Chúng ta nhận biết được một bậc Thánh nhân ở đời này thì không thể, không nhận biết khi trí tuệ và đạo đức của chúng ta không thành tựu viên mãn nhưng dưới một góc nhìn của một vị ít dục, có tâm hướng thượng, có chút chính kiến có thể nhận biết được...

Câu hỏi: Người bình thường, thông qua những điều gì để biết và nhận biết được một bậc Thánh?

Trả lời: Như chúng ta đã biết, khi nhận xét hay đánh giá một nhân vật nào đó về trình độ, năng khiếu, địa vị, đạo đức, hay một bậc sa môn,... Thì chúng ta phải biết được giá trị hay thành quả của họ được mọi người bàn luận hay tán thán, thì phải có tính mang đến sự lợi ích chung cho nhân loại, ít ra cũng nhằm góp vào đời sống, ngõ hầu để giải quyết một số vấn đề khổ đau trong nhân sinh thực tại.

Hôm nay chúng ta bàn luận hay tán thán về một bậc Thánh nhân hiện tại giữa chốn hồng trần đầy rẫy sự khổ đau và nguy hiểm này, quả thật đó là một điều không tưởng trong thế giới thực dụng, khi mà tất cả con người luôn hướng đến sự hưởng thụ quá mức trong khi phước báu và đạo đức của họ theo biểu đồ đi xuống đó là bản chất của sự hạ liệt.

Thế nào là một bậc Thánh nhân? Để giải quyết vấn đề này về sự hiểu biết tư duy đúng đắn của một giá trị nhân cách đạo đức vượt bậc mà chúng ta không thể làm và chứng đạt được vì “cái hạ liệt chỉ chứng được cái hạ liệt, hạ liệt không thể chứng được sự cao thượng, chỉ có cao thượng mới chứng được sự cao thượng, đã là cao thượng thì không thể là hạ liệt".

Hiểu đến đây giúp cho chúng ta có một cách nhìn đúng đắn đối về một bậc Thánh nhân ở đời, họ vẫn là một yếu tố của con người như chúng ta nhưng giá trị mà một bậc Thánh có được là sự buông xả, kham nhẫn, và sự phạm hạnh khiêm cung. Bậc Thánh nhân chỉ đạt được hay đã giải quyết xong một số vấn đề cụ thể nơi nội tâm của họ mà ngày xưa đức Phật đã đưa ra các tiêu chuẩn để đánh giá giá trị của một bậc Thánh nhân.

Để đạt được giá trị của một bậc Thánh nhân thì họ đã phải trải qua không biết bao nhiêu thử thách chông gai và sự phòng hộ nghiêm ngặt của giới bổn từ thấp cho đến patimokkha. Bây chúng ta sẽ phân tích mổ xẻ một cách triệt để các giá trị mà các bậc Thánh nhân phải trải qua từ hạ liệt để trở thành cao thượng trong cõi đời này.

Khi đức Phật đạt được chính đẳng chính giác, trí tuệ của Thế Tôn hướng về các giá trị của các thế giới hiện hữu trong đó có thế giới của loài súc sinh, Ngài thấy rằng người hạ liệt kẻ cao sang đều có chung một bản chất cùng với các loại thú trong bốn loài, noãn, thai, thấp, hóa.

Trong thế giới của loài súc sinh này đức Thế Tôn thấy rằng bản chất của loài thú đều giống như nhau với bản tính “tham, sân, si” và đầy rẫy sự khát ái luôn tranh giành đoạt lợi những gì không thuộc về chúng (lấy của không cho), chúng luôn tham lam, giết hại lẫn nhau, ăn thịt lẫn nhau, quan hệ tình dục lẫn nhau, chửi rủa, mạt sát và luôn nói lời gian dối cho nhau, nghiện ngập thèm khát trong cái bản chất tham lam của chúng.

Chúng luôn kết bè kết phái, tạo thành bầy đàn để có sức mạnh tập thể, nhờ vậy mà chúng có thể uy hiếp hay đi xâm lấn một bầy đàn khác yếu hơn hay nơi ấy có nhiều sự lợi ích. Thế Tôn với trí tuệ siêu nhiên, Ngài thấy rất rõ thế giới súc sinh này, ngài gọi nó là “dục giới", thế giới này Thế Tôn luôn cảnh báo rằng, vui ít khổ nhiều, nguy hiểm lại còn nhiều hơn.

49 ngày đêm dưới cội cây bồ đề, đức Thế Tôn dùng trí tuệ để quán chiếu về sự sống của các thế giới, Thế Tôn đã thấy được sự hành trình tiến hóa và hướng thượng của các hệ tâm thức của các thế giới ấy, Ngài thấy thế giới của "dục giới", Ngài thấy thế giới của “sắc giới" và cuối cùng Ngài thấy được cái thế giới của “vô sắc giới", các thế giới này hệ tâm thức của mỗi loài đều tương ứng với thế giới ấy, từ địa ngục, ngã quỷ, súc sinh, người, atula, trời.

Trong tam giới của tâm thức này, Thế Tôn thấy rằng bản chất của thế giới súc sinh vẫn có yếu tố có khả năng hướng thượng, vì mỗi loài chúng đều có nhân quả và nghiệp báo sai biệt, loài nào có ý thức phát triển thì loài ấy có khả năng tiến hóa và hướng thượng.

Thế Tôn nghĩ rằng nếu ta biết thiện xảo và định hướng vạch ra con đường chế ngự làm giảm đi sự ham muốn (giảm nhiệt não) thì chúng sinh ấy sẽ dần tiến hóa và sẽ dần lột bỏ đi những bản chất của loài thú để trở thành các giá trị mà con thú ấy sẽ thành tựu viên mãn từ súc sinh (con thú) để tiến hóa lên (phi nhân) để tiến hóa lên (nhân) để tiến hóa lên (Thánh nhân) để tiến hóa lên (A- La - Hán) để tiến hóa lên (toàn năng toàn giác)/(chính đẳng chính giác)/(vô lậu)/(chính trí).

Đúng là một chuyện không tưởng ở đời, một con thú hoang không có lấy một giá trị gì ngoài thịt của chúng, ấy vậy mà với trí tuệ siêu nhiên và thiện xảo của Thế Tôn đã làm thay đổi tư duy, hành động và hanh vi của một con để trở thành một bậc Trí tuệ toàn năng, toàn giác chứ nói gì đến là một bậc Thánh nhân.

Để có một con thú đạt được những giá trị tốt tối ưu thì đức Thế Tôn phải thiết lập giới luật để khuyến cáo và rèn luyện bản chất hoang dã của một con thú (tham, sân, si) để giáo dục chúng giảm bớt đi các dục tính đang bốc cuồn cuộn trong tâm thức chúng bằng cách đức Thế Tôn đưa ra năm tiêu chuẩn của đạo đức, để con thú ấy học tập rèn luyện, kham nhẫn, phòng hộ để chứng đạt “phi nhân".

Tại sao yếu tố con người mà đức Thế Tôn vẫn cho là loài thú? Vì chúng cùng chung một bản chất, cho nên các danh xưng ra đời để gán ghép cho mỗi loài để dễ nhận biết mà phân biệt các loài.

Súc sinh này do thai sinh có tên là (con người, con chó, con heo, con ngựa, con bò, ...), súc sinh này do noãn sinh tên là (con chim, con gà, con ngan, con vịt, ...), súc sinh này do thấp sinh có tên (con bọ hung, bọ xít, bọ cánh cứng,....), súc sinh này do hóa sinh ra (các loại vi khuẩn hay vi rút tự chúng sinh ra trong môi trường của thiện và ác nhân quả mà tự có mặt).

Với bản chất của các loài súc sinh ấy đức Thế Tôn thấy được rằng yếu tố của “con người " là vượt trội vì con thú này ý thức sung mãn, hiểu biết sâu rộng, đặc biệt hơn nữa là con thú này (con người) biết xấu hổ và sợ hãi (tàm quý). Năm giới cấm này chỉ phù hợp và tương ứng với một số con người có tư duy và hạnh nghiệp chân chính, họ có được nền tảng giáo dục trong hệ thống căn bản nhân quả thiện và được rèn luyện qua nhiều đời, nhiều thế hệ của tổ tông.

Được đúc kết được các thành quả ấy (duyên thiện lành) mà vào thời của đức Thế Tôn mà họ được hữu duyên ấy mà hoan hỉ thọ ngũ giới một cách hoan hỉ, không có phân vân, không có do dự. Họ là những súc sinh bắt đầu học tập, rèn luyện để tự mình tiến hóa, để dần bước ra khỏi bản chất của thú tính. Họ tự chế ngự lòng tham bằng tiêu chí "thiểu dục tri túc" (ít muốn và biết đủ), không lấy của không cho. Họ bắt đầu dừng lại tất cả các hành vi đưa đến giết hại lẫn nhau, không ỷ mạnh mà hiếp kẻ yếu hơn mình.

Họ cũng bắt đầu từ bỏ tà hạnh, không quan hệ bừa bãi, không có tình cảm với người khác giới ngoài vợ hoặc chồng. Họ không còn nói những điều mà đưa đến sự ganh tị, đố kỵ, chia rẽ, hiềm khích, nói những lời khó nghe. Và cuối cùng họ cũng bỏ đi những thói hư tật xấu trong sự nghiệp ngập của cái ưa thích, cái ăn, cái uống, cái vui chơi, hay nghiện ngập trong sắc dục.

Với sự rèn luyện và kham nhẫn của súc sinh này mà chúng có được một tư cách cụ thể, có danh xưng cụ thể, có giá trị cụ thể trong hàng ngũ của súc sinh, đức Thế Tôn gọi chúng là “Phi Nhân" là (đối tượng của nhân). Ở thế giới của “phi nhân" này, năm yếu tố giá trị của năm giới chỉ giải quyết các vấn đề dục tính ở tâm thức, còn về dục tính ở thân thức thì chưa được trao dồi và rèn luyện.

Đức Thế Tôn tiếp tục đưa ra năm tiêu chuẩn giá trị mới nhằm thay đổi lối sống cũ, tư duy cũ thay vào đó là sự chế ngự tính dục ở thân đó là thân không dâm dục, thân không nằm giường cao rộng lớn, thân không thích trang điểm, thân không thích nghe, xem ca nhạc kịch và nhảy múa, thân không tích trữ của cải vật chất tiền bạc, thân không ăn phi thời. Phi nhân nào có tâm thức hướng thượng, có rèn luyện, có kham nhẫn, có tư duy, có hành pháp chứng đạt thập giới đức này đức Thế Tôn gọi "phi nhân" ấy là “Nhân" (loài người).

Trong thế giới của loài người này không có hình bóng của các dục ở tâm thức và thân thức, như vậy ta hiểu được rằng ở thế giới tâm thức này loài người mới có khả năng tiếp cận được trí tuệ diệt ngã xả tâm ly dục, ly bất thiện pháp để hướng đến sự giải thoát tịch tĩnh niết bàn. Đền đây đức Thế Tôn tuyên bố “ta là thầy trời và người".

Ở thế giới của loài người cũng chưa phải là yên ổn và an lạc, vẫn còn nhiều sự đau khổ và rủi ro, vì vẫn còn ở trong môi trường cộng trú với súc sinh (môi trường bầy đàn) nên ở thế giới của loài người này đức Thế Tôn gọi chúng là thế giới của “năm bộc lưu" (là năm triền cái, tham, sân, si, mạn, nghi) thuộc năm hạ phần kiết sử.

Sự trói buộc kiết sử hạ phần này mà làm cho chúng sinh trong vô lượng kiếp không thể thoát ra khỏi sức hút của bầy đàn, vì thế ở thế giới loài người này vẫn là thế giới kiết sử của bầy đàn, có nghĩa là bản thể của súc sinh vẫn còn tiềm ẩn, chưa được xả bỏ một cách triệt để, nên ở thế giới của loài người này nếu không được rèn luyện kỹ lưỡng và tiếp tục hướng thượng thì có khả năng trở lại loài súc sinh chứ nói gì đến “phi nhân".

Khi nhìn thấu được tính chất nguy hiểm của sự thối chuyển do vô thường sinh diệt của vạn pháp xoay vần. Với trí tuệ toàn năng toàn giác ấy đức Thế Tôn thấy được một lộ trình cao thượng hơn mà thế giới của loài người này có thể đi vào hay còn gọi là dự vào hay thể nhập vào đó là dòng Thánh, ở thế giới của dòng Thánh này có hai giá trị riêng biệt đó là giá trị của bậc Thánh nhân và giá trị của bậc Thánh A-La-Hán.

Ở đây khi tâm thức thế giới của loài người hướng đến các giá trị của bậc Thánh nhân thì đức Thế Tôn gọi đấy là (nhập lưu hay còn gọi là dự lưu).

Ở thế giới của dòng Thánh nhân này đức Thế Tôn thẩm thấu rằng phải bắt buộc loài người ấy phải viễn ly cách biệt với thế giới của sự trói buộc kiết sử bầy đàn, loài người ấy phải gỡ bỏ lớp áo cuối cùng của loài súc sinh, đó là cạo bỏ râu tóc (lông lá), đắp lên mình một mảnh vải vừa đủ để che thân (tam y) và một vật dụng dùng để đựng thức ăn (bình bát) để ra đi và sống sống một mình xa rời thế giới kiết sử của bầy đàn (từ bỏ gia đình sống không gia đình).

Giá trị bậc Thánh nhân đầu tiên mà đức Thế Tôn gọi đấy là “dự lưu quả", quả Thánh này bắt buộc loài người phải gỡ bỏ ba kiết sử thuộc phần tâm thức "Si" đó là thân kiến kiết sử, nghi kiết sử và giới cấm thủ kiết sử, khi thuần thục và làm sung mãn ba giá trị của tâm thức này thì trong ba nghiệp Tham, Sân, Si thì một chi phần được đoạn dứt triệt để đó là "Si" phần được đoạn dứt chứng đạt được quả Thánh nhân "Dự lưu".

Quả Thánh nhân thứ hai mà bậc Thánh nhân dự lưu sẽ hướng đến mà đức Thế Tôn đã vạch ra và định hướng đó là quả bậc Thánh nhân "Nhất Lai", ở quả Thánh nhân này đức Thế Tôn bắt buộc hành giả phải làm muội lượt “Tham và sân" vì ở quả này bậc dự lưu chỉ còn một đời sống duy nhất quay trở lại nếu duyên đời này không đủ.

“Tham và sân" chỉ làm cho muội lượt đã là cơ hội lớn cho tất cả chúng sinh có thể gõ vào cửa bất tử, Câu hỏi này chỉ dừng lại ở bậc Thánh nhân nên chúng ta không nói đến bậc Thánh A-La-Hán.

Cho nên để cho chúng ta nhận biết được một bậc Thánh nhân ở đời này thì không thể, không nhận biết khi trí tuệ và đạo đức của chúng ta không thành tựu viên mãn nhưng dưới một góc nhìn của một vị ít dục, có tâm hướng thượng, có chút chính kiến có thể nhận biết, điều đầu tiên mà giá trị của bậc Thánh nhân có được họ đã từ bỏ gia đình sống không gia đình, lấy đời sống ba y một bát để sinh sống, sống đời thiểu dục tri túc, tâm tham đắm vật chất của cải, tiền tài, danh vọng đều vắng mặt.

Bậc Thánh nhân ấy rất đỗi là bình thường như bao nhiêu chúng sinh khác, nhưng trong tâm thức họ không có pháp nào làm cho rung chuyển.

Tác giả: Sa môn Quang Hạnh

***

Ghi chú: Những trao đổi, lập luận, quan điểm thể hiện chính kiến, cách hành văn và tư duy riêng của tác giả. Tạp chí NCPH đăng tải để rộng đường trao đổi, mang tính học thuật, phục vụ công tác nghiên cứu lịch sử Phật giáo.

Tạp chí mong nhận được các trao đổi, luận giải, đối chiếu với kinh sách để phục vụ công tác nghiên cứu học thuật Phật giáo.

Tiêu đề (*): Do BBT Tạp chí NCPH đặt