Chùa Phú Lâm ngày nay, không phải ngẫu nhiên được phục dựng, như sự sắp đặt bởi nhân duyên, tạo hóa huyền vi: Hiện thực một quần thể kiến trúc Phật giáo tín ngưỡng Việt, một Hệ sinh thái Tâm linh trong hành trình cảnh đẹp xứ Tuyên Quang.
Chỉ qua cơ bản bên ngoài, kiến trúc chùa Phú Lâm dường như không có gì đặc sắc: Tam Quan thiết kế truyền thống chùa Việt cùng gác mái hai tầng, các thiết tầng kiến trúc màu chủ đạo là màu ngói đỏ nung, sơn thếp vàng và màu nâu gụ.
Dạo quanh khuôn viên chùa vài vòng, để ý từng chút, tôi dần phát hiện những nét chấm phá, khác biệt. Thẳng cổng Tam Quan vào, khoảng sân rộng trước thềm Chính điện Tam Bảo là thiết kế mô phỏng “Chùa Một Cột” (còn có tên gọi khác là Liên Hoa Đài, với lối kiến trúc độc đáo: một điện thờ đặt trên một cột trụ duy nhất) ngự trên hồ nước nhỏ. Nơi thu hút không ít hiếu kỳ cùng khách thập phương lần đầu về thăm chùa Phú Lâm (thuộc xã Mỹ Lâm, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang).
Theo lối đi bên phải nhìn từ Chính điện vào, là gian thờ Phật Quán Âm, tiếp nối là dãy thiền đường hai tầng (vừa là nơi tu tập, nơi tá túc khi chư tôn thiền đức, thiện tín về chùa dự lễ). Hướng bên trái, gần cuối hậu viên nhìn chếch từ gian thờ Phật Quán Âm là Nhà Tổ.
Nhà Tổ thiết kế nhà dài, một gác mái, bên trong có năm ban thờ: Chính giữa thờ Đức Phật Thích Ca, bên trái là ban thờ Tổ Huyền Quang (sinh năm 1254 mất năm 1334, tên thật là Lý Tái Đạo, là một thiền sư, nhà lãnh đạo Phật Đại thừa ở Đại Việt thời Trần), Tổ Trần Nhân Tông (tên khai sinh là Trần Khâm, tự là Thanh Phúc, là vị vua thứ ba của nhà Trần nước Đại Việt.
Vua Trần Nhân Tông trị vì từ ngày 08 tháng 11 năm 1278 đến ngày 16 tháng 04 năm 1293, sau đó làm Thái Thượng Hoàng rồi đi tu sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm cho đến khi nhập Niết bàn), bên phải thờ Tổ Pháp Loa (còn có tên là Minh Giác hay Phổ Tuệ Tôn giả, là một thiền sư, nhà lãnh đạo Phật giáo Đại thừa ở Đại Việt thế kỷ XIII) và một ban đang đặt tôn tượng đức Phật Đản sinh.
Từ Nhà Tổ, đi tiếp theo lối đi bên trái hậu viên, theo hướng nhìn bên phải, đến gian thờ Mẫu Liễu Hạnh (Thánh Mẫu Liễu Hạnh (chữ Hán: 聖母柳杏) hay Liễu Hạnh công chúa (chữ Hán: 柳杏公主) là một trong những vị Thánh quan trọng của tín ngưỡng Việt Nam.
Bà còn được gọi bằng các tên: Bà Chúa Liễu, Liễu Hạnh (柳杏), Mẫu Liễu Hạnh (母柳杏), Mẫu Thượng Thiên (母上天) hoặc ở nhiều nơi thuộc vùng Bắc Bộ bà được gọi ngắn gọn là Mẫu Liễu): trong gian thờ, ban thờ chính có ban Tam Tòa Thánh Mẫu, ban thờ Quan Hoàng Bảy, ban thờ Quan Hoàng Mười.
Xâu chuỗi, góc nhìn riêng, tôi thấy được một quần thể kiến trúc độc lập mà gắn kết chặt chẽ, Hệ sinh thái Tâm linh thu nhỏ, thể hiện rõ kết hợp nhuần nhuyễn và tinh tế kiến trúc, văn hóa tín ngưỡng Phật giáo truyền thống Việt và văn hóa Đạo Mẫu (tín ngưỡng đặc trưng miền Bắc).
Tôi thầm nghĩ, ý tưởng thiết kế thật toàn hảo, các gian thờ được bố trí khoảng cách vừa đủ để phương chúng về thăm cảm nhận được sự gần gũi, đáp ứng cơ bản những nhu cầu tín ngưỡng, hành lễ của đông đảo tín đồ thập phương.
Hai bên tả hữu từ lối vào chính cổng Tam Quan, là hai hàng cây hoa Ban, có hoa Ban tím, hoa Ban trắng rất đẹp. Không gian chùa được thiết kế bao quát rất thoáng, đứng trên cao quan sát có thể thấy người thiết kế khéo léo tạo thành không gian Phật giáo, Tâm linh như một thung lũng thu nhỏ, có chiều sâu mà thể hiện rõ tính gắn kết chặt chẽ của từng gian kiến trúc.
Thêm một lần, tôi thầm thán phục người có ý tưởng thiết kế, thoáng nhìn tưởng giản đơn mà rất khoa học, giao thoa truyền thống và hiện đại góp phần tôn thêm vẻ đẹp riêng chùa Phú Lâm.
Thăm từng gian thờ, chiêm bái từng kiến trúc, nơi đâu tôi cũng thấy nguồn năng lượng an nhiên dồi dào, tâm hồn thư thái, như đang ở chốn bồng lai tiên cảnh. Được biết, còn thêm kiến trúc chưa dựng xây như Lầu Quán Âm Lộ Thiên ngự trên hồ nước rộng, cùng một vài kiến trúc quan trọng khác.
Rảo thêm một vòng, về lại cổng Tam Quan, đứng trước “Chùa Một Cột”, tôi chắp tay hướng Chính Điện Tam Bảo khấn lễ, cảm tạ nhân duyên được về thăm chùa Phú Lâm miền quê Tuyên Quang, nơi gắn bó nhiều thăng trầm lịch sử từ thời Trần, lòng cảm niệm cùng cảm xúc khó tả, chợt nhớ tới bốn câu thơ Phật Hoàng Trần Nhân Tông truyền dạy:
“Ở đời học Đạo phải tùy duyên Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền Trong nhà có báu thôi tìm kiếm Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền”
Có lẽ, chùa Phú Lâm ngày nay, không phải ngẫu nhiên được phục dựng, như sự sắp đặt bởi nhân duyên, tạo hóa huyền vi: Hiện thực một quần thể kiến trúc Phật giáo tín ngưỡng Việt, một Hệ sinh thái Tâm linh giữa lòng Tuyên Quang. Tương lai không xa, xứng đáng trở thành điểm đến mới ở xứ Tuyên.
Tác giả: Cư sĩ Chánh Thường
Bình luận (0)