Hòa thượng Thích Thiện Tường (1917 - 1984)
Hòa thượng Thích Thiện Tường pháp danh là Thanh Giới, tự Chơn Như, hiệu Thiện Tường, thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 41. Ngài thế danh Ngô Văn Phải, sinh năm 1917 tại làng Bình Xuân, tổng Hòa Lạc, tỉnh Gò Công (nay thuộc tỉnh Tiền Giang). Ngài xuất thân trong một gia đình kính tin Phật đạo. Thân phụ là cụ Ngô Văn Chồn, thân mẫu là cụ Đỗ Thị Thơ, Ngài là con thứ hai trong gia đình có 5 anh em. Cô em út sau này nối chí Ngài, xuất gia hiệu là Tịnh Quang cũng là một trong hàng Ni chúng lỗi lạc.
Năm lên 9 tuổi, Ngài sớm mồ côi cha, lại là lao động chính của gia đình. Vốn bản tính chơn chất hiền hòa và chí hiếu, Ngài chịu khó với ruộng đồng lam lũ phụ giúp mẹ và dạy bảo các em. Những lúc rảnh việc mùa màng, Ngài thường cùng mẹ lên chùa lễ Phật nghe kinh, nhân duyên lần kết và hạnh nguyện xuất gia được nung nấu trong lòng.
Đến năm 19 tuổi (Đinh Sửu - 1937), nhân ngày Phật Đản, Ngài tới chùa Long Quang, làng Bình Thạnh làm lễ thế phát quy y với Hòa thượng trụ trì. Trải qua bốn năm tinh tấn chuyên cần tu học, Hòa thượng Thích Thiện Tường vẫn chưa thỏa mãn được việc thâm nhập kinh tạng của mình, Ngài bèn khăn gói y bát nâu sòng lên Sài Gòn tá túc ở chùa Linh Sơn công quả và tham học. Nơi đây, hạnh duyên được gặp Hòa thượng Lê Phước Chí, Ngài cầu pháp thọ học sớm khuya chuyên cần và được truyền trao nhiều pháp yếu.
Năm 1941, Hòa thượng Thích Thiện Tường được thọ tam đàn Cụ Túc giới tại chùa Xuân Quang ở thị xã Phan Thiết.
Năm 1943, Ngài cùng sư huynh là Hòa thượng Thích Thới An cùng đi nhiều nơi tham học Phật pháp. Hễ nghe đâu có bậc cao đức thì Ngài tìm đến xin thụ giáo. Do đó Ngài đã gặp không ít bậc Thầy lỗi lạc như Hòa thượng Hòa Bình ở chùa Kim Huê, Hòa thượng Bửu Đạt ở chùa Linh Sơn - Sa Đéc...
Năm 1944, Hòa thượng Thích Thiện Tường về làm trú trì chùa Long An ở Sa Đéc, tại đây diễn ra cuộc hội ngộ đáng nhớ giữa Ngài, Hòa thượng Thới An, Hòa thượng Khánh Phước với một Tăng khách đặc biệt là Hòa thượng Hành Trụ, nhân một hôm Hòa thượng dừng bước trên đường hoằng pháp.
Cảm mến đạo hạnh và kiến thức quảng bác của Hòa thượng Hành Trụ, ba vị đã cung thỉnh Hòa thượng lưu lại chùa Long An để mở Phật Học Đường nuôi dạy Tăng chúng tu học, tôn Hòa thượng làm Huynh trưởng kiêm Hóa chủ ngôi chùa này. Bốn vị đồng phát nguyện kết nghĩa làm Tăng hữu trọn đời kề vai sát cánh bên nhau trên con đường hoằng dương chánh pháp, tiếp Tăng độ chúng.
Năm 1946, tiếp nối phong trào chấn hưng Phật giáo sau khi chiến tranh chống Pháp tạm lắng, cả bốn vị đều rời miền Tây lên Sài Gòn thành lập ngôi Tam Bảo ở vùng Khánh Hội đặt tên là chùa Tăng Già để qui tụ Tăng chúng và mở trường đào tạo. Đây cũng là Phật học đường đầu tiên ở Sài Gòn.
Năm 1947, nhận thấy Tăng chúng và Ni chúng về học rất đông, các vị lại lập nên ngôi già lam thứ hai ở gần đấy là chùa Giác Nguyên để tiếp độ chúng Tăng, còn chùa Tăng Già để cho Ni chúng thọ học. Về sau, chùa Tăng Già được đổi tên là chùa Kim Liên.
Năm 1950, cảm mến ân đức và đạo hạnh của Ngài, Hội Vạn Thọ hiến cúng cho Ngài ngôi chùa Vạn Thọ ở vùng Tân Định. Ngài về đấy an trụ và tiếp Tăng độ chúng. Từ đó trải hơn 10 năm sau, Ngài miệt mài với công việc hoằng dương chánh pháp và có công gầy dựng trùng tu lại các ngôi già lam khác như: Tăng Già, Giác Nguyên, Vạn Thọ, Thiền Lâm, Giác Minh, Quan Âm, Thiên Phước, Hội Tôn...
Năm 1960, Ngài trở về làm Hóa chủ Tổ đình Giác Nguyên nhiếp độ tứ chúng thay ba vị huynh đệ nhận trú xứ khác để hoằng dương Phật pháp.
Năm 1963, Ngài đã cùng chư Tăng,Ni và quần chúng Phật tử tham gia đấu tranh chống chính quyền Ngô Đình Diệm kỳ thị tôn giáo, đòi bình đẳng và tự do tín ngưỡng.
Năm 1964, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời, từ năm 1973 liên tiếp ba nhiệm kỳ, Ngài được cử giữ chức Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Tài chánh Kiến thiết.
Năm 1968, Ngài được cử tham gia phái đoàn Phật giáo Việt Nam đi thăm các nước Phật giáo như Singapore, Đài Loan, Hồng Kông và Nhật Bản.
Năm 1969, Ngài làm Hóa chủ kiêm Giám đốc Phật học viện Tổ đình Giác Nguyên.
Do giới hạnh trang nghiêm, Ngài được các nơi cung thỉnh làm giới sư ở các giới đàn để truyền trao giới pháp cho Tăng Ni trong những năm sau như: Giáo Thọ A Xà Lê tại Đại giới đàn chùa Ấn Quang năm 1973 và Đại giới đàn Quảng Đức năm 1977, Đệ nhất Tôn chứng Đại giới đàn Thiện Hòa tại Ấn Quang năm 1980.
Năm 1981, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam được thành lập, Ngài được cung thỉnh làm thành viên Hội đồng Chứng minh Trung Ương.
Những năm sau đó, vì tuổi già sức yếu, Hòa thượng Thích Thiện Tường chỉ an trú nơi Tổ đình Giác Nguyên, chuyên tâm trực tiếp dạy bảo đồ chúng, khuyến giáo tín đồ. Ngài còn dành thì giờ dịch kinh, và lấy việc vãng sanh Tịnh độ làm yếu chỉ. Cũng như những bậc Cao đức khác, biết trước ngày giờ trở về cõi Phật, Ngài khuyên chúng đệ tử cố gắng tu trì, xả thân vì đạo pháp, noi gương đạo bạn giữa Ngài và ba vị pháp hữu thực hiện lục hòa đoàn kết trong Tăng giới.
Vào ngày 23 tháng 8 năm Giáp Tý, tức 18 tháng 9 năm 1984, Hòa thượng Thích Thiện Tường xả nhục thân thâu thần về cõi Phật, hưởng thọ 68 tuổi đời với 46 năm hành đạo.
Cuộc đời Hòa thượng Thích Thiện Tường là một tấm gương thân giáo với hạnh nguyện chấp tác lao động miệt mài, thể hiện phương châm : “Nhứt nhựt bất tác, nhứt nhựt bất thực”, Ngài không nề hà gian khổ trong mọi công tác xây dựng, trùng hưng chùa chiền.
Và còn hơn thế, với một đức độ khả kính, Ngài tự nghiêm khắc với bản thân bằng hạnh Đầu Đà như Tổ Ca Diếp. Khắp nơi đều khâm phục và kính trọng một bậc cao Tăng thẳng thắn, trung thực đầy nghị lực hiếm có như Ngài.
Trích: Tiểu sử Danh tăng Việt Nam thế kỷ XX – Tập 1 (Giai đoạn thống nhất đất nước lần thứ 2) Chủ biên: TT.Thích Đồng Bổn
Bình luận (0)