Thế nhưng, dù loài người chúng ta đã tự hữu (đâu từ tiên thiên vô thủy) hai cái đức nói trên – đức tin và đức tình yêu – với mỗi đức một năng lực dời non lấp biển rất phi thường, nhưng…

Thực tế cho thấy rằng, mặc dù có công năng vĩ đại phi thường, “hai vị thần linh” có tên gọi là đức tin và tình yêu cũng không phải chỉ đem lại thuần phúc lợi cho loài người.

Một đức tin chính đáng, khế hợp với chân lý, chắc chắn đã, đang và sẽ đem lại phúc lợi lớn lao cho loài người thực: nhưng đó là nói về trường hợp – của một đức tin chính đáng (nghĩa là khế hợp với chân lý, như dòng trên đã nói) ngược lại, với một đức tin không chính đáng, nghĩa là không khế hợp với chân lý thì… Ô hô ai tai! Phúc lợi đâu không thấy chỉ thấy toàn những tai ách đoạn trường.

Từ những những ngàn năm, từ khi loài người có văn hóa cho đến nay, chính những đức tin không chính đáng, đi ngược lại với chân lý, đã là chính gây ra hàng hà sa số những cảnh thống khổ cho cuộc nhân sinh. Đến nỗi bậc thức giả trước những điều trông thấy đã phải chép miệng mà than. Ôi đức tin như vậy thì chẳng thà chẳng có đức tin!

Quả đúng như vậy, bởi ngoài những điều hay tốt, ít ra là tốt một cách tất yếu, cái gọi là đức tin cũng đồng thời đã gây ra vô vàn những cảnh “núi xương sông máu” lại cả những cảnh “nhai xương uống máu” man rợ dị thường, cơ hồ như đó chỉ có thể là tác phẩm của ác quỷ ma vương. Nguyên do vì sao? Là vì có đức tin mà thiếu trí tuệ vậy, tình yêu mà thiếu trí tuệ vậy.

Thiếu trí tuệ là vì không khế hợp được với chân lý, với thực tướng của lẽ uyên nguyên, Đấng Chí Tôn trong vũ trụ thì vô hình vô ảnh, không dễ gì mà mắt phàm thấy được; để nhận biết nó, mà chân lý, mà thực tướng của lẽ uyên nguyên.

Như trên đã nói: Đấng Chí Tôn trong vũ trụ thì vô hình vô ảnh, không dễ gì mắt phàm thấy được. Để nhận biết nó, Lẽ Uyên Nguyên ấy, Đấng Tạo Hóa ấy, Người Thợ Lớn ấy, người đời họa chăng chỉ có hai cách:

Cách thứ nhất, là nghe một người trung gian khác nói. Nếu người trung gian nói với chúng ta rằng Đấng Thợ Lớn mang hình hài ví dụ, của một… con voi, thì chúng ta, những tín đồ sùng kính bèn thậm tín Ngài là một con voi.

Nếu người trung gian tuyên bố Ngài mang hình hài một con bò, thì chúng ta bèn vẹn tín Ngài là một con bò, cứ thế.

Nghĩa là, chúng ta, loài người, chỉ được thấy qua cái thấy của một người khác. Không hề, không thể mở thần nhãn, pháp nhãn, tuệ nhãn, thánh nhãn của chính mình để nhìn Đấng Thực Tướng bằng đôi – mắt – của – chính – mình.

Mà như vậy – mà theo cung cách đó – thì hỏi làm sao đức tin của chúng ta khế hợp vẹn vẻ vuông tròn cùng chân lý được? Mà như vậy, thử hỏi làm cách nào mà để trái tim chúng ta đập đúng nhịp của tình yêu được? Mà một khi đức tin nào đó đã chưa khế hợp trọn vẹn với chân lý thì dứt khoát nó không phát huy được phần tác dụng thiện, phần tác dụng bao hàm tính chất tự lợi tự tha: Chẳng những thế mà, trái lại, còn phát huy phần tác dụng xấu với hậu quả hại người lại hại cả mình.

Biết hậu quả là như vậy, nhưng – lại chữ nhưng – làm cách nào để tệ trạng đừng xảy ra, thôi xảy ra? Làm thế nào để khế hợp trọn vẹn đức tin với chân lý, khế hợp với thành ý, thiện chí với tuệ tâm?

Tóm lại, khế hợp Thiện với Chân – để cho Thiện và Chân, Tâm và Trí, Cha và Con có thể mặt nhìn mặt, tay cầm tay, hòa hợp thành Một, hợp hòa Chân Thiện Mỹ thành Một?

Thông thường khi nói đến đức tin, là người ta nói đến một mối quan hệ giữa Bề Trên và Kẻ Dưới, Hóa Công và Tạo Vật dành cho Tạo Hóa.

Vấn đề nằm ở chỗ là đức tin phải có phẩm chất như thế nào để người sở hữu nó có thể nương vào nó mà thăng hoa, mà thành tựu, mà “nên người” “nên thánh”.

Ai cũng có thể biết một đức tin chỉ có nghĩa, chỉ có ích khi nào có khế hợp hòa hài với chân lý, công lý và đạo lý.

Tin vào một cái gì không đúng (với chân lý, công lý, đạo lý, thiên lý với mọi thứ lý…) ấy chỉ là một niềm tin mù quáng, mê muội. Niềm tin mù quáng mê muội ấy có thể ví như một kiếm sĩ lỗi lạc có đường kiếm vô địch, nhưng bản thân lại bị… mù. Các bạn có thể tưởng tượng một trường hợp như thế sẽ đưa đến hậu quả ra sao?

Tóm lại niềm tin, đức tin là một năng lực tinh thần rất to lớn của con người, nhưng bản thân nó chỉ là năng lực thuần túy thôi! Muốn năng lực ấy trở nên hữu ích – cho mình, cho người – chúng ta cần hướng đạo nó, soi sáng nó bằng trí tuệ. Vậy một đôi mắt mù như trên đã nói, nó chẳng giúp ích được gì mà còn gây bao điều tai hại cho những người vô can, vô tội – lại cả chính mình -.

Thêm một lần tóm lại: niềm tin, đức tin cần được soi sáng bằng trí tuệ.

Nói thì dễ. Nhưng… làm thì khó. Là bởi vì, để cho cái niềm tin, cái đức tin – năng lực vô giá của tinh thần con người trở nên hữu hiệu, hữu ích, chúng ta cần khế hợp nó với trí tuệ. Ai chẳng biết thế. Nhưng để thực hiện điều đó, ta phải làm như thế nào? Thiết nghĩ, điều quyết định là phương pháp vậy.

Để đức tin khế hợp với chân lý, chúng ta cần phải vận dụng trí tuệ để gạn đục khơi trong nó. Trước tiên, về mặt định nghĩa, chúng ta hiểu rằng đức tin là một trạng thái đinh ninh quyết chắc của con người đối với một đối tượng nào đó. Dĩ nhiên không nói thì ai cũng biết rằng, khi nói đến mọi niềm đinh ninh quyết chắc đối với một đối tượng, là chỉ khoanh phạm vi về những phần cao thượng, tốt đẹp, hoàn hảo rất đáng trông cậy, tôn thờ kính yêu của đối tượng ấy!

Chẳng ai lại đặt đức tin nơi những điều độc ác bại hoại bao giờ!

Lại nữa, đặc điểm nổi bậc của cái gọi là đức tin, ấy là nó luôn luôn là một đặc sản của Kẻ Dưới dành cho Bề Trên. Ví dụ Con dành cho Cha, Tôi dành cho Chúa, Tạo Vật dành cho Tạo Hóa…

Về quan niệm thế tục, ví dụ như cha con, chúa tôi, thầy trò, ở đây không nói tới mà chỉ hỏi về mối quan hệ cốt cán nhất – mối quan hệ siêu hình – tức là, cụ thể, mối quan hệ giữa Con Người – và Nguồn Gốc Tạo Sinh, ví dụ như là Thượng Đế.

Con người có khuynh hướng dành đức tin cho Đức Chí Tôn, Đức Thế Tôn của họ. Và họ - con người – nỗ lực ăn ở thế nào cho đúng ý chí Đấng mà họ tôn thờ, cho đúng lời dạy, cho đúng gương mẫu, hình dáng của Đấng mà họ tôn thờ.

Con nào mà lại chẳng giống Cha. Vật Tạo Sinh nào mà chẳng giống (y khuôn) Đấng Sáng Tạo.

Điều chướng ngại có lẽ là ở chỗ, phạm vi thế tục, con có thể dễ dàng học tập “để rập y khuôn” với khuôn mẫu của cha được là vì kẻ gọi là con đó có thể có điều kiện thuận lợi để “mặt giáp mặt tay cầm tay” với cha mình. Nhưng trong phạm vi tâm linh, việc giáp mặt tay cầm tay ấy hầu như là bất khả.

Ngay trong phạm vi thế tục, kẻ - bầy - tôi mà muốn diện kiến tôn nhan của bậc đế vương đã là điều khó, huống hồ kẻ - chúng - sinh, dễ mấy ai mà được diện kiến “Đấng Sinh Thành”.

Có thể nói rằng suốt trong chiều dài lịch sử kể từ khi có cái sinh vật con người trên hành tinh, tuyệt đại đa số nhân loại chả mấy ai được nhìn tận mắt Đấng Sinh Thành là Thượng Đế. Lý do?

Một là Thượng Đế không có thực. Thượng Đế chỉ là huyền thoại, là truyền thuyết;

Hai là vì Thượng Đế tuy có thực nhưng vì một lẽ nào đó (và dĩ nhiên là một lẽ rất tốt, rất thành nhân chi mỹ) Ngài đã đặt ra chủ trương là không cho loài người, con cái của Ngài, được “gặp mặt”;

Ba là vì Thượng Đế tuy có thực nhưng vì Ngài tự thân là không có cá thể, không có hình dung, nên loài người bằng thịt bằng xương không thể lấy con mắt phàm (nhục nhãn) mà thấy được. Vì Thượng Đế là Siêu Hình, là Cái Lý: nên muốn thấy Ngài, con cái của Ngài là con người phải mở pháp nhãn, tuệ nhãn mới thấy được.

Còn nữa…

(tiếp theo Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 163) Trích sách “Con đường hạnh phúc” Tác giả: Huỳnh Uy Dũng Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 9/2020