Nằm trên vùng đất giàu truyền thống lịch sử, chùa Linh Thông (còn gọi là chùa Trung Oai) thuộc xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội không chỉ là một ngôi chùa cổ kính, mà còn là chứng nhân lịch sử, gắn liền với hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.

Trải qua bao thăng trầm, ngôi chùa vẫn giữ được vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tâm linh của nhân dân địa phương. Đặc biệt, Lễ hội truyền thống thôn Trung Oai được tổ chức hai năm một lần đã trở thành một sự kiện văn hóa đặc sắc, kết hợp hài hòa giữa tín ngưỡng Phật giáo và bản sắc làng quê Bắc Bộ.

Lễ hội truyền thống - Giá trị văn hóa lâu đời

Vào ngày 19 - 20 tháng Giêng Âm lịch hàng năm, Lễ hội truyền thống thôn Trung Oai được tổ chức nhằm tri ân tiền nhân, tôn vinh những giá trị lịch sử, văn hóa địa phương. Đây là dịp để người dân sum họp, bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên và hướng về những điều thiện lành trong năm mới.

Bên cạnh các nghi lễ truyền thống như dâng hương, lễ rước kiệu, tế lễ tại đình, chùa, lễ hội còn có nhiều hoạt động văn hóa dân gian sôi nổi như hát quan họ, kéo co, cờ người, múa lân, tạo nên không khí rộn ràng, vui tươi đầu xuân.

Đặc biệt, trong khuôn khổ lễ hội, chùa Linh Thông còn tổ chức khóa lễ cầu an đầu năm, tụng kinh Dược Sư, cầu mong Phật gia hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, người người mạnh khỏe, gia đình hạnh phúc.

Sáng ngày 17 tháng 02 năm 2025 (ngày 20 tháng Giêng năm Ất Tỵ), Lễ hội truyền thống thôn Trung Oai chính thức khai mạc trong khoảng sân khuôn viên trước chùa Linh Thông. Hàng trăm bà con phật tử, quý vị đại biểu chính quyền địa phương các cấp cùng tham dự.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội PGVN, Trưởng Ban Thông tin Truyền thông T.Ư Giáo hội, trụ trì chùa Linh Thông chia sẻ: Tôi rất vui mừng, phấn khởi dự Lễ hội chùa làng thôn Trung Oai, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội ngày hôm nay. Nơi từng là dấu ấn di tích lịch sử cách mạng: là trụ sở Ban phật giáo cứu quốc huyện Đông Anh thời kỳ chống Pháp, một số nhà sư trụ trì chùa tham gia kháng chiến chống Pháp và đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của tổ quốc, là nơi đón tiếp các đồng chí thương bệnh binh từ chiến trường miền Nam ra điều dưỡng. Nhân dịp này cho phép tôi thay mặt chùa Trung Oai và nhân danh cá nhân, xin chúc mừng năm mới xuân Ất Ty quý vị Đại biểu và bà con nhân dân Phật tử, kính chúc quý vị Đại biểu và bà con nhân dân phật tử mạnh khỏe, thân tâm an lạc, hạnh phúc, vạn sự cát tường, chúc Lễ hội thành công tốt đẹp.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Lưu, Phó chủ tịch UBND xã Tiên Dương cho biết: Trải qua nhiều gia đoạn thăng trầm lịch sử, ngày 21 tháng 02 năm 2018, chùa Linh Thông, thôn Trung Oai đã được UBND thành phố công nhận là di tích Lịch sử - Kiến trúc nghệ thuật. Để đạt được những thành tựu như ngày hôm nay, Hòa thượng trụ trì Thích Gia Quang là người có công rất lớn trong công cuộc tôn tạo, phục dựng chùa, góp phần bảo tồn những giá trị kiến trúc lịch sử Phật giáo nơi đây. Bên cạnh đó, Hòa thượng không ngừng nỗ lực hoằng dương phật pháp, cùng bà con phật tử trong vùng dựng xây ngôi nhà chính pháp chùa Linh Thông (Trung Oai) ngày thêm phát triển.

“Tết Không Đồng”: Tinh thần từ bi lan tỏa

Một trong những điểm nhấn của lễ hội là chương trình thiện nguyện “Tết Không Đồng” do chùa Linh Thông tổ chức. Những gian hàng không đồng trưng bày nông sản, rau củ quả, đồ dùng thiết yếu… để hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Đây không chỉ là hoạt động từ thiện mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần từ bi, cứu khổ cứu nạn của đạo Phật, đồng thời đề cao giá trị đoàn kết, sẻ chia trong cộng đồng.

Chùa Linh Thông: Chứng nhân lịch sử hai cuộc kháng chiến

Chùa Linh Thông - Thiên tự thuộc thôn Trung Oai, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, được xây dựng vào thời hậu Lê (thế kỷ 18) do các thiền sư thuộc dòng Tào Động Việt Nam xây dựng.

Năm 1897, chùa được Hòa thượng Thích Chính Bỉnh đời thứ 11 chùa Hòe Nhai cùng nhân dân phật tử địa phương và thiện tín thập phương công đức trùng tu, chuyển từ xóm giữa thôn đến vị trí hiện nay.

Năm 1921, trụ trì chùa là sư cụ Thích Thanh Liêm tham gia kháng chiến, trong đó có sư cụ Thích Thanh Vân, Thích Thanh Cử tòng quân tham gia lực lượng vũ trang chống Pháp. Ngày 06 tháng 09 năm 1953, sư cụ Thích Thanh Vân cùng tổ du kích của thôn đã anh dũng chiến đấu chống lại càn quét của địch và sư cụ Thanh Vân bị bắt.

Chùa Linh Thông trong thời kỳ chống Pháp được chọn làm cơ sở cách mạng va trụ sở của Ban Phật giáo Cứu quốc huyện Đông Anh. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, chùa là nơi chứa lương thực phục vụ cách mạng. Những năm 1960, chùa là nơi làm việc cuaru Ủy ban Hành chính xã Toàn Thắng (nay là xã Tiên Dương).

Những năm 1970, chùa được chọn làm nơi đón tiếp các đồng chí thương bệnh binh từ chiến trường miền Nam ra điều dưỡng.

Năm 2000, Thượng tọa Thích Gia Quang, trụ trì chùa Liên Phái, phố Bạch Mai, Hà Nội được nhân dân phật tử địa phương thỉnh về kiêm trụ trì chùa Linh Thông để phục vụ tín ngưỡng, hướng dẫn đạo pháp cho nhân dân phật tử và bắt tay và công cuộc tu bổ kiến thiết lại chùa, vì chùa bị tàn phá do thời gian xâm thực và sự hủy hoại của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ để lại chỉ còn có 3 gian nhà gỗ xoan thờ Phật và bảy gian nhà dột nát thờ Tổ vì không có Tăng trụ trì.

Tháng 03 năm 2005, Thượng tọa trụ trì khởi công trùng tu lại chùa với quy mô lớn, xây dựng lại ngôi Chính điện thờ Phật, nhà thờ Tổ, nhà thờ Mẫu, nhà Tăng, cổng Tam quan, nhà bia… đến tháng 03 năm 2008 thì công việc hoàn thành và có được cảnh quan chùa Linh Thông như ngày hôm nay.

(Trích dẫn bia ký Lược sử chùa Linh Thông)

Không chỉ là một ngôi chùa cổ kính, Linh Thông còn có vai trò đặc biệt trong các phong trào cách mạng:

+ Kháng chiến chống Pháp: Chùa từng là trụ sở của Ban Phật giáo Cứu quốc huyện Đông Anh. Nhiều vị trụ trì và tăng ni đã tham gia hoạt động cách mạng, bị giặc bắt và anh dũng hy sinh.

+ Kháng chiến chống Mỹ: Chùa trở thành nơi tập kết, điều trị thương bệnh binh từ chiến trường miền Nam, góp phần vào công tác hậu phương vững chắc.

Với những đóng góp to lớn về mặt lịch sử, chùa Linh Thông được UBND TP Hà Nội công nhận là Di tích lịch sử - Kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố vào ngày 21/02/2018.

Kiến trúc chùa Linh Thông: Sự hội tụ giá trị nghệ thuật

Chùa Linh Thông có lịch sử hình thành từ thời Hậu Lê (thế kỷ 18), thuộc hệ phái Tào Động. Trải qua nhiều lần trùng tu, ngôi chùa vẫn giữ được nét cổ kính, trang nghiêm.

+ Tam quan: Được xây dựng theo lối cổng chùa truyền thống Bắc Bộ, với mái cong, chạm khắc tinh xảo.

 

+ Chính điện: Bảo tồn nhiều tượng Phật cổ, bài trí theo hệ thống thờ tự truyền thống.

+ Gác chuông, khánh: Là nơi lưu giữ chuông và khánh đồng có giá trị lịch sử.

+ Vườn tháp: Tôn trí xá lợi, dấu ấn của các thế hệ trụ trì.

Nhờ công đức lớn lao của Hòa thượng Thích Gia Quang - Trụ trì chùa Linh Thông, chùa ngày càng khang trang, trở thành trung tâm tu học, hoằng pháp quan trọng của Phật giáo Đông Anh nói riêng và Phật giáo Hà Nội nói chung.

Lễ hội truyền thống thôn Trung Oai cùng với các hoạt động thiện nguyện tại chùa Linh Thông không chỉ gìn giữ nét đẹp văn hóa địa phương mà còn lan tỏa tinh thần Phật giáo trong đời sống. Ngôi chùa không chỉ là nơi tu hành, lễ bái mà còn là biểu tượng của lòng yêu nước, sự hy sinh và tinh thần nhân văn cao đẹp.

Hàng năm, khi mùa xuân về, lễ hội lại diễn ra, tiếp nối truyền thống và vun bồi giá trị tâm linh, văn hóa, đưa chùa Linh Thông trở thành một điểm đến thiêng liêng trong lòng nhân dân.

Tác giả: Thường Nguyên