Abhidhamma tạng là cả một sự cố gắng hệ thống hóa những lý thuyết và phương pháp tiềm tàng và rải rác trong Kinh tạng... nhờ vậy giúp chúng ta có một khái niệm tổng quát và hệ thống về tiến trình phát triển của đạo Phật.

Tác giả: Thích nữ Hiển Liên NCS Ths Khóa V Học viện Phật giáo Việt Nam

Dẫn nhập

Xuyên suốt tiến trình lịch sử Phật giáo ghi lại nhiều sự kiện quan trọng mà ở đó sự tồn tại của Tam tạng Thánh điển chính là minh chứng về giá trị ứng dụng sâu sắc theo thời gian, trong đó Luận tạng có sức ảnh hưởng sâu rộng. Khởi nguyên và sự phát triển của Abhidhamma luôn là vấn đề được các nhà nghiên cứu Phật học chú ý và nghiên cứu.

Thật vậy, Abhidhamma “là chìa khóa để thâm nhập Tam tạng kinh điển”[1]. Rất nhiều học giả đã nêu lên tầm quan trọng, giá trị của việc bảo vệ và phát triển Abhidhamma. Tuy nhiên, điều gây ra tranh cãi là Abhidhamma có phải do đức Phật thuyết hay khởi nguyên và tiến trình phát triển của Abhidhamma diễn ra như thế nào?

Hiểu về Abhidhamma, ta sẽ có được cái nhìn toàn diện về bộ phận không thể thiếu của Phật giáo. Từ đó tạo được niềm tin, động lực để bảo vệ và phát triển Abhidhamma.

CHƯƠNG I.  ĐỊNH NGHĨA ABHIDHAMMA

Theo Từ điển Pāli thì Abhidhamma mang ý nghĩa tăng cường hay cường điệu cho tác động của động từ. [2] Quả thật, “tiếp đầu ngữ Abhidhamma được dùng trong ý nghĩa ưu trội, vi diệu, …”[3]. Abhidhamma gồm hai đặc điểm: “về nội dung thì ý nghĩa thù thắng và về phương pháp luận cứu thì tường tận, khúc triết.”[4]

Tuy nhiên, việc giải thích Abhidhamma với nghĩa là giáo pháp cao siêu với dụng ý đề cao Luận tạng chỉ xuất hiện về sau. Ban đầu Abhidhamma xuất hiện thuần tuý chỉ mang ý nghĩa là sự hệ thống hóa dưới hình thức các công thức hay được phân loại hoặc toát yếu thành các nhóm giáo pháp những lời dạy của Như Lai. [5]

Các minh chứng, chẳng hạn: Kinti (Trung Bộ), Pasadika (Trường Bộ), ... hay Pāli-English Dictionary, .... “Abhidhamma đầu tiên được nói đến trong Kinh Tạng và Luật tạng có nghĩa là học thuyết về giáo pháp, ...  không tô điểm bằng văn chương hay bởi nhân vật nào, cũng không pha lẫn với giai thoại hay luân lý.”[6]

CHƯƠNG II.  KHỞI NGUYÊN HÌNH THÀNH VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA ABHIDHAMMA

“... mỗi thung lũng có ngôn ngữ riêng, vì thế mỗi vị thầy có mỗi giáo thuyết riêng.”[7] Câu ngạn ngữ Tây Tạng này đã phản ánh rất đúng về giáo lý của đạo Phật: Nhất quán về mặt giáo lý, phong phú về phương diện thích nghi. Quả thật, Abhidhamma chính là sự thăng hoa đó khi mà cả về nguyên nhân tiềm tàng, khởi nguyên hình thành cho đến cả quá trình phát triển đều là vì giáo hóa rộng rãi quần chúng, để Phật giáo trở nên dễ hiểu và gần gũi.

1. Khởi nguyên hình thành Abhidhamma

Theo TT.Thích Tâm Minh, xét về nguồn gốc tiềm tàng thì Abhidhamma xuất phát từ kinh tạng và việc phát triển thành các bộ luận sau đó là quá trình phát triển tất yếu của đạo Phật.[8] Điều này HT.Thích Thiện Siêu cũng xác quyết: “A Tỳ Đạt Ma bao gồm trong sự thuyết pháp của đức Phật”[9].

Cũng vậy, theo tài liệu của Kimura Taiken có nói: “Ngay tại bản thân của Phật đã có thái độ căn bản về phương pháp luận cứu phân loại và phân biệt của A Tỳ Đạt Ma rồi”[10]. Và nhận định: “Điều hiển nhiên là từ Abhidhamma hay A Tỳ Đạt Ma xuất hiện nhiều nơi trong các kinh và luật... Những dẫn chứng này cũng hàm ngụ ý nghĩa rằng chính đức Phật đã thuyết A Tì Đạt Ma.”[11]

So với Abhivinaya ít được vận dụng, sự kiệm khái niệm Abhidhamma được chú ý, phát triển từ sớm và phổ biến rộng rãi cũng chính là minh chứng cho thấy khởi nguyên của Abhidhamma là từ Kinh tạng. Thật vậy, cả Abhidhamma và Abhivinaya đều được nói đến từ rất sớm với hàm ý thoát yếu về giáo pháp và giới luật, song chỉ có Abhidhamma tiếp tục phát triển và hình thành Luận tạng.[12]

Theo nhận định của HT.Thích Thiện Siêu, Luận tạng bất quá là cắt nghĩa chữ Pháp mà thôi, chứ Luận tạng không có tính cách gì khác hơn là dạy một cách đúng như lý.[13]. Rõ ràng, Abhidhamma cốt yếu là nhằm làm sáng tỏ giáo pháp của đức Phật, hay cụ thể, chủ đích của các bộ luận Phật giáo là nhằm cắt nghĩa, giải thích, mở rộng, thảo luận chi li về Pháp.

2. Quá trình phát triển của Abhidhamma

Tiến trình phát triển tuần tự hình thái Abhidhamma cho đến khi tiến đến hình thành các bộ luận độc lập diễn ra trong nhiều thế kỉ.[14] Không hề có một sự phân định rạch ròi nếu xét về giá trị, tuy vậy tìm hiểu rõ về từng giai đoạn ấy sẽ là cơ hội để ta học tập được tính thực nghiệm của giáo lý Như Lai.

Dựa trên công trình của Kimura Taiken[15], HT.Thích Thiện Siêu làm rõ các giai đoạn: “từ việc nỗ lực sắp xếp những lời Phật dạy thành các bản kinh ... đến việc giải thích nghĩa lý trong các kinh văn ... tiến đến hình thành các bản luận mang sắc thái độc lập”[16]. Tương tự: “Sau khi Phật Niết Bàn, hay ngay trong thời tại thế, các Thánh đệ tử, bằng nguyện trí, tùy theo sự thích hợp, soạn tập phân biệt theo bộ loại.”[17] Theo “Tổng quan tam tạng Pāli” gồm các giai đoạn như sau:

Đầu tiên, Luận thư còn giữ hình thái khế kinh.

Thứ hai, Luân thư giải thích nghĩa kinh.

Thứ ba, Luận thư tiến tới địa vị độc lập.

Theo Kimura Taiken, “sự phát triển A Tỳ Đạt Ma có thể chia làm bốn giai đoạn”[18]. Đây được cho là giai đoạn hình thành luận thư mang tính cương yếu. Đó là thời kỳ xuất hiện và hưng thịnh của các bộ phái và khi ấy, luận thư chính là tinh thần của các bộ phái ấy, “vì đáp ứng nhu cầu học tập một cách dễ dàng, do đó lại biên tập luận thư mang tính cương yếu”[19].

Bên cạnh nhận định như Abhidhamma đã bao gồm sự thuyết pháp của đức Phật[20], hay Abhidhamma là cả một sự cố gắng hệ thống hóa lý thuyết và phương pháp tiềm tàng, rải rác trong kinh Tạng[21], ta gặp nhiều quan điểm khác, mà trong đó không ít là phê phán, như “sự phát triển văn học Abhidhamma không những để kiện toàn quan điểm riêng biệt của bộ phái, mà cũng để công kích quan điểm đối phương...”[22]. Từ đây, thúc đẩy ta tìm hiểu dấu hiệu tiềm tàng của Abhidhamma.

3. Dấu hiệu tiềm tàng hình thành Abhidhamma

“... Sự xuất hiện các bộ luận Phật giáo một thời gian sau ngày đức Phật nhập Niết-bàn là xu hướng phát triển tất yếu của một hệ thống tư tưởng”[23], có cơ sở tiềm tàng trong cách thức giảng dạy của đức Phật, xuất phát từ nỗ lực suy cứu và diễn dịch phức tạp những chủ trương giản dị ban đầu của Thế Tôn. Thế nên, các dấu hiệu Abhidhamma xuất hiện trong sinh hoạt Tăng già là điểu tất yếu.

Đầu tiên, là sự sinh hoạt học tập và thảo luận Phật pháp của các thành viên Tăng già.[24] Nét đặc trưng của sinh hoạt Tăng già thời đức Phật là không khí học tập và thực hành Chánh pháp được khuyến khích bởi bậc Đạo sư. Một lời giáo huấn quan trọng: “Này các Tỷ-kheo, khi các ngươi hội họp với nhau, có hai việc cần phải làm: luận bàn đạo pháp hay giữ sự im lặng của bậc Thánh”[25].

Điều này xuất phát từ sự yêu chuộng hiểu biết và suy cứu triết học của người Ấn Độ khi ấy. Không nói đến phương diện tiêu cực mang tính cách tranh cãi, việc lý luận xuất phát từ mong muốn hiểu biết là dấu hiệu Abhidhamma quan trọng xuất hiện trong sinh hoạt Tăng già. Kết quả của sự nỗ lực học tập xuất phát từ những cuộc thảo luận và trao đổi kinh nghiệp tu tập trong Tăng già manh nha cho sự phát triển về tư tưởng và luân lý mang tính vượt trội và thích nghi của Phật giáo.

Tự do tư tưởng, khuynh hướng kế thừa và phát huy các phương cách giảng dạy, hệ thống hóa các giáo lý căn bản của đức Phật là dấu hiệu tiếp theo.

Từ trách nhiệm giải thoát cá nhân, tự do trong tiếp cận chân lý, đã hình thành tính cách độc lập trong tư tưởng, dẫn đến sự tiếp thu có chọn lọc lời dạy bậc Đạo sư. “Chớ có tin vì nghe truyền thuyết... Nhưng khi nào tự mình biết rằng pháp này là thiện, ... bây giờ hãy chấp nhận và thực hành chúng”[26] Từ chủ trương cởi mở này, giáo pháp Như Lai được diễn dịch, truyền bá bằng nhiều hình thái khác nhau.

Ngoài ra, khuynh hướng kế thừa và phát huy phương cách dạy của Thế Tôn cũng là dấu hiệu. Tăng già sau khi tiếp thu những tinh túy từ lời dạy của Như Lai, cần phải lựa chọn cách thức truyền dạy phù hợp.

Ví dụ như: Bản kinh Saccavibhanag hay việc Tỷ-kheo-ni Kema với bài pháp thoại cho vua Pasenadi.

Nhu cầu sinh hoạt học tập và củng cố học phái và điều chỉnh sự hiểu nhầm là dấu hiệu quan trọng. Công việc đầu tiên của các học phái khi tách rời nhau là phát huy quan điểm và lập trường độc lập của mình bằng cách nỗ lực làm sáng truyền thống mà nó theo đuổi, tạo nên một hệ quy chuẩn giáo lý của học phái. Quả thật, “rất có thể các bộ luận là kết quả của chương trình học tập và truyền bá Phật pháp lâu dài của một tập thể Tăng già bộ phái ...”[27]

Theo K.L.Hazra thì Ấn Độ đương thời với nhiều phức tạp buộc Thế Tôn phải nỗ lực chấn chỉnh.[28] Theo chiều dài của thời gian và chiều rộng của không gian, ngày một xuất hiện nhiều vấn đề cần chấn chỉnh hoặc nhiều mâu thuẫn phát sinh. Đây như một nguồn lực ngầm thúc đẩy sự hình thành nền tảng lý luận, giảng giải để giải thích hoặc bảo vệ cho quan điểm chính thống.

Cuối cùng là xu hướng phát triển của đạo Phật và khuynh hướng xã hội hóa Phật giáo. Cụ thể, “do sự tiến bộ của tư tưởng trải qua hơn một thế kỷ đem đến”[29]. Rõ ràng sự phát triển thuận lý của Phật giáo theo dòng thời gian đã khiến luận thư liên tục ra đời và không ngừng phát triển.

Khuynh hướng xã hội hóa Phật giáo đã manh nha trong cách thức và mục tiêu của Luận tạng. Việc Abhidhamma được nhấn mạnh cũng là khi học thuật và tri thức được khuyến khích, gián tiếp tạo nên nhiều chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội.

CHƯƠNG III. SỰ PHÁT TRIỂN CỦA ABHIDHAMMA TRONG XÃ HỘI NGÀY NAY

“Abhidhamma tạng là cả một sự cố gắng hệ thống hóa những lý thuyết và phương pháp tiềm tàng và rải rác trong Kinh tạng ... nhờ vậy giúp chúng ta có một khái niệm tổng quát và quán xuyến về đạo Phật”[30]. Từ đây, vấn đề phát triển Abhidhamma với nhiều ưu thế và thách thức như ngày nay là một câu hỏi lớn.

Abhidhamma xuất hiện khi Thế Tôn còn tại thế, do Ngài thể hội, truyền dạy cho chúng đệ tử và trở thành “kho tàng cung ứng vật thực, nuôi dưỡng và làm tăng trưởng tri thức”[31]. Đó không phải là lý thuyết suông, bởi “nếu không có một tri thức tổng quát về A Tỳ Đạt Ma thì quyết không thể nào hiểu rõ được ý nghĩa trong khế kinh”[32]. Quả thật, “Abhidhamma... không phải là những tư tưởng phiêu bồng trên mây. Abhidhamma có thể ứng dụng được trong đời sống hàng ngày”[33].

Không dừng lại ở đó, Abhidhamma còn là yếu tố quan trọng để Phật giáo đồng hành cùng thời đại, đúng như Kimura Taiken nhận định: “... đến A Tỳ Đạt Ma tư tưởng Phật giáo đã khai triển những vấn đề hoặc kiến giải vượt ra ngoài khế kinh, và kết quả đã ảnh hưởng đến tư tưởng sau này...”[34]

Ngày nay, xã hội phát triển vượt bật, các khủng hoảng cũng tăng vọt, giáo lý Phật Đà ngày càng khẳng định được ưu thế bởi giá trị giải quyết nỗi đau khổ nhân sinh. Lời Phật dạy, nhờ Abhidhamma đã phát huy trọn vẹn ý nghĩa. Phát triển Abhidhamma là điều kiện tiên quyết để Phật giáo phát triển. Điều này đặt ra nhiều thách thức mà ở đó vai trò của tăng, ni là vô cùng quan trọng.

Nhiệm vụ đưa người thế gian đến với Phật giáo, đúng lúc, đúng thời, phù hợp với căn cơ của từng người, giúp cho họ hiểu, thực hành giáo lý Phật Đà nhằm có được đời sống an yên, xa lìa tà kiến, chấp ngã là nhiệm vụ vô cùng quan trọng thể hiện trí tuệ sáng suốt, từ bi tràn đầy của người con Phật. Khi đó, kế thừa, bảo vệ và phát triển Abhidhamma trở thành nhiệm vụ tiên quyết.

KẾT LUẬN

Nếu khởi nguyên hình thành chỉ rõ cho ta tầm quan trọng của Abhidhamma, thì hiểu rõ về tiến trình phát triển Abhidhamma chứng minh cho ta thấy sự phát triển mạnh mẽ, uyển chuyển của Abhidhamma, sự cố gắng nỗ lực hoàn thành trọn vẹn trách nhiệm cao tột của đạo Phật là giải quyết đau khổ của chúng sinh.

Thông qua sự hiểu một cách đầy đủ chi tiết nhất về nguyên nhân hình thành của và sự phát triển của Abhidhamma, ta sẽ thấy rõ đườc một bức tranh toàn cảnh đạo Phật với sự hiện hữu Tam tạng Thánh điển một cách trọn vẹn nhất, tránh khỏi nhưng suy nghĩ thiên lệch có phần cảm tính. Từ đây, giá trị chân chính của giáo pháp Phật Đà có thể được phát huy trọn vẹn.

Tác giả: Thích nữ Hiển Liên NCS Ths Khóa V Học viện Phật giáo Việt Nam ***