Kinh sách của thuyết duy linh có nói Thượng Đế tạo ra con người hình dạng của Ngài. Câu này mang ý nghĩa rất sâu xa. Vì Thượng Đế là bao trùm, là vô sở bất tại, nên có lẽ Ngài không thể cũng như không phải mang một hình hài bằng xương bằng thịt lình cà lình kình như “thân phận” con người.
Ngài cũng chả cần miệng để nói linh tinh các cái ngôn ngữ hạn hẹp của con người, cũng như không cần miệng để “nhai” những món ăn tạp nham của con người (vì trên thiên đình, chắc chắn các vị Thánh Thần họ phải thưởng thức những cao lương mỹ vị) đẳng cấp gấp bội bội tỷ tỷ các cái thứ cao lương mỹ vị thế tục loanh quanh ngũ vị tục lụy trên “mâm đời” của chúng sinh.
Tất một lời, Thượng Đế, Ngài chả cần bất cứ thứ gì nơi cơ thể con người để “thưởng thức” bất cứ trò vui nào mà thân phận con người cũng mãi mê cũng như đang khát khao thụ hưởng, những khoái lạc của bậc Hóa Công hiển nhiên phải “trên cả tuyệt vời” gấp bội bội tỷ tỷ những khoái lạc của loài người tội nghiệp chúng ta! Sự thực ấy, bất cứ ai trong chúng ta, chỉ cần vận dụng một chút lương tri, hiển nhiên cũng sẽ cùng chia sẻ, cùng cảm nhận. Vậy thì… làm sao để con người “làm theo ý Thượng Đế?” sống và tinh tiến nhau theo mẫu mực của Thượng Đế - Đấng Cha Lành.
Cũng khó mà cũng dễ, là bởi vì: để đoán biết về người tạo tác. Xin cứ nhậm nghiệm xét tới tác phẩm: để đoán biết về người cha (khuất bóng) hãy nghiệm xét với người con. Là vì tác phẩm là hình bóng của người tạo tác, người con là hình bóng của người cha. Do thế, xem tác phẩm là có thể “thấy” người tạo tác, xem người con có thể “thấy” người cha.
Tác phẩm trong sáng thì tạo tác ắt phải trong sáng. Người con trí tuệ hiền lành, ắt người cha cũng thế. Có đúng không nào? Có hợp lý (logic) không nào?
“Phương pháp” là ở đó. Mấu chốt là ở đó. Mà con người thì thế nào? Để hình dung được về Thượng Đế vắng mặt, hãy “nhìn” Ngài qua con người – tác phẩm trung thực của Ngài – chắc chắn là sẽ “thấy”.
Thử trở lại với câu - hỏi - trả - lời vừa nêu: Con người – hình ảnh của Thượng Đế, kinh sách nói đấy nhé! Thì như thế nào? Con người là cây sậy, là cây sậy biết tư tưởng. Triết gia Pascal nói thế, định nghĩa về con người như thế.
Con người là cây sậy thì đúng quá chứ còn gì. Sợ chưa bằng cây sậy nữa ấy chứ (vì cây sậy coi vậy chứ còn khỏe hơn, dẻo dai hơn, chịu đựng hơn con người).
Mệnh đề thứ nhất thì “xuôi” quá “ngọt” quá đi rồi. Qua mệnh đề hai: nhưng là cây sậy biết tư tưởng. Có đúng không? Có phải là – ít ra là ở trên hành tinh này – con người là sinh vật duy nhất biết tư tưởng (các sinh vật khác dù có tư tưởng đi chăng nữa, có vẻ cũng không “trình độ” không “hệ thống” bằng con người). Nếu chúng ta nhất trí với câu Pascal thì, với đặc tính biết tư tưởng, con người quả là một sản phẩm tuyệt vời của tạo hóa, một sản phẩm đầy tiềm năng trí tuệ, và do đó, nó (con người) nghiễm nhiên dư sức để phản ánh, để bảo chứng cho Người Thợ - một Hóa Công - trong cái sự vụ công trình hiện hữu của cái gọi là sinh-vật-người này.
Chỉ mỗi với một yếu tố “sinh vật tư tưởng” – tiền đề của tất cả… Chân… Thiện… Mỹ… Con người trong vị trí một sản phẩm, vị trí một đứa con, đã bảo chứng tuyệt vời cho Đấng Sinh Thành ra nó (rằng Ngài là hiện thân của Trí Tuệ Viên Toàn).
Bên cạnh câu định nghĩa của Pascal, còn vô số những câu khác mặc nhiên góp phần hoàn chỉnh cho bức chân dung của Đấng Vô Hình vắng mặt. Một điều kỳ thú là những câu đó có thể hoặc không nói trực tiếp về “Ngài” Đấng Sáng Tạo, Đấng Cha Lành. Có thể, đó chỉ là những lời miêu tả, những lời khẳng định chính xác về con người, nghĩa là về “tạo vật” về “đứa con” thôi. Nhưng đương nhiên, tả con cũng là cách tả cha, tả tạo vật cũng là một cách tả Đấng Tạo Hóa. Bởi vì đây là điều quy luật mang tính thiên kinh địa nghĩa: con chẳng phải là cha đó sao? Nếu con thế nào thì cha thế ấy. Cũng có nghĩa là: nếu con thế nào thì cha thế ấy. Miêu tả cha chính xác, vô hình trung cũng là miêu tả con chính xác. Mà miêu tả con chính xác, cũng là miêu tả cha chính xác. Đó là quy luật, là định luật.
Huống là Cha – Đức Cha Tâm Linh – lại vừa siêu hình, vừa vắng mặt, siêu hình là vì Ngài cũng có sẵn sắc thân, hình thể. Ngài là tinh thần. Để thấy Ngài, người ta chỉ có thể dùng đôi mắt tâm linh thần nhãn, pháp nhãn, tuệ nhãn. Và Ngài chẳng thường xuyên ứng hiện ra hình thể. Đã mấy ai trong trần thế đã được, bằng mắt thịt thấy Ngài. Chỉ là một ai đó nói có thấy Ngài thôi, và miêu tả, tường thuật lại, vả chăng, hẩm hiu lắm, suốt một chiều dài lịch sử, bao thế hệ người sinh ra rồi thác đi, tỷ tỷ người như thế, mà chỉ được vài người đếm dấu ngón tay tuyên ngôn rằng thấy được Ngài. Rằng Ngài như thế này, thế nọ.
Tất nhiên những lời miêu tả về Ngài cũng khiến cho hàng tỷ người tin, có điều, một niềm tin ấy dẫu mãnh liệt đến đâu, chắc chắn cũng không vẹn vẻ bằng chính mắt mình được thấy. Có phải thế không nào? Ngược lại một hình ảnh của Đấng Cha qua hiện thực của đứa con, hẳn là đúng trăm ngàn lần thuyết phục.
Mà đứa con, mà tạo vật mà sản phẩm thì chẳng là ai khác, trừu tượng vô can, mà là chính chúng ta đây. Cho nên, rất dễ để mà kiểm chứng, mà đối chiếu.
Kinh sách có nói con người tiên thiên sẵn ba điều tự hữu. Ba điều tự hữu đó là: lương tri, lương tâm, lương năng.
Lương tri là cái năng lực tinh thần tự nhiên sẵn có nó giúp con người phân biệt điều đúng, điều sai, điều lành điều dữ, điều hay điều dở, điều đẹp điều xấu.
Lương tâm là cái năng lực tinh thần tự nhiên mà có trong mỗi mỗi sinh vật người, chức năng của nó là làm cho người-trong-cuộc thấy trong lòng vui vì những cảm xúc tự hào khi làm được điều đúng, điều lành, điều đẹp, và ngược lại, ngược lại nghe trong lòng nặng nề bức bối vì những nỗi ăn năn hổ thẹn khi lỡ làm điều gì mà lương tri cho là sai, là dữ là xấu. Và cuối cùng, ương năng: ấy là cái động lực tự nhiên nó thôi thúc con người ham làm những gì mà lương tri cho là tốt đẹp.
Tất cả những yếu tố tự hữu trong mỗi người bình thường ấy, gọi chung là thiên lương.
(Tiếp theo Tạp chí NCPH số 164) Trích sách “Con đường hạnh phúc”. Tác giả: Huỳnh Uy Dũng Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 1/2021
Bình luận (0)