Chùa Hoàng Kim nằm trên khu vực núi động Hoàng Xá thuộc địa phận thôn Hoàng Xá, thị trấn Quốc Oai, thành phố Hà Nội. Nằm ở vùng có nhiều dãy núi chập chùng, theo quan niệm địa lý, phong thủy thì toàn bộ hệ thống núi đá vôi ở khu vực này đều là chi long, mà gân mạch bắt nguồn từ núi tổ Tản Viên (huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội), uốn lượn nổi chìm theo địa long mạch kéo dài để tạo nên vùng núi non đột khởi.

Hiện chưa xác định được thời gian ngôi chùa được xây dựng, nhưng căn cứ vào một số ghi chép trong thư tịch cổ cũng như di vật còn sót lại thì sớm nhất, chùa Hoàng Kim đã có từ thời Lý.

Ngoài những nét hoang sơ từ hàng ngàn đời do thiên nhiên ban tặng. Quần thể di tích núi động Hoàng Xá còn có nhiều công trình kiến trúc vô giá do bàn tay, khối óc tài hoa của những nghệ nhân dân gian tạo dựng, gìn giữ qua nhiều thế hệ như chùa Hoàng Kim giữa một vùng trời nước thơ mộng. Vị trí của chùa cách không xa chùa Hoa Vân và nằm gần động Hoàng Xá, đây là động xuyên sơn, có hai cửa. Cửa chính của động ở hướng Đông Nam là hướng đi ra chùa Hoàng Kim, cửa còn lại đi vào chùa Hoa Vân.

Quần thể di tích núi động Hoàng Xá (Quốc Oai). Ảnh: sưu tầm
Quần thể di tích núi động Hoàng Xá (Quốc Oai). Ảnh: sưu tầm

Chùa Hoàng Kim hiện lưu giữ nhiều pho tượng có giá trị, như pho Nhị vị Bồ tát mang phong cách nghệ thuật tượng thời Lê. Đặc biệt, có một pho tượng đá độc đáo gồm phần tượng và bệ tượng mang phong cách nghệ thuật thời Lý, đó là bức tượng Phật A Di Đà. Bức tượng quý hiếm này không chỉ là một trong những bức tượng đá ít ỏi thời lý còn tồn tại đến nay, mà trên bệ bức tượng còn có một bài văn khắc được coi là có niên đại sớm nhất nhắc đến câu niệm "A Di Đà Phật", đo là bài văn A Di Đà Phật tụng.

Sự hiện hữu của bức tượng Phật A Di Đà và bài văn khắc đã cho thấy sự phổ biến của pháp môn tu Tịnh Độ. Tịnh Độ là một trong các tông phái chính của Phật giáo, giáo lý của pháp môn đã có từ khi đức Phật tại thế nhưng mãi đến thế kỷ IV, pháp môn Tịnh Độ mới trở thành một tông phái chính thức tồn tại và phát triển cùng với nhiều tông phái Phật giáo khác.

Ở nước ta từ trước tới nay Tịnh Độ tông chưa thành một hệ thống pháp môn riêng biệt, nhưng từ thời Lý, khoảng giữa thể kỷ XI trở đi, khuynh hướng Tịnh Độ được phổ biến rộng rãi, với sự hình thành của nhiều ngôi Tam Bảo, nhiều đạo tràng.

Đặc biệt vua Lý Thánh Tông (1023-1072) vào năm 1066 đã cho tạc một pho tượng Phật A Di Đà độc đáo có một không hai trong lịch sử nghệ thuật điêu khắc của dân tộc, pho tượng này hiện nay vẫn còn ở chùa Phật Tích (Vạn Phúc tự), tỉnh Bắc Ninh. Ngoài ra, còn có tượng Phật A Di Đà do nhà sư Trì Bát (1049-1117) thuộc thế hệ thứ 12 của dòng thiền Tì Ni Đa Lưu Chi tạo dựng năm 1099 thuộc niên hiệu Hội Phong thứ 8 đời vua Lý Nhân Tông ở chùa Hoàng Kim.

Bức tượng quý giá này tồn tại cho đến ngày nay như một minh chứng sống động của sự phổ biến của phương pháp tu hành của Tịnh Độ dưới hình thức đọc tụng kinh A Di Đà và niệm "Nam mô A Di Đà Phật". Tịnh Độ là một đường lối tu tập phổ biến, đáp ứng nhu cầu tâm linh về một đời sống vĩnh cửu và hoàn toàn giải thoát khổ đau của con người để được sống trong cõi Tịnh Độ an vui.

ảnh
Tượng Phật A Di Đà tại chùa Hoàng Kim (Quốc Oai). Ảnh: sưu tầm

Trải qua nắng mưa của thời gian, quy mô cũng như diện mạo, kiến trúc của chùa Hoàng Kim đã có nhiều thay đổi. Hiện nay, chùa vẫn giữ lối kiến trúc chữ "Đinh" gồm Tiền Đường và Thượng Điện. Tiền Đường 3 gian 2 chái. Các bộ vì kiểu giá chiêng kẻ bẩy trên 3 hàng chân cột, cột cái là cốn mê chạm nổi hình tượng rồng và tứ linh. Thượng Điện với gian Tam Bảo là nơi bài trí tượng thờ Phật, có 3 gian, bộ vì kết cấu giá chiêng kẻ ngồi trên 2 hàng chân cột. Trong khuôn viên chùa còn có nhà Mẫu, miếu Võ Thịnh thờ Quan Công và Đức Thánh Trần.

Chùa Hoàng Kim nằm trong cụm Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2408/QĐ-Ttg ngày 31/12/2014.

Nguồn: Sách Di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Việt - NXB Thông tin và Truyền thông