TT.ThS.Thích Thiện Hạnh Phó Viện trưởng Phân viện NCPHVN tại Hà Nội

1. Dẫn nhập

Thực tế trong cuộc sống, khái niệm Bùa chú vô cùng phong phúc và đa dạng. Bùa chú là một hiện vật Tôn giáo tín ngưỡng trong đời sống tâm linh ra đời cùng với những tín ngưỡng nguyên thủy. Thông qua lá bùa[1], con người chuyển giao mong muốn của mình đến các thế lực siêu nhiên. Vượt khỏi những khả năng nhận thức giới hạn của đời sống phàm tục. Một trong những yếu tố ấy chính là vấn đề tâm linh, một lĩnh vực rộng lớn đang thu hút sự quan tâm tìm hiểu của con người, nhất là trong xã hội ngày nay[2].

Theo đó, niềm tin của con người vào năng lực của bùa chú giữa thiên nhiên với con người bằng sức mạnh “quyền lực” tôn giáo thông qua nghi lễ, đã nhanh chóng hòa nhập vào tín ngưỡng, tâm lý, văn hoá, tập quán của người Việt. Một trong những yếu tố ấy chính là vấn đề tâm linh, một lĩnh vực rộng lớn đang thu hút sự quan tâm tìm hiểu của con người, nhất là trong xã hội ngày nay[3].

Bùa chú hay còn gọi là Phù chú[4] là hai thứ nhưng lại thường đi đôi và gắn kết với nhau, ở Việt Nam Bùa chú được tồn tại dưới nhiều dạng và theo nhiều tông phái khác nhau. Mỗi trường phái lại được phân ra rất nhiều môn phái khác nhau và mỗi phái tạo dựng có những loại bùa đặc trưng của riêng mình, nhưng những môn phái này luôn có sự “vay mượn” các vị thần của nhau. Một nhu cầu có tính cộng đồng, dân tộc, khu vực và toàn nhân loại, và có các điểm tương đồng dung hoà trong Thiền phái Lâm Tế[5] với văn hoá truyền thống bản địa đó là: Dung hoà Nho – Lão - Phật và thờ cúng tổ tiên cùng sự dung hoà giữa Thiền- Tịnh- Mật song tu. Riêng trong Phật giáo, sử dụng bùa, chú[6] là một trong những mật chú giúp người trì tụng có được sự bình tĩnh, tự tại, thăng bằng và thoả mái khi gặp khó khăn. Thần chú chúng ta tụng niệm ngày nay thường là thần chú tiếng Phạn, phiên âm sang tiếng Việt để trì tụng, số ít là thần chú theo ngôn ngữ Tây Tạng, là một thuật ngữ tôn giáo, mang tính phổ biến ở phạm vi nhân loại, đó là “hình thức sinh hoạt tín ngưỡng, có tính kỳ bí như một phép màu; tác động đến thế giới tự nhiên và các lực lượng siêu nhiên nhằm đạt được kết quả mong muốn[7].

Tôn giáo không chỉ là việc đạo, mà còn là việc đời. Nó không chỉ liên quan đến viễn cảnh về cuộc sống ngày mai trên cực lạc hay nơi địa ngục, mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại của con người, cùng với văn hóa dân gian, văn hóa bùa chú đã trở thành một phần không thể thiếu trong tín ngưỡng tâm linh. Trong dân gian được các thầy cúng, thầy bói cho là tang trùng, phải dùng bùa yểm và cúng giải hạn mới thoát nghiệp. Vậy quan niệm của Phật giáo về vấn đề này như thế nào? Hiện tượng tang trùng có thật không và nguyên nhân vì sao? và làm như thế nào để giải nghiệp này?

2. Thần Trùng là gì?

2.1. Nguyên nhân trùng tang

Nguyên nhân dẫn đến “trùng tang”. Có nhiều quan niệm xoay quanh vấn đề trùng tang thường bắt ai và nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Tuy chưa có cơ sở khoa học lý giải hiện tượng tâm linh này nhưng hiện nay trong dân gian thường truyền tụng lại những lý do gây trùng tang.

Trùng tang hay chết trùng, là hiện tượng người thân trong gia đình vừa qua đời, sau đó lại có những người chết tiếp theo một cách đột ngột xảy ra trong thời gian ngắn. Theo quan niệm người xưa, nếu vong chết vào năm, tháng, ngày, giờ xấu sẽ không được siêu thoát, mà lại đi lung tung, quỷ sứ bắt được sẽ tra tấn khiến “vong” khai ra tên họ người nhà để tới “bắt đi”. Người xưa gọi là trùng tang.

Thực tế cho thấy có trường hợp trùng tang vẫn bình an vô sự, ngược lại có trường hợp không trùng tang vẫn gặp rủi ro, tai họa, thậm chí chết người. Đây là những câu hỏi và cũng là nguyện vọng chính đáng của những người còn sống với vong linh của người đã khuất và để giải tỏa cho chính mình. Chính vì thế mà khái niệm về trùng tang, nhập mộ đã ra đời.

2.2. Hiện tượng trùng tang là gì?

Trùng tang là một hiện tượng huyền bí mà chưa có lý giải nào hợp lý về mặt khoa học. Trong gia đình có người mất liền nhờ thầy xem giờ người ra đi có sạch? có trùng? Vậy thực chất “Trùng” là gì?. Trùng tang còn gọi là chết trùng, hiện tượng trùng tang thường xảy ra với người mà người chết thường hay có ấn tượng (ghét, thương...). Thời điểm thường xảy ra trùng tang có thể bắt đầu sau 3 ngày an táng người chết hoặc có hiệu lực trong vòng 49 ngày hoặc hơn là cho đến khi xả tang, khiến nhiều người lo sợ vong hồn người chết sẽ dẫn quỷ về bắt người thân sang “thế giới bên kia”; do đó, họ phải tìm cách “nhốt vong” lại để không xảy ra chuyện chết trùng.

Nếu nặng thì thần trùng có thể bắt 1 người, 3 người, có thể bắt đến 9 người chết, thời gian trong vòng 3 ngày, hoặc trong vòng 49 ngày và chưa hết thời gian xả tang thì lại có người qua đời... Có người chết tại nhà, có người chết ở bệnh viện, có người chết đường, chết chợ, chết già, chết do bệnh tật, chết do tai nạn, chết do thiên tai, chết do chiến tranh, đói rét, chết do tù đầy, có người thanh thản ra đi, có người “chết không nhắm được mắt”. Để tránh cái đại họa kinh khủng này, người ta thường đưa “vong” lên chùa nhằm trấn áp.

Trùng tang là một hiện tượng mà từ trước tới nay, vẫn mang màu sắc tâm linh huyền bí rõ rệt và thể hiện “quyền lực” siêu nhiên không giới hạn của con người ngay cả khi đã chết. Tuy nhiên, vì tập tục này ăn sâu vào tâm thức mọi người nên một vài nơi, trong tinh thần phương tiện, nhà chùa vẫn khuyên các Phật tử không an táng thân quyến vào những ngày trùng, nhằm giúp họ an tâm để chu toàn tang lễ đồng thời nỗ lực cầu nguyện, khai thị, làm phước, hồi hướng cho hương linh. Đây mới là những điều cần làm để “âm dương lưỡng lợi” theo quan điểm Phật giáo.

2.3. Cách tính trùng tang

Hiện nay trong nhân gian có những phương pháp tính trùng tang, nhập mộ, thiên di cho người mất dựa trên ngày - giờ mất và tuổi thọ để quy kết rằng người này mất sẽ khiến bao nhiêu người trong họ chết theo.

Cách tính “trùng tang” của Thọ Mai Gia Lễ là dựa vào tuổi người mất, được tính theo tuổi âm lịch và tháng, ngày giờ âm lịch, người đó có được “nhập mộ” hay gặp phải “thiên di”, “trùng tang”? Nếu các cung tuổi, tháng, ngày, giờ gặp các cung: (Dần - Thân – Tỵ - Hợi thì là gặp cung Trùng Tang; Tý - Ngọ - Mão - Dậu thì là gặp cung Thiên Di; Thìn - Tuất - Sửu - Mùi thì là gặp cung Nhập Mộ). Còn cách tính ngày trùng là, ngày dần, tháng dần, năm dần, hay ngày thân, tháng thân, năm thân… cũng được gọi là ngày “trùng”. Ngày “trùng” không tính riêng cho một tuổi nào mà bất kỳ người tuổi nào mất vào ngày “trùng” cũng “kỵ”.

Trong Phật pháp bách vấn: Đối với những người tuổi Thân, Tý, Thìn, nếu mất vào một trong bất kể ngày hoặc tháng, năm, giờ Tỵ thì coi là bị mất vào ngày trùng tang, còn được gọi là ngày “cướp sát”. Tức là những tuổi đó “kỵ Tỵ”. Mà đã ‘kỵ Tỵ” thì những người tuổi Thân, Tý, Thìn càng không được an táng vào ngày Tỵ. Tương tự cách tính ấy, tuổi Dần, Tuất, Ngọ ‘kỵ Hợi’; tuổi Tỵ, Dậu, Sửu ‘kỵ Dần’; Hợi, Mão, Mùi ‘kỵ Thân’.

Từ trước tới nay, chưa bao giờ có một định nghĩa chính thống về “trùng tang” mà chỉ dựa trên hiện tượng rồi đúc kết thành quan niệm. Ngay cả, Phật pháp cũng không định nghĩa về hiện tượng này, mặc dù đây là “hồn cốt” của thế giới tâm linh. Theo cách hiểu dân gian “trùng tang” là trường hợp người chết “phạm” phải năm hoặc tháng hoặc giờ xấu do đó linh hồn không siêu thoát nên cứ quanh quẩn trong nhà trở thành “trùng” (có khái niệm cho rằng là “âm binh”) rồi lần lượt “bắt” theo từng người thân trong dòng tộc. Nhưng trong vòng 3 năm liền xảy ra liên tiếp những cái chết của những người trong cùng dòng tộc mới coi là “trùng tang”. Còn nếu không thì không phải. Có rất nhiều người nhầm lẫn điều này nên thấy trong gia tộc có nhiều người mất nhưng không phải trong 3 năm liên tiếp vẫn nhận là bị “trùng tang”.

2.4. Trùng tang liên táng là gì?

Cổ nhân cho rằng “Thần trùng” là thần hành hạ người chết vào ngày trùng hoặc bắt những người trong gia đình có người chết vào ngày trùng thì những người trực hệ với người chết có nguy cơ bị “Trùng” bắt (con, dâu, con rể, cháu ngoại, cháu nội...) từ đó cho là “Trùng tang liên táng”.

Trùng tang liên táng là một hiện tượng ngẫu nhiên, người cùng trong họ mất liên tục dẫn đến phải chôn liên hoàn là vấn đề nghiêm trọng nhất. Trường hợp này khá hiếm gặp vì thời gian xảy ra nhanh đôi khi chỉ từ 1-3 ngày hoặc vài tuần đã có đến vài người chết. Điều này khiến tâm lý người trong họ hoang mang và dẫn đến nhân khẩu gia đình từ đông đúc chỉ trong vài ngày trở nên hiu quạnh, vắng vẻ, phải chịu cảnh tuyệt tự. Từ đó trong tín ngưỡng dân gian thường có một tên gọi là “Trùng nhật, trùng thời, trùng tang, liên táng”. Tuy nhiên, hiện nay chưa có cơ sở khoa học lý giải hiện tượng tâm linh này nhưng trong dân gian thường xoay quanh và truyền tụng lại những lý do gây trùng tang liên táng.

Lúc sinh thời, Thiền sư Như Trừng Lân Giác (1696-1733), đời Pháp thứ 37, tông Lâm Tế, Ngài là đệ tử của Thiền sư Chân Nguyên. Ngài đã chứng kiến rất nhiều người chết liên tiếp trong gia đình một thời gian ngắn, ngày nay vẫn gọi là hiện tượng trùng tang. Chính vì lo sợ những điều chẳng lành, ngài đã viết ra bộ kinh Thập Nguyện Cứu Sinh cùng với bộ ván làm bằng gỗ khắc bùa chuyên hoá giải hiện tượng trùng tang, giúp cho các vong linh chết trùng và giúp cho những vong hồn được siêu linh. Từ xa xưa đến nay, đã có không biết bao nhiêu vong linh được đưa đến chùa, theo sự suy nghĩ và tin tưởng của chúng sinh thì vong trùng tang trong nhà họ được đưa đến chùa là Phúc, gia đình không còn người chết trùng tang, vong được an nhàn tự tại. Tuy nhiên còn phụ thuộc vào sự linh thiêng của chùa và mức độ cao tay của vị sư trụ trì. Với mục đích để an ủi tâm linh, giúp chúng sinh an tâm về tâm lý. Cho nên có bùa “trấn trùng” ngăn chặn các linh hồn lang thang không quay về ám hại gia đình. Đặc biệt, những người mang “vong” đến chùa Hàm Long để “trấn trùng” thường được nhà chùa phát cho hai loại bùa. Một là tấm bùa hình mặt Phật, phía sau có chữ Nho. Loại thứ 2 làm bằng giấy nhiều màu, quấn thành hình người, để cho người nhà đeo bùa bên người trong 3 năm liên tục, đến khi cải táng mới được bỏ lá bùa ra. Ngoài ra còn có tác dụng mang lại bình an, sức khỏe.

Hiện nay tại miền bắc có hai ngôi chùa là chùa Hàm Long - Bắc Ninh và chùa Liên Phái - Hà Nội nổi tiếng có truyền thuyết cho bùa trùng tang. Sư tổ Như Trừng Lân Giác chính là người đặt nền móng cho việc “nhốt vong” ở ngôi chùa này. Chùa Liên Phái là do sự phát tâm của Trịnh Thập (cháu nội Chúa Trịnh Căn, và con rể của vua Lê Hy Tông). Ngài sai quân gia đào gò đất ấy xuống tận dưới sâu để làm ao thả cá vàng. Quân gia chợt thấy một cọng sen lớn, đến trình với Ngài. Ngài cho đó là dấu hiệu có duyên với Phật và tin rằng sẽ được xuất gia. Nhân điềm cọng sen này, Sư liền cải gia vi tự (đổi nhà làm chùa), đặt tên là Liên Hoa Tông (nay là chùa Liên Phái), viện tên Ly Cấu. Từ đây, Sư quyết chí tham thiền và xây dựng chùa Liên Tông. Ngoài ra, ngài còn xây dựng chùa Hàm Long cũng là nơi tu tập của Ngài và các vị cao tăng như ngài Dương Không Lộ có pháp theo vạn pháp quy tông của phái Bắc Tông chuyên trị các loại trùng hiệu quả. Sau khi sư tổ viên tịch để lại 2 ngọn tháp, tháp xây gạch chứa xá lợi của ngài, còn tháp bằng đá gọi là tháp tổ Như Trừng Lân Giác (Cứu Sinh) chứa công phu tu tập cả đời của ngài.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa cho bài viết. Ảnh: St

3. Bùa trấn vong hoa giải Trùng tang

3.1. Đối với quan điểm Phật giáo

Đối với quan niệm Phật giáo, sống chết là chuyện thường nhiên, do nghiệp lực của tự thân mỗi người chi phối. Sống và chết chỉ là hai hiện tượng trong tiến trình luân hồi bất tận. Nghiệp tuy có chung và riêng, song nghiệp riêng vẫn giữ vai trò chủ động, quyết định và có tính cách độc lập, không ai có thể thay thế cho ai. Vì thế, Phật giáo không có quan niệm về ngày trùng tang, trùng nhật và hoàn toàn phủ nhận việc ngày giờ chôn cất của một người mà có thể ảnh hưởng đến sự sống chết của người khác.

Trong văn hóa bùa chú đã tác động trong đời sống tâm linh của người Việt Hồn- Phách - Vía[8], Ma - Quỷ[9], Thần chính là những yếu tố nòng cốt chi phối, tác động vào đời sống, và khống chế cuộc sống của con người, đó chính là những sức mạnh vô hình mà con người hoàn toàn bị động, cho nên con người đã tìm đến Bùa chú với mong muốn có thể khống chế, điều khiển những tác động của các thế lực vô hình này tới cuộc sống, mang lại may mắn và bảo vệ cho con người.

3.2. Trấn yểm ma quỷ

Theo truyền tụng dân gian, vua An Dương Vương đã dùng bùa chú để trấn áp ma quỷ khi xây thành cổ Loa. Bùa chú của Đạo giáo có nguòn gốc từ Trung Hoa đã truyền sang vùng Giao Chỉ vào đầu thời Bắc thuộc, nên mới có truyện tướng Mã Viện dựng cột đồng để trấn yểm dân Giao Chỉ và Thứ sử Cao Biền xây trận đồ bát quái trấn yểm long mạch ở sông Tô Lịch khi xây thành Đại La. Đặc biệt, thời Đường có Thái thú Cao Biền là người giỏi pháp thuật thường cưỡi diều bay khắp núi, sông thấy chỗ nào có vượng khí, Biền liền cho yểm mạch, hòng triệu nhân tài nước Nam. Vào thời nhà Nguyên, quân Mông Cổ phái phù thủy Phạm Nhan sang dọa nạt dân ta bằng phép thuật, nhưng đã bị thanh kiếm thần của Đức Thánh Trần chém đầu. Theo quan niệm của người dân, Đức Thánh Trần không chỉ là một vị anh hùng dân tộc, mà còn là một đạo sĩ có thuật trừ tà, chữa bệnh, chiêm tinh, nên được các đạo sĩ nước ta tôn làm: “Đệ nhất tổ sư phù chú Việt Nam”.

Đầu thế kỷ 16, ở Thanh Hóa xuất hiện môn phái tu tiên với tên gọi là Nội Đạo Tràng, các đạo sĩ thường đến đền Độc Cước cầu đảo, xin phù ứng các phép thuật để trừ tà, trị bệnh cứu giúp dân lành. Với uy lực phép thuật của vị thần này, họ đã tôn xưng thần Độc Cước làm “Đệ nhị tổ sư bùa chú Việt Nam”. Tùy thuộc vào từng môn phái và địa bàn cư trú mà đạo sĩ lựa chọn tổ sư bùa chú để thờ.

3.3. Hóa giải trùng tang theo Phật giáo

Phương pháp hoá giải tốt nhất là dùng Mật tông, trì chú cho Trùng được siêu thoát, sau đó hồi hướng công đức cho họ. Phương pháp này dùng những năng lực của Phật pháp, siêu độ cho trùng rất tốt, khiến cho Trùng sớm siêu thăng tịnh độ, không còn làm ác được nữa. Vì vậy tự thân mình, trong thì biết tu tập như: biết nhường nhịn, tha thứ và thông cảm cho nhau, trì trai giữ giới, niệm Phật; ngoài thì thương người, giúp đỡ người khốn khó, bệnh hoạn, tật nguyền, cô nhi, quả phụ, làm các công ích xã hội như đóng góp xây dựng các bệnh xá, dưỡng lão, học đường... Đối với các bậc đạo cao đức trọng một lòng tôn kính, cúng dường. Rộng hơn nữa là trải tâm thương yêu đến các loài hữu tình khác như các loại quỷ thần, ma quái. Được như vậy thì dầu chúng ta không có xin bùa, đeo ngải, trì chú thì các duyên lành cũng đến, khiến cho đời sống thuận hoà, êm ấm, hạnh phúc. Ngược lại, dù chúng ta có chạy Đông chạy Tây kiếm tìm thế giới ngoại tại can thiệp cũng vô ích, nếu có hiệu quả cũng chỉ là giai đoạn nhất thời thôi, để cho người ta tin vào bùa như đinh đóng cột. Mục đích là làm cho họ yên tâm, hết lo lắng. Có như vậy thì làm gì có trùng.

Luật nhân quả vận hành cả vũ trụ, không chừa một ai. Người nào hành thiện sẽ nhận được phước báo, người nào tạo nghiệp ác sẽ nhận quả báo. Phước đức và nghiệp báo không chỉ trong hiện kiếp mà nó còn là sự liên kết nhân quả trong nhiều kiếp. Một gia đình - dòng họ có nhiều người chết trẻ là do sự sắp đặt nhân quả của vạn vật. Những người chết trẻ kiếp này do kiếp trước tạo nghiệp sát sinh, sát nhân hại người, cho nên cùng được đầu thai để hội tụ trong một gia đình- dòng họ để mà trả nghiệp. Khi đó sẽ được đầu thai vào gia đình - dòng họ có những người cũng tạo nhiều nghiệp lực, nghiệp lực trùng nghiệp lực. Những người bị chết trẻ là do nghiệp lực từ kiếp trước và kiếp này do không hành thiện cứu người nên đến ngày giờ theo nhân quả họ phải trả nghiệp. Đó chính là chết trùng hay còn gọi là trùng tang của gia đình - dòng họ. Như vậy chết trùng hay còn gọi là trùng tang là sự trùng lặp nghiệp lực của nhiều người đã từng tạo nhiều nghiệp sát sinh, sát nhân. Dân gian có câu “Có phúc được hưởng, có nghiệp phải chịu” là vậy. Do đó chết trùng là do nhân quả vận hành, các ngài thuộc hội đồng quan ngũ quỷ, thần, dưới cõi trời địa phủ, đi bắt họ về chứ không phải vong linh về bắt con cháu, hay chỉ điểm hoặc khai tên con cháu cho các ngài đi bắt. Việc con cháu trấn yểm mộ, bắt vong nhốt lên cửa chùa là sự vi phạm đạo đức, vi phạm chữ hiếu của người sống với người chết. Họ chết do nghiệp lực, họ không có quyền hành gì về bắt con cháu chết theo. Con cháu chết là do nghiệp của họ trong tiền kiếp, vì không hành thiện kiếp này nên phải bị chết do nhân quả. Chính vì vậy việc trấn yểm vong, trấn yểm mộ của các thầy bà, thầy pháp, thậm chí cả thầy chùa không những làm cho vong linh đó chấp ngã, mà còn dùng tinh tà, âm binh, quỷ để giam giữ và đánh đập vong linh. Điều này khiến cho vong linh khó có thể tu giác ngộ và khó siêu thoát.

Theo đạo Phật việc nhốt vong đặc biệt là nhốt vong của cha mẹ chính là việc làm bất hiếu, một trong những tội nặng nhất. Bởi cha mẹ là những người không chỉ có công sinh thành mà có tình thương yêu đối với con cháu trong gia đình. Dù có bị quỷ trùng tra tấn, sai vong linh về bắt con cái thì cha mẹ, ông bà sẽ vì con cháu mà kháng cự đến cùng. Do vậy, việc đem nhốt vọng cha mẹ, người thân trong gia đình là trái với luân thường đạo lý, là việc mà con cháu tuyệt đối không thể làm với bậc sinh thành của mình. Đối với những bậc thánh nhân đã đắc đạo, sớm thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi thì đã tự tại với việc sinh tử. Đối với con người là những bậc phàm phu tục tử vẫn còn phải chịu kiếp luân hồi, sinh hay tử là hai hiện tượng trong tiến trình luân hồi đó.

4. Hoá giải trùng tang

Vong hồn, ma, quỷ, yêu tinh,… là đại diện cho thế lực siêu nhiên xấu xa, có tác động không tốt với loài người, cho nên con người tỏ ra sợ hãi và tránh xa lực lượng này. Còn thần, thánh, Phật là lực lượng siêu nhiên có phép thuật cao hơn, có khả năng trấn áp, chế ngự thế lực xấu nên con người thường thờ cúng, cầu khấn để mong được che chở, bảo vệ.

- Trước tiên để chặn đứng việc chết trẻ thì chúng ta phải thấu hiểu luật nhân quả, sống đúng đạo đức làm người, luôn yêu thương quan tâm mọi người.

- Không được trấn yểm mộ, trấn yểm vong lên chùa nhằm nhốt vong. Vì nếu làm như vậy thì tức là ta đang tạo nghiệp bất hiếu với gia tiên, làm chậm quy trình luân hồi của người mất.

- Chia sẻ nhân quả cho mọi người cùng nhau sống đúng đạo lý làm người, hành thiện cứu giúp những người gặp khổ đau, khó khăn. Việc chia sẻ nhân quả, để mọi người sống đúng giá trị đạo đức làm người sẽ cứu giúp ta và mọi người thoát án tử, đây chính là Phổ độ cứu người để tạo công đức không gì sánh bằng.

Nghiệp và luân hồi làm cho tín đồ Phật giáo ý thức rằng, một sinh vật còn sống có thể là người mà họ chăm sốc ở kiếp trước và do đóhọ rất tôn kính tất cả các sinh vật sống. Họ không quan tâm đến việc họ bị một vị thần trừng phạt đối với hành vi sai trái của họ. Ngược lại họ tin tưởng ràng, bị phạt là bởi do nghiệp trong kiếp sau. Khái niệm này làm nền tảng cho mối quan hệ qua lại của nhân quả, và sự phụ thuộc lẫn nhau cho tất cả cuộc sống.[10] Khi chúng ta làm được như vậy, thì không những hóa giải nghiệp lực gia tiên, hóa giải chết trùng của vong linh mà còn tạo ra công đức vô lượng để cứu chính mình và con cháu trong dòng họ. Do đó việc giảng giải cho con cháu trong dòng họ là vô cùng quan trọng. Cho nên chúng ta phải bài trừ đi những quan điểm mê tín dị đoan trong việc yểm mộ, trấn vong do mấy pháp môn tà đạo ngoại bang truyền vào để gây u mê và khổ đau cho nhân dân chúng ta.

5. Kết luận

Theo quan niệm nhân quả luân hồi của Phật giáo cho rằng, sinh mạng của mỗi người do phúc báu mà thành. Do vậy gia đình có người chết không nên xem bói mà cần phải cúng dường, tụng kính sám hối, làm việc thiện, bố thí,… để tạo phúc phần cho người mất. Người mất được phước báu thì gia đình cũng nhận được phước lành. Đó là cách hóa giải hiện tượng này.

Dù có rất nhiều quan điểm xoay quanh hiện tượng trùng tang nhưng đến nay hiện tượng này vẫn là một trong những điều gây ảnh hưởng đến nhiều gia đình. Hi vọng qua bài tham luận hội thảo này giúp cho tất cả mọi người hiểu hơn về trùng tang trong dân gian và có thể bình tâm để quán chiếu sự đời vô thường này.

Bùa chú thể hiện sức sáng tạo của con người trong lúc tâm linh vô thức thăng hoa, nó là một nội lực tu luyện, tụng niệm chú vào đó, nhiều ngày tháng năm dùng để chữa trị thân bệnh và tâm bệnh. Tín ngưỡng bùa chú là tín ngưỡng tâm linh, nêm bản thân bùa chú không phải là những đều mê tín, mà chỉ có những người không muốn hiểu biết về nó đã khoát lên “Bùa chú” chiếc áo đầy “sắc màu mê tín”.

TT.ThS.Thích Thiện Hạnh Phó Viện trưởng Phân viện NCPHVN tại Hà Nội ***

Chú thích: [1] Nguồn gốc từ Trung Hoa nên theo gốc Hán Việt có nhiều tên gọi được sử dụng để chỉ chung về bùa chú: Phù chú, phù bèn, phù lục, hay linh phù… Đại Việt sử ký toàn thư; Việt điện u linh; Lĩnh Nam chích quái; Lịch triều hiến chương loại chí… cũng đề cập việc dùng bùa của người Việt nhưng chỉ nói đến như là một hiện tượng. [2] Thích Nhật Từ chủ biên, (2019), Nên tảng giáo dục Phật giáo về đạo đức, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr501 [3] Thích Nhật Từ chủ biên, (2019), Sđd, tr501 [4] Từ điển Hán Việt có Từ Phù (符) tức là: Lá bùa, đạo bùa. Lê Văn Lân cho rằng: Nghĩa nguyên thủy của chữ Phù (符) hay Bùa là cái thẻ làm bằng tre, viết chữ vào rồi chẻ ra làm đôi, mỗi người giữ một mảnh, khi so lại với nhau mà khớp thì đúng; thẻ tre này dùng để làm tin. Vũ Hồng Thuật khi nghiên cứu bùa chú cũng cho rằng: Từ “Phù” có nghĩa là lá bùa/đạo bùa còn từ “chú” là niệm chú cho lá bùa trở nên linh thiêng. Cả hai từ này khi truyền sang Việt nam được gọi gộp theo tiếng Việt là bùa chú hay bùa. [5] Thích Trung Định, Đặc tính tư tưởng của Thiền phái Lâm Tế ở Việt Nam, tapchivanhoaphatgiao.com [6] Chữ Chú (呪) thì có tới ba nghĩa là:1. Nguyền rủa; 2. Thần chú; 3. Theo nghĩa Kinh nhà Phật thì chú nghĩa là chúc nguyện. [7] Đỗ Thị Thu Hà, Phạm Đặng Xuân Hương (2017), "Nghi thức ma thuật truyền sinh trong đời sống dân gian", Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 391, tháng 1. [8] Trong kinh sách của Lão Tử, hồn là cái linh, thuộc vào phần khí của con người, phách (vía) là cái linh, phụ thuộc vào phần hình của con người. Hồn là phần khinh thanh (nhẹ) phách là phần trọng trọc (nặng). Vì vậy, khi nguời ta chết, hồn bay về trời, còn phách thì tiêu xuống đất theo thể xác. Theo Phật giáo, “hồn” là tầng thức sâu lắng nhất của tâm- ý thức, với các tên gọi khác nhau như “A lại da thức”, “chủng tử”, “nghiệp lực”. Nó là "tinh linh" của con người, vẫn tồn tại sau khi con người chết về mặt sinh học- vật lí. Vía (phách) cũng là dạng tinh thần- ý thức nhưng nó thô, nặng hơn, tương đương với “mạt na thức”, tức là cái “thức” do các giác quan đưa lại còn lắng đọng. Nó cũng tồn tại một thời gian sau khi con người chết (Phật giáo gọi là “thân trung ấm” (Bado), sau đó sẽ tan dần). [9] Ma là một từ để chỉ sự hiện hình của người chết. Cũng cần phải phân biệt giữa ma và quỷ. Quỷ là oan hồn (vong hồn người chết oan) vất vưởng lâu năm, chất chứa nhiều cảm xúc tiêu cực (oán hận). Ma và Quỷ trong tiếng Việt đều là hai từ bắt nguồn từ tiếng Hán, tuy nhiên về mặt nghĩa thì Ma và Quỷ giữa tiếng Hán và tiếng Việt lại dùng để chỉ hai khái niệm khác nhau. Trong tiếng Hán, chữ Quỷ (鬼-Guǐ) dùng để chỉ vong hồn của người chết (tương đương Ma trong tiếng Việt); còn chữ Ma (魔-Mó) lại là một cách rút gọn của Ma La (魔羅), phiên âm từ từ Māra trong tiếng Phạn. Đây là một khái niệm Phật giáo mà Từ điển Phật học Hán Việt do Hoà thượng Kim Cương Tử chủ biên giảng là: “Phiên âm theo tiếng Phạn là ma-la. Chỉ lũ ác quỷ làm hại nhân mạng, có khả năng cướp đoạt nhân mạng, gây chướng ngại, nhiễu loạn, phá hoại các thiện sự của loài người. Trong Kinh Bát Đại Nhân Giác có nói bốn loại ma đó là: Phiền não ma, ngũ ấm ma, thiên ma và tử ma. Bốn loại ma này, đặt biệt Tử ma là ma chết. Con người sau khi chết thành loài ma quái yêu tinh khuấy nhiễu làm người ta sợ hãi sanh bệnh v.v… Hoặc người đang tinh tấn tu hành, bỗng bị vô thường xảy đến bệnh hoạn hay tai nạn rồi ngã ra chết làm trở ngại dở dang sự tu hành đó cũng thuộc về tử ma. [10] Thích Đức Thiện - Thích Nhật Từ (2019), Các tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm, phát triển bền vững, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr59-60

Tài liệu tham khảo: 1. Nguyễn Lang (1992), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 2, Nxb. Văn học, Hà Nội 2. Lê Mạnh Thát (1990), Thiền uyển tập anh, Nxb. Văn học, Hà Nội 3. Thích Thanh Từ (1999), Thiền sư Việt Nam, PL 2543 4. Vũ Hồng Thuật (2013), Nghiên cứu so sách văn hoá bùa chú của người Kinh hai nước Việt- Trung, Luận án Tiến sĩ Dân tộc học, Viện Dân tộc học, Trường Đại học Vân Nam, Trung Quốc 5. Ngô Đức Thịnh chủ biên (2006), Giá trị và tính đa dạng của Folklove chấu Á trong quá trình hội nhập, Nxb Thế giới, Hà Nội 6. Huyền Trí, Vạn Pháp Thần Thông; Mao Sơn Đạo Thuật; Phù Thuỷ Chỉ Nam; Linh Phù Toàn Yếu Trùng Tang (Thỉnh Bùa, lập đàn và phương pháp làm bùa) Linh Quang Bảo Điện, Long Bình Tân- Biên Hoà- Đồng Nai 7. Trần Lang (20220, Bùa chú, Nxb. Thế giới, Hà Nội 8. Đỗ Thị Thu Hà, Phạm Đặng Xuân Hương (2017), "Nghi thức ma thuật truyền sinh trong đời sống dân gian", Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 391, tháng 1 9. Nguyễn Dư, Phong tục Việt Nam: Các phương thuật, tuvilyso.org; 10. Thích Nhật Từ (2019), Gia đình hoà hợp & xã hội bền vững, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội 11. Thích Nhật Từ (2019), Nền tảng giáo dục Phật giáo về đạo đức, Nxb Tôn giáo, Hà Nội 12. Thích Đức Thiện - Thích Nhật Từ (2019), Các tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm, phát triển bền vững, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội