Các danh thắng cổ xưa của Phật giáo Việt Nam, không thể không nhắc đến hai danh thắng cùng chung một danh tự, đó là “chùa Hương Tích” một ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, một ở huyện Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội. Cả hai chùa Hương Tích được gọi tên theo cách dân dã mang phong cách văn hóa Việt Nam là chùa Thơm.

Nhưng nổi tiếng và được nhiều người dân và du khách quốc tế biết đến là chùa Hương Tích hiện ở huyện Mỹ Đức, Thủ đô Hà Nội, là một khu tổ hợp quần thể văn hóa, tôn giáo quá đồ sộ và nổi tiếng bậc nhất ở Việt Nam. Chùa Hương Tích được xây dựng khoảng vào cuối thế kỷ XVII, mang dáng dấp cổ kính và linh thiêng, lại nằm ở vị thế đắc địa, cách kinh thành Thăng Long xưa (Thành phố Hà Nội ngày nay) không xa, đã thực sự trở thành nơi thu hút du khách trong và ngoài nước tới đây tham quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp tâm linh kỳ bí. Những điều trên đã làm cho chùa Hương Tích ở huyện Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội đặc biệt được du khách hết sức quan tâm, còn chùa Hương Tích trên núi Hồng Lĩnh ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh lại chưa được nổi tiếng bằng chùa Hương Tích ở huyện Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội, bởi đã từ lâu chưa được quan tâm trùng tu đại quy mô trong nhiều thế kỷ, kể từ khi có chùa Hương Tích “bản sao” ở huyện Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội, chùa Hương Tích ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đã đi vào quên lãng của giới nghiên cứu.

Chùa Hương Tích “bản gốc” ở Hà Tĩnh

Chùa Hương Tích ngự trên núi Hồng Lĩnh, nay thuộc xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, chùa Hương Tích nằm trên độ cao 650m so với mặt nước biển, với những thắng cảnh tuyệt đẹp, giữa rừng núi bạt ngàn, chùa Hương Tích ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh được ca ngợi: “Hoan Châu đệ nhất danh thắng” là ngôi chùa đứng đầu 21 danh lam thắng cảnh ở Nghệ An và Hà Tĩnh thuở xưa. Tương truyền chùa Hương Tích ở Hà Tĩnh, được khởi lập từ thế kỷ XIII dưới thời đại nhà Trần. Về sự tích kiến tạo chùa Hương Tích ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đang có nhiều ý kiến trái chiều, tuy nhiên, đa số học giả, nhà nghiên cứu đều cho rằng: “Chùa Hương Tích được kiến tạo vào năm ? thời vua Trần Anh Tông”, bởi có giả thuyết cho rằng: “Trong chuyến hành trình xuống phía Nam của Sơ tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông, khi ngài dừng chân nơi đây, nghe tin có vị sư già dựng một thảo am trong rừng sâu tu hành, hàng ngày vẫn đều đặn xuống dưới chân núi, thôn ấp xung quanh để khất thực. Nhân dân nơi đây rất ngưỡng mộ đạo hạnh của vị sư già ấy, nhưng cũng không ai biết tên tuổi của vị ấy, mỗi lần có việc gì bất trắc thì được vị sư già ấy giúp, ai gặp vị sư già ấy cũng đều hoan hỷ. Một điểm đặc biệt của vị ấy nữa là, lúc này xung quanh các dãy núi ngàn hóng rất nhiều cọp, beo, thứ dữ, rắn độc... mà vị sư già ấy, trừ ngày dông tố, mưa bão, còn lại vẫn đều đặn xuống các thôn làng phía dưới khất thực mà không bị các loài thú dữ tấn công, người dân dưới chân núi luôn xem vị sư già như Phật sống, hết lòng cung kính. Khi tham vấn tình hình đời sống nhân dân nơi đây, Sơ tổ Trúc Lâm thiền phái với ý định lên tận am để tham vấn đạo lý với vị sư già và Ngài Sơ tổ Trúc Lâm thiền phái rất ngạc nhiên, khi vị sư già đã viên tịch từ lúc nào không rõ, khắp người tỏa ra mùi hương chiên đàn, lại thấy phong cảnh u nhã, liền cho xây dựng một ngôi chùa và đặt tên là chùa Hương, nhân thấy dấu tích trên tảng đá ngồi thiền của vị sư già nên thêm vào chữ tích, từ đó, người dân quanh vùng quen gọi chùa Hương Tích”. Đó là những truyền thuyết được kết nối lại, đó đây vẫn còn nhiều khiếm khuyết, nhưng tác giả tìm hiểu từ nhiều nguồn tư liệu và căn cứ trên suy luận chứng tích thì truyền thuyết trên, không phải là không có căn cứ: “Nền gạch và hoa văn từ thời nhà Trần để lại với hoa văn hình rồng, ta có thể suy luận chùa là do vua hoặc hoàng gia xây, mới có hình rồng, vào thời nhà Trần vật liệu tinh hoa sắc sảo như vậy, nhân dân rất khó có; thời nhà Trần Phật giáo phát triển rất mạnh, Sơ tổ Trúc Lâm cũng có chuyến du hành xuống phía Nam; cách đây 30 năm lên chùa Hương Tích cũng rất vất vả, chứ chưa nói mang vật liệu lên để xây một ngôi chùa…”. Từ suy luận trên, chúng ta nhận thấy phần nào có lý, mang tính xác thực rất cao, vấn đề còn lại, phải chờ các nhà nghiên cứu chuyên sâu lịch sử tiếp tục khảo cứu làm rõ.

Còn hiện nay dân gian đang lưu truyền về truyền thuyết Quan Âm Diệu Thiện, truyền thuyết này bắt đầu từ thời đại nhà Hậu Lê: “Theo truyền thuyết, am Thánh Mẫu ngày nay là nơi Công chúa Diệu Thiện(1) tu hành và hóa Phật Quan Âm. Xung quanh chùa còn nhiều cảnh quan như: động Tiên Nữ, am Phun Mây, miếu Cô, suối Tiên... Tại chùa Hương Tích có tượng Thần Hổ đặt ở trên đường đi lên chính điện để người dân thờ cúng. Tượng được đặt ở phía bên phải, theo hướng đi lên khu vực chính điện. Hổ Thần được làm bằng bê tông, sơn màu vàng, ở tư thế đang nằm nghỉ ngơi”. Đây là dạng hỗn dung giữa văn hóa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian, trong đời sống người dân nơi đây, trên nền tảng dung hòa, tiếp biến giữa Phật giáo thời đại nhà Minh, ở Trung Hoa và Phật giáo nhà Hậu Lê ở Đại Việt.

Trong cuốn “Thiên Lộc huyện Phong Thủy cổ chí” của tác giả Lưu Công Đạo viết vào năm 1811 đã mô tả: “Trên đỉnh núi có bức thành đá, bên thành có 99 cái nền, cái nào cũng được ghép bằng đá mài đẽo trơn phẳng làm nền gọi là Trang Vương. Người ta lấy đá xây thành am. Trong am đặt tượng Quan Âm và một số tượng bằng đá. Bên phải am có chùa Phật, bên trái am có đền thờ đại vương Núi Hồng. Trong đền có tấm bia vua ban chữ thếp vàng. Một con suối xanh theo bậc đá đi lên, mỗi bước là một phong cảnh khác nhau. Lên cao trông khắp bốn phương, đúng là nơi danh thắng đệ nhất ở miền Hoan Châu”. Nếu căn cứ theo sử liệu thì tác giả dự đoán: “Tích công chúa Diệu Thiện” ở chùa Hương Tích ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh xuất hiện trong thời đại nhà Minh ở Trung Hoa, thời nhà Hậu Lê ở Việt Nam. Thời này, văn hóa tín ngưỡng nhà Minh xâm nhập mạnh vào Đại Việt. Thời đại nhà Lý - Trần, tư tưởng Phật giáo làm tư tưởng dân tộc, văn hóa Việt chính là đan xen văn hóa Phật giáo chiếm ưu thế tuyệt đối trong đời sống nhân dân, vua quan nhà Lý - Trần ra sức khuếch trương văn hóa Việt lẽ nào lại dựng chuyện công chúa bên Trung Quốc sang. Tuy nhiên đến thời đại nhà Hậu Lê thì lại khác, tuy đánh đuổi được nhà Minh khỏi nước ta, nhưng sự áp đặt văn hóa vẫn còn khá nặng nề, tích Quan Âm Diệu Thiện ngày nay đã được văn hóa Việt tiếp biến, nhưng đó đây vẫn còn có sự ảnh hưởng nhất định.

Chùa Hương Tích ở xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh là một tổ hợp quần thể bao gồm: “Am, đền, điện, miếu, chùa, cung, hang, động”. Trải qua nhiều lần tôn tạo nhưng sự tôn tạo đó chưa xứng tầm với một ngôi chùa có bề dày lịch sử như chùa Hương Tích. Bởi từ khi có chùa Hương Tích bản sao ở huyện Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội thì chùa Hương Tích bản gốc ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đã bị mất dần vị thế, các cung tần mỹ nữ, con nhà quyền quý, các quan lại địa phương không còn quan tâm, hộ trì chăm lo chùa Hương Tích ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh như thời trước khi xuất hiện chùa Hương Tích bản sao ở huyện Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội?

Một yếu tố nữa để chùa Hương Tích ở Hà Tĩnh chưa thu hút được du khách như chùa Hương Tích ở Hà Nội vì chùa Hương Tích nằm ở gần trung tâm chính trị, kinh tế của cả nước, ngược lại chùa Hương Tích bản gốc lại nằm ở nơi xa, ít người biết đến, đặc biệt là du khách ngoại quốc. Không những thế, cho đến sử sách cũng ít có tài liệu viết về chùa Hương Tích bản gốc ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, cuốn sách “108 danh lam cổ tự Việt Nam” của nhà nghiên cứu Võ Văn Tường, nhà xuất bản Thuận Hóa, phát hành tại Huế vào năm 2007. Cũng chỉ giới thiệu tóm tắt về chùa Hương Tích bản sao ở huyện Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội, chứ không đề cập một dòng nào về chùa Hương Tích bản gốc ở trên dãy núi Hồng Lĩnh, thuộc xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Điều đó cho thấy giới nghiên cứu Phật giáo nói riêng, giới nghiên cứu Thắng cảnh Việt Nam chưa quan tâm, chú ý đến chùa Hương Tích bản gốc ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đã có lịch sử hơn 7 thế kỷ là một điều đáng tiếc…

Mãi cho đến năm 2006, sau nhiều năm trăn trở, với tâm nguyện ước muốn khôi phục lại “Hoan châu đệ nhất danh thắng” Đại đức Thích Quảng Nguyên trụ trì chùa Hương Tích ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đã khởi xướng lộ trình đại trùng tu toàn cảnh khu di tích, danh thắng chùa Hương Tích ở trên dãy núi Hồng Lĩnh, xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, với các hạng mục được quy hoạch bài bản mang tầm khu vực với các công trình: chùa, tháp, đền, đài... Quần thể khu di tích, danh thắng chùa Hương Tích ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh được thể chia 3 khu vực chính gồm Thượng điện, đền Thiên Vương và am Thánh Mẫu. Hiện nay, chùa Hương Tích ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh vẫn còn lưu giữ được nhiều hạng mục tự nhiên lẫn nhân tạo một cách hài hòa. Để tạo thuận lợi cho du khách hành hương tham quan khu di tích thắng cảnh chùa Hương Tích ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, Đại đức Thích Quảng Nguyên, ban quản lý khu di tích, thắng cảnh chùa Hương Tích đã thiết lập, kiến tạo được con đường bê tông để du khách có thể đi xe diện lên chùa, có tuyến cáp treo, đi thuyền và giữ nguyên con đường mòn để du khách bộ hành như xưa đáp ứng sở thích của nhiều nhóm du khách thập phương. Du khách thập phương có thể tham quan các danh tích thuộc khu quần thể chùa Hương Tích như: “Bảo Tháp, Thượng điện, đền Trang Vương, động Quán Âm, động Tiên Nữ, am Phun Mây, miếu Cô, suối Tiên Tắm, khe Quỷ Khóc”. Tin chắc rằng, sau khi trùng tu các công trình xuống cấp ở chùa Hương Tính ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh được hoàn thành, thì du khách sẽ được tham quan một trong những khu quần thể thắng cảnh đẹp nhất vùng xứ Nghệ Tĩnh ngày nay.

Lời kết:

Theo sách Hương Sơn Thiên Trù thiền phả, chùa Hương ở huyện Mỹ Đức được khởi dựng vào năm Bính Dần 1686, đời vua Lê Hy Tông, niên hiệu Chính Hòa 7. Bia đá nơi chùa Thiên Trù được khắc vào niên điểm đó, nội dung cũng thế. Số là thuở nọ, đông đảo phi tần mỹ nữ của vua Lê và chúa Trịnh có gốc gác Thanh Nghệ Tĩnh nên họ chuộng vào miền Trung dự lễ chùa Hương Tích trên núi Ngàn Hống (ngày nay gọi là núi Hồng Lĩnh, nhất là dịp trẩy hội ngày 18 tháng 2 Âm lịch. Dẫu bố trí quân sĩ bảo vệ hành trình cho các cung tần, mỹ nữ, nhưng trên đường đi và về nhiều lần bị đạo tặc bắt, nên chúa Trịnh Căn (1633 - 1709) chẳng an tâm, bèn lệnh cho các địa phương gần kinh thành Thăng Long tìm nơi giống với chùa Hương Tích ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tỉnh để dựng một ngôi chùa bản sao. Hòa thượng Trần Đạo - Viên Quang là một vị cao Tăng, danh tiếng gần xa nghe biết, đã được thỉnh vào cung để chúa Trịnh tham vấn, sau khi xem xét bản vẽ và nghe trình bày của bộ Lễ về quy mô và mặt bằng kiến trúc của chùa Hương Tích ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Hòa thượng Trần Đạo – Viên Quang đã cười bảo bảo với chúa Trịnh rằng:

Chẳng cần tìm nữa, chỗ ở của Bần Tăng chỉ hơn chứ không kém chùa Hương Tích trong xứ Thanh Nghệ ấy. Chúa Trịnh phấn khởi, cho triệu phụ nội vụ có nhiệm vụ chuẩn bị mọi thứ và ngân lượng, chúa Trịnh cung thỉnh Hòa thượng Trần Đạo – Viên Quang chủ trì và giám sát thực hiện chùa Hương Tích “bản sao” vào năm Bính Dần 1686. Sự thật, trước đó, trong thung mơ, là khu chùa Hương Tích ở huyện Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội ngày nay, cũng đã xuất hiện một số vị cao Tăng lập thảo am để ẩn tu.

Những thông tin trên nhằm xác thực việc: “Chùa Hương Tích ở trên núi Hồng Lĩnh, xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh là bản gốc; chùa Hương Tích ở trên núi, thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội là bản sao”. Chùa Hương Tích bản gốc tại huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh cần được sự quan tâm của các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các cơ quan ban ngành và chính quyền tỉnh Hà Tĩnh quan tâm hơn nữa để đầu tư, khai thác các tiềm năng về tâm linh, cũng như du lịch, kinh tế xã hội, để chùa Hương Tích bản gốc xứng tầm với vai trò và vị thế vốn có của một ngôi chùa với những giá trị vô song cả về lịch sử và văn hóa.

Tác giả: Ths. Thích Giác Minh Hữu - Chùa Khánh Ngọc, xã Khánh Vĩnh Yên, Can Lộc, Hà Tĩnh Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 7/2020 -------------------

CHÚ THÍCH: 1. Thích Thiện Siêu, (2003), Hư Tâm Học Đạo, Nxb Tôn Giáo - Hà Nội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Ngô Sĩ Liên (1479) Đại Việt Sử ký toàn thư bản. 2. Lưu Công Đạo (1811) Thiên Lộc huyện Phong Thủy cổ chí” 2. Thích Thiện Siêu (2003) Hư Tâm Học Đạo, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội. 3. Nguyễn Lang (2009) Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Tập 2, Nxb Văn Học, Hà Nội. 4. Bảo Minh (2019) Cảnh chen lấn sờ (Hổ Thần) để mong trị bệnh tại chùa Hương Tích Hà Tĩnh. Đăng trên: “https://phatgiao.org.vn.” 5. Sơn Nguyễn (2014) Chùa Hương Hà Tĩnh Hoan Châu Đệ nhất danh lam” đăng trên: “http://giadinh.net.vn” 6. Hạnh Nguyên (2020) Lần theo ‘dấu Thơm’ ở chùa Hương Hà Tĩnh, đăng trên: “https://nguoiphattu.com.”