Quần thể di tích danh thắng Yên Tử
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử bao gồm hệ thống các di tích lịch sử văn hóa gắn liền với sự ra đời, hình thành và phát triển của thiền phái Trúc Lâm. Các di tích này nằm ở khu vực giáp ranh giữa 3 tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và Quảng Ninh, bao gồm 5 khu vực: Khu di tích và danh thắng Đông Yên Tử (Tp. Uông Bí, Quảng Ninh), Khu di tích lịch sử nhà Trần (Đông Triều, Quảng Ninh), Khu di tích và danh thắng Tây Yên Tử (nằm trên các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động tỉnh Bắc Giang), Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc – Thanh Mai (Chí Linh, tỉnh Hải Dương).
Quần thể tâm linh trên đỉnh Fansipan, Lào Cai
Quần thể văn hóa tâm linh tọa lạc tại khu du lịch Sun World Fansipan Legend (trên đỉnh Fansipan, cao 3.000 mét) là một trong những điểm đến chiêm bái lễ Phật, cầu an của tín đồ phật tử và du khách thập phương trong dịp đầu xuân năm mới.
Điểm nhấn của quần thể văn hoá tâm linh là bức tượng Phật A Di Đà bằng đồng lớn nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại - cao 21,5 mét. Đây cũng là điểm đến đầu tiên trên hành trình du khách khám phá “con đường tâm linh” kỳ vĩ nơi nóc nhà Đông Dương.
Quần thể danh thắng Hương Sơn, Hà Nội
Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Quần thể Hương Sơn (Chùa Hương) gồm 21 ngôi chùa, động thờ Phật, ngôi đền thờ Thần theo tín ngưỡng bản địa. Quần thể Hương Sơn được xây dựng từ đời vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497), đã trải qua 11 đời Tổ sư. Ngày 19/09/2018, Di tích lịch sử và Quần thể danh lam thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương) đã đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Ngày mồng 6 tháng Giêng là khai hội chùa Hương.Lễ hội thường kéo dài đến hạ tuần tháng 3 Âm lịch.
Chùa Bái Đính, Ninh Bình và chùa Tam Chúc, Ba Sao, Hà Nam
Chùa Bái Đính, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình là quần thể chùa lớn với nhiều kỷ lục châu Á và Việt Nam được xác lập như chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á, chùa có tượng Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á... Đây là ngôi chùa lớn nhất và sở hữu nhiều kỷ lục nhất ở Việt Nam.
Quần thể khu du lịch Tam Chúc tọa lạc trên mảnh đất Ba Sao, Kim Bảng, Hà Nam. Nơi đây được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Khu du lịch quốc gia theo Quyết định số 201/QĐ- TTG ngày 22/01/2013. Chùa Tam Chúc sẽ là nơi đăng cai Đại lễ Vesak LHQ 2019.
Chùa Tam Chúc có tổng diện tích gần 5.000 ha, bao gồm hồ nước, núi đá rừng tự nhiên, các thung lũng, được thi công bởi rất nhiều những người thợ thủ công lành nghề của Phật giáo, Ấn Độ giáo, Hồi giáo và Thiên Chúa giáo.
Chùa Tam Chúc được xây dựng lại có tới 12.000 bức tranh đá miêu tả các sự tích của Đức Phật, được những người Hồi giáo Indonesia tạc bằng đá núi lửa ở Indonesia sau đó vận chuyển sang Việt Nam.
Hiện, chùa Tam Chúc đang thiết lập một vườn cột kinh khổng lồ với 1.000 cột đá, mỗi cột cao 12m, nặng 200 tấn.
Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc
Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc tọa lạc trên diện tích 2ha ngay tại thác Bản Giốc (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng). Đây là ngôi chùa đầu tiên trên mảnh đất biên cương phía Bắc của Tổ quốc.
Chùa được quy hoạch xây dựng theo đúng không gian, bố cục của một ngôi chùa Việt truyền thống, hướng chính của chùa có thể nhìn thấy toàn cảnh thác Bản Giốc.
Chùa Hương Tích, Can Lộc, Hà Tĩnh
Nằm cách quốc lộ 1 khoảng 7 km, chùa Hương Tích tọa lạc trên đỉnh núi Hồng Lĩnh, xã Thiên Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh). Theo sử sách, chùa Hương Tích được xây dựng vào đời Trần, là một trong hai ngôi chùa Hương nổi tiếng ở Việt Nam, được mệnh danh là “Hoan Châu đệ nhất danh lam”, xếp vào hàng 21 thắng cảnh nước Nam xưa kia.
Chùa Hương gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, đền thờ thần, đình, thờ tín ngưỡng nông nghiệp, tín ngưỡng thờ mẫu. Năm 2006, chùa được đại trùng tu lại. Để lên đến đỉnh chùa, bắt đầu từ bến Hương Tuyền, du khách có thể đi thuyền mất chừng 20-25 phút rồi tiếp tục đoạn đường rừng lên ga cáp treo hoặc leo bộ lên chùa.
Danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng
Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn (gọi tắt là danh thắng Ngũ Hành Sơn) nằm ở phía Đông Nam thành phố Đà Nẵng, cách trung tâm thành phố khoảng 8 km.
Ngũ Hành Sơn là quần thể gồm có 6 ngọn núi: Thủy Sơn, Kim Sơn, Hỏa Sơn (gồm có Dương Hỏa Sơn và Âm Hỏa Sơn), Thổ Sơn, Mộc Sơn.
Danh thắng Ngũ Hành Sơn ghi các dấu ấn văn hoá lịch sử còn in đậm trên mỗi công trình chùa, tháp đầu thế kỷ XIX, trên mỗi tác phẩm điêu khắc Chàm của thế kỷ XIV, XV.
Hằng năm, nơi đây tổ chức lễ hội truyền thống lấy tên là “Lễ hội Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn – Non Nước” vào 3 ngày 17, 18 và 19 tháng 2 Âm lịch.
Chùa Ông Núi, Bình Định
Danh thắng Linh Phong Thiền Tự được người dân địa phương gọi với cái tên quen thuộc là chùa Ông Núi - một ngôi chùa cổ danh tiếng ở Bình Định, tọa lạc trên sườn phía Đông Nam núi Bà, thôn Phương Phi, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát.
Đường lên chùa cao hàng ngàn bậc đá. Những bậc đá được hình thành từ những khối đá lớn xếp chồng lên nhau. Với địa thế lưng tựa núi, mặt hướng ra biển, khuôn viên lại có nhiều hang sâu, chùa Ông Núi trở thành điểm đến hấp dẫn cho khách thập phương.
Chùa Ông Núi tương truyền được xây dựng bởi nhà sư mặc áo vỏ cây, sống chan hòa, khoảng hơn 300 năm sau vẫn ít nhiều giữ được những vẻ đẹp giản dị. Đặc biệt là pho tượng Phật Thích Ca với chiều cao 69 mét, được cho là cao nhất Đông Nam Á.
Núi Bà Đen, Tây Ninh
Núi Bà Đen từ lâu đã là một danh thắng nổi tiếng và được coi là biểu tượng của vùng đất Tây Ninh, miền Đông Nam bộ.
Hằng năm, từ mùng 4 đến mùng 6 tháng 5 Âm lịch, tại Linh Sơn Tiên Thạch tự (Núi Bà Đen) diễn ra lễ Vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu với chương trình nghi lễ dân gian đặc sắc. Lễ vía Bà được xem là lễ hội dân gian lớn ở Tây Ninh nói riêng và khu vực Đông Nam bộ nói chung, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Chùa Giác Lâm, Tp.HCM
Chùa Giác Lâm được xây dựng từ năm 1744, tọa lạc trên đường Lạc Long Quân, phường 10, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một trong những ngôi chùa được xây dựng sớm nhất ở đất Gia Định - Sài Gòn còn tồn tại đến ngày nay.
Kiến trúc chùa Giác Lâm được xem là tiêu biểu cho lối kiến trúc chùa Nam Bộ, với mặt bằng tổng thể theo kiểu chữ tam gồm ba dãy nhà ngang nối liền nhau có 98 cột chống đỡ.
Chính điện là kiểu nhà dân gian truyền thống, một gian hai chái, với bốn cột chính gọi là tứ trụ. Chùa nguyên thủy không có cổng tam quan (cổng tam quan được xây dựng năm 1955), mái chùa gồm 4 vạt và các sống mái đều thẳng.
Toàn chùa có 38 tháp được xây dựng đầu thế kỷ XIX, với kỹ thuật xây dựng tinh xảo trong việc dùng chất kết dính bằng hỗn hợp vôi, đường, ô dước...
Trải qua hàng trăm năm, chùa có nhiều tên gọi khác nhau như: Chùa Cẩm Sơn, Sơn Can hay Cẩm Đệm. Chùa hiện lưu giữ 118 pho tượng, trong đó có 113 pho tượng cổ…
Khu du lịch Núi Cấm, An Giang
Khu du lịch Núi Cấm (thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên) nằm trong vùng Thất Sơn, Bảy Núi hùng vĩ, huyền bí. Đây là điểm du lịch tâm linh tín ngưỡng đặc trưng của tỉnh An Giang, hàng năm thu hút hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, hành hương.
Khu du lịch Núi Cấm nằm ở độ cao trên 700 mét so mặt nước biển, có đường giao thông từ chân núi đến đỉnh núi; có tượng Phật Di Lặc cao 33 mét, được công nhận đạt kỷ lục tượng Phật cao nhất trên đỉnh núi ở châu Á và nhiều công trình như chùa Vạn Linh, chùa Phật lớn.
Núi Cấm tựa như bức tranh sơn thủy hữu tình, luôn mang đến cho du khách cảm giác thoải mái, dễ chịu với không gian núi rừng đầy bí hiểm. Đây là điểm đến lý tưởng không chỉ của du lịch hành hương mà còn là của loại hình du lịch sinh thái, du lịch khám phá…
Tác giả: Hoàng Khánh An
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2019
Bình luận (0)