Những Chặng Đường Tu Học Của Người Cư Sĩ (Phần 2)
THỰC HÀNH TAM QUY
Sau khi thọ Tam Quy, Ngũ Giới xong, mỗi tháng, quý phật tử hãy về Tu Viện trong một ngày, để tu học và hiểu biết cách thức sống như Phật, như Pháp, như Tăng.
Muốn sống như Phật, thì phải hiểu biết Phật sống như thế nào? Đi, đứng, nằm, ngồi, ngủ nghỉ ra sao? Đây là điều hết sức quan trọng trong khi quý vị nương tựa vào Phật, Pháp, Tăng. Nương tựa Phật, Pháp, Tăng như thế để có lợi ích; có nghĩa là bản thân và gia đình được mạnh khoẻ và bình an, không bệnh tật, không tai nạn xảy ra trong gia đình, khiến cho mọi người trong gia đình sống yên vui và hạnh phúc.
Sau khi thọ Tam Quy, Ngũ Giới, mà phật tử chỉ biết tới chùa lạy Phật, tụng kinh, bái sám, ngồi thiền, niệm Phật A Di Đà, cầu an, cầu siêu, xin xăm, bói quẻ, coi ngày giờ tốt, xấu, v.v… nương tựa Phật, Pháp, Tăng như thế là biến mình thành người mù quáng, mê tín dị đoan, sống trong ảo tưởng cõi âm, thần, thánh, ma, quỷ, linh hồn người chết, v.v…
Trái lại, người đã thọ Tam Quy, Ngũ Giới là phải được tu học và sống theo gương hạnh của Phật, chứ không được tu học theo những điều mê tín, dị đoan, lạc hậu của tà đạo mượn danh Phật giáo. Do nương tựa Phật, Pháp, Tăng mà lại hành theo pháp môn của ngoại đạo, nên khiến cho bản thân và gia đình đã khổ lại còn thêm khổ nữa. Khi gặp khổ như vậy thì được quý sư, thầy trả lời: “Đó là trả nghiệp, dồn nghiệp”. Đạo Phật là đạo chuyển nghiệp, là đạo giải thoát, thế mà lại “trả nghiệp, dồn nghiệp” là như thế nào?
Đạo Phật lấy thiện pháp chuyển nghiệp ác pháp, như vậy làm sao có nghiệp khổ được! Chỉ có quý phật tử không tu học, tập sống như Phật, như Pháp, như Tăng, nên tâm tính không thay đổi, tức là chưa sống thiện pháp, mà lại sống trong mê tín, lạc hậu. Vì thế nghiệp làm sao chuyển đổi, do đó bệnh tật, tai nạn thường xảy ra cho bản thân và gia đình.
Theo Phật giáo mà bản thân và gia đình không được bình an thì đó là theo ngoại đạo. Vì theo ngoại đạo nên sống trong ác pháp, do đó không chuyển được nhân quả. Vì không chuyển được nhân quả nên đời sống phải chịu nhiều khổ đau.
Cho nên, quý phật tử nương theo Phật giáo là nương vào đức hạnh của Phật, của Pháp, của Tăng. Nương vào đức hạnh của Phật, của Pháp, của Tăng, thì đời sống của quý vị phải được an vui, hạnh phúc.
Chính quý phật tử sống như Phật, như Pháp, như Tăng là quý vị đã tự thắp đuốc lên mà đi. Tự thắp đuốc lên mà đi đó là quý vị đã chuyển hoá nghiệp khổ đau của chính quý vị. Chuyển hoá nghiệp khổ đau của chính quý vị là quý vị đã giải thoát. Cho nên bệnh tật, tai nạn khổ đau không còn đến với quý vị nữa. Phật dạy: “Pháp Ta không có thời gian, đến để mà thấy”. Đến để mà thấy, tức là thấy sự bình an, sự yên vui, sự hạnh phúc trong tâm hồn thanh thản, an lạc và vô sự.
Khi quý phật tử thọ Tam Quy, Ngũ Giới, mà sống đúng như lời dạy ở trên, thì sự hạnh phúc bình an sẽ đến với quý vị, khỏi cần phải tụng kinh, niệm Phật, cầu an, cầu siêu, v.v…
Cho nên, khi quý phật tử thọ Tam Quy, Ngũ Giới thì phải học tập nhiều lắm:
1- Học về Phật.
2- Học về Pháp, trong pháp gồm có giới luật đức hạnh.
3- Học về Tăng, tức là thân cận thiện hữu tri thức.
Khi thọ Tam Quy thì quý phật tử phải tu học pháp môn Tứ Bất Hoại Tịnh. Vậy quý vị muốn học pháp môn Tứ Bất Hoại Tịnh thì phải đọc đoạn kinh dưới đây.
TỨ BẤT HOẠI TỊNH
Tứ Bất Hoại Tịnh là bốn đối tượng gương hạnh thanh tịnh của Đạo Phật. Đó là những đối tượng mà quý phật tử lấy thân, thọ, tâm và pháp của quý vị nương theo đó giữ gìn tu học, tu tập, sống đúng đời sống giải thoát của bốn chỗ này, khiến cho thân tâm quý vị thanh tịnh. Vì vậy, đức Phật gọi pháp môn này là Tứ Bất Hoại Tịnh.
Tứ Bất Hoại Tịnh có nghĩa là bốn pháp tu học, tu tập giúp cho thân tâm thanh tịnh, thân tâm thanh tịnh tức là sự giải thoát của đạo Phật, sự giải thoát của đạo Phật có nghĩa là tâm ly dục, ly ác pháp. Tâm ly dục, ly ác pháp có nghĩa là không làm khổ mình, khổ người. Không làm khổ mình, khổ người là một đạo đức nhân bản - nhân quả của đạo Phật, một đạo đức tuyệt vời biến cảnh thế gian này thành cảnh Cực Lạc, Thiên Đàng.
Trong kinh sách Nguyên Thủy, đức Phật dạy tu Tứ Bất Hoại Tịnh là có bốn cách niệm:
1- Niệm Phật
2- Niệm Pháp
3- Niệm Tăng
4- Niệm Giới
NIỆM PHẬT
Niệm Phật như thế nào? Niệm Phật không phải là niệm hồng danh đức Phật, mà phải tu học, tập sống theo gương hạnh của Phật.
Niệm Phật trong Tứ Bất Hoại Tịnh có nghĩa là tư duy, quán xét, suy ngẫm về thân, thọ, tâm và pháp của đức Phật. Ngài sống như thế nào mà tâm hồn thanh thản, an lạc giải thoát. Niệm Phật có nghĩa là tâm tâm, niệm niệm về đời sống của đức Phật, Ngài sống như thế nào mà tâm không phóng dật? Ngài sống như thế nào mà không làm khổ mình, khổ người?
Khi quý phật tử tâm niệm như vậy, thì tâm quý vị tin tưởng trọn vẹn ở đức Phật, do đó đức Phật sống như thế nào thì quý vị sẽ cố gắng sống như thế nấy, đức Phật làm như thế nào thì quý vị sẽ cố gắng làm như thế nấy. Sống và làm đúng như Phật thì tâm quý vị thanh tịnh, không còn phóng dật, tức là tâm ly dục, ly ác pháp. Tâm ly dục, ly ác pháp tức là tâm giải thoát, hay nói một cách khác hơn là làm chủ cuộc sống, tâm bất động trước các ác pháp, như vậy mới gọi là niệm Phật thân tâm bất hoại tịnh.
Muốn niệm Phật cho đúng, thì chúng ta nên lắng nghe đức Phật dạy: “Ở đây, này Mahànàma, Thánh đệ tử tùy niệm Như Lai, trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, tâm không bị sân chi phối, tâm không bị si chi phối; Trong khi ấy, tâm vị ấy được chánh trực, nhờ dựa vào Như Lai”. (Kinh Tăng Chi, tập 3, trang 16).
Trong đoạn kinh trên, đức Phật đã xác định cách thức niệm Phật rất rõ ràng: “Tuỳ niệm Như Lai”, có nghĩa là tâm Như Lai không tham, không sân, không si, thì người sống (niệm Phật) như Phật không nên để tham, sân, si chi phối. Khi tâm không bị tham, sân, si chi phối thì tâm được chánh trực. Danh từ “chánh trực” ở đây chúng ta phải hiểu nghĩa cho rõ ràng. Chánh trực có nghĩa là tâm ngay thẳng, tâm ngay thẳng tức là tâm thanh thản, an lạc và vô sự, tức là tâm không phóng dật.
Chúng ta hãy lắng nghe tiếp lời đức Phật dạy: “Và này Mahànàma, một vị Thánh đệ tử, với tâm chánh trực, liền được nghĩa tín thọ, được pháp tín thọ, được hân hoan liên hệ đến pháp. Người ấy có hân hoan, nên hỷ sanh. Người có hỷ, nên thân được khinh an. Với thân khinh an, người ấy có cảm giác lạc thọ. Người có lạc thọ, tâm được định tỉnh”.
Đoạn kinh trên đây đã xác định cho quý phật tử thấy kết quả cách thức sống như Phật sẽ hiện ra những trạng thái gì?
Khi sống như Phật tâm được thanh thản, an lạc và vô sự, thì liền có một niềm tin nơi Phật trong ta khởi lên, vì thế kinh xác định trạng thái này bằng những danh từ ngắn gọn: “liền được nghĩa tín thọ”, nhưng rất đầy đủ ý nghĩa cho những ai thực hiện đúng lời dạy. Còn những người sống không đúng như Phật thì chẳng hưởng được những kết quả này. Vì thế Phật dạy: “Pháp ta không có thời gian, đến để mà thấy”.
Khi trong ta có trạng thái lòng tin Phật khởi lên, nếu ai có tu học, thục hiện được mới biết trạng thái này, một trạng thái tuyệt vời của người có lòng tin như thật. Còn bây giờ chúng ta chưa có trạng thái này, nói tin Phật chứ chúng ta chưa có tin như thật. Khi nhận được cảm thọ lòng tin này, thì ngay đó tâm hân hoan thích thú pháp niệm Phật.
Vậy hân hoan thích thú pháp niệm Phật là gì?
Nghĩa là chúng ta luôn luôn thích sống như Phật, có nghĩa là tâm không còn ham muốn một vật gì hết, ngay cả ăn uống cũng không còn ham muốn. Tâm sân cũng vậy, không còn một pháp ác nào tác động vào thân tâm làm ta nổi sân được. Và si cũng vậy, lúc bấy giờ không còn ham thích lười biếng ưa ngủ nghỉ, có nghĩa là trong trạng thái tín thọ không còn hôn trầm, thuỳ miên, vô ký nữa, mà rất siêng năng sống như Phật. Cho nên đoạn kinh dạy: “được hân hoan liên hệ đến pháp”. Cụm từ này có nghĩa là vui mừng, thích thú sống như Phật.
Khi trong tâm có trạng thái thích sống như Phật, thì một trạng thái khác hiện lên, đó là trạng thái niềm vui mừng khởi lên trong ta như kinh dạy: “Người ấy có hân hoan, nên hỷ sanh”. Niềm vui mừng hiện rõ trong ta thì cơ thể ta an lạc và nhẹ nhàng như không còn trọng lượng, bước đi rất thoải mái, thân không còn đau nhức hay mệt mỏi gì cả, một trạng thái của thân an lạc vô cùng, nên kinh dạy: “Người có hỷ, nên thân được khinh an”.
Đúng vậy, người có niềm vui thì thân được nhẹ nhàng an lạc. Khi thân được nhẹ nhàng an lạc thì toàn bộ thân tâm có một cảm giác thọ lạc một cách kỳ lạ, mà không có ngôn từ nào có thể diễn đạt được. Chỉ có người tu học, tu tập đến những trạng thái đó mới cảm nhận được, như người uống nước nóng lạnh tự biết, người ngoài cuộc không thể biết được. Đoạn kinh đã xác định rõ ràng: “Với thân khinh an, người ấy có cảm giác lạc thọ”.
Trong trạng thái lạc thọ này, hành giả mới xác định được tâm định tỉnh. Từ lâu mọi người ai cũng nói tâm định tỉnh, nhưng chưa ai biết được trạng thái tâm định tỉnh như thế nào? Trải qua bao nhiêu trạng thái mới thấy được tâm định tỉnh. Với tâm định tỉnh này, các bạn sẽ nhập thiền định không có khó khăn, không có mệt nhọc, không có phí sức.
Tu tập, tu học được tâm định tỉnh không phải dễ đâu các bạn ạ!
Sống như Phật, cuối cùng chúng ta mới có được trạng thái tâm định tỉnh như trong kinh dạy: “Người có lạc thọ, tâm được định tỉnh”. Nếu tâm bạn chưa có lạc thọ thì không bao giờ bạn có được tâm định tỉnh.
Sau khi được tâm định tỉnh thì các bạn mới có một cuộc sống bình thản trước mọi ác pháp và mọi cảm thọ; chừng đó chúng ta mới không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh như thật; chừng đó tâm chúng ta mới bất động thật sự trước các ác pháp và các cảm thọ. Chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy: “Này Mahànàma, về vị Thánh đệ tử này, được nói như sau: “Với mọi người không bình thản, vị ấy sống bình thản. Với mọi người não hại, vị ấy không não hại. Nhập được pháp lưu, vị ấy tu tập niệm Phật là vậy”. (Kinh Tăng Chi, tập 3, trang 16)
Đến đây, các bạn đã thấy rõ phương pháp niệm Phật của Phật giáo Nguyên Thủy không giống phương pháp niệm Phật của kinh sách phát triển. Trên đây là một trong những bài kinh đã xác định đức Phật dạy niệm Phật rõ ràng “dựa vào Như Lai”, có nghĩa là sống giống như Như Lai. Đó là NIỆM PHẬT đúng nghĩa.
NIỆM PHÁP
Niệm Pháp như thế nào? Niệm Pháp có nghĩa là tư duy suy nghĩ những lời dạy của đức Phật.
Ví dụ, đức Phật dạy: “Ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp”. Theo lời dạy này, ngày ngày ta tâm tâm, niệm niệm, luôn luôn cảnh giác giữ gìn và ngăn ngừa các pháp ác. Nếu lỡ có các pháp ác sanh ra thì mau mau tìm cách diệt nó, không được để trong tâm kéo dài sự khổ đau, giận hờn, phiền toái, bất toại nguyện, khiến cho tâm thanh thản, an lạc, nhẹ nhàng, thoải mái, yên ổn. Đó chính là chúng ta niệm Pháp. Niệm Pháp như vậy có kết quả giải thoát ngay (48) liền, khiến cho tâm thanh tịnh, nên gọi là NIỆM PHÁP THÂN TÂM BẤT HOẠI TỊNH.
Pháp của đức Phật có 37 phẩm trợ đạo. Trong số đó, chúng ta nên chọn một pháp môn phù hợp với đặc tướng của mình, rồi lấy đó thực hành, áp dụng vào cuộc sống hằng ngày, để xây dựng cho mình có một đạo đức làm người, sống không làm khổ mình, khổ người, đây là niệm Pháp bất hoại tịnh.
Đây, chúng ta hãy lắng nghe một đoạn kinh mà đức Phật đã dạy niệm Pháp: “Lại nữa, này Mahànàma, Thánh đệ tử tùy niệm Pháp: “Pháp được Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được những bậc trí tự mình giác hiểu”.
Này Mahànàma, trong khi vị Thánh đệ tử tùy niệm Pháp, trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, không bị sân chi phối, không bị si chi phối; Trong khi ấy, tâm vị ấy được chánh trực, nhờ dựa vào Pháp. Và này Mahànàma, Thánh đệ tử với tâm chánh trực, được nghĩa tín thọ, được pháp tín thọ, được hân hoan liên hệ đến pháp. Người có hân hoan nên hỷ sanh. Người có hỷ nên thân được khinh an. Với thân khinh an, vị ấy cảm giác lạc thọ. Người có lạc thọ, tâm được định tỉnh.
Này Mahànàma, về vị Thánh đệ tử này được nói như sau: “Với mọi người không bình thản, vị ấy sống bình thản. Với mọi người có não hại, vị ấy sống không não hại. Nhập được pháp lưu, đó là vị ấy tu tập niệm Pháp”. (Kinh Tăng Chi, tập 3, trang18)
Niệm Pháp tức là sống đúng như lời đức Phật đã dạy, không hề làm sai lời dạy này.
Ví như đức Phật dạy: “Sống độc cư trầm lặng, tránh hội họp, tránh nói chuyện”. Nếu quý phật tử không làm sai lời dạy này là quý vị niệm Pháp, còn làm sai lời dạy này là quý vị không niệm Pháp, mà niệm theo dục thế gian. Niệm Pháp tức là sống như Pháp.
NIỆM TĂNG
Niệm Tăng như thế nào?
Muốn tu pháp niệm Tăng cho đúng, thì trước tiên phải chọn những vị Tăng nghiêm trì giới luật. Những vị Tăng nghiêm trì Giới luật là những vị sống thiểu dục tri túc, ba y một bát; sống không có chùa to Phật lớn; sống xa lìa những vật chất tiện nghi đầy đủ; sống không có ăn mặc sang đẹp; sống thường đi xin từng miếng ăn; sống không cất giữ tiền bạc, của cải, tài sản, thường lấy gốc cây làm giường nằm; sống ngày một bữa, không có ăn uống phi thời.
Chọn được những vị Tăng như vậy, chúng ta tôn kính những bậc này, và xin họ làm Thầy. Từ đây, chúng ta có ngọn đuốc soi đường, hằng ngày ta quan sát tư duy qua gương Thánh hạnh, đạo hạnh của họ, và chúng ta tập sống như họ, để biết nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng; để biết đẩy lui các chướng ngại pháp trong tâm; để biết thương yêu hòa hợp với mọi người; để biết chịu phần thiệt về mình, luôn luôn bắt chước các đức hạnh của chúng Tăng, sống theo gương Thánh đức của chúng Tăng.
Ngược lại, những vị Tăng phá giới, phạm giới, bẻ vụn giới, thì chúng ta xem họ như những tu sĩ Bà La Môn, không đáng cho chúng ta cung kính và cúng dường.
Tư duy quán xét những đức hạnh sống của chúng Thánh Tăng, để lấy đó làm gương sống tu tập ly dục, ly ác pháp, đó mới chính là chúng ta niệm Tăng. Niệm Tăng như vậy có ích lợi cho mình, cho người rất lớn, sẽ không làm khổ mình, khổ người; niệm Tăng như vậy thân tâm mới thanh tịnh; niệm Tăng như vậy mới gọi là NIỆM TĂNG BẤT HOẠI TỊNH.
Niệm Tăng, tức là thưa hỏi những điều quý vị chưa thông suốt để được thông suốt. Niệm Tăng là sự thân cận, để tu học qua thân giáo của Người trong cuộc sống hằng ngày.
Đây là lời đức Phật dạy chúng ta cách thức niệm Tăng: “Lại nữa, này Mahànàma, Thánh đệ tử tùy niệm Tăng: “Diệu hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn. Trực hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Ứng lý hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Chánh hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Tức là bốn đôi tám vị. Chúng đệ tử Thế Tôn này đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là vô thượng phước điền ở đời”.
Này Mahànàma, trong khi Thánh đệ tử tùy niệm chúng Tăng, trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, không bị sân chi phối, không bị si chi phối; Trong khi ấy, tâm vị ấy được chánh trực, nhờ dựa vào tùy niệm chúng Tăng. Và này Mahànàma, một vị Thánh đệ tử, với tâm chánh trực, được nghĩa tín thọ, được pháp tín thọ, được hân hoan liên hệ đến chúng Tăng. Người có hân hoan nên hỷ sanh. Người có hỷ nên thân được khinh an. Với thân khinh an, vị ấy cảm giác lạc thọ. Người có lạc thọ, tâm được định tỉnh.
Này Mahànàma, về vị Thánh đệ tử này, được nói như sau: “Với mọi người không bình thản, vị ấy sống bình thản. Với mọi người có não hại, vị ấy sống không não hại. Nhập được pháp lưu, đó là vị ấy tu tập niệm chúng Tăng”. (Kinh Tăng Chi, tập 3, trang 19)
NIỆM GIỚI
Niệm Giới như thế nào? Trong nhiều chùa niệm Giới bằng cách mỗi nửa tháng một kỳ, ngày 14 hoặc ngày 30, họ tập trung nhau lại tụng Giới. Cách niệm Giới như vậy dù một triệu kiếp tu hành, thì Giới luật cũng không nghiêm trì thanh tịnh được.
Họ đâu biết rằng, giới luật là hành động sống đạo đức của một vị Thánh tăng, Thánh ni và Thánh cư sĩ, nếu họ tụng giới luật suông như vậy thì không có ý nghĩa và lợi ích gì cả, đó chỉ là hình thức che đậy sự phá giới của họ mà thôi.
Muốn niệm Giới cho đúng, thì phải học giới luật cho thông suốt, khi giới luật đã học thông suốt, thì chúng ta quán xét và tư duy những đức hạnh nào của giới dạy về đạo đức làm Người, và những giới luật nào dạy về giới đức làm Thánh. Chúng ta đã hiểu rõ các đức hạnh của giới xong, thì từ đó hằng ngày chúng ta quyết tâm phải sống cho đúng những đạo đức làm Người và làm Thánh. Nhờ có quán sát và tư duy như vậy, nên sống đúng giới luật nghiêm túc; do sống đúng giới luật nghiêm túc nên thân tâm thanh tịnh ly dục, ly ác pháp.
Người tư duy quán sát và sống đúng giới luật như vậy, được gọi là NIỆM GIỚI BẤT HOẠI TỊNH. Niệm như vậy mới gọi là niệm Giới, chứ không phải tụng một bài Giới là xong.
Đây, chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy niệm Giới: “Lại nữa, này Mahànàma, Thánh đệ tử tùy niệm các giới của mình: “Giới không bị bẻ vụn, không bị sứt mẻ, không bị vết chấm, không bị uế tạp, đưa đến giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp thủ, đưa đến thiền định”.
Này Mahànàma, trong khi Thánh đệ tử tùy niệm Giới, trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, không bị sân chi phối, không bị si chi phối; Trong khi ấy, tâm vị ấy được chánh trực, nhờ dựa vào Giới. Và này Mahànàma, một Thánh đệ tử, với tâm chánh trực, được nghĩa tín thọ, được pháp tín thọ, được hân hoan liên hệ đến giới pháp. Người có hân hoan nên hỷ sanh. Người có hỷ, nên thân được khinh an. Với thân khinh an, vị ấy cảm giác lạc thọ. Người có lạc thọ, tâm được định tỉnh.
Này Mahànàma, về vị Thánh đệ tử này, được nói như sau: “Với mọi người không bình thản, vị ấy sống bình thản. Với mọi người có não hại, vị ấy sống không não hại. Nhập được pháp lưu, đó là vị ấy tu tập niệm Giới”. (Kinh Tăng Chi, tập 3, trang 19)
Quý phật tử nên nhớ, nếu quý vị quyết tâm tu học, tu hành tìm cầu sự giải thoát của đạo Phật, thì chỉ cần tu Tứ Bất Hoại Tịnh quý vị cũng đã thành tựu viên mãn con đường tu tập, có nghĩa là quý vị sẽ làm chủ bốn sự khổ đau của kiếp người: sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi, thì cần gì còn phải tu các pháp môn khác.
Còn nói quý phật tử tu Tứ Bất Hoại Tịnh câu hữu với Định Vô Lậu, là nhắc quý vị tư duy, quán xét, suy ngẫm về Phật, Pháp, Tăng và Giới, để quý vị thực hiện sống cho đúng như Phật, như Pháp, như Thánh Tăng và như Giới luật đã dạy, để không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào, đó là cách thức quét sạch lậu hoặc trong quý vị. Chứ kỳ thực quý vị không có tu Định Vô Lậu, mà tu Tứ Bất Hoại Tịnh.
Tóm lại, một người quyết tâm tu học, tu hành để tìm cầu sự giải thoát, thì chỉ cần tu Tứ Bất Hoại Tịnh là cũng đủ sự giải thoát rồi, đâu cần gì phải tu nhiều pháp môn.
Ví dụ, nếu ta quyết sống như Phật, thì khi gặp chướng ngại pháp trong tâm, chúng ta nhất định không sân, không phiền não, không đau khổ. Sống và làm y như Phật thì ngay đó thân tâm thanh tịnh, hay nói cách khác là tâm bất động trước các ác pháp. Tu học, Tu hành chỉ có như vậy, song mấy ai đã làm được!
Pháp môn Tứ Bất Hoại Tịnh là một pháp môn hay tuyệt vời, nếu một người quyết tử tu tập sẽ có kết quả ngay liền, không còn phải chờ đợi kéo dài từ năm này đến năm khác.
Trên đây là những pháp dạy cho những người mới thọ Tam Quy thì phải sống như Phật, như Pháp, như Tăng, như Giới (pháp). Do tu học được như vậy, chỉ một thời gian sáu tháng thì quý phật tử sẽ sống ít tai nạn, ít bệnh tật, gia đình thường được an vui và hạnh phúc.
Đây là bước đầu tiên tu học theo Phật giáo để chuyển hoá nghiệp khổ đau của kiếp làm người, để biến cảnh sống ở thế gian thành cảnh sống nơi Cực Lạc hay Thiên Đàng.
(còn tiếp) Tác giả: Trưởng Lão Thich Thông Lạc Trích sách: Những chặng đường tu học của người cư sĩ - Nhà xuất bản Tôn giáo
Bình luận (0)