ThS. Đỗ Cao Phúc Giảng viên Khoa Sư phạm Khoa học xã hội, Đại học Sài Gòn. Tham luận tại hội thảo về chủ đề: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước” vào ngày 04-11-2021 tại Tp.HCM
Dẫn nhập Trong lịch sử, tầng lớp cư sĩ ở Nam bộ góp phần công cuộc truyền bá Phật giáo ở miền Nam. Vốn có nền tảng kiến thức, sự thông minh, uyên thâm, tài năng, đạo đức, họ đã vận động thành lập tổ chức Phật học đường để phục vụ hoằng pháp ở Nam bộ trong giai đoạn 1950 đến 1954. Ở Sài Gòn - Chợ Lớn, một tổ chức Phật học có tên Nam Việt (1950) ra đời là kết quả quá trình tuyên truyền, kêu gọi, giải thích của giới cư sĩ đối với mọi tầng lớp. Do xác định đúng mục đích, Hội đã thu nạp, phát triển nhiều chi nhánh ở Nam bộ để từ đó góp một phần công lao chặng đường hình thành Phật giáo Nam bộ.
I. TÌM HIỂU VỀ TẦNG LỚP CƯ SĨ Ở NAM BỘ
Theo Từ điển Phật giáo cho rằng: “Cư sĩ (居士; S: gṛhapati, P:gahapati, dịch âm Hán Việt là Ca-la-việt). Danh từ này có hai nghĩa: người dòng họ giàu sang; người tại gia mộ đạo. Danh từ Cư sĩ được hiểu dưới nghĩa thứ hai và đồng nghĩa với Cận sự nam (近事男; s, p: upāsaka), Cận sự nữ (近事女; s, p: u-pāsikā). Cư sĩ là một danh từ chỉ người theo đạo Phật nhưng vẫn giữ đời sống thế gian, đã quy y Tam bảo và giữ năm giới. Tại Trung Quốc có giáo hội của cư sĩ, các vị này lấy việc giữ năm giới làm nền tảng chung. Nếu vì lý do gì mà một hay nhiều giới bị vi phạm thì cư sĩ có quyền chỉ nguyện giữ những giới kia. Có người cho đốt ba hay nhiều chấm vào cánh tay để xác nhận mình là cư sĩ. Có nhiều cư sĩ nguyện giữ cả giới Bồ-tát”1.
Theo Cổng thông tin Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam: “Cư sĩ Phật giáo là những Phật tử tại gia nhưng tâm lại xuất gia, là những bậc có học, có kiến thức Phật pháp, có đầy đủ giới đức, có thể giảng kinh, thuyết pháp với hàng Phật tử tại gia khác, kể cả các hàng xuất gia”2. Viện ngôn ngữ học khẳng định: “Cư sĩ là người tu đạo Phật tại nhà mình”3.
Xét dưới một góc độ khác, cư sĩ thường là một người có trình độ học vấn, sống có đạo đức, có lí tưởng, bổn phận của cá nhân đối với gia đình và đất nước; có ý chí và nghị lực trong việc học đạo, học đời. Nói chung, cư sĩ cũng có thể là một người có khuynh hướng về một tôn giáo hoặc không chịu ảnh hưởng của tôn giáo nào cả.
Để trở thành cư sĩ Phật giáo, thì họ phải có nguyện vọng theo Phật giáo, cần sự quy y Tam bảo (Phật: mục tiêu của lý tưởng của đạo Phật; Pháp: cách thức, phương tiện đến mục tiêu; Tăng: người dẫn đường cho người học Phật để đạt đến mục tiêu), sống đúng theo những điều mà đức Phật đã đặt ra để tiến bước trên con đường hành đạo, người tu tại gia đều gọi là Cư sĩ Phật giáo. Họ xác định gốc là Tâm bồ đề để hướng đến sự giác ngộ. Tâm bồ đề thúc đẩy cư sĩ hành động để đạt được Phật quả, đem lại lợi ích cho chúng sinh thông qua các phương thức khéo léo. Trong lịch sử sử Phật giáo Việt Nam nói rằng: “Cái tâm hiểu biết tự nhiên ấy là chân chính giác ngộ, làm tâm Bồ đề mà Phật Thích ca đã soi đường cho thế giới. Cái tâm Bồ đề ấy ngụ lên những nhiệm vụ, phận sự đối với tha nhân về ba phương diện: biết ơn chúng sanh ở quá khứ, biết ơn vô hạn và phụng sự tất cả chúng sinh hiện tại và trách nhiệm vô hạn đối với chúng sanh tương lai”4.
Đối với cư sĩ Phật tử, tùy theo vị trí, địa vị xã hội khác nhau thì nhiệm vụ của họ thế có khác nhau như: vận động chính quyền và chư tôn mở các trường Phật học để đào tạo tăng tài, biên soạn các công trình nghiên cứu và viết báo chí Phật pháp…
II. CUỘC VẬN ĐỘNG LẬP HỘI PHẬT HỌC NAM VIỆT
2.1. Bối cảnh lịch sử
Sau Cách Mạng Tháng Tám 1945, tình hình Nam bộ luôn gặp khó khăn. Ngày 24-8-1945, Anh ký với Pháp hiệp ước công nhận chủ quyền của Pháp ở Đông Dương. Hội nghị Potsdam qui định quân Anh sẽ đến Sài Gòn (6-9-1945) để giải giáp quân Nhật. Quân Anh yêu cầu ta chuyển giao Nam bộ Phủ (tức trụ sở Ủy ban), tuy nhiên Ủy ban Nhân dân Nam bộ đã bác bỏ và yêu cầu quân Anh sẽ đồn trú ở Dinh Toàn quyền cũ. Chiều 22-9-1945, lợi dụng lệnh giới nghiêm, quân Pháp gồm tù binh và số mới đến được trang bị vũ khí đã nổ súng vào trụ sở Ủy ban Nhân dân Nam bộ, bưu điện, đài phát thanh. Trước tình thế đó, Xứ uỷ, Ủy ban Nhân dân và Ủy ban Kháng chiến Nam bộ triệu tập thông qua “Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ” do ông Trần Văn Giàu soạn trong đêm ngày 23-9- 1945, mở đầu cho cuộc chiến đấu “gian lao mà anh dũng” trong suốt 30 năm của Nam bộ “đi trước về sau”5.
Ở các đô thị lớn, Pháp đã thành công trong việc tái chiếm nhưng vẫn chưa kiểm soát sự liên hệ giữa quần chúng nhân dân với cách mạng. Tại các chùa ở Nam bộ, người ta thường dọc một bản yết thị nhỏ dán trên tường: “Ðây là thiền môn, không nên luận bàn về chính trị”, đó là nội dung để ám chỉ cho những tay mật thám Pháp. Tại các chùa, Pháp bố ráp lực lượng để hòng cắt đứt sự liên lạc Tăng Ni với cách mạng nhưng ta vẫn thấy đâu đó trong căn cứ kháng chiến vẫn xuất hiện nhiều sư và Tăng Ni. “Chính trong thời gian này mà nhiều Tăng Ni bị bắt giam hoặc bị sát hại. Ít có chùa nào ở những vùng núi non và thôn quê mà không có liên lạc dể giúp dỡ công cuộc kháng chiến”6.
Xu hướng chung của những tổ chức Phật giáo trong giai đoạn này là cứu nước. Ủy ban Phật giáo Cứu quốc được duy trì tại các tỉnh, thành Nam bộ. Trong đó, phong trào thu hút được nhiều tăng ni trẻ, các vị sư thầy tham gia và giữ trọng trách làm Chủ tịch Ủy ban.
Chùa Ô Môi ở xã Mỹ Quý trong chiến khu Ðồng Tháp Mười là trụ sở của hội Phật Giáo Cứu Quốc Nam bộ.
Tại Nam kỳ, Pháp đã ký với bè lũ bán nước kiểu mới một bản: “Thỏa ước ngày 20-5-1946 và Thỏa ước phụ ngày 03-6-1946, Chính phủ Lâm thời Cộng hòa Nam kỳ được thành lập”7. Trong bối cảnh lịch sử đó, các tổ chức Phật học cố gắng tổ chức và cơ cấu lại để phù hợp với tình hình đất nước lúc bấy giờ. Từ năm 1946, các cư sĩ ở Nam bộ vận động thành lập, hoặc khôi phục lại hoạt động các Phật học đường8:
Sau đó, Phật học đường Mai Sơn do Hòa thượng Huyền Dung thành lập cũng hoạt động mạnh mẽ tại Sài Gòn. Do không đủ cơ sở vật chất, sau vài tháng hoạt động thì Phật học đường Mai Sơn dời về chùa Sùng Đức. Năm 1949, Phật học đường Ứng Quang ở khu Vườn Lài do do thiền sư Trí Hữu thành lập.
2.2. Sự ra đời Hội Phật học Nam Việt
Trong những năm 50 của thế kỷ XX, mục tiêu hòa bình, hợp tác, thống nhất đoàn kết giữa các tổ chức Phật học đường được xem là xu thế chung. Trên thực tế, việc hoạt động riêng lẽ của các tổ chức này là một trở ngại lớn trong định hướng chung để phát triển Phật giáo miền Nam. Một số tổ chức Phật học đường do chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất, hoặc thiếu nhân sự nên việc hoạt động rất khó khăn. Việc thống nhất các tổ chức Phật học đường đang tồn tại riêng rẽ ở Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn góp phần tăng sức mạnh, sợi dây gắn kết các Phật tử.
Ta biết được rằng, để cuộc vận động này đạt được mong muốn thì các cư sĩ Nam bộ phải mất nhiều thời gian để trao đổi, họp hành, phân tích, lí giải cặn kẽ, trình bày kế hoạch cụ thể chi tiết về mục tiêu, tôn chỉ, phương châm để phát triển Hội cho các bậc cao tăng. Trong số các cư sĩ có công thành lập Hội Phật học Nam Việt thì Mai Thọ Truyền được xem là người kiến tạo, ảnh hưởng to lớn nhất.
Mai Thọ Truyền (1905-1973), quê làng Long Mỹ (tỉnh Bến Tre) trong một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu. Các ngôi trường ông đã từng học: trường Sơ học Pháp - Việt (Bến Tre), Trung học Mỹ Tho, Chasseloup Laubat Saigon. Năm 1924, ông đậu kì thi Thư ký Hành chánh, được cử đi làm việc tại Sài Gòn, Chợ Lớn, Hà Tiên. Năm 1931, ông đậu chức danh Tri huyện và được điều đi công tác tại các nơi: Sài Gòn, Trà Vinh, Long Xuyên và Sa Đéc. Tính cách của Mai Thọ Truyền: “Liêm khiết, chính trực và đức độ, không xu nịnh cấp trên, hà hiếp dân chúng, nên được quý mến”. Vốn có tinh thần yêu nước sâu sắc nên sau Cách Mạng Tháng Tám, ông làm chủ tịch Ủy Ban Quận Bộ Việt Minh Châu Thành (Long Xuyên), Chánh văn phòng kiêm Ủy viên Tài chánh Ủy ban Nhân dân tỉnh Long Xuyên. Sau khi Pháp tái chiếm Sài Gòn và cho quân tấn công lấy lại Long Xuyên, Mai Thọ Truyền cùng Ủy ban dời về núi Sập để lánh nạn. Là người thông minh tài giỏi, ông được chính quyền thân Pháp mời về giữ các chức vụ quan trọng:
• Chánh văn phòng Phủ Thủ tướng (chính phủ Nguyễn Văn Xuân);
• Chánh văn phòng Bộ Kinh tế, Giám đốc hành chánh sự vụ Bộ Ngoại giao, Đổng lý văn phòng Bộ Nội vụ (Chính phủ Nguyễn Phan Long);
• Đổng Lý văn phòng Phủ Thủ Hiến Việt Nam và Phó Đổng lý văn phòng Phủ Thủ tướng (Chính phủ Bửu Lộc).
Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam những năm 1930 đã tác động mạnh đến tư tưởng ông. Năm 1945, tại chùa Long An (Sa Đéc), ông gặp Hòa thượng Thích Hành Trụ, sau đó quy y với pháp danh là Chánh Trí. Tiếp thu từ nền văn minh phương Tây, đọc nhiều kinh thư, sách văn minh phương Đông, ông bắt đầu hết lòng đem khả năng và trình độ học thức của mình ra hộ trì chánh pháp.
Trước khi thành lập Hội Phật học Nam Việt, Mai Thọ Truyền cùng với nhóm các cư sĩ cho rằng: “Thời đại này là thời đại tổ chức. Khắp năm châu bất luận trong ngành hoạt động nào, muốn có hiểu quả chắc chắn sự làm việc cần phải tổ chức. Mà nói đến tổ chức tức là nói đến sự quy nạp, đoàn kết những năng lực cùng theo đuổi một chí hướng, sắp đặt công việc và trình tự tiến hành cho có phương pháp, hầu nhanh chóng đạt mục đích mong ước. Đó là lý do khiến chúng tôi mạo muội đứng ra xin phép thành lập Hội Phật học Nam Việt. Lý do thứ nhì là chúng tôi mong được cùng với hội Phật giáo ở Bắc và Hội Phật giáo ở Trung chung sức đi đến chỗ thống nhất đạo Phật trên toàn quốc, về mặt giáo lý, nghi lễ, tu tập”.
Ngày 19-9-1950, tại chùa Khánh Hưng (hệ phái Bắc tông) diễn ra Hội nghị thành lập tổ chức Phật học Nam Việt, Nan Quản trị lâm thời được phân công như sau:
1. Chứng minh Đạo sư: Hòa thượng Liễu Thoàn (Nguyễn Văn Do, trụ trì chùa Tôn Thạnh, Cần Giuộc). 2. Hội trưởng: Nguyễn Văn Khỏe (Nguyên Hội trưởng Hội Lưỡng Xuyên Phật học). 3. Hội phó: Nguyễn Văn Thọ (lương y Đông Pháp, chánh Sở Vệ Sinh Sài Gòn). 4. Cố vấn giáo lý: Sư Trí Tịnh (Nguyễn Văn Bình, chùa Vạn phước, Chợ Lớn). 5. Tổng Thư ký: Cư sĩ Mai Thọ Truyền (Tri phủ Thủ tướng Phủ Việt Nam). 6. Phó thư ký: Nguyễn Văn Vịnh (luật sư). 7. Thủ quỹ: Phạm Văn Vi (nguyên hội trưởng Tỉnh hội Phật học Phan Rang). 8. Kiểm soát: Sư Trí Hữu (trụ trì chùa Ứng Quang) và Lê Văn Toán (giáo viên).
Cụ Mai Thọ Truyền cũng có thể được xem là chính trị gia, là người có uy tín trong bộ máy chính quyền đương thời. Do đó, cụ đã vận động mạnh mẽ, quyết liệt để ông Trần Văn Hữu (Thủ hiến Nam Việt) ra Quyết định số 2134-cab/DAA ngày 25-2-1951, công nhận Hội Phật học Nam Việt và làm lễ thành lập, bầu ra cơ cấu tổ chức gồm:
1. Ban Chứng minh: Hòa thượng Liễu Thoàn, Hưng Long, Đạt Thành. 2. Hội trưởng: Hòa thượng Thích Quảng Minh. 3. Phó Hội trưởng: Bác sĩ Nguyễn Văn Khỏe và Nguyễn Văn Thọ. 4. Thư ký: Cư sĩ Mai Thọ Truyền và cư sĩ Nguyễn Hữu Huỳnh. 5. Thủ quỹ: Phạm Văn Vi và Trương Đình Ý. 6. Cố vấn: Nhật Liên, Thích Đặng, Trương Văn Thêm, Nguyễn Văn Tấn. 7. Kiểm soát: Sư Đại Từ (trụ trì chùa Hưng Long), các cư sĩ Phạm Đăng Thanh, Lâm Văn Tượng, Trầm Khoa Hậu.
Tôn chỉ của Hội: “Khảo cứu và làm sáng tỏ học thuyết của Phật Đà và đồng thời áp dụng cái học thuyết ấy trong đời sống hàng ngày của hội viên”. Mục đích của Hội: “Đoàn kết các Phật tử xuất gia và tại gia dùng mọi phương tiện để truyền bá và thực hành Phật pháp về mặt giáo lý cũng như từ thiện”. Nhiệm vụ: Truyền bá học thuyết và dìu dắt thiện tín trên con đường tu tập. Phái cư sĩ chủ trương thành lập Tiểu ban Hộ pháp nhằm để hỗ trợ cho các tăng ni chuyên tâm tu hành.
Các cư sĩ Nam bộ chủ trương thiết lập Hội quán làm địa điểm hội họp của hội viên, đặt văn phòng của Ban Quản trị, Ban Chứng minh; mở thư viện, phòng diễn giảng; biên soạn và phiên dịch kinh sách, xuất bản báo chí... Lập các cơ quan từ thiện, tiếp tục thực hiện các hoạt động: cứu tế xã hội, nuôi trẻ mồ côi, người già ốm đau, cấp phát thuốc miễn phí cho người nghèo... Ngày 30-9-1951, Ban cứu tế xã hội (y tế) được thành lập tại chùa Khánh Hưng, phân công hai cư sĩ Phật tử: Nguyễn Văn Khỏe (bác sĩ) và Nguyễn Văn Thọ (lương y) phụ trách. Sau một năm hoạt động, số lượt khám đã đạt con số 6.297 người. Đến ngày 2-6-1952, tại chùa Hội quán Phước Hòa, Hội Phật học Nam Việt đã cho mở phòng thuốc thứ hai... Một nghĩa trang được thành lập nhằm để lo hậu sự cho những hội viên, người nghèo được cấp huyệt mả miễn phí. Thư viện được lập ra nhằm để cung cấp cho hội viên những tài liệu về Phật pháp, cũng như công bố những công trình nghiên cứu của các cư sĩ, chư tăng dày công nghiên cứu khoa học: “Thư viện gồm có trên 5.000 đầu sách chữ Việt, Pháp, Hoa, Anh, Nhật, có đủ Tam tạng kinh điển, các sách về văn hóa nghệ thuật và về tôn giáo khác, để mọi người có dịp học hỏi và nghiên cứu, hiện nay vẫn còn hoạt động”.
Theo cơ cấu tổ chức của Hội gồm có: Ban Chứng minh Đạo sư, Ban Quản trị, Ban Hoằng pháp... Vị trí cao nhất là Ban Chứng minh Đạo sư, tiêu chuẩn thành viên phải là: chư tôn đức Tăng già, uyên thâm giáo lý, được tập thể suy tôn… Nhiệm vụ chính của Ban này: “Là chỉ đạo các công việc chung cho Ban Hoằng pháp và Ban Quản trị, chủ tọa các ngày đại lễ, các lần nhóm họp”.
Tinh thần đoàn kết được các thành viên trong hội đặt lên hàng đầu, tránh phân biệt với người tu tại gia và tu tại chùa. Hội chủ trương cơ sở đào tạo Phật học làm nơi đào tạo tăng tài. Chủ trương tổ chức các khóa Phật học phổ thông cho các tín đồ, Phật tử. Đồng thời thành lập các Gia đình Phật tử như: Chánh Tâm, Chánh Tín, Chánh Giác...
Lĩnh vực báo chí được Hội rất quan tâm nhằm: lan tỏa tư tưởng chấn hưng Phật giáo, thực hiện nhiệm vụ trong việc hoằng pháp, bảo tồn giá trị di sản của Phật giáo… Các cư sĩ trong Hội chủ trương ấn hành Tạp chí Từ Quang với tiêu chí phổ biến Phật pháp căn bản. Do tinh thông giáo lý của Phật pháp, cư sĩ Chánh trí Mai Thọ Truyền làm chủ biên Tạp chí Từ Quang. Khi nhận xét về khả năng nghiên cứu của ông, thì hầu như: “Là những tác phẩm Phật học sâu sắc, thiết thực và hữu ích không chỉ cho các nhà nghiên cứu mà cho cả các cư sĩ, phật tử, những người muốn tìm hiểu và hành trì chánh pháp của đức Phật”. Tạp chí Từ Quang là một trong những tờ báo Phật giáo có số lượng ấn bản và thời gian tồn tại lâu ở Việt Nam nửa sau thế kỷ XX.
2.3. Sự phát triển về số lượng của Hội Phật học Nam Việt
Sự ra đời của Hội Phật học Nam Việt đã đáp ứng được yêu cầu xã hội đương thời. Do xác định đúng mục đích, nhiệm vụ, đối tượng, đường lối hoạt động đúng đắn, Hội đã có sức lan tỏa đến các địa phương khác. Cũng chính từ đây, cư sĩ trên khắp vùng đất Nam bộ đã thấm nhuần tư tưởng đại đoàn kết, tiếp tục vận động để thành lập các chi nhánh trực thuộc Hội Phật học đường Nam Việt.
Trà Vinh: Thành lập được chi nhánh ở Trà Vinh (15-7-1951). Ngày 14-15/10/1951 (âm lịch) Tỉnh hội Trà Vinh đã làm lễ khánh thành Hội quán tại chùa Phước Hòa.
Cần Thơ: Thành lập được Tỉnh hội tại Cần Thơ (15-11-1951), nhờ sự giúp đỡ của cư sĩ Nguyễn Văn Nở. Năm 1952, Tỉnh hội Cần Thơ khởi công xây dựng chùa Hội quán tại trung tâm Châu Thành và đến ngày 23-24/5/1953 thì khánh thành.
Long Xuyên: Thành lập Tỉnh hội Long Xuyên (có hai chi hội độc lập là Chi hội Quảng Tế và Chi hội Bình An) (24-11-1951), hòa thượng Phước Huệ được bầu làm Chứng minh Đạo sư. Ngày 1-2/8/1953, Tỉnh hội Long Xuyên đã làm lễ khánh thành Hội quán.
Sóc Trăng: Thành lập Tỉnh hội Sóc Trăng (18-1-1952). Ngày 15-6-1952, Tỉnh hội đã làm lễ khánh thành Hội quán tại chùa Khánh Sơn, Hội trưởng là Tạ Quang Vinh, Tổng Thư ký là Nguyễn Văn Trường, Cố vấn là Huỳnh Văn phẩm.
Sa Đéc: Thành lập Tỉnh hội Sa Đéc (1952), Hòa thượng Từ Nhơn làm Trưởng Ban Trị sự. Theo nhận định của Ban Trị sự Hội Phật học Nam Việt, tuy chưa thành lập được lâu nhưng Tỉnh hội Sa Đéc đã có trên 200 hội viên và đã tổ chức xong một Ban Hoằng pháp có cả ni giới tham dự. Ngày 25-12-1954, Tỉnh hội đã làm lễ khánh thành Giảng đường ngay tại chùa Hội quán để đào tạo các khóa Phật học cơ bản, ngắn hạn cho các tín đồ.
Mỹ Tho: Thành lập chi nhánh tại Mỹ Tho (19-6-1952).
Vĩnh Long: Thành lập Tỉnh hội Vĩnh Long (30-8-1953) tại chùa Giác Thiền và Tỉnh hội Trưởng là Sư bà Phán Tước.
Biên Hòa: Thành lập Tỉnh hội Biên Hòa (1953), do Hòa thượng Long Thiền làm Chứng minh Đạo sư và Ngô Phước Hướng làm Tỉnh hội Trưởng.
Bạc Liêu: Thành lập Tỉnh hội Bạc Liêu (25-10-1953) tại chùa Vĩnh Hòa dưới sự chứng minh của Hòa thượng Huệ Viên, Huệ Minh, Huệ Quang và sự vận động tích cực của Hòa thượng Thiện Nhật (chùa Phước Hòa An). Tỉnh hội trưởng là Yết ma chùa Long Phước, Tổng Thư ký là Huỳnh Quốc Trân, Thủ quỹ là Đỗ Phước Lai. Ngày 29-7-1955, Tỉnh hội Bạc Liêu đã làm lễ khánh thành chùa Hội quán. Tỉnh hội Hà Tiên thành lập năm 1953 tại chùa Tam Bảo.
Bến Tre: Thành lập Tỉnh hội Bến Tre tại chùa Viên Giác (13-9- 1953).
Gia Định: Thành lập tỉnh hội Gia Định tại chùa Giác Tâm (Phú Nhuận) (4-9-1955).
Rạch Giá: Thành lập Tỉnh hội Rạch Giá (30-11-1955), Lê Hữu Thẩm được bầu làm Tỉnh hội Trưởng.
Năm 1951, tại chùa Từ Đàm diễn ra Hội nghị thống nhất Phật giáo, Hội Phật học Nam Việt có 9 người tham dự là: Hòa thượng Đạt Thanh - Pháp chủ Nam Việt làm Trưởng đoàn, các ủy viên là Hòa thượng Quảng Minh, Nhật Liên, Chánh Quang, Thiện Hoa và các cư sĩ Định Trí, Phạm Văn Vi, Trầm Khoa Hậu, Nguyễn Hữu Huỳnh. Với sự nhất trí của các đại biểu đến từ 3 miền, Tổng hội Phật giáo Việt Nam đã được thành lập (tháng 5-1951).
Tổng hội Phật giáo Việt Nam chủ trương xây dựng và phát triển Phật giáo về mọi mặt, kể cả việc xúc tiến đối với chính quyền để được công nhận tính chính danh. Ngày 8-7-1953, Thủ tướng Chính phủ, kiêm Tổng trưởng Bộ Nội vụ đã kí Nghị định Số 45-MI/DAP, cho phép Tổng hội Phật giáo Việt Nam chính thức thành lập và hoạt động trên khắp lãnh thổ quốc gia. Và sau hơn 2 năm, vấn đề thống nhất Phật giáo toàn quốc diễn ra tại chùa Từ Đàm, Huế đã được công nhận về mặt pháp lý. Cũng chính từ đây, Ban Quản trị Lâm thời của Tổng hội đã chấm dứt nhiệm vụ để thành lập một Ban Quản trị chính thức9.
Tóm lại, từ năm 1950 đến 1954, Phật giáo đã có những chuyển biến sâu sắc và rõ nét. Nếu trước đây khủng hoảng về tổ chức, giáo lí, kinh sách thì giờ đây Phật giáo ở Nam bộ đã có chỗ đứng nhất định. Vai trò các cư sĩ Phật tử trong việc thành lập các hội phật giáo10. Sự khởi sắc cả về hình thức lẫn nội dung, hoạt động của các tăng sĩ đã thể hiện tinh thần nhập thế của Phật giáo, thể hiện sự gắn bó giữa đạo và đời, thể hiện mạnh mẽ tinh thần từ bi, trí, dũng của Phật giáo, tham gia chống xâm lăng và không ít nhà sư, cư sĩ Phật tử đã ngã xuống vì sự nghiệp cao cả: đem lại độc lập cho Tổ quốc.
III. KẾT LUẬN
Vốn là tầng lớp trí thức, có hiểu biết sâu rộng, cư sĩ ở Nam bộ đã phát huy tích cực vai trò của mình trong cuộc vận động hợp nhất các tổ chức Phật học. Chính đoàn kết đã tạo ra sức mạnh mang lại những giá trị tốt đẹp và đó được xem là giá trị cốt lỗi trong tư tưởng người Việt. Sự ra đời của Hội Phật học Nam Việt là minh chứng tiêu biểu cho công lao, sự cống hiến thầm lặng của tầng lớp cư sĩ. Để từ đó, những triết lý của Phật pháp có thể lan tỏa đến tất cả mọi người trong xã hội.
ThS. Đỗ Cao Phúc Giảng viên Khoa Sư phạm Khoa học xã hội, Đại học Sài Gòn. Tham luận tại hội thảo về chủ đề: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước” vào ngày 04-11-2021 tại Tp.HCM
***
CHÚ THÍCH
1 Đạo Uyển (2016), Từ điển Phật học, Nxb Tôn hiáo, tr. 120. 2 Cổng thông tin Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2021), Cư sĩ Phật giáo là ai?, nguồn truy cập: https://phatgiao.org.vn/cu-si-phat-giao-la-ai-d43967.html 3 Viện ngôn ngữ học (2003), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, tr. 227. 4 Nguyễn Đăng Thục (1974), Phật giáo Việt Nam, Nxb Mặt Đất, Sài Gòn, tr. 52. 5 Hội đồng chỉ đạo biên soạn lịch sử Nam bộ kháng chiến (2011), Lịch sử Nam bộ kháng chiến, Tập I (1945-1954), Nxb Chính trị Quốc gia, tr. 235. 6 Nguyễn Lang (2018), Việt Nam Phật giáo Sử luận, tập III, Nxb Văn học, tr. 693. 7 Trung tâm lưu trữ quốc gia III (2016), Phong Phủ Thủ hiến Nam Việt, nguồn: http:// luutruvn.com/index.php/2016/05/25/phong-phu-thu-hien-nam-viet/ 8 Nguyễn Lang (2018), Sđd, tr. 696. 9 Hội Phật học Nam Việt (1953), “Tin tức”, Từ Quang Phật học, số 20, tr. 47-48. 10 Trần Hồng Liên (1995), Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam bộ - Việt Nam từ thế kỉ XVII đến 1975, Nxb Khoa học xã hội, tr.54-55.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Thích Đồng Bổn (2002), Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX, Nxb Tôn giáo, Hà Nội Cổng thông tin Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2021), Cư sĩ Phật giáo là ai?, nguồn truy cập: https://phatgiao. org.vn/cu-si-phat-giao-la-ai-d43967.html Nguyễn Văn Khỏe (1951), “Bản Tuyên cáo của Hội Phật học Nam Việt”, Phương Tiện Bán nguyệt san, số 31. Hội đồng chỉ đạo biên soạn lịch sử Nam bộ kháng chiến (2011), Lịch sử Nam bộ kháng chiến, tập I (1945-1954), Nxb Chính trị Quốc gia. Hội Phật học Nam Việt (1951), “Diễn văn khai mạc buổi nhóm Đại hội đồng khánh thành Hội Phật học Nam Việt”, Từ Quang Phật học, số 1. Hội Phật học Nam Việt (1953), “Tin tức”, Từ Quang Phật học, số 20. Hội Phật học Nam Việt (1960), Điều lệ và Quy tắc, Nhà in Bùi Văn Tạ, Sài Gòn. Nguyễn Lang (2018), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập III, Nxb Văn học, tr.693. Thích Nhuận Lạc (2019), Giáo dục Phật giáo Việt Nam từ lịch sử đến hiện tại, Hội thảo khoa học “Phật học Việt Nam thời hiện đại: Bản chất,hộinhậpvàpháttriển”,CơsởdữliệusốcủaGHPGVN,nguồn: https://vbgh.vn/index.php?language=vi&nv=news&op=le- ky-niem-35-thanh-lap-hoc-vien-phat-giao-vn-tp-hcm/5-giao- duc-phat-giao-viet-nam-tu-lich-suden-hien-tai-962.html Trần Hồng Liên (1995), Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam Bộ - Việt Nam từ thế kỷ XVII đến 1975, Nxb Khoa học Xã hội. Trung tâm lưu trữ quốc gia III (2016), Phong Phủ Thủ hiến Nam Việt, nguồn: http://luutruvn.com/index.php/2016/05/25/ phong-phu-thu-hien-nam-viet/ Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh (2002), Hội thảo Hội thảo khoa học 300 năm Phật giáo Gia Ðịnh-Sài Gòn - TP.Hồ Chí Minh, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. Chánh Trí Mai Thọ Truyền (2012), Phật giáo sử Đông Nam Á, Nxb Tôn giáo. Nguyễn Đăng Thục (1974), Phật giáo Việt Nam, Nxb Mặt Đất, Sài Gòn. Đạo Uyển (2016), Từ điển Phật học, Nxb Tôn giáo. Viện ngôn ngữ học (2003), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng.
Bình luận (0)