Hội Phật giáo cứu quốc ở Trung ương, Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ thành lập từ năm nào, chuyện xảy ra cách nay mới 75 năm tưởng đơn giản mà lại phức tạp bởi công tác lưu trữ của chúng ta trải hai cuộc kháng chiến thực hiện không được liên tục. Các sách lịch sử Phật giáo vừa ít lại không ghi tài liệu trích dẫn nên rất khó đối chiếu, xác định.
Phật giáo cứu quốc Bắc Bộ
Hội Phật giáo cứu quốc Việt Nam thành lập muộn hơn các tổ chức cứu quốc khác đứng trong Mặt trận Việt Minh từ năm 1941 như Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc…
Theo báo Cứu quốc số ra ngày 15 tháng 8 năm 1975: Ngày 23 tháng 8 năm 1945, từ chùa Bà Đá, (Linh Quang tự) đoàn đại biểu Phật giáo Hà Nội gồm hơn mười nhà sư do Hòa thượng Đỗ Văn Hỷ dẫn đầu vào Bắc Bộ phủ yết kiến Chính phủ Lâm thời. Ông Võ Nguyên Giáp, thay mặt Chính phủ Lâm thời biểu dương những thành tích của Phật giáo đã làm được và hoan nghênh các nhà sư yêu nước đã giúp đỡ nhiều cho các cán bộ cách mạng hoạt động trong thời kì bí mật. Đoàn bày tỏ sự vui mừng và hoan nghênh nhiệt liệt đối với Việt Minh, bởi chính sách của Việt Minh có phần giống như lý tưởng của Phật giáo là muốn dành cơm no, áo ấm, sự công bằng bác ái cho quảng đại chúng sinh. Phật giáo rất tán thành chính sách đó và hứa với Chính phủ sẽ làm hết sức mình để ủng hộ Việt Minh(1).
Ngày 26 tháng 8, Hồ Chủ tịch đến chùa Bà Đá thăm nơi thờ Phật và nhà Tổ, đến phòng riêng thăm Hòa thượng trụ trì Thích Thanh Thao (Tăng cương Đỗ Văn Hỷ), khuyến khích ngài vận động chư tăng ni, các tín đồ ủng hộ cách mạng, góp công sức đánh đuổi giặc ngoại xâm, giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc. Ngày 28 tháng 8 năm 1945, một cuộc họp trọng thể được tổ chức tại trụ sở Hội Khai Trí Tiến Đức (gần chùa Bà Đá) gồm trên 100 nhà sư đại diện cho các sơn môn ở Hà Nội, Hà Đông, Hưng Yên... do Hòa thượng Thanh Thao chủ trì, có các ông Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt đại diện Mặt trận Việt Minh tham dự. Hội nghị nhiệt liệt hoan nghênh và ủng hộ Việt Minh. Sau đó bàn bạc rồi quyết định thành lập một tổ chức Phật giáo yêu nước lấy tên là Hội Phật giáo Cứu quốc. Một Ban chấp hành được bầu gồm 9 người do Hòa thượng Thích Thanh Thao làm Chủ tịch, bác sĩ Nguyễn Hữu Thuyết làm Phó Chủ tịch và Thượng tọa Thích Thanh Đặc (Vũ Nguyên Hồng) là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký(2).
Hội Phật giáo cứu quốc ra đời đã khẳng định sự ủng hộ của Phật giáo đối với Mặt trận Việt Minh. Từ đây, dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh, thông qua Hội Phật giáo cứu quốc, tăng ni, phật tử có thêm cơ quyên đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Đoàn Tăng già Cứu quốc phủ bộ Thủy Nguyên thuộc đệ tứ chiến khu được thành lập ngày 30 tháng 8 năm 1945, Hội quán tại chùa Phương Mỹ cách phủ lỵ Thủy Nguyên 2 cây số.
Sự thành lập Hội Phật giáo cứu quốc ở Hà Nội – thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hoà mở đầu cho một loạt các Hội Phật giáo ở các tỉnh, thành phố, huyện, xã được thành lập.
Như vậy, nhờ có báo Cứu quốc, báo Đuốc tuệ chúng ta đã xác định chính xác: Hội Phật giáo cứu quốc Bắc Bộ (báo chí lúc đó gọi là Hội Phật giáo cứu quốc Việt Nam) được thành lập ngày 28 tháng 8 năm 1945 tại trụ sở Hội Khai Trí Tiến Đức (gần chùa Bà Đá) gồm trên 100 nhà sư đại diện cho các sơn môn ở Hà Nội, Hà Đông, Hưng Yên ... do Hòa thượng Thanh Thao chủ trì, có các ông Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt đại diện Mặt trận Việt Minh tham dự. Một Ban chấp hành được bầu gồm 9 người do Hòa thượng Thích Thanh Thao làm Chủ tịch, bác sĩ Nguyễn Hữu Thuyết làm Phó Chủ tịch và Thượng tọa Thích Thanh Đặc (Vũ Nguyên Hồng, Vũ Đại Nguyên) là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký.
Chi hội Phật giáo Cứu quốc thành lập đầu tiên trong cả nước là Đoàn Tăng già phủ bộ Thủy Nguyên thuộc đệ tứ chiến khu (được thành lập ngày 30 tháng 8 năm 1945), trụ sở đặt tại chùa Phương Mỹ, phủ lỵ Thủy Nguyên, tỉnh Kiến An (nay thuộc Hải Phòng).
Các sách Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang do Nxb Văn học ấn hành năm 1994 và sách Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến năm 1981 (Nxb Văn học, 2012; Nxb Tôn giáo, 2018) đều viết về sự kiện này.
Phật giáo cứu quốc Trung Bộ
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Trung Bộ gồm Liên khu 4 (gồm 6 tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tỉnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế) và Liên khu 5 (gồm 7 tỉnh: Quảng Nam-Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận) và Tây Nguyên.
Liên khu 4
Tỉnh Thanh Hoá
Thanh Hoá là vùng tự do, nơi Pháp sư Thích Trí Độ và một số vị trong Trung ương Hội Phật giáo cứu quốc tản cư và làm việc. Hội Phật giáo cứu quốc Thanh Hoá thành lập cuối năm 1945.
Tỉnh Nghệ An
Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Nghệ An thành lập cuối năm 1945, do Hoà thượng Thích Thanh Bản trụ trì chùa An Thái, huyện Quỳnh Lưu làm Hội trưởng.
Tỉnh Hà Tĩnh
Trong KCCP, Hà Tĩnh là vùng tự do Liên khu 4. Chưa rõ Hội Phật giáo cứu quốc thành lập năm nào và ai là Hội trưởng.
Tỉnh Quảng Bình
Thượng toạ Thích Trí Quang (1927-2019) đảm nhận phụ trách Uỷ ban Phật giáo cứu quốc tỉnh Quảng Bình(3).
Tỉnh Quảng Trị
Sau ngày Nam Bộ kháng chiến (23-9-1945) Thượng toạ Thích Thiện Minh (1922-1978) đảm nhận phụ trách Uỷ ban Phật giáo cứu quốc tỉnh Quảng Trị. Nhờ tri kiến uyên thâm và tài hùng biện vô ngại, ngài đã vận động được sự ủng hộ từ nhiều phía đóng góp nhân tài vật lực cho kháng chiến(4).
Tỉnh Thừa Thiên-Huế
Hoà thượng Thích Trí Thủ (1909-1984), cuối năm 1945 đã cùng một số vị khác thành lập Hội Phật giáo cứu quốc Trung Bộ và Thừa Thiên và cho người đi khắp các tỉnh thành lập Hội Phật giáo cứu quốc tại tỉnh. Năm 1946, chiến sự xảy ra ngay tại Huế, nên Sơn môn Tăng già Thừa Thiên quyết định dời trường sơn môn Phật học về chùa Báo Quốc. Hoà thượng bàn giao nhiệm vụ trụ trì chùa Linh Quang lại cho Hoà thượng Mật Nguyện(5).
Năm 1946, Thượng toạ Thích Mật Thể được mời làm Chủ tịch Uỷ ban Phật giáo cứu quốc tỉnh Thừa Thiên(6).
Liên khu 5
Thành phố Đà Nẵng
Khí thế ở miền Bắc và miền Nam cũng không khác gì ở miền Trung, hầu hết tăng ni trẻ đều đi theo tiếng gọi của cách mạng. Tại Đà Nẵng một Ban Chấp hành Uỷ ban Phật giáo cứu quốc Đà Nẵng do thầy Thích Giải Huệ được cử làm Chủ tịch, thầy trụ trì chùa Bảo Nghiêm làm Phó, vị Thư ký là đạo hữu Tâm Ngộ Phạm Văn Siêu. Từ hũ gạo nhà chùa chuyển làm hũ gạo nuôi quân.
Giảng đường tạm giành làm chỗ trú quân giải phóng của Binh đoàn do ông Sơn làm Binh đoàn trưởng. Phật giáo Đà Nẵng lúc này đã phổ biến cho các đạo hữu được rõ chủ trương của Hội:
Giảng đường sử dụng để trú quân Đoàn kết toàn dân chống ngoại xâm Thuyết pháp giảng kinh đều tạm nghỉ Để lo phần cứu nước lợi dân.
Đồng thời theo yêu cầu của ông Trần Đình Tri, Chủ tịch thị xã Đà Nẵng của chính quyền Cách mạng, chùa đã cử một số nữ hội viên khoảng 16 bà đứng tuổi phụ trách trai soạn ở chùa, giúp với đạo hữu Tâm Ngộ mở một quán ăn bình dân tại ngã năm đường Hoàng Diệu (trước là đường Đỗ Hữu Vị), lo cung cấp phần ăn uống hàng ngày cho trên 300 công chức và cảnh sát trong lúc gia đình họ đã sơ tán, đồng thời phụ trách bữa ăn cho bệnh nhân bệnh viện Đà Nẵng. Nhờ thấm nhuần tinh thần từ bi, các bà hăng say làm việc suốt ngày không nghĩ đến việc tản cư như số đồng bào khác(7).
Tỉnh Quảng Ngãi
Hội An Nam Phật học tỉnh Quảng Ngãi hoạt động đến năm 1945 thì tạm ngưng và sau đó, Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Quảng Ngãi được hình thành để cùng toàn dân trong cuộc kháng chiến chống Pháp(8).
Tỉnh Bình Định
Tháng 8 năm 1945, Thượng toạ Thích Huyền Quang vốn từng theo học Phật học đường Vĩnh Xuyên ở Trà Vinh, rồi Phật học đường Long Khánh tại Bình Định, tham gia thành lập Hội Phật giáo cứu quốc Liên khu 5, giữ chức vụ Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký. Lúc bấy giờ, Phật giáo cứu quốc Liên khu 5 tổ chức hàng ngũ quy mô và quản lý chặt chẽ, vì nguyên nhân đó mà chính quyền lâm thời nghi kỵ và theo dõi ngài. Năm 1951, vì phản đối chính sách can thiệp vào Phật giáo nên ngài bị bắt và an trí ở Phú Mỹ (Bình Định), rồi Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi cho đến trước Hiệp định Giơneve một tháng ngài mới được thả(9).
Năm 1949 (Kỷ Sửu), trước tình hình đất nước đang bước vào giai đoạn quan trọng và vì muốn đem đạo hoà nhập vào thời cuộc, Hoà thượng Liên Tôn Thích Huyền Ý (1891-1951) đã hoan hỷ nhận chức Hội trưởng Hội Phật giáo cứu quốc Liên khu 5 theo lời mời của chư vị có nhiệt tình cách mạng.
Trên cương vị mới mẻ ấy, Hoà thượng Liên Tôn đã được các vị cùng thời hỗ trợ và ủng hộ rất nhiệt tình. Trong ban lãnh đạo Hội có Hoà thượng Phước Hộ và Hoà thương Trí Nghiêm là hai uỷ viên và Hoà thượng Huyền Quang là Tổng Thư ký(10).
Hoà thượng Thích Giác Tánh (1911-1987) cuối năm 1945 cùng với các ngài Thích Tâm Hoàn(11), Thích Bình Chánh, Thích Huyền Quang, Thích Kế Châu đề xướng thành lập Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Bình Định hoạt động góp phần đấu tranh giành độc lập dân tộc, đồng thời quy tụ và củng cố lại nội bộ tăng già. Kết quả đa số quần chúng phật tử và các giới đồng thanh ủng hộ tham gia.
Năm 1945, Hoà thượng Thích Huệ Pháp (1887-1975) tham gia kháng chiến và được bầu là Hội trưởng Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Bình Định(12).
Phú Yên
Hoà thượng Thích Khế Hội (1921-1999), cuối năm 1945 làm Phó Chủ tịch Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Phú Yên. Năm 1946, Hoà thượng Chủ tịch Thích Hưng Từ xin thôi chức vụ vì lý do sức khoẻ, ngài Khế Hội được cử lên thay, điều hành phật sự cho đến khi Hiệp định Gieneve được ký(13).
Năm 1945, Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh (Phú Yên) ra đời mà Ban Chấp hành Lâm thời có ông Nguyễn Thọ Dực, nguyên là Quyền Tri phủ Tuy Hoà. Tháng 3 năm 1946, Ban Chấp hành chính thức gồm Hoà thượng Thích Hưng Từ (1911-1987) làm Chủ tịch và cư sĩ Nguyễn Nguyên Huân làm Phó Chủ tịch(14).
Từ 1945 đến 1954, Hoà thượng Thích Phước Trí (1919- 2002) là Thư ký Phật giáo cứu quốc tỉnh Phú Yên(15).
Tỉnh Khánh Hoà
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Hoà thượng Thích Huyền Đạt (1903-1994) từ chùa Linh Phong cổ tự Khánh Hoà trở về quê hương. Từ đó ngài tham gia phong trào kháng Pháp của Hội Phật giáo cứu quốc Liên khu 5(16).
Mùa đông năm 1945, đất nước lâm vào cảnh điêu linh vì chiến tranh, Hoà thượng Thích Trừng San (1922-1991) ở chùa Hải Đức Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà đã phải ứng cơ độ thế, tham gia vào lực lượng Việt Minh chống Pháp. Sau một thời gian hoạt động, ngài bị địch bắt giam ở ngục Kon Tum suốt 7 năm trường mãi đến mùa hè năm 1953 mới được thả(17).
Bình Thuận
Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra mắt quốc dân, đọc Tuyên ngôn độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Từ nay đất nước giành được độc lập tự do, Phật giáo Bình Thuận đã cùng với Phật giáo toàn quốc tạm thời ngưng những hoạt động riêng lẻ, tham gia hoà mình cùng các tập thể khác trong xã hội để giữ gìn nền độc lập dân tộc vừa mới giành lại từ tay thực dân Pháp. Do đó. Phật giáo Bình Thuận đã thành lập Phật giáo cứu quốc, hầu hết các sơn môn tăng già đều tham gia tổ chức này. Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Bình Thuận do Hoà thượng Thị Lạc-Hưng Từ (1911- 1991) trụ trì chùa Pháp Hội, thị trấn Lagi, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, phụ trách.
Chùa Phật Quang (thành phố Phan Thiết) trở thành cơ sở đào tạo cán bộ của Phật giáo cứu quốc Bình Thuận(18).
Như vậy, trừ tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh Ninh Thuận, các tỉnh Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Bình Thuận của Liên Khu 5 đều thành lập Hội Phật giáo cứu quốc với các Phó Hội trưởng và Thư ký.
III. Phật giáo cứu quốc Nam Bộ
Nam Bộ trong KCCP chia thành miền Đông và miền Tây Nam Bộ.
Miền Đông Nam Bộ
Năm 1945, Hoà thượng Thích Trí Tấn (1906-1995) là Tổng Thư ký Hội Phật giáo cứu quốc miền Đông Nam Bộ. Ngài động viên 4 tu sĩ ở chùa Hưng Long tham gia KCCP và quý vị này đã hy sinh năm 1947.
Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chỉ 21 ngày sau lễ Tuyên ngôn độc lập, quân Pháp với sự ủng hộ của quân Anh đã đánh chiếm Nam Bộ. Hưởng ứng lời kêu gọi Nam Bộ kháng chiến, từ cuối năm 1945 đến năm 1946, các Hội Phật giáo cứu quốc tại hầu hết các địa phương Nam Bộ đã được tổ chức:
Ngày 6 tháng 9 năm 1945, Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Biên Hoà được thành lập, đặt trụ sở tại chùa Long Thiền, do Hoà thượng Thích Huệ Thành (1912-1998) làm Hội trưởng.
Ngày 20 tháng 12 năm 1945, Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Gia Định thành lập, Hoà thượng Thích Bửu Đăng (1904-1948) là Hội trưởng; Hoà thượng Pháp Dõng là Hội phó, Hoà tượng Bửu Ý là Thư ký. Năm 1948, Hoà thượng Bửu Đăng hy sinh, Hoà thượng Thích Minh Nguyệt kiêm nhiệm Hội trưởng Phật giáo cứu quốc Sài Gòn-Gia Định-Chợ Lớn(19).
Ngày 23 tháng 6 năm 1946, Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Thủ Dầu Một (Bỉnh Dương) thành lập, do Hoà thượng Minh Tịnh-Nhẫn Tế (1889-1951) làm Hội trưởng; Hội phó là Hoà thượng Thích Thiện Hương (1903-1971); Thượng toạ Thích Viên Quang là Thư ký.
Tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ
Hòa thượng Pháp Tràng làm Chủ tịch Ủy ban Phật giáo cứu quốc tỉnh Mỹ Tho,
Hòa thượng Pháp Long làm Chủ tịch Ủy ban Phật giáo cứu quốc tỉnh Vĩnh Long…
Hoà thượng Pháp Hoa là Chủ tịch Phật giáo Cứu quốc tỉnh Gò Công; Ban Chấp hành có 17 vị.
Hoà thượng Thích Nhựt Minh (1908-1993) là Hội trưởng Phật giáo cứu quốc tỉnh Bạc Liêu. Thượng toạ Thích Chí Hiếu (1912-1986) chùa Long Phước, Tp Bạc Liêu, Phó Hội trưởng Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Bạc Liêu.
Hoà thượng Thích Thái Không là Hội trưởng Phật giáo cứu quốc tỉnh Bến Tre.
Hoà thượng Thích Huệ Quang Hội trưởng Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Trà Vinh.
Năm 1947 (Đinh Hợi), Hoà thượng Thích Minh Nguyệt cùng các cư sĩ Lê Hoàng Minh và Yết ma Pháp Long chùa Thiên Quang, huyện Hóc Môn tiến hành vận động thành lập Hội Phật giáo Cứu quốc Nam Bộ. Hoà thượng Hồng Từ chùa Giác Viên, Hoà thượng Hồng Hưng chùa Giác Lâm là hội viên sáng lập.
Sau đó, Hoà thượng Minh Nguyệt cử Hoà thượng Pháp Long đi quan hệ móc nối với chư sơn thiền đức các chùa ở Nam Bộ để chuẩn bị tổ chức Đại hội Phật giáo bầu Ban Chấp hành Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ. Qua hơn 6 tháng vận động và trình đơn lên Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ xin phép thành lập Hội Phật giáo cứu quốc. Giấy phép do ông Ung Văn Khiêm, Ủy viên Nội vụ Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam Bộ ký. Sau đó Hoà thượng Minh Nguyệt đứng ra triệu tập cuộc Đại hội Phật giáo tại chùa Ô Môi (Thiên Kim), có trên 100 vị đại diện Phật giáo của 21 tỉnh Nam Bộ về dự, có đủ các thành phần tăng ni, cư sĩ, Phật tử, nhân sĩ trí thức và các vị khách mời gồm ông Phạm Văn Bạch Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ, ông Ca Văn Thỉnh Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh, ông Ba Chim Dân vận Mặt trận tỉnh Mỹ Tho tham dự.
Năm 1947, Ban Trị sự Hội Phật giáo cứu quốc, Nam Bộ gồm có:
1) Hoà thượng Tam Không (Thích Minh Nguyệt) chùa Bửu Long, Mỹ Tho-Hội trưởng;
2) Hoà thượng Huệ Thành chùa Long Thiền Biên Hóa – Phó Hội trưởng;
3) Ông Commis Hải – Phó Hội trưởng;
4) Ông Đào Không Không
- Ủy viên Tuyên huấn;
5) Ông Lê Hoàng Minh- Ủy viên Thủ quỹ;
6) Thượng tọa Thiệu Sĩ chùa Kim Cang, Cai Lậy, Mỹ Tho-Ủy viên Xã hội;
7) Ông Huệ Phương-Ủy viên Kiểm soát;
8) Yết ma Pháp Tràng, chùa Thiên Quang - Ủy viên Kiểm soát;
9) Ông Thiện Lý, Hóc Môn - Ủy viên Liên lạc.
Trong Ban Trị sự Phật giáo cứu quốc Nam Bộ còn có 21 Ủy viên đại diện 21 tỉnh như:
1) Hoà thượng Thích Huệ Quang đại diện tỉnh Trà Vinh;
2) Hoà thượng Thích Pháp Dõng đại diện tỉnh Gia Định;
3) Hoà thượng Thích Trí Long đại diện tỉnh Mỹ Tho;
4) Hoà thượng Thãi Không đại diện tỉnh Bến Tre
5) Hoà thượng Thích Pháp Long đại diện tỉnh Vĩnh Long;
6) Hoà thượng Thích Bửu Ý đại diện tỉnh Chợ Lớn;
7) Hoà thượng Thích Minh Tịnh đại diện tỉnh Bình Dương;
8) Hoà thượng Thích Pháp Hoa đại diện tỉnh Gò Công;
9) Hoà thượng Thích Nhựt Minh, tỉnh Bạc Liêu.
Cơ quan Phật giáo cứu quốc Nam Bộ đặt tại chùa Ô Môi, xã Mỹ Quý, Đồng Tháp Mười.
Đại hội quyết định chọn ngày lễ Phật đản 8/4 làm ngày lễ ra mắt Ban chấp hành Hội và cho xuất bản tờ tạp chí Tinh Tấn làm cơ quan ngôn luận của Hội Phật giáo do Hòa thượng Minh Nguyệt làm Chủ nhiệm với bút hiệu Tam Không. Giáo sư Lê Văn Đồng tức Trọng Thư La Kim Trọng làm Chủ bút, tòa soạn đặt tại chùa Bửu Lâm, xã Mỹ Thọ, Cao Lãnh.
Đại hội cũng phân công Ban Thường trực và các Ủy viên phụ trách các tỉnh thành cử đại diện vào Kỳ bộ Việt Minh, phân công Tổ Báo chí, Tổ Văn phòng, Tổ Tiếp tế, Tổ Giao liên, Tổ Bảo vệ.
Từ đây, giới Phật giáo Nam Bộ có Giáo hội lãnh đạo và lần lượt xuống tổ chức thành lập Ban chấp hành Phật giáo cứu quốc các tỉnh, huyện. Đẩy mạnh việc vận động tuyên truyền giáo dục, động viên tăng ni các chùa ủng hộ cuộc KCCP ngày càng vững mạnh. Những năm đầu của cuộc KCCP, Phật giáo cứu quốc các tỉnh Nam Bộ và Phật giáo cứu quốc Nam Bộ tham gia phong trào vận động thanh niên lên đường tòng quân cứu nước, Hội Phật giáo cứu quốc phân công nhau đi khắp các chùa ở Nam Bộ để vận động tài chính, lương thực, thuốc men, giấy mực, máy móc đưa về chiến khu để ủng hộ cách mạng. Có lúc thiếu đạn dược Phật giáo phải đi vận động các chùa hiến đại hồng chung, chuông gia trì, lư chưng đèn thau…đưa vào chiến khu cho công binh xưởng đúc súng đạn và lựu đạn để chống Pháp: thời ấy có câu ca dao:
Chuông chùa vắng tiếng hôm nay Để hóa thân lựu đạn giết bầy giặc Tây.
Các ngôi chùa lớn ở vùng giải phóng lần lượt trở thành cơ sở cách mạng, nơi hội họp, nơi cất giấu tài liệu vũ khí, nơi in ấn tài liệu, trạm giao liên.
Chiến tranh càng lúc càng ác liệt, giặc tăng cường đạn pháo và mở rộng hệ thống đồn bốt dày đặc. Cho nên Phật giáo chia hai vùng riêng biệt. Vùng đô thị là các chùa ở vùng bị giặc tạm chiếm đóng, ở gần các đồn bốt giặc, và các chùa nằm trong vùng giải phóng theo cách mạng triệt để và ủng hộ cách mạng, đều là thành viên của Hội Phật giáo cứu quốc.
Năm 1949 (Kỷ Sửu) Phật giáo Cứu quốc Nam Bộ giải thể, chỉ còn đại diện ở Mặt trận Liên Việt.
Sau Hiệp định Gieneve (7- 1954), Bắc Nam tạm thời chia cắt, cách mạng chuyển sang giai đoạn mới nên Phật giáo cứu quốc ở Nam Bộ giải tán hoàn toàn để tạo tiền đề pháp lý chuyển sang tổ chức Giáo hội mới hoạt động hợp pháp công khai ở đô thị để phục vụ cho nhiệm vụ chính trị mới.
Kết luận
Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, các Hội Phật giáo cứu quốc Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ và Hội Phật giáo cứu quốc các tỉnh lần lượt được thành lập đứng trong Mặt trận Việt Minh (sau đó là Mặt trận Liên Việt), đầu tiên là Hội Phật giáo cứu quốc Bắc Bộ (ngày 28 tháng 8 năm 1945). Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ thành lập năm 1947 sau khi một số tỉnh ở miền Đông và miền Tây Nam Bộ đã thành lập Hội Phật giáo cứu quốc cấp tỉnh.
Tuy chưa thống nhất Phật giáo ba miền, song hoạt động của các Hội Phật giáo cứu quốc đều cùng hướng tới một mục tiêu chung là độc lập, tự do, bảo vệ thành quả của cách mạng dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh.
Hội Phật giáo cứu quốc ở Bắc Bộ tồn tại đến tháng 3 năm 1958 khi 4 tổ chức Phật giáo ở miền Bắc tiến hành đại hội thành lập Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam.
Tại Trung Bộ các Hội Phật giáo cứu quốc chuyển thành Hội Phật giáo Việt Nam.
Tại Nam Bộ, Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ giải thể chỉ còn đại diện ở Mặt trận Liên Việt, đến năm 1953 chuyển sang hoạt động dưới danh xưng Giáo hội Phật giáo Lục Hoà Tăng Việt Nam. Đến năm 1969 thành Giáo Hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.
Tác giả: Nguyễn Đại Đồng Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 7/2020 --------------------CHÚ THÍCH: (1) Vũ Nguyên Hồng, Từ Tùng lâm Văn Miếu đến chùa Bà Đá, báo Cứu quốc ra ngày 15 tháng 8 năm 1975. (2) Báo Cứu quốc, số ra ngày 15 tháng 8 năm 1975. (3) Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3, Nxb Văn học, 1994, tr214 (4) Thích Đồng Bổn (chủ biên), Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập I, Nxb Tôn giáo, 2017, tr536 (5) Sách đã dẫn, tập I, Tr639. (6) Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3, Nxb Văn học, 1994, tr214 (7) Nguyễn Lam Chân Tuệ Định, Lược sử Phật giáo thành phố Đà Nẵng, Nxb Tôn giáo, 2008. (8) Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ngãi, Lược sử Phật giáo và những ngôi chùa Quảng Ngãi, Nxb Đà Nẵng, 2011, tr168. (9) Thích Đồng Bổn (chủ biên), Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập III, Nxb Tôn giáo, 2017, tr744-745 (10) Sách đã dẫn, tập I, tr219. (11) Hoà thượng Tâm Hoà (1924-1981) trong 10 năm liên tục từ 1945-1954 là Bí thư Phật giáo cứu quốc tỉnh, Uỷ viên Mặt trận Việt Minh tỉnh, Uỷ viên Uỷ ban Kháng chiến tỉnh, Uỷ viên Hội đồng nhân dân tỉnh. (12) Sách đã dẫn, tập II, Tr391. (13) Thích Đồng Bổn (chủ biên), Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập II, Nxb Tôn giáo, 2017, Tr826. (14) Nguyễn Đình Chúc, Lược sử chùa chư tôn Phú Yên trong và ngoài tỉnh, Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2016, tr47. (15) Thích Đồng Bổn (chủ biên), Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập III, Nxb Tôn giáo, 2017, Tr518 (16) Thích Đồng Bổn (chủ biên), Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập II, Nxb Tôn giáo, 2017, Tr572. (17) Thích Đồng Bổn (chủ biên), Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập II, Nxb Tôn giáo, 2017, Tr532. (18) Tỉnh hội Phật giáo Bình Thuận, Lược sử Phật giáo Bình Thuận, Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2012. (19) Có tài liệu nói Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Gia Định được thành lập ngày 19 tháng 8 năm 1946.
TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1- Vũ Nguyên Hồng, Từ Tùng lâm Văn Miếu đến chùa Bà Đá, báo Cứu quốc ra ngày 15 tháng 8 năm 1975. 2- Báo Cứu quốc, số ra ngày 15 tháng 8 năm 1975. 3- Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3, Nxb Văn học, 1994. 4- GHPG Việt Nam, Biên niên sử Phật giáo Gia Định-Sài Gòn- TP Hồ Chí Minh, Nxb thành phố Hồ Chí Minh, 2001. 5- Tỉnh hội Phật giáo Tiền Giang, Phật giáo Tiền Giang lược sử và những ngôi chùa, Nxb thành phố Hồ Chí Minh, 2002. 6- Thích Hải Ấn –Hà Xuân Liêm, Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh, 2006 7- Nguyễn Lam Chân Tuệ Định, Lược sử Phật giáo thành phố Đà Nẵng, Nxb Tôn giáo, 2008. 8- Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ngãi, Lược sử Phật giáo và những ngôi chùa Quảng Ngãi, Nxb Đà Nẵng, 2011. 9- Tỉnh hội Phật giáo Bình Thuận, Lược sử Phật giáo Bình Thuận, Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2012. 10- Nguyễn Đình Chúc, Lược sử chùa chư tôn Phú Yên trong và ngoài tỉnh, Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2016. 11- Trần Hồng Liên, Phật giáo ở Bình Dương hiện trạng và lịch sử, Nxb Phương Đông, 2016. 12- Thích Đồng Bổn (chủ biên), Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập I,II,III, Nxb Tôn giáo, 2017. 13- Nguyễn Đại Đồng, Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến năm 1981, Nxb Tôn giáo, 2018. 14- Kỷ yếu Hội thảo Phật giáo Quảng Bình, tháng 12 năm 2019.
Bình luận (0)