Tôi biết bác Phan Văn Quế trong dịp tham gia chuyến hành hương thắp hương cho các Anh hùng Liệt sĩ tại Nghĩa trang Tuyên Quang vào dịp đầu năm 2019. Hai vợ chồng bác Quế đều là phật tử tham gia sinh hoạt và làm việc công quả tại chùa Trấn Quốc, Hà Nội từ hàng chục năm nay. Hai bác là những thành viên tích cực của đạo tràng Phật tử chùa Trấn Quốc.

Trong suốt hành trình, được ngồi cạnh bác, trong những câu chuyện tản mạn đó, tôi có chú ý đến chi tiết về sự kiện bác Quế đã từng tham gia xây dựng công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau chuyến đi đó, cho đến một ngày tháng cuối tháng 8 năm 2019, tôi có xem chương trình thời sự do VTV1 phát sóng về buổi gặp gỡ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với những cán bộ trẻ tiêu biểu của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm ngày 2/9 và chương trình “Nói và làm theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Trong tâm trí tôi lại nhớ về câu chuyện của bác Quế. Tôi đã tìm gặp lại bác đi học nghề công nghệ sản xuất đá hoa phục vụ cho ngành xây dựng tại Trung Quốc. Năm 1969, Bác Hồ mất, bác Quế và các bạn học sinh cùng đoàn nhận được chủ trương của Đảng và Nhà nước yêu cầu học thêm về công nghệ gia công đá Granite và thi công ốp lát đá để về xây dựng công trình Lăng Bác Hồ. Căn cứ vào năng lực học tập và kỹ năng khéo léo, bác Quế được phân công học về điêu khắc chế tác đá granite và ốp lát đá. Sau khi tốt nghiệp về nước năm 1971 bác Quế được phân công về công tác tại nhà máy Đá hoa Granito An Dương thuộc Bộ Xây dựng. Năm 1973, nhà máy được Bộ Xây dựng giao nhiệm vụ sản xuất và gia công đá phục vụ công trình xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chi Minh. Trong rất nhiều các hạng mục lớn và quan trọng thì có 2 hạng mục đã được nhà nước đưa vào hạng mục quan trọng nhất vì nó có tính ý nghĩa biểu tượng rất cao, đó là: hạng mục 2 lá cờ Đảng kỳ và Quốc kỳ trong phòng thi hài Bác Hồ, chất liệu bằng đá đỏ và đá vàng thuộc vùng núi Bá Thước Thanh Hóa. hạng mục thứ 2 là bảng chữ “Chủ Tịch Hồ Chí Minh” trên nóc Lăng, chất liệu bằng đá Ngọc bích màu đỏ nâu, khai thác tại tỉnh Cao Bằng, được khảm trên nền đá Granite của Liên Xô. Phương án thi công hạng mục bằng chữ “Chủ Tịch Hồ Chí Minh” ban đầu nhà máy nhờ chuyên gia Liên Xô. Do tính chất đặc thù của thi công hạng mục này là phải làm hoàn toàn bằng thủ công nên các chuyên gia Liên xô quen sử dụng các máy móc thiết bị như máy laze ăn mòn, máy cắt đá nên bị vỡ rất nhiều trong công đoạn khảm đá. Đứng trước tình hình có nguy cơ bị chậm tiến độ, bác Quế, lúc đó là Bí thư Chi đoàn của bộ phận có mã số 75808 (mã số 75808 là mã số quy định cho các đơn vị tham gia công trình xây dựng lăng Bác Hồ) của nhà máy xung phong đảm nhận thực hiện công trình khó khăn này và lấy tên là “Công trình Thanh niên học tập và làm theo lời Bác Hồ”. Bác Quế đã cùng với tập thể chi đoàn, dồn hết tâm trí, tình cảm, ngày đêm nghiên cứu tìm tòi thực hiện công trình. Sau 100 ngày đêm liên tục, công trình đã hoàn thành theo đúng tiến độ và kỹ thuật chất lượng. Nhờ những kiến thức đã học và đôi bàn tay khéo léo, bác Quế đã thực hiện thành công hạng mục trạm khắc chữ: “Chủ tịch Hồ chí Minh “bằng đá hoa cương được khai thác tại tỉnh Cao Bằng. Cao Bằng cũng là địa danh Bác Hồ lần đầu đặt chân về nước.

Trong suốt quá trình thi công hạng mục này, bác Quế đã nhận được sự quan tâm và chỉ đạo trực tiếp, đặc biệt của lãnh đạo Đảng Nhà nước thời đó như Chủ tịch Trường Chinh, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Mười…

Tiếp nối thành công của công trình, bác Quế lại tiếp tục được tin tưởng giao thực hiện dạ cửa lăng Bác Hồ bằng đá ngọc bích Cao Bằng, đây cũng là công trình “Thanh niên làm theo lời Bác”

Công trình xây dựng lăng Bác Hồ hoàn thành đúng vào dịp miền Nam hoàn toàn được giải phóng năm 1975, niềm vui và niềm tự hào, vinh dự đan xen hòa trộn trong người bác Quế khi được tham gia vào công trình lịch sử, trong thời điểm huy hoàng của dân tộc thật hết sức ý nghĩa.

Sau những giây phút đáng nhớ trong cuộc đời, bác Quế trở về với công việc của một cán bộ kỹ thuật đơn thuần, bác vẫn giữ được sự cần cù, khiêm tốn, giản dị. Trong quá trình công tác cũng có một số gợi ý, đề nghị với bác để đề bạt lên chức vụ cao hơn, nhưng bác đã từ chối vì bác nghĩ rằng các thành tích đó là của tập thể, và bác làm với tinh thần chí công vô tư và tình cảm kính yêu dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau khi nghỉ hưu, bác Quế tham gia công tác khu phố, bác Quế hiện nay là Bí thư Chi bộ, Đại biểu Hội đồng Nhân dân Phường Yên Phụ, Quận Tây Hồ, Hà Nội. Bác Quế vẫn say sưa hoạt động mong muốn cống hiến sức lực và kinh nghiệm của mình phục vụ nhân dân khu phố có cuộc sống bình yên hạnh phúc.

(Bài viết nhân dịp kỷ niệm 50 năm làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh)

Tác giả: Cư sĩ Phạm Tuấn Anh Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 1/2020