Thích Thiện Mãn – Học viên Cao học Khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM Chùa Bửu Liên, P.25, Q.Bình Thạnh, Tp.HCM
Đặt vấn đề:
Phật giáo từ khi du nhập vào Việt Nam, đã đồng hành cùng dân tộc trải qua những giai đoạn thăng trầm của lịch sử. Đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng vào năm 938, Ngô Quyền đã mở ra một thời đại độc lập tự chủ, phục hưng lại các giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam sau hơn 1000 năm xâm lược của giặc phương Bắc. Trải qua các triều đại lịch sử Việt Nam, sự phát triển rực rỡ của triều đại nhà Lý với văn hóa thành Thăng Long, xây dựng văn miếu Quốc Tử Giám, tổ chức các khoa thi, phát triển Phật giáo, và phục hưng lại các giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc Đại Việt Trong số các vị thiền sư thời Lý góp phần vào việc hộ quốc an dân, hướng mọi người tu tập theo chính pháp nhằm hoàn thiện đạo đức tự thân ngay trong hiện tại và giải thoát cho mai sau, trong đó có thiền sư Không Lộ. Bằng phương pháp văn bản sử học và logic học trong việc khảo cứu các tác phẩm như Thơ văn Lý-Trần của Viện Văn học, Thiền uyển tập anh của Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thúy Nga dịch chú, Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp, Lịch sử Phật giáo Việt Nam của Lê Mạnh Thát,… hỗ trợ cho việc phân tích giá trị tư tưởng và nghệ thuật của bài thơ Ngôn hoài trong dòng chảy văn học Phật giáo thời Lý nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung.
Tag: Ngôn hoài, thiền sư Không Lộ, văn học Phật giáo thời Lý.
NỘI DUNG 1. Cuộc đời và đạo nghiệp của thiền sư Không Lộ 2. Giá trị tư tưởng trong bài thơ Ngôn Hoài của thiền sư Không Lộ 3. Giá trị nghệ thuật của bài thơ Ngôn Hoài
1. Cuộc đời và đạo nghiệp của thiền sư Không Lộ
Trong Thiền Uyển Tập Anh ghi rằng: “Thiền sư Không Lộ (? – 1119), chùa Nghiêm Quang, hương Hải Thanh. Thiền sư họ Dương, người hương Hải Thanh, nhà mấy đời làm nghề đánh cá, sau bỏ nghề cũ quy tâm Phật đạo”(1). Thần tích ở chùa Hào Khê (thuộc tỉnh Hải Hưng) nói rằng: “Thiền sư Không Lộ sinh ngày 14 tháng 9 năm Bính Thìn (1016) và viên tịch ngày 26 tháng 3 năm Giáp Tuất (1094)”(2). Ngài thuộc dòng thiền Vô Ngôn Thông đời thứ chín (học pháp với Lôi Hà Trạch) và dòng thiền Thảo Đường đời thứ hai (học pháp với thiền gia Ngộ Xá). Vào ngày 12/7/1119 (nhằm ngày 03 tháng 6 năm Kỷ Hợi), Sư viên tịch. Các đệ tử môn đồ thâu xá lợi và dựng tháp thờ ở phía trước cửa chùa. Nhân đó, niên hiệu Hội Tường Đại Khánh thứ 10 (1119) do Lý Nhân Tông (1072-1127) trị vì(3), vua đã ban lệnh trùng tu và mở rộng chùa Nghiêm Quang, đồng thời miễn thuế cho 20 hộ dân phát tâm cúng dường nhang đèn thờ thiền sư Không Lộ(4).
Căn cứ vào Thiền Uyển Tập Anh cho rằng hành trạng của Không Lộ được ghi chép trong Nam Tông Tự Pháp Đồ của Thường Chiếu. Vào khoảng năm 1059 - 1065, Không Lộ xuất gia với thiền sư Lôi Hà Trạch, chuyên tâm thực hành pháp Đà La Ni và thiền định. Nhờ sự nỗ lực tinh tấn khiến cho sư “tâm thần, tai mắt ngày càng sáng láng thông tỏ, đắc pháp thần thông bay trrên không, đi dưới nước, hàng long phục hổ, phép lạ có đến bốn nghìn, người ngoài không ai hay biết.”(5). Sư từng tu học tại một số chùa như chùa Nghiêm Quang, chùa Chúc Thánh và chùa Hà Trạch. Theo Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp và Việt điện u linh tập của Lý Tế Xương, thiền sư Không Lộ đã từng cùng với hai pháp lữ là thiền sư Giác Hải và thiền sư Từ Đạo Hạnh sang Ấn Độ học thần thông. Sau đó, Ngài sang Trung Quốc thỉnh về một bao đồng vể “đúc tượng Phật chùa Quỳnh Lâm, đỉnh tháp Báo Thiên, đỉnh (vạc) ở chùa Phổ Minh, và Đại hồng chung cho chùa Phả Lại (chùa Chúc Thánh)”(6). Vâng theo lời Phật dạy đem giáo pháp làm lợi lạc cho nhân thiên, sư đã giảng pháp một số chùa như chùa Chúc Thánh, chùa Lạc Liêm (núi Không Lộ), chùa Diên Phúc, chùa Hào Khê (quê hương thân mẫu của sư),…
Qua nghiên cứu của Lê Mạnh Thát nhận định rằng các vị như hoàng đế Lý Anh Tông, thiền sư Đỗ Đô, và thiền sư Trương Tam Tạng hoặc là nối pháp làm đệ tử của thiền sư Không Lộ, hoặc là nối pháp với các vị khác như Định Giác hoặc Phạm Âm. Điều đặc biệt, giữa thiền sư Không Lộ và thiền sư Giác Hải là hai huynh đệ tu tập với nhau, nhưng sau đó, thiền sư Giác Hải trở thành đệ tử của thiền sư Không Lộ(7). Cuối đời, sư về lại quê hương, cho xây dựng ngôi chùa Nghiêm Quang (sau đó gọi là chùa Thần Quang, nay gọi là chùa Keo) để giảng pháp và giúp dân: “Chùa Thần Quang, xưa là Nghiêm Quang, ở xã Dũng Nhuệ, huyện Giao Thủy, thể chế rộng rãi, là chỗ trụ trì của Dương Không Lộ, nay hiển linh. Phàm có thiên tai, thủy hạn đến cầu liền nghiệm”(8). Tác phẩm của thiền sư Không Lộ, hiện chỉ còn có hai bài thơ là Ngôn hoài (言 怀) và Ngư nhàn (漁 閒). Hai bài thơ này được ghi lại trong Thơ văn Lý-Trần (tập 1) của Viện Văn học số 71 và 72(9). Ngoài ra, hai tác phẩm này còn được tìm thấy trong tác phẩm Thiền sư Việt Nam của Thích Thanh Từ (2010), trang 154-155.
2. Giá trị tư tưởng bài thơ Ngôn Hoài của thiền sư Không Lộ
Tên tựa đề Ngôn hoài từ bài thơ của thiền sư Không Lộ đối đáp với vị thị giả chính là do Lê Quý Đôn đặt. Sau đó được học trò Bùi Huy Bích ghi chép lại vào trong Hoàng Việt thi tuyển. Bài thơ đó như sau:
Trạch đắc long xà địa khả cư, Dã tình chung nhật lạc vô dư. Hữu thời trực thượng cô phong đỉnh, Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư(10).
Được Kiều Thu Hoạch dịch nghĩa là:
Kiểu đất long xà chọn được nơi, Tình quê lai láng chẳng hề vơi, Có khi xông thẳng lên đầu núi, Một tiếng kêu vang, lạnh cả trời(11).
Một hôm nọ, vị thị giả đến bạch và trình bài kệ với thiền sư Không Lộ:
Đoàn luyện thân tâm thủy đắc thanh, Sâm sâm trực cán đối hư đình. Hữu nhân lai vấn không vương pháp, Thân tọa bình biên, ảnh tập hình(12).
Theo Lĩnh Nam chích quái cho rằng ngay sau đó, thiền sư Không Lộ bảo với vị đệ tử rằng: “Nếu con đi đường bộ mà tới, ta tiếp dẫn con; nếu con đi đường thủy mà tới, ta trao cho con. Chẳng có chỗ nào mà ta không truyền cho con cái đạo tâm yếu.”(13). Nhưng trong Thiền Uyển Tập Anh dẫn câu trả lời khác của thiền sư Không Lộ nói với vị thị giả như sau: con đem kinh đến thì ta nhận lấy, đem nước dâng thì ta cũng đã uống; cớ gì mà con lại bảo là ta không truyền cho con tâm pháp yếu?(14).
Trong Thiền uyển tập anh, từ mở đầu bài thơ thay vì ghi “trạch” (擇) giống như trong Thơ văn Lý-Trần thì ghi là “tuyển” (迭) , đều mang ý nghĩa là “chọn lựa”. Trong Lĩnh Nam chích quái, cũng ghi chữ “tuyển” ở đầu câu, nhưng toàn bộ câu đầu được đổi bằng vần thơ khác nhưng cùng ý nghĩa: “Tuyển thủ giao long địa khả cư”(15). Nhưng theo khảo đính dị bản của Thơ văn Lý-Trần thì ghi câu đầu đó là “Tuyển thủ giao long địa trung cư”(16), tức là thay thế trợ đồng từ “khả” (可) bằng phương vị từ “trung”(中).Cho nên, việc dùng chữ “trung” nhấn mạnh hơn về vị thế vùng đất được chọn để ở so với dùng chữ “khả”. Tiếp tục đối chiếu giữa bản Thơ văn Lý-Trần và Lĩnh Nam chích quái, ở cuối câu 3 trong tập Thơ văn Lý-Trần ghi là “đỉnh” (頂) nhưng trong Lĩnh Nam chích quái lại ghi là “lĩnh” (領); ở câu 4 trong Thơ văn Lý-Trần ghi là “trường khiếu nhất thanh hàn thái hư” thì Lĩnh Nam chích quái không ghi chữ khiếu (叫) mà viết là chữ tiếu (笑)tức là “trường tiếu nhất thanh hàn thái hư”. Việc đổi thành chữ “lĩnh” và chữ “tiếu” trong Lĩnh Nam chích quái, dường như Trần Thế Pháp muốn mượn những câu đáp với thị giả và tiếng cười của thiền sư Không Lộ để đưa vào bài thơ này. Ngoài ra, Trần Thế Pháp còn liệt kê một số dị bản khác, tiêu biểu như dị bản A.1752 ghi là:
Tuyển thủ giao long địa khả cư, Dã tình chung nhật mễ vô dư. Hữu thời trực thượng cô điên tại, Tiếu nhất thanh hề hàn thái hư. Còn bản A.1200 thì lại ghi khác: Tuyển thủ giao long địa khả cư, Dã tình chung tất lạc vô dư. Hữu thời trực hướng cô phong lĩnh, Trường tiếu cao thanh hàn thái hư(17).
Sư đã mượn vần thơ của Lý Cao mở đầu cho việc khai thị đệ tử: “Trạch đắc long xà địa khả cư”. Yếu tố phong thủy “long xà địa” được đánh giá rất cao trong việc chọn đất ở. Cũng như trong Chiếu dời đô, Lý Thái Tổ đánh giá vùng đất Thăng Long “ở vào nơi trung tâm trời đất, được cái thế rồng cuộn hổ ngồi…xem khắp nước Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trong yếu của bốn phương; cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời.”(18). Nhờ thế mà quốc gia Đại Việt thời Lý đã phát triển rực rỡ về mọi mặt, hình thành nét đẹp văn hóa 1000 năm Thăng Long rạng ngời đến ngày nay.
Nếu hành giả tu tập cứ mãi cuốn mình theo năm điều bất thiện “dục tham triền cái, sân triền cái, hôn trầm thuỵ miên triền cái, trạo hối triền cái, nghi triền cái”(19), tâm cấu uế phiền não ngày một tăng thêm những “tham dục, tà tham, sân, phẫn, hận, hư nguỵ, não hại, tật đố, xan tham, man trá, khi cuống, ngoan cố, cấp tháo, quá mạn, kiêu, phóng dật”(20) thì thật là đau khổ biết bao! Chính vì thế, trong kinh Pháp cú dạy rằng:
Không làm mọi điều ác, Thành tựu các hạnh lành, Tâm ý giữ trong sạch, Chính lời chư Phật dạy(21).
Thiền sư cũng đã nhắc vị đệ tử hãy sống an vui, hòa mình cùng mọi người trong nếp sống lục hòa để “tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luận, hòa hợp, nhất trí”(22). Đồng thời, thiền sư Không Lộ dùng câu “trường khiếu nhất thanh hàn thái hư” để diễn tả sự tương khắc giữa thủy “lạnh” và hỏa “bầu trời”, như gửi gắm cho người học trò của mình về sức mạnh của nhẫn nhục vượt khó và tâm từ trong tu tập.
Trong Cảnh đức truyền đăng lục, quyển thứ 14, có dẫn bài thơ của Lý Cao(23) gửi tặng thiền sư Dược Sơn Duy Nghiễm lần thứ hai:
Tuyển đắc u cư hiệp dã tình, Chung niên vô tống diệc vô nghinh Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh, Nguyệt hạ phi vân tiếu nhất thanh(24).
Đem so với bài thơ Ngôn hoài của thiền sư Không Lộ:
Tuyển đắc long xà địa khả cư, Dã tình chung nhật lạc vô dư, Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh, Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.
Qua đó cho thấy, thiền sư Không Lộ đã có từng đọc trực tiếp các bài thơ của Lý Cao hoặc gián tiếp qua Cảnh đức truyền đăng lục hoặc qua một tác phẩm của một vị nào đó. Thiền sư Không Lộ đã mượn nguyên văn câu 3 trong thơ của Lý Cao để đưa vào bài thơ Ngôn hoài. Âm vận cuối câu của thơ Lý Cao là vận “inh”, khác với trong thơ Không Lộ âm vận “ư”, nhưng đều diễn tả cảm xúc của tác giả về đời sống bình dị ở thôn quê, sự hòa mình vào thiên nhiên vạn vật. Nếu đối chiếu với bài thơ thứ nhất mà Lý Cao ngâm trong lần vấn đạo với thiền sư Dược Sơn:
Luyện đắc thân hình tợ hạc hình Thiên chu tùng hạ lưỡng hàm kinh Ngã lai vấn đạo vô dư thuyết, Vân tại thanh niên thủy tại bình(25).
Qua hai bài thơ của Lý Cao chứng tỏ rằng bài Ngôn hoài của thiền sư Không Lộ đã có ảnh hưởng về văn cú và tư tưởng thơ của Lý Cao. Đối với Lý Cao, ông không đồng tình với lối sống nhàn rỗi của tăng lữ Phật giáo Trung Quốc thời bấy giờ: “Những môn đồ không chăn tằm mà quần áo đầy đủ, không cày bừa mà ăn uống sung túc, ngồi rồi mà kẻ phục dịch có dến mấy nghìn trăm vạn người”(26). Nhìn lại thiền sư Không Lộ cùng các vị thiền sư Việt Nam thời bấy giờ như Vạn Hạnh, Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không,... đều dấn thân “cư trần bất nhiễm trần” nhằm giữ vững quốc gia, lợi ích cho muôn dân.
3. Giá trị nghệ thuật của bài thơ Ngôn Hoài
Thể thơ tứ tuyệt thì gồm có thơ ngũ ngôn tứ tuyệt (mỗi câu năm chữ) và thơ thất ngôn tứ tuyệt (mỗi câu bảy chữ). Quy luật bằng trắc trong bài thơ Ngôn hoài của thiền sư Không Lộ như sau:
Trạch đắc long xà địa khả cư, T T B B T T B Dã tình chung nhật lạc vô dư. T B B T T B B Hữu thời trực thượng cô phong đỉnh, T B T T B B T Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư. B T T B B T B
Bài thơ Ngôn hoài thuộc thể thơ thất ngôn tứ tuyệt luật trắc vì mở đầu bằng chữ “đắc” (thanh trắc). Về đối thanh, bài thơ có sự đối nhau giữa bằng và trắc ở các tiếng 2, 4, và 6. Tiêu biểu như giữa câu 1 và câu 2: đắc/tình, xà/nhật, khả/vô. Còn với câu 3 và câu 4 thì thời/khiếu, thượng/thanh, phong/thái. Về mặt gieo vần, vần “ư” ở cuối câu 1 (cư), cuối câu 2 (dư) và cuối câu 4 (hư). Về mặt kết cấu, câu mở đầu (khai) biểu hiện tâm trạng ưu tư về việc chọn một mảnh đất đắc địa. Tiếp theo, câu thứ hai (thừa) thể hiện cảnh sinh hoạt an vui ở vùng đất đó. Sang câu 3 (chuyển), lúc này tác giả chuyển hướng nhìn lên đỉnh núi cao. Cuối cùng, câu 4 (hợp) với một tiếng thét hòa vào đất trời thiên nhiên “lạnh cả trời”, con người và cảnh vật đang hòa quyện vào nhau.
Trong bài thơ dùng nhiều ngôn từ biểu cảm như dã tình, lạc,… nhằm bộc lộ tâm trạng của thiền sư trước cảnh đất trời linh thiêng và vùng đất giàu tình người. Thông qua cảm quan thiền học, thiền sư Không Lộ như muốn chuyển tải cho người đệ tử thực tập tâm từ bi rải khắp muôn phương, sống bình dị an vui ngay trong từng phút giây hiện tại “tâm bình thường là đạo”. Ngôn ngữ thời gian (hữu thời, chung nhật) kết hợp với vạn vật trong không gian hữu tình (long xà địa, cô phong đỉnh, thái hư,…) góp phần họa nên bức tranh sơn thủy kiệt tác. Yếu tố tĩnh và động làm cho bức tranh thêm sống động thêm. Tác giả đang hòa mình vào trong khung cảnh tuyệt đẹp đó, với những gam màu sắc nét hội họa.
Tích truyện của thiền sư Không Lộ khai thị cho đệ tử của mình giống với tích thiền sư Đạo Ngộ nói với đệ tử Sùng Tín rằng: “Ngươi mang trà đến ta tiếp cho ngươi, ngươi mang cơm đến ta nhận cho ngơi. Lúc nào ngươi chào ta, ta liền cúi đầu. Thế thì chỗ nào là ta không chỉ chị tâm yếu?”(27). Hoặc như trong Cảnh đức truyền đăng lục, quyển 15, câu trả lời của thiền sư Thiện Hội với đệ tử thị giả rằng: “Người nấu cơm, ta nhóm lửa; ngươi dọn bàn, ta dở bát, ta phụ rẫy ngươi chỗ nào đâu?”(28). Qua các cuộc đối thoại thiền trên, thiền sư Không Lộ và các vị thiền sư khác như muốn nhắn gửi cho các thiền sinh đệ tử của mình rằng việc giác ngộ nhà thiền chính ngay trong đời sống thường nhật này.
Tóm lại, Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục từng nhận định định rằng: “Văn thời Lý lối biền ngẫu, sặc sỡ diễm lệ, tựa như loại văn thời Đường.”(29). Tiêu biểu như bài thơ Ngôn hoài của thiền sư Không Lộ đã tiếp biến ngôn ngữ thi ca, tích truyện Phật giáo của Trung Quốc thể hiện sự giao thoa giữa văn học Phật giáo Việt Nam với văn học Phật giáo Trung Quốc qua mẫu đối thoại của thiền sư Không Lộ với thiền sinh thị giả của mình. Với bút pháp nghệ thuật và ngôn ngữ thiền học, thiền sư Không Lộ cũng đã phác họa ra một bức tranh thiên nhiên với những cung bậc xúc cảm khác nhau. Chính những giá trị tư tưởng và nghệ thuật đó khai thị người đệ tử quay về với thực tại, luôn cảnh tỉnh mình trong từng phút giây hiện tại, thường an trú tu tập các thiện pháp và xa lìa bất thiện pháp nhằm tu tập phẩm hạnh tự thân, hóa độ mọi người tu tập chuyển hóa khổ đau, xây dựng một gia đình hạnh phúc, một xã hội yên vui thái bình. Đó chính là tinh thần hộ quốc an dân, tô điểm ngôi nhà chính pháp trụ thế dài lâu và mãi rạng ngời trong lòng dân tộc Việt Nam.
Thích Thiện Mãn – Học viên Cao học Khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM Chùa Bửu Liên, P.25, Q.Bình Thạnh, Tp.HCM
----------------------CHÚ THÍCH:
(1) Thiền uyển tập anh, Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thúy Nga (dịch chú), Nxb. Hồng Đức, HN, 2014, tr.95. (2) Thích Minh Cảnh (chủ biên), Từ điển Phật học Huệ Quang, tập 3, Nxb. Tổng hợp TP.HCM, 2016, tr. 317. (3) Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Nxb. Thanh Hóa, TP. Thanh Hóa, 2006, tr.108. (4) Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thúy Nga (2014), Thiền uyển tập anh, tr.97: “miễn tô thuế cho 20 hộ”. Nhưng theo Thích Minh Cảnh (chủ biên), Từ điển Phật học Huệ Quang, tập 3, tr.2317: “miễn tô thuế cho 30 hộ để lo hương đèn phụng thờ sư”. (5) Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thúy Nga (2014), Sđd, tr.95. (6) Thích Minh Cảnh, Sđd, tr.2317. (7) Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 3, Nxb. TP.HCM, 2002, tr. 425. (8) Lê Mạnh Thát (2002), Sđd, tr.448-49. (9) Viện Văn học, Thơ văn Lý – Trần, tập 1, Nxb. KHXH, HN, 1977, tr.385-86. (10)“擇得龍蛇地可居, 野情終日樂無餘, 有時直上孤峰頂, 長叫一聲寒太虛”; Viện Văn học, Thơ văn Lý – Trần, tập 1, Nxb. KHXH, HN, 1977, tr.385. Theo Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thúy Nga (2014), Thiền uyển tập anh, tr.96: chữ “thướng”, chứ không phải chữ “thượng”, mặc dù văn tự chữ Hán giống nhau. (11) Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thúy Nga (2014), Sđd, tr.96. (12)“鍛煉身心始得清, 森森直干對虛庭, 有人來問空王法, 身坐屏邊影襲形”; Viện Văn học (1977), Sđd, tr.387. Nhưng Trần Thế Pháp, Lĩnh Nam chích quái, Đinh Gia Khánh và Nguyễn Ngọc San (dịch), Nxb. Trẻ, TP.HCM, 2011, tr.112 ghi câu thứ hai là: “Xâm xâm trực chuyển đối nghiêm đình”. (13) Trần Thế Pháp (2011), Sđd, tr.112. (14) Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thúy Nga (2014), Sđd, tr.96. (15) Trần Thế Pháp (2011), Sđd, tr. 112. (16) “迭取蛟龙地中居”; Viện Văn học (1977), Sđd, tr.385. (17) Trần Thế Pháp (2011), Sđd, tr.112-113. (18) Viện Văn học (1977), Sđd, tr.230. (19) ĐTKVN, Kinh Tăng chi bộ, tập 1, chương 5, phẩm Triền cái, Kinh Đống, Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, HN, 2018, tr.665. (20) ĐTKVN, Kinh Trung bộ, tập 1, Kinh Ví dụ tấm vải, Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, HN, 2017, tr.61-62. (21) ĐTKVN, Kinh Tiểu bộ, tập 1, Kinh Pháp cú, phẩm Phật-đà, kệ số 183, Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, HN, 2018, tr.311. (22) ĐTKVN, Kinh Trung bộ, tập 1, Kinh Kosambiya, Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, HN, 2017, tr.394-95. (23) Lý Cao (李翱, 772-841) là nhà thơ Trung Quốc thời Trung Đường (766-835). Theo Lê Mạnh Thát (2002), Sđd, tr.446: “Bản thân Cao đã thi đỗ tiến sĩ và ra làm quan đến chức Thứ sử Lãng Châu. Chính trong khi ở châu này, mà Cao đã gặp Duy Nghiễm và được Duy Nghiễm hóa độ thành một Phật tử”. Ông đã viết tặng Bổn sư truyền giới hai bài thơ do chính tay mình sáng tác. (24)《景德傳燈錄》卷14: 「選得幽居愜野情。終年無送亦無迎。有時直上孤峯頂。月下披雲笑一聲」(CBETA q1, T51, No.2076, p.312b26-27). (25)《景德傳燈錄》卷14:「練得身形似鶴形。 千株松下兩函經。 我來問道無餘說。雲在青天水在缾」(CBETA q1, T51, No.2076, p.312b16-17). (26) Lê Mạnh Thát (2002), Sđd, tr. 447. (27)《景德傳燈錄》卷14: 「汝擎茶來吾為汝接。汝行食來吾為汝受。汝和南時吾便低首。何處不指示心要」 (CBETA q1, T51, No.2076, p.313b20-22). (28)《景德傳燈錄》卷15:「汝蒸飯吾著火。汝行益吾展鉢。什麼處是孤負汝處」(CBETA q1, T51, No.2076, p.324b6-7). (29) Thích Phước Đạt, Giá trị văn học trong tác phẩm của thiền phái Trúc Lâm, Nxb. Hồng Đức, HN, 2016, tr.299.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Thiền uyển tập anh, Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thúy Nga (dịch chú), Nxb. Hồng Đức, HN, 2014. 2. Thích Minh Cảnh (chủ biên), Từ điển Phật học Huệ Quang, tập 3, Nxb. Tổng hợp TP.HCM, 2016. 3. Thích Phước Đạt, Giá trị văn học trong tác phẩm của thiền phái Trúc Lâm, Nxb. Hồng Đức, HN, 2016. 4. ĐTKVN, Kinh Tăng chi bộ, tập 1, Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, HN, 2018. 5. ĐTKVN, Kinh Tiểu bộ, tập 1, Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, HN, 2018. 6. ĐTKVN, Kinh Trung bộ, tập 1, Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, HN, 2017. 7. Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Nxb. Thanh Hóa, TP. Thanh Hóa, 2006. 8. Trần Thế Pháp, Lĩnh Nam chích quái, Đinh Gia Khánh, Nguyễn Ngọc San (dịch), Nxb. Trẻ, TP. HCM, 2011. 9. Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 3, Nxb. TP.HCM, 2002. 10. Viện Văn học, Thơ văn Lý – Trần, tập 1, Nxb. KHXH, HN, 1977.
Bình luận (0)