Phần Một Tóm tắt kết quả Đại hội

A. CÔNG CUỘC VẬN ĐỘNG THỐNG NHẤT PHẬT GIÁO VIỆT NAM

1. Địa điểm và thời gian

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, non sông nối liền một giải, Bắc Nam sum họp một nhà. Tháng 5 năm 1976, tổng tuyển cử bầu Quốc hội cả nước, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra đời. Tiếp sau đó đất nước trải qua những năm tháng cực kỳ khó khăn bởi chiến tranh hai đầu biên giới và chính sách bao vây cấm vận của đế quốc Mỹ.

Bấy giờ đất nước đã thống nhất được 5 năm, đã có nhiều cuộc thăm viếng giữa các đoàn Phật giáo và sự giao lưu giữa các Tăng, Ni, Phật tử hai miền Bắc Nam. Thống nhất Phật giáo Việt Nam trở thành nhu cầu bức thiết đối với Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam.

Để đáp ứng nguyện vọng trên, từ ngày 12-13 tháng 2 năm 1980 (Canh Thân), chư tôn đức giáo phẩm tiêu biểu Phật giáo khắp ba miền Bắc-Trung-Nam họp tại thành phố Hồ Chí Minh, trao đổi bàn bạc đi đến quyết định thành lập Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam để làm nền tảng vững chắc cho công cuộc tiến đến thống nhất Phật giáo Việt Nam trong thời đại đất nước hòa bình, độc lập và thống nhất Tổ quốc.

2. Thành phần nhân sự Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam

a) Ban Chứng minh 1. Hòa thượng Thích Đức Nhuận. 2. Hòa thượng Thích Thanh Duyệt . 3. Hòa thượng Thích Pháp Tràng. 4. Hòa thượng Thích Hoằng Thông.

b) Ban Thường trực Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam 1. Hòa thượng Thích Trí Thủ, Trưởng ban. 2. Hòa thượng Thích Thế Long, Phó trưởng ban. 3. Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Phó trưởng ban. 4. Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Phó trưởng ban. 5. Hòa thượng Thích Bửu Ý, Phó trưởng ban. 6. Hòa thượng Thích Mật Hiển, Phó trưởng ban. 7. Hòa thượng Thích Giới Nghiêm, Phó trưởng ban. 8. Hòa thượng Thích Thiện Hào, Ủy viên thường trực.

c) Ban Thư ký 1. Thượng tọa Thích Minh Châu, Chánh Thư ký. 2. Thượng tọa Thích Từ Hạnh, Phó Thư ký. 3. Thượng tọa Thích Thanh Tứ, Phó Thư ký.

d) Các Ủy viên Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam 1. Hòa thượng Thích Giác Tánh. 2. Hòa thượng Thích Trí Nghiêm. 3. Hòa thượng Thích Đạt Hảo. 4. Hòa thượng Châu Mum. 5. Thượng tọa Thích Thanh Trí. 6. Thượng tọa Thích Chính Trực. 7. Thượng tọa Thích Giác Toàn. 8. Ni sư Thích nữ Huỳnh Liên. 9. Cư sĩ Nguyễn Văn Chế. 10. Cư sĩ Võ Đình Cường . 11. Cư sĩ Tống Hồ Cầm.

e) Các Tiểu ban vận động 1. Tiểu ban Tổ chức: Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Trưởng ban. 2. Tiểu ban Nhân sự: Hòa thượng Thích Thế Long làm Trưởng ban. 3. Tiểu ban Nội dung: Hòa thượng Thích Trí Tịnh làm Trưởng ban. 4. Tiểu ban Thông tin báo chí: Hòa thượng Thích Minh Nguyệt làm Trưởng ban.

Sau gần 2 năm (từ tháng 2 năm 1980 đến tháng 11 năm 1981) nhận thấy cơ duyên đã đầy đủ, Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam đã quyết định mời chư tôn túc tiêu biểu của Phật giáo cả nước về Hà Nội họp Đại hội đại biểu thống nhất thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Thời gian họp: từ ngày 4 đến ngày 7-11-1981, tại chùa Quán Sứ, Hà Nội.

Quang cảnh Đại hội Đại biểu Thống nhất GHPGVN

B. HỘI NGHỊ THỐNG NHẤT PHẬT GIÁO VIỆT NAM

I. Đại biểu thuộc thành phần Ban vận động, hiện diện 33 vị

1) Ban Chứng minh: 4 vị. 2) Ban Thường trực: 8 vị. 3) Ban Thư ký: 3 vị. 4) Các ủy viên: 11 vị. 5) Các Tiểu ban: 7 vị.

II. Đại biểu các Giáo hội, Hệ phái, Tổ chức Phật giáo có 98 vị

1) Đoàn Đại biểu Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam: 22 vị (và 1 vị trong Tiểu ban của Ban vận động). 2) Đoàn Đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất: 21 vị. 3) Đoàn Đại biểu Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam: 12 vị. 4) Đoàn Đại biểu Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước thành phố Hồ Chí Minh: 10 vị. 5) Đoàn Đại biểu Giáo hội Tăng già Nguyên thuỷ Việt Nam: 8 vị. 6) Đoàn Đại biểu Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước miền Tây Nam Bộ: 8 vị. 7) Đoàn Đại biểu Giáo hội Tăng già phái Khất sĩ Việt Nam: 6 vị. 8) Đoàn Đại biểu Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thiên Thai Giáo quán tông: 5 vị. 9) Đoàn Đại biểu Hội Phật học Nam Việt: 5 vị (và 1 vị trong Tiểu ban của Ban vận động).

III. Đoàn Đại biểu thuộc thành phần tiêu biểu trong Tăng, Ni, cư sĩ có 34 vị

Cộng I + II + III = 33 + 98 + 34 = 165 vị

IV. Đại biểu dự thính: 4 vị (3 vị Bắc tông, 1 vị Nam tông).

V. Phân theo hàng Giáo phẩm

- Hòa thượng và Sãi cả 38 vị (có 1 Sãi cả). - Thượng tọa và Sãi: 70 vị (có 8 Sãi). - Đại đức: 18 vị. - Sư bà ( Ni trưởng): 6 vị. - Ni sư: 11 vị. - Sư cô: 1 vị. - Nam cư sĩ: 17 vị. - Nữ cư sĩ: 4 vị

Tổng cộng 165 vị đại biểu tham dự Đại hội.

Cụ Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tư cách Chủ tọa danh dự.

C. HỘI NGHỊ ĐÃ NGHE

1. Diễn văn khai mạc của Hòa thượng Thích Trí Thủ Trưởng ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam. 2. Bài nói của cụ Hoàng Quốc Việt 3. Thượng tọa Thích Minh Châu, Chánh Thư ký Ban Vận động Thống nhất Phật giáo đọc báo cáo về quá trình hoạt động của các cuộc vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam từ trước cho đến ngày nay. 4. Hòa thượng Thích Trí Tịnh, quý Thượng tọa Thích Minh Châu, Thích Từ Hạnh thuyết trình dự thảo Hiến chương và dự thảo chương trình hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. 5. Tham luận của 9 đoàn đại biểu: Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam, Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước thành phố Hồ Chí Minh, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Giáo hội Tăng già Nguyên thuỷ Việt Nam, Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước miền Tây Nam Bộ, Giáo hội Tăng già phái Khất sĩ Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thiên Thai Giáo quán tông, Hội Phật học Nam Việt. 6. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước Xuân Thuỷ đến thăm và phát biểu với Đại hội.

D. NHÂN SỰ NHIỆM KỲ 1981-1987

I. Hội đồng Chứng minh

1. Đại hội đã suy tôn Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm 50 vị Hòa thượng, Trưởng lão tiêu biểu của các giáo hội, hệ phái. Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận được Đại hội cung thỉnh suy tôn làm Pháp chủ đầu tiên. 2. Danh sách Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh 1) Pháp chủ: Hòa thượng Thích Đức Nhuận. 2) Phó Pháp chủ kiêm Giám luật: Hòa thượng Thích Đôn Hậu. 3) Phó Pháp chủ : Hòa thượng Thích Minh Nguyệt. 4) Phó Pháp chủ : Hòa thượng Thích Ấn Lâm. 5) Phó Pháp chủ : Hòa thượng Maha Saray. 6) Phó Pháp chủ : Hòa thượng Thích Mật Hiển. 7) Phó Pháp chủ : Hòa thượng Thích Huệ Thành. 8) Chánh Thư ký: Hòa thượng Thích Nguyên Sinh.

II. Hội đồng Trị sự

1. Đại hội đã suy cử Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm 49 vị tiêu biểu của 9 tổ chức, giáo hội, hệ phái có năng lực, sức khỏe để gánh vác điều hành các mặt Phật sự của Giáo hội (trong đó có 9 Hòa thượng, 30 Thượng tọa, 3 Ni trưởng, 2 Ni sư, 5 Cư sĩ (có 1 nữ).

Hòa thượng Thích Trí Thủ được Đại hội cung thỉnh suy cử làm Chủ tịch Hội đồng Trị sự đầu tiên.

2. Danh sách Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Gồm 23 vị: 8 Hòa thượng, 10 Thượng tọa, 1 Ni sư, 4 cư sĩ.

1) Chủ tịch: Hòa thượng Thích Trí Thủ.

2) Phó Chủ tịch gồm 9 vị, trong đó có: - 2 vị Phó Chủ tịch thường trực là Hòa thượng Thích Thế Long và Hòa thượng Thích Trí Tịnh. - 6 vị Phó Chủ tịch là Hòa thượng Thích Thiện Hào, Hòa thượng Thích Thanh Chân, Hòa thượng Thích Bửu Ý, Hòa thượng Thích Giới Nghiêm, Hòa thượng Thích Giác Nhu và Thượng tọa Thích Châu Mum. - 1 vị Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký: Thượng tọa Thích Minh Châu.

3) Phó Tổng Thư ký là Thượng tọa Thích Từ Hạnh và Thượng tọa Thích Thanh Tứ.

4) Các Trưởng ban, Uỷ viên: - Trưởng ban Tăng sự: Hòa thượng Thích Trí Tịnh. - Trưởng ban Giáo dục Tăng, Ni: Thượng tọa Thích Thiện Siêu. - Trưởng ban Hướng dẫn Nam nữ Cư sĩ Phật tử: Thượng tọa Thích Thanh Hiền. - Trưởng ban Hoằng pháp: Thượng tọa Thích Trí Quảng. - Trưởng ban Nghi lễ: Thượng tọa Kim Cương Tử. - Trưởng ban Văn hoá: Đạo hữu Võ Đình Cường. - Uỷ viên Tài chính: Đạo hữu Tăng Quang. - Phó uỷ viên Tài chính: Thượng tọa Thích Thanh Chỉnh. - Uỷ viên Thủ quỹ: Thượng tọa Thích Thuận Đức. - Phó uỷ viên Thủ quỹ: Đạo hữu Nguyễn Thị Thanh Quyên. - Uỷ viên Kiểm soát: Ni sư Thích nữ Huỳnh Liên. - Uỷ viên Kiểm soát: Đạo hữu Tống Hồ Cầm.

III. Các ban ngành Trung ương

Tại Trung ương Giáo hội có 6 ban chuyên ngành hoạt động:

1) Ban Tăng sự 2) Ban Giáo dục Tăng, Ni 3) Ban Hướng dẫn Nam Nữ Cư sĩ Phật tử 4) Ban Hoằng pháp 5) Ban Nghi lễ 6) Ban Văn hóa.

E. HIẾN CHƯƠNG GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Tại Đại hội này, Hiến chương thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thông qua gồm: Lời nói đầu, 11 Chương và 46 điều. Do 9 vị Trưởng đoàn của 9 tổ chức, giáo hội, hệ phái tham dự Đại hội cùng ký tên, ấn dấu công nhận.

Trong Lời nói đầu có ghi rõ:

“Trong gần hai ngàn năm hoằng pháp độ sinh trên đất nước Việt Nam và hòa mình trong dân tộc, đạo Phật đã trở thành một tôn giáo của dân tộc. Với truyền thống yêu nước Phật giáo Việt Nam bao giờ cũng là thành viên được tin cậy trong khối đoàn kết toàn dân, suốt dòng lịch sử dựng nước và giữ nước từ ngàn xưa...”.

Lập trường và mục đích của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là “Lý tưởng giác ngộ chân lý Hòa hợp chúng, Hòa bình và công bằng xã hội của giáo lý Đức Phật, nhằm phục vụ dân tộc, Tổ quốc và nhân loại chúng sinh” tức “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” .

Nguyên tắc thống nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày nay là: “Thống nhất lãnh đạo và tổ chức, thống nhất ý chí và hành động. Tuy nhiên, các truyền thống, các pháp môn tu hành đúng Chính pháp đều được tôn trọng và duy trì”.

Giữ vững tinh thần từ bi bình đẳng của đạo Phật phụng sự hòa bình nhân loại, tôn trọng pháp luật Nhà nước, được Nhà nước công nhận và chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của Giáo hội liên hệ trong và ngoài nước.

Kết luận

Đại hội Thống nhất Phật giáo Việt Nam đã diễn tiến hài hòa trong tinh thần đồng đạo, thắm tình ruột thịt và đã thu hoạch được những kết quả vô cùng lớn lao sau đây:

1) Hoàn thành xây dựng và biểu quyết thông qua một bản Hiến chương cho Giáo hội có nội dung đoàn kết và thống nhất thực sự, thể hiện tinh thần dân chủ, vô ngã vị tha và lục Hòa của Phật giáo.

2) Thảo luận và biểu quyết thông qua bản Đại cương chương trình của Giáo hội, gồm sáu điểm:

a. Thực hiện tinh thần đoàn kết dân tộc, tinh thần Hòa hợp chung giữa các giáo phái và tăng tín đồ. b. Hoằng dương chính pháp, chấn hưng tư tưởng trong sáng và tích cực của giáo lý Đức Phật. c. Đào tạo Tăng, Ni và hướng dẫn việc tu hành của Tăng, Ni.(1) d. Phát huy truyền thống yêu nước và gắn bó với dân tộc, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. đ. Xây dựng kinh tế nhà chùa, nhằm giải quyết đời sống của Tăng, Ni và góp phần lợi ích cho xã hội. e. Phát triển quan hệ hữu nghị với Phật tử trên thế giới, góp phần vào việc xây dựng Hòa bình và an lạc cho nhân loại.

3) Suy tôn Hội đồng Chứng minh và suy cử Hội đồng Trị sự Trung ương(2)

Đánh giá chung

Nhiệm kỳ I là thời kỳ xây dựng và củng cố cơ sở Giáo hội Phật giáo Việt Nam với 50 thành viên Hội đồng Chứng minh, 49 thành viên Hội đồng Trị sự, thành lập 28 Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, thành hội, 6 ban ngành hoạt động.

Chú thích. (1) Trường Cao cấp Phật học Việt Nam, cơ sở 1 được thành lập ngay sau ngày Đại hội thành công tại chùa Quán Sứ, Hà Nội (9-11-1981). Trường Cao cấp Phật học Việt Nam, cơ sở 2 được thành lập quý 3 năm 1984. (2) Đại lão Hòa thượng Thích Trí Thủ, Chủ tịch Hội đồng Trị sự đầu tiên Giáo hội Phật giáo Việt Nam viên tịch ngày mùng 1 tháng 3 năm 1984. Nối tiếp sau đó, quý tôn đức Tăng, Ni: Hòa thượng Thích Thế Long (1985), Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Hòa thượng Thích Nguyên Sinh, Hòa thượng Thích Giới Nghiêm, Hòa thượng Thích Giác Tánh, Hòa thượng Thích Thanh Trí, Ni sư Thích nữ Huỳnh Liên … lần lượt viên tịch.

Trích theo tài liệu: Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ Đại hội đến Đại hội (1981 - 2012) - Nhà xuất bản Tôn giáo 2012. Người thực hiện: Nguyễn Đại Đồng