Hòa thượng TUYÊN HÓA lược giảng; Nhà xuất bản Hồng Đức, năm 2019, ISBN: 978-604-89-8873-9

==
Quyển ”Luận đại thừa trăm pháp minh môn” này được Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng vào năm 1970 cho các đệ tử người Mỹ nghe. 

Tuy có nhiều vị trong số những thanh niên này, có trình độ Thạc sĩ hay Tiến sĩ, nhưng họ không biết tiếng Hoa, không hiểu giáo lý đạo Phật. 

Cho nên, Hòa Thượng Tuyên Hóa dùng từ ngữ đơn giản nhất để diễn giải những chỗ thật khó hội, khó hiểu về 100 pháp của Duy Thức. 

Về nội dung, Hòa Thượng giảng đi giảng lại và thêm vào những lời khuyên răn.

Có thể thấy rằng Ngài thật lòng tận tâm, không quản khó nhọc để độ kẻ sơ cơ.

Trang 9:

I. ĐẠI THỪA BÁCH PHÁP MINH MÔN LUẬN:

(THIÊN THÂN Bồ tát tạo.

Đường Tam Tạng Pháp Sư HUYỀN TRANG dịch;

Hòa Thượng TUYÊN HÓA lược giảng, tại Vạn Phật Thánh Thành)

Như lời đức Thế tôn dạy:

-Tất cả pháp đều vô ngã.

-Thế nào là tất cả pháp?

-Sao gọi là vô ngã?

*Tất cả pháp lược gồm có 5 loại:

1. Tâm pháp (Pháp tối thắng)

2. Tâm sở hữu pháp (Tương ưng với tâm pháp)

3. Sắc pháp (Pháp sở hiện ảnh)

4. Tâm bất tương ưng hành pháp (Tam vị sai biệt)

5. VÔ VI PHÁP (Tứ sở hiển hiện)

-Thứ nhất, pháp tối thắng: Tâm pháp

-Thứ hai, tương ưng với tâm pháp (thứ nhất)

-Thứ ba, pháp sở hiện ảnh (hai pháp trước)

-Thứ tư, tam vị sai biệt (ba pháp trên)

-Thứ năm, pháp sở hiển thị (bốn pháp trên)

Các pháp thứ lớp như thế.

~ Thứ nhất: TÂM PHÁP LƯỢC gồm 8:

1. Nhãn thức.

2. Nhĩ thức.

3. Tỷ thức.

4. Thiệt thức.

5. Thân thức

6. Ý thức

7. Mạt-na thức

8. A-lại-da thức (alaya-vijnana)

~ Thứ hai, TÂM SỞ HỮU PHÁP lược gồm có 51, phân ra làm sáu hạng:

. Biến hành có 5.

. Biệt cảnh có 5.

. Thiện có 11.

. Căn bản phiền não có 6.

. Tùy phiền não có 20.

. Bất định có 4.

*. BIẾN HÀNH có 5:

1. Tác Ý,

2. Xúc,

3. Thọ,

4. Tưởng,

5. Tư.

*. NĂM BIỆT cảnh:

1. Dục,

2. Thắng Giải,

3. Niệm,

4. Tam-Ma-Địa,

5. Huệ.

*. Mười một THIỆN:

1. Tín,

2. Tinh Tấn,

3. Tàm,

4. Quý,

5. Vô Tham,

6. Vô Sân,

7. Vô Si,

8. Khinh An,

9. Bất Phóng Dật,

10. Hành Xả,

11. Bất Hại.

*. Sáu Căn bản PHIỀN NÃO:

1. Tham,

2. Sân,

3. Si,

4. Mạn,

5. Nghi,

6. Bất Chính Kiến.

*. Hai mươi TÙY PHIỀN NÃO:

1. Phẫn,

2. Hận,

3. Não,

4. Phúc,

5. Cuống,

6. Siểm,

7. Kiêu,

8. Hại,

9. Tật,

10. San,

11. Vô Tàm,

12. Vô Quý,

13. Bất Tín,

14. Giải Đải,

15. Phóng Dật,

16. Hôn Trầm,

17. Trạo Cử,

18. Thất Niệm,

19. Bất Chính Tri,

20. Tán Loạn.

*. BỐN BẤT ĐỊNH:

1. Thùy Miên,

2. Ác Tác,

3. Tầm,

4. Tứ.

~ Thứ ba, SẮC PHÁP LƯỢC gồm có mười một:

1. Nhãn,

2. Nhĩ,

3. Tỷ,

4. Thiệt,

5. Thân,

6. Sắc,

7. Thanh,

8. Hương,

9. Vị,

10. Xúc,

11. Pháp Xứ Sở Nhiếp Sắc.

~ Thứ tư, Tâm bất tương ưng hành pháp lược gồm có hai mươi bốn:

1. Đắc,

2. Mạng Căn,

3. Chúng Đồng Phận,

4. Dị Sinh Tính,

5. Vô Tưởng Định,

6. Diệt Tận Định,

7. Vô Tưởng Báo,

8. Danh Thân,

9. Cú Thân,

10. Văn Thân,

11. Sinh,

12. Trụ,

13. Lão,

14. Vô Thường,

15. Lưu Chuyển,

16. Định Dị,

17. Tương Ưng,

18. Thế Tốc,

19. Thứ Đệ,

20. Thời,

21. Phương,

22. Số,

23. Hòa Hợp Tính,

24. Bất Hòa Hợp Tính.
 
~ Thứ năm, Vô vi pháp lược gồm có sáu:

1. Hư Không Vô Vi,

2. Trạch Diệt Vô Vi,

3. Phi Trạch Diệt Vô Vi,

4. Bất Động Diệt Vô Vi,

5. Tưởng Thọ Diệt Vô Vi,

6. Chân Như Vô Vi.

*Nói về vô ngã lược gồm hai thứ: BỔ-ĐẶC-GIÀ-LA VÔ NGÃ, Pháp Vô Ngã.
--
II.  LUẬN ĐẠI THỪA TRĂM PHÁP MINH MÔN: (Trang 19)
 
~Hòa Thượng TUYÊN HÓA giảng, từ ngày 17 tháng 5 đến ngày 7 tháng 6 năm 1970 tại San Francisco, Mỹ Quốc.

TỰA

Đức Phật thuyết pháp gọi là KINH học. 

LUẬT học: Giới luật do Phật quy định.

LUẬN học là những trước tác của chư Tổ. 

-KINH thì hiển bày về Định học. 

-LUẬT thì hiển bày về Giới học.

-Còn LUẬN thì hiển bày về Huệ học, tức là bồi dưỡng cho trí huệ.

Từ lúc Phật Giáo Giảng Đường được sáng lập đến nay, có thể nói đây là lần đầu tiên chính thức giảng “BÁCH PHÁP MINH MÔN LUẬN”. 

Tuy từ trước đã có người giảng qua luận này nhưng chỉ giảng giải rất đơn sơ khái quát. 

Bây giờ chúng ta cẩn thận giải thích tường tận hơn.

Ở Tây phương, cách giảng giải như vầy rất hiếm vì ít người giảng Luận này, nên quý vị không có cơ hội nghiên cứu rõ ràng. 

Nếu quý vị chẳng minh bạch về Luận này thì chẳng rõ đường lối tu hành. 

Nếu chẳng rõ đường lối tu hành tất không thể thành Phật được. 

Không thể thành Phật thì vĩnh viễn bị luân hồi trong lục đạo từ đời này đến đời khác.

Sinh rồi lại chết. Chết rồi lại sinh. 

Khi sinh ra bị hồ đồ mê muội, chẳng biết - Tại sao mình sinh ra đây? 

Đợi đến khi chết, vừa muốn biết, nhưng thời gian cũng không thể chờ đợi quý vị được, rồi lại hồ đồ mà chết đi! 

* Tại sao quý vị từ đầu đến cuối vẫn không biết được rõ ràng như thế? 

-Đó cũng tại vì quý vị đã không nghĩ tưởng đến “BÁCH PHÁP MINH MÔN LUẬN” này và cũng đã không đạt được ý chỉ của nó. 

Cho nên quý vị mới: Sinh ra hồ đồ. Chết đi cũng hồ đồ. 

Vậy rồi cứ quanh quẩn sinh sinh tử tử, tử tử sinh sinh mãi trong sáu nẻo luân hồi.
--
Bây giờ chúng ta bắt đầu giảng về BÁCH PHÁP MINH MÔN LUẬN. 

Thế nào gọi là BÁCH PHÁP MINH MÔN LUẬN? 

Có vị bảo: 

“Từ trước đến nay tôi chẳng những không thấy bộ luận này mà ngay cả tên, tôi cũng chẳng nghe qua nữa!”

Không sai! Quý vị rất thành thật và rất thẳng thắn đấy. 

Quý vị biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, người như vậy còn có thể dạy được. 

Chỉ sợ quý vị không biết mà nói biết. 

Đợi đến khi có người hỏi quý vị -biết thế nào, thì quý vị trả lời rằng: 

“Ư! Tôi quên rồi!” 

Thế thì hỏng bét hết. 

Quý vị chẳng biết mà nói biết, đó là tự khi dối mình, chẳng phải dối người mà chính là dối gạt mình. 

Chẳng biết cho là biết, chẳng làm được cho là làm được, tôi nói cho quý vị biết đó là loại người ngu si, mê muội nhất!

Ví như tự mình vốn chưa có nghe qua về Bách Pháp Minh Môn Luận mà khi có người hỏi:

“Bạn biết quyển Bách Pháp Minh Môn Luận không?” 

Thì bạn lại nói: “Ờ, biết chứ!” 

Người ta lại hỏi tiếp: 

“Vậy chớ quyển đó nói về những gì?” 

Quý vị coi đó mới đầu thì nói biết, đến lúc hỏi chi tiết, nội dung thì lại nói là quên rồi. 

Đó gọi là - chẳng biết cho là biết, không được cho là được, chẳng hiểu mà cho là hiểu, chẳng tỏ mà cho là tỏ. 

Đó là hạng người ngu si nhất. 

Tại sao bị đầu thai làm heo? 

Đó là vì đời trước chuyên giả mạo, nói : Cái gì cũng biết hết, kết quả phải đi làm heo vậy. 

Cho nên khi thấy loài heo tôi thật thương hại chúng lắm ! 

Chúng chẳng biết nghe lời dạy chút nào. Cũng chẳng biết y pháp tu hành ra sao. 

Vì thế nên mới đọa làm thân heo vậy!

Đây chẳng phải chỉ những là 100 pháp mà vốn có đến 660 pháp. 

Cũng không phải chỉ có 660 pháp vì nếu tính ra từ lúc ban sơ thời gồm cả 8 vạn 4 ngàn pháp, nhiều như thế. 

Trước hết đức Phật nói ra 8 vạn 4 ngàn pháp môn.

Mỗi mỗi pháp môn đều là con đường đi đến chỗ thành Phật. 

Về sau nhân vì chúng sinh căn tính quá ngu muội và con số 84.000 thật là quá nhiều. 

Cho nên, đức Di Lặc Bồ Tát từ bi, chọn ra trong số 84.000 pháp môn mà lập ra bộ “LUẬN DU GIÀ SƯ ĐỊA” (Yochararyabhumi Shastra), gồm 660 pháp. 

Nhưng 660 pháp vẫn còn nhiều, nếu chỉ riêng nói về danh tướng thôi, cũng phải mất mấy năm mới ghi nhớ được. 

Sau đó, Ngài THIÊN THÂN Bồ Tát quán sát biết căn tính Đại thừa của chúng sinh trong đời vị lai thích sơ lược ngắn gọn, nên chọn ra phần đề cương khế lãnh tối trọng yếu của Du Già Luận, 660 pháp mà biên thành 100 Pháp. 

(Cương là những sợi dây chủ chốt. 

Đề cương là có thể lấy những sợi dây chủ chốt này để tạo thành mạng lưới.

Khế lãnh là từ chữ cổ áo mà ra như sửa lại cổ áo cũng biểu thị sự chỉnh tề ngay ngắn.) 

Lại từ 100 pháp này tạo ra bộ Bách Pháp Minh Môn Luận, rất thích hợp cho chúng sinh có căn tính Đại thừa, đọc qua dễ hiểu, dễ nhớ. 

Vì 100 pháp đơn giản rõ ràng nên chẳng cần phải mất một thời gian dài mấy năm để ghi nhớ các danh tướng.

Bộ luận này đối với người ngu nhất chỉ cần một giờ cũng có thể nhớ thuộc được. 

Còn đối với những người thông minh thì có thể hiểu rõ được 100 pháp này trong khoảng mười phút thôi. 

Quý vị thấy có nhanh không? 

Vậy chúng ta cần phải hiểu rõ 100 pháp này, vì đó cũng là cửa ngỏ tắt đi vào cửa Phật pháp. 

Cho nên gọi là “MINH MÔN” tức minh bạch pháp nầy thì đặng vào cửa Phật pháp.

Trước khi giảng về Luận 100 pháp minh môn, tôi có vài ý kiến. 

Ví như ở Tây phương có một số người giảng về Phật pháp mà tôi đã gặp, đã nghe qua. 

Nếu quý vị muốn hỏi họ “Bách Pháp Minh Môn Luận” là gì, thì họ sẽ trả lời quý vị như sao? 

Họ sẽ im lặng, không nói một lời.

Đây tuyệt đối không giống như Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát hỏi cư sĩ Duy Ma Cật: 

Thế nào là ĐỆ NHẤT NGHĨA ĐẾ, mà cư sĩ Duy Ma Cật im lặng, chẳng đáp một lời. 

Sự im lặng đó là đệ nhất nghĩa đế. 

Vì nói ra tức là ly khai đệ nhất nghĩa đế. 

Sự im lặng đó biểu thị cho đệ nhất nghĩa đế. 

Đó mới chính thật là đệ nhất nghĩa đế. 

Nhưng 100 pháp này cùng với đệ nhất nghĩa đế chẳng đồng, nghĩa là nhất định phải nói ra. 

Nếu chẳng nói, cứ một mực nhắm mắt ngậm miệng, ngụy trang giống như vậy rồi nói rằng :” Tôi học theo đệ nhất nghĩa đế”.

Đó là sai lầm rồi. 

Tại sao thế? Tại vì 100 pháp này nhất định phải nói ra. 

Nếu chẳng nói thì không có cách nào diễn bày 100 pháp này cho được. 

Thế tại sao họ chẳng nói? Đó vì trong tâm họ chẳng rõ. 

Đừng nói chi đến 100 pháp mà ngay cả một pháp cũng không hiểu; 

Vì không hiểu một pháp nào nên họ mới theo câu “VÔ PHÁP KHẢ THUYẾT.” 

Quý vị muốn hỏi họ, nói những gì thì họ chỉ có thể trừng trừng mắt làm mặt quỷ.

Còn không thì trương khẩu há mồm: “Hừ, là vậy đó!” 

Quý vị nói có đáng thương không? 

Nhưng một pháp họ cũng không hiểu, cũng không nói được. 

Vậy mà lại còn nói “Pháp” ngoài phạm vi 100 pháp nữa. 

*Họ nói phải nói trái, nói dọc nói ngang, nói trước nói sau, nói trên nói dưới. 

Những người không hiểu Phật pháp liền nói:

“Ồ! Vị này thuyết pháp hay quá!” 

Nhưng đối với người nào hiểu Phật pháp, mới nghe qua liền nói:

“Ủa! Nói cái gì lung tung thế. Ổng đang giảng cái gì vậy!”

Giống như kẻ làm tiền giả để dối gạt những người nhà quê mà phần nhiều những người này không biết phân biệt đâu là thật, giả. 

Đợi đến lúc, chỗ in tiền đem lại so sánh thì mới có thể chứng minh được thật, giả. 

Nghe pháp cũng giống như thế, chúng ta phải có TRẠCH PHÁP NHÃN. 
--
Thế nào là TRẠCH PHÁP NHÃN? 

Tức là biết thế nào là pháp, là phi pháp, nhiễm pháp tịnh pháp, thiện pháp -ác pháp và tà pháp hay chính pháp. 

Nếu quý vị minh bạch, thấu đáo như thế rồi.

Đó mới chính thật có TRẠCH PHÁP NHÃN vậy. 

Ý nghĩa của trạch pháp chẳng phải nói rằng quý vị thấy người thuyết pháp có giọng lớn, biết tán xướng lại còn ngâm xướng hay nữa.

Họ khiến cho quý vị mê mẫn tâm thần.

Vì bị âm thanh của người ấy cứ du dương bên tai đến nỗi tối ngủ cũng không được. 

Quý vị thấy có thật đáng thương không? 

Tôi nay thì sao? 

Tôi không biết hát xướng chi, mà chỉ biết nói vài câu cho quý vị nghe thôi.
--

*Trọn quyển này chia ra làm bốn phần để giảng:

- Giải thích tổng quát về danh đề

- Người tạo luận

- Dịch giả

- Giải thích riêng biệt về văn nghĩa (Biệt giải văn nghĩa).

A. GIẢI THÍCH TỔNG QUÁT VỀ DANH ĐỀ:

Bây giờ giảng đề mục, nhưng muốn giải thích về luận đề này trước phải giải thích 100 (bách) pháp.

“Bách Pháp” (trăm pháp) chính là “một mà mười. Mười mà trăm” là một trăm, do một đến mười, mười đến trăm, có nhiều Pháp như thế. 

*Trăm pháp có thể chia ra làm năm loại: 

Tâm pháp, Tâm sở hữu pháp, Sắc pháp, Tâm bất tương ưng hành pháp và Vô vi pháp.

*Trăm Pháp gồm như sau: 

8 Tâm pháp;

51 Tâm sở hữu pháp; 

11 Sắc pháp;

24 Tâm bất tương ưng hành pháp; 

6 Vô vi pháp.

Khi giảng đến phần chính văn, tôi sẽ giải thích tường tận hơn.

Còn giờ đây quý vị chỉ cần nghe qua danh từ thôi.

“MINH MÔN”: 

Chữ Minh trong chữ minh môn có nghĩa là minh bạch, cũng chẳng phải ngu si mà là hiểu rõ. 

Hiểu rõ những gì? 

Hiểu rõ 100 pháp. 

Hiểu rõ con đường dẫn vào cửa ngỏ của 100 Pháp thì có thể tu hành được rồi.

“LUẬN” là nghị luận, luận thuyết, ngữ luận, thảo luận, biện luận và nghiên cứu. Luận như thế nào? 

Có thể nói là thảo luận. 

Thảo luận tức là chúng ta cùng lại thảo luận, nghiên cứu. 

Tôi nói ra, nếu quý vị cảm thấy pháp nầy không đúng, quý vị có thể đưa ra lý do để thảo luận với tôi. 

Nghị luận là quý vị trình bày đạo lý của quý vị, tôi trình bày đạo lý của tôi. Chúng ta cùng nhau đem những ý kiến đó ra phân tích. 

LUẬN cũng có thể nói là đàm luận.

Chúng ta cùng nhau nghiên cứu pháp này. 

PHÁP chẳng phải là pháp của tôi mà là Phật pháp.

Tôi giảng Phật pháp. Bất cứ ai thấy tôi giảng điều gì không đúng thì có thể trình bày lý do để chúng ta cùng nghiên cứu.

Bất luận là người từ đâu đến, nếu trình bày được lý do gì, tôi đều vui lòng hồi đáp tất cả. 

Đây là bao gồm cho mọi người trên toàn thế giới như người Mỹ, người Hoa hay người Nhật. 

Không luận là người của quốc gia nào, thậm chí cho đến những người từ mười phương đến, tôi đều vui lòng giải đáp. 

Thế nào là nói từ khắp mười phương đến? 

Nhân vì hiện đại có phi cơ và trực thăng, có thể từ trên trời xuống đất; 

Lại có thể ngồi tàu thủy từ biển đến, cũng giống như từ đất đến.

Cho nên tôi nói người từ mười phương đến, tôi đều có thể giải đáp cho họ. 

Chỉ cần có vấn đề để hỏi là tất cả chúng ta có thể mở một cuộc họp để cùng nhau thảo luận về Phật pháp.

Không luận quý vị là tín đồ Phật giáo hay tín đồ của bất cứ tôn giáo nào, nếu có câu hỏi, tất nhiên tôi sẽ giải đáp. 

Dù câu hỏi có khó đến thế nào đi nữa, tôi nhất định sẽ dùng thanh kiếm TRÍ HUỆ để chặt dứt trừ sự nghi hoặc và có thể cắt dứt cái lưỡi của người ngu si để đổi lại cái lưỡi trí huệ. 

Tôi có thể đổi lưỡi người, cũng có thể đổi đầu óc hồ đồ thành đầu óc sáng suốt. 

Những ai có đầu óc mê muội chẳng biết thức tỉnh thì cứ đến, nhưng việc làm này không phải miễn phí à !

Tức phải trả phí tổn và chỉ tốn khoảng mười ngàn đô là có thể đổi được một bộ óc mới !!

Bây giờ tiếp tục giảng chữ “LUẬN”. 

Tại sao vừa rồi, tôi nói “Bách Pháp Minh Môn Luận” nhất định cần phải nói? 

Chẳng có cách nào để không nói, bởi vì có chữ Luận và luận tức là phải nói. 

Nhưng nói như thế nào?

Nói gì là “phải” (thị), gì là “chẳng phải” (phi). 

Đó là ý nghĩa thứ nhất của chữ Luận. 

Phải thì chính là phải, quấy chính là quấy. 

Không thể lấy phải làm quấy, cũng không thể lấy quấy làm phải. 

Cho nên, cần phải luận rõ ràng sự việc, thí như đối với người xuất gia mà nói :

”Tu hành là phải. 

Chẳng tu hành là sai”.

Ý nghĩa thứ hai của luận là thảo luận về chính tà. 

Tà nhất định là tà. Chính nhất định là chính.

Quý vị không thể lấy tà làm chính, lấy chính làm tà, cho nên cần phải thảo luận.

Ý nghĩa thứ ba là thảo luận về thiện- ác. 

Thiện nhất định là thiện.Ác nhất định là ác. 

Quý vị không thể lấy ác làm thiện, cũng không thể lấy thiện làm ác.

Ý nghĩa thứ tư là thảo luận về nhân quả. 

Nhân nhất định là nhân. Quả nhất định là quả.

Quý vị không thể lấy nhân làm quả, lấy quả làm nhân, nhân -quả cần phải phân minh rõ ràng.

Ý nghĩa thứ năm là thảo luận về nhiễm tịnh. 

Quý vị không thể lấy nhiễm làm tịnh hay lấy tịnh làm nhiễm. 

Không thể điên đảo giữa thị và phi.

Luận tức là đem tất cả vấn đề ra để phân biệt cho rõ ràng.
--
Luận cũng có thể biến cải, thay đổi thị (phải) thành phi (quấy), biến phi thành thị. 

Bỏ cái phi đi thì chính là “thị”, bỏ thị đi rồi tức là phi vậy. 

Nhưng cũng có thể nói - thị không rời phi và phi không rời thị; 

Tức thị tức phi, tức phi tức thị; 

Tức thiện tức ác, tức ác tức thiện; tức chính tức tà, tức tà tức chính; 

Tức nhân tức quả, tức quả tức nhân; 

Tức tịnh tức nhiễm, tức nhiễm tức tịnh. 

Quý vị xem luận này dù ra sao đều có thể thảo luận được cả, chỉ sợ nhất là quý vị không có luận thuyết thôi. 

Nếu quý vị có điều luận bàn nào thì đến mà luận bàn, nói - thị là phi, phi là thị, sao cũng được hết.

Luận là nghiên cứu vấn đề thị phi phải quấy. 

Quý vị nói: “Thế thì sự thể như thế nào?” 

Quý vị chẳng biết thì nên học, học xong rồi tất sẽ biết ngay, diệu chính là ở chỗ này.

Quý vị biết Phật pháp ít thì không thể cho mình biết nhiều, nếu biết nhiều cũng không thể nói là mình biết ít.

Phần trên là giải thích sơ lược về đề mục của quyển BÁCH PHÁP MINH MÔN LUẬN.

B. NGƯỜI TẠO LUẬN: THIÊN THÂN Bồ Tát tạo ra.

*THIÊN THÂN Bồ Tát:

Bây giờ giảng về người tạo Luận. 

Người viết bộ Luận này là Ngài THIÊN THÂN (Vasubandhu), cũng gọi là THẾ THÂN. 

*Vì sao gọi là THIÊN THÂN? 

Nhân vì có người nói rằng: “Ngài là anh em của thiên chủ. Thiên chủ là anh của Ngài”. 

Rốt cuộc đúng hay không đúng, điều này không mấy chi quan trọng để tìm tòi khảo chứng. 

Đây chỉ là cách nói của một số người nào đó. 

Vậy cuối cùng Ngài có bao nhiêu anh em? 

Ngài có tất cả hai anh em, đều gọi là Bà-tẩu-bàn-đẩu. 

Đó là tên chung, cũng là dịch âm từ tiếng Phạn. 

*Vậy còn tên riêng là gì? 

Anh cả gọi là Vô Trước (Asanga), đến Ngài là Thiên Thân. 

Và em nhỏ nhất là Tỷ-lân-trì-bạt- bà (Virincivatsa). 

Tỷ-lân-trì (Virinci) là tên mẫu thân của Ngài. 

Bạt-bà (vatsa) dịch theo tiếng Hoa nghĩa là Nhi tử (con). 

Vì vậy có nghĩa là con của bà Tỷ-lân- trì.

Ba anh em Ngài ra đời sau khi Phật diệt độ 900 năm. 

Tất cả đều là những người thông minh phi thường, nhưng thông minh là thông minh vậy thôi, vì mỗi người đều có những biên kiến riêng biệt. 

Bất quá, đó chẳng qua là câu chuyện trước kia còn sau này khi hiểu rõ rồi thì họ không còn như vậy nữa. 

Bởi vì anh cả Vô Trước thích vô trước, không chấp trước chi – vô sở chấp trước. Ông này chỉ riêng ái kính Phật giáo ĐẠI THỪA, không thích Tiểu thừa. 

Còn Ngài Thiên Thân Bồ tát thì ngược lại, Ngài chấp vào pháp Tiểu thừa, cho pháp Tiểu thừa mới là Phật pháp chính thật nhất, nên chuyên học Phật giáo Tiểu thừa. 

Chẳng những Ngài Thiên Thân học tập Phật giáo Tiểu thừa mà lại còn giúp cho Tiểu thừa bài bác Đại thừa, chuyên môn phá hoại Đại thừa Phật giáo nữa.

Ngài chẳng tin các kinh như Pháp Hoa, Lăng Nghiêm, Hoa Nghiêm.

Quý vị coi đó! Anh thì học Đại thừa mà chẳng hủy báng Tiểu thừa. 

Còn người em thì thế nào? 

Đã học Tiểu thừa mà lại chuyên môn phê bình Đại thừa. Thậm chí người em còn muốn tiêu diệt Đại thừa nữa.

Bây giờ trước nói về việc đấu pháp của hai anh em. 

Thật ra chẳng đúng nếu nói- hai người cùng nhau tranh biện với nhau mà chỉ riêng nói có người em là muốn đấu tranh thôi. 

Ngài Thiên Thân Bồ Tát là người học Tiểu thừa, chuyên môn bài bác anh mình theo giáo pháp Đại thừa là không đúng. 

Nhưng anh của Ngài từ đầu đến cuối chẳng hề nói Tiểu thừa Phật giáo đúng hay không đúng. 

Vì tinh thần ĐẠI THỪA Phật giáo cốt đem “chẳng đúng” để cũng bao gồm vào trong, cho nên đối với việc làm của người em.

Ngài chỉ thương xót chớ chẳng chút oán hận.

Mà còn luôn luôn tìm cách để độ cho em.
--
Thế là Ngài viết một lá thơ gởi cho người em nói rằng:

“Chúng ta vốn là hai em thân tình với nhau, tuy chỗ học của mỗi người đều không giống nhau. 

Nhưng thật ra chúng ta vẫn là anh em ruột. Chú là em ruột của tôi. 

Còn tôi là anh cả của chú. Đó là điều tuyệt đối không phải giả. 

Chú cũng phải tin tưởng là thật mà tôi cũng tin tưởng đúng thật vậy. 

Bây giờ tôi biết tôi sắp chết, tôi muốn thấy mặt chú một lần.

Vả lại cũng có một chút việc tưởng rằng chú có thể giúp cho tôi được mãn nguyện. 

Như quả chú không giúp tôi mãn nguyện chuyện này, chắc đến chết tôi cũng không nhắm mắt được.”
--
Dù Thiên Thân Bồ Tát không thích Đại thừa Phật giáo, nhưng khi vừa xem bức thư của người anh với những lời lẽ khẩn thiết, rằng anh mình sắp phải chết, mong cầu gặp mặt mình. 

Quý vị thử xem, người em sao lại không đến gặp mặt người anh cho được? 

Tuy cả hai tin phụng giáo lý không giống nhau.

Anh học Đại thừa.

Em học Tiểu thừa, nhưng khi xem xong bức thư, người em vô cùng cảm động nên quyết định phải đi gặp anh mình lần sau chót. 

*Ngài Thiên Thân Bồ Tát vừa thấy người anh liền hỏi ngay:

- “Sư huynh viết thư bảo em thay anh làm chút việc, như quả em không giúp được thì anh chết sẽ không nhắm mắt.

Vậy rốt cuộc anh bảo em làm chuyện gì đây?”

- “Anh muốn nhờ em ở lại đây tụng dùm anh bộ Kinh PHÁP HOA, LĂNG NGHIÊM và HOA NGHIÊM.”

Người anh biết rõ em mình thông minh phi thường, dù bất cứ sách gì, nếu đọc qua một lần tức đều ghi nhớ, vĩnh viễn không quên. 
--
Bấy giờ trong lòng Thiên Thân Bồ Tát nghĩ rằng:

“Lần này vì để cho anh mình được mãn nguyện, dù mình không thích nhưng cũng chỉ tụng một lần thôi!” 

Nghĩ thế nên Ngài thuận ý ngay. 

Khi tụng xong ba bộ kinh Đại thừa “Pháp Hoa, Lăng Nghiêm, và Hoa Nghiêm”,  Ngài hoát nhiên minh bạch.

Ngài rõ thấu những gì mình đã không đúng như: 

Chế giễu đại thừa Phật giáo, phỉ báng kinh điển Đại thừa, cho rằng những kinh này là giả mạo. 
--
Giờ đây biết là mình đã lầm lẫn, nên Ngài vô cùng hối hận nghĩ:

“Phải làm sao đây?” 

Tâm Ngài buồn phiền áo não và tự trách:

“Từ trước, ta đã hết sức hủy báng Đại thừa Phật giáo. Ta đã tạo tội lỗi quá nhiều. Nhất định ta phải đọa địa ngục! Cái lưỡi của ta tai hại quá đỗi đi. 

Ta muốn lấy dao cắt bỏ cái lưỡi của mình cho rồi.”

*Tại sao lúc trưa này tôi nói, muốn cắt lưỡi người, như cắt cái lưỡi của người ngu si đần độn?

Chính vì câu chuyện của Tổ sư THIÊN THÂN, vị Bồ Tát này sám hối bằng cách tự cắt lấy lưỡi ngu si đần độn của mình. 

Ngài nói, muốn cắt lưỡi như thế, quý vị thấy có nguy hiểm quá không? 

Tất cả chúng ta thử tưởng tượng, nếu tự mình cầm dao rồi kéo lưỡi thẳng ra để cắt bỏ.

Đó không phải là một trò chơi hoặc chuyện nói đùa đâu. 

Bởi vì Ngài thật muốn cắt lưỡi mình mà!

Vô Trước Bồ Tát đứng một bên thấy cảnh tượng như thế, hết sức kinh khiếp nói:

- “Nhị đệ, em làm gì vậy? Mau nói cho huynh nghe đi!”

Bây giờ Thiên Thân Bồ Tát đáp lại bằng một giọng rất bi ai:

-“Cái tội của em thật không thể dung thứ. Vì từ trước, em đã hủy báng ĐẠI THỪA PHẬT GIÁO một cách quá đáng. 

Bây giờ, em vừa đọc được ba bộ kinh PHÁP HOA, LĂNG NGHIÊM và HOA NGHIÊM mới biết rằng GIÁO LÝ ĐẠI THỪA quá ư vi diệu! 

Lúc trước, em đã cực lực hủy báng Đại thừa.

Tội này chẳng lẽ nhất định không đọa vào địa ngục Bạt-thiệt sao? 

Bây giờ còn sống, nghĩ rằng: Em nên cắt bỏ đầu lưỡi đi để đền bù lại tội lỗi xưa vậy.”

--

Ngài Vô Trước Bồ Tát liền khuyên rằng:

- “Nhị đệ, em không nên khờ dại, ngu si như vậy. Em có thể đổi lưỡi được mà!”.

- “Làm thế nào để đổi đây?”

- “Lúc trước em đã dùng nó để hủy báng kinh điển Đại thừa. 

Bây giờ em đổi cách nói lại là dùng lưỡi của em để tán thán KINH ĐIỂN ĐẠI THỪA. 

Như thế không được sao? Hà tất lại phải cắt bỏ nó chớ.”

- “Đúng rồi! Nếu như em cắt bỏ lưỡi đi thời cũng không giúp được gì cho kinh điển Đại thừa. 

Trái lại, nếu em không cắt lưỡi, thì em có thể có dùng lưỡi hủy báng trước kia trở lại XƯNG TÁN ĐẠI THỪA Phật giáo, như thế thì chẳng hay hơn sao?”

Ngài Thiên Thân vừa nghĩ như thế xong, trí huệ vốn sẵn của Ngài cũng bỗng nhiên hiện bày. 

Thế rồi, Ngài lập ra bộ BÁCH PHÁP MINH MÔN LUẬN với nhịp văn trôi chảy, một mạch từ đầu đến cuối.

Thiên Thân Bồ Tát có dũng khí rất lớn. 

Ngài chính thật là một con người biết cải hối hoàn toàn. 

Cho nên, từ đó về sau tất cả những bộ luận Ngài viết đều là TÁN THÁN ĐẠI THỪA và đốt hết các sách Ngài chê bai Đại thừa Phật giáo lúc trước. 

Vì thế, hiện nay chỉ còn lưu lại những BỘ LUẬN tán thán ĐẠI THỪA Phật giáo mà thôi.
--
Như trên là nói về chuyện của Tổ sư Thiên Thân.

Tiếp theo là giải thích hai chữ BỒ TÁT. 

Bồ Tát cũng tức là Bồ-đề Tát-đỏa. 

Người Hoa thích nói tóm gọn, nên chỉ xưng là Bồ Tát. 

Bồ-đề-tát-đỏa là tiếng Phạn, dịch là “giác hữu tình”, cũng gọi là “hữu tình giác”. 

Thế nào là “giác hữu tình?” 

Giác này là giác ngộ, nhưng giác ngộ ai? Giác ngộ tất cả loài hữu tình. 

Đó là một lối giải thích. 

Nếu tự mình giác ngộ, tự mình khai mở trí huệ, lại đem sự giác ngộ ấy để thức tỉnh tất cả chúng hữu tình khác. 

*Thế nào là “hữu tình giác?”

Bồ Tát cũng là một chúng hữu tình, cũng là một chúng sinh, nhưng chẳng qua Ngài đã giác ngộ rồi. 

Ngài là một chúng sinh giác ngộ trong số các chúng sinh. 

“Giác hữu tình” là chúng sinh đã giác ngộ, rồi giác ngộ lại các chúng sinh khác.

“Hữu tình giác” tức là một người đã giác ngộ trong số các chúng sinh, đó cũng là Bồ Tát vậy.
--
Vì danh xưng Bồ Tát rất hay đẹp, cho nên có nhiều người muốn làm Bồ tát, cũng muốn tự phong cho mình cái nhãn hiệu BỒ TÁT. 

Rồi còn bảo mọi người gọi mình là Bồ Tát. 

Vì thế, người xuất gia ở Trung Quốc đều xưng tán, khen ngợi với nhau: 

“A! Lão Bồ Tát, ‘Ngài...’ đã đến rồi!”

“Đúng vậy, Lão Bồ tát, Ngài đã đến rồi!” 

Đó là câu mà những người xuất gia dùng để chào hỏi lẫn nhau. 

Tiếng xưng hô Bồ Tát là thuộc về người ngoài tôn xưng mình, chớ chẳng phải mình tự bảo với người:

“Ông nên gọi tôi là Bồ Tát đi!” 

Ngài Thái Hư đã từng nói: 

“Mọi người nên gọi tôi là Bồ Tát. 

Vì sao? Vì tôi đã là Tỳ kheo nhưng chưa thành Phật.” 

Tức là nói, tôi đã thọ giới rồi, lại thọ thêm giới Bồ Tát nữa. 

Cho nên quý vị không nên gọi tôi là Tỳ kheo mà nên gọi tôi là Bồ Tát. 

Nhưng không được xưng tôi là Phật, vì tôi chưa thành Phật.” 

Ngài nói như thế cũng không nhất định là bảo người ta gọi Ngài là Bồ Tát. 

Chẳng qua là Ngài nói đùa với mọi người vậy thôi!

Vì Đại sư THÁI HƯ xưa kia cũng chính thật là Bồ Tát. 

Quý vị có gọi Ngài là Bồ Tát hay không, Ngài vẫn là Bồ tát.

Gọi một tiếng Bồ Tát thì Ngài không thêm được chút gì. 

Không gọi là Bồ Tát thì Ngài cũng chẳng mất mát chi.

Ngài cố ý đùa cợt với các chúng sinh ngu muội mà thôi! 

Phật sống Kim Sơn cũng có một câu nói tương tự: 

“Quý vị phải gọi tôi là Phật sống đó!” 

Điều này cũng có ý nghĩa giống như câu chuyện của Đại sư THÁI HƯ.
--
Vậy có phải Thiên Thân Bồ Tát tự mình viết câu “Thiên Thân Bồ Tát tạo” trên bộ Luận Bách Pháp Minh Môn không? 

Không phải thế. 

Lúc bấy giờ, Ngài chỉ viết câu: “Thiên Thân tạo”. 

Nhưng vì lớp người hậu học muốn tôn trọng Ngài nên đề thêm danh hiệu “Bồ đề Tát đỏa” (Bồ tát) như vậy. 

Tôi tin rằng THIÊN THÂN Tổ Sư tuyệt đối không khi nào viết thêm vào danh nghĩa Bồ Tát như vậy.

Chúng ta căn cứ vào điểm đó để nghiên cứu học hỏi mà không nên ham cầu danh tiếng. 

Cổ ngữ có câu: “Thượng sĩ vô danh, hạ sĩ háo danh” - Bậc thượng sĩ thì không muốn tên tuổi, kẻ hạ sĩ thì ham danh. 

Vậy quý vị muốn làm thượng sĩ cũng được, muốn làm hạ sĩ cũng xong. 

Đó là hoàn toàn do chính quý vị quyết định.

Đến chữ “tạo” có nghĩa là tạo tác, cũng là trước tác. 

Thiên Thân Bồ Tát viết bộ “LUẬN BÁCH PHÁP MINH MÔN” rất ngắn, nên tôi hy vọng sẽ giảng xong trước khi khai khóa học hè.

C. DỊCH GIẢ:

Đời Đường, Ngài Tam Tạng Pháp Sư HUYỀN TRANG dịch.

Xem thêm tại : https://www.dharmasite.net/LuanDaiThuaTramPhapMinhMon.htm

III. SÁU ÐẠI TÔNG CHỈ CỦA VẠN PHẬT THÁNH THÀNH:

Hòa thượng Tuyên Hóa đã lập ra “Sáu ÐẠI TÔNG CHỈ của Vạn Phật Thánh Thành” 
(The six GREAT PRINCIPLES of the City of Ten Thousand Buddhas).

Đây cũng là mục tiêu tu hành: 

1.Không tranh, 

2.Không tham, 

3.Không mong cầu, 

4.Không ích kỷ, 

5.Không tự lợi, 

6.Không nói dối. 

(These six great principles are not fighting, not being greedy, not seeking, not being selfish, not pursuing personal advantage, and not lying.)

Những điều này là căn bản làm người, là nền tảng tu hành, và là tiêu chuẩn của chính quyền. 

Sáu Ðại Tông Chỉ này là sáu con đường sáng. 

Nếu nhớ được sáu đại tông chỉ này, quý vị có thể thành Phật. 

Tôi đưa ra sáu đại tông chỉ này cho những người muốn thành Phật, thành Bồ Tát, muốn thành Thanh Văn, A La Hán. 

Ðây là những tông chỉ quan trọng nhất. 

Nếu thực hành được, quý vị có thể dùng suốt đời, mà vẫn không tận dụng hết được !
(Hòa Thượng TUYÊN HÓA)
==

“LUẬN ĐẠI THỪA TRĂM PHÁP MINH MÔN” là một cuốn sách rất quý, với nhiều kiến thức bổ ích, đối với những ai cần tìm hiểu, học hỏi.  Vì vậy, sách này được tái bản rất nhiều lần, với số lượng lớn. 

Hòa thượng Tuyên Hóa giảng đi thẳng vào vấn đề, rất gãy gọn, cô đọng, đơn giản, dễ hiểu nhưng cung cấp rất nhiều kiến thức quý giá cho những người khát khao tìm hiểu, học tập.

Bài: Huy Khiêm
Tranh: Guo Tu-C.T MLS