Đất nước ta đã và đang thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng toàn diện Đất nước. Đó là thuận duyên để Giáo hội ta thực hiện những Phật sự trọng đại theo  chương trình hoạt động 6 điểm của nhiệm kỳ IV Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

CHƯƠNG TRÌNH HOẠT ĐỘNG NHIỆM KỲ IV CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Kính bạch chư Tôn Giáo phẩm Hội đồng Chứng minh. Kính thưa Đoàn Chủ toạ Kính thưa Quý vị Khách quý Kính thưa toàn thể Đại hội.

Con đường phát triển Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ IV là sự kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết hòa hợp thống nhất Phật giáo và sự gắn bó ngàn đời Đạo pháp với Dân tộc mà chư Tôn giáo phẩm, Tăng, Ni, Phật tử cả nước đã dành nhiều tâm lực, trí lực để thành đạt kể từ khi thành lập Giáo hội đến ngày nay.

Bước vào nhiệm kỳ IV, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở trong một hoàn cảnh lịch sử trọng đại của dân tộc: Nhân dân cả nước ta đoàn kết một lòng, phát huy mọi nguồn lực của dân tộc, đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá, đổi mới, ổn định và phát triển Đất nước toàn diện về kinh tế-xã hội và văn hoá tinh thần, bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng văn minh, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vừa được bầu xong. Tại phiên họp đầu tiên, Quốc hội đã thông qua những văn kiện quan trọng trên mọi lĩnh vực văn hoá, xã hội, kinh tế và ngoại giao. Một Chính phủ mới được bầu ra với hiệu năng nâng cao nhằm động viên sự đóng góp tâm trí lực của toàn dân, đưa Tổ quốc Việt Nam phát triển mạnh mẽ bước vào thế kỷ 21.

Xuất phát từ những nhận thức nêu trên và trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, hướng hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ IV là đức truyền thống dân tộc.

Do đó, trước hoàn cảnh đặc biệt hiện nay của dân tộc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần vận dụng con đường đúng đắn đã được lựa chọn vào thực tiễn xã hội Việt Nam, đề ra được một phương hướng nền tảng cho một chương trình hành động thiết thực và khả thi nhằm làm cho công cuộc hoằng pháp độ sinh của Phật giáo Việt Nam có nhiều đóng góp cho sự nghiệp chung của dân tộc.

Xuất phát từ những nhận thức nêu trên và dựa trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, hướng hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ IV là tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết hòa hợp các Hệ phái trong Phật giáo Việt Nam - thống nhất về ý chí và hành động, thống nhất về lãnh đạo và tổ chức trên cơ sở tôn trọng các pháp môn tu học biệt truyền của từng hệ phái và thống nhất hành động theo phương châm: “Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội”, xây dựng mối quan hệ thống nhất về lãnh đạo giữa Trung ương, Ban Trị sự các Tỉnh, Thành hội cho đến các cơ sở tự viện trên cơ sở xây dựng đoàn kết chặt chẽ để làm nền tảng cho việc phát triển các hoạt động vì Đạo pháp và Dân tộc, làm cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam càng xứng đáng hơn nữa với lòng tin của Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam cả trong và ngoài nước.

Do yêu cầu mỗi lúc một tăng trưởng của công cuộc hoằng dương Chính pháp trong xã hội hiện nay, Giáo hội cần tập trung công sức xây dựng hệ thống giáo dục và đào tạo Tăng, Ni, tăng cường chất lượng giảng dạy tại các trường Cơ bản và Cao đẳng Phật học và Học viện Phật giáo Việt Nam, cố gắng mở rông và nâng cao hệ thống giáo dục đào tạo ở cấp Cao cấp Phật học, đồng thời vẫn giữ vững chất lượng đào tạo bằng nhiều biện pháp linh động, để vừa nâng cao phẩm hạnh và trình độ tu học của lớp Tăng, Ni hiện hữu, vừa xây dựng một lớp Tăng, Ni trẻ với số lượng và khả năng đáp ứng được nhu cầu tu học ngày càng tăng của đồng bào Phật tử hiện nay.

Giáo hội cần mở rộng hơn nữa sự đóng góp và cộng tác rộng rãi, không phân biệt Tông môn, Hệ phái của nhiều vị giáo phẩm có đạo hạnh trong sáng và kiến giải sâu rộng về giáo lý cũng như của hàng ngũ trí thức Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước cho các hoạt động nghiên cứu Phật học và phiên dịch Đại Tạng kinh Việt Nam

Giáo hội cần ra sức vận động tổ chức cho Tăng, Ni, Phật tử tham gia vào các mặt hoạt động Phật sự của Giáo  hội và thông qua sự hướng dẫn của chuyên ngành Hoằng pháp, Văn hoá và Hướng dẫn Nam Nữ Phật tử sống một nếp sống lành mạnh trong sáng và hướng thượng.

Giáo  hội cần tích cực khuyến khích Tăng, Ni, Phật tử tham gia các hoạt động từ thiện xã hội do Trung ương Giáo hội hoặc Ban Trị sự Phật giáo địa phương đề ra. Giáo  hội có trách nhiệm vận động Tăng, Ni, Phật tử, kêu gọi sự đóng góp của các nhà hảo tâm tham gia vào các hoạt động này để thể hiện thiết thực hạnh nguyện từ bi cứu khổ của người con Phật.

Trong hoàn cảnh tương quan tương duyên và xu thế mở rộng bang giao giữa các quốc gia, các dân tộc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một tổ chức Phật giáo duy nhất đại diện Tăng, Ni, Phật tử cả nước, có khả năng và tiềm lực to lớn để cùng các tổ chức quốc tế Phật giáo góp phần hoằng dương giáo lý giác ngộ giải thoát của Đức Như Lai, đồng thời thúc đẩy xu thế hợp tác hòa bình và ổn định cho khu vực cũng như trên thế giới đồng thời đóng góp cho sự phát triển của trào lưu tiến bộ xã hội trong khu vực.

Đối với một số Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam tại hải ngoại hiện đang hướng về quê hương ngày càng đông qua các hành động thiện chí đối với Đạo pháp và Dân tộc, Giáo  hội Phật giáo Việt Nam chân tình tán thán và tăng cường đoàn kết hơn nữa với quý vị, để tạo điều kiện gắn bó với Giáo  hội và nước nhà nhiều hơn nữa.

Để thực hiện tất cả các Phật sự trọng đại nêu trên, không những Giáo hội cần sự đóng góp tâm trí lực to lớn của chư vị Tôn túc giáo phẩm Tăng, Ni trong và ngoài nước, mà Giáo hội còn cần những điều kiện vật chất cụ thể. Do đó, Giáo hội cần có kế hoạch thiết thực và khả thi nhằm tạo nguồn kinh phí cho một số cơ quan của Trung ương Giáo hội và các Ban Trị sự Tỉnh, Thành  hội có điều kiện thực hiện. Giáo hội kết hợp song song xây dựng nguồn kinh phí hoạt động gắn liền với việc phát triển từng bước mọi hoạt động Phật sự.

Thực hiện Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trêm cơ sở tổng kết các hoạt động Phật sự nhiệm kỳ III và phương hướng mục tiêu hoạt động nói trên trong thời kỳ mới, Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc đề ra Chương trình hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ IV gồm các điểm như sau:

B. CHƯƠNG TRÌNH HOẠT ĐỘNG

I. Xây dựng và phát triển Giáo  hội Phật giáo Việt Nam trên tinh thần đoàn kết hòa hợp, lục hòa cộng trụ, tứ chúng đồng tu, tăng cường mối quan hệ giữa các thành viên trong Giáo hội

1. Xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên tinh thần đoàn kết hòa hợp, lục hòa cộng trụ, tứ chúng đồng tu. Tôn trọng các truyền thống pháp môn và phương tiện tu hành đúng Chính pháp của các Hệ phái Phật giáo thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

2. Các đơn vị Tỉnh, Thành hội Phật giáo cần tăng cường việc xây dựng tinh thần hòa hợp với mối liên hệ mật thiết giữa mọi thành viên Tăng, Ni và nam nữ Cư sĩ Phật tử trong tất cả hoạt động Phật sự của Giáo hội.

3. Phát huy ý thức thống nhất về lãnh đạo và tổ chức xung quanh phương châm hoạt động của Giáo hội. Thực hiện nghiêm túc Hiến chương và các Nội quy hoạt động đã được tu chỉnh do Trung ương Giáo hội ban hành.

4. Tạo sự đoàn kết hòa hợp tại một số Tỉnh, Thành hội có tình trạng mất đoàn kết trong một số Tăng, Ni, Phật tử tại địa phương. Tổ chức Đại hội thành lập Ban Trị sự một số Tỉnh, Thành hội mới chia tỉnh hoặc chưa tổ chức được Đại hội.

5. Củng cố và tăng cường nhân sự hoạt động cho các ban của Trung ương Giáo  hội để tạo điều kiện cho Ban Thường trực Trung ương Giáo hội nâng cao được khả năng chỉ đạo Phật sự theo chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương có hiệu quả. Tu chỉnh nội quy của Ban Thường trực, quy chế hoạt động của các Ban, Ngành, Viện thuộc Trung ương Giáo hội và các Tỉnh, Thành hội Phật giáo. Xây dựng mối quan hệ mật thiết về mặt lãnh đạo giữa Trung ương và địa phương.

6. Mỗi đơn vị Tỉnh, Thành hội Phật giáo phát huy vai trò tiêu biểu và đại diện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại địa phương, thực hiện tốt gắn bó trong khối đại đoàn kết dân tộc, hướng dẫn Tăng, Ni nêu cao tinh thần đoàn kết với các giới đồng bào. Từng đơn vị Tỉnh, Thành hội thắt chặt mối quan hệ giữa Ban Trị sự Tỉnh, Thành  hội với chính quyền và Mặt trận địa phương để phối hợp giải quyết tốt chính sách tôn giáo của Nhà nước và Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, giải quyết những trường hợp còn vướng mắc cũng như đề đạt giải quyết các nguyện vọng chính đáng của Phật giáo tại các địa phương.

II. Thực hiện nhiệm vụ hoằng dương chính pháp, phối hợp với các hoạt động chuyên ngành Hoằng pháp, Hướng dẫn Phật tử, Văn hoá, Nghi lễ, nhằm xây dựng niềm tin chân chính và nếp sống đạo trong sáng cho Phật tử Việt Nam

1. Ban Hoằng pháp soạn thảo và thông qua Ban Thường trực Hội đồng Trị sự chương trình và nội dung Hoằng pháp sử dụng trong nhiệm kỳ IV.

Lên kế hoạch về việc đào tạo giảng viên hoằng pháp cho các Tỉnh, Thành hội. Mỗi Tỉnh, Thành hội tổ chức ít nhất là một khoá đào tạo giảng viên theo chương trình Trung ương Giáo hội đề ra, Trung ương Giáo hội sẽ yểm trợ các Tỉnh, Thành hội nào có điều kiện tổ chức trước. Các Tỉnh, Thành hội nào không có điều kiện sẽ tổ chức theo vùng.

2. Nghiên cứu và thực hiện kế hoạch bồi dưỡng giảng sinh dài hạn và ngắn hạn tại Văn phòng Trung ương Giáo hội tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

3. Tiếp tục nâng cao nội dung và phát triển chương trình thuyết giảng tại các giảng đường, các đạo tràng tu Bát Quan Trai, các lớp giáo lý... dành cho Phật tử.

4. Tổ chức hội thảo về các chuyên đề hoằng pháp, tổ chức thi giáo lý cho các Đạo tràng, ấn hành các tài liệu về nghiên cứu, diễn giảng và hội thảo của Ban Hoằng pháp Trung ương..

5. Có kế hoạch phân bố giảng sư, giảng sinh đến các vùng sâu vùng xa để thuyết giảng giáo lý và hướng dẫn việc tu học cho các Phật tử tại địa phương.

6. Quan tâm hướng dẫn các hoạt động nghi lễ được đơn giản, trang nghiêm đúng Chính pháp. Tôn trọng nghi lễ đúng Chính pháp của từng hệ phái. Hướng dẫn Tăng, Ni, Phật tử xa lánh các hoạt động mê tín dị đoan.

7. Nỗ lực Việt hoá các bài kinh, các nghi lễ và những nghi thức tụng  niệm hàng ngày, để mang tính Dân tộc và phổ cập trong quảng đại quần chúng.

8. Tổ chức và quy định các ngày lễ lớn trong năm của Phật giáo, trong đó có ngày kỷ niệm các bậc Tiền bối hữu công, Hòa thượng Thích Quảng Đức, và các chư vị Tăng, Ni, chư Phật tử vị pháp vong thân của  Phật giáo Việt Nam.

9. Tăng cường nhân sự và khả năng hoạt động của Ban Văn hoá. Xin phép Nhà nước cho thành lập nhà xuất bản chuyên trách để tạo điều kiện thuận tiện cho việc xuất bản, in ấn và phát hành kinh sách của Phật giáo cả nước. Đồng thời chọn lọc các đầu sách có giá trị và điều tiết việc phát hành theo yêu cầu của Tăng, Ni, Phật tử cho các vùng, các miền.

10. Hỗ trợ về mặt nội dung và hình thức tờ Tuần báo Giác Ngộ, Nguyệt san báo Giác Ngộ của Thành  hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh.

Đề nghị Nhà nước cho phép Trung ương Giáo hội có tờ báo làm tiếng nói chung của Giáo  hội. Tiếp tục xin chuyển Tập Văn của Ban Văn hoá Trung ương Giáo hội thành Tạp chí Văn hoá xuất bản định kỳ,

11. Khuyến khích các Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội hướng dẫn và triển khai  các hoạt động văn hoá, văn nghệ Phật giáo, tổ chức các hành hương Phật tích.

12. Phối hợp các Ban, Ngành có liên quan tổ chức các hội thảo khoa học về Phật học và văn hoá trong nước cũng như quốc tế.

13. Nỗ lực chuẩn bị các mặt để thành lập Nhà truyền thống Phật giáo Phật giáo hay Viện Bảo tàng Phật giáo hoặc Trung tâm văn hoá Phật giáo Việt Nam.

14. Quan tâm hướng dẫn và nâng cao chất lượng sinh hoạt của các đạo tràng. Sớm sơ kết rút kinh nghiệm và bổ sung việc hướng dẫn đối với sinh hoạt Gia đình Phật tử theo Thông tư 455 của Giáo  hội. Củng cố và tăng cường nhân sự và khả năng hoạt động cho Ban Hướng dẫn Phật tử. Xây dựng nội dung hướng dẫn Nam Nữ Phật tử mang tính giáo dục cao, thể hiện truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc tinh hoa của văn minh nhân loại và bổ ích thiết thực cho cuộc sống hiện tại, về sinh hoạt tín ngưỡng và các mặt đời sống tinh thần. Có kế hoạch thống kê tín đồ Phật tử trong nước và tiến hành thủ tục cấp thẻ tín đồ. Ban hành quy chế sinh hoạt gia đình Phật tử thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử.

III. Tiếp tục củng cố, xây dựng và phát triển hệ thống giáo dục, đào tạo một thế hệ Tăng, Ni trẻ đầy đủ đạo hạnh và năng lực, có trình độ Phật học và thế học cao, biết vận dụng chính pháp một cách “khế lý, khế cơ” trong sự nghiệp truyền trì mạng mạch Phật pháp, phụng sự chúng sinh và làm lợi ích xã hội

1. Tăng cường nhân sự và các điều kiện hoạt động của Ban Giáo dục Tăng, Ni. Tuyển chọn các Tăng, Ni sinh đã tốt nghiệp Cao cấp Phật học các khoá và Tăng, Ni sinh  du học nước ngoài đã tốt nghiệp tham gia Ban Giáo dục Tăng, Ni, Ban Giám hiệu và Ban Giảng huấn các trường Phật học trong cả nước.

2. Hỗ trợ các Tỉnh, Thành  hội có đủ điều kiện tiếp tục mở trường Cơ bản Phật học, trường Cao đẳng Phật học tại địa phương.

3. Soạn thảo thống nhất chương trình giảng dạy tại các Trường Cơ bản Phật học, Cao đẳng Phật học và Học viện Phật giáo Việt Nam. Tổ chức những lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ giảng viên, mở các khoá bồi dưỡng về công tác điều hành tổng quát cho các Ban Giám hiệu. Có kế hoạch bồi dưỡng và đào tạo nhân sự tại chỗ các Ban Giảng huấn của các Trường.

4. Tạo điều kiện giúp cho Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội làm lễ mãn khoá tốt nghiệp khoá II và chiêu sinh khoá III để đào tạo Tăng, Ni kế thừa. Tăng cường hiệu năng quản lý và giảng dạy có kết quả tốt đối với Học viện Phật giáo Việt Nam.

5. Thành lập Ban biên soạn giáo án cho các trường Phật học.

6. Tăng cường hiệu năng quản lý và giảng dạy có hệ thống đối với các lớp Cao cấp Phật học, Trung cấp Phật học và Sơ cấp Phật học Pali và vi Ni dành cho chư tăng Nam tông Khmer tại tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng và Kiên Giang...

7. Tổ chức các Đại giới đàn để truyền giới cho Tăng, Ni tu học hành đạo. Tổ chức các An cư kiết Hạ hàng năm để tấn tu Tam vô lậu học.

8. Biên soạn tài liệu huấn luyện Trụ trì, mở các cuộc hội thảo, các khoá bồi dưỡng nghiệp vụ Trụ trì tại các Tỉnh hội, Thành hội Phật giáo nhằm “tăng cường đạo lực, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo  hội”.

IV. Các hoạt động nghiên cứu Phật học và Học thuật Phật giáo

1. Giáo hội có kế hoạch hỗ trợ Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và Phân viện nghiên cứu Phật học Việt Nam phát triển công tác nghiên cứu Phật học. Có kế hoạch giúp Phân viện Nghiên cứu Phật học phát huy thế mạnh đặc trưng của Phân viện. Tăng cường nhân sự hoạt động và công tác cho Viện, tích cực hỗ trợ, vận động tài chính cho Viện và Phân viện. Lên kế hoạch mời cộng tác từ các cơ quan nghiên cứu Phật học quốc tế và các học giả trong và ngoài nước, phát huy được những năng lực còn tiềm tàng của các đội ngũ trí thức ở trong và nước để tăng cường nhân sự nghiên cứu cho Viện và Phân viện. Hoàn thành sơ thảo Bộ Lịch sử Phật giáo Việt Nam. Phối hợp cùng các Ban Ngành có liên quan tổ chức các cuộc hội thảo khoa học về Phật học và văn hoá trong và ngoài nước.

2. Về việc phiên dịch và ấn hành Đại Tạng Kinh Việt Nam, Viện có kế hoạch tăng cường nhân sự và khả năng hoạt động cho Hội đồng Chỉ đạo Phiên dịch. Làm tốt việc hiệu đính cho những bộ kinh đã được dịch.

3. Xin phép Nhà nước cho quan hệ với các tổ chức Quốc tế có thiện chí để hỗ trợ cho công việc ấn hành Đại Tạng Kinh về mặt học thuật cũng như về mặt tài chánh. Chuẩn bị nhân lực và vật lực để có một số điều kiện cơ bản cho việc phiên dịch những kinh chưa được dịch.

4. Tiếp tục có kế hoạch về vận động tài chính cho Phật sự quan trọng này.

5. Tổ chức phát hành và phổ biến tốt những Bộ kinh đã ấn hành đến các Tỉnh, Thành hội. Khuyến khích mỗi cơ sở Tự Viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường trực thuộc Giáo  hội trong cả nước nên có một Bộ Đại Tạng Kinh bằng tiếng Việt.

V. Đẩy mạnh các hoạt động Từ thiện xã hội, kinh tế tài chính từ Trung ương đến các đơn vị Phật giáo địa phương, cơ sở ngày càng đi vào hiện thực, với tổ chức quản lý điều hành chặt chẽ, có phương hướng xây dựng, giúp đỡ và khuyến khích phát triển lâu dài

1. Củng cố và phát triển hệ thống Tuệ Tĩnh đường và các phòng thuốc Y học Dân tộc đã có. Sơ kết rút kinh nghiệm tại các Tuệ Tĩnh đường kiểu mẫu như ở  thành phố Hồ Chí Minh, Huế nhằm nâng cao hiệu năng, đảm bảo tinh thần từ bi, vị tha của Phật giáo và tính khoa học của hoạt động Tuệ Tĩnh đường trong cả nước. Phối hợp với ngành y tế từ Trung ương đến địa phương để được giúp đỡ về mặt nghiệp vụ.

2. Hỗ trợ Thành  hội  Phật giáo  thành phố Hồ Chí Minh và các Tỉnh, Thành  hội có điều kiện phối hợp với ngành Từ thiện xã hội của Trung ương tiếp tục mở các lớp Lương y Tuệ Tĩnh đường thuộc các Tỉnh, Thành  hội Phật giáo.

3. Chú ý xây dựng và phát triển Tuệ Tĩnh đường hoặc các phòng thuốc Y học dân tộc tại những khu dân cư lao động, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

4. Khuyến khích Phật giáo địa phương tham gia vào công tác phát triển cộng đồng xã hội nông thôn, nhằm xây dựng một đời sống thiết thực hiện tại, như cung cấp những kiến thức cơ bản về y tế cộng đồng, văn hoá xã hội, xây dựng ý thức và tình cảm đoàn kết tương trợ cho Phật tử và cư dân ở những khu vực xa xôi hẻo lánh, góp phần nâng cao đời sống văn minh, văn hoá và sức khoẻ cho nhân dân trong vùng.

5. Ngành Từ thiện xã hội có đề án tổ chức các nhà nuôi trẻ mồ côi, khuyết tật, khuyến khích các Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội có điều kiện phối hợp thực hiện. Có kế hoạch đào tạo về chuyên môn cho các Tăng Ni phục vụ tại các cơ sở này.

6. Nghiên cứu tổ chức các mô hình “kinh tế nhà chùa” thích hợp theo từng vùng. Có kế hoạch làm thí điểm và mở các lớp dạy nghề cho Tăng, Ni, Phật tử tại một số nơi thuộc các Tỉnh, Thành hội Phật giáo.

7. Khuyến khích phát triển các hoạt động kinh tế của Giáo hội tại các đơn vị cơ sở theo đúng tinh thần của Tổ Bách Trượng” “Nhật nhật bất tác, nhất nhật bất thực”.

8. Xây dựng kế hoạch và tạo nguồn kinh phí cho Trung ương Giáo hội và các Tỉnh, Thành  hội. Chú ý các loại hình kinh tế phù hợp với truyền thống Phật giáo.

9. Cơ cấu nhân sự có khả năng chuyên môn về hoạt động kinh tế, để lo phát triển và tạo nguồn tài chính lâu dài cũng như kinh phí thường xuyên cho Giáo hội hoạt động.

VI. Phát huy tinh thần đoàn kết của Phật giáo Việt Nam đối với Phật giáo các nước trên thế giới, nhằm hợp tác hoằng dương chính pháp, trao đổi học thuật  Phật giáo, đồng thời góp phần xây dựng hòa bình ổn định và hợp tác cho khu vực châu Á, tăng cường mối quan hệ đồng đạo và hữu nghị giữa Phật giáo Việt Nam và Phật giáo quốc tế

1. Tiếp tục phát huy vai trò, khả năng đoàn kết của Phật giáo Việt Nam với các thành viên ABCP, các tổ chức quốc tế Phật giáo chân chính và Phật giáo các nước khác. Mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác về mục tiêu hoằng dương Chính pháp và an lạc cho khu vực giữa Phật giáo các nước trong khối ASEAN. Tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị với  Phật giáo  các nước châu Á và Tây Âu.

2. Phát triển hợp tác quốc tế trên lãnh vực học thuật Phật giáo và hoạt động từ thiện xã hội.

3. Tăng cường và mở rộng mối quan hệ đoàn kết hòa hợp vì tình đồng đạo, nghĩa đồng bào đối với Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam ở hải ngoại. Mở rộng mạng lưới cộng tác viên của Giáo  hội trong số chi hội tại các nước Tây Âu, Úc, Canada, Nhật Bản, Bắc Mỹ v.v...

4. Quan hệ với một số nước có nguồn gốc và tiềm lực Phật giáo, để tạo điều kiện giúp đỡ cho Tăng, Ni sinh du học nước ngoài.

5. Chú ý các mặt đón tiếp chu đáo các đoàn Phật giáo quốc tế, khách Quốc tế đến thăm hữu nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Có chương trình tổ chức đi tham quan hữu nghị các nước Phật giáo  trong vùng và trên thế giới.

B. BIỆN PHÁP THỰC HIỆN

1. Xây dựng và củng cố về tổ chức nhân sự: Đặc biệt chú trọng các Ban của Trung ương về mặt nhân sự và quy chế làm việc. Các Tỉnh, Thành  hội chọn cử các uỷ viên chuyên ngành có năng lực thực sự, chú ý xây dựng mạng lưới cộng tác viên cho vị uỷ viên chuyên ngành đó.

2. Trung ương và các Tỉnh, Thành hội hết sức chú ý đến việc xây dựng trách nhiệm đối với Đạo pháp và Dân tộc, trong hàng ngũ các vị giáo phẩm hoạt động tại các Ban, Ngành, Viện của Trung ương Giáo  hội và Ban Trị sự các Tỉnh, Thành  hội và trong hàng ngũ Tăng, Ni, Phật tử tại các cơ sở Tự, Viện.

3. Phát huy vai trò của Ban Thường trực Trung ương trong việc tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện chương trình hoạt động của Trung ương Giáo hội đã đề ra. Kịp thời biểu dương và tuyên dương công đức đối với các đơn vị hoặc cá nhân có những đóng góp xứng đáng cho từng Phật sự. Uốn nắn những sự trì hoãn, chậm trễ lệch hướng trong việc thực hiện các chương trình hoạt động đã đề ra.

4. Nắm vững và quán triệt nội dung Hiến chương Giáo hội và chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ IV của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Quy chế và Nội quy hoạt động của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, các Ban, Ngành, Viện và các Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội đã được tu chỉnh.

5. Từng bước triển khai chương trình, lên kế hoạch hoạt động từng quý, từng năm theo  từng vấn đề và nội dung cơ bản của mỗi công tác.

6. Luôn luôn chủ động nắm bắt tình hình để đáp ứng nhu cầu Phật sự trong từng thời điểm và chủ động giải quyết cụ thể những vấn đề đã đặt ra trong chương trình hoạt động.

7. Ban Thư ký và hai văn phòng Trung ương Giáo hội cần liên hệ chặt chẽ thường xuyên, để từ đó nắm vững tình hình Phật sự trên khắp cả nước cũng như đề xuất ý kiến giúp Trung ương Giáo  hội giải quyết các vấn đề cần thiết.

Kính bạch chư Tôn Giáo phẩm Hội đồng Chứng minh. Kính thưa Đoàn Chủ toạ Kính thưa Quý vị Khách quý Thưa toàn thể Đại hội,

Đất nước ta đã và đang thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng toàn diện Đất nước. Đó là thuận duyên để Giáo hội ta thực hiện những Phật sự trọng đại theo  chương trình hoạt động 6 điểm của nhiệm kỳ IV Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Mọi Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam ở trong nước cũng như ở nước ngoài cần tích cực đóng góp thiết thực để những Phật sự này được thành tựu viên mãn, góp phần thực hiện hữu hiệu phương châm hoạt động của Giáo hội:  “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, nỗ lực phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam một cách trang nghiêm và vững mạnh trong lòng Dân tộc.

Trích theo tài liệu: Giáo hội Phật giáo Việt Nam Từ Đại hội đến Đại hội (1981 - 2012) - Nhà xuất bản Tôn giáo 2012. Người thực hiện: Nguyễn Đại Đồng