Tác giả: Hồ Bảo Số 168 Nguyễn Công Trứ, P.Nguyễn Thái Bình, Q.1, Tp.HCM

Tóm tắt: Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là một tông phái thiền độc đáo xuất hiện ở Việt Nam vào thế kỷ XIII. Một trong những đặc trưng của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là sự hòa nhập của ba trường phái học thuyết: Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo (Tam giáo dung hợp). Nho giáo và Lão giáo đã đóng một vai trò đáng kể trong sự phát triển nội dung của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Bằng cách kết hợp những giáo lý này vào Thiền tông, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử tìm cách tạo ra một cách tiếp cận tâm thức toàn diện và cân bằng hơn.

Bài viết này tập trung nghiên cứu sự phát triển của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử vào thời nhà Trần (1225 - 1400) dựa trên sự kết hợp của Nho giáo và Đạo giáo đã tạo ra một cách tiếp cận độc đáo dựa trên những khía cạnh tốt nhất của mỗi tôn giáo.

Từ khóa: Trúc Lâm Yên Tử, Tam giáo dung hợp, Phật giáo Việt Nam

TRUC LAM YEN TU ZEN: A UNIQUE FORM OF ZEN BUDDHISM THAT INCORPORATES CONFUCIANISM AND TAOISM

Abstract: The Truc Lam Yen Tu Zen sect is a fascinating tradition that emerged in Vietnam in the 13th century. It is a distinctive Zen tradition, known for its unique approach to spirituality, which incorporates the teachings of Buddhism, Confucianism, and Taoism. This approach is known as “Three Religions Fusion”, and it aims to create a more comprehensive and balanced approach to spirituality. The integration of these three schools of thought into Zen is one of the defining characteristics of the Truc Lam Yen Tu Zen sect, and it has helped to shape its spiritual practices over the centuries. Confucianism and Taoism have played a crucial role in the development of the Truc Lam Yen Tu Zen sect. Confucianism emphasizes the importance of ethical conduct, education, and social harmony. It promotes the idea that individuals should strive to achieve personal excellence and contribute to society through their actions. Taoism, on the other hand, emphasizes the importance of living in harmony with nature, embracing simplicity, and cultivating a sense of inner peace. It encourages individuals to let go of their attachments to material possessions and to embrace a more holistic approach to life. By examining how the fusion of these three religions has created a unique approach to spirituality that draws on the best aspects of each religion, the article demonstrates how the Truc Lam Yen Tu Zen sect has created a distinctive spiritual approach based on the strengths of each religion.

Keywords: Truc Lam Yen Tu, Three Religions Fusion, Vietnamese Buddhism

1. Dẫn nhập

Vài nét về Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (TLYT). Thiền phái TLYT thành lập bởi vua Trần Nhân Tông (1258 - 1308) – người đã rời bỏ ngai vàng để trở thành một thiền sư Phật giáo và cống hiến cuộc đời mình cho việc thực hành và truyền bá Thiền tông Phật giáo tại Việt Nam. Vào thời nhà Trần (1225 – 1400), TLYT phát triển rực rỡ và sau này trở thành một trong những thiền phái có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Tuy nhiên, theo biến chuyển thời cuộc, TLYT đã bị suy tàn vào thời nhà Hậu âLê (1428 – 1789) và hầu như thất truyền vào giai đoạn Pháp thuộc (1858 – 1945). Có thể thấy, lịch sử TLYT đồng điệu với lịch sử dân tộc với truyền thống “Phật giáo đồng hành cùng dân tộc”. Cuối thế kỷ XX, TLYT được hồi sinh bởi chư tôn đức tăng ni nhiệt thành mà tiêu biểu là Hòa thượng Thích Thanh Từ, hiện nay dòng thiền này được gọi là “Trúc Lâm Yên Tử ngày nay” hay “Trúc Lâm Yên Tử đương đại”. Hiện tại, TLYT là một trong những thiền phái nổi tiếng nhất của Phật giáo Việt Nam, thu hút một lượng lớn tín đồ đến với TLYT để tu thiền kết hợp với nghiên cứu kinh điển và tìm hiểu về giáo lý đặc trưng của Trúc Lâm theo lối Thiền – Giáo song tu.

TLYT là một hình thái Thiền tông độc đáo có nhiều điểm đặc trưng, một trong số đó là tinh thần dung hợp. Ngay trong giai đoạn ban đầu, Trần Nhân Tông đã thành lập TLYT trên cơ sở tiêu dung ba dòng thiền có nguồn gốc từ bên ngoài, gồm Tì-ni-đa-lưu-chi (Vinitaruci), Vô Ngôn Thông và Thảo Đường. Trong quá trình phát triển, TLYT còn thể hiện chủ trương hòa hợp xa hơn, vượt ra khỏi việc tiêu dung các dòng thiền trong nội bộ Phật giáo để hướng đến dung hợp ba học phái lớn thời bấy giờ: Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo, việc này còn được gọi là “Tam giáo dung hợp” (Three Religions Fusion), lấy tư tưởng cho rằng ba tôn giáo Phật, Nho, Lão dùng một nguồn gốc (Tam giáo đồng nguyên) làm cơ sở giải thích. TLYT tiếp thu học thuyết về “Đạo” của Lão Tử và các nguyên tắc luân lý nhân nghĩa, trung dung của do Khổng Tử (sống vào thế kỷ VI TCN) đề xướng. Kết quả của chủ trương Tam giáo dung hợp đã giúp TLYT tạo ra một cách tiếp cận toàn diện về tâm linh phù hợp với cuộc sống hàng ngày của người dân Việt Nam.

Vài nét về Nho giáo và Đạo giáo. Nho giáo (Confucianism) là hệ thống triết học và đạo đức bắt nguồn từ Trung Quốc vào thời Xuân Thu (770–476 TCN) và thời Chiến Quốc (475 – 221 TCN). Đại diện tiêu biểu nhất của Nho giáo là Khổng Tử. Nho giáo nhấn mạnh việc tu dưỡng đạo đức cá nhân (ngũ thường) trong mối tương quan với các quy tắc quan hệ xã hội (tam cương). Học thuyết của Nho giáo đã có ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội và văn hóa Trung Quốc qua cách định hình tư tưởng và hành vi của người Trung Quốc. Sức lan tỏa của Nho giáo đã lan sang các khu vực khác của Đông Á, bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Tại các nước Á Đông này, Nho giáo tiếp tục ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền văn hóa bản địa. Nho giáo du nhập vào Việt Nam từ thời nhà Tây Hán (khoảng thế kỷ 1 TCN) và trở nên phổ biến vào thời nhà Trần và được coi là hệ tư tưởng chính thức của nhà nước Việt Nam trong thời nhà Hậu Lê.

Tại Việt Nam, Nho giáo đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình xã hội, đặc biệt là trong các lĩnh vực chính trị, giáo dục và phân tầng xã hội. Các học giả Nho giáo rất được kính trọng và thường giữ các chức vụ quan trọng trong các triều đình phong kiến Việt Nam. Nhìn chung, Nho giáo có tác động đáng kể đến văn hóa và xã hội Việt Nam và ảnh hưởng của Nho giáo vẫn còn đến tận ngày nay. Mặc dù có nhiều khác biệt về cứu cánh (mục đích tối hậu) và cách thực thực hành, song cả Nho giáo và thiền phái TLYT đều có chủ trương nhập thế, đề cao luân lý hiếu trung, tu thân, nuôi dưỡng trí tuệ và củng cố các giá trị đạo đức.

Đạo giáo (Taoism) là một truyền thống triết học và tôn giáo bắt nguồn từ Trung Quốc cổ đại có cơ sở học thuật chủ yếu dựa trên Đạo Đức Kinh – một tác phẩm kinh điển được cho là của Lão Tử (sống ở thế kỷ VI TCN). Khái niệm cơ bản trong Đạo giáo là “Đạo”, thường được dịch là “con đường”. “Đạo” đại diện cho trật tự tự nhiên của vũ trụ và Đạo giáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khiến bản thân tuân theo theo trật tự này. Đạo giáo đã có ảnh hưởng đáng kể đến văn hóa Trung Quốc, bao gồm nghệ thuật, văn học và triết học. Đạo giáo cũng đã lan sang các khu vực khác của Đông Á (trong đó có Việt Nam) và đã được thay đổi dưới nhiều hình thức khác nhau ở mỗi quốc gia. Đạo giáo du nhập vào Việt Nam từ cuối thế kỷ II thông qua con đường giao lưu văn hóa và thương mại của các thương nhân người Hoa. Đạo giáo dần trở nên phổ biến tại Việt Nam từ thời Lý – Trần kéo dài đến triều đại nhà Nguyễn (1802 – 1945). Tuy vậy, so với Phật giáo và Nho giáo lần lượt trở thành tôn giáo thống trị, Đạo giáo chưa từng có vị thế tương tự mặc dù đôi khi được nhiều vua phong kiến tin tưởng như Trần Dụ Tông (1336 – 1369) hay Lê Thần Tông (1607 – 1662). Về sau, Đạo giáo đã có một tác động đáng kể đến văn hóa Việt Nam bằng cách kết hợp các yếu tố Phật giáo, Nho giáo và tín ngưỡng dân gian bản địa hướng đến việc tu luyện nội tâm, tuân theo “Đạo” và hòa hợp với thế giới tự nhiên. Thực hành Đạo giáo được thể hiện qua thiền, phong thủy và y học cổ truyền, tu tiên hay luyện đan… được phổ biến rộng rãi tại Việt Nam. Giữa Đạo giáo và thiền phái TLYT đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào luyện tâm linh, tự giác ngộ và tu dưỡng tâm thức theo hướng xuất thế.

Như vậy, Nho giáo và Đạo giáo là hai trong số các truyền thống triết học và tôn giáo có ảnh hưởng nhất trong văn hóa Trung Quốc. Việc TLYT chủ trương kết hợp của Nho giáo và Đạo giáo đã phản ánh bối cảnh văn hóa và lịch sử Việt Nam trong việc tiếp thu ảnh hưởng của truyền thống Trung Quốc. Nhưng sự tiếp thu ảnh hưởng này có cải biến và bản địa hóa phù hợp với hòan cảnh đất nước và đặc trưng tính cách khoan hòa của con người Việt Nam.

2. Bối cảnh lịch sử dẫn đến kết hợp Nho giáo, Đạo giáo trong Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử

2.1. Bối cảnh lịch sử đất nước

Trong thời kỳ cuối nhà Lý (1009 – 1225), nước Đại Việt đã trải qua nhiều cuộc tranh chấp quyền lực và bị suy yếu nghiêm trọng, đặc biệt là trong triều đại vua Lý Huệ Tông (1194 – 1226) và vua Lý Chiêu Hòang (1218 – 1278). Tiếp nối những năm tháng cuối cùng hết sức rối ren của triều đại nhà Lý, giai đoạn đầu nhà Trần ghi nhận tình cảnh nước ta tồn tại nhiều bất ổn và xung đột chính trị (bên trong) cũng như nguy cơ chiến tranh (bên ngoài).

Bên trong, các xung đột chính trị xuất phát từ hàng loạt sự kiện độc đáo liên tiếp xảy ra trong xã hội Việt Nam thời bấy giờ như việc lên ngôi của một Hoàng đế nữ đầu tiên trong lịch sử (Lý Chiêu Hoàng), sự chuyển giao chính quyền từ họ Lý sang họ Trần và tình hình cát cứ của các thế lực như Đoàn Thượng, Nguyễn Nộn đã khiến cho lòng người trong nước phân tán. Mặt khác, chính quyền trung ương nhà Trần cũng phải đối mặt với nhiều thách thức từ chính sách thái ấp – điền trang. Mặc dù chính sách thái ấp – điền trang giúp nhà Trần xây dựng kinh tế tái kiến thiết đất nước, làm cho “quốc phú binh cường” song chính sách này cũng khiến chính quyền nhà Trần tại Thăng Long phải quan tâm đến nhiều rủi ro khi các vương tôn, quý tộc sở hữu các thái ấp rải rác khắp đất nước đã tổ chức và huấn luyện đội ngũ gia binh (vương hầu quân, sương quân) đông đảo.

Bên ngoài, ba đời vua đầu nhà Trần (từ Trần Thái Tông đến Trần Nhân Tông) đều gắn liền với ba lần chiến tranh chống Mông – Nguyên của đất nước Đại Việt. Mặc dù Mông – Nguyên là mối quan tâm lớn nhất thời bấy giờ, song, nếu không có sự đe dọa của quân Mông – Nguyên thì các thế lực lân cận khác như Đại Lý, Nam Tống hay Chiêm Thành cũng đặt ra nhu cầu đoàn kết nội bộ quốc gia để chuẩn bị cho các cuộc chiến tranh tiềm ẩn nguy cơ sẽ nổ ra.

Việc nhà Trần nắm quyền và thực hiện chính sách đoàn kết nội bộ đã giúp nước Đại Việt dập tắt được các phiến quân cát cứ và tổng hợp được sức mạnh quốc gia để đối phó với các thế lực cát cứ bên trong và hoạ ngoại xâm bên ngoài. Một trong những chính sách nhằm thực hiện đoàn kết dân tộc kháng chiến chống xâm lược đó là đoàn kết, thống nhất trên lĩnh vực tư tưởng, tôn giáo. Do đó, chính quyền đầu thời Trần luôn tìm cách thống nhất tư tưởng của người dân và tạo ra ý thức về bản sắc dân tộc giúp cho đất nước đứng vững trong thời kỳ đầy biến động. Sự dung hợp ba tôn giáo lớn Nho, Lão, Phật trong TLYT được coi là một hướng đi để đạt được mục tiêu này. Đặng Thị Đông (2022) nhận xét chủ trương dung hợp ba tôn giáo lớn là nguồn động lực mãnh mẽ giúp quân dân ta đoàn kết hòa hợp, đánh thắng quân xâm lược, xây dựng và phát triển đất nước[1].

Hơn nữa, nền kinh tế của Việt Nam dưới thời nhà Trần phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp, đòi hỏi phải quy tụ được đông đảo nông dân làm ruộng, khẩn hoang và khắc phục hậu quả thiên tai. Điều này cũng góp phần khiến chính quyền trung ương tìm kiếm và ủng hộ sự kết hợp Nho giáo, Đạo giáo trong TLYT để thúc đẩy sự thống nhất và hòa hợp tư tưởng trong xã hội Việt Nam, cũng là để tránh các mâu thuẫn tư tưởng không đáng có và chứa đựng nhiều rủi ro chia rẽ có thể gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với chính quyền và đất nước.

2.2. Bối cảnh lịch sử các tôn giáo

Đối với Phật giáo đã có mặt ở Việt Nam hàng thế kỷ trước khi TLYT được thành lập. Phật giáo đã hình thành trong xã hội Việt Nam một cơ sở tinh thần cho sự kết hợp của ba tôn giáo Phật, Nho, Đạo. Bản thân các học thuyết Nho giáo và Đạo giáo tồn tại nhiều giá trị không những giúp ích cho chính quyền phong kiến nhà Trần sớm thiết lập và ổn định sự cai trị của mình trên cả nước; mà còn phù hợp với các giá trị của TLYT ở một mức độ nhất định. Đối với Nho giáo, trước nhà Trần, chính quyền phong kiến nước ta đã sớm nhận ra giá trị Nho giáo đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình xã hội và văn hóa Việt Nam (đặc biệt là chủ nghĩa tôn quân quyền). Nho giáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng hình tượng “quân tử” với các nguyên tắc “trung quân, ái quốc” (trung thành với vua và yêu nước). Từ thời Lý Thái Tông (1000 - 1054), chính quyền có thông lệ tổ chức lễ minh thệ, vua quan cùng thề rằng “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần minh giết chết”[2]. Điều này cho thấy tư tưởng về trung, hiếu của Nho giáo đã đi vào đời sống chính trị và giúp sức cho chính quyền phong kiến Việt Nam. Do đó, cả hai triều Lý – Trần lần lượt vào các năm 1070 (đời vua Lý Thánh Tông), 1253 (đời vua Trần Thái Tông) và 1392 (đời vua Trần Thuận Tông) đều cho xây Văn Miếu, Quốc học viện đặt tượng thờ Chu Công, Khổng Tử.

Đạo giáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sống hài hòa với thiên nhiên và vũ trụ, tư tưởng này cũng được khéo léo đưa vào TLYT để thúc đẩy một cách tiếp cận toàn diện hơn đối với cuộc sống và tâm linh. Các thực hành Đạo giáo như thiền định và nuôi dưỡng sự bình an nội tâm phù hợp với cách thực hành thiền định trong TLYT. Ngay từ nhà Đinh (968 – 980) đã có các chức quan trông coi về Đạo giáo mà đứng đầu là Sùng chân uy nghi. Đến thời Lý, thông qua bài thơ “Tán Giác Hải thiền sư, Thông Huyền đạo nhân” của vua Lý Nhân Tông (1072 – 1127), ta biết tư tưởng coi trọng “nhất Phật, nhất thần tiên” (một bên là Phật, một bên là thần tiên) đã thể hiện thái độ của nhà Lý coi trọng lẫn Phật giáo và Đạo giáo, cả hai tôn giáo này đều có những điểm tương đồng như “thần thông kiêm biến hóa”. Sang thời Trần, vua quan nhà Trần một mặt củng cố sự độc tôn của Phật giáo, mặt khác cũng bày tỏ niềm tin đối với Đạo giáo ở một mức độ nhất định. Vua Trần Thái Tông (1218 – 1277) là một ông vua Phật tử, có đóng góp lớn tạo nền tảng hình thành TLYT đã tỏ ra tin vào học thuyết phong thủy của Đạo giáo, Đại Việt Sử ký toàn thư có nêu sự kiện vào năm 1248, vua lệnh cho các nhà phong thủy dùng phép thuật để trấn yểm chỗ nào có vượng khí đế vương trên khắp cả nước[3]. Mục đích của việc trấn yểm này là để ngăn chặn “vượng khí đế vương” nhằm để cơ nghiệp đế vương nhà Trần được tồn tại dài lâu. Chiếu của vua Trần Thuận Tông (1377 – 1400) ban năm 1398 cho chúng ta biết Trần Thuận Tông từ sớm đã ưa thích việc tìm hiểu huyền thuật Đạo gia[4]. Một số quan lại như Trần Nhật Duật (làm đến chức Thái sư dưới thời vua Trần Minh Tông) được lịch sử ghi nhận là một người rất hâm mộ huyền giáo và “mặc áo lông đội mũ, trông như đạo sĩ”[5]. Đến năm 1227, nhà Trần tiếp nối nhà Lý tổ chức thi “tam giáo tử” nhằm tuyển chọn quan lại tinh thông về Phật, Nho, Đạo giáo.

2.3. Sự kết hợp Nho giáo và Đạo giáo trong nội dung Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử

2.3.1. Xu thế kết hợp Nho giáo và Đạo giáo trước khi thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử

Trong mối quan hệ giữa ba tôn giáo này thì sự hòa hợp là xu thế chủ yếu, cả ba tôn giáo đều phát triển theo hướng thẩm thấu lẫn nhau, bổ sung với nhau và từng bước hòa hợp[6]. Những người đặt nền tảng thành lập thiền phái TLYT như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông,… đều thể hiện tinh thần tiếp thu, vận dụng nội dung Nho, Đạo trong việc truyền bá Phật pháp. Tinh thần này được Tuệ Trung Thượng Sĩ và các thiền sư giai đoạn đầu thiền phái TLYT kế thừa và phát triển.

Trần Thái Tông trong bài “Phổ khuyến phát bồ đề tâm” với trọng tâm kêu gọi phát bồ đề tâm (bodhicitta), tự thân tu sửa đạo đức theo tấm gương Đức Phật và các bậc chân tu, song rõ ràng tác phẩm này có dẫn lời dạy của Khổng Tử (Nho giáo) và Lão Tử (Đạo giáo), trong bài có đoạn “Khổng Tử viết: Triêu văn đạo, tịch tử khả hỷ. Lão Tử viết: Ngô sở dĩ hữu đại hoạn giả, vị ngô hữu thân”[7] (Khổng Tử nói: “Sớm nghe đạo chiều chết cũng vui.” Lão Tử nói: “Tôi sở dĩ có hoạn lớn, vì tôi có thân”). Trần Thái Tông gọi Khổng Tử, Lão Tử và Đức Phật Thích Ca là “tam thánh nhân” (ba bậc thánh nhân) thể hiện sự kết hợp giáo lý Phật, Nho, Lão dựa trên điểm tương đồng “khinh thân nhi trọng đạo” (xem thường thân mạng mà coi trọng đạo pháp). Cũng chính trong “Phổ khuyến phát bồ đề tâm”, Trần Thái Tông đã khẳng định “Cố Lục tổ hữu vân: Tiên đại thánh nhân dữ đại sư vô biệt. Tắc tri ngã Phật chi giáo, hữu giả tiên thánh dĩ truyền ư thế dã” (Cho nên Lục tổ có nói: bậc đại thánh và đại sư đời trước không khác gì nhau. Như thế là đại giáo của Đức Phật ta phải nhờ tiên thánh mà truyền lại cho đời).

Các giá trị Nho giáo như khát vọng về công danh và tấm lòng trung hiếu được Trần Thái Tông đề cao. Ông ca ngợi Trần Quang Khải “nhất đại công danh thiên hạ hữu, lưỡng triều trung hiếu thế gian vô” (Công danh một thuở còn bao kẻ/ Trung hiếu hai triều chỉ một ông). Các quan lại triều Nam Tống chạy nạn sang nước ta (sau khi nhà Nam Tống sụp đổ) cũng được Trần Thái Tông ca ngợi tấm lòng trung thành của họ, mà Trần Trọng Hưng là một ví dụ. Đối với hoàng tộc, Trần Thái Tông nhấn mạnh “huynh đệ đồng hưởng phú quý” (anh em chung hưởng giàu sang), “ưu tắc cộng ưu, lạc tắc cộng lạc” (chung nỗi lo, chung niềm vui). Trần Thái Tông cũng đề ra phương pháp sám hối “Nhất nhật tam tỉnh ngộ thân” (mỗi ngày tự xét mình ba lần) theo lời dạy Khổng Tử. Sự kết hợp Phật – Nho theo Trần Thái Tông, là sự kết hợp giữa cứu cánh và phương tiện, giữa lý luận Phật pháp và hình thức Nho gia nhằm hoằng dương chánh pháp (dĩ Nho nhập Thích).

Đối với nội dung Đạo giáo, trước khi thành lập TLYT, các thiền sư Việt Nam đã thể hiện lối tiếp thu tư tưởng “vô vi” của Đạo giáo. Thiền sư Pháp Thuận khi trả lời vua Lê Đại Hành về vận nước bằng bài thơ “Đáp quốc vương quốc tộ chi vấn” có nói “Vô vi cư điện các, xứ xứ tức đao binh”. Tư tưởng “vô vi” ở đây chính là tiếp thu tư tưởng “vô vi nhi trị”, “vô vi nhi vô bất vi” (không làm nhưng không gì không làm) của Đạo giáo (riêng Thiền tông Trung Quốc trước đó cũng có tư tưởng “Bất hành nhi hành” để chỉ những hành động không tác ý). Khi được hỏi về hành trạng của mình, Thiền sư Hiện Quang đáp “Vô vi cư khoáng dã/Tiêu đạo tự tại nhân” (Vô vi trong cõi rộng/Tiêu dao một tấm thân), tư tưởng vô một lần nữa được các thiền sư nhắc đến. Mặc dù Trần Thánh Tông tự nhận bản thân “tự tòng quán giốc nhập Thiền lưu” (từ lúc còn để tóc trái đào (ý nói từ thuở ấu thơ) đã nhập dòng Thiền) song ta vẫn thấy các biểu tượng Đạo giáo phảng phất trong các sáng tác của ông như “động Huyền thiên”, “Ngọc đế” trong bài “Đề Huyền Thiên Động”, “tiên châu” (châu thần tiên) trong “Hạnh Thiên Trường hành cung”.

Đến giai đoạn sáng lập TLYT, có thể thấy trong ba vị tổ đầu tiên của TLYT (Trúc Lâm Tam Tổ) thì có đến hai vị được lịch sử ghi nhận ngay từ nhỏ đều được tiếp cận với nền tảng giáo dục rộng cả tam giáo Phật-Lão-Nho. Sơ tổ Điều Ngự (Trần Nhân Tông) ngay từ khi còn là Thái tử đã được học với tướng lĩnh Lê Phụ Trần, “Thánh Đăng Ngữ Lục” cũng viết: “Bản chất Ngài (Điều Ngự) rất thông minh và hiếu học, có nhiều tài năng, xem khắp hết các sách, thông suốt cả nội điển lẫn ngoại điển (kinh sách của Nho giáo, Lão giáo,…)”[8]. Còn Tam tổ Huyền Quang có xuất thân Nho học rõ ràng khi đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ (Trạng nguyên) và nổi tiếng tài giỏi văn thơ. Đây cũng chính là cơ sở để các vị tổ khéo léo đưa giáo thuyết Nho giáo, Đạo giáo kết hợp với tư tưởng thiền học của TLYT trong hành trạng hoằng hóa độ sinh.

2.3.2. Kết hợp Nho giáo

Từ khi giành được độc lập sau thời kỳ Bắc thuộc, chính trị Việt Nam chứng kiến hoàn cảnh giới trí thức Nho giáo và tu sĩ Phật giáo cùng nhau tham chính. Hiện tượng “Phật Nho đồng dần” (Phật tăng và Nho sĩ cùng làm quan với nhau) tồn tại xuyên suốt được ghi nhận từ thời Đinh đến nhà Trần đã tạo cơ sở cho hai bên tiếp xúc, học hỏi nhau. Việc tầng lớp trí thức Phật – Nho thường xuyên tương tác và thường trực trên chính trường Việt Nam hoàn toàn khác với Đạo giáo vốn chỉ thể hiện vai trò một cách bất thường vào một vài dịp tình cờ như vua gặp bạo bệnh hay có giấc mơ lạ cần các đạo sĩ dùng huyền thuật trị bệnh hay giải mộng. Mặt khác, đội ngũ quan lại xuất thân Phật – Nho tham gia vào việc quyết định trực tiếp đến đường lối chính sách cai trị đất nước và vận mệnh quốc gia cũng là nguyên nhân để hai bên tôn giáo này, ở một chừng mực nào đó, buộc phải tiếp thu ý thức hệ của bên kia nhằm đạt được đồng thuận cao trong các quyết sách chính trị. Ngoài ra, về mặt văn tự các tăng sĩ  phải sử dụng chữ Hán để truyền đạo. Trong mối quan hệ tương tác qua lại đó, theo Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (2018), “Nho phải nhờ Phật để phát triển, chính trị cần sự giúp đỡ của tôn giáo thì ngược lại, Phật cũng nhờ Nho, nhờ đến phương tiện vật chất dồi dào của chính quyền để hoằng dương Phật pháp”[9].

Như đã trình bày, Nho giáo cung cấp cho xã hội Việt Nam nói chung và thiền phái TLYT nói riêng một ý niệm về trách nhiệm phụng sự xã hội, hay còn gọi là tư tưởng dấn thân, “nhập thế” để cải tạo và làm cho xã hội được thịnh trị. Các thiền sư Yên Tử như Tuệ Trung Thượng Sĩ Mặc dù cũng có lúc quyết ý “khôi khước lợi danh hề triều thị” (Nguội lạnh lợi danh với triều chính) song ông vẫn giữ được tư thế “thiều thiều khoát bộ nhập trần lai” (xăm xăm rộng bước đi vào chốn cát bụi). Ta thấy tư tưởng nhập thế của Trần Nhân Tông tại “sinh vô bổ thế trượng phu tàm” (Sống mà không giúp gì cho đời là điều đáng thẹn của kẻ trượng phu) trong “Họa thơ Kiều Tiên Lãng”. Việc ba đời vua quan Phật tử nhà Trần (nhất là Tuệ Trung Thượng Sĩ và Trần Nhân Tông) tích cực tham gia kháng chiến chống Mông – Nguyên càng chứng minh cho tinh thần nhập thế. TLYT nhấn mạnh “Tâm tức Phật, Phật tức tâm” (Tâm là Phật, Phật trong tâm). Riêng cá nhân Trần Nhân Tông, sau khi rời bỏ cung vàng điện ngọc để tu hành hạnh đầu đà (dhūta), ngài vẫn đóng vai trò cố vấn cho con trai (vua Trần Anh Tông) trong việc điều hành đất nước.

Thiền phái TLYT còn kết hợp Nho giáo thông qua việc nhấn mạnh vào giáo dục và học tập, ta biết Nho giáo đề xưởng dùng giáo dục, khoa cử và học tập suốt đời như một cách để trau dồi đạo đức. Cả đời Khổng Tử đề cao việc học với tinh thần “học nhi bất yếm” (học không biết mệt mỏi) và chính ông cũng là tấm gương sáng trong việc học tập suốt đời. Trong “Cư trần lạc đạo phú” nổi tiếng, Trần Nhân Tông cũng cho rằng “Ngay thờ chúa, thảo thờ cha/ Thi đỗ mới trượng phu, trung hiếu” và “xót mẹ cha, nhờ thầy học đạo”.

2.3.3. Kết hợp Đạo giáo

Nếu như sự gặp gỡ giữa Thiền tông nói chung (và TLYT thời Trần nói riêng) và Nho giáo diễn ra chủ yếu tại chính trường, chủ yếu xoay quanh việc dân, việc nước thì Thiền tông và Đạo giáo lại giao thoa mạnh mẽ ở ý chí xuất trần (vượt thế gian). Như trên đã phân tích, Nho giáo cung cấp cho TLYT một khuôn khổ thể chế ổn định và đội ngũ trí thức thuận lợi cho việc truyền đạo nhưng lại có thái độ bài bác Phật giáo, tiêu biểu là các nhà Nho như Trương Hán Siêu, Lê Quát,… phê phán Phật giáo là mê tín, dị đoan. Về điểm này, giữa Phật giáo và Đạo giáo có sự đồng cảm nhất định. Ở Đạo giáo, TLYT đã kết hợp những tư tưởng siêu việt về vô vi, chân như, thần tiên… ở mặt nào đó, chúng tỏ ra phù hợp Phật giáo Bắc truyền và ủng hộ Thiền tông TLYT.

Trước tiên, đối với lý “vô vi”, Tuệ Trung Thượng Sĩ dùng hình ảnh “Người gỗ vào biển hát vô sinh/ Gái đá xuyên mây thổi tất lật” để nói đến tâm duy tác của trí giác ngộ. Viên Minh (2022) giải thích điều Tuệ Trung Thượng Sĩ nói đến trong hình ảnh trên tương tự như Lão Tử nói “Vô vi nhi vô bất vi”[10]. Nguyễn Huỳnh Bích Phương cho rằng “vô vi” còn thể hiện thái độ “tôn trọng tự nhiên, coi trọng sự hòa hợp, thống nhất giữa con người và tự nhiên”[11]. Hiểu theo cách này thì quan điểm “vô vi” của Lão Tử (hay “thuận thiên tính” của Trang Tử) cũng được Tuệ Trung Thượng Sĩ bày tỏ qua “Sinh tử do lai bãi vấn trình/ Nhân duyên thời tiết tự nhiên thành” (Sống chết về đâu chớ hỏi quanh/ Nhân duyên thời tiết tự nhiên thành) trong bài “An định thời tiết”. Trong “Cư trần lạc đạo phú”, mặc dù nội dung cốt yếu của bài phú này đề cao Phật pháp, song Trần Nhân Tông cũng đề cập đến “thượng giới”, “ngỏ vô vi” của Đạo giáo.

Quan điểm “vô sinh hữu” (“không” sinh “có”) của Đạo gia được thấy trong các tác phẩm của Tuệ Trung Thượng Sĩ, qua “tòng vô hiện hữu, hữu vô thông” (từ “không” hiện “có”, “có” và “không” thông suốt với nhau) hay “không hữu bất tương sai” (“không” và “có” vốn không cách biệt nhau). Tuệ Trung Thượng Sĩ còn tương đồng với Đạo giáo ở điểm “bất khả thuyết” (không thể diễn tả) về cứu cánh của con đường mình theo đuổi. Trong “Phật tâm ca”, Tuệ Trung Thượng Sĩ viết: “Phật! Phật! Phật! bất khả kiến!/Tâm! Tâm! Tâm! bất khả thuyết!” (Phật! Phật! Phật! không thể thấy!/ Tâm! Tâm! Tâm! không thể nói!). “Phật” và “Tâm” là các phạm trù tối hậu của thiền môn mà Tuệ Trung Thượng Sĩ cho rằng không thể diễn tả. Còn đối với Lão Tử, “Đạo Đức Kinh” ngay từ những dòng đầu tiên có viết: “Đạo khả đạo, phi thường đạo/ Danh khả danh, phi thường danh.” (Đạo có thể gọi được, không phải là Đạo "thường" Danh có thể gọi được, không phải là danh "thường"). Lão Tử còn nhấn mạnh “Ngô bất tri kỳ danh, tự chi viết Đạo” (Ta không biết tên, đặt tên chữ đó là Đạo). Như vậy, lý luận của TLYT thể hiện ở quan điểm của Tuệ Trung Thượng Sĩ tỏ ra tương đồng và khế hợp với quan điểm không thể diễn tả được “Đạo” và “Phật”.

Tiếp đến, ta thấy Đạo giáo chủ trương “Hòa kỳ quang, đồng kỳ trần” (hòa với ánh sáng, đồng với cát bụi), điều này đi vào nhận thức TLYT với tinh thần “hỗn tục hòa quang” (lẫn cùng thế tục, hòa cùng ánh sáng) của Tuệ Trung Thượng Sĩ mà Trần Nhân Tông tán dương trong “Thượng sĩ hành trạng” hay thái độ “Cư trần lạc đạo” (Thân tại thế gian mà vui với đạo) của chính Trần Nhân Tông. Trước đó, Thiền sư Trường Nguyên cũng bày tỏ “Tại quang tại trần, thường ly quang trần” (Tại ánh sáng và cát bụi mà lìa ánh sáng và cát bụi).

Cuối cùng, ảnh hưởng bởi phong thái thần tiên, thoát tục của Đạo giáo, Tuệ Trung Thượng Sĩ cũng có lần bày tỏ muốn “thế ngoại du” (rong chơi ngoài cõi thế) trong bài “Xuất trần”, tương tự ý chí xuất thế, đăng tiên của Đạo gia. Tương tự cha (Trần Thái Tông) và thầy (Tuệ Trung Thượng Sĩ), trong các sáng tác của Trần Nhân Tông cũng nhắc đến hình tượng trong tín ngưỡng thần tiên của Đạo giáo như “thượng đế”, “Thái Thanh” trong bài “Động Thiên hồ thượng”, “tiên cung” (cung tiên) trong bài “Thiên Trường Phủ”. Đặc biệt, sự kết hợp các hình tượng Phật – Lão (thập nhị lâu đài, tam thiên thế giới, tăng bạch đầu, tham Phật sự) cùng xuất hiện trong cùng một bài thơ (như “Đại lãm Thần Quang tự”) cho thấy tư tưởng khoan hòa dung hợp đối Đạo giáo. Không chỉ dừng lại ở việc dung hòa các hình tượng tín ngưỡng, Trần Nhân Tông còn tiếp thu các quan điểm lý luận về “thuận thiên tính” của Lão – Trang, Ngài bày tỏ mối lo “Giả nhĩ vi nô/ Khủng phi thiên tính” (Sợ làm trái “thiên tính” khi buộc ai đó làm nô lệ cho mình). Ở “Đắc thú Lâm Tuyền thành đạo ca” ta lại thấy một Trần Nhân Tông tiêu dao, khoáng đạt “Công danh chẳng trọng/ Phú quý chẳng màng” bỏ mặc thế sự để “Kiếm chốn dưỡng thân; Khuất tịch non cao, Náu mình sơn dã” của Đạo gia, Mặc gia[12]. Nhưng tâm thái tiêu dao hay tinh thần lập “mệnh” đó dĩ nhiên vẫn là để xướng họa phụ trợ cho tâm thức Phật giáo với “thân lòng hỷ xả”, ý chí “học đòi chư Phật” hay cảnh giới “giác tính quang quang” của thiền tông Phật giáo TLYT. Phong thái tự tại đó được tái hiện ở “vong thân, vong thế, dĩ đô vong” (quên mình, quên đời, đều quên cả) trong bài “Cúc hoa” (Hoa cúc) của tổ Huyền Quang. Tổ Huyền Quang trong “Tặng sĩ đồ tử đệ” lại cho rằng “phú quý phù vân” (giàu sang như mây). “Vịnh Vân Yên tự phú” của Tổ Huyền Quang nhắc đến “gió tiên đưa đòi bước thần tiên”.

2.4. Vai trò của sự kết hợp Nho giáo, Đạo giáo đối với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và văn hóa đạo đức Việt Nam

2.4.1. Đối với sự phát triển Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử

Chủ trương Tam giáo dung hợp của TLYT trước hết đã tác động trực tiếp đến hệ thống lý luận và đường lối xiển đạo của thiền phái này. Nho giáo nhấn mạnh đạo đức, luân lý và trách nhiệm xã hội, trong khi Đạo giáo nhấn mạnh sự hài hòa với thiên nhiên và sự tu luyện của sự cân bằng bên trong. Thiền phái TLYT đã tạo ra một phương thức thực hành tâm linh không chỉ tập trung vào sự giác ngộ cá nhân mà còn về trách nhiệm xã hội và sự hòa hợp với thế giới xung quanh chúng ta. Chẳng hạn như TLYT đề cao tinh thần nhập thế, Phật giáo không tách rời khỏi thế gian, không sa vào chủ nghĩa yếm thế.

Đối với sự phát triển của TLTY, việc tích hợp các nguyên tắc Nho giáo và Đạo giáo vào Thiền cung cấp cho các tu sĩ và tín đồ TLYT các phương tiện độc đáo để trau dồi chính niệm và đạt được giác ngộ. Trên bước đường hóa độ chúng sinh, không phải lúc nào Phật giáo cũng dễ dàng thâm nhập vào xã hội bản địa mà thường xuyên gặp phải sự phản đối và hòai nghi từ những người đã quen thuộc trong truyền thống Nho giáo và Đạo giáo. Để vượt qua trở ngại này, Phật giáo đã thích nghi với phong tục và tín ngưỡng địa phương, kết hợp các yếu tố của Nho giáo và Đạo giáo vào giáo lý của mình. Bằng cách kết hợp các yếu tố của Nho giáo và Lão giáo, thiền phái TLYT tạo ra một cầu nối giữa các truyền thống này và Phật giáo, làm cho nó trở nên dễ tiếp cận và phù hợp hơn với mọi tầng lớp người dân Việt Nam.

Quá trình “Tam giáo dung hợp” cho thấy yếu chỉ và phương pháp thực hành của mỗi tôn giáo không trộn lẫn hoàn toàn với nhau mà giữ được những nét riêng biệt trong sự hài hòa. Trong quá trình dung hợp Nho giáo, Đạo giáo, thiền phái TLYT tích cực cải biến những nội dung Nho – Đạo phù hợp với giáo thuyết của TLYT. Đồng thời cũng hạn chế, thậm chí là bài bác những tư tưởng không thực sự phù hợp với đường lối tu học của TLYT nhằm giữ được bản sắc đặc trưng của dòng thiền chính tông Việt Nam, cũng chính là nguyên tắc “hòa nhập nhưng không hòa tan”. Tuệ Trung Thượng Sĩ không đồng tình với con đường tìm kiếm sự trường sinh của các đạo sĩ Đạo gia, trong bài “Hoạ huyện lệnh”, ông cho rằng “Tiểu căn dục vấn trường sinh dược/ Tác giả na cầu bất tử phương.” (Kẻ căn cơ thấp kém mới hỏi thuốc trường sinh/ Bậc đại đức thì tìm làm gì phương thuốc bất tử). Dựa trên nền tảng thiền tông (tự độ), Trần Nhân Tông cũng cho rằng người giác đạo “hà tất mịch thần tiên” (cần chi phải tìm đến thần tiên) trong “Thiên Trường Phủ”.

Đối với các hạn chế xuất phát từ sự cứng nhắc, bảo thủ của Khổng Nho, TLYT cũng có đường lối vận dụng phù hợp với đặc trưng riêng của mình. Điển hình như trong khi Nho gia đề cao lễ, xem lễ là một phần tính cách quan trọng của quân tử và là công cụ ổn định xã hội thì Tuệ Trung Thượng Sĩ cho rằng tùy vào hòan cảnh mà ứng xử cho đúng mực mà không nhất thiết phải y cứ vào lễ. Trong bài “Vật bất năng dung”, ông viết “Khỏa quốc hân nhiên tiện thoát y/ Lễ phi vô dã, tục tùy nghi.” (Đến xứ cởi trần cứ vui vẻ mà bỏ áo/ Không phải là quên lễ, chỉ tùy theo thói tục mà thôi). Trần Nhân Tông một mặt hết sức đề cao các tấm gương thực hành đạo đức Nho giáo như Hán Văn Đế, Đường Thái Tông (trong bài “Mai”) nhưng lại xem thường danh lợi thế tục, ông viết “Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn” (Lòng danh lợi đã lạnh theo trận mưa đêm). Trong “Khuyến xuất gia tiến đạo ngôn”, tổ Pháp Loa cũng nhắc nhở mục đích quan trọng nhất của người tu vẫn là “tu đạo tinh tiến” chứ đừng sa vào cảnh “khẩu thuyết xuất gia, tâm hành thế nghiệp” (miệng nói xuất gia, lòng cầu nghiệp đời) hay “cầu thanh cầu danh” (tìm cầu danh tiếng).

2.4.2. Đối với sự phát triển văn hóa đạo đức Việt Nam

Nghiên cứu của Nguyễn Tài Đông (2013) chỉ ra “Về mặt văn hóa và tư tưởng, nếu cố chấp vào một khuôn mẫu thì sẽ bị đào thải. Ngược lại, bao dung về tư tưởng và văn hóa sẽ đưa lại cách nhìn tiến bộ và cởi mở”[13]. Trần Nghĩa (2010) cho rằng “Phật, Nho, Lão từ chỗ quay lưng lại với nhau, cuối cùng đã kết thành một mạng lưới tạo nên sức mạnh vì mục đích nhân văn, vì cuộc sống con người”[14]. Xuất phát từ việc thừa nhận và tôn trọng bối cảnh văn hóa và lịch sử mà Phật giáo đã phát triển ở Việt Nam, thiền phái TLYT có sự kết hợp Nho giáo, Đạo giáo đã trở thành chỗ dựa tinh thần chủ đạo của nhân dân ta.

Hơn nữa, việc kết hợp Nho giáo và Đạo giáo của thiền phái TLYT đã khẳng định xu thế “Tam giáo dung hợp” diễn ra tại Việt Nam là hoàn toàn khách quan và khác biệt so với xu thế “Tam giáo nhất đồng” (三教一同)[15] diễn ra tại Trung Quốc từ thời Tùy – Đường (581 – 907). Từ đó, góp phần củng cố cho nền văn hiến độc lập của dân tộc, khẳng định chủ quyền quốc gia trên mặt trận văn hóa không phụ thuộc hay lai căng từ nước ngoài. Sự khác biệt này diễn ra chủ yếu tập trung vào tôn giáo thống trị của mỗi quốc gia.

Ở Trung Quốc, Nho giáo được coi là tôn giáo thống trị và các quy tắc Nho học được áp dụng vào mọi khía cạnh của cuộc sống, bao gồm chính trị, giáo dục và đạo đức. Trong quá trình “Tam giáo nhất đồng”, các tôn giáo khác như Đạo giáo và Phật giáo được coi là học thuyết bổ sung, cung cấp thêm các quan điểm phụ trợ và lối thực hành nghiêng về tâm linh. Còn tại Việt Nam thời Trần, thiền phái TLYT là dòng tư tưởng chủ đạo đã dung hợp Nho giáo, Đạo giáo vào nội dung thiền phái này một cách tự nhiên, khách quan. Sự dung hợp tự nhiên này dẫn đến một sự tổng hòa dựa trên những điểm mạnh của mỗi tôn giáo, tạo ra một cách tiếp cận toàn diện và cân bằng. Ngoài ra, trong khi “Tam giáo nhất đồng” ở Trung Quốc hướng đến sự kết hợp cả ba tôn giáo Phật, Nho, Lão vào văn hóa bản địa Trung Hoa thì thiền phái TLYT ở Việt Nam lại chú trọng đến sự dung hợp Nho – Lão vào thiền tông Phật giáo. Do đó, mặc dù cách hiểu về quá trình kết hợp tam giáo tương tự giữa hai nước, song mục đích và cách thức kết hợp lại khác biệt.

Không những kết hợp Nho giáo và Đạo giáo vào thiền phái TLYT, Trần Nhân Tông còn có các biểu hiện của tinh thần kiêm ái Mặc gia thông qua câu “Càn khôn kiêm ái vô Nam, Bắc” trong bài “Tặng Bắc sứ Lý Tư Diễn” hay “Nhất thị đồng nhân thiên tử đức” trong bài “Hoạ thơ Kiều Tiên Lãng”. Sự kết hợp Nho giáo, Đạo giáo và các tư tưởng khác trong nội dung thiền phái TLYT giúp mảnh đất văn hóa Việt Nam thêm đa dạng, trù phú. Nhiều đền chùa Việt Nam kết hợp các yếu tố Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo, phản ánh lịch sử tôn giáo và văn hóa phong phú của đất nước. Về sau, các tín ngưỡng thờ Mẫu, Tứ phủ cũng là một trường hợp khác về tiếp thu, giao thoa tam giáo. Sự dung hợp tam giáo nội dung thiền phái TLYT cũng có tác động không nhỏ đến văn hóa đạo đức Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và triết học. Thiền phái TLYT đã tạo ra vô số tác phẩm văn học, bao gồm cả thơ và văn xuôi, phản ánh sự hòa nhập các nguyên tắc Nho giáo và Đạo giáo vào Thiền.

3. Kết luận

Sự thành lập và phát triển thiền phái TLYT trong giai đoạn nhà Trần gắn liền với xu thế Tam giáo dung hợp, trong đó Nho giáo đóng vai trò xây dựng, củng cố chế độ phong kiến tập quyền, chuyên chế; còn Phật giáo, Đạo giáo giải quyết vấn đề về đời sống tinh thần, tâm linh. Thiền phái TLYT đã thể hiện sự kết hợp độc đáo giữa Nho giáo và Đạo giáo khiến nó khác biệt với các thiền phái Phật giáo khác. Thông qua các tác phẩm thiền học của thiền phái TLYT, bài viết trình bày một số biểu hiện của sự kết hợp Nho giáo, Đạo giáo trong nội dung thiền phái TLYT. Ngoài ra, sự dung hợp Tam giáo của thiền phái TLYT đã góp phần phát triển nền triết học và đạo đức Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực đạo đức và trách nhiệm xã hội, khuyến khích các cá nhân hành thiện tích đức và chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Tác giả: Hồ Bảo Số 168 Nguyễn Công Trứ, P.Nguyễn Thái Bình, Q.1, Tp.HCM ***

Tài liệu tham khảo Đặng Thị Đông, (2022), “Giới thiệu sơ lược về tam Tổ Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam”, Tạp Chí Khoa học Và Công nghệ Việt Nam, 64, 4, tr. 60 – 64; Lương Chí Minh, (1998), “Bàn về Nho giáo ở Việt Nam”, Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ Nhất, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội; Nguyễn Huệ Chi, (1988), Thơ văn Lý – Trần, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội; Nguyễn Huỳnh Bích Phương, (2018), “Quan niệm về mối quan hệ con người – tự nhiên trong triết học Đạo gia và ý nghĩa của nó”, Tạp chí Khoa học - Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, 15, 5, tr. 111-120; Nguyễn Tài Đông, (2013), “Tam giáo đồng nguyên và tính đa nguyên trong truyền thống văn hóa Việt Nam”, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, 5, 66, tr. 35 – 43; Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, (2018), “Hiện tượng tam giáo đồng nguyên thời Trần - Nhìn từ nguồn gốc và những phương diện biểu hiện”, Tạp chí Khoa học - Đại học Quảng Nam, 07, tr. 25-33; Trần Nghĩa, (2010), “Quá trình hội nhập Nho - Phật - Lão hay sự hình thành tư tưởng "Tam giáo đồng nguyên" ở Việt Nam”, Tạp chí Triết học, 01, tr. 23-30; Viện Khoa học xã hội Việt Nam, (1998), Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – Tập I, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội; Viện Khoa học xã hội Việt Nam, (1998), Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – Tập II, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội; https://phatgiao.org.vn/vo-vi-nhi-vo-bat-vi-d56995.html truy cập lúc 12 giờ 00 ngày 24/02/2023.

Chú thích: [1] Đặng Thị Đông, (2022), “Giới thiệu sơ lược về tam Tổ Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam”, Tạp Chí Khoa học Và Công nghệ Việt Nam, 64, 4, tr. 62 [2] Viện Khoa học xã hội Việt Nam, (1998), Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – Tập I, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 251 [3] Viện Khoa học xã hội Việt Nam, (1998), Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – Tập II, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 22 [4] Viện Khoa học xã hội Việt Nam, (1998), Sđd, tr. 194 [5] Viện Khoa học xã hội Việt Nam, (1998), Sđd, tr. 120 [6] Lương Chí Minh, (1998), “Bàn về Nho giáo ở Việt Nam”, Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ Nhất, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr. 239 [7] Nguyễn Huệ Chi, (1988), Thơ văn Lý – Trần, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 58 [8] Đặng Thị Đông, (2022), tlđd, tr. 62 [9] Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, (2018), “Hiện tượng tam giáo đồng nguyên thời Trần - Nhìn từ nguồn gốc và những phương diện biểu hiện”, Tạp chí Khoa học - Đại học Quảng Nam, 07, tr. 29 [10] https://phatgiao.org.vn/vo-vi-nhi-vo-bat-vi-d56995.html truy cập lúc 12 giờ 00 ngày 24/02/2023 [11] Nguyễn Huỳnh Bích Phương, (2018), “Quan niệm về mối quan hệ con người – tự nhiên trong triết học Đạo gia và ý nghĩa của nó”, Tạp chí Khoa học - Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, 15, 5, tr. 117 [12] Ngoài ra, những tư tưởng “an thân lập mệnh” Nho giáo cũng được ngài điểm qua trong tác phẩm này. [13] Nguyễn Tài Đông, (2013), “Tam giáo đồng nguyên và tính đa nguyên trong truyền thống văn hóa Việt Nam”, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, 5, 66, tr. 41 [14] Trần Nghĩa, (2010), “Quá trình hội nhập Nho - Phật - Lão hay sự hình thành tư tưởng "Tam giáo đồng nguyên" ở Việt Nam”, Tạp chí Triết học, 01, tr. 30 [15] Còn được gọi là “Tam giáo nhất quán” (三教一貫) hoặc “Tam giáo hợp nhất” (三教合一).