Hóa Châu (Huế) và Lý Xuân Điền (đen) quê ở Quảng Bình.

Huỳnh Tấn Công là con một nhà hàn Nho trên đường ra kinh đô Hà Nội thi. Ra đến Quảng Bình thì bị bệnh ngất xỉu dọc đường, được thân sinh của ngài Lý Xuân Điền là một đại điền chủ đem về chữa trị. Sau này, cả 2 vị cùng đi thi, trên đường đi, hai người thấy tâm ý hợp nên kết nghĩa huynh đệ. Cả hai đều thi đỗ và được làm quan .

Hai Ngài có thân quen với vua nước Champa nên vào thăm, gặp lúc vua Champa bị bệnh, các danh y trong nước không chữa được, 2 Ngài đã dùng thuốc Nam chữa khỏi. Lại gặp lúc Xiêm La đem quân xâm lấn biên giới nước Champa, hai Ngài xin cầm quân đánh giặc. Dù đánh đuổi được giặc nhưng tướng Lý Xuân Điền lại bị Xiêm La bắt. Sau đó, Hoàng tử Xiêm La cầu hôn con gái Việt Nam, lại trúng em gái của ngài Huỳnh Tấn Công nên ông yêu cầu dùng Lý Xuân Điền làm lễ vật cầu hôn. Hai người gặp lại nhau và cùng trở về nước Việt.

Thứ nhất là có công cứu vua, thứ hai là công đất nước, thứ ba tình bạn thủy chung. Nên vua Champa đã sai thợ tạc hai pho tượng, mỗi tượng cao 2,50 m để tưởng nhớ. Hai pho tượng này thuộc loại lớn nhất, và là những hình ảnh Dvarapala cuối cùng của nền nghệ thuật điêu khắc Phật giáo cổ của Champa.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, chiến tranh, tháp sập đổ, 2 pho tượng đá bị vùi lấp. Sau này, người Việt khai hoang phát hiện nên lập chùa thờ phụng.

Câu chuyện hai pho tượng này vẫn còn rất mơ hồ, có những chi tiết phi lịch sử nhưng thật cảm động vì tình bạn thủy chung. Điều này, phần nào phản ánh trí tưởng tượng của dân gian, giải thích mối quan hệ Việt - Chăm trong lịch sử, lý giải hiện tượng trong chùa Việt có tượng Champa.

Đến nay, không có tài liệu chính xác nào, cho biết về thời điểm lập chùa mà tất cả chỉ là truyền thuyết. Theo đó, lúc mới dựng lên, chùa có tên là “Thạch Công Tự”, nghĩa là chùa thờ ông Đá. Thời gian sau, người dân biết câu chuyện lý giải về hai pho tượng đá nên đổi thành “Song Nghĩa Tự”, tức là chùa thờ hai anh em kết nghĩa. Đến HT. Thích Chí Mẫn trụ trì đổi thành “Nhạn Sơn Linh Tự”. Sau HT. Thích Chí Mẫn quý ngài thấy tên chùa 4 chữ yếu, Phật giáo quan niệm “linh tại ngã bất linh tại ngã”, đổi thành “Nhạn Sơn Tự”.

 Tự Đức thứ 7 được phong sắc tứ với tên gọi là “Nhạn Sơn Linh Tự”. Bảo Đại thứ 18 phong “Nhạn Sơn Tự”

2. Việt hóa hai pho tượng Champa

Tượng 2 ngài Hộ pháp của Tổ đình Nhạn Sơn đều đứng trên một bệ tròn được trang trí bằng hai hàng lá Bồ đề đối xứng nhau qua một băng núm vú chạy ở giữa. Hộ pháp Nhạn Sơn đứng chân trần trên đất, hai bàn chân dạng ra và có một trụ chống lớn ở phía sau (trụ chống được thể hiện như sự kéo dài phóng đại của dải dây thắt lưng phía sau). Đây là kiểu cổ điển đối với các tượng Hộ pháp Chămpa từ phong cách Đồng Dương. Hai bức tượng được tạc trong những động tác rất cân xứng với hai chân hơi chùng xuống và hai đầu gối dạng ra. Toàn bộ thân hình của tượng ngả về phía trước, cổ căng ra và đầu quay về phía trong chùa.

Hai pho tượng Champa ở tổ đình Nhạn Sơn.

Hai Hộ pháp đều cầm một vũ khí giơ lên ngang vai (tiếc là cả hai đã mất và đã được người Việt làm hai thanh kiếm gỗ thay vào). Qua dấu tích chuôi còn lại pho tượng ngài Huỳnh Tấn Công (đỏ) tay trái cầm thanh giản, còn pho tượng ngài Lý Xuân Điền (đen) tay phải cầm kiếm. Hai Ngài đều đưa bàn tay kia lên trước ngực. Có thể nhận thấy pho tượng ngài Lý Xuân Điền tay cầm một vật gì đó đã mất có thể là chiếc khiên tròn, còn ngài Huỳnh Tấn Công thì không cầm gì trong bàn tay.

Tượng của Tổ đình Nhạn Sơn biểu lộ sự dữ tợn của mình qua đôi mắt lồi ra ngoài, hai lỗ mũi phình ra và những đường gân cổ nổi lên. Nhưng, những chi tiết mang tính trang trí và phóng đại, như các đường viền của lông mày, lông mi, râu, ria mép, những nếp nhăn ở gốc mũi…đã làm mất đi sự dữ tợn tự nhiên , vì thế, khiến 2 Ngài có dáng vẻ giống người thật.

Hộ Pháp Tổ đình Nhạn Sơn chỉ mặc trên người một chiếc quần đùi, bó sát, được thắt bởi một dây thắt lưng lớn có một đầu vắt ngang đùi ở phía trước và đầu kia chảy xuống phía sau làm thành trụ đỡ cho pho tượng và đeo trên thân mình một chiếc dây có hình rắn Naga.

Ngài Huỳnh Tấn Công (đỏ), 2 cổ tay đều đeo vòng tràng hạt. Hai cổ chân cũng đeo vòng tròn nhưng khác nhau, vòng tròn chân phải là hình một con rắn, vòng tròn chân trái phía trước chạm nổi lá Bồ đề.

Ngài Lý Xuân Điền (đen), cổ tay đeo tràng hạt, 2 cổ chân đeo hai con rắn, bệ tượng tròn chạy xung quanh là những vòng tràng hạt. Tuy nhiên, tay phải đã bị gãy hiện được làm bằng gỗ.

Hai Ngài đều ở trần, đeo chéo một con rắn đầu ló ra trước ngực, tóc búi cao xung quanh là những sợi dây buộc chéo, trâm cài phía sau, đầu đội mũ có rìu xéo.

Hai Ngài không đội một chiếc mũ cao được trang trí thành các tầng như các tượng Đồng Dương mà tóc được búi lên thành một búi tròn lớn phía sau. Mỗi vị ở Nhạn Sơn chỉ đội trên trán một vương miện được tạo bởi một dãy những hình lá Bồ đề. Bên cạnh các lá Bồ đề nhỏ và dải ngọc, vẫn còn mang ba cánh lá nhọn to. Như vậy, tượng ở Tổ đình Nhạn Sơn là những pho tượng Hộ Pháp không chỉ lớn nhất mà còn là những tác phẩm cuối cùng của thể loại tượng Hộ Pháp của Chămpa (có thể niên đại vào nửa cuối thế kỷ XII).

Như vậy, qua tác phẩm điêu khắc có thể nhận thấy Phật giáo trong những thế kỷ XII - XIII ở vùng đất quanh thành Đồ Bàn. Phải chăng, vì thế mà thành Đồ Bàn còn thường được sử sách và truyền thuyết gọi là thành Phật Thệ? Và, như không ít hiện vật điêu khắc cổ Chămpa khác ở Bình Định, hai pho tượng Hộ Pháp khổng lồ của Tổ đình Nhạn Sơn từ lâu đã được người Việt thờ phụng.

Chắc chắn là ngôi đền xưa của người Chămpa đã đổ nát (dấu tích gạch Chămpa còn khá nhiều ở trên ngọn núi Nhạn Tháp (đồi ba tháp) phía sau chùa Nhạn Sơn, người Việt đã dựng lên chùa Nhạn Sơn để thờ phụng hai ông Hộ Pháp của người Chămpa. Rồi, dần dần, theo thời gian đã được người Việt biến thành các vị thần của mình và tạo cho hai pho tượng này những lý lịch cụ thể và rất Việt. Theo Đại Nam nhất thống chí ghi rằng:

“Chùa Mạn Sơn: tục gọi của Ông Đá, ở thôn Nhạn Tháp, huyện Tuy Viễn, về phía nam thành Chà Bàn. Trong chùa có hai tượng đá, đứng hai bên nhìn nhau trên viên đá vàng, mình cao hơn 6 thước, lưng rộng hơn 5 thước, một pho sơn son, một pho sơn then, thầy chùa chế áo xiêm, trông như hình người còn sống. Tương truyền ấy là tượng Phật của người Chiêm Thành. Cầu đảo thường ứng nghiệm”.[1]

Còn nhân dân quanh vùng thì cho rằng hai tượng đá là những tượng thờ hai ông người Việt có tên là Huỳnh Tấn Công và Lý Xuân Điền, những người có công giúp vua Chiêm Thành đánh quân Xiêm.

Hai pho tượng ở Tổ đình Nhạn Sơn bị Việt hóa, Phật giáo hóa cũng là đặc điểm chung của rất nhiều tượng Chăm cổ còn sót lại ở Việt Nam. Hai pho tượng được người dân và nhà chùa mặc áo màu vàng, thờ cúng cùng với các vị Phật.

Hai pho tượng ở Tổ đình Nhạn Sơn này được cụ Bùi Văn Lang ghi chép trong sách Địa dư nông học tỉnh Bình Định (xuất bản năm 1933 và tái bản năm 1935). Tuy có vài khác biệt về địa danh và một số tình tiết trong câu chuyện nhưng các dị bản này cũng nhằm mục đích lý giải về nguồn gốc hai pho tượng cổ này.

Nhờ đó mà chuyện họ Lý họ Huỳnh được phổ biến rộng rãi và hai “Ông Đá” trở thành "người có nguồn gốc". Những người nghe, phần nhiều đều tin là sự thật.

Thật ra, đọc qua các Sử ký Việt Nam, không thấy có vị nào làm quan tên Lý Xuân Điền và Huỳnh Tấn Công.

Chúng ta lật thử tấm áo bào của hai ông đá lên thì biết rõ: Không phải hình tượng người Việt Nam vì từ xưa đến nay, trừ hai cha con Chử Đồng Tử, không có ai chịu mặc chiếc khố rằn ri. Nhưng hai tượng đá chùa Nhạn Sơn lại đóng khố.

Như vậy, hai tượng đá ở chùa Nhạn Sơn có thể là vị tướng của người Chăm có công với đất nước, nên được triều đình tạc tượng để thờ. Sau khi Việt Nam xâm chiếm thành Đồ Bàn, người Champa đã lấp tượng.

Đến nay, Tổ đình Nhạn Sơn còn là bí ẩn về hai tượng đá. Rất cần các nhà khảo cổ và nghiên cứu tìm ra sự thật về 2 pho tượng.

Trong tín ngưỡng của người dân địa phương, cũng như du khách thập phương xem hai pho tượng này rất linh nên họ thường đến cúng bái, cầu tài lộc, bình an, học hành đỗ đạt… Những gia đình có con khó nuôi, bị bệnh tật hay thường khóc đêm đều đem đến Tổ đình Nhạn Sơn “gửi bán hai Ngài”.

Họ truyền nhau những câu thơ viết về ngôi chùa này:

“Chùa xưa ẩn bóng xoài xanh

 Thờ hai tượng đá Chiêm Thành bấy nay

 Cõi trần không - sắc, sắc – không

Hồi chuông triêu mộ gọi lòng từ bi”.

Tác giả: Thích Đồng Niệm Chùa Sùng Ân, số 56 đường 21 tháng 8, P.Phủ Hà, Tp.Phan Rang- Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận

***

Chú thích

[1] . Phạm Trọng Điềm (1999), Đại Nam Nhất Thống Chí (dịch), (tập 3), mục tỉnh Bình Định, NXB Thuận Hoá, trang 50, 51. (Sách in là Chùa Mạn Sơn)

Tài liệu tham khảo

  1. Ngô Văn Doanh (1994), Văn hóa Champa, NXB Văn Hóa Thông Tin Hà Nội.
  2. Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê (1998), Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb Khoa học xã hội.
  3. Quốc Sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, tập 3, Nxb Thuận Hóa.
  4. Trần Trọng Kim (1971), “Đại Việt sử ký toàn thư” quyển 1, Nxb Trung tâm học liệu.
  5. Lương Ninh (2004), Lịch sử vương quốc Champa, Nxb Đại Học Quốc Gia Hà Nội .
  6. Bùi Văn Lăng, (1993) Địa dư nông học tỉnh Bình Định .
  7. Quách Tấn, (1999) Nước non Bình Định, Nxb Thanh Niên.