Lịch sử Phật giáo gắn liền với dân tộc, lẽ dĩ nhiên không riêng gì chùa Cổ Thạch mà các ngôi chùa ở Việt Nam đều ít nhiều có đóng góp cho dân tộc qua việc giữ gìn và bảo vệ tổ quốc trong những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và phát triển văn hóa Phật giáo.

1. Đóng góp đối của chùa Cổ Thạch đối với Đất nước

Suốt 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân Tuy Phong đã viết nên những trang sử vẻ vang với những địa danh mà khi nhắc đến, ai cũng cảm thấy lòng đầy tự hào và ngay kẻ địch cũng phải ngạc nhiên thán phục. Đó là cầu Đại Hòa, nơi tự vệ chiến đấu Tuy Phong và lực lượng vũ trang Bình Thuận tổ chức đánh đồng đầu tiên, thể hiện ý chí ngoan cường, dũng cảm. Phan Rí, Thái An, nơi thực dân Pháp liệt vào “vùng xung yếu đáng gờm”, “vùng đất máu”... Còn La Gàn, một làng biển căn cứ của huyện có hầm chiến đấu dài cả cây số, có trạm liên lạc hàng hải chuyển vũ khí vào Nam, đưa đón cán bộ cao cấp qua lại, đã nuôi dấu đồng chí Lê Duẩn gần một tháng trời, thì địch coi như là một chiếc gai đâm vào mắt phải nhổ bằng “máu và lửa”. Chúng đã dùng chính sách “tam quang” (đốt sạch, giết sạch, phá sạch) gây nên 3 cuộc tàn sát đẫm máu gần 400 người. Sang thời kỳ chống Mỹ đầy hy sinh gian khổ, Tuy Phong đứng vững là “căn cứ lòng dân” của lực lượng kháng chiến. Trên đường hành lang Nam – Bắc, vùng núi La Bá vẫn là nơi đùm bọc, cưu mạng bộ đội, cán bộ. Riêng làng biển nhỏ La Gàn, với chiều dài 2km, chiều ngang non 400 mét, mặc dù bị địch bao quây tứ phía và tuyên bố là vùng “tự do hủy diệt”, vẫn là địa bàn đứng chân của cán bộ một số cơ quan khu, tỉnh, huyện kể cả tỉnh bạn Ninh Thuận, Lâm Đồng, đi về giải quyết một phần hậu cần lương thực, thực phẩm thuốc men... Chùa Cổ Thạch cách làng Bình Thạnh 1.500 mét về phía Đông, người đầu tiên dựng chùa là Thiền sư Hải Bình – Bảo Tạng, thuộc thế hệ 40 của Phái Thiền Lâm Tế - chi phái Liễu Quán. Vào khoảng 1839, Thiền sư Hải Bình – Bảo Tạng tiếp tục đi vào phương Nam, một thời gian sau Hòa thượng Trừng Quang – Thiện Minh trụ trì... Sau đó, việc trông coi chùa Cổ Thạch do Tỳ kheo Nguyễn Trừng Thanh thuộc thế hệ 41 Lâm Tế chánh tông. Nay còn tháp mộ (hiện nay tháp mộ nằm dưới chân tháp Tổ) có ghi: “Thế quý Nguyễn Trừng Thanh Tỳ kheo chi mộ”. Nhiều vị trụ trì chùa Cổ Thạch qua đời nơi đây hoặc đến rồi đi... Mãi đến năm 1940, Phật tử trong làng mời Hòa thượng Nguyên Hồng – Từ Hóa về trụ trì. Hòa thượng tên thật là Trần Thinh, do Ngài đã tham gia hoạt động “Việt minh đồng chí hội” ở Phú Yên đã bị lộ bí mật, để tránh né bọn mật thám, Ngài đổi tên là Nguyễn Hữu Cầu ẩn tu tại một số chùa ở Phú Yên. Sau đó, Ngài theo đường biển đến chùa Cổ Thạch. Người đã bị chính phủ Nam triều bắt giam 2 lần vì tội, có hành vi chống nhà nước bảo hộ Pháp. Tháng 1 năm 1947, Hòa thượng Nguyên Hồng – Từ Hóa viên tịch tại chùa Cổ Thạch. Cùng lúc đó, giặc Pháp càn quét Bình Thạnh, lùng sục vào chùa, không cho Phật tử và dân làng mai táng, bắt phải đưa quan tài về đồn Long Hương (Liên Hương ngày nay) để khám xét. Nhân dân đấu tranh có lý, có tình, buộc địch phải để lại tại chỗ. Bọn địch mở nắp quan tài, không thấy có gì, trơ trẻn kéo nhau đi để mặc cho dân lo liệu mai táng Hòa thượng. Từ đó chùa Cổ Thạch lâm vào cảnh di dời do chiến tranh. Nhân dân Bình Thuận đã hết lòng bảo vệ chùa Cổ Thạch và cử Đại sư Ngộ Tú trông coi chùa. Trong năm này 1947, trống sấm của chùa Cổ Thạch dùng để thúc quân đánh đồn cầu Đại Hòa huyện Tuy Phong. Sau đó, đem về chùa đặt lên gác trống cho đến nay. Năm 1956, các Phật tử tại làng lập Ban Bảo trợ mời thầy Lê Huấn, pháp danh Tâm Hộ, tự Thiện Thành, hiệu Minh Đức về làm Giám tự và trụ trì cho đến năm 2007 viên tịch, phú pháp di chúc để lại cho Đại đức Nguyên Hưng – Từ Minh kế vị trụ trì đến nay (2019). Trong 30 năm chiến tranh giải phóng (1945 - 1975). Đặc biệt, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, năm 1973, chùa Cổ Thạch là nơi tập kết và cũng là tuyến xuất phát của một phân đội C490 thuộc huyện đội Tuy Phong, đánh vào thị trấn Liên Hương, trước khi hiệp định Paris có hiệu lực. Năm 1962, chùa Cổ Thạch lập “Am tự cô hồn” theo kiến tạo của chùa. Sau này thờ vong linh liệt sĩ. Quân dân Bình Thuận và khu VI ai mà không biết đến chùa Cổ Thạch. Ngoài thắng cảnh và di tích xưa, chùa còn là địa danh gắn liền với hai cuộc kháng chiến của dân tộc và đã: “Trải qua hai thời kỳ lớn đấu tranh chống ngoại xâm Pháp, Mỹ, chùa Cổ Thạch đã là một trong những điểm son của Tỉnh và Huyện. Chùa đã tự hào trong suốt dòng lịch sử, đã gắn bó với đất nước và dân tộc.”[1]. Bởi có sự nhận thức đúng đắn rằng: Sự tồn vong của Phật giáo gắn liền với vận mệnh của dân tộc trong mọi thời điểm của lịch sử.

2. Đóng góp của chùa Cổ Thạch vào giá trị di sản văn hóa Việt Nam

Chùa Cổ Thạch, dịch là chùa Đá xưa, hay gọi là chùa Hang. Cái hay, cái đẹp ở đây là người xưa đã biết lợi dụng hang động để kiến tạo thành nơi thờ Phật. Mỗi hang mỗi vẻ huyền bí, còn lại là những tảng đá lớn với những hình thù kì dị, như những con vật trong huyền thoại của Phật giáo. Hòn thì có hình thù con cá kình khổng lồ (Ma Kiệt) (nằm gác chuông chánh điện), hòn thì như con thuyền Bát nhã (gác trống), hòn lại giống con Cóc (Thiện Trùng)[2] con người thợ xưa đã dựng lên hai công trình kiến trúc để làm gác chuông, gác trống. Tất cả hàng chục công trình kiến trúc lớn nhỏ trên cơ sở của hang đá tự nhiên được kiến tạo thêm. Trong đó đáng lưu ý là chánh điện, nhà thờ Tổ, thờ Phật Chuẩn Đề, thờ Tam Thế Phật, đình thờ Hộ Pháp phần kiến trúc bên trong là hang đá có sẵn: “Ba khối đá xếp thành hàng ngang do thiên tạo tác đã góp phần lớn vào việc qui định cấu trúc ngôi chùa Cổ Thạch. Khoảng trống phía dưới hai ngọn đá này chính là nơi đặt chính điện và một hệ thống tượng thờ phong phú, đa dạng. Quần thể chánh điện này là một hang động rất nhỏ, đủ đặt thờ tượng Phật mẫu và hệ thống tượng Tam Thế, bên cạnh những pho tượng cổ mang dáng vẻ độc đáo, như pho tượng Quan Âm Phổ Đà, như hình ảnh của hai vị bồ tát Văn Thù, Phổ Hiền mà khuôn mặt phảng phất đường nét nhân chủng của người dân Trung Bộ. Ngoài hệ thống chánh điện, còn có nhà Tổ; Miếu thờ Quan Thánh, bà Chúa Tiên, Đền thờ Chiến sĩ và Miếu Cô Hồn.”[3]. Cả một quần thể kiến trúc rộng lớn, nhiều vẻ, nhiều cảnh liên tiếp nối nhau. Chùa chiền, hang động, đồi đá nhấp nhô với cây rừng. Biển, bãi biển ở ngay dưới chân chùa là bãi tắm lý tưởng. Tiếp đó, là eo biển và mũi La Gàn, những cảnh đẹp nổi tiếng bổ sung cho thắng cảnh chùa Cổ Thạch. Du khách đến chùa, ngắm cảnh viếng Phật, đều không quên tắm biển. Thêm vào đó là bãi đá màu “Thiết thạch duyên hải” được thiên nhiên tạo nên hàng chục loại đá nhiều màu, nhiều thang bậc. Những ghềnh đá, san hô, kết hợp với dải đá màu, tôn thêm vẻ đẹp của cảnh biển. Bãi đá có chiều dài theo bờ biển 2.000 mét rộng 25 mét, chủ yếu là đá Granite màu và nhiều loại đá khác bị sóng biển bào mòn mà thành. Cảnh sơn thủy thạch kết hợp kéo dài về không gian không bị ngăn cách gò bó bởi khuôn viên như ở các chùa khác. Du khách cảm thấy thoải mái, tâm hồn như vươn tới, vươn tới mãi ở cõi Phật. Sự thanh bình ở đó giúp chúng ta trút bỏ những mệt mỏi tầm thường. Chùa Cổ Thạch không chỉ là thắng cảnh đẹp, huyền bí mà còn là nơi chứa đựng nhiều di tích lịch sử văn hóa lâu đời có giá trị Sự hài hòa giữa nghệ thuật hoa viên, kiến trúc, điêu khắc phù hợp với cách tôn trí thờ phụng bên trong, cách làm tăng thêm không khí yên tĩnh, tôn nghiêm. Kiến trúc ở chùa Cổ Thạch trang nghiêm mà bình dị, tinh tế đơn giản mà dễ gần. Mỗi hang động ở đây cũng chính là những cơ sở bảo tồn cổ tích. Các thế hệ những nhà tu hành trong mọi thử thách cam go nhất vẫn giữ gìn trân trọng những di sản văn hóa quí, các tư liệu lịch sử quí để trao lại cho đời sau. Từ khi hòa bình lập lại (1975), các Phật tử từ thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đà Lạt, Cần Thơ, Nha Trang và cả Kiều bào ta ở khắp nơi trên thế giới đều thường xuyên lui tới viếng thăm chùa. Ngành du lịch (Thuận Hải trước, nay là Bình Thuận) đã xếp chùa Hang là thắng cảnh của tỉnh. (To travel rounl the Thuan Hai). Mùa xuân năm 1989, Tổng Công ty Du lịch Việt Nam (Việt Nam tourism) xuất bản tập ảnh “Thắng cảnh Việt Nam” trong đó có ảnh “Cổ Thạch tự” (Pagoda Co Thach tu) để giới thiệu với bè bạn gần xa trên thế giới hiểu thêm thắng cảnh Việt Nam. Năm 1993, chùa Cổ Thạch được xếp hạng “Di tích lịch sử - văn hóa” cấp Quốc gia.

Kết luận:

Với vị trí địa thế và cảnh quan đặc biệt chiến lược, chùa Cổ Thạch đã đóng góp không nhỏ vào công cuộc giữ gìn đất nước hàng trăm năm qua, Không những là một nơi đã từng góp phần vào công cuộc giữ gìn quê hương tươi đẹp, chùa Cổ Thạch còn là một nơi hưởng thụ văn hóa tâm linh, một cảnh quan tuyệt đẹp có một không hai của tỉnh Bình Thuận. Chùa Cổ Thạch đã trở thành chốn Tổ đình uy linh về tín ngưỡng tôn giáo, là hành trình chiêm ngưỡng nghỉ ngơi của du khách khi thăm quan ở xứ sở Bình Thuận ngày nay. Thích Quảng Lai Học viên Cao học Học viện PGVN tại Tp.HCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 9/2019
CHÚ THÍCH: 1. Trần Hồng Liên (1992), “Chùa Cổ Thạch”, báo Giác Ngộ, (TP. Hồ Chí Minh), số 29, tr. 11. 2. Tảng đá đối diện nhà Tổ và một tảng tảng đá nhỏ hình con cóc ở hướng Đông Bắc dưới chân tượng Phật nhập Niết bàn (Phật nằm). 3. Trần Hồng Liên (1992), “Chùa Cổ Thạch”, báo Giác Ngộ, (TP. Hồ Chí Minh), số 29, tr. 11.