Tác giả: Huệ Hiếu - Ban TTTT GHPGVN tỉnh Cà Mau
Dẫn nhập
Thái tử Sidhatha đã an tịnh trong suốt 49 ngày đêm để quán sát tất cả các pháp trong thế gian. Ngài nhận thấy những gì Ngài giác ngộ, chúng sinh trong cõi này khó nhận lĩnh và đạt được. Nhờ sự thỉnh cầu của vị Phạm Thiên nên đức Phật đã không nhập vào Niết bàn, để hôm nay chúng ta có một kho tàng giáo lý vô cùng vĩ đại cũng như những phương pháp tu tập đi đến con đường giải thoát.
Chính vì thế, ngay thời kỳ đầu Thế Tôn cùng các vị đệ tử chỉ tu tập và sinh sống giữa các khu rừng, họ không phải nhập thế vào đời sống xã hội để hóa độ hoặc cùng quan vua tham gia việc cứu dân lợi nước. Cho đến khi, Thế Tôn Nhập diệt đời sống con người dần thay đổi và phát triển, tùy vào từng nơi sinh sống mà phát sinh những bất đồng tư tưởng trong giáo Pháp và Luật. Từ đây, hình thành nên tinh thần Bồ Tát đạo, lấy việc nhập thế làm cơ sở hóa độ bằng lòng từ bi và trí tuệ thực hành các hạnh Ba la mật và phương tiện thiện xảo, Bồ tát vừa hoàn thiện nhân cách đạo đức cho chính mình vừa giúp đỡ người khác, tùy căn cơ, cách sống của con người lúc bấy giờ mà hiện thân cứu giúp.
Để hiểu được phương tiện trong việc thực hành Bồ Tát đạo chúng ta sẽ nghiên cứu về “quan niệm phương tiện trong Phật giáo Đại thừa”.
1. Sự hình thành và phát triển của Phật giáo Đại thừa
Khoảng đầu Công nguyên, một chiều hướng mới hình thành trong Phật giáo, được biết với tên là Phật giáo Đại thừa. Bộ phái này được hình thành do những mâu thuẫn căng thẳng trong nội dung giáo lý đã phát triển cho đến lúc bấy giờ. Đại thừa phát triển ở miền Tây Bắc và Nam Ấn Độ, sự pha trộn lẫn lộn này, tình cờ lại giúp cho Phật giáo Đại thừa trở nên thích hợp cho việc truyền bá ra bên ngoài Ấn Độ[1].
Đại thừa phát triển với hai giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất, dưới hình thức không có hệ thống, diễn ra vào khoảng đầu thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, cho đến năm 150, và Giai đoạn thứ hai khởi đầu từ sau năm 150, dưới hình thức hệ thống hóa, dẫn đến sự hình thành hai trường phái riêng biệt là phái Trung luận và phái Du Già.
Quan niệm các giáo pháp đòi hỏi sự cải cách liên tục để đáp ứng những nhu cầu của thời đại mới, của những con người mới và hoàn cảnh xã hội mới, họ bắt đầu tạo ra một loại kinh văn mới. Sự sáng tạo kinh văn mới này là một trong những bộc phát phi thường nhất của năng lực sáng tạo trong lịch sử nhân loại, và được duy trì trong khoảng 4 đến 5 thế kỷ. Đến đây thì quan điểm Đại thừa dường như là hoàn toàn hợp lý. Điều khó hiểu hơn là họ muốn trình bày những tác phẩm mới như chính những lời Phật dạy, trong khi chúng rõ ràng được hình thành nhiều thế kỷ sau khi Phật nhập diệt[2].
Để tạo chỗ đứng cho một bộ phái mới, họ đã làm theo cách của Đại chúng bộ là giảm nhẹ tầm quan trọng của đức Phật dưới góc độ một con người có thật trong lịch sử, thay vào đó là một đức Phật Pháp thân. Vẫn chưa hài lòng với điều này, những người Đại thừa còn cố gắng liên kết kinh văn mới với đức Phật có thật trong lịch sử bằng một số huyền thoại. Họ xác nhận rằng họ đã được nghe Phật thuyết pháp lúc ngài còn tại thế, song song với việc Hội nghị các Trưởng lão kết tập kinh điển Tiểu thừa ở thành Vương Xá, kinh điển Đại thừa cũng được kết tập bởi một số các vị Bồ Tát nhóm họp trên núi Thiết Vi và rằng các bản kinh đã được gìn giữ một cách kỳ diệu trong năm thế kỷ, cất giấu trong những cung điện dưới lòng biển của Long Vương, hoặc với sự gìn giữ của vua Càn thát bà, hoặc vua trời Đế Thích. Theo như cách nói của ngài Long Thọ “năm trăm năm sau khi Phật nhập Niết-bàn, Chính pháp sau khi đã dần dần suy đồi, đang trong lúc lâm nguy”, những pháp bảo này từ trong quá khứ được phát lộ và truyền dạy cho mọi người để làm hồi sinh Phật pháp.
Vậy những cách tân chủ yếu về giáo lý của Đại thừa là gì? Có thể tóm lược dưới 5 đề mục như sau:
1. Về mục đích, có sự thay đổi từ lý tưởng A la hán sang lý tưởng Bồ Tát.
2. Một phương thức giải thoát mới được vạch ra, trong đó từ bi được xếp ngang với trí huệ, và được đánh dấu bởi sự tiến bộ dần qua 6 ba la mật.
3. Đức tin được đặt vào những đối tượng mới, bằng cách đưa ra một loạt các vị thánh, hoặc tin vào con người hơn là thần thánh.
4. Phương tiện thiện xảo là một đức tính hoàn toàn mới, trở nên thiết yếu cho hàng thánh giả và thậm chí còn được xem trọng hơn cả trí huệ, vốn trước kia vẫn được xem là đức tính cao quý nhất.
5. Một phần giáo lý mạch lạc về bản thể được vạch ra, giải quyết những vấn đề như tính không, chân như [3].
Cũng chính những điều cách tân này đã hình thành nên một lý tưởng Bồ Tát vĩ đại, đề cao vấn đề phương tiện của Bồ Tát trong việc hành đạo lợi sinh. Để thấy rõ những phương tiện này chúng ta phải hiểu được Bồ Tát là người thế nào trong thế gian và phương tiện Ngài dùng ra sao? Tiếp theo tác giả xin trình bày về định nghĩa của Phương tiện và Bồ Tát.
2. Định nghĩa phương tiện (Upayakosalya) và Bồ Tát (Bodhisatta) trong Phật giáo Đại thừa
Lịch sử phát triển của Phật giáo không thể tách ngoài sự phát triển của nhân loại. Khi xã hội phát triển đến một mức độ nhất định sẽ kéo theo sự thay đổi hình thái của Phật giáo. Dù về mặt hành trì hay trên phương diện tư tưởng, cũng phải chịu sự thay đổi để phù hợp và đáp ứng những nhu cầu cần thiết cho con người. Chủ nghĩa giáo điều thiêng về định nghĩa, tính chất cũng như những khuông phép nhất định không thể thay đổi, trái ngược với lý tưởng thực hiện và phục vụ.
Như vậy, phương tiện được áp dụng cho thời kỳ Phật giáo Đại thừa được định nghĩa như sau: “Phương là địa phương, mỗi nơi mỗi khác. Tiện là thời gian luôn trôi chảy không dừng”[4].
Thabs la mkhas pa’i mdo, C. Dasheng fangbian hui; J. Daijō hōben’e, K. Taesŭng pangp’yŏn hoe 大乘 方便 會. Tiếng Phạn, Skillful Means Sūtra, được dịch là phương tiện quyền xảo hay phương tiện thiện xảo. Còn tiếng “Phạn, pali: Upaya. Hán âm, Âu ba da cũng gọi là Thiện quyền, biến mưu. Đại Thừa Nghĩa Chương, quyển 15 của Ngài Tuệ Viễn và Pháp Hoa Huyền” Tán quyển 3 của Ngài Khuy Cơ, nêu ra 4 thứ phương tiện: Tiến thú Phương Tiện, Quyền xảo phương tiện, Thi tạo phương tiện, Tập thành phương tiện.
Theo Đại thừa nghĩa chương quyển 15 chia Thi tạo phương tiện làm 3 loại: Giáo đạo phương tiện, Chứng đạo phương tiện, Bất trụ phương tiện. Kinh Địa Tạng Thập Luân quyển 10, chia phương tiện làm hai thứ: Phương tiện thiện xảo chấp trước hữu sở đắc và phương tiện thiện xảo lài chấp trước vô sở đắc. Kinh Hoa Nghiêm quyển 40, nêu 10 loại phương tiện của Bồ Tát thập địa. Luận Đại thừa khởi tín nêu ra 4 thứ phương tiện: Năng chỉ phương tiện, Phát khởi thiện căn phương tiện và Đại nguyện phương tiện. Pháp hoa văn cú quyển 7 của Trí Khải nêu ra 3 thứ phương tiện: Pháp dụng phương tiện, Năng thông phương tiện và Bi diệu phương tiện. Ngoài ra, Ma ha chỉ quán quyển 4, căn cứ vào 4 giáo Tạng, Thông, Biệt, Viên để phân biệt tính chất xa gần của phương tiện. Tịnh Danh kinh sớ quyển 3 nêu 3 thứ phương tiện: Tự hành, Hóa tha và Tự tha”[5].
Trong tư tưởng Kinh Pháp Hoa định nghĩa về Phương tiện: “Không phải chỉ dành riêng cho kinh Pháp hoa, mà còn toàn thể các bộ phái Phật giáo, như được diễn đạt rằng, hết thảy kinh điển điều như ngón tay chỉ mặt trăng hay giáo pháp như chiếc bè, ngôn ngữ vốn không nói lên được thực đạo nhưng phải dùng nó như một phương tiện thiện xảo để truyền đạt con đường đến thực đạo”.
Những ý nghĩa phương tiện này còn được nhắc đến trong Kinh A hàm, Trung Bộ Kinh và nhiều bản kinh khác - tác giả chưa có điều kiện đi sâu tìm hiểu.
Đối với Bồ Tát có rất nhiều khái niệm về Ngài như:
Theo Phật Quang Đại Từ Điển: “Bồ tát nghĩa là giác, trí, đạo. Tát - đỏa nghĩa là chúng sinh, hữu tình. Bồ tát là chỉ cho người tu hành trên cầu Vô thượng bồ đề bằng trí tuệ, dưới hóa độ chúng sinh bằng tâm từ bi, tu các hạnh Ba la mật và trong vị lai sẽ thành tựu quả Phật. Cũng tức là dõng mãnh cầu bồ đề, tròn đủ hai hạnh lợi mình và lợi người”[6] .
Theo Hòa thượng Ấn Thuận: “từ Bồ Tát là tiếng dịch âm, vốn tiếng Phạn là Boddhi-sattva. Bồ đề (boddhi) có ý nghĩa là giác ngộ, Tát đỏa (sattva) có nghĩa là chúng sinh. Do đó ý nghĩa của từ Bồ tát là chúng sinh cầu được giác ngộ”[7].
Thông qua các nguồn tư liệu được nghiên cứu cho thấy rằng: Bồ Tát là từ viết tắt và dịch âm từ tiếng Phạm là bodhisattva. Bodhi có nghĩa là “giác ngộ”, sattva nghĩa là “hữu tình”, chỉ cho những loài chúng sinh có tỉnh thức hai từ này ghép lại dịch âm là “Bồ đề tát đoả”, có nghĩa là giác hữu tình, tức là Bồ Tát không những tự mình đã giác ngộ còn đem những điều giác ngộ đó làm lợi ích cho chúng sinh, như vậy được gọi là Bồ Tát.
Theo Dị Bộ Tông Luân Luận nhấn mạnh: “Tất cả Bồ Tát không khởi dục tưởng, nhuế tưởng, hại tưởng. Bồ Tát vì muốn làm lợi ích cho hữu tình, cho nên nguyện sinh vào ác thú, tùy ý đến và đi”[8]. Trong giáo lý của Đức Phật, lý tưởng của Bồ Tát hay Bồ Tát đạo, có ba phương cách, hay ba con đường, để thành đạt tuệ giác. Người có chú nguyện đạt cho kỳ được mục tiêu phải tùy bản tính mình, chọn một trong ba đường ấy là: Thanh Văn Giác, Độc giác, và Toàn Giác.
3. Phương tiện (Upayakosalya) giáo hóa của Bồ Tát trong Đại thừa
Bồ Tát là một nhân vật xuất hiện trong giai đoạn đặc biệt của lịch sử phát triển Phật giáo nói chung và trong thời kỳ Phật giáo Đại thừa nói nói riêng.
Một người được trang bị với những cơ sở tư tưởng bất nhị lại hạ mình ngập lụt trong thế gian ô nhiểm mà vẫn không tách lìa thế giới thuần tịnh vô nhiễm. “Trong đạo Phật có hai tư trào, hai xu thế tựa hồ như mâu thuẫn nhau, nhưng thật ra thì bổ sung hỗ trợ cho nhau, cả hai tư trào đó đều có ý nghĩa đối với cuộc sống của con người hiện đại. Thứ nhất là tư trào hướng nội, quay trở về cái mà đạo Phật thường gọi là bộ mặt thật xưa nay của chính mình, con người thật của mình. Thứ hai là tư trào hướng ngoại, mà sách Phật thường gọi là lợi hạnh độ sinh. Lợi hạnh là làm tất cả mọi điều lợi ích cho tất cả mọi loài hữu tình. Độ sinh là giải thoát mọi loài hữu tình khỏi mọi nỗi bất hạnh, đặc biệt là sống chết luân hồi. Thực chất của tự trào hướng ngoại này là đồng nhất cá nhân mình với toàn thể mọi người, mọi chúng sinh trong thế giới vũ trụ [9]. Như thế, tư trào thứ hai này là chỉ cho hạnh của bậc Bồ Tát, người vì chúng sinh trong lục đạo khổ đau mà phát nguyện hóa độ.
Một Bồ Tát muốn đạt đến quả vị Chính Đẳng Giác cần phải tu tập giải thoát một cách rốt ráo. Bên cạnh quá trình tự ngộ trong bản giác viên dung, vị Bồ Tát cần phải dùng nguyện lực đại bi để đi vào trần gian cứu độ chúng sinh “trong một khoảnh khắc phát tâm liền thành tựu đạo quả Vô thượng Chính đẳng Chính giác. Đó là đạo Nhất thừa không cùng tận của Bồ Tát”[10]. Nói một cách đơn giản, tự ngộ và ngộ tha là hai phẩm tính cần có của một vị Bồ Tát trên con đường hoàn thành Phật đạo. Vấn đề đặt ra ở đây là Bồ Tát dùng những phương tiện gì để cứu độ chúng sinh. Vì muốn giải thoát cho hết thảy chúng sinh luôn say đắm dục lạc trong vô minh không phải là chuyện đơn giản dễ làm. Hơn nữa, căn tính của mỗi chúng sinh lại bất đồng, nên phương tiện càng có vai trò tối quan trọng trong sự nghiệp hoằng hoá độ sinh của chư Bồ Tát.
Như vậy, trên hình thức phương tiện, Bồ Tát nhập thế độ sinh thị hiện các hình tướng và các cảnh thuận nghịch khác nhau. Chính vì thế, “Quan Âm có 32 ứng hiện thân. Tu hành không có mô hình cố định tất có sự đụng chạm với người không thích hợp, với thờ gian không thích hợp”[11]. Và trong Kinh Hoa Nghiêm đã vẽ lộ trình tu chứng của một vị Bồ Tát phải “trải qua 52 chặng đường tu chứng là Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh và Thập Hồi Hướng, từng bước tiến tu lên Bồ Tát Thập Địa hay Thập Thánh”[12]. Có như vậy mới tùy theo nổi khổ thọ của chúng sinh mà hóa hiện cứu độ, muốn được tùy nhiên hiện thân, vị Bồ Tát phải tự mình tu tập bước đến 52 quả vị này.
Kinh Viên Giác, chương thứ năm, Ngài Di Lặc Bồ-tát hỏi Phật: “Khi Bồ-tát nhập thế độ sinh, phải dùng những phương tiện gì để giáo hóa chúng sinh?”. Đức Phật trả lời rằng: “Này thiện nam! Các vị Bồ-tát đều y bổn nguyện độ sinh của mình từ vô thỉ và do lòng Ðại bi thanh tịnh thúc đẩy nên nhập thế độ sinh. Bồ Tát dùng phương tiện thị hiện ra nhiều hình tướng, khi thì hiện cảnh thuận, khi thì hiện cảnh nghịch, có lúc lại lân la ở chung với chúng sinh và đồng làm các nghề nghiệp như chúng sinh để tiện bề hóa độ, khiến cho chúng sinh được thành Phật”. Ðại ý đoạn này Phật trả lời: Bồ Tát do bản nguyên độ sinh từ vô thỉ và lòng Ðại bi thanh tịnh thúc giục, nên mới nhập thế độ sinh, không đồng như chúng sinh do ái dục làm nhiễm ô và bị nghiệp lực lôi cuốn mà nhập thế.
Bồ Tát “phải có phương tiện, vì không có phương tiện không thể làm được và khi có phương tiện rồi phải có nguyện…”[13] thị hiện ra nhiều hình tướng để độ sinh, đặc biệt trải qua “500 do tuần đường hiểm sinh tử”[14]. Như Ngài Di Lặc Bồ Tát hiện thân Bố đại Hòa thượng, hoặc có vị hiện thân Kim Cang, hiện thân Tiêu Diện, Thập Diện, Thập Ðiện Minh vương, Ngưu đầu, Mã viện v.v.. có lúc hiện “Từ”, có lúc hiện “Oai” nên có câu: “Kim Cang lộ mục sở dĩ hàng phục tứ ma, Bồ Tát đê mi do thị ai từ ư lục đạo”
Bồ Tát có khi thị hiện ở cùng với chúng sinh và đồng làm các nghề nghiệp như chúng sinh. Điểm quan trọng của Bồ Tát đạo là “thực hành, nó không đơn giản giới hạn vào hình thức tán thán, tín ngưỡng…mà cần phải học tập”[15]. Tóm lại, các vị Bồ Tát nhập thế độ sinh, đều do tâm đại bi làm chủ động, lấy đại nguyện làm căn bản, dùng phương tiện có nhiều môn, tuy không nhất định, nhưng đại khái không ngoài thuận và nghịch.
Trong Phật giáo Nguyên thủy, giáo Pháp Đức Thế Tôn chỉ dạy cho hàng đệ tử là thiền định, quán sát các pháp là giả tạm, chuyên tâm tịnh tu và không để tâm vướng vào một thứ gì, dù nơi ngủ là gốc cây. Đối với người cư sĩ chủ yếu là bố thí và mục đích cuối cùng đạt được quả vị cõi trời. Trái lại, theo Phật giáo Đại thừa sự hành đạo của Bồ Tát chủ yếu là bố thí nhưng bố thí bấy giờ không chỉ thuần túy là sự cho đi bằng của cải vật chất, đối với “một người khao khát thành Phật được gọi là Bồ Tát”[16]. Ở đây chính là phương tiện dẫn vào bản thể thâm sâu của thực tại và mục đích cuối cùng không phải sinh thiên mà nhắm đến cứu cánh thành Phật một cách tuyệt đối.
Qua đây chúng ta có thể thấy rằng, để đạt được quả vị A la hán, vị Tỳ kheo hải tu tập thiền định, muốn đạt được thiền định phải ở những nơi yên tỉnh, tránh xa nơi nhộn nhịp. Bồ Tát lại không như thế, đối với Ngài lại thực hiện ở nơi đau khổ, ồn ào. Cũng vì thế: “giải thoát của Bồ Tát không thể nhận thức được một cách hợp lý bằng tri thức thường nghiệm”[17]. Quả thật như thế, Phật giáo Nguyên thủy giải thoát bằng sư diệt trừ phiền não tham, sân, si có như thế mới chứng nhập an tịnh, Niết Bàn nhưng trong Duy Ma Cật Sở Thuyết lại nói rằng: “Ngay giữa dòng đời ô nhiễm mà không hề bị ô nhiễm, vì bản chất tồn tại là vô nhiễm. Cho nên, hành đạo và giải thoát của của Duy Ma Cật nhắm đến cứu cánh hiện thực, cứu cánh ấy được thêt hiện qua hai phương diện, tuy hai nhưng là một tuyệt đối bất nhị”[18]. Về phương diện nhận thức này, Ngài Duy Ma Cật đã mở ra con đường thực tiễn để hành động. Thầy Tuệ Sỹ đã nhận định rằng: “Duy Ma Cật được xem là đỉnh cao trong phong trào vận động Đại thừa”[19] bởi mục tiêu giải thoát ban đầu là đoạn tận ba độc chấm dứt khổ đau, đến thời kỳ Đại thừa tư tưởng này không hề bị mất đi hay bác bỏ nhưng được xác nhận với nhận thức trực quán về thể tính của tham, sân, si.
Trong Kinh Pháp Hoa của Phật giáo Đại thừa đề cập đến một số giáo lý quan trọng như Nhất thừa, Phật tính và Phương tiện.
Kinh thể hiện sự dung hoà tông phái, mong muốn đưa tất cả các pháp môn và các thừa về một nguồn. Thanh Văn thừa, Duyên Giác thừa và Bồ Tát thừa chỉ là những phương tiện đưa đến Phật thừa và do đó không có gì chống trái nhau mà chỉ là những phương tiện tạm thời trong con đường tu tập như trong phẩm Thí Dụ vị trưởng giả vì muốn cứu các con “Ðây này là những món ít có khó đặng mà các con có thể vui chơi, nếu các con không ra lấy sau chắc buồn ăn năn. Các thứ xe dê, xe hươu, xe trâu như thế, nay ở ngoài cửa có thể dùng dạo chơi, các con ở nơi nhà lửa nên mau ra đây tùy ý các con muốn, cha đều sẽ cho các con”[20]. Vì để các người con ra khỏi nhà lửa khổ độc mà người cha phải dùng phương tiện nói có các loại xe như thế, nhưng khi những người con của ông đã thoát khỏi ngôi nhà lửa, ông trưởng giả cho các con cùng một loại xe.
Không chỉ có bấy nhiêu phương tiện như thế, còn những phương tiện giáo pháp như “Phẩm Hóa Thành Dụ, phẩm Dược Thảo Dụ, Phẩm Phổ Hiền Bồ Tát, Phẩm Quan Âm Bồ Tát…” Trong kinh Thiện Phương Tiện, được phân thành hai phần: Cuộc đời của đức Phật Thích Ca là một sự thể hiện phương tiện thiện xảo và phương tiện thiện xảo là những việc làm đặc biệt của chư Bồ Tát.
Phương tiện của chư Bồ Tát là việc thực hiện rốt ráo các Ba la mật với mong muốn chứng đạt giác ngộ và cứu độ chúng sinh. Kinh Thiện Phương Tiện cho rằng, một vị Bồ Tát dù bố thí một mẩu thức ăn nhỏ cho một con thú, việc bố thí đó phải hướng đến việc cầu trí tuệ giác ngộ và hồi hướng phước đức có được cho chúng sinh. Bằng phương tiện thiện xảo, khi Bồ Tát thực hiện một việc làm bố thí đồng thời cũng đang thực hiện các Ba la mật còn lại. Kết thúc phần nói về phương tiện của chư Bồ Tát, kinh Thiện Phương Tiện nói rằng: “Kāśyapa, chư Đại Bồ Tát tu tập phương tiện thiện xảo thì có vô lượng đức tính. Kāśyapa, vị Đại Bồ Tát sẽ không thực hiện việc gì làm hại mình hay hại người, cũng không nói lời làm hại mình hay hại người.” Như vậy, phương tiện thiện xảo cũng là không làm hại mình, hại người và tích cực hơn là làm lợi mình lợi người.
Như chúng ta biết, lý tưởng Bồ Tát trong Đại Thừa chỉ là sự nối tiếp của lý tưởng Vô ngã Vị tha được tìm thấy trong kinh điển Pàli: “Này các Tỷ kheo, các người cần phải du hành, vì an lạc cho số đông, vì hạnh phúc cho số đông, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc của chư Thiên và loài người. Các người hãy thuyết giảng Chính pháp tuyệt diệu trong ban đầu, tuyệt diệu ở chặng giữa, tuyệt diệu ở đoạn cuối, đầy đủ trong ý nghĩa và ngôn thuyết. Các người hãy đề cao đời sống Phạm hạnh toàn diện và thanh tịnh.” (Mahavagga 19)[21]. Lý tưởng Bồ Tát đã hình thành khi Phật còn tại thế và cuộc sống hoằng truyền giáo pháp thời bấy giờ đều trong hình thức tùy chúng sinh mà hóa độ.
Hơn nữa, với lòng từ vô lượng, vị Bồ Tát phát ra những hạnh nguyện rộng lớn hầu mong cứu độ hết tất cả chúng sinh đang còn chìm trong bể cả luân hồi. Với trí tuệ và hạnh nguyện như vậy, Bồ Tát thật sự là một hình ảnh hết sức tiêu biểu cho Phật giáo Phát triển trên con đường mang lại hạnh phúc cho nhân loại. Bồ Tát là chiếc cầu kết nối giữa cuộc sống ở trần thế khổ đau và nguồn hạnh phúc tịch tĩnh của thế giới bất sinh bất diệt. Đây là sự tịnh hoá tất cả các pháp bằng nguyện lực lớn lao để đạt đến Niết bàn tối thượng.
4. Vấn đề phương tiện bị lạm dụng trong cuộc sống hiện tại
Điểm đặc thù của Bồ tát là tinh thần nhập thế, lấy việc làm lợi ích cho chúng sinh làm sự nghiệp. Việc làm này xuất phát từ lòng từ bi và trí tuệ. Nếu thiếu một trong hai thì không thể thành tựu việc làm độ tha của Bồ tát. Vì “từ bi là lòng thương của Bồ tát, trí tuệ là sự giác ngộ hay sự hiểu biết”[22]. Có lẽ, về sau sự nhập thế của Đại thừa không được trang bị đầy đủ hai yếu tố này. Cho nên, đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến suy thoái cũng như lạm dụng hai từ phương tiện để hành đạo. Thượng tọa bộ môn đã từng nói “những người làm theo Bồ tát chỉ là học hạnh của Bồ tát chứ không phải Bồ tát”[23]. Chính những pháp học chưa thật sự đạt được đối với hành giả muốn thực hành hạnh Bồ tát. Dẫn đến nhiều suy nghĩ và hành động sai lệch rồi gán ghép cho việc làm phương tiện sai trái.
Một người thật sự muốn tu tập, muốn lìa xa khổ đau thì ngay từ ban đầu họ đã không tha thiết gì những việc của thế gian hoặc cố ý gây lỗi lầm.
Pháp Phật không phải chỗ nào cũng có thể mang đến là thấu hiểu và thực hành, khi người phạm tội bị đày vào ngục tù, mang thiền định hướng dẫn họ quay trở về với cái thiện ban đầu.
Đây là điều hết sức sai lầm, vì những giáo lý, những pháp tu này chỉ phù hợp cho người tha thiết với sự giải thoát. Tâm những người này luôn hướng tới những điều bất thiện làm sao có thể hóa độ và truyền tải giáo lý cho họ trong 1, 2 ngày. Vì thế, chúng ta không nên lạm dụng những hình thức độ tha của Bồ tát mà hành đạo một cách tùy tiện.
Nếu mãi như vậy, chỉ vô tình làm cho xã hội loài người nghĩ rằng đó là trách nhiệm và bản năng của một người tu sĩ, một người cư sĩ tại gia phải có tâm hạnh của bậc Bồ tát và nếu không giúp đỡ người khác lại quy vào tội danh tu hành chẳng có tâm từ bi, lợi tha.
Kết luận
Qua đây, chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản rằng, Bồ Tát là người có khả năng tự độ và độ tha. Bằng trí tuệ và công năng tu tập của bản thân, vị Bồ Tát tự giải thoát cho chính mình ra khỏi mọi khổ đau, hướng đến quả vị Niết bàn tối thượng.
Chúng ta cũng nhận thấy được cơ sở và phương tiện của Bồ Tát khi vào trần lao hóa độ chúng sinh, Ngài tình nguyện dấn thân vào hồng trần xem đó là nguyện lực đại bi và phương tiện khế cơ, khế lý mà chư Bồ Tát đã và sẽ sử dụng cho mục đích độ sinh của mình.
Vì thương tưởng đến chúng sinh đa bệnh, trình độ bất đồng, phước nghiệp lại càng sai khác trong thời kỳ mạt pháp nên Phật và chư vị Bồ Tát đã giả lập phương tiện tiệm thứ, giúp chúng sinh từng bước tu hành từ thấp đến cao, để mọi căn cơ đều được lợi lạc. Nếu chúng sinh ai cũng phát khởi lòng tin và làm theo lời chỉ dạy của chư Phật, chư Bồ Tát thì sớm muộn gì cũng viên thành đạo quả.
Theo Phật giáo Đại thừa, công hạnh của Bồ Tát là vì sự giác ngộ, giải thoát cho chúng sinh. Công hạnh này có được là nhờ vào sự gia hộ thọ ký của chư Phật. Chính vì vậy Bồ Tát sơ phát tâm muốn cầu bồ đề vô thượng ngoài công việc cứu khổ chúng sinh, lấy chúng sinh hữu tình làm bạn lữ, trợ duyên cho Bồ Tát thành tựu Phật quả. Ngài còn thực hành hạnh từ bi, loại trừ tập khí về bản ngã, luôn nuôi dưỡng và củng cố tâm bản tâm của mình không để gián đoạn và đời đời phụng sự Phật pháp không bao giờ biết mệt mỏi và thối chuyển.
Tác giả: Huệ Hiếu - Ban TTTT GHPGVN tỉnh Cà Mau
Thư mục tham khảo:
1. EDWARD CONZE - Dịch và Chú Giải Nguyễn Minh Tiến, Lược Sử Phật Giáo, Chương II: Thời Kỳ Thứ Hai (Từ Đầu Công Nguyên Đến Năm 500) - 1. Phật Giáo Đại Thừa Ở Ấn Độ, 2005.
2. HT. Thích Trí Quảng, Cương Yếu Kinh Pháp Hoa, Ý nghĩa Phương tiện và chân thật, 2008.
3. Thích Quảng Độ dịch, Phật quang đại từ điển, 2000.
4. Ấn Thuận, Thích Hạnh Bình dịch, Phật Giáo Và Cuộc Sống, 2014.
5. Thích Hạnh Bình, Chú giải Dị bộ Tông Luân Luận, 2011.
6. Thích Minh Châu, Chánh Pháp Và Hạnh Phúc, Sống theo lý tưởng Bồ tát, 2001.
7. Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 52, Bộ Đại Tập III, Số 402, 411, Kinh A Soa Mạt Bồ Tát, Quyển 7, 2000, tr. 291
8. HT. Thích Trí Quảng, NS. Giác Ngộ, Hạnh Bồ Tát Theo Kinh Hoa Nghiêm,2021.
9. HT. Thích Phước Sơn, Phật Học Khái Yếu, Phần I, Cốt tủy đạo Phật, 2009.
10. Tuệ Sỹ, Phật Học Luận Tập, tập 2, Giới Thiệu Kinh Duy Ma Cật, 2017.
11. Thích Trí Tịnh, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Quyển Thứ Hai, Phẩm Thí Dụ Thứ Ba, 2007.
12. Thích Chơn Minh, Bài Giảng Thạc Sĩ, 2021.
Chú thích:
[1] EDWARD CONZE - Dịch và Chú Giải Nguyễn Minh Tiến, Lược Sử Phật Giáo, Chương II: Thời Kỳ Thứ Hai (Từ Đầu Công Nguyên Đến Năm 500) - 1. Phật Giáo Đại Thừa Ở Ấn Độ, 2005, tr. 103.
[2] Sđd, tr.104.
[3] EDWARD CONZE - Dịch và Chú Giải Nguyễn Minh Tiến, Lược Sử Phật Giáo, Chương II: Thời Kỳ Thứ Hai (Từ Đầu Công Nguyên Đến Năm 500), Phật Giáo Đại Thừa Ở Ấn Độ, 2005, tr. 105, 106.
[4] HT. Thích Trí Quảng, Cương Yếu Kinh Pháp Hoa, Ý nghĩa Phương tiện và chân thật, 2008, tr. 48.
[5] Thích Quảng Độ, Phật Quang Đại Từ Điển 4, Tâm Tuệ Hỷ, Danh Từ Phật Học Thực Dụng, tr. 4404, 4445.
[6] Thích Quảng Độ dịch, Phật quang đại từ điển, Hội văn hóa giáo dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản, 2000, tr. 667.
[7] Ấn Thuận, Thích Hạnh Bình dịch, Phật Giáo Và Cuộc Sống, 2014, tr. 189.
[8] Thích Hạnh Bình, Chú giải Dị bộ Tông Luân Luận, 2011, tr. 38, 39.
[9] Thích Minh Châu, Chánh Pháp Và Hạnh Phúc, Sống theo lý tưởng Bồ tát, 2001, tr. 142.
[10] Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 52, Bộ Đại Tập III, Số 402, 411, Kinh A Soa Mạt Bồ-Tát, Quyển 7, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000, tr. 291
[11] HT. Thích Trí Quảng, Hạnh Bồ Tát Theo Kinh Hoa Nghiêm, NS. Giác Ngộ, 2021, tr. 3.
[12] Sđd, tr. 3,4.
[13] HT. Thích Trí Quảng, Hạnh Bồ Tát Theo Kinh Hoa Nghiêm, NS. Giác Ngộ, 2021, tr. 4.
[14] Sđd, tr. 4.
[15] Thích Hạnh Bình dịch, Phật Giáo Và Cuộc Sống, 2014, tr. 137.
[16] HT. Thích Phước Sơn, Phật Học Khái Yếu, Phần I, Cốt tủy đạo Phật, 2009, tr. 9.
[17] Tuệ Sỹ, Phật Học Luận Tập, tập 2, Giới Thiệu Kinh Duy Ma Cật, 2017, tr.19, 20.
[18] Sđd, tr. 20.
[19] Tuệ Sỹ, Phật Học Luận Tập, tập 2, Giới Thiệu Kinh Duy Ma Cật, 2017, tr.15.
[20] Thích Trí Tịnh, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa - Quyển Thứ Hai - Phẩm Thí Dụ Thứ Ba, 2007, tr. 115.
[21] Thích Minh Châu, Hãy Tự Mình Thắp Đuốc Lên Mà Đi, Đạo Phật Và Nền Trật Tự Đạo Đức Mới, 1998, tr. 204, 205.
[22] Thích Hạnh Bình dịch, Phật Giáo Và Cuộc Sống, 2014, tr. 113, 114.
[23] Thích Chơn Minh, Bài Giảng Thạc Sĩ, 2021.
Bình luận (0)