Tác giả: Thích nữ Quảng Hiền Học viên cao học Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.Hồ Chí Minh

DẪN NHẬP

Vô thường là giáo lý quan trọng trong hệ thống giáo lý của đạo Phật, là một trong ba pháp ấn để nhận biết chính xác lời Phật dạy, là pháp được đức Phật khám phá ra và chỉ dạy cho chúng sinh. Vô thường vốn luôn hiện hữu và có mặt trong đời sống này, nhưng không ai biết và gọi được tên nó cho đến khi được Đức Phật tuyên thuyết. Vô thường không phải do Ngài tự sáng chế, phát minh hay tạo ra mà nó chỉ là điều mà Đức Phật đã trải nghiệm, chứng ngộ và rút ra từ định lý Duyên khởi.

Nếu như vào khoảng thế kỷ thứ V trước Công Nguyên ở phương Đông có Đức Phật tuyên thuyết về tính vô thường của vạn pháp thì tiếp sau đó không lâu ở nửa vòng trái đất, tại phương Tây cũng có một tư tưởng tương đồng với Đức Phật về sự thay đổi của vạn vật đó chính là thuyết biến dịch. Người khám phá ra triết thuyết ấy chính là Heraclitus với câu nói bất hủ “Không ai có thể đặt chân hai lần trên cùng một dòng sông.” Heraclitus là nhà triết học lớn của nhân loại, ông có những tư tưởng vượt bậc, đi trước thời đại. Những phát biểu của ông về vũ trụ và con người cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Hình ảnh dòng sông luôn tuôn chảy cho chúng ta một ý niệm và mối liên hệ rõ hơn về tính vô thường của Phật giáo.

NỘI DUNG

CHƯƠNG I. SƠ LƯỢC VỀ HERACLITUS

Tapchinghiencuuphathoc.vn Heraclitus (544 Bc – 483 Bc)Heraclitus (544 BC – 483 BC) sinh tại thành phố Éphèse, xứ Ionie, trong một gia đình thượng lưu. Do đất nước bị chiếm đóng nên ông mang tâm trạng buồn thương và chú tâm nhiều hơn vào triết lý nhân sinh. Brehier nhận định “Heraclitus đã chứng kiến những cảnh tan tóc do cuộc nội chiến gây ra …nên tư tưởng của ông mới mang một bản sắc bi quan, một hình thức phân cách và kiêu hãnh đặc sắc biểu lộ qua một lối hành văn gọn gàng và sáng sủa, có tính cách cách ngữ, đầy những hình ảnh huy hoang hay quen thuộc.”[1]

Suốt đời ông sống đơn độc, không sáng lập riêng một trường phái nào, chỉ có một người học trò duy nhất là Cratyle. Ông là nhà tư tưởng tối tăm, sống cô đơn tách biệt quần chúng “Đối với tôi chỉ cần duy nhất một người hơn là cả một nghìn người, nếu người ấy là tốt nhất.”[2] Cuối đời, ông từ bỏ tất cả lên núi sống ẩn dật. Ông là nhà triết học duy vật và được coi là ông tổ của phép biện chứng. Tác phẩm của ông chỉ còn khoảng 130 đoạn bàn về tự nhiên.

Tục truyền ông lưu lại một tác phẩm Logos peri phuseos và các trước tác gồm những tản văn gồm 130 câu. Ông chủ trương ảo ảnh biến dịch, đối lập với Parmenide chủ trương hữu thể bất dịch. Tư tưởng của ông dường như bị tiêu diệt. Đợi đến tinh thần của Hegel mới được khôi phục lại.

CHƯƠNG II. HỌC THUYẾT BIẾN DỊCH

Không ai có thể đặt chân hai lần trên cùng một dòng sông. Câu nói “Không ai có thể đặt chân hai lần trên cùng một dòng sông”, “Ngươi không thể xuống hai lần trong cùng những dòng sông vì luôn có những làn nước mới chảy trên mình ngươi” Hay “Không ai tắm hai lần trong cùng một dòng sông” là những câu nói mang ý nghĩa tương tự nhau được dịch ra từ câu 41 và 42[3] trong văn bản gồm 130 câu cách ngôn của Heraclitus. Học thuyết Biến dịch còn gọi là học thuyết về Dòng chảy phổ biến. Dòng sông thì luôn trôi chảy. Đời sống cũng vậy, biến đổi không ngừng. Nhờ vận động biến đổi mà vạn hữu mới tồn tại và phát triển.

Với các nghành công nghệ khoa học hiện đại đã chứng minh những phát biểu của Heraclitus dù trải qua hơn hai ngàn năm trăm năm vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt là khám phá về sự vận động biến đổi không ngừng của thế giới sự vật hiện tượng. Trước đó Homere đã có ý tưởng về sự biến dịch, đến Heraclitus thì việc nhận định sự biến dịch ấy càng rõ ràng hơn. Ông nói tất cả đều thay đổi và không có cái gì tồn tại. Ông so sánh vạn vật lưu chảy với diễn tiến của một dòng sông. Ông còn thêm rằng không ai tắm hai lần trong cùng một dòng sông.[4] Quan niệm này đối lập với những nguyên tắc căn bản của luận lý như nguyên tắc đồng nhất và nguyên tắc không mâu thuẫn.

Đã là sông thì phải chảy, tuôn chảy là bản chất của sông, chảy là quá trình biến đổi liên tục để loại trừ sự ổn định. Nhưng trong sự biến đổi liên tục ấy lại biểu hiện tính ổn định bất biến của dòng sông đó là chảy. Nhờ chảy mới là sông, cái biến đổi biểu hiện cái xác định và ngược lại đó chính là mối quan hệ giữa vận động và đứng yên, nên Heraclitus viết “Khi biến đổi nó đứng im, khi đứng im nó biến đổi.”[5] Ý niệm biến dịch, tức là sự chảy liên tục của tất cả những gì xuất hiện trong thế giới, sự lưu chảy ấy nhanh chóng, liên tục.

Hình ảnh dòng sông lưu chảy là lối giải thích trực giác vạn vật đồng nhất thể của Heraclitus theo quan điểm vật lý. Dòng sông trở thành một ý niệm triết học gắn liền với nội dung trừu tượng. Dòng sông là biểu hiện của cái hài hòa trong đấu tranh thống nhất, trong biến đổi đồng nhất, trong nhất thời hiện hữu, con người cũng như dòng sông đó. Từ học thuyết về dòng chảy, Heraclitus khai sinh ra khái niệm triết học mới đó là độ. Độ là chu kì ổn định.

Platon nêu quan niệm về biến hành như sau: tất cả mọi sự đều lưu ly, tất cả đều biến động như kiểu một dòng sông. Tất cả đều luôn luôn thay đổi, không có gì còn tồn tại cả.[6] Platon đã đồng hóa biến dịch của Heraclitus với “ảo ảnh” (apparence) và “hư vô” (non – être) là những cái đối lập với “lý tưởng” (eidos) và hữu thể” (être). Aristote giải thích rằng tất cả đều biến dịch không một vật đứng yên, “cùng một sự vật vừa có vừa không”. Quan điểm của Platon và Aristote về thuyết Biến hành của Heraclitus: một hướng là những gì ảo ảnh, hư vô đối lập với những gì chân thật, hữu thể của thế giới. Và một hướng là những gì không đồng tính, đầy mâu thuẫn nên hoàn toàn đối nghịch với những gì đồng tính và không mâu thuẫn trong lý luận.[7]

Quan niệm “Tất cả đều lưu chảy” đã bị các nhà triết học phương Tây hiểu là căn bản cho lý thuyết “Duy biến hành”. Theo Axelos, Platon chỉ giữ lại lý thuyết duy biến dịch, vạn vật lưu ly và bỏ quên logos là yếu tố dung hòa những đối lập, đồng thời là mối liên hệ hòa âm giữa vạn vật với nhau. Thật ra câu “Không ai có thể lội hai lần trên cùng một dòng sông” chỉ là một trong 130 câu của bản văn. Để hiểu đúng nghĩa câu này ta phải đặt nó trong mối quan hệ với những câu khác trong toàn bộ bản văn thì mới có thể hiểu được học thuyết Biến dịch. Ví dụ như câu nói “Mặt trời mỗi ngày đều mới mẻ.”[8]

Theo Heraclitus cái quy định trạng thái của sự vật và sự vận chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác là nhiệt độ của lửa. Ông chia quá trình biến đổi trong thế giới thành hai con đường: Đường đi lên và đường đi xuống. Lửa là hiện thân và sức mạnh của vũ trụ, là sức mạnh của lý trí. Lửa là logos.[9]

Thuyết Biến dịch qua nguyên ngôn Logos

Logos được Heraclitus đồng hóa với thần Zeus hay Thiên chúa khi ông tuyên bố “Thiên chúa: Ngày và đêm, đông và hè, chiến tranh và hòa bình, no và đói,… .”[10] Heraclitus tin nơi một thế giới đang biến dịch liên tục của một sự trở thành miên viễn. Đối với ông những gì tĩnh tại chỉ là sự vọng tưởng và nguyên lý vũ trụ của ông là ngọn lửa, một biểu tượng của sự biến dịch thường xuyên của mọi sự. Heraclitus chỉ ra rằng mọi biến dịch trong trời đất là do tính động và sự tác động đầy sức sống, nhịp nhàng. Ông xem mỗi cặp đối lập đó là cái nhất thể, cái nhất thể xuyên suốt mọi cặp đối lập, là logos.

Vậy để hiểu đúng học thuyết biến dịch của Heraclitus, một mặt ta phải nhìn nó qua Nguyên ngôn Logos, mặt khác phải đặt nó trong mối liên hệ với hai vấn đề lớn khác của triết học Heraclitus dưới đây.

Thuyết tồn tại bất biến của Parmenides

Học thuyết có tính đối chọi nhau là sự vĩnh hằng trong quan điểm của Parmenide (~ 515 TCN) và sự biến dịch trong quan điểm của Heraclitus. Với Heraclitus, ông khẳng định tính vô thường của vạn vật, vạn vật biến đổi không ngừng (lửa à khí à nước à đất và ngược lại). Không có bản thể thường trụ vĩnh hằng, mà nó luôn trôi chảy biến dịch liên tục. Trong khi đó, Parmedides lại khẳng định hữu thể, bản thể của vũ trụ là bất biến, bất diệt, vĩnh hằng, hiện hữu. Theo Parmedides, sự biến đổi và phát triển là ảo giác của con người, Parmenides chủ trương hữu thể bất biến đối lập với thuyết biến dịch của Heraclitus. Parmenides đã đi một hướng ngược hẳn với Heraclitus. Từ quan điểm này phát sinh một vật chất bất hoại, khái niệm vật chất bất hoại trở thành khái niệm gốc của tư duy phương Tây.

Trong khoảng thế kỷ thứ V trước Công nguyên, các nhà triết học Hy Lạp tìm cách vượt lên hai quan điểm đối lập của Parmenides và Heraclitus. Nhằm dung hòa cái tồn tại bất biến và sự biến dịch thường xuyên, người ta cho rằng tồn tại thể hiện thông qua những chất liệu bất biến, nhưng đem nó mà trộn lẫn với nhau hay tách rời xa nhau thì chúng lại tạo nên sự biến dịch của thế giới. Từ đây khái niệm nguyên tử ra đời, những hạt nhỏ nhất bất khả phân của vật chất, nó được trình bày rõ nhất trong triết học của Leucippus và Demokritus.

Ảnh minh họa.

CHƯƠNG III. THUYẾT VÔ THƯỜNG CỦA PHẬT GIÁO

Hệ quả của định lý duyên khởi

Mọi sự vật hiện tượng trong cuộc đơi này chúng không thể tách rời nhau được, bởi vì không có vật gì trong thế giới hiện tượng có thể tồn tại mà không do các nguyên nhân khác hợp lại thành. Như trong kinh Mi Tiên Vấn Đáp, ngài Na-tiên đã ví dụ tên gọi chỉ là sự giả hợp của nhiều yếu tố, gọi là cái xe nhưng không thấy cái nào là xe. Nó do nhiều bộ phận của cái xe gom lại mà thành. “Không có thể trở thành có, nhưng có ấy không phải tự nhiên sinh mà do sự cấu tạo, kết hợp nhiều yếu tố, nhiều phụ liệu khác mà thành.”[11] Kinh Đa giới định nghĩa về duyên khởi như sau: “Nếu cái này có, cái kia có; do cái này sinh, cái kia sinh. Nếu cái này không có, cái kia không có; do cái này diệt, cái kia diệt. Tức là vô minh duyên hành, hành duyên thức, … hữu duyên sinh; do duyên sinh lão tử, sầu, bi, khổ, ưu, não sinh khởi. Như vậy, này Ananda, là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.”[12]

Trong Madhyātānugam dạy rằng vạn vật sinh ra do nhiều nguyên nhân hợp lại thành, không có vật nào mà tự nó tạo nên, khi sự kết hợp bị tan rã thì sự hủy diệt theo sau. Như cơ thể con người bao gồm: đất, nước, gió, lửa. Tứ đại hòa hợp thì tạo thành vạn vật, khi tan rã thì trở về với chính nó. Như vậy hệ quả của duyên khởi chính là vô thường, sinh diệt biến đổi tương tục. Vô thường trong từng ý niệm nên vạn vật luôn thay đổi không ngừng và không bao giờ giống nhau, vì chúng là những hoạt động tiếp nối không phút ngơi nghỉ. Trong Triết học Phật giáo gọi là “sinh diệt vô thường”.

Lời căn dặn cuối cùng của Đức Phật là tất cả các pháp hữu vi vốn không thật có, không bền vững, đều chịu sự tác động của vô thường, biến hoại và đổi khác, nó chỉ đưa đến khổ đau. Chính vì vậy qua sự phân tích vạn pháp chi ly ấy mà hành giả thường quán sát kĩ các pháp, với trí huệ thấy được bản chất thật của vạn pháp là vô thường, khổ và vô ngã, hành giả biết tu tập, sẽ khởi lên sự nhàm chán, ly tham, đoạn diệt và chứng đắc đạo quả.

Bốn hiện tướng Thành - Trụ - Dị - Diệt

Thành, trụ, dị, diệt là bốn hiện tướng của vô thường, được gọi là tứ tướng. Tất cả sự vật hiện tượng đang thay đổi liên tục do hoạt động của bốn đặc tính này. Chúng chỉ có thể khác nhau ở chỗ thời gian chuyển đoạn mà thôi. Ví dụ như quá trình sinh - trụ - dị - diệt của một kiếp người bao giờ cũng dài hơn quá trình sinh - trụ - dị - diệt của loại thỏ. Thành - trụ - dị - diệt còn diễn ra trong từng sát-na. Trong cơ thể của một con người hàng ngày có tỷ tỷ tế bào sinh ra và diệt mất. Trong khoảng sinh và diệt đó vẫn có giai đoạn trụ và biến đổi sai khác sau đó mới đưa đến tan hoại. Nhờ vô thường mà chúng ta được sinh ra, lớn lên. Có bệnh được hết bệnh … như Na-tiên nói “Cái thân có thay đổi từ bé, trung niên đến già lão, nhưng vẫn tồn tục một sinh mạng ấy thôi.”[13] Con người của phút này sinh, thì con người của phút trước diệt, dòng liên tục không ngừng. Con người phút sau không phải là một với con người phút trước, nhưng cũng không phải là khác với con người phút trước.

Thân tâm này đều biến chuyển không ngừng nghỉ, nó không phải là đồng nhất, mà cũng không phải sai dị, cũng không phải là một hợp thể đồng nhất bất biến, chính cái giả tưởng về một dòng liên tục đã cho ta tưởng về một sự đồng nhất. Như vậy, bốn hiện tướng này chính là tiến trình của một chu kỳ, diễn tiến liên tục không gián đoạn. Nhờ tiến trình ấy mà con người mới trưởng thành và hoàn thiện bản thân mình hơn cả về thể chất và tinh thần.

Tính không - tự tính của vô thường

Sự thay đổi vô thường liên tục nên không có cái gì tồn tại lâu dài. Có đó và mất đó, chúng là không thật, mong manh giả tạm. Vì tính vô thường nên không có cái gì là vĩnh cửu trường tồn. Triết học Phật giáo gọi đó là Tính không (Śūnyatā). Bồ-tát Long Thọ dạy tầm quan trọng của tính không là mọi vật trở nên hợp lý, nếu không có nó thì vạn vật trong vũ trụ sẽ rỗng không.

Ngài Na-tiên phân tích thân này gồm: Tóc, lông, móng, răng, da … chúng nằm riêng rẽ thì đâu có cái gì gọi là thân này. “Đi sâu vào toàn bộ Sắc uẩn, chúng chỉ là rỗng không, chẳng có gì được gọi là Na-tiên.”[14] Bản chất của sắc uẩn là vô thường, vô ngã. Ai cho rằng sắc uẩn là ta, là của ta, là tự ngã của ta thì chắc chắn gặt hái đau khổ. Tính chất của thọ uẩn cũng đổi thay vô thường nhưng sinh diệt từng thứ cảm thọ. Tưởng vốn là cái nghĩ nhớ quá khứ cái vọng động trong tương lai, nó vốn là không thật có. Hành là vô thường, mọi pháp hữu vi không thường hằng luôn biến đổi, có tính chất bất ổn, khó chịu không kham nổi vì trạng thái biến động. Hành uẩn tồn tại nhờ các điều kiện do duyên sinh nên chúng vô thường, trống rỗng, biến động bất tận. Như vậy thân ngũ uẩn này là vô thường, không thật có nên gọi là không.

“Tất cả căn, trần, thức và những tâm sở đồng sinh ấy chúng tương quan tương duyên với nhau. Như vậy thì thức đâu phải là chủ thể, đâu phải là cái độc lập, đâu phải là tự ngã thường hằng nương gá ở trong thân.”[15] Thức là một hợp thể của bốn uẩn kia, vì vậy đạo Phật không chấp nhận có một Thức nào độc lập, tự chủ như khái niệm về một linh hồn bất tử. Thức vô thường lưu chuyển, vô ngã và do duyên sinh. Chư pháp vô ngã là mọi pháp thực tính dù là hữu vi hay vô vi cũng đều là phi ngã, không phải là bản ngã hiện hữu.

Con người là sự kết hợp của ngũ uẩn, là do nhân duyên hòa hợp tạo thành, tự chúng không thể tồn tại độc lập. Ngũ uẩn không có tự tính, chủ thể nên nó là vô ngã tức là Không. Ví như tiếng gẩy đàn, nếu không có dây, phím, da bịt, thùng gỗ … thì âm thanh không thể vang ra tiếng. Biển sở dĩ mặn là do sự tích tụ, cô đọng của quá nhiều sương cốt của các loài thủy tộc trải qua bao đời.[16] Con người vì sống trong vô minh phiền não nên tạo ra nghiệp mà phải kết nối đời sau để thọ khổ.

CHƯƠNG IV. MỐI LIÊN HỆ GIỮA THUYẾT BIẾN DỊCH VÀ LÝ VÔ THƯỜNG

Heraclitus sinh sau khi Đức Phật nhập diệt khoảng vài năm. Một nhà triết gia lừng danh của phương Tây và một Bậc vĩ nhân của phương Đông lại có cùng một quan điểm về nhận thức. Đây không phải ngẫu nhiên mà điểm chung về tư duy này chính là đích chung mà chỉ những bậc siêu trí mới nhận thức ra và gọi được tên của nó. Nếu như Đức Phật gọi nó là vô thường thì Heraclitus lại gọi đơn thuần hơn là dòng chảy, một dòng chảy liên tục, một mạch nối tiếp diễn của nguyên nhân và kết quả. Dòng mạch ấy biến động và thay đổi khiến cho vạn vật trong thế gian này đều đi theo một trình tự là thành - trụ - dị - diệt, luôn diễn tiến và thay đổi không ngừng.

Tính vô thường trong Phật giáo được Đức Phật phân tích tỷ mỷ và chi ly. Vạn vật trong vũ trụ này từ chúng hữu tình cho đến chúng vô tình đều phải chịu quy luật ấy. Với sự vô thường thay đổi liên tục như vậy thì không bao giờ có điểm lặp lại mà chỉ có duy nhất một tiến trình tiếp diễn. Vậy nên Heraclitus mới kết luận rằng không một ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông. Dòng sông mà ông muốn nói như một tiến trình vô thường luôn bất tận, không ai có thể quay lại thời gian, không ai có thể níu giữ. Ngài Nhất Hạnh viết tác phẩm “Đi như một dòng sông” có lẽ từ những sự liên hệ này. Cuộc sống của chúng ta luôn đi mãi. Vậy nên chúng ta phải làm sao để trong từng sát-na trôi qua chúng ta không có bất cứ một điều gì phải hối tiếc.

KẾT LUẬN

Heidegger nói “Thế giới ta sống vừa là cố hương vừa là chốn lưu đầy, vừa là thiên đường vừa là hoả ngục”. Ông đã nhìn thấy được sự thay đổi vô thường trong nhân gian. Mới đó chúng ta đang hạnh phúc, nhưng ngay sau đó gặp chuyện bất như ý ta lại chịu khổ đau. Nhà Phật nói “Nhất thiết duy tâm tạo”, nghĩa là tất cả do tâm biến hiện, nó thay đổi từng sát-na. Sự biến dịch, vô thường này không chỉ nói về quy luật vận hành của vật chất mà nó còn là sự thay đổi trong thế giới tinh thần. Nhờ vô thường mà chúng ta mới có thể tu tập và chuyển hóa từ người ngu sang người trí, từ kẻ phàm phu thành bậc Thánh nhân. Trong từng phút giây nếu như chúng ta không có chính niệm tỉnh thức, không tu tập thì sẽ bị tâm tham, sân, si chi phối. Cùng một niệm, nhưng khổ đau hay hạnh phúc là do chính ta.

“Tự mình làm điều ác,

Tự mình làm nhiễm ô

Tự mình ác không làm,

Tự mình làm thanh tịnh

Tịnh, không tịnh tự mình

Không ai thanh tịnh ai.”[17]

Thuyết biến dịch của Heraclitus và thuyết vô thường của đạo Phật tuy là nhận thức của hai nhà hiền triết thuộc hai phương trời xa cách, nhưng lại cùng chuyển tải một tư tưởng về sự thật trong cuộc đời. Điều này càng chứng tỏ vô thường là chân lý. Nên dù ở đâu, dù ở bất cứ nơi thâm sơn cùng cốc nào nó cũng vẫn là như vậy. Quan trọng là chúng ta có nhận chân ra nó hay không và khi hiểu được tính vô thường rồi thì chúng ta sống với tâm thế ra sao để cuộc sống này có ý nghĩa hơn. Chỉ khi nào chúng ta thấy được lý vô thường, hiểu được quy luật biến dịch của cuộc sống thì khi ấy chúng ta sẽ tự biết chấp nhận, biết sống chung với nó, biến nghịch cảnh thành chất liệu để thăng hoa nội tâm trên bước đường tìm cầu về nẻo giác.

Tác giả: Thích nữ Quảng Hiền Học viên cao học Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.Hồ Chí Minh *** Chú thích [1] Lê Tôn Nghiêm, (2000), Lịch sử triết học Tây phương, tập 1, Nxb. TP HCM, tr 95-96. [2] Lịch sử triết học Tây phương, tập 1, sdd, tr 100. [3] Tu ne peux pas descendre deux fois dans les memes fleuves: car de nouvelles eaux coulent toujours sur toi. (DV.12), (Burnet: câu 41-42) [4] Lịch sử triết học Tây phương, tập 1, sdd, tr 102. [5] Nguyễn Tiến Dũng, (2005), Lịch sử triết học phương Tây, Nxb. TP HCM, tr 32. [6] Lịch sử triết học Tây phương, tập 1, sdd, tr 102. [7] Lịch sử triết học Tây phương, tập 1, sdd, tr 104. [8] Hà Thúc Minh, (2000), Triết học cổ đại Hy Lạp La Mã, Nxb. Mũi Cà Mau, tr 131-139. [9] Lịch sử triết học phương Tây, sdd, tr 27. [10] Lịch sử triết học Tây phương, tập 1, sdd, tr 125. [11] Hòa Thượng Thích Giới Nghiêm, (2014), Kinh Mi Tiên Vấn Đáp, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr 181. [12] ĐTKVN, Thích Minh Châu, dịch, (2008), Kinh Trung Bộ 3, Kinh Đa Giới, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr 222. [13] Kinh Mi Tiên Vấn Đáp, 16. Tương quan thân trước và thân sau, sđd, tr 150. [14] Kinh Mi Tiên Vấn Đáp, 4. Thỉnh mời vào hoàng cung, sđd, tr 125. [15] Kinh Mi Tiên Vấn Đáp, 30. Tự ngã trong thân, sđd, tr 187. [16] Kinh Mi Tiên Vấn Đáp, 82. Biển, sđd, tr 284. [17] Thích Minh Châu dịch, (2015), Kinh Pháp cú, Nxb. Tôn giáo, tr 48. Tài liệu tham khảo 1. Hà Thúc Minh, Triết học cổ đại Hy Lạp La Mã, Nxb. Mũi Cà Mau, 2000. 2. Hòa Thượng Thích Giới Nghiêm, Kinh Mi Tiên Vấn Đáp, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2014. 3. Lê Tôn Nghiêm, Lịch sử triết học Tây phương, tập 1, Nxb. TP HCM, 2000. 4. Nguyễn Tiến Dũng, Lịch sử triết học phương Tây, TP HCM, 2005. 5. Thích Minh Châu, dịch, Kinh Pháp cú, Nxb. Tôn giáo, 2015. 6. Thích Minh Châu, dịch, Kinh Trung Bộ 3, Kinh Đa Giới, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2008.