Tác giả: Pháp Vương Tử

1. Lý tưởng Bồ Tát trong Phật giáo Đại Thừa, được ví như cỗ xe lớn. Đây là một trong hai tông phái của đạo Phật - Tông phái kia là Tiểu thừa (cỗ xe nhỏ). Để tránh những cách hiểu sai biệt về các THỪA (cỗ xe lớn, nhỏ), chúng ta cũng cần hiểu về chữ "Đại thừa""Tiểu thừa" để có cái nhìn NHƯ THẬT, "đúng như nó là" của cả hai bộ phái này!

.....Như chúng ta đã biết qua giáo sử, sau khi đức Phật Thích Ca nhập diệt thì tư tưởng của Ngài được phân chia thành hai bộ phái sau bốn kỳ đại hội nhằm kết tập LỜI PHẬT DẠY - đó là Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ. Thượng tọa bộ có trước, phát triển ở phía nam Ấn Độ nên gọi là Nam tông, thuộc Phật giáo Nguyên Thủy - Tiểu thừa. Đại chúng bộ có sau Thượng tọa bộ - Bởi mãi đến thế kỷ thứ I trước Tây lịch và thế kỷ I sau Tây lịch, Đại chúng bộ tức Đại thừa mới xuất hiện và những thế kỷ sau phát triển thành một học phái hoàn chỉnh, vì Đại thừa phát triển ở bắc Ấn Độ nên gọi là Bắc Tông và cũng được gọi là PHẬT GIÁO PHÁT TRIỂN.

Rồi mỗi tên gọi của Tông phái dù có mang dấu ấn khác nhau về tư tưởng và các pháp hành nhưng đều xuất phát tại Ấn Độ và cũng đều bắt nguồn từ đức Giáo chủ, Phật Thích Ca – Mâu Ni. Tuy nhiên, Kinh điển Đại thừa do được thành lập sau so với Kinh điển Tiểu thừa nên đã nảy sinh sự hoài nghi, kinh Đại thừa không phải do Phật thuyết?

.....Ta thấy, hiện nay Phật giáo trên thế giới vẫn giữ nguyên hai truyền thống lớn, đó là Phật giáo Tiểu thừa (Nam tông - nguyên thủy) và Phật giáo Đại thừa (Bắc tông - phát triển), mà khởi nguồn đó là Thượng tọa bộ (Tiểu thừa) và Đại chúng bộ (Đại thừa).

Kinh tạng Tiểu thừa (Nam tông - nguyên thủy) cũng được gọi là Kinh tạng NIKÀYA bằng ngôn ngư PÀLI, Kinh tạng Đại thừa (Bắc tông - phát triển) ngoài A HÀM, tương đương với NIKÀYA còn có rất nhiều Kinh điển khác như: Hoa nghiêm, Bảo tích, A Di Đà.... sử dụng ngôn ngữ chủ yếu là Sanskrit, Hán ngữ và Tạng ngữ.

Các bậc thiện trí thức, những nhà nghiên cứu Phật học từ mấy mươi thế kỷ nay đều đã xác định: Mặc dù Đại thừa được thành lập về sau so với Tiểu thừa, nhưng cả hai đều đồng nhất về giáo lý căn bản và đều bắt nguồn từ bậc Đại đạo sư. Giáo pháp cơ bản của Tiểu thừa chỉ gồm: Tứ diệu đế, mười hai nhân duyên, thuyết vô ngã và luật Nhân quả nghiệp báo. Còn pháp tu hành của Tiểu thừa dựa trên Bát chính đạo là "con đường tám nhánh" để thâm ngộ chân lý cuối cùng là Tứ diệu đế. Giới luật của Tiểu thừa hoàn toàn dựa vào LUẬT TẠNG. Trong A Tỳ Đạt Ma, Tiểu thừa dựa trên kinh tạng để phân tích và hệ thống giáo lý của đức Phật, không coi trọng phát triển kinh tế, cải thiện đời sống vật chất, các lý luận triết học không đóng vai trò quan trọng mà chỉ chú trọng đến "tịnh tu", sống "viễn ly", tìm cầu sự đạm bạc, giản dị, đề xuất tư tưởng thanh bần, vì cho rằng: giản dị mới là tu hành, đạm bạc mới là hữu đạo.

Phật giáo Tiểu thừa do phát triển từ Nam Ấn Độ trở xuống nên cũng gọi là Nam tông; Khi truyền xuống các nước Nam Á như Tích Lan (Sirylanca), Thái Lan, Myanma, Lào, Campuchia....gọi là PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY.

Sau giáo pháp sơ cấp cho hàng Tiểu thừa, đức Phật mới tuyên dương giáo pháp toàn vẹn hơn, đó là giáo pháp Đại thừa (cỗ xe lớn). Lịch sử xiển dương Đại thừa Phật giáo thời nhà Đường - Trung Quốc là việc Đường Tăng xuất hành TÂY DU thỉnh kinh Đại thừa tại Phật quốc Ấn Độ, bởi trước đó Phật giáo thời nhà Đường cũng chủ yếu là theo Tiểu thừa - Nam tông.

Dẫu giáo pháp Tiểu thừa, Đại thừa..., cho tới Phật thừa, là "cỗ xe Phật" chăng nữa thì nó cũng "KHÔNG HAI" vì đều "là nước trong đại dương chỉ có cùng vị mặn, uống một ngụm cũng đủ mùi vị của cả trăm sông" như lời đức Phật từng khai thị trong các bộ kinh.

Sở dĩ Đại thừa (Bắc tông) cũng gọi là Phật giáo phát triển, được cho là "Có đủ khả năng cứu vớt chúng sinh ra khỏi bể khổ” là bởi nó đã xây dựng tư tưởng Bồ - tát và thực hành giáo lý theo tư tưởng này. Nhưng khi Phật còn tại thế, không có nhu cầu đặt ra những lý thuyết hay triển khai những ý kiến quan niệm về “Bản chất của Bồ-tát đạo”. Sách vở viết về Bồ tát đạo cũng ra đời khá muộn, mặc dù lý tưởng Bồ tát cũng không phải là những “phát minh” của những thế kỷ sau khi Phật nhập Niết bàn nhưng những lý tưởng Bồ tát đã được thể hiện qua câu chuyện TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT của Phật giáo Tiểu thừa - Nguyên thủy đã có ảnh hưởng rất lớn trong văn hóa Phật giáo, thể hiện trong văn chương, hội họa, điêu khắc.

Đức Phật đã soi sáng con đường Bồ tát bằng chính tấm gương cuộc đời của Ngài.

Vì thế ý nghĩa của Bồ - tát đạo chính là đặc trưng của Phật giáo Đại thừa, là con đường tiến hóa siêu việt của một con người trên đường đạt quả vị Phật nhưng lại không đi tìm sự giác ngộ cho riêng mình mà giúp người khác cũng được giác ngộ như mình, chỉ đường cho người khác TỰ CHỮA BỆNH mà hình ảnh tiểu biểu của một Bồ tát lịch sử chính là đức Phật Thích ca - Mâu ni.

Đức Phật đã chứng đắc quả vị Phật, cũng gọi là quả vị TOÀN GIÁC với pháp tu ở hàng Tiểu thừa. Rồi sau 21 ngày vui Niết Bàn nơi cội Bồ đề, đức Phật đã có ý niệm nhập diệt ngay; bởi khi đó Ngài quán chiếu thế gian bằng "cái thấy" của TUỆ GIÁC chứ không phải cái thấy của phàm nhân nữa. Sự kiện này được thể hiện trong KINH THÁNH CẦU (Kinh số 26 - Trung bộ I. Hòa thượng Thích Minh Châu dịch), Kinh ghi lại sự phân vân do dự của đức Thế tôn trước khi chuyển bánh xe Pháp, cũng gọi là "chuyển pháp luân" tức truyền bá giáo Pháp nơi thế gian với mục đích cao cả là "ai ai cũng chứng đạt được quả vị Phật" như Ngài.

Nhưng vì sao đức Phật lại có sự do dự ấy? Kinh Thánh Cầu đã ghi lại như sau: "Pháp này do Ta chứng được, thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịch, cao thượng; siêu lý luận, vi diệu, chỉ người trí mới hiểu thấu". Phật biểu lộ sự phân vân ấy, còn là "đối với quần chúng ưa ái dục, ham thích ái dục thật khó mà hiểu thấu được. Ta thuyết Pháp mà người nghe không hiểu được Ta, thật là phí công, vô ích, phí công vô ích". Phật là bậc Toàn giác nên Ngài cũng thấy rõ sức mạnh của Vô minh là tham ái và phiền não trong tâm chúng sinh qua nhiều đời kiếp nên sự sâu xa và vi diệu của giáo Pháp thật không dễ để chúng sinh lĩnh hội. Biết được những phân vân và do dự ấy của đức Phật, nên Chư Thiên vây quanh Ngài, trong đó có cả Phạm Thiên Sahambaty ba lần cung thỉnh, đảnh lễ Phật, tha thiết khẩn cầu rằng: "Bạch đức Thế tôn, cúi mong Ngài vì lòng từ bi thương xót chúng con, chúng sinh đời sau mà tuyên dương Chính pháp khiến cho muôn loài thoát khổ được vui...". Vì lời thỉnh cầu tha thiết ấy, đức Phật đã phát tâm đại bi, chuyển bánh xe Pháp (Chuyển pháp luân) giáo hóa chúng sinh cho LOÀI TRỜI và LOÀI NGƯỜI. Với chúng sinh Loài Trời do căn cơ sáng suốt nên đức Phật thuyết pháp KINH CHÂN THẬT - chỉ có chúng sinh loài Trời mới lĩnh hội, mới hiểu được. Với chúng sinh Loài Người do căn cơ nhiễm ô, nhiều tham ái, phiền não nên Phật phải thuyết pháp KINH PHƯƠNG TIỆN, nghĩa là sử dụng phương tiện để hiểu đạo lý, ví như người nông dân muốn ấm no phải có phương tiện là ruộng đất, hạt giống, nước, phân bón... mới có được mùa màng bội thu. Kinh... có chữ, chính là Kinh phương tiện; đức Phật bảo, Ngài cũng chính là "phương tiện" - Phương tiện Phật, để người tu hướng đến, noi theo mà tự sửa mình. Do Phật thuyết kinh giáo hóa cho Loài Trời và Loài Người nên Ngài được tôn danh là Thiên Nhân Sư tức Thầy của Trời và Người.

Phật nói lời Kinh là lời chân thật, cho dù đó là Kinh phương tiện - Kinh... có chữ thì cũng là báu vật nơi xuất thế gian nên không thể.... cho không - mà phải có VÀNG RÒNG, báu vật nơi thế gian, là cái bát dùng để khất thực (xin ăn) của thầy trò Đường Tăng để... đánh đổi. Tác giả Tây Du Ký là Ngô Thừa Ân đã có ẩn ý chuyển tải cái "ý" so sánh sâu mầu qua bộ tiểu thuyết hư cấu của ông?.

2. Trở lại việc Phật Thích ca sau khi nghe lời thỉnh cầu của Chư Thiên và đấng Phạm Thiên Sahambaty, Ngài đã ưng thuận truyền bá chính Pháp mà Ngài vừa chứng ngộ, gọi là "Chuyển pháp luân". Đây là một quyết định sáng suốt và đầy lòng từ bi. Bởi khi đã THÀNH PHẬT, tức đã vượt qua trạng thái Bồ - tát, công đức đã tròn đủ (viên mãn), gọi là "Lưỡng túc tôn", đại diện cho TÍNH ĐỨC, không còn phải tu nữa vì chỉ có hàng Bồ tát mới lập hạnh để tu, thực hiện cứu cánh cho đời, cho chúng sinh. Vì Bồ-tát là tiếng nói tắt của danh từ Bồ-đề-tát-đỏa (Boddisatva), Hán dịch là Giác hữu tình (tức giác ngộ cho loài có tình thức, là loài người). Phân tích ý này để thấy rõ việc Phật Thích ca quyết định "tái sinh" - tức Ngài tự.... bước xuống hàng Bồ-tát để thực hiện "cứu kính cho đời". Bởi nếu như, sau khi đạt quả vị Phật, đấng Giác Ngộ nhập diệt (tức nhập Vô dư y Niết Bàn) thì đạo Phật nơi thế gian chỉ dừng lại ở hàng Phật giáo Tiểu thừa, chỉ giác ngộ cho riêng mình. Ý này cần được hiểu sâu xa để không còn những hoài nghi về một "Phật giáo Đại thừa phi Phật thuyết" nữa.

Ta thấy, danh tự (tên gọi) Bồ-tát hay lý tưởng Bồ-tát gần như không được nói tới khi đức Phật còn tại thế - mà chỉ sau khi Phật nhập diệt, ý nghĩa này mới được khai triển. Vì sao vậy? Vì sau khi đức Phật vắng bóng, các đệ tử từng được sống bên Ngài mới dần cảm nhận được sự vĩ đại ngày càng lớn. Điều đó cũng dễ hiểu, ví như khi ta đứng gần một trái núi lớn thì tầm mắt ta bị che khuất và chỉ khi ta lùi xa mới thấy hết được tầm cao lớn và sự hùng vĩ của nó. Trải qua bao thế kỷ, nhân loại ngày càng thấy rõ thêm về toàn bộ đời sống của đức Phật Thích-ca là sự thể hiện sống động về "lý tưởng Bồ tát đạo" của Ngài. Lý tưởng ấy, lý tưởng “phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật” là Giáo Pháp “Bất ly thế gian giác” - nghĩa là không xa rời thế gian để giác ngộ thế gian. Đó là việc thực hành cho chính cuộc sống hiện tại, là sự thể hiện THƯỜNG TRỰC của một nội tâm có sức chuyển hóa.

Trong Đại thừa - Vị Bồ tát hành trì (tu) Ba la mật, dịch nghĩa là "Đáo bỉ ngạn" - đã sang bờ bên kia, một thuật ngữ quan trọng của đạo Phật, chỉ sự CHUYỂN HÓA của hiện tượng - nghĩa là: hoàn tất, hoàn hảo, viên mãn. Tu Ba la mật gồm có 6 pháp gọi là Lục độ Ba la mật, gồm: Bố thí - Trì giới - Nhẫn nhục - Tinh tiến - Thiền định - Trí tuệ. Trong 6 pháp tu ấy thì Pháp đầu tiên là Bố thí (cho đi) được xem là quan trọng bậc nhất, trong đó BỐ THÍ PHÁP (Tức truyền bá chính pháp) có công đức "cao hơn cả", sau đó mới đến Bố thí mạng sống - xả thân cầu pháp. Sau mới bố thí tài vật, của cải...Vì thế khi nói đến Bồ tát, người ta xem đó là tiền thân của các đức Phật.

Phật giáo Đại thừa có nói nhiều đến các Bồ tát siêu việt như Quán thế Âm, Văn Thù, Địa Tạng, Đại thế chí, Phổ Hiền... ấy là các vị Bồ tát mà thế gian đang tôn thờ lại không phải là những nhân vật lịch sử - tức không phải là con người bằng xương bằng thịt, có sinh có tử đâu, mà các vị thị hiện nơi đời bằng danh xưng với...THỰC TƯỚNG VÔ TƯỚNG... tùy tâm niệm của chúng sinh mà chiêu cảm, và sự gia trì linh ứng có được là do các yếu tố về THA LỰC. Trường hợp Bồ tát Địa Tạng vương từng phát lời đại nguyện rằng, Ngài sẽ "độ" hết thảy chúng sinh trong cõi địa ngục, tức khi nào địa ngục không còn chúng sinh nào bị "đọa" nữa, Ngài mới lên cõi Phật.

...Danh xưng Phật, Bồ tát là do "HẠNH" mà thành - chỉ là cương vị nào đó, căn cứ theo chức trách (những gì đã phát nguyện) như quản lý một Quốc gia, là vua, tổng thống, chủ tịch nước chẳng hạn. Hết thẩy chỉ là cái DANH - TU, cần NGỘ được ý này.

Việc Phật thích ca phát tâm đại bi, chuyển bánh xe Pháp đó là lộ trình của BỒ TÁT ĐẠO - Một đặc trưng chỉ có ở Phật giáo Đại thừa. Nhưng danh xưng Bồ Tát mãi sau này, khi Phật đã khuất bóng mới được định danh, mà người luận giải đầu tiên là một trong những vị tổ minh triết của Phật giáo là MÃ MINH (Ashvaghosha) - ông sống ở thế kỷ thứ I sau công nguyên và luận giải tư tưởng căn bản của Phật giáo Đại thừa với hành trạng của Bồ tát (Giác hữu tình), để lại một cuốn luận nhỏ mang tên ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN, trở thành nền tảng đặc trưng của CỖ XE LỚN (Mahayana) - Đại thừa.

"Đại thừa khởi tín luận" của Mã Minh đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến Long Thọ (NAGARFUNA) thuộc cuối thế kỷ I, đầu thế kỷ II sau công nguyên. Long Thọ sáng lập TRUNG QUÁN TÔNG, là một luận sư vĩ đại trong triết học Đại thừa. Trung quán tông của Long Thọ đã nhấn mạnh lòng TỪ BI ĐƯỢC XEM LÀ THÀNH PHẦN CHỦ YẾU CỦA TRÍ TUỆ, thể hiện bằng hình ảnh CỨU CÁNH BỒ TÁT. Việc "định danh" Bồ tát xuất hiện từ đó. Và cũng từ lý tưởng "Giác hữu tình" - độ người qua bờ bên kia - trong Lục độ của Đại thừa mà có cái tên "Cỗ xe lớn" có đủ khả năng cứu vớt chúng sinh ra khỏi bể khổ là vậy.

Sở dĩ Đại thừa có được "cơ may" mà Phật giáo thường gọi là.....duyên lành bởi như đã biết: Khi Phật giáo truyền lên phía Bắc Ấn Độ (Đại chúng bộ - Đại thừa- Bắc Tông) thì hội nhập ngay với nền văn minh Ai Cập, Hy Lạp và La Mã, là 3 nền văn minh lớn ở Trung Đông khi ấy. Sự tiếp thu và dung hóa ba nền văn minh này đã hình thành tư tưởng Đại thừa Phật giáo. Đại thừa dựa vào tính đa dạng của Giáo Pháp để mở rộng đường cho một số lớn chúng sinh có thể đạt được giác ngộ thông qua việc thực hành tu tập. Đại thừa cũng không quá đề cao, không quá nhấn mạnh đến ĐỜI SỐNG XUẤT GIA và cho rằng, cư sỹ tại gia cũng có thể chứng Niết Bàn, tức thành Phật với sự tế độ của chư Phật, chư Bồ-tát. Việc tu Đại thừa cũng không nhất thiết phải "lấy sự bần cùng, khốn khổ làm.....thanh cao" - như Tiểu thừa chủ trương. Ta thấy, trong các bộ Kinh Đại thừa như Di đà, Pháp Hoa, Bảo tích, Hoa nghiêm có đề cập tới THẾ GIỚI CỰC LẠC - Ở đó là một xã hội giàu có và tốt đẹp với đời sống vật chất và tinh thần viên mãn: Mặt đất là vàng ròng, nhà cửa, cung điện đều được làm bằng thất bảo, châu báu và cũng từ tính chất cởi mở trong tư tưởng Đại thừa mà sự đa dạng trong những bộ phái xuất hiện nhưng vẫn giữ được "cốt lõi" của Đại thừa vì thế nó nhanh chóng lan tỏa qua các nước và các vùng lãnh thổ dù trước đó đã có ảnh hưởng của Tiểu thừa, như Trung Hoa, Tây Tạng, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam. Tại Ấn Độ, Đại thừa cũng chia ra Trung quán tông do Bồ tát Long Thọ đề xuất và Duy thức tông do Vô trước và Thế thân sáng lập vào đầu thế kỷ II Tây lịch. Kim cương thừa hay cũng gọi là MẬT THỪA cũng là sự thực hành Đại thừa trong một hình thái "Đại thừa đặc biệt" với các giáo lý được chứa đựng trong các bộ Kinh (Sutra) và Luận (Sastra) với những luận văn hết sức sâu sắc.

3. Trong các bộ kinh Đại thừa ngoài các vị Bồ tát... vô tướng thật tướng như các Ngài Quán thế Âm...thì đức Phật cũng có đề cập tới các hàng Bồ tát lịch sử - bằng xương, bằng thịt tức chúng sinh là loài người chúng ta nữa, đó là các Bồ tát Tùng địa dũng xuất trong Kinh Pháp Hoa, phẩm 15. Ấy là sau khi Phật giảng Kinh Pháp Hoa ở cõi Ta Bà, tức ở thế gian loài người - thì các Bồ tát mười phương "đông vô số chắp tay xin Phật sẽ giữ gìn, biên chép, đọc tụng, cúng dường, giảng nói Kinh Pháp Hoa ở cõi Ta Bà sau khi Phật diệt độ", và Phật đã không chấp thuận lời thỉnh cầu này và nói rằng, chính ở ngay thế giới Ta Bà này sẽ xuất hiện các vị Bồ tát "Tùng địa dũng xuất", không phải Bồ tát ở nơi khác đến giáo hóa khi Như Lai diệt độ, và Bồ tát Tùng địa dũng xuất "sau khi nghe Phật Thích ca đã từ kẽ hở của đất ở Ta Bà vọt lên" - đó không phải ai, là chính chúng ta. Chúng ta tu, hoằng tuyền Chính Pháp là biểu tượng của THẾ GIAN TƯỚNG THƯỜNG TRỤ, thông qua pháp thân (thân chân lý) thị hiện nơi chính mình, tức bừng mở TRÍ TUỆ PHẬT, thực hành lý tưởng Bồ tát ở nơi đời. Đây là Bồ tát giữa đời thường thông qua những việc làm đầy thiện tâm. Ông Bụt, trong truyện Tấm Cám thường hiện lên giúp cô Tấm mỗi khi mẹ con Cám rắp tâm hãm hại. Ông Bụt ấy không phải từ cung trời Đâu xuất cưỡi mây tới giúp Tấm được! mà đó là một ông BỤT THẬT TƯỚNG VÔ TƯỚNG, là "Tuệ giác Như Lai" chợt bừng sáng trong cô Tấm mà thôi. Bởi Phật chân thật là Như Lai tính luôn ẩn tàng trong mỗi con người, cho nên "Phật độ trì" hay "cứu Kính Bồ tát" cần được hiểu một cách sáng suốt và chân thật; nó khác với tôn giáo bạn thường đề cập đến sự "cứu rỗi", che chở bằng một....phép lạ!

Và ai cũng biết mục đích học Phật, tu Phật là để THÀNH PHẬT. Việc thành Phật cũng không có gì là "bí hiểm" cả; Phật đã để lại lời dạy trong Kinh rằng: Để thành Phật chỉ cần tập trung tư tưởng, phát huy thiền định đúng Chính Pháp sẽ chứng được tam minh, lục thông, ắt có được năng lực siêu nhiên như Ngài. Rồi ngay sau khi hoát nhiên đại ngộ thành Phật, đức Thích ca đã thấy được mỗi con người đều có Phật tính, sẽ là những vị "Phật tương lai", tức "Phật sẽ thành". Vì thế cần phải tu, để "đánh thức Phật tính" còn đang ngủ vùi đó là việc hành Bồ tát đạo. Và trong một ý nghĩa...thế gian, thì việc HÀNH BỒ TÁT ĐẠO còn giá trị hơn là....Thành Phật (tức nhập Niết Bàn), mà tấm gương sáng chói của bậc Đại đạo sư - Phật Thích ca truyền bá Đại thừa là một ví dụ cụ thể, bởi nơi thế gian này vẫn còn đó những nỗi khổ, niềm đau.

Ở Việt Nam, cái lý tưởng Bồ tát với nhiều ý nghĩa, nhưng đã được giản dị hóa bằng một "câu nói cửa miệng" trở thành một châm ngôn, không biết có tự bao giờ - đó là: Thương người như thể thương thân. Cái lý tưởng Bồ tát ấy đã thắp sáng cho bao tấm lòng nhân ái, cao cả, thức dậy biết bao trái tim Bồ tát ở nơi đời.

Và tư tưởng Đại thừa, với "cỗ xe lớn" là lý tưởng Bồ tát ấy đến hôm nay vẫn đang là một tia sáng của thời đại chúng ta.

Tác giả: Pháp Vương Tử ***

Chú thích: Bài viết thể hiện góc nhìn, cách lập luận – hành văn riêng của tác giả Pháp Vương Tử.