Trong tiến trình tu tập, trau dồi tam nghiệp thanh tịnh thì người tu sẽ tích lũy được hột giống tâm bồ đề, nếu chưa thuần thục thì hột giống tâm ấy còn đang ẩn, chưa hiển lộ, hoặc chưa thực sự già chín, tròn trịa, cất lâu để đời.
Chúng ta biết rằng chính ba nghiệp Thân - Khẩu - Ý là động cơ dẫn dắt chúng sanh luân hồi trong nhiều đời nhiều kiếp. Cho nên, muốn thoát ly sanh tử luân hồi, con người phải biết dừng nghiệp và chuyển nghiệp. Nghĩa là chúng ta phải dừng tất cả những nghiệp ác, nghiệp bất thiện, từ Thân - Khẩu - Ý của mình, chuyển ba nghiệp Thân - Khẩu - Ý bất thiện, thành ba nghiệp thiện lành.
1. Đức Phật dạy pháp tu nhiếp phục, chuyển hóa thân - khẩu – ý
Sau khi chứng thiên nhãn minh dưới cội bồ đề, đức Phật thấy rõ vô lượng kiếp quá khứ của chúng sinh với các nghiệp nhân và nghiệp quả, thấy rõ con đường thọ nghiệp của chúng sinh. Ngài đã nói rõ điều này như sau:
“Với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, vượt tri kiến phàm tục, ta thấy rõ sự sống và chết của chúng sanh như thế nào. Ta biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Những chúng sanh làm những ác hạnh về thân, lời và ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến; những người này, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những chúng sanh nào làm những thiện hạnh về thân, lời và ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến; những vị này sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, cõi trời, trên đời này”[1].
Đức Phật dạy rằng con người làm những việc lành hay dữ, hành động xấu hay tốt đều do “thân”, do “miệng” và do “ý” mà ra. Ngài khuyên chúng sinh hãy giữ “Thân, khẩu, ý”, hãy kiểm soát hành động, lời nói và ý nghĩ cho trong sạch. Ngài dạy:
Này các Tỷ-kheo, có ba thanh tịnh này. Thế nào là ba? Thân thanh tịnh, lời nói thanh tịnh, ý thanh tịnh.
Thế nào là thân thanh tịnh? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, này các Tỷ-kheo, đây gọi là thân thanh tịnh. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là lời nói thanh tịnh? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là lời nói thanh tịnh.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ý thanh tịnh? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người không có tham lam, với tâm không sân không hận, có chánh tri kiến. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là ý thanh tịnh”[2].
Những vị nào đã nhiếp phục thân khẩu ý, an trú trong chánh đạo, độc cư thiền định, nội tâm tịch tĩnh được gọi là Sa môn phạm hạnh. Vị ấy thành tựu quả vị giải thoát trong hiện đời: “Người chế ngự tay chân/ Chế ngự lời và đầu/ Vui thích nội thiền định/ Ðộc thân, biết vừa đủ/ Thật xứng gọi Tỷ-kheo”[3].
2. Tổ sư Minh Đăng Quang dạy về pháp tu tịnh hóa tam nghiệp
2.1. Tâm là hột giống giác chơn, gồm Thân - Khẩu - Ý:
Tổ sư đã nhấn mạnh khi thân khẩu ý của người tu hoàn toàn thanh tịnh thì vị ấy đã thành tựu được đạo nghiệp của mình: tức là, thân tâm giải thoát được mọi sự ràng buộc và không sanh khởi những hành vi bất thiện.
“Thân trong sạch ấy là xứ Phật. Miệng trong sạch ấy là pháp Phật. Ý trong sạch ấy là con Phật. Tâm trong sạch tức là đức Phật”[4].
Khi ba nghiệp thanh tịnh, tức là người tu đã thành tựu hột giống tâm bồ đề chơn như giải thoát. Để minh họa cho ý pháp trên, Tổ sư đã nêu ra hình ảnh thân cây chết, trái, hạt, (trái chín để đời); đồng thời đưa ra khái niệm vỏ hạt, thịt cơm hạt và ngòi mộng tương ứng với việc làm, lời nói và cái ý.
“Cũng ví như một thân cây chết ngả, trái chín để đời, cất đâu cũng được; trái già phải trồng liền, kỳ dư non, nhỏ, thúi, sâu thì chết hết. Cái sống, cái thức của chúng sanh cũng như thế. Chín là sự tròn trịa, cứng chắc; già là thiện lành (già kinh nghiệm); non nớt là thiếu thốn, dục vọng tham lam; nhỏ hẹp là ích kỷ; thúi là ác trược; sâu là gian tà.
Việc làm lành cũng như vỏ cứng, lời nói phải cũng như thịt cơm, cái ý tốt như ngòi mộng. Trau dồi thân khẩu ý lành tức là nuôi cây dưỡng hột, tạo cái ta, sanh ra cái biết, cái sống đời đời”[5].
Trong tiến trình tu tập, trau dồi tam nghiệp thanh tịnh thì người tu sẽ tích lũy được hột giống tâm bồ đề, nếu chưa thuần thục thì hột giống tâm ấy còn đang ẩn, chưa hiển lộ, hoặc chưa thực sự già chín, tròn trịa, cất lâu để đời. Đồng thời, Tổ sư dạy muốn thành tựu hột giống phải hội đủ cả thân khẩu ý, thiếu một cũng không được.
“Tâm là hột giống sau rốt, hay giác chơn, Phật; còn chúng sanh thì cái tâm đang thành tựu còn non nớt nhỏ nhít yếu mềm, nên gọi là chưa có tâm. Chưa có chớ chẳng phải là không có. Cũng như hột giống còn non nhỏ đang ẩn trong trái, hoặc chưa có, chớ chẳng phải là không có hột giống. Hột giống có ba phần: thân làm, miệng nói và ý tưởng, tức là thân, khẩu, ý; hay làm, nói, tưởng. Chính cái nghiệp nơi thân khẩu ý là tâm. Vậy nên muốn biết tâm của kẻ khác ở tại đâu, ra sao thì ta hãy xem nơi sự nói, làm, tưởng của họ. Nếu bỏ nói làm tưởng ra là tâm không có.
Muốn thành tựu cái tâm, hột giống, thì cần phải có đủ cả thân khẩu ý, nếu thiếu một cái cũng chưa gọi là tâm hột giống được, hay như hột giống còn lỡ dở chưa tròn. Một người kia nói ác nhưng không làm ác, hoặc làm ác mà không nói ác, hoặc ý tưởng ác mà không làm, như thế cũng hột giống lỡ dở chưa thành tựu”[6].
2.2. Hột giống Thân - Khẩu - Ý trong quá trình tiến hóa:
Tổ sư chỉ rõ con đường tiến hóa của chúng sanh, buổi đầu từ cái ác tiến đến lòng nhơn, rồi dần sống với cái thiện, sau rốt là đến cái chơn như vắng lặng. Trọng tâm ở đây, Tổ sư muốn nhấn mạnh đến dạng tiến hóa từ chúng sinh phàm phu đến quả vị chơn như giải thoát. Trong mỗi loài chúng sanh đều có hột giống gồm 03 phần: thịt cơm của hột, bao vỏ của hột, ngòi mộng của hột. Tùy theo sự tu tập tích lũy mà chúng sanh có hột giống non, nhỏ, thúi, sâu, già chắc, tròn trịa v.v… Vậy cho nên:
“Hột giống thú là thân khẩu ý ác. Hột giống người là thân khẩu ý nhơn. Hột giống Trời là thân khẩu ý thiện. Hột giống Phật là thân khẩu ý chơn.
Nói cho rõ nữa, kẻ thì lấy ác làm tâm, kẻ thì lấy nhơn làm tâm, kẻ thì lấy thiện làm tâm, kẻ thì lấy chơn làm tâm. Ác, nhơn, thiện, chơn là pháp lý nên gọi là tâm lý, lấy lý mà tạo thân khẩu ý làm thành tâm hột.
Tâm ác như hột non, tâm nhơn như hột lớn, tâm thiện như hột già, tâm chơn như hột chín no tròn chắc thiệt đời đời. Chính tâm chơn mới gọi là thiệt tâm, còn tâm vọng động của ác nhơn thiện là hột giống còn có thể hư hoại, dời đổi chưa chắc định. Cũng như trong cái chơn như không vọng động thì thân khẩu ý mới chắc thiệt của ta, là ta, là chơn ngã.
(Trong cái ác, nhơn, thiện, thì thân khẩu ý hằng thay đổi không thường, nên chưa tin là hột giống của ta, là có ta, có tâm được)”[7].
2.3. Pháp nuôi dưỡng hột giống tâm
Hãy sống với chơn lý để được trọn vui và đạt đến cứu cánh là giác chơn hay tự nhiên chơn như. Thú, người, trời, Phật đều có cốt lõi hay mẫu số chung là hột giống, nhưng lại khác nhau về tính chất và giá trị. Tu tập là làm sao cho hột giống được già giặn, cứng chắc. Muốn cho hột giống được già giặn, cứng chắc; muốn tiến hóa thì con người cần phải làm cho lời nói, việc làm, ý tưởng của mình được già giặn, cứng chắc qua việc dùng thuốc hay pháp bảo nuôi tam nghiệp. “Những ai muốn chữa bệnh tức là phải tu, phải lập một tâm, lấy giữ một pháp, thật hành một đạo, phải lựa pháp lý nào tốt đẹp yên vui, trọn lành, sáng mà làm trung tâm điểm, cốt yếu mục đích tâm. Tập cho thân khẩu ý thuần thục, túa ra nhập vào, toàn là pháp quý báu ấy, để cho được kết quả chơn như, trọn sáng lành yên vui tốt đẹp, mạnh mẽ sống đời (Pháp lành sáng là thuốc hay, và chơn như là không còn bệnh hoạn).
Người tu là kẻ chữa bệnh, bệnh ấy là tâm pháp đạo tà, là thân khẩu ý xấu. Người tu là rèn trau thân khẩu ý tốt, lấy pháp hay thuốc quí nào đó làm tâm, và thực hành mãi cho đến khi kết quả mạnh lành, chơn như thành Phật. Như thế nghĩa là không ai tu bắt chước ai được, cũng như người kia đau bụng, kẻ nọ đau đầu; mỗi người phải tự biết lấy chứng bịnh của mình, tự tìm lấy món thuốc cho hạp và tự uống lâu ngày, chớ không phải mời thỉnh rủ ren người kia uống thuốc của bệnh mình, hay như bắt chước xin thuốc bệnh kia cho mình uống được. Chúng sanh ai mà không bệnh, bằng được chơn như như Phật, như kẻ không đau thì mới khỏi phải tu tập uống thuốc, hay tâm pháp đạo gì, tức là không có chi hết”[8]
3. Giới luật khất sĩ là pháp nuôi tâm, chỗ trau tâm của tất cả chúng sanh
Chơn như là nguyên lý của tất cả chúng sinh. Mục đích của việc học và tu là để bổ trợ, nuôi dưỡng thân khinh an, tâm được định tĩnh, không xao động trước trần cảnh. Pháp bảo là để trau dồi tâm trí thiện lành trong sạch. Có nhiều pháp môn tu tập nhưng tựu chung là để nuôi lớn hột giống tâm chơn như. Cần hiểu rằng tâm cao thượng nhất là tâm chơn như, cũng như bao sự học hỏi chỉ quy về một cái giác.
“Phật thì gọi chúng sanh là chủng tử, hột giống của tứ đại, mà người ta cần phải cất để dành hột giống tốt, và phá bỏ nhổ đi những hột giống xấu, liệng thảy đi những cây trái xấu hư, mà gìn giữ chăm nom cây trái có ích lợi, để đời”.
Ví như bao sự học mà chỉ được có một cái giác, vô số cát mà chỉ lấy có một hột vàng. Những pháp mà chúng sanh mãi sàng lựa kinh nghiệm, khổ nhọc trong đời, rốt cuộc chỉ được cái chơn như, và đến với chơn như. Chơn như là chỗ đến của tất cả nên gọi là pháp, là đạo, là tâm của tất cả. Dầu ai không biết đi đâu, ở đâu, đến đâu, làm, nói, tưởng chi chi… mà nếu giữ ngay cái chơn như là đúng ngay, trúng phép vậy”[9].
Thiết lập 250 điều học trong giới bổn Tỳ-kheo được xem là phần xương thịt bên ngoài bảo vệ thân và nuôi dưỡng đời sống tinh thần bên trong của người tu. Sự hỗ trợ hài hòa cân đối giữa bên trong và bên ngoài đó sẽ tạo nên phẩm chất của vị Sa môn phạm hạnh, uy nghi đĩnh đạc trong giao tiếp thường nhật, được biểu hiện qua hành động, lời nói, ý nghĩ từ bi hỷ xả, ôn hòa nhã nhặn; thể hiện phong thái thong dong tự tại trong “đi đứng nằm ngồi, ăn mặc nói làm, thức ngủ sống chết”. Tất cả đều thu nhiếp qua việc thu thúc lục căn, gìn giữ ba nghiệp thanh tịnh.
Chơn Lý “Vô Lượng Cam Lộ”, Tổ sư đã lý giải biểu trưng về 07 lớp lan can báu, 07 lớp lưới báu, và 07 hàng cây bồ đề, tất cả đều có ý là 07 món báu bao quanh để bảo vệ thân tâm của hành giả tu tập. Đó chính là thế giới Cực lạc, hay cõi Tịnh độ xứ an lạc, quý báu, bước qua đời sống tinh thần, làm chủ tâm trí, sống bằng sự giác ngộ chơn như. Cõi Tịnh độ đó rốt lại là thân khẩu ý và tâm trong sạch, tức là quay về Giáo hội Tăng già, xuất gia làm Tăng Khất sĩ, ở trong giới luật giải thoát của xứ Phật, cõi lục độ thanh tịnh. Như vậy, Chơn Lý chỉ rằng “Chính luật tạng giới xuất gia là cõi Tây phương Cực lạc”. Và giới luật xuất gia đó cũng là nền tảng căn bản để hành giả tu học định-huệ.
“Xứ ấy ngoài có bảy lớp lan can báu, nghĩa là bảy lớp giới luật quý báu, thất tụ giới 243 điều trong Giới bổn Tỳ-kheo: (1) Bốn đại giới, (2) Mười ba giới tổn hại Tăng tàn, (3) Hai giới không định, (4) Ba mươi giới phá sự thanh bần, (5) Chín chục giới hành phạt, (6) Bốn giới đặc biệt, (7) Một trăm giới nhỏ phải học. Cộng là 243 giới quý báu, bao bọc vòng ngoài như lan can để ủng hộ sự yên định bên trong giáo hội, là cõi Phật chơn như vắng lặng Cực Lạc.
Kế đó bảy lớp lưới báu, nghĩa là bảy giới diệt tránh. Khi nào ở trong giáo hội, chư Tăng có tranh cãi với nhau, kẻ tự cao muốn nhảy vọt lên để phải rớt ra ngoài. Người lại hạ mình thấp mà thụt lùi chun xuống thế sa ngã bởi giận hờn thì có bảy phương pháp này như bảy lớp lưới báu đón ngăn chặn lại: (1) Hoặc dùng cách tự thuận, (2) Hoặc nói quyết rằng quên, (3) Hoặc mình không biết không cố ý, (4) Hoặc xin lỗi thành thật, mình đã lỡ phạm, (5) Hoặc chuyển lên giáo hội xem xét cho, (6) Hoặc nhờ thầy quảng đại quyết định cho, (7) Hoặc cùng nhau niệm Phật bỏ qua khỏa lấp, xem như cỏ mới mọc.
Bảy hàng cây bồ-đề báu là bảy Pháp bảo chánh giác bồ-đề: (1) Phân biệt sự lành với sự dữ, (2) Tinh tấn mà lướt lên, (3) An lạc trong vòng đạo đức, (4) Thắng phục tâm ý mình đặng làm lành, (5) Nhớ tưởng đạo lý, (6) Nhứt tâm đại định, (7) Vui chịu với mọi cảnh ngộ.
Vậy thì, bảy lớp lan can thất tụ là Pháp bảo của thân. Bảy lớp lưới diệt tránh là Pháp bảo của miệng. Bảy lớp chánh giác hàng cây là Pháp bảo của ý; bảy giác ý này là cây bồ-đề, chỗ tâm ngồi tu an trụ, mỗi ngày được no đủ, che đậy, nương dựa cho chư Tăng Thánh chúng đó.
Ba thứ ấy đều có bảy món báu cẩn bọc chung quanh, nghĩa là lan can, lưới và cây báu ấy có ra là do bảy báu: Bố thí, nhẫn nhục, tinh tấn, trì giới, thiền định, trí huệ, chơn như cẩn bọc un đúc tạo thành. Thân khẩu ý trong sạch tốt đẹp của chư Tăng có được như thế là do bảy báu ấy. Nhờ đó mà cõi giáo hội ấy, cái chơn tâm của các Ngài, xuất gia mới ở được. Chính luật tạng giới luật, đó là pháp nuôi tâm, chỗ trau tâm của tất cả, là xứ Cực Lạc, cũng là miếng đất thanh tịnh của lục độ thanh tịnh, Tịnh Độ, Tịnh Thổ, vì giới luật là mặt đất chỗ ở thanh tịnh trong sạch yên vui hơn hết [10].
Tác giả: Sa-môn Giác Toàn (Trưởng ban Thường trực Giáo phẩm PGKS) Bài giảng Khóa tu “Truyền thống Khất sĩ” lần thứ 31, do Giáo đoàn III tổ chức tại TX. Ngọc Vạn - Khánh Hoà từ ngày 04 đến 11/02 Nhuần năm Quý Mão 2023.
Theo: Tập san Đuốc Sen 32
*** [1]. ĐTKVN, Kinh Trung Bộ, Đại kinh Saccaka, số 36 [lược]. [2]. ĐTKVN, Kinh Tăng Chi, Chương 3 Pháp, Phẩm Đọa xứ, Phần Thanh Tịnh (số 118). [3]. HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Pháp Cú, Phẩm Tỳ kheo, câu 362. [4]. Tổ sư Minh Đăng Quang (2016), Chơn Lý, “Tu và nghiệp” số 44, Nxb Tổng hợp TP.HCM, tr.566. [5]. Sđd, “Võ trụ quan” số 1, tr.18-19. [6]. Tổ sư Minh Đăng Quang (2016), Chơn Lý, “Tâm” số 17, Nxb Tổng hợp TP.HCM, tr.229. [7]. Sđd, tr.229-230. [8]. Tổ sư Minh Đăng Quang (2016), Chơn Lý, “Tâm” số 17, Nxb Tổng hợp TP.HCM, tr.232-233. [9]. Sđd, tr.234. [10]. Tổ sư Minh Đăng Quang (2016), Chơn Lý, “Vô Lượng Cam Lộ” số 46, Nxb Tổng hợp TP.HCM tr.583-585
Bình luận (0)