Âm nhạc Phật giáo được coi là một phần của văn hóa nghệ thuật Phật giáo, các giai điệu âm nhạc khác nhau tùy theo từng cộng đồng văn hóa khác nhau. Ban đầu từ chân dãy Himalaya, một dãy núi ở châu Á, phân chia tiểu lục địa Ấn Độ khỏi cao nguyên Tây Tạng, đạo Phật đã lan rộng khắp châu Á và trên thế giới.
Việt dịch: Thích Vân Phong
Nguồn: Musikgarten.org
Chúng ta bắt đầu khám phá nghệ thuật âm nhạc và lịch sử tôn giáo, bằng cách thảo luận về những khó khăn trong việc xác định nghệ thuật âm nhạc và nguồn gốc lịch sử của nó. Các nền văn hóa nghệ thuật sớm nhất, bắt chước những âm thanh trong tự nhiên, vì những lý do chức năng như săn bắn, vậy sự tiến hoá để hoà âm phối khí cùng nhịp điệu âm vang của tiếng kinh kệ và đan xen tiếng trống, chuông, đàn, kèn thực sự đồng bộ, trở thành một thứ gì đó hơn nữa?
Khi con người bắt đầu suy ngẫm về những kỳ quan thiên nhiên xung quanh và sự tồn tại bên trong của chúng, thì việc phụng thờ cúng kính đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển xã hội. Khi bắt đầu, giai điệu và sáng tác nhạc đưa ra một số cấu trúc về cách âm nhạc ngày nay như chúng ta đã biết.
Một số hình thức hoặc âm nhạc được biết đến sớm nhất, chẳng hạn như Seikilos Epitaph, tác phẩm âm nhạc hoàn chỉnh, bao gồm cả ký hiệu âm nhạc, từ bất cứ nơi nào trên thế giới, đây là bằng chứng về sự tôn thờ nghệ thuật âm nhạc.
Trong các phần tiếp theo của loạt bài này, ảnh hưởng âm nhạc của từng tôn giáo lớn trên thế giới - Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Ấn Độ giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo sẽ được khám phá riêng biệt. Cho đến ngày nay, nhiều hình thức nghệ thuật âm nhạc tôn giáo truyền thống này, vẫn được các giáo viên âm nhạc mầm non sử dụng trên toàn cầu.
Sự mâu thuẫn giữa âm nhạc và Phật giáo (The Contradiction of Music and Buddhism)
Trên khắp thế giới, có rất ít hình thức tôn giáo mà không có âm nhạc trong các nghi lễ của tôn giáo.
Tuy nhiên, đặc điểm của thông điệp Phật giáo nguyên thuỷ cho rằng, mọi thứ trong cuộc sống đều không ý nghĩa bền lâu, làm xao lãng việc tu tập, mong giải thoát những nỗi khổ niềm đau trong cuộc sống, dường như có sự mâu thuẫn giữa Âm nhạc và Phật giáo, điều này Kinh điển Phật giáo Nam truyền và Luật tạng có đề cập rất rõ vể giới luật Phật giáo liên quan đến giới cấm không được đàn ca hát, xem nghe ca hát, và không say đắm trong âm điệu.
Bởi vì cần tránh xa việc xem nghe ca hát và tự mình ca hát vì mục đích của người tu hành là giải thoát mọi sự khổ đau của cuộc đời. Tuy nhiên, theo Phật giáo Tịnh độ tông (Pure Land Buddhism), cũng gọi là An lạc quốc nơi thanh tịnh nhất, tên của Tây phương Tịnh độ, nơi Đức Phật A Di Đà tiếp dẫn. Kinh A Di Đà có đoạn: “Cõi Cực Lạc đất thuần là vàng, trên không thường có nhạc trời, ngày đêm sáu thời hoa Mạn Đà La từ trên không trung rơi xuống như mưa, tỏa hương kỳ diệu. Cõi nước Cực Lạc đầy đủ công đức trang nghiêm như vậy”.
Âm nhạc là một môn nghệ thuật phối hợp các âm thanh theo những quy luật nhất định. Âm nhạc bắt nguồn từ những âm thanh trong cuộc sống, nó phản ánh những tâm tư tình cảm của con người ở thế giới Cực Lạc tuyệt vời.
Hầu hết các thực hành Phật giáo đều liên quan đến một số nghi thức tụng kinh, trì chân ngôn mật chú, trong khi một số sử dụng nhạc cụ và thậm chí cả khiêu vũ. Âm nhạc có thể được sử dụng trong Phật giáo như một vật cúng dường lên đức Phật, một phương tiện để ghi nhớ các kinh văn thiêng liêng hoặc để trải nghiệm trong công phu tu tập thiền định.
Các phong cách khác nhau của âm nhạc Phật giáo truyền thống (Different Styles of Traditional Buddhist Music)
Âm nhạc Phật giáo được coi là một phần của văn hóa nghệ thuật Phật giáo và khác nhau tuỳ theo các khu vực khác nhau trên thế giới mà nó được thực hành. Bắt đầu từ chân dãy Himalaya, một dãy núi ở châu Á, phân chia tiểu lục địa Ấn Độ khỏi cao nguyên Tây Tạng, đạo Phật nhiệm mầu, ánh sáng từ bi, trí tuệ, hùng lực, tự do, bình đẳng lan rộng khắp châu Á, nơi mà theo thời gian, thực hành truyền thống nguyên thuỷ đã trở nên tinh tế và khác biệt theo từng khu vực.
Theo lịch sử, Honkyoku (本 曲, “phần gốc”, Kinko Ryu Honkyoku) gồm 36 khúc Shakuhachi, là những bản nhạc được tấu bằng Tiêu Shakuhachi hoặc Hocchiku bởi các nhà sư khất thực Nhật gọi là Zen Komusō. Vào thế kỷ 13, các vị tăng Komusō tấu Honkyoku cho sự giác ngộ và cúng dường. Vào thế kỷ 19, 1871, ngôi già lam tự viện của Komusō (Tăng đoàn Hư Vô, 虚無僧), thuộc thiền phái Lâm Tế, Phật giáo Nhật Bản đã bị phá huỷ, nhưng nền âm nhạc Honkyoku vẫn là một trong những phong cách âm nhạc đương đại, được phổ biến nhất ở Nhật Bản ngày nay.
Hầu hết các cơ sơ tự viện Phật giáo khu vực, hóa âm phối khí với các loại nhạc cụ, trộn lẫn tiếng kinh kệ ngân nga, nhưng lại rất phổ biến trong Phật giáo Tây Tạng, nơi các nghi thức tụng kinh, trì chân ngôn thần chú, thường là những giọng điệu tụng phức tạo bởi các văn bản thiêng liêng bằng tiếng Tây Tạng hoặc tiếnng Phạn. Một số nghi thức tụng kinh, trì chân ngôn thần chú kèm theo các loại nhạc cụ như trống, chuông chùy (linh chử).
Trong khi các tu viện thường duy trì truyền thống nghi thức tụng kinh, trì chân ngôn thần chú riêng biệt của bản tự. Shomyo (Thanh minh, 声明), kiểu tụng kinh Phật giáo Nhật Bản; chủ yếu trong hệ phái Phật giáo (tendai-shū), một tông phái của đạo Phật có nguồn gốc từ tông Thiên Thai, còn gọi là tông Pháp Hoa và phái Shingon-shū (Chân ngôn tông), là dạng Mật tông tại Nhật Bản.
Âm nhạc Phật giáo đương đại (Contemporary Buddhist Music)
Ngày nay, ảnh hưởng của Phật giáo được thể hiện trong tất cả các hình thức nghệ thuật âm nhạc khác nhau ở đương đại, từ nhạc jazz, rap, cổ điển đến C-pop. Thiền sư Bibiladeniye Mahanama Thero, một trong những thiền sư và nhà sư phạm Phật giáo Sri Lanka có tầm ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới. Với sự nghiệp lâu dài trong giới Thiền, Ngài đã sáng tác ra những tác phẩm nhạc Thiền độc đáo, truyền tải những thông điệp tâm linh sâu sắc đến với cộng đồng.
Ca sĩ Lý Na (李娜), sinh năm 1953, tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, cô thành danh và nổi tiếng tại thủ đô Bắc Kinh, trở thành Ni cô vào năm 1997 với đạo hiệu Xương Thánh và tiếp tục sản xuất nhiều Album nhạc Phật giáo nổi tiếng. Một số nhạc sĩ phương Tây nổi tiếng đã thực hành Phật giáo và cho rằng đạo Phật có ảnh hưởng lớn đến nghệ thuật âm nhạc của họ, chẳng hạn như ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên, nhà sản xuất âm nhạc người Anh, David Bowie (1947-2016) và Leonard Cohen.
Năm 2009, nữ ca sĩ, vũ công, diễn viên và nhà văn sinh tại Mỹ, Cư sĩ Phật tử Tina Turner (1939-2023) và nữ nhạc sĩ Phật giáo Tây Tạng, Dechen Shak-Dagsay đã hợp tác trong một Album kết hợp các bài ca nhạc Phật giáo và nhạc hợp xướng Thiên Chúa giáo có tên là Beyond Singing Project.
Giới luật nhà Phật có giới cấm dành cho tu sĩ không được ca hát và cố vũ việc đi xem nghe các chương trình ca nhạc. Tám giới Bát quan trai và mười giới Sa di, Sa di ni có giới điều quy định cụ thể về vấn đề này. Nhưng đồng thời trong nghi lễ Phật giáo và trong sinh hoạt tu học của tăng ni, phật tử thì âm nhạc, ngâm vịnh, ca hát được vận dụng phổ cập xem như một phương tiện tu tập, hành đạo. Hai việc này thoạt nhìn có vẻ như chống trái hoặc mâu thuẫn nhau nhưng thật ra đều hợp lý theo quy chuẩn chính pháp.
Tuy nhiên, nghệ thuật âm nhạc luôn là một phần truyền thống nghi lễ Phật giáo, cũng như các hình thức xã hội đương đại. Khi khám phá tiếp theo những ảnh hưởng tương tự đối với Thiên Chúa giáo, chúng ta sẽ bắt đầu thấy mối liên kết mạnh mẽ và không thể phủ nhận giữa nghệ thuật âm nhạc và các tôn giáo lớn trên thế giới. Các nhà giáo dục nghệ thuật âm nhạc cho trẻ em, có thể thấy điều này hữu ích trong việc cung cấp bối cảnh có ảnh hưởng trong học đường, trong khi trình bày âm nhạc thiêng liêng và thậm chí là dòng âm nhạc ca hát của thế tục.
Việt dịch: Thích Vân Phong Nguồn: Musikgarten.org
Bình luận (0)