Tác giả: Thích Ngộ Trí Viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM
Tóm tắt: Giáo lý duyên khởi (Paticcasamuppāda) là một trong những giáo lý căn bản của Phật giáo Nguyên thủy được đức Phật Thích ca Mâu ni thuyết giảng ở nhiều bản kinh. Trong Kinh Đại duyên (Mahānidāna sutta), trình tự của lý duyên khởi được đức Phật tóm lược theo thứ tự khác biệt nhằm chỉ ra mối quan hệ nhân-quả giữa chi pháp đầu tiên và chi pháp cuối, cũng như chi pháp này là sự tiếp nối từ chi pháp trước đó. Thông qua những trình tự này, người xuất gia có thể ứng dụng các mắt xích của Duyên khởi vào đời sống thường nhật và rèn luyện tâm trí, giải quyết những vấn nạn ở các bối cảnh khác nhau để tạo dựng hạnh phúc và làm lợi lạc cho cộng đồng.
Từ khóa: Kinh Đại duyên, Duyên khởi, nhân duyên, ứng dụng thực tiễn.
1. Dẫn nhập
Giáo lý duyên khởi, được gọi là nhân duyên sinh, là một trong những quy luật của tự nhiên được đức Phật khám phá. Bằng sự giác ngộ của bản thân, Ngài đã chỉ bày cho hàng đệ tử xuất gia, qua đó nguồn cội khổ đau, sự vật hiện tượng, sự vận hành của vạn pháp được tỏ rõ ở chư vị. Duyên khởi cũng là điểm phân biệt giữa Phật giáo đối với hệ thống triết lý các tôn giáo một cách rõ ràng, từ đó làm nền tảng cho nhân sinh quan và vũ trụ quan Phật giáo.
2. Tóm tắt nội dung bản kinh
Địa điểm đức Phật thuyết giảng Kinh Đại duyên (P. Mahānidāna sutta, The Great Discourse on Origination) là tại bộ lạc Kuru (Câu Lâu), thuộc xứ Kammassadhamma (Kiềm Ma Sắt Đàm). Đây cũng là địa điểm mà đức Phật thuyết giảng Kinh Niệm xứ (Satipatthāna sutta) thuộc Trung Bộ kinh 10, Kinh Đại niệm xứ (Mahāsatipatthana sutta) thuộc Trường Bộ kinh 22, hai bản kinh mà phần lớn hành giả thực tập thiền minh sát đều biết đến và đọc tụng, thực hành theo.
Nhân duyên khiến Đức Thế Tôn thuyết giảng bài kinh này do tôn giả Ananda bày tỏ lòng hoan hỷ đối với sự thâm thúy, minh bạch của giáo pháp Duyên khởi (S. Paticcasamuppāda, S. Pratītyasamutpāda, Dependent Origin). Đức Phật cũng khẳng định lần nữa sự thâm diệu của giáo pháp Duyên khởi. Đối với người chưa chứng đắc Thánh quả, thấu hiểu giáo pháp này thì tâm trí “bị rối loạn như một ổ kén, rối ren như một ống chỉ, giống như cỏ munja và lau sậy babaja (ba-ba-la), không thể nào ra khỏi khổ xứ, ác thú, đọa xứ, sinh tử”[1] (“It is through not understanding, not penetrating this doctrine that this generation has become like a tangled ball of string, covered as with a blight, tangled like coarse grass, unable to pass beyond states of woe, the ill destiny, ruin and the round of birth-and-death”)[2].
Điểm nổi bật của bản kinh này là Duyên chỉ đề cập đến 9 chi phần: thức, danh sắc, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, lão tử. Ba chi vô minh và hành thuộc quá khứ, lục nhập không được nhắc đến. Thứ tự các chi duyên khởi trong kinh này là già và chết do duyên sinh, sinh do hữu, hữu do thủ, thủ do ái, ái do thọ, thọ do xúc, xúc do danh sắc, danh sắc do thức, thức do danh sắc[3]. Kinh giải thích thêm một số chi phần ít được đề cập. Đó là do duyên ái, thủ sinh; do duyên thọ, ái sinh; do duyên ái, tìm cầu sinh; do duyên tìm cầu, lợi sinh; do duyên lợi, quyết định sinh; do duyên quyết định, tham dục sinh; do duyên tham dục, đắm trước sinh; do duyên đắm trước, chấp thủ sinh; do duyên chấp thủ, hà tiện sinh; do duyên hà tiện, thủ hộ sinhl do duyên thủ hộ, phát sinh ra một số ác, bất thiện pháp (P. akusalā dhammā). Giáo lý duyên khởi là nguyên lý vận hành tự nhiên của hết thảy sự vật và hiện tượng do chính đức Phật tự thân chứng ngộ và giảng dạy, Ngài giải thích cặn kẽ sự tập khởi, sự chấm dứt của sự sống cùng toàn bộ khổ uẩn và các bất thiện pháp theo chiều thuận và nghịch[4].
Rộng hơn nữa, đức Phật trình bày sự tương quan của các chi phần cặn kẽ, rõ ràng. Nội dung kinh cũng đả phá về tà kiến, kiến chấp, vào cái tôi đánh đồng thân thể tức phần vật chất với cảm thọ (vedāna). Cuối cùng, Thế Tôn trình bày bảy trú xứ của thức hay bảy chỗ trú ngụ của thức tại một số cảnh giới có sự sống của con người và tám cửa giải thoát do nhờ tu tập các cấp thiền định đạt đến câu giải thoát, chứng và an trú trong diệt thọ tưởng định.
3. Nguyên nhân đức Phật dạy chín chi pháp
Sở dĩ đức Phật xác nhận lại một lần nữa sự thù thắng của giáo pháp Duyên khởi vì quá trình hành trì và thấu hiểu giáo pháp khác nhau trong hội chúng, mà ngài Ānanda cùng với Śāriputra là bậc thượng thủ. Lý do mà ngài Ānanda cảm nhận sâu sắc lý duyên khởi nằm ở bốn yếu tố:
(i). Túc duyên giải thoát đầy đủ sau một ngàn đại kiếp tu tập (Pubbūpanissayasampatti).
(ii). Ngài Ānanda thường có cơ hội gặp gỡ các bậc đại thánh như đức Phật và các vị đại đệ tử (Titthavāsa).
(iii). Nhờ có sự hỗ trợ của thánh trí (ở đây là trí tuệ sơ quả) (Sotāpannatā).
(iv). Nhờ sự đa văn, hiếu học (Bahussutabhāva).[5]
Tôn giả Ānanda là vị đã chứng sơ quả, với trí tuệ nền tảng Ngài có sự thấu triệt khác. Khi dạy pháp đức Phật không nói đủ mười hai chi, Ngài bỏ ba chi phần quan trọng là sự thật hiển nhiên: vô minh, hành, lục nhập. (Theo Thích Minh Châu, 2011: 394) Ba chi phần bị khuyết trong kinh Đại Duyên có thể do “giáo lý duyên khởi chưa được trở thành lý 12 nhân duyên hay đang trong thời kỳ hình thành. Có thể là một thiếu sót trong khi kiết tập hay là giáo lý Duyên khởi đang còn thành hình, nhưng chưa được cô đọng thành một giáo lý bất di bất dịch”[6]’ [7]. Một quan điểm khác cho rằng, bất kỳ sự tái sinh cũng kèm trong đó hạt giống của vô minh và hành (tức sự vận hành của tâm thức để tạo nghiệp), và từ sự tái sinh đó, thân năm uẩn hình thành và lục nhập là hệ lụy đương nhiên.
Mười hai chi pháp của duyên khởi gồm: “Này các Tỳ kheo, thế nào là lý Duyên Khởi? Này các Tỳ kheo, vô minh duyên hành; hành duyên thức; thức duyên danh sắc; danh sắc duyên sáu xứ; sáu xứ duyên xúc; xúc duyên thọ; thọ duyên ái; ái duyên thủ; thủ duyên hữu; hữu duyên sinh; sinh duyên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, được khởi lên. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi”[8]. Đây là sự thật về sự có mặt của các pháp, không do đức Phật hay các bậc Giáo chủ trước tác mà vốn là quy luật tự nhiên[9]. Trình tự 12 nhân duyên trong kinh này cũng theo khác, đó là già chết, sau đó mới đến hữu, thủ, ái, thọ, xúc, danh sắc, thức. Mấu chốt của khác biệt này phụ thuộc vào sự quán sát của đức Phật, Ngài quán sát cuộc đời bị rối ren vì vô thường, thành-trụ-hoại-không, vì thế lý Duyên khởi được đề cập một cách linh động từ chi pháp già chết nhằm chỉ ra nguyên nhân thực trạng đau khổ của đời sống con người, đó là căn bản vô minh. Cách quán sát này mang tính chất nhân-quả.
Kinh Đại Duyên cũng nói kỹ hơn về ái để giúp cho thính chúng đạt ngộ: “Do duyên ái, cầu lợi sinh; do duyên lợi, quyết định sinh; do duyên quyết định, tham dục sinh; do duyên tham dục, đắm trước sinh; do duyên đắm trước, chấp thủ sinh; do duyên chấp thủ, hà tiện sinh; do duyên hà tiện, thủ hộ sinh; do duyên thủ hộ, phát sinh ra một số ác, bất thiện pháp” trong đời sống thường ngày, con người khi đối duyên xúc cảnh dễ phát sinh sự thương ghét, ganh tỵ dẫn đến lợi, quyết định, tham dục, đắm trước, chấp thủ, hà tiện, thủ hộ, dẫn đến ác, bất thiện xảy ra. Đức Phật nhấn mạnh sự ái luyến, tham dục, dính mắc vào năm uẩn gây cho con người biết bao phiền não, khổ thân, khổ tâm, muôn vạn trạng thái tiếp nối liên tục.
4. Mối liên hệ giữa các chi pháp
(Theo Thích Minh Châu, 2017: 372-373) Các chi pháp của Duyên khởi được đức Thế Tôn liệt dẫn những thành phần cấu thành thức, danh sắc, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh và mô tả sự già bệnh chết như sau:
“Thế nào là thức? Này các Tỳ kheo, có sáu thức thân này: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức. …thế nào là danh sắc? Thọ, tưởng, tư, xúc, tác ý; đây gọi là danh. Bốn đại chủng và sắc do bốn đại chủng tạo ra; đây gọi là sắc…thế nào là xúc? Này các Tỳ kheo, có sáu xúc thân này: nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, thiệt xúc, thân xúc, ý xúc…thế nào là thọ? Này các Tỳ kheo, có sáu thọ thân này: Thọ do nhãn xúc sinh; thọ do nhĩ xúc sinh; thọ do nhĩ xúc sinh; thọ do tỷ xúc sinh; thọ do thiệt xúc sinh; thọ do thân xúc sinh; thọ do ý xúc sinh[10]…thế nào là ái? Này các Tỳ kheo, có sáu ái thân này: sắc ái, thinh ái, hương ái, vị ái, xúc ái, pháp ái…thế nào là thủ? Này các Tỳ kheo, có bốn thủ này: dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ, ngã luận thủ…thế nào là hữu? Này các Tỳ kheo, có ba hữu này: dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu… thế nào là sinh? Cái gì thuộc chúng sinh này hay chúng sinh khác, thuộc bộ loại chúng sinh này hay thuộc bộ loại chúng sinh khác, bị sinh, xuất sinh, giáng sinh, đản sinh, sự xuất hiện các uẩn, sự thành tựu các xứ…thế nào là già chết? Cái gì thuộc chúng sinh này hay chúng sinh khác, thuộc bộ loại chúng sinh này hay thuộc bộ loại chúng sinh khác, bị già, yếu, suy nhược, răng rụng, tóc bạc, da nhăn, tuổi thọ tàn lụi, các căn chín muồi. Đây gọi là già. Cái gì thuộc chúng sinh này hay chúng sinh khác, thuộc bộ loại chúng sinh này hay thuộc bộ loại chúng sinh khác, sự từ bỏ, hủy hoại, tiêu mất, tử vong, các uẩn hư hoại, thân thể vứt bỏ. Đây gọi là chết. Này các Tỳ kheo, đây gọi là già chết”
Theo Phật giáo Nguyên thủy (Early Buddhism)[11], thức tái sinh kết hợp với danh sắc tạo nên một đời sống mới trong hiện tại. Nếu thiếu một trong hai thì không thể có thức trong hiện tại. Sự chào đời là do tiền nghiệp (hữu nghiệp) mà có. Nghiệp hữu do sự chấp thủ tức tham ái và tà kiến mà có. Thức này chính là tư tâm sở trong lúc tạo nghiệp thiện ác sẽ tạo ra 19 tâm đầu thai đi các cõi: 8 tâm đại thiện dục giới sẽ tạo ra 8 tâm đại quả dẫn sinh các cõi trời người ở dục giới. 5 tâm thiện sắc giới sẽ tạo ra 5 tâm quả sắc giới để dẫn sinh về cõi Phạm Thiên sắc giới. 4 tâm thiện vô sắc giới sẽ tạo ra 4 tâm quả vô sắc để dẫn sinh bốn cõi Phạm thiên vô sắc. Tâm sở tư lúc tạo nghiệp sẽ tạo ra tâm quan sát quả bất thiện thọ xả dẫn sinh 4 cõi khổ. Thức duyên danh sắc tùy tâm nghiệp của chúng sinh mà sinh về cõi nào, cõi sắc, cõi vô sắc hay cõi dục có đủ năm uẩn và lục nhập. 6 căn tiếp xúc sáu trần thì xúc, thọ, ái, thủ, hữu làm nhân làm duyên cho nhau tùy theo mức độ, trạng thái mà tạo nên các hành động chi phối đời sống.
Đức Phật nhấn mạnh sự tập khởi của các bất thiện pháp từ ái, vì ái sinh ra tìm cầu dẫn đến sự tranh chấp tạo thành các bất thiện pháp hiện tại. Tham ái và tà kiến là do cảm thọ mà có. “Như cây bị chặt đốn, gốc chưa hại vẫn bền, ái tùy miên chưa nhổ, khổ này vẫn sinh hoài”[12]. Tâm đầu thai ấy do nghiệp thiện ác mà có. Nghiệp thiện ác đó do vô minh mà có. Nếu nhìn theo góc độ nhân quả thì chúng làm nhân, làm duyên cho nhau. Trong Phật Tự Thuyết, đức Phật tóm lược nguyên lý Duyên khởi thành bài kệ:
“Cái này có thì cái kia có (imasmim sati idamhoti).
Cái này sinh thì cái kia sinh (imassuppada idam uppajjati).
Cái này không thì cái kia không (imasmim asati idam na hoti).
Cái này diệt thì cái kia diệt (masmim nirodha idam airujjhata)”[13].
Dù được trình bày dưới số lượng chi phần nào, duyên khởi vẫn không ra ngoài định thức trên. Các sự vật hiện tượng tâm, vật lý tạo nên đời sống đều nằm trong một mối quan hệ với nhau, chúng là nguyên nhân của một yếu tố này và là kết quả của một yếu tố khác, làm cho chúng sinh hữu tình mãi vướng mắc trong sinh tử.
Phật giáo nhìn nhận thế giới là do nhân duyên mà sinh ra và không có một nguyên nhân đầu tiên. Do đó, trong một hiện tượng thì giáo lý Phật giáo phân tích bản thể, nguyên nhân, sự biến chuyển liên tục; bản chất của các hiện tượng đều như nhau, các hiện tượng, sự vật trong đời sống hòa hợp tạo thành cuộc sống muôn màu muôn vẻ.
5. Ứng dụng giáo lý duyên khởi trong Kinh Đại Duyên vào đời sống tu tập
Người xuất gia trong quá trình rèn luyện thân tâm, dù tu học trong đại chúng hay độc cư, đều cần chuyển hóa giáo pháp Duyên khởi từ những câu chữ trong kinh điển vào đời sống thường ngày, bằng ngôn ngữ bình dị ở các thể thức như chiều thuận, chiều nghịch, từng mắc xích, vòng mắc xích để giải quyết những vấn nạn của bản thân, phát triển đời sống tinh thần theo chiếu hướng tích cực.
Về khía cạnh tu tập tâm linh, khi hiểu được mắt xích lục nhập (P. salayatana) trong pháp Duyên khởi là một sự tiếp xúc giữa sáu căn tiếp xúc sáu cảnh trần tạo nên sáu xứ (nhãn xứ, nhĩ xứ, tỷ xứ, thiệt xứ, thân xứ, ý xứ), người tu sĩ, mà đặc biệt là tu sĩ trẻ, mới xuất gia, cần thu thúc sáu giác quan và giảm thiểu tiếp nhận những hình ảnh, thông tin, lời nói, tư duy… bất thiện. Từ sự buông bỏ những cám dỗ, vị ngọt của bất thiện pháp, tâm trí sẽ dần sáng tỏ như viên ngọc quý được mài giũa. Hai yếu tố phụ trợ nhưng không thể thiếu là siêng năng và kiên nhẫn là thuận duyên cho đời sống tâm linh.
Đến thời điểm sự tu tập đã đạt được những thành quả cơ bản thì mặt lợi tha (có thể hiểu là đóng góp cộng đồng, phụng sự xã hội) là điều cần có để chia sẻ giáo lý và đạo đức Phật giáo đến mọi người hữu duyên, nhằm giúp những người có vấn đề tâm lý, khó khăn trong đời sống tinh thần được tháo gỡ, giải quyết. Sự hoằng hóa Phật Pháp không nhất thiết phải khiến cho người hữu duyên đạt được sự chứng ngộ hiện tiền, mà phải dựa vào nhu cầu thực tế. Khi quý tăng, ni đã giúp cho tín đồ giải quyết khó khăn thì lúc này, giáo lý Phật giáo mà duyên khởi là một trong những Pháp cao siêu cần được chia sẻ bằng ngôn ngữ thời hiện đại, từ đó người xuất gia không chỉ dừng lại ở việc tự tu tập mà còn dấn thân phụng sự cho cuộc đời được trở nên tốt đẹp hơn.
Tác giả: Thích Ngộ Trí Viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM
----- CHÚ THÍCH [1] Thích Minh Châu (dịch). (1991). “Kinh Đại duyên”. Trường Bộ kinh (tập 1). Tp. Hồ Chí Minh: Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam. [2] Maurice Walshe (trans.). (1995). The Long Discourses of the Buddha: A Translation of the Digha Nikaya. Boston: Wisdom Publication, p. 223. [3] SuttaCentral (2018). Mahānidānasuttasutta-Bhikkhu Sujato. [https://suttacentral.net/dn15/en/sujato]. Truy cập ngày 03/10/2021. “Rebirth is a condition for old age and death, rebirth is a condition for old age and death, continued existence is a condition for rebirth, grasping is a condition for continued existence, craving is a condition for grapsing, feeling is a condition for craving, contact is a condition for feeling, name and form are conditions for contact, consciousness is a condition for name and form, name and form are conditions for consciousness”. [4] Thích Minh Châu (2011). Dàn ý Kinh Trung Bộ (Majjhima Nikāya) và tóm tắt Kinh Trường Bộ (Dīgha Nikāya). NXB Tổng Hợp Tp. HCM, tr. 393-394. [5] Giác Nguyên (2017). “Kinh Đại duyên”. Kinh Trường Bộ giảng giải (tập 1). Hà Nội: NXB Tôn giáo, tr. 259. [6] Trong Kinh Đại Bổn (Mahāpadāna sutta), Đức Phật cũng đề cập Duyên khởi như Kinh Đại duyên, nhưng có thêm lục nhập. [7] (Maurice Walshe, 1995: 211). “Then he thought: "What conditions birth? And the realisation dawned on him: Becoming conditions birth". . ."What conditions becoming?". . ."Clinging conditions becoming". . . "Craving conditions clinging" . . . "Feeling conditions craving" . . . "Contact condtions feelingff. ."The six sense-bases condition contact". . . "Mind-and-body conditions the six sensebases". . . "Consciousness conditions mind-and-body." [8] Thích Minh Châu (dịch). (2017). Kinh Tương Ưng Bộ (tập 2), chương 1, Phẩm Phật Đà. Hà Nội: NXB Tôn giáo, tr. 372. [9] Thích Minh Châu (dịch). (1993). Kinh Tương Ưng Bộ (tập 2). Tp. HCM: VNCPHVN, tr. 51. “thế nào là lý duyên khởi? Do duyên sinh, này các Tỷ-kheo, già, chết khởi lên. Dầu các Như Lai có xuất hiện hay không xuất hiện, an trú là giới tính ấy, pháp trú tính ấy, pháp quyết định tính ấy, y duyên tính ấy. Như Lai hoàn toàn chứng ngộ, hoàn toàn chứng đạt định lý ấy. Sau khi hoàn toàn chứng ngộ, hoàn toàn chứng đạt, Như Lai tuyên bố, tuyên thuyết, tường thuyết, khai hiển, khai thị, phân biệt, minh hiển, minh thị”. [10] Thọ phát sinh do xúc, quan sát các cảm thọ trên thân. Theo phân tích đối tượng có chín loại thọ nhưng theo A-tỳ-đàm (Abhidhamma) thì có nhiều loại cảm thọ hơn. [11] Người viết dùng danh từ “Early Buddhism” để nói về giáo lý Phật giáo trước thời kỳ phân chia bộ phái (Pre-sectarian Buddhism, Earliest Buddhism, Original Buddhism, Primitive Buddhism). [12] Thích Minh Châu (dịch). (2017). “Phẩm Tham ái”. Kinh Pháp Cú. Hà Nội: NXB Hồng Đức, tr. 135. [13] Thích Minh Châu (dịch). (1999). “Kinh Phật tự thuyết”. Kinh Tiểu Bộ (tập 1). Hà Nội: NXB Tôn giáo, tr. 291.TÀI LIỆU THAM KHẢO Sách 1. Giác Nguyên (2017). Kinh Trường Bộ giảng giải (tập 1). Hà Nội: NXB Tôn giáo. 2. Kimura Taiken. Thích Quảng Độ (dịch). Nguyên thủy Phật giáo tư tưởng luận. Hà Nội: NXB Hồng Đức. 3. Maurice Walshe (trans.). (1995). The Long Discourses of the Buddha: A Translation of the Digha Nikaya. Boston: Wisdom Publication. 4. Mehm Tin Mon (1995). The essence of Buddha Abhidhamma. Yangon, Myanmar: Mehm Tay Zar Mon Yadanar Min Literature. 5. Thích Chơn Thiện (2009). Phật học khái luận. Tp. HCM: NXB Phương Đông 6. Thích Chơn Thiện (1999). Lý thuyết nhân tính qua kinh tạng Pali. NXB Tp. HCM 7. Thích Minh Châu (dịch). (1991). Trường Bộ kinh. Tp. Hồ Chí Minh: Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam. 8. Thích Minh Châu (dịch). (1999). Kinh Tiểu Bộ. Hà Nội: NXB Tôn giáo. 9. Thích Minh Châu (2011). Dàn ý Kinh Trung Bộ (Majjhima Nikāya) và tóm tắt Kinh Trường Bộ (Dīgha Nikāya). NXB Tổng Hợp Tp. HCM. 10. Thích Minh Châu (dịch). (2017). Kinh Tương Ưng Bộ. Hà Nội: NXB Tôn giáo. 11. Thích Minh Châu (dịch). (2017). Kinh Pháp Cú. Hà Nội: NXB Hồng Đức. Website 12. SuttaCentral (2018). Mahānidānasuttasutta-Bhikkhu Sujato. [https://suttacentral.net/dn15/en/sujato]. Retrieved 03/10/2021. 13. Insight Meditation Society (2021). “Theravada” or “Early Buddhism”? Why “Early Buddhism” more accurately reflects. [https://www.dharma.org/theravada-or-early-buddhism-why-early-buddhism-more-accurately-reflects-imss-roots/]. Retrieved 04/10/2021.
https://tapchinghiencuuphathoc.vn/phap-duyen-khoi-trong-bai-kinh-296-thuoc-trung-a-ham.html https://tapchinghiencuuphathoc.vn/tri-tue-khoi-sinh-moi-hanh-lanh-ban-kinh-van-ve-hai-giai-doan-thien-quan-duyen-khoi.html
Bình luận (0)