NNC.Nguyễn Ngọc Tân & NNC.Đào Xuân Ngọc Tham luận Hội thảo khoa học: Kiến trúc Phật giáo Việt Nam – thống nhất trong đa dạng, ngày 15/4/2023 tại hội trường Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội)
1. Giới thuyết
Trong những năm gần đây các hoạt động điều tra, khảo sát nghiên cứu, phục vụ mục đích trùng tu, xây dựng, phát huy giá trị các công trình kiến trúc phật giáo ngày càng diễn ra rộng rãi. Tất cả các công trình kiến trúc phật giáo hiện nay đã và đang bị sự phá huỷ của thời gian, thiên nhiên và con người. Trong những bối cảnh nhất định của xã hội đã tàn phá và hủy hoại các cảnh già lam thắng tích, những công trình kiến trúc mang tính đặc trưng, biểu tượng của phật giáo đương thời. Hiện nay, Phật giáo được xem là một trong những nền tảng phát huy định hướng giáo dục và gìn giữ văn hoá dân tộc, vì vậy việc trùng tu xây dựng phát huy giá trị di sản văn hoá Phật giáo là một phần không thể thiếu. Trong đó tháp là một trong những công trình kiến trúc phật giáo quan trọng đối với tổng hoà không gian phật giáo.
Tháp trong cảnh già lam không chỉ là nơi chứa xá lợi Phật, vật kỷ niệm, kinh sách… mà còn là nơi an trí xá lợi, di cốt của các nhà tu hành. Tuy nhiên, hiện nay quá trình trùng tu xây dựng các tháp tàng chứa xá lợi, di cốt ấy cũng là một vấn đề vô cùng quan trọng. Do đó, trong công tác trùng tu, xây dựng, phục hồi những kiến trúc ấy phải làm sao truyền tải nét đẹp văn hoá Phật giáo Việt Nam, làm sao để tái hiện lại như nguyên trạng ban đầu của những ngôi tháp cổ. Vậy những ngôi tháp cổ có cấu trúc vị trí, hình thái, vị trí nơi tàng chứa xá lợi/ phần di cốt còn lại của những bậc tu hành có quy mô như thế nào, cấu trúc cụ thể ra sao và vị trí ở đâu trong ngôi tháp (?). Đây chính là vấn đề cần tìm hiểu, nghiên cứu và định vị. Thông qua hướng tiếp cận nghiên cứu khảo cổ học, đã cho chúng ta những bằng chứng quan trọng mang tính khẳng quyết về quy mô hình thái cấu trúc và kỹ thuật xây dựng của các ngôi tháp đã và đang tồn tại trong lịch sử. Với những chứng cứ lịch sử về kỹ thuật chế tác, xây dựng và lựa chọn nguyên vật liệu mà khảo cổ học cung cấp. Tuy nhiên những hình thái cấu trúc được đề cập dưới đây là chưa đủ, do đó cần phải tiến hành điều tra khảo sát nghiên cứu và cần có sự kết hợp liên ngành giữa khảo cổ học với nghiên cứu kiến trúc, nghiên cứu văn hoá. Từ đó việc định vị và tái hiện lại không gian văn hoá phật giáo trong lịch sử thông qua hệ thống cấu trúc, quy mô của những ngôi tháp, là thực sự cần thiết.
2. Khái niệm Tháp
Tháp “塔”, theo Phật học từ điển của Đoàn Trung Còn tháp hay pagoda, tháp bà, đâu bà, du bà, tụy đồ ba, tụy đô bà, phù đồ... đều là những tên gọi phiên âm của stupa. Ấy là những tòa kiến trúc cao, nhiều tầng, dưới lớn trên nhỏ, để thờ xá lợi của chư Phật hoặc của các bậc thành đạo như Bồ-tát, Duyên-giác, A-la-hán hoặc để táng di cốt của các bậc tôn túc từng hành đạo trong các ngôi chùa[1]. Trong Đại từ điển tiếng Việt, bảo tháp được định nghĩa như sau: là “tháp báu làm nơi cất giữ hài cốt, tro tàn của Phật hoặc các bậc thánh, cao tăng, đại đức”[2].
Về góc độ tiếp cận, khái niệm tháp dựa trên hình thái và vật liệu hiện đang dùng ở Việt Nam, tháp vốn chỉ các công trình kiến trúc xây dựng bằng gạch, đá hoặc bằng gỗ để tôn trí xá lợi phật và ghi phật tích quan trọng.
Dựa trên những từ điển hiện biết ở Việt Nam và các dấu vết tàng chứa xá lợi, di cốt của các nhà tu hành trong không gian kiến trúc phật giáo từ vùng đồng bằng, trung du hay đồi núi, chúng tôi đồng thuận với thuật ngữ “tháp báu” trong Đại từ điển tiếng Việt. Từ đó đưa đến sự nhận diện tháp mộ ở Việt Nam là nơi an trí, tàng chứa xá lợi, di cốt của các nhà tu hành.
3. Tổng quan về các tháp an trí Xá lợi
Ở Việt Nam, sự ảnh hưởng và biến đổi về hình thái các ngôi tháp phật giáo rất đa dạng về cấu trúc hình thái và mặt bằng kiến trúc. Bằng chứng là càng về sau này các cấu trúc mặt bằng và hình thái tháp được sử dụng phổ biến hơn, như mặt bằng hình tứ giác (đa phần là hình vuông), lục giác và bát giác. Từ tháp “塔” xuất hiện sớm nhất ở Việt Nam hiện biết là trong bia xá lợi tháp Minh và chùa Thiền Chúng năm 601 thuộc niên đại nhà Tuỳ. Việc Pháp Hiền tổ chức xây dựng tháp xá lợi tại chùa Pháp Vân năm 604[3] và muộn hơn một chút nhưng cũng thuộc giai đoạn Lục Triều - Tuỳ có tháp nhạn ở Nghệ An. Cho đến nay tháp có dấu vết nền móng có niên đại sớm nhất ở Việt Nam có mặt bằng nền móng hình tứ giác vuông (tháp Nhạn, Nghệ An). Căn cứ vào dấu vết nền móng tháp Nhạn so sánh với hệ thống các tháp có cùng niên đại ở Trung Quốc, cho phép chúng ta tiệm cận xác định hình thái và cấu trúc mặt bằng của tháp dựng tại chùa Thiền Chúng năm 601 ở Bắc Ninh và tháp Nhạn tại Nghệ An.
Ngoài những ngôi tháp hiện tồn, còn có những ngôi tháp, những nơi an trí di cốt các bậc tôn túc nhưng không dựng tầng mái (đây có lẽ cũng là một dạng thức của tháp (?) đã bị phá huỷ. Việc nghiên cứu, đối sánh tìm hiểu quy mô hình thái cấu trúc nhằm tái hiện lại những công trình có tính biểu trưng của thời đại là vô cùng quan trọng. Không những để hiểu về cấu trúc, hình thái, quy mô, quá trình phát triển của kiến trúc dân tộc, mà thông qua đó các nhà nghiên cứu, có thể tìm hiểu, tiếp cận bối cảnh văn hoá xã hội thời điểm đó.
Trải qua một giai đoạn biến cố của đất nước đến thời Lý, theo sử sách ghi chép và các bằng chứng về khảo cổ học cho phép xác định, dưới thời Lý mặt bằng nền móng tháp cũng là tứ giác, tuy nhiên về hình thái cấu trúc phần thân có 2 loại: kiến trúc thân tứ giác có nhiều tầng (Tháp chùa Phật Tích, Tháp Sùng Thiện Diên Linh) và kiến trúc thân dạng nhất trụ theo kiểu Liên Hoa Đài (Tháp cột đá chùa Dạm và chùa Nhất trụ thời Lý).Từ những dấu vết và mặt bằng cấu trúc các tháp cũng đã bước đầu cho chúng ta nhận thức và định vị cấu trúc vị trí nơi tàng chứa xá lợi hoặc chủ thể thờ trong tháp.
Cùng tiếp nối quá trình lịch sử phát triển của hệ thống chùa tháp, dưới thời Trần hiện nay ngoài hai ngôi tháp Phổ Minh (chùa Phổ Minh, Nam Định), tháp Bình Sơn (Vĩnh Phúc) và các tháp biểu tượng, mô hình có mặt bằng hình vuông, còn có các dạng tháp khác có cấu trúc mặt bằng lục giác (cấu kiện tháp đá sa thạch tại chùa Quỳnh Lâm và phần dấu vết đế lục giác tại Huệ Quang Kim tháp chùa Hoa Yên) và bát giác. Dấu vết các mảnh cấu kiện tháp đất nung làm cơ sở khoa học trong việc trùng tu xây dựng tháp lục giác tại chùa Hồ Thiên. Cùng với đó, các tháp thời Trần vẫn có hình thái kiến trúc dạng liên hoa đài giống như thời Lý.
Đến thời Lê - Lê Trung hưng cấu trúc hình thái và mặt bằng nền móng tháp gồm tứ giác, lục giác và bát giác, nhưng đa số là hình tứ giác (vuông), hai mặt bằng còn lại ít phổ biến. Dưới thời Lê Trung hưng số lượng tháp có quy mô lớn ít hơn, nhưng tăng lên về số lượng tháp mọi kích cỡ. Đến thời Nguyễn, cấu trúc mặt bằng vẫn tiếp tục kế thừa từ các thời trước, tuy nhiên sự ảnh hưởng về hình thái hệ thống tháp mộ thì ảnh hưởng tháp có mặt bằng tứ giác rất nhiều. Đặc thù về mặt hình thái cấu trúc dưới thời Nguyễn, các cấu trúc mặt bằng đã phổ biến gồm tứ giác, lục giác và bát giác và hình thành nên các “trung tâm”. Có thể yếu tố tư tưởng được truyền tải nhiều trong việc xây dựng tháp. Tuy nhiên kiến trúc tháp dạng liên hoa đài đến thời Nguyễn chỉ là duy trì cái đã có. Cho đến thời điểm hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy dạng kiến trúc tháp dạng Liên Hoa đài được phổ biến.
Từ những thông tin trình bày ở trên cho phép nhận diện một cách khái quát về cấu trúc mặt bằng nền móng tháp ở Việt Nam theo một quá trình: Trước Lý tháp có cấu trúc mặt bằng hình tứ giác (vuông) tàng chứa xá lợi bên trong và giữa lòng tháp. Tháp thời Lý có cấu trúc mặt bằng hình tứ giác (vuông), cấu trúc thân có dạng tháp nhiều tầng và liên hoa đài. Thời Trần, tháp có cấu trúc mặt bằng hình tứ giác (vuông), hình lục giác. Tháp thời Lê Trung hưng có cấu trúc mặt bằng hình tứ giác, lục giác (chủ yếu là các tháp dạng cửu phẩm Liên Hoa, chùa Khánh Quang, Kim Thành Hải Dương…) và bát giác (tháp Báo Nghiêm chùa Bút Tháp)
Từ cấu trúc mặt bằng, hình thái cấu trúc hiện biết của các tháp đã và đang hiện tồn ở miền Bắc Việt Nam, chúng ta có thể nhận diện, định vị về hình thái cấu trúc nơi tàng chứa xá lợi và di cốt những nhà tu hành. Dưới đây là những hình thái cấu trúc, vị trí nơi tàng chứa xá lợi cụ thể hiện biết ở miền Bắc Việt Nam.
Tuy nhiên với trường hợp bia xá lợi tháp Minh, hiện chúng ta chỉ có thể nhận thức về hình thái cấu trúc mà chưa có cơ sỡ xác định vị trí ở trong tháp.
- Tàng chứa xá lợi dưới và trong lòng tháp
Hiện cho đến thời điểm hiện nay thông qua các cuộc trùng tu, nghiên cứu và xây dựng, quy tập lại các ngôi tháp cổ cho phép nhận diện có 2 hình thức an trí xá lợi trong tháp cụ thể: ở giữa trong lòng móng tháp và trên tầng gần đỉnh tháp.
Vị trí ở giữa trong lòng móng tháp, cấu trúc vị trí nơi tàng chứa xá lợi trong tháp Nhạn. Tháp có cấu trúc mặt bằng hình dạng gần vuông 9,6x9m, tháp được xây hoàn toàn bằng gạch.
Cấu trúc trong lòng tháp cụ thể: phía trên có một bệ thờ bằng gạch (0,8x0,4m), chính giữa bệ có một hố lõm (0,25x0,1x0,15m) trong lòng hố lõm này là đất có tính mềm. Phía dưới bệ gạch là một ụ đất có lẫn cuội và gạch vụn Bắc Nam 1,5m, Đông Tây 1,6m, cao 0,8m, phía dưới, trước bệ gạch có một viên đá màu nâu sẫm (0,3x0,15x0,05m)[4]. Viên đá này có thể dùng để định vị trục trung tâm tháp. Cùng xuất lộ với viên đá này cón có một hộp đồng, mảnh vòng tròn hào quang, mảnh bàn tay tương và 30 mảnh đồng và ghỉ đồng. Phía dưới ụ đất là lớp đất thuần dày 10cm, ngay phía dưới là một lớp than dày 5cm. Ngay phía dưới lớp than là 2 mảnh thân cây khoét rỗng, trong lòng chứa than cũi và đất xốp mềm. Hộp đựng xá lợi xuất lộ cách dầu hai mảnh gỗ 40cm, hộp đặt sát góc tây của trụ gỗ. Phía ngoài trụ gỗ ghép là đất sét màu trắng xám, dẻo quánh và rất mịn, lớp đất bao quanh sát với trụ gỗ có lẫn than củi nên có màu đen nhạt.
Cùng với đó là trường hợp tháp Viên Dung tại chùa Phật Tích theo tư liệu của Bezacier năm 1939 cho thấy bình đựng xá lợi của thiền sư Tính Tịch có chất liệu bằng đồng, nắp và đế bình có hình hoa sen, được an trí trong quách đá nằm giữa lòng tháp, đỉnh của nắp và chóp tháp được định vị nằm trên một trục thẳng đứng. Phần quách đá có dạng hình chữ nhật, dưới đáy có lát đá, hai bên thành và nắp đều được ghép đá, điều đặc biệt phần đáy nơi đặt bình xá lợi được đục khoét 1 lỗ tròn với mục đích định vị chính xác, tránh sự di chuyển của bình đựng xá lợi.
Cấu trúc tháp dựa vào đặc trưng các cấu kiện tháp, phần móng tháp cho thấy móng tháp có độ dày 10-15cm, phần móng tháp được đào sâu xuống lớp đất nền, phần móng đá được đặt xếp hình vuông quanh phía ngoài với mục đích tạo mặt bằng để xếp phần đế tháp. Ở giữa phần móng trung tâm của tháp được đào sâu và dài về phía trước tháp, ở phần đào sâu này được ghép các cấu kiện tạo thành phần quách đá có nắp, ngay chính giữa trung tâm tháp chính là nơi an trí xá lợi. Phần quách đá có phần nắp bằng hoạc thấp hơn mặt bằng nền móng từ 1-2cm tùy từng vị trí bề mặt đá.
Cấu trúc phần quách đá nơi an trí xá lợi trong tháp, phần quách đá có chiều rộng phủ bì chính bằng với kích thước cạnh trên của phần chóp mái tháp.
Cấu trúc vị trí nơi tàng chứa xá lợi trong tháp Viên Dung, bình đựng xá lợi được an trí trong một quách đá có kích thước dài bắc nam 1,82m, rộng đông tây 0,67m, cao 0,88m. Kích thước lòng quách dài 1,46m, rộng 0,4m, cao 0,44m, phần thành quách dày từ 0,18-0,25m. Tại vị trí đặt bình đựng xá lợi, phần đáy được đục lỗ sâu có dạng hình tròn với độ sâu 2cm, đường kính miệng lỗ tròn là 25cm, với công dụng cố định tránh sự dịch chuyển của bình đựng xá lợi.
Tại Ngoạ Vân, trong lòng tháp Đoan Nghiêm nơi an trí xá lợi của thiền sư Đức Hưng dưới thời Lê Trung Hưng cũng có hình thức xây ghép quách đá tương tự giống với tháp Viên Dung được nghiên cứu khai quật năm 1939.
Bên cạnh đó tại chùa nằm trong khu vực bãi Đá Chồng cách Am Ngoạ Vân hơn 1km về phía Đông Nam, mặc dù tháp đã bị sụp đổ nhưng cứ liệu về cấu kiện cho phép xác định nơi tàng chứa xá lợi của một vị thiền sư, có cấu trúc tương tự tháp Viên Dung ở chùa Phật Tích.
Đối với trường hợp tháp có xây ghép quách đá cho phép xác định một cách chắc chắn về vị trí, hướng và chiều cao cũng như kích thước của tháp khi các công trình kiến trúc khác trong tổng thể đã bị phá huỷ hoàn toàn về nền móng. Đối với những ngôi tháp được đặt xá lợi bên trong, trên tầng tháp nếu đã bị phá huỷ hoàn toàn về cấu trúc nền móng trong tổng thể thì không còn nhiều bằng chứng xác định hướng, vị trí, kích thước và chiều cao của tháp khi hiện tồn.
- Tàng chứa xá lợi trên trong lòng thân tháp
+ Tàng chứa xá lợi trong tầng một
Cấu trúc vị trí nơi tàng chứa xá lợi trong Đại Thiền tháp chùa Càn Đà
Với trường hợp Đại Thiền Tháp chùa Càn Đà (ngõ 3 Vân Hồ) cho phép xác định tháp ở đây là ngôi tháp lớn nhất trong vườn tháp với 3 tầng thân, 1 mái. Những dấu vết còn lại trên thân tháp có thể thấy tầng thân thứ nhất tháp rỗng lòng, ở giữa lòng có xu hướng sâu hơn, có dấu vết định vị của một phần đáy còn lưu lại. Cùng với đó, theo suy đoán vị trí tàng chứa xá lợi ở tại đây không nằm dưới và trong lòng móng tháp. Trong tầng thân thứ nhất của tháp được dùng để tàng chứa xá lợi, đây là một trong những vị trí tàng chứa xá lợi trong tháp hiện biết ở Việt Nam.
+ Tàng chứa xá lợi trên tầng gần đỉnh tháp
Với trường hợp tháp Phổ Minh là một trong những cứ liệu đặc biệt cho thấy nơi tàng chứa xá lợi Phật Hoàng Trần Nhân Tông, đã góp phần khẳng định thêm vị trí, vai trò và nền tảng so sánh sự chuyển dịch của các ngôi tháp sau này.
Cấu trúc vị trí nơi tàng chứa xá lợi trong tháp Phổ Minh. Quách đá hiện tại nằm trên tầng 11 của tháp Phổ Minh, đây chính là nơi tàng chứa xá lợi của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, cấu trúc cụ thể như sau: chính giữa có một phiến đá hình chữ nhật rộng 50,5cm, cao 42cm, bốn bên phiến đá này có bốn phiến đá khác ốp xung quanh. Trong bốn phiến đá ốp có 3 phiến nhô ra 5cm, riêng phiến đá bên trái có mặt phẳng ngang bằng với phiến đá hình chữ nhật, có một chi tiết đang chú ý tấm đá ốp phía trên vỡ một mảnh đủ cơ sở để xác định phiến đá có một đường gờ nhô ra úp khít xuống phía dưới. Phía đấu quách đá có một phiến đá bịt đầu quách, bên ngoài còn có hai đai sắt dẹt rộng 1,5cm nén chặt, chèn chặt quanh tháp là 9 lớp gạch (loại gạch xây dày 8,5cm) làm cho quách đá có kết cấu vô cùng chắc chắn.
+ Tàng chứa xá lợi toàn thân trong tháp (nhục thân)
Một hình thái cấu trúc an trí nhục thân, với hai trường hợp Thiền sư Chuyết Chuyết và thiền sư Như Trí.
Với tháp Viên Minh, nơi từng được biết đến là nơi an trí nhục thân (xá lợi toàn thân), tháp được xây bằng gạch trên một nền thấp cắt dật cấp tạo bằng, gạch có niên đại thời Nguyễn, nhục thân thiền sư được an trí trong và trên lòng tháp, đây là một trong hai tháp hiện biết có an trí nhục thân của các vị thiền sư, đều ở đất Bắc Ninh ngày nay. Ngoài ra sự so sánh về hình thái tháp cũng như khảo về cấu trúc tổng thể, có thể suy đoán trong tháp Viên Dung chùa Tiêu Sơn ngay phía dưới, trước tháp Viên Tuệ có thể cũng an trí nhục thân của thiền sư Tính Hải, là đệ tử truyền thừa của thiền sư Như Trí. Những trường hợp trên đây là một điều rất đặc biệt, nhục thân các nhà tu hành nhập tháp hiện nay mới chỉ phát được tại Bắc Ninh, đây cũng là một vấn đề cần được tìm hiểu và nghiên cứu.
Thông qua các cứ liệu về hình thái cấu trúc và quy mô của tháp, khi an trí xá lợi toàn thân của hai ngôi tháp ở trên. Điều này đã gợi mở ra một vấn đề, liệu đây có phải là sự phát triển tiếp nối hay là sự ra đời của hình thức thờ tượng trong tháp. Chính vì lẽ đó cần phải tìm kiếm thêm tư liệu, điều tra, khảo cứu để có thể luận giải vấn đề trên một cách cụ thể và thấu triệt nhất.
Kết luận
Dựa trên những hình thái cấu trúc các ngôi tháp trình bày ở trên, cho phép khẳng định tại Việt Nam trong lịch sử từ khi xuất hiện cho đến nay có rất nhiều các hình thức và vị trí an trí xá lợi khác nhau. Bên cạnh đó các cấu trúc mặt bằng nền móng cũng vô cùng đa dạng, điều này cho thấy nhiều ý nghĩa khác nhau được truyền tải trong việc lựa chọn cấu trúc mặt bằng xây dựng tháp.
Cũng qua những cứ liệu trên, chưa thực sự đầy đủ và thuyết phục để có thể nhận định các tông phái Phật giáo khác nhau có áp dụng các hình thức an trí khác nhau hay không. Đây là một vấn đề quan trọng cần được triển khai nghiên cứu mở rộng, từ đó cho phép nhận định một cách rõ ràng.
Tính chất đặc điểm của mỗi hình thức an trí xá lợi trong các ngôi tháp luôn hàm chứa những ý nghĩa sâu xa về vai trò, vị trí của chủ nhân ngôi tháp trong xã hội lúc bấy giờ. Không chỉ có vậy có thể việc an trí xá lợi tại các vị trí khác nhau, còn liên quan trực tiếp đến cấu trúc đất nơi dựng tháp, kỹ thuật xây dựng và sử dụng nguyên vật liệu trong tháp.
Dựa vào những cấu trúc hình thái vị trí tàng chứa xá lợi trong tháp cho phép chúng ta có cái nhìn tổng thể về hình thái của một ngôi tháp. Phần nào tiệm cận ý nghĩa của các thông số, cấu trúc học đối với vị trí tàng chứa xá lợi.
Căn cứ dựa trên tính chất đặc biệt của các tháp xá lợi, bối cảnh tư liệu tác giả có một số kiến nghị và đề xuất như:
- Cần thiết có các cuộc khảo sát điều tra một cách cụ thể nhằm xây dựng hệ thống dữ liệu phục vụ cho công tác nghiên cứu, tham khảo chuẩn bị trước cho cônng tác trùng tu về sau.
- Cần đánh giá kỹ và đưa ra các phương án khắc phục kịp thời đối với những ngôi tháp đã và đang xuống cấp, bởi do các kết cấu tháp mặc dù rời rạc và tách biệt nhau về đơn vị hợp thành, nhưng với kỹ thuật xây dựng đã tạo cho ngôi tháp có một kết cấu ổn định. Do đó khi một trong các cấu kiện biệt lập đã xuống cấp sẽ kéo theo sự xuống cấp của toàn bộ tháp.
- Cần có phương thức tiếp cận và tư vấn từ các nhà nghiên cứu nhằm bảo tồn tối đa góp phần phát huy hệ giá trị, bản sắc văn hoá Phật giáo mang đậm bản sắc dân tộc.
NNC.Nguyễn Ngọc Tân & NNC.Đào Xuân Ngọc Tham luận Hội thảo khoa học: Kiến trúc Phật giáo Việt Nam – thống nhất trong đa dạng, ngày 15/4/2023 tại hội trường Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội) ***Tài liệu tham khảo: 1. Bezacier (1939), Note sur un tombeau de bonze à Phật Tích, Paris. 2. Trần Anh Dũng, Nguyễn Mạnh Cường (1987), “Tháp Nhạn ở Nghệ Tĩnh qua hai lần khai quật” Tạp chí Khảo cổ học, số 3, tr 69-83. 3. Phạm Lê Huy (2013), “Nhân Thọ xá lợi tháp và văn bia tháp xá lợi mới phát hiện tại Bắc Ninh” Tạp chí Khảo cổ học, số 1, tr 60-80. 4. Nguyễn Xuân Năm (1996), Di tích chùa tháp Phổ Minh ở Nam Hà, Luận án phó tiến sĩ chuyên ngành Khảo cổ học, Viện Khảo cổ học 5. Thích Đức Thiện, Nguyễn Quốc Tuấn (cb) (2011), Phật giáo thời Lý với 1.000 năm Thăng Long Hà Nội, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Chú thích [1]. Đoàn Trung Còn (1997), Phật học từ điển, quyển II, Nxb Tổng hợp thành phôas Hồ Chí Minh. [2]. Nguyễn Như Ý (cb) (1999), Đại từ điển tiếng Việt, Nxb Văn hóa - Thông tin, thành phố Hồ Chí Minh, tr110. [3] Phạm Lê Huy (2013), “Nhân Thọ xá lợi tháp và văn bia tháp xá lợi mới phát hiện tại Bắc Ninh” Tạp chí Khảo cổ học, số 1, tr 60-80. [4] Trần Anh Dũng, Nguyễn Mạnh Cường (1987), “Tháp Nhạn ở Nghệ Tĩnh qua hai lần khai quật” Tạp chí Khảo cổ học, số 3, tr 69-83.
Bình luận (0)