Khảo cổ học giúp cho các nhà nghiên cứu Phật giáo tìm lại được những giá trị đã bị thời gian phủ nhòa dưới lớp đất đá. Cho đến nay, với những sắc lệnh của hoàng đế A Dục trên mỗi trụ đá vẫn còn lưu lại chứng tích ghi lại nơi đức Phật đản sinh, thành đạo, nhập Niết Bàn. Qua đó, chứng minh đức Phật là nhân vật lịch sử của nhân loại. Qua ba mươi ba bia ký được tìm thấy đều đề cập đến Phật giáo được vua A Dục khắc lại điển hình như: bia ký tại Lâm Tỳ Ni, Sarnath, Girnar, Bairat…

Trước đây, khi các nhà khảo cổ chưa khai quật được những thánh tích và bia ký thì các nguồn sử liệu thường viết bị lệch về dòng dõi, năm sinh của đức Phật cũng như của vua Asoka. Đến thế kỷ thứ XVII thì sự việc càng được sáng tỏ, bởi đã phát hiện, khai quật được những thánh tích, bia ký do Đại đế Asoka khắc trên đá và bị vùi sâu vào lòng đất. Để hiểu thêm về vai trò lịch sử trọng đại của hoàng đế Asoka đối với Phật giáo như thế nào trong sự nghiệp chấn hưng Phật giáo gắn liền với: “Cuộc đời của vua A Dục qua bốn bia ký”, để nhận thấy rằng A Dục là người đã được đánh giá là vị vua hộ pháp cho Phật giáo.

Thân thế của vua A Dục

Hoàng đế A Dục, vị vua thứ ba của triều đại Mauryan, Ấn Độ, sinh năm 304 trước Tây Lịch (TTL) tại Thành Hoa Thị, kinh đô Ma Kiệt Đà, ông vốn là con cháu 9 đời của Vua Tần Bà Sa La. Vua A Dục lên ngôi lúc 35 tuổi (năm 269 TTL) [9, tr.137], trị vì được 38 năm và mất năm 232 TTL, thọ thế 73 tuổi. Ông được xem là ông vua vĩ đại nhất của quốc gia Ấn Độ, và là vị hoàng đế đầu tiên đã cai trị một đế chế rộng lớn.

Cái tên A Dục, hay Asoka có nghĩa là “không đau khổ” trong tiếng Sanskrit. Trong các sắc lệnh Ông tự xưng là Devanampiya Piyadasi hay là “Người được chư Thiên yêu mến”. Ông sinh vào sau thời đức Phật nhập diệt khoảng 218 năm, là người miền Đông của Ấn Độ. A Dục có một số người anh cùng cha khác mẹ lớn tuổi hơn và một người em trai, Vitthashoka, con trai thứ của Dharma. Các hoàng tử cạnh tranh lẫn nhau hết sức gay gắt, nhưng A Dục trẻ tuổi xuất sắc cả trong quân sự lẫn các môn học. Có một sự đối đầu gay gắt, đặc biệt là giữa A Dục và người anh Susima, cả về kỹ năng chiến đấu lẫn tài thao lược.

Thời kỳ nắm quyền lực

A Dục trưởng thành như một vị tướng bất khả chiến bại và một người cầm quân khôn ngoan. Trong những trận chiến đương thời, ông đều tỏ ra vô địch, chưa bao giờ thất trận. Do đó, sau khi vua cha băng hà, các hàng vương tử sinh ra tranh nhau vương vị trong khoảng bốn năm trường. Sau cùng vương tử A Dục thắng lợi lên nối ngôi vua, thống nhất được ba miền Trung, Bắc và Tây Ấn Độ [11, tr.250]. A Dục vương mở rộng đế chế trong tám năm sau đó.

Chinh phục Kalinga

A Dục liên tục tổ chức các chiến dịch, chinh phạt hết vùng đất này đến vùng đất khác và mở rộng đáng kể đế chế Maurya khá rộng lớn và tích trữ thêm của cải. Cuộc chinh phạt cuối cùng là bang Kalinga nằm trên bờ biển phía đông Ấn Độ trong vùng ngày nay là Orissa. Toàn bộ Kalinga bị cưỡng đoạt và tiêu diệt, các khuyến dụ của A Dục này nói rằng khoảng 100.000 người thiệt mạng phía Kalinga và 10.000 từ quân đội của A Dục, hàng ngàn người bị trục xuất.

Chuyển sang Phật giáo

Về nhân duyên tin theo Phật giáo của vua có nhiều sử liệu ghi lại. Theo A Dục vương truyện nguyên nhân vua A Dục đến Phật giáo là do vợ của một trong những người anh trai của Ông chạy trốn khỏi cung với một tỳ nữ, vì lo sợ cho đứa con chưa ra đời. Về sau công chúa hạ sinh một bé trai được nuôi nấng và dạy dỗ bởi những Brahmin trong ngôi đền. Sau này, khi cậu khoảng mười ba tuổi, cậu tình cờ gặp A Dục, Ông ngạc nhiên khi thấy một cậu bé nhỏ tuổi như vậy ăn mặc như một nhà hiền triết. Khi cậu bé bình thản tiết lộ thân thế của mình, có vẻ như là A Dục xúc động vì hối hận và lòng thương cảm, và cho dời cậu bé và mẹ cậu về lại hoàng cung [5, tr.124-125].

Còn theo thuyết khác Vua A Dục lập ra một chỗ gọi là: “Ái Lạc Viên”, thực ra đó là một “Ðịa ngục ở trần gian”, bên ngoài trang trí cực kỳ đẹp đẽ, nhưng bên trong thì có non đao rừng kiếm, đủ các món khí cụ để hành hình con người một cách ghê gớm. Một hôm có thầy Tỳ kheo đi lạc vào khu vườn đó và bị xử tử nhưng không chết. Người lính ngục tâu lên vua A Dục khi ông đến xem thì đức độ đềm tĩnh của vị Tỳ kheo đó đã cảm hóa được ông theo Phật giáo [10, tr.461-462]. Các thuyết này vẫn chưa đủ thuyết phục, mãi về sau khảo cổ học tìm được các trụ đá trong bia ký Ông nói rằng trận chiến tranh xa làm cho ta đau cái nỗi đau này. Một ngày sau khi cuộc chiến kết thúc vua A Dục cưỡi ngựa dạo quanh phía đông thành phố và tất cả những gì mà ông có thể thấy là những căn nhà cháy rụi và những xác người rải rác khắp nơi. Sự tàn bạo của cuộc chinh phạt đã làm Ông rất hối hận, và từ đó Ông bắt đầu chuyển hóa sang Phật giáo, cai trị đất nước theo chính sách hòa bình để kiến thiết quốc gia, đem lại phồn vinh an lạc cho xã hội [7, tr.143].

Chiêm bái Phật tích và xây dựng bia ký

1. Bia ký trên trụ đá tại Girnar

Theo sách vở để lại thì vua A Dục đổi đạo bốn năm sau khi lên ngôi, nhưng trong bia ký ghi lại “Vua Thiện Kiến, đứa con yêu của các vị thiên thần, (Thiên Ái) chinh phục xứ Kalingas tám năm sau khi đăng quang” [6]. Như vậy sau trận chiến tranh ở Kalingas kết thúc làm cho tâm tư Ông sao động, nghĩ lại và theo Phật giáo. Đây là nguyên nhân chính khiến Ông theo Phật giáo không giống như Mahavamsa và A Dục vương chuyện, mà chính kết quả sự hối hận của Ông sau cuộc tàn sát đẫm máu ở Kalinga. Đạo dụ đầu tiên của Ông ban ra đều liên quan đến việc nghiêm cấm sát sinh trong đời thường, gồm cả việc giết súc vật để tế lễ và ăn thịt. Tuy nhiên, sự xác chứng về A Dục Vương trở thành một phật tử được công nhận qua việc Ông đến viếng thăm cây Bồ đề, việc này được diễn tả trong Đạo dụ thứ tám ban hành năm thứ mười sau khi lên ngôi. Đặc biệt qua những trụ đá, bia ký này chúng ta thấy Vua A Dục là một phật tử thuần thành, thấm nhuần giáo lý Phật đà, thực hành lời Phật dạy và đạt được những lợi ích thiết thực cho chính bản thân của Ông, cuối cùng Ông muốn đem sự lợi ích đó để chia sẻ với mọi con dân trong quốc độ của Ông, bằng cách ra lệnh cho khắc huấn dụ của mình lên vách đá khắp nơi rằng “Nếu quần chúng sau khi nghe được lời Phật dạy, thực hành, sẽ đạt được lợi ích trong Chính Pháp” [6]. Như vậy, chỉ dụ trên bia ký tại Girnar cho chúng ta biết nhiều thông tin về vua A Dục, thứ nhất là xác định chính xác trận chiến Kalinga kết thúc tám năm sau khi lên ngôi, thứ hai cho thấy lòng khoan dung của Ông đối với những người sống trong rừng như lục lâm thảo khấu, kẻ phạm tội, kế đến Ông ra lệch cấm sát sinh và cuối cùng nói về lòng tin của Ông đối với Chính pháp và sự truyền giáo sang các nước. Nhờ đó, Phật giáo lan rộng khắp nơi ảnh hưởng cho đến ngày nay.

2. Bia ký trên trụ đá tại Lâm Tỳ Ni

Trước hết vua đến chiêm bái vườn Lâm Tỳ Ni, nơi đức Phật đản sinh. Ở nơi đó vua cho xây dựng một cột đá vào năm thứ hai mươi sau khi lên ngôi tức năm 249 TCN, khi vua A Dục (Asoka) đến thăm Lâm Tỳ Ni, nó còn là một ngôi làng phồn thịnh. Có thể nói đây là trụ đá còn nguyên vẹn được bao bọc bởi một hàng rào sắt để bảo hộ. Trên trụ đá này vẫn còn thấy hàng chữ như sau: “vua A Dục, đứa con yêu của các vị thiên thần, hai mươi năm sau khi lên ngôi, ta đã thực hiện một chuyến thăm của hoàng gia đến nơi đức Phật được sinh ra tại đây… Lâm Tỳ Ni được giảm một phần sản lượng” [6].

Bia ký này còn chứng minh có một đức Phật lịch sử không phải là đức Phật huyền thoại, ngay từ thời vua A Dục đã có đánh thuế và cách đánh thuế của Ông như là từ cây chuối cho đến con gà trống, gà mái…đều có cái giá khác nhau. Số tiền đánh thuế Ông dùng nó để làm đường, xây cầu, cất bệnh viện cho người và cho súc vật, xây viện dưỡng lão… còn bản thân Ông cũng như trong cung thời ấy mỗi ngày chỉ làm thịt hai con công và một con dê. Như trong chỉ dụ trên đá số một, Ông nói: ngày xưa trong cung của Ông giết rất nhiều động vật để ăn thịt và tế lễ, còn nay mỗi ngày chỉ giết hai con công và một con dê, nhưng Ông nói con dê đó cũng không phải được giết thường xuyên, Ông còn tuyên bố rằng các con vật này trong tương lai chúng sẽ không còn bị giết nữa. Trong sắc dụ này chứng tỏ Ông đã theo đạo Phật và đã giữ giới không sát sinh.

3. Bia ký trên trụ đá tại Sarnath

Tại Vườn Lộc Uyển (Sanarth), nơi đức Thế Tôn lăn chuyển bánh xe Chính Pháp đầu tiên, vua A Dục cũng đã đến chiêm bái và cho dựng một trụ đá rất lớn để đánh dấu nơi đức Thế Tôn thiết lập Tam Bảo, mở đầu công cuộc truyền bá Chính Pháp [4]. Trụ đá, được Ngài Huyền Trang ghi lại trong Đại Đường Tây Vực Ký rằng: “sáng như ngọc”, đánh dấu nơi đức Phật đã chuyển pháp luân lần đầu tiên. Trên trụ đá là sắc lệnh của vua A Dục. Chữ viết là chữ Brahmi của triều đại Maurya và ngôn ngữ là tiếng Magadhi. Bia ký này có mười một hàng. Ba hàng đầu đã bị phá hỏng.

Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy sắc lệnh của vua A Dục ở Kausambi và Sanchi có cùng nội dung giống nhau nên đã có thể biết được nội dung của bia ký này.

Trong sắc lệnh, vua A Dục xuất hiện trong vai trò của một vị Hộ pháp. Điều cần phải ghi nhận rằng vai trò này không phải tự đức vua sử dụng quyền lực tối cao của một vị vua chuyên quyền độc đoán mà chỉ đơn giản là đức vua tự nhận để thực hiện huấn thị của chính tôn giáo mà Ông đang là tín đồ noi theo. Trong bia ký này còn cho biết thời đó đã có Tăng đoàn lẫn Ni đoàn và người cư sĩ áo trắng. “Những người cư sĩ áo trắng có thể đến đây vào ngày trưởng tịnh để được tăng trưởng tính tâm vào sắc lệnh này” [6].

4. Bia ký trên trụ đá tại Bairat

Bia ký trên trụ đá tại Bairat, ngôn ngữ của bia ký này dùng là Prakit và chữ viết là chữ Brahmi. Bia ký này được khắc trên một tảng đá granít, gồm tám hàng. Bia ký cho biết vua A Dục (Thiên Ái Thiện Kiến) đã đến nơi đây, thăm viếng và đảnh lễ chư tăng. Ngài tiếp xúc với chư tăng với lời lẽ kính trọng của một người cư sĩ ủng hộ chính pháp đối với Tăng già. Thông điệp quan trọng nhất mà bia ký này mang đến là trước đây các nhà nghiên cứu nghi ngờ hoặc không xác định được tôn giáo nào vua A Dục đã theo và ủng hộ; chính bia ký này đã lên tiếng, chấm dứt mọi tranh luận. Bia ký này được xem là một chỉ dụ của riêng vua A Dục nói chuyện với Tăng già, chứ không phải nói chung cho thần dân. Bia ký còn cho biết thêm, vua Thiên Ái Thiện Kiến “nước Ma Kiệt Đà”. Thứ hai, bia ký là một chứng cứ lịch sử cho thấy rằng kinh điển đã được kết tập và phổ thông trong quần chúng; ít nhất có đến tên bảy kinh được vua A Dục nhắc đến và coi đó là quan trọng được ghi lại bảy Kinh trích từ Pháp. Bảy kinh này gồm có:

Nội dung 7 kinh:

1. The Vinaya-samukasa: Kinh này nêu rõ phương pháp thuận thứ thuyết pháp của đức Phật, trước hết đức Thế Tôn giải thích về lợi ích của hạnh bố thí, trì giới, về chư thiên, sự nguy hiểm của các dục, và lợi ích của việc từ bỏ. Sau cùng Ngài nói đến bốn sự thật cao cả hay Tứ thánh đế [5, tr.333].

2. Kinh the Alya-vasas: “Thế Tôn mỏi mệt bảo tôn giả Sàriputtanày thuyết pháp thay Ngài và tôn giả Sàriputtanày trình bày pháp các pháp được Thế Tôn khéo giảng dạy, khéo trình bày, một Chính pháp hướng đến an tịnh… Ở đây, tất cả mọi người cần phải cùng nhau tụng đọc, không cãi cọ nhau, không tranh luận, để phạm hạnh này được trường tồn, … vì an lạc cho chư Thiên và loài Người” [2, tr.465-705], chủ đề và nội dung của hai Kinh Phúng Tụng và Kinh Thập Thượng giống nhau đều do tôn giả Sàriputtanày lần lượt trình bày từ một pháp đến mười pháp nói đến saự mẫu mực trong đời sống đạo hạnh.

3. Kinh the Anagata- bhayas: Thế Tôn trú ở Sàvatthi tại Jetavana, vườn Ông Anàthapindika. Thế Tôn gọi các Tỳ kheo và dạy rằng: “Này các Tỳ kheo, có năm sức mạnh này, cuả bậc Hữu học. Thế nào là năm? Tín lực, tàm lực, quý lực, tinh tấn lực, tuệ lực. .. Do vậy, này các Tỳ kheo, cần phải học tập như sau: "Tôi sẽ thành tựu tín lực, được gọi là hữu học lực. Tôi sẽ thành tựu tàm lực, ... quý lực, … tinh tấn lực, … thành tựu tuệ lực, được gọi là hữu học lực". Như vậy, này các Tỳ kheo, các Thầy cần phải học tập [3].Ý nghĩa của Kinh này là âu lo về tương lai và cách hành trì của các pháp thành tựu của bậc hữu học.

4. Kinh the Muni-gathas: bài Kinh này ca ngợi các đạo sĩ, khen các vị ấy chặt được hạt giống sinh tử, sống trong giới định và tuệ, không tán thán chê bai người, biết chế ngự điều ác... Biết chế ngự viễn ly, đó là bậc ẩn sĩ [13].

5. The Moneya-suta: Kinh này Thế Tôn trả lời những câu hỏi của đệ tử là “Hãy nói lên cho con, Con đường đạo tối thượng, Ðưa đến đạo Mâu Ni” [12]. Thế Tôn trả lời phải không dao động giữa khen chê, biết chế ngự sân hận, sống đời sống phạm hạnh không cống cao ngã mạn, từ bỏ dâm dục, …, thực hành thiền định, tăng trưởng tâm và tín.

6. Kinh the Upatisa-pasina: Thế Tôn trả lời những câu hỏi của Ngài Xá Lợi Phất và dạy về đời sống thánh thiện của một vị tu sĩ:

“Hãy chế ngự ước muốn,

Ðối với những pháp ấy,

Vị Tỳ kheo chính niệm,

Tâm tư khéo giải thoát,

Rồi đúng thời vị ấy,

Chân chính suy tư pháp,

Với chuyên tâm nhất trí,

Hãy đoạn tận hắc ám.

Thế Tôn nói như vậy” [12].

7. Kinh the Laghulovada: Được đức Phật dạy La Hầu La về việc nói dối như chậu nước dơ bỏ đi không ai cần đến vì vậy chúng ta cần phải bỏ nói dối, này Rahula: "Sau khi phản tỉnh nhiều lần, tôi sẽ tịnh hóa thân nghiệp; sau khi phản tỉnh nhiều lần, tôi sẽ tịnh hóa khẩu nghiệp, sau khi phản tỉnh nhiều lần, tôi sẽ tịnh hóa ý nghiệp” [5, tr.333].

Bia ký chẳng những đề cập đến bảy kinh mà còn cho chúng ta biết đức vua quy y theo Phật, theo Pháp, theo Tăng được ghi lại như sau: “Như các vị đã biết, thưa các Tôn giả, lòng tin bất thối và lòng kính trọng của trẫm đối với Phật, đối với Pháp và đối với Tăng”. Trong bia ký này còn cho biết sự Quy y của đức vua đối với Phật, đối với Pháp, đối với Tăng, nhờ chứng tích đó mà sự tranh luận của các nhà nghiên cứu về vua A Dục đi theo đạo nào đã được chứng minh xác thực bởi bia ký.

Lời kết

Theo nhà sử học H Gi Well có câu nói nổi tiếng nhận định về vua A Dục như sau: “trong lịch sử của thế giới có hàng ngàn vị vua và hoàng đế tự xưng là “ngôi sao”, “hoàng đế”, “quốc vương” … họ chỉ sáng bừng trong chốc lát rồi tàn lụi nhanh chóng. Nhưng A Dục Vương tỏa sáng và vẫn tỏa sáng như một ngôi sao sáng cho đến tận ngày nay”. Với sự đóng góp của Ông trong việc hoằng dương chính pháp và xây dựng đất nước rộng lớn của mình sống cuộc sống theo chính pháp, một quân vương hộ trì Phật Pháp, Ông đã làm hết mọi khả năng của mình để mang ánh sáng từ bi và trí tuệ của Phật giáo đến cho muôn loài. Việc Ông cho dựng ba mươi ba trụ đá và xây tám mươi bốn ngàn bảo tháp thờ xá lợi Phật trên khắp vương quốc để tương xứng với tám mươi bốn ngàn pháp môn tu trong giáo lý Phật đà, là một trong những nỗ lực gây sự chú ý của quần chúng vào đạo Phật để họ quy ngưỡng về con đường lành, để tu tập, để đạt được giác ngộ và giải thoát.

Ngoài ra, đáng chú ý nhất là quốc huy và quốc kỳ của Ấn Độ. Hiện nay quốc huy của đất nước này chính là bản sao của trụ đá vua A Dục tại vườn Lộc Uyển, còn quốc kỳ thì lấy Bánh Xe Pháp Luân (Dharmachakra) của Phật giáo làm biểu tượng chính. Nếu triều đại của A Dục Vương đã dễ dàng biến mất vào sự lãng quên của lịch sử, thì chính trụ đá và bánh xe chuyển pháp luân ở vườn Lộc Uyển của vua A Dục vẫn là biểu tượng quen thuộc đối với hơn một tỷ người dân Ấn Độ đại diện cho công lao và sáng tạo của Ông với đất nước và việc hoằng truyền chính pháp mãi cho tới ngày nay.

Tác giả: Thích Nữ Huệ Hằng - Học viện PGVN tại Tp.HCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 9/2020

-------------------

CHÚ THÍCH: 1. HT. Thích Minh Châu (2012), Kinh Trung Bộ, tập I, II, Nxb Tôn Giáo 2. HT. Thích Minh Châu (2012), Kinh Trường Bộ, Nxb Tôn Giáo 3. HT. Thích Minh Châu (1988), Tăng Chị Bộ Kinh, tập V, Trường CCPHVN, Cơ sở II ấn hành 4. Minh Châu, Thiện Châu, Huyền Vi và Pàsadika. Ðường về xứ Phật, (1964), VN 5. Thích Tâm Minh (2004), A Dục Vương, cuộc đời và sự nghiệp, Nxb Tôn Giáo 6. TT. Thích Chơn Minh. Tài liệu giáo khoa, HVPGTPHCM 7. Pháp Sư Thánh Nghiêm, Thích Tâm Trí dịch (2008), Lịch sử Phật Giáo Ấn Độ, Nxb Phương Đông 8. Trần Trúc Lâm (2007), Những Hộ Pháp Vương của Phật giáo trong lịch sử Ấn Độ, NXB Phương Đông 9. HT. Thích Thanh Kiểm (2006), Lược sử Phật Giáo Ấn Độ, Nxb Tôn Giáo 10. Trần Huyền Trang, Ts. Lê Sơn dịch (2007). Đại Đường Tây Vực Ký, Nxb Phương Đông 11. Trần Quang Thuận (2013), Nguyên Nhân Thăng Trầm Thịnh Suy Của Phật Giáo Ấn Độ, Nxb Hồng Đức, Nxb TpHCM 12. Nikaya Reading and Thingking. Kinh Tập, chương Ba - Ðại Phẩm (XI) Kinh Nàlaka (Sn 131). 13. Nikaya Reading and Thingking. Tiểu Bộ Kinh, Chương Một - Phẩm Rắn Uragavagga. (XII) Kinh ẩn sĩ (Sn 35).