Tác giả: Thích Giác Đức Chùa Hưng Long, 298 Ngô Gia Tự, P.4, Q.10, Tp.HCM

Như Lai đã tự tìm ra một lối đi riêng bằng chính sự tinh tiến dõng mãnh và tuệ giác của mình. Thế nên Ngài luôn đề cao tinh thần tự bước đi trên đôi chân mình đối với một vị Sa môn phạm hạnh. Chính vì vậy mà trong Kinh tạng Nikāya, rất nhiều lần Thế Tôn chú trọng về sự quy hướng nội tại cũng như đề cao giá trị tự thân. Nhận thấy ý nghĩa sâu sắc trong trách nhiệm cá nhân, cũng như tính thiết yếu của việc tự thắp lên ngọn đèn để soi chiếu tâm mình. Cũng như hành trang để cho hành giả tiến tu trong đạo pháp. Giáo lý nghiệp như kim chỉ nam để chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống, cũng như quá trình tu tập đạt đến quả vị giải thoát.

1. Ý nghĩa Nghiệp trong Pháp Cú

Đạo Phật quy trách nhiệm ở nơi con người, mỗi cá nhân đều phải tự chịu lấy kết quả từ nghiệp mình tạo tác. Như lời dạy trong “Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt (Cūlakammavibhaṅgasutta)”: “Này Thanh niên, các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình, nghĩa là có liệt, có ưu...” [1]. Cũng hàm chứa ý nghĩa đó, trong kinh Pháp cú cho chúng ta thấy rõ chính mình là chủ nhân của những hành động thiện hay bất thiện, và thâm ý được cô đọng trong vài dòng kệ ngắn đã khai mở cho ta một sự nhận thức, nghiệm sâu và sáng tỏ được rằng, khổ hay vui, tịnh hay nhiễm đều từ một niệm nơi tâm ý mình mà sinh khởi, không phải từ đâu mang lại cho ta.

Nghiệp nhân do chính mình gieo ra trong đời sống hiện giờ hay quá khứ, việc làm tốt hay xấu cuối cùng chúng ta lãnh quả báo cay đắng hay sung sướng. Nói đến nghiệp, trong giáo lý Phật giáo, thân - khẩu - ý giữ vai trò quan trọng hướng đến nghiệp lành hay dữ dẫn dắt con người. Nghiệp (Kamma) nghĩa là “sự tạo tác, tức là chỉ cho hoạt động của thân tâm như hành vi, hành động, hoặc chỉ cho những hoạt động của thân tâm do ý chí sinh ra” [2]. Như trong “Kinh Một pháp môn quyết trạch (Nibbedhikasutta)” Phật dạy: “Này các Tỷ kheo, Ta tuyên bố rằng suy tư [sự cố ý] là nghiệp: sau khi suy tư [cố ý], tạo các nghiệp về thân, về lời, về ý”[3], từ đó mà dẫn đến những nghiệp quả sai biệt. Kinh Hoa Nghiêm cũng có câu kệ: “Nếu người muốn rõ biết/ Tất cả Phật ba đời/ Phải quán pháp giới tánh/ Tất cả do tâm (ý) tạo” [4]. Như vậy, tất cả khổ vui trên đời, đều do tâm ta tạo lấy, giải thoát hay ràng buộc chính ta tự quyết định, địa ngục hay Niết bàn cũng đều do ta tự tạo nên. Chỉ có tự mình nỗ lực tu tập, chuyển hóa thân tâm, mới có thể đưa mình thăng tiến trên lộ trình giác ngộ.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Y Nghia Cua Nghiep Trong Kinh Phap Cu 1

2. Quay về với chính mình

Như Lai đã khẳng định chúng ta là Phật sẽ thành, tuy nhiên chúng ta lại không đủ lòng tin nơi mình, mãi hướng vọng đến những điều xa vời, trong khi muôn pháp chẳng vượt ngoài tâm, mong cầu ánh sáng chân lý ở tận chân trời, mà lại không biết thắp lên ngọn đèn để soi chiếu tự thân. Đức Phật đã nhấn mạnh: “Chính các ngươi là kẻ bảo hộ cho các ngươi, chính các ngươi là nơi nương tựa cho các ngươi” [5], Ngài luôn đề cao trách nhiệm của bản thân mình trên con đường sinh tử, không ai có thể tu tập thay ai, không ai cho mình quả vị giải thoát ngoại trừ tự mình đạt được nó. Ngài xác nhận rằng Như Lai chỉ là người chỉ đường: “Này Bà-la-môn, trong khi có mặt Niết-bàn, trong khi có mặt con đường đi đến Niết-bàn, và trong khi có mặt Ta là bậc chỉ đường. Nhưng các đệ tử của Ta, được ta khuyến giáo như vậy, giảng dạy như vậy, một số chứng được cứu cánh Niết-bàn, một số không chứng được. Ở đây, này Bà-la-môn, Ta làm gì được? Như Lai chỉ là người chỉ đường” [6]. Thế nên, đối tượng bên ngoài không phải là điểm tựa vững chắc cho ta, nhẫn đến một tôn giáo, tín ngưỡng có mặt là để làm nơi hướng đạo, dẫn dắt tâm linh cho con người, cũng chỉ là phương tiện đưa chúng sinh đến gần tuệ giác, không phải như một tượng đài linh thiêng, ban phước giáng họa cho mọi người. Đức Phật dạy: “Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một điều gì khác. Dùng Chính pháp làm ngọn đèn, dùng Chính pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một điều gì khác” [7]. Chúng ta lấy những thứ đó làm chỗ nương tựa, làm sức sống, làm cơ sở, làm mục đích cho sự tồn tại của mình. Vì thế người đệ tử Phật chúng ta hãy bình tâm, tỉnh trí trước sự tác động muôn hướng của dòng đời mà quay về nương tựa chính mình, nương tựa chính pháp mà đức Phật đã truyền trao. Không một ai, không thứ gì có thể mang lại bình an và hạnh phúc cho chúng ta ngoại trừ chúng ta và sự thực hành chính pháp. Có tu tập, có thực hành chính pháp, chúng ta tự trở thành nơi nương tựa vững chắc cho chính mình.

3. Ứng dụng lời Phật dạy vào đời sống tu học của tự thân

“Tự mình, làm điều ác/Tự mình làm nhiễm ô, Tự mình không làm ác/Tự mình làm thanh tịnh. Tịnh, không tịnh tự mình/Không ai thanh tịnh ai!” [8].

Câu kệ ngôn ấy như một lời khuyến cáo, rằng mỗi hành giả phải tự bước đi trên đôi chân của chính mình, quả vị giải thoát là do mình tự đạt đến chứ không ai có thể ban cho. Và không ai khác ngoài chính ta tự quyết định nghiệp quả của mình thông qua những tạo tác của Thân – khẩu – ý nghiệp. “Nếu con người tạo nghiệp xấu thì chịu quả báo xấu và tạo nghiệp tốt thì được quả báo tốt, cầu nguyện cũng không thể làm thay đổi được nghiệp lực, nhất là khi nghiệp đã chín muồi, đức Phật đã khẳng định như vậy” [9]. Người có ý thức cao về trách nhiệm tự thân nên sống trong sự chính niệm và nhận diện như thế. Chúng ta hãy để thời gian, không gian sống và tu tập là do mình tự làm chủ, không bị nhiễu loạn và phụ thuộc bởi một đối tượng nào khác. Đệ tử Phật đã muốn đạt đến cứu cánh thì phải biết tự thân nổ lực, xa lìa nghiệp bất thiện, thanh trừng những phiễn não lậu hoặc và vận dụng những pháp lành để tịnh hóa thân tâm, hướng đời sống phạm hạnh của mình về với nẻo sáng của chính nghiệp. Tuy nhiên, muốn biết đâu là chính nghiệp, thì trước nhất cần phải có chính kiến. Hay nói rộng hơn, con đường giác ngộ của Phật giáo mà mỗi hành giả phải hướng đến là con đường thánh đạo tám nhánh, mà trong đó chính kiến là dẫn đầu. Trong “Kinh Rohitassa” từng khẳng định: “...Chân lý “trong vũ trụ đều nằm vỏn vẹn trong tấm thân một trượng này. Chính kiến là yếu tố tất yếu trong Phật Giáo để thành tựu mục tiêu cứu cánh ...” [10]. Cũng có thể nói nương theo tinh thần trung đạo mà tu tập thì mới có thể thăng hoa trên lộ trình trí giác, dùng chính pháp làm ngọn đèn để soi rọi đường đi và dựa vào sự nỗ lực, tinh tấn dõng mãnh của tự thân thì mới có thể đi đúng hướng và đến được tận cùng quả vị giải thoát. “Hãy nương tựa mình và nương tựa chính pháp” như một di huấn mà đức Phật dành riêng cho mỗi chúng ta. Có câu nói ấy, đệ tử của Phật sẽ vững tin hơn vào chính bản thân mình và thành tựu chính tín đối với giáo pháp không còn nghi ngờ. Tuy nhiên, chân lý chỉ hiển bày với những ai chịu khai mở con mắt tuệ giác, “Tịnh, không tịnh tự mình /Không ai thanh tịnh ai”.

KẾT LUẬN

Kinh Pháp Cú với 26 phẩm, 423 kệ ngôn liên quan đến hơn 300 câu chuyện giản dị, mộc mạc nhưng chứa đựng cả một hệ thống giáo lý cốt tủy của Phật giáo, truyền tải những bài học sâu sắc về đạo đức, triết lý sống, ý thức trách nhiệm cá nhân và cảnh tỉnh con người giữa cuộc đời đầy dục vọng. Muốn tuệ giác được quang rạng thì phải tự tìm lửa pháp thắp lên ngọn đuốc trong tự tâm, ngồi mong quả vị cao xa, chi bằng tự thân tinh tấn đi về hướng ánh sáng giác ngộ.

Tác giả: Thích Giác Đức Chùa Hưng Long, 298 Ngô Gia Tự, P.4, Q.10, Tp.HCM

***

Chú thích: 1.Nguyên tác: “Kammassakā, māṇava, sattā kammadāyādā kammayonī kammabandhū kammappaṭisaraṇā. Kammaṃ satte vibhajati yadidaṃ: hīnappaṇītatāyāti...”, tr. 203; HT Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ II, Kinh Tiểu nghiệp phân biệt, tr. 543. 2. Thích Quảng Độ dịch, Phật Quang Từ Điển, tập 3, tr. 3273a. 3. Nguyên tác: “Cetanāhaṃ, bhikkhave, kammaṃ vadāmi. Cetayitvā kammaṃ karoti : kāyena vācāya manasā.”, Aṅguttaranikāya”, tr. 511 - HT. Thích Minh Châu, Kinh Tăng Chi Bộ, Tr. 218. 4. Thích Trí Tịnh, Trí Tịnh Toàn Tập 1 - Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, tr. 702. 5. Thích Quảng Độ dịch, Phật Quang Từ Điển, tập 3, tr. 3273a. 6. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ 2, Kinh Gaṇaka Moggallāna, tr. 329. 7. Thích Minh Châu dịch , Kinh Tương Ưng V, tr. 256. 8. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu Bộ 1, Pháp Cú, tr. 64. 9. Bhik. Samādhipuñño Định Phúc, Cuộc đời và những lời dạy của Đức Phật, tr. 153. 10. E: “It is the understanding of oneself as one really is, because, as the Rohitassa Sutta states, these truths are concerned with the one - fathom long body of man. The keynote of Buddhism is this right understanding” - Venerable Nārada Mahāthera, The Buddha and His Teachings, tr.178.

TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Khuddaka Nikāya, Dhammapadapāḷi, 12. Attavaggo. 2. Majjhimanikāya, I-IV. (1888-1902). Trenck, V., Chalmer, R., & Rhys Davids, C.A.F, ed., London: PTS. 3. Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ 1, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam (VNCPHVN), TP.HCM, 1991. 4. HT Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ 2, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, 2012. 5. HT Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng Bộ 3; 5, VNCPHVN, TP.HCM, 1991. 6. HT Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi Bộ 2, VNCPHVN, TP. HCM, 1996. 7. HT Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu Bộ 1, VNCPHVN, TP.HCM, 1999. 8. Thích Tịnh Hạnh (dịch), Đại Tập 6 - Bộ A-Hàm VI, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, Taiwan, 2000. 9. Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, Trí Tịnh Toàn Tập - Tập 1, Tôn Giáo, Hà Nội, 2011. 10. Venerable Nārada Mahāthera, The Buddha and His Teachings, Buddhist Publication Society, Sri Lanka, 2010. 11. Minh Huệ ( dịch), Đại Phật sử 5, Nxb. Hồng Đức, 2019. 12. Bửu Chơn (soạn dịch), Tự Điển Pāli – Việt, Nxb. Phật giáo nguyên thủy, 1977. 13. Thích Quảng Độ (dịch), Phật Quang Từ Điển, tập 3. Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000.