Thiên lương là thuyết do một hiền triết nói lên. Vấn đề là ở chỗ, hành văn mà đối chiếu với tự thân, mà chiêm nghiệm bằng tự thân, thì cảm nhận rằng nó… đúng. Dẫu rằng sự “cảm nhận đúng” ấy không hoàn toàn giống nhau ở mực cấp độ (và đó là điều tất nhiên): Song nói chung thì như trên đã nói, hầu như mọi người kinh qua ấn chứng điều thừa nhận, rằng: Ai nấy, là con người, đều cảm nghe trong nội tâm mình sự hiền diệu của thiên lương và lương năng đó. Mà một khi trong các Con đã hiện hữu cái gọi là Thiên Lương đó, tất nhiên điều đó không thể không chứng minh một cách hùng hồn nhất rằng Bậc Sinh Thành của họ ắt cũng, ắt càng vẹn vẻ Thiên Lương. Sản phẩm mà Thiên Lương. Người Thợ Cả làm sao không Thiên Lương được.
Con là hiện thân của Thiên Lương, Cha ắt cũng chính là Thiên Lương. Lại Nho giáo nói: Nhân chi sơ, tính bản thiện. Tính tương cận, tập tương viễn. Câu nói đó miêu tả con người một cách chính xác tài tình: Và vì vậy cũng thể hiện chính xác hình ảnh Đấng Sinh Thành vắng bóng.
Rằng: nếu có Thượng Đế, ắt Ngài phải là bậc Toàn Thiện, Toàn Chân. Ngài đã, đang và mãi mãi toàn chân như thế! Riêng con cái của Ngài, có thể sẽ tập tương viễn một lúc nào đó, một chặng nào đó trên bước hành trình về quê cha đất tổ. Song, cuối cùng thì…
Kết luận, như trên đã từng nói: nhìn con thì biết cha. Loài người đã được cấu tạo với những phẩm chất lương hảo, thể hiện những đức tính từ bi bác ái, khoan dung độ lượng, dũng cảm vô úy, tinh tấn hướng thiện – những đức tính tự hữu nó khiến cho con người biết ăn ở đẹp, kính tổ tiên, yêu hậu duệ, hiếu với cha mẹ, trung cùng đất nước...
Tóm lại, là những cá thể tuyệt vời luôn hướng về Chân Thiện Mỹ.
Qua một kiệt sản phẩm như thế, có thể không cần thông minh lắm cũng có thể hình dung ra một Đấng Hóa Công viên tuệ toàn thiện đến như thế nào, Đấng Hóa Công ấy ắt có sinh ra loài người hẳn phải có duyên cớ Đấng Nhân Đức, chứ chẳng ngẫu hứng nặn chúng ra để đầy đọa cho vui. Dựa vào những điều trên, ta có thể xác tin cõi này hoàn toàn không phải là một cái bẩy (để gài sụp bẩy nạn nhân con người) mà chỉ có thể là đòn bẩy để thúc đẩy con người ngày mỗi tinh tấn thăng hoa – để thành thánh, để “trở về ngôi cũ” vậy.
Lại nữa, ví sử như nguồn cội của loài người có không phải là do một Đấng Hóa Công đi nữa mà chỉ do uyên nguyên từ hạt bụi mà hình thành nên. Thì với tất cả phẩm chất tuyệt vời của mình – con người – con đẻ của cái hạt bụi vừa nói ấy cũng thừa tư cách để truy phong cho “ông bố xuất thân hèn hạ” của mình để từ thân phận một “hạt bụi hạt bụi” sớm “ngư hóa long” thành một “hạt bụi tánh linh”.
Vì nếu không phải là một “hạt bụi thần thánh”, “hạt bụi tính linh”, thử hỏi làm sao có thể tạo dựng nên một con người. Một tác phẩm nội hàm Chân Thiện Mỹ.
Phải chăng với những nhận thức kể trên chúng ta dẫu chẳng nói gì về con đường hạnh phúc mà con đường hạnh phúc lại dường như đã ló dạng trước mắt chúng ta rồi?
Huỳnh Uy Dũng Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 3/2021 Tiếp theo và hết
Bình luận (0)