Một cuộc đời bình dị, chân chất cùng tấm lòng vị tha, hiền hoà của một vị tu sĩ, thế mà Hòa thượng Thích Thiện Đắc, chùa Linh Tiên, thành phố Thủ Đức, lại là một trong những bậc danh Tăng uyên thâm về nghi lễ thiền môn Cổ truyền, đã có những đóng tích cực đối với nghi lễ Phật giáo thời kỳ hiện đại, nhất là trong sự nghiệp truyền thừa và phát huy nghệ thuật Ứng phú đạo tràng trong Phật giáo Cổ truyền tại Nam bộ. Cả cuộc đời hành đạo của Ngài là một tấm gương sáng cho giới tăng sĩ hậu học, nhất là thế hệ kế thừa trong Hệ phái Phật giáo Cổ truyền và những vị đam mê nghi lễ Thiền môn phải kính ngưỡng noi theo.
Ngài đã kế thừa những tinh hoa của nghệ thuật Ứng phú đạo tràng, là bậc thầy có công rất lớn trong sự nghiệp giữ gìn, truyền thừa và phát triển nghi lễ cổ truyền trên khắp vùng đất Nam bộ. Tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Ngài, chúng tôi nhận thấy nguồn tư liệu về hành trạng của Hoà thượng vô cùng hạn chế, chủ yếu được khẩu truyền từ những người đã từng có cơ hội được tiếp xúc, học tập cùng với Hoà thượng. Từ những giới hạn này, song, qua đó, cuộc đời của Ngài đã khắc họa nên một tư chất dung dị mà thanh cao hiếm có.
Từ khoá: Hoà thượng Thiện Đắc, Ứng phú đạo tràng, khoa giáo, Linh Tiên tự, dung dị, thanh cao, phật giáo cổ truyền...
I. HÀNH TRẠNG
Hòa thượng Thích Thiện Đắc (1944 – 2021), thế danh Bùi Văn Truyện, nguyên Phó Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước quận Thủ Đức, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN quận Thủ Đức, Giáo phẩm chứng minh Tông phong Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam (GHPGCTVN), viện chủ chùa Linh Tiên, chùa Cửu Thiên thành phố Hồ Chí Minh.
Xuất thân trong một gia đình có truyền thống kính tin Ba ngôi Tam Bảo tại làng Linh Đông Xã, quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định, thân phụ là cụ ông Bùi Văn Thơ, pháp danh Nhựt Thơ - một nhà Nho uyên bác; thân mẫu là cụ bà Lê Thị Hợi; từ nhỏ chú bé Truyện đã được cha mẹ hướng dẫn đến chùa Linh Sơn Cổ Tự[1] lễ Phật nghe kinh, do túc duyên nhiều đời, thiện căn sẵn có cùng ảnh hưởng từ Nội tổ[2] và song thân thấm nhuần Phật pháp, nên tâm tính ngài cũng sớm nảy mầm thoát tục. Do vậy, vào năm Ất Mùi (1955), vừa tròn 11 tuổi ngài đã đảnh lễ và xin cha mẹ cho vào chùa Linh sơn tập sự xuất gia.
Trụ trì Linh Sơn Cổ Tự khi ấy là Hoà thượng Hồng Trọng - Trí Quang nhận thấy chú bé Truyện có huệ căn cùng sự nhạy bén với nghi lễ thiền môn nên đã chấp nhận và thế phát xuất gia cho Ngài, ban pháp danh là Nhựt Huệ, hiệu Thiện Đắc, nối pháp đời thứ 41 dòng Lâm Tế Gia Phổ. Bước đầu tu tập, ngài theo gương hạnh người xưa lập công bồi đức, gánh nước chẻ củi để được phước duyên tu học đạo mầu. Mặc dù thân tuy lao nhọc do phải đảm đang nhiều công việc được giao, nhưng ngài luôn an nhiên cố gắng để học Bốn bộ Luật Trường hàng[3], kinh Lăng nghiêm..., cùng niềm sung sướng khi được nghe các sư huynh tán tụng trong các thời khoá công phu, khiến chú Thiện Đắc quên đi tất cả.
Năm Nhâm Dần (1962), sau 8 năm học đạo, Hoà thượng Bổn sư cho phép Ngài đăng đàn thọ giới Sa di, tại Trường Kỳ Đại Giới Đàn chùa Chùa Giác Lâm, Phú Thọ, quận Tân Bình, tỉnh Chợ Lớn do Thiền sư Như Lý-Thiên Trường làm Đàn đầu Hoà Thượng.
Năm Canh Tuất (1970), Sau khi thuộc lòng bốn Bộ Luật Trường hàng, Hoà thượng Bổn sư cho phép Ngài thọ Cụ Túc giới tại Trường kỳ Đại Giới đàn[4] chùa Thới Hòa, Gò Vấp, Gia Định, do Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam tổ chức, đảnh lễ cung thỉnh Hoà thượng Hồng Tín - Huệ Thành, Tăng Thống GHPGCTVN làm Hoà thượng Đàn đầu; Hoà thượng Hồng Nhơn - Thiện Trân (chùa Từ Thoàn) làm Tuyên Luật sư kiêm Sám chủ.
Sau khi Hoà thượng Bổn sư viên tịch, với hạnh nguyện của mình, Ngài vân du khắp nơi ở Nam Bộ để tầm sư học đạo. Nơi nào, chốn nào, khi nghe có vị Ứng phú sư nổi tiếng về lĩnh vực khoa giáo và am hiểu về sự - lý của nghi lễ thiền môn, Hoà thượng đều miệt mài đến đảnh lễ tham học với tâm nhiệt thành cầu pháp, trong đó có các bậc Tôn túc, trưỡng lão như: Hoà thượng Như Phòng - Mỹ Định[5] (chùa Hội Sơn, TP. TDM), Hoà thượng Đạt Dương (chùa Hoằng Khai, Long An), Hoà thượng Hồng Trọng – Trí Quang (Linh Sơn Cổ Tự, Tp.HCM), Hoà thượng Hồng Phước - Trí Đức (chùa Huê Nghiêm, Thủ Đức), Hoà thượng Hồng Tín - Huệ Thành (Tổ đình Long Thiền, Đồng Nai), Hoà thượng Nguyên Chất - Giác Điền (Tây Ninh), Hoà thượng Quảng Hoà - Thiện Hiệp (chùa Long Quang, TDM), Hoà thượng Hồng Diệp - Bửu Ngọc (Tổ đình Phước Tường, Tp.HCM), Hoà thượng Hồng Diệp - Thiện Trang (chùa Phước Long, TDM), Hoà thượng Thiện Tài, Hoà thượng Linh Phước (Gia Định), Hoà thượng Hồng Nhơn - Thiện Trân (chùa Từ Thoàn), Hoà thượng Hồng Đạo - Bửu Ý (Tổ đình Long Thạnh), Hoà thượng Nhựt Dần - Thiện Thuận (Tổ đình Giác Lâm), Hoà thượng Thị Tịnh - Mỹ Phước (chùa Long Sơn, TDM), ... và tại nhiều chốn Tổ, Già Lam khác. Với sự cung kính, nhiệt tâm cầu học, Hoà thượng luôn được các vị Tôn túc, Trưỡng lão thương yêu và truyền đạt tất cả kinh nghiệm về những khoa giáo hiển mật bí truyền.
Trong thời gian Ngài học đạo tại chùa Bửu Lâm (Tp.HCM); do Hoà thượng Bửu Tín tại chùa Linh Tiên viên tịch[6], nên Hoà thượng Hồng Phước - Trí Đức[7] (chùa Huê Nghiêm) cử Đại Đức Thích Thiện Đắc về chùa Linh Tiên thừa hành các công việc Phật sự và chăm lo cho Tam Bảo.
Năm 1975, Sau khi thống nhất đất nước, Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước thành phố Hồ Chí Minh được thành lập, với tinh thần yêu nước, phụng sự đạo pháp và uy tín của mình, Hoà thượng được đề cử tham gia vào cương vị Phó ban Liên lạc Phật giáo quận Thủ Đức, với mục đích đoàn kết rộng rãi các tổ chức Phật giáo để tiến đến một chương trình hành động là thống nhất Phật giáo thành một mối duy nhất, góp phần vào sự thống nhất, thành lập nên tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981.
Năm 1982, sau khi Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh được thành lập đã đề cử Hoà thượng tham giữ chức vụ Phó Chánh Đại diện Phật giáo huyện Thủ Đức, nhưng Hoà thượng đã khéo khước từ và tiếp tục hạnh nguyện truyền thừa Cổ lễ Tông phong[8] của mình.
Năm 1996, nhận thấy quý Thầy và các đệ tử gặp phải khó khăn trong việc tìm kiếm những bản văn của các khoa giáo, đặc biệt thông dụng là Trung khoa Mông Sơn thí thực, nên Hoà thượng đã biên soạn và kết tập lại quyển Trung khoa Mông sơn Thí thực khoa nghi và các nghi thức thiền môn quy củ như quyển: Nghi thức Khai Chung bản, Thiền lâm tẩn quy, Nghi Tống Thánh, Nhương Tinh, và các nghi thức thông dụng trong Tông phong Hệ phái Phật giáo Cổ truyền Nam Bộ. Bên cạnh đó, vì sự bi nguyện cùng phương tiện thế độ cho hữu tình, với sự am hiểu về lĩnh vực phong thuỷ, ngày giờ, Hoà thượng đã biên soạn sách chọn ngày giờ hôn, quan, tang, tế. Theo đó, Ngài đã trích lục từ các bản văn chữ Hán như Tụ Bảo Lâu Thông Thư, ... để Việt hoá cho môn hạ đệ tử khắp nơi dễ dàng sử dụng. Và đều đặn như vậy, theo Can - Chi mỗi năm Hoà thượng đều biên soạn và lưu hành cho đến ngày nay.
Năm 1998, Hoà thượng biên soạn viết bằng tay chữ Hán quyển: Đại khoa Du già Diệm Khẩu Thí thực Khoa nghi.
Năm 2015, theo sự thỉnh cầu của chúng tôi, vì muốn có tư liệu lưu lại cho hậu học sau này cũng như kỷ vật của Hoà thượng. Ngài đã thương tưởng và tự viết bằng tay một bộ gồm 14 Khoa giáo cổ xưa ở Nam Bộ như: Khoa Nghinh Thần Chủ, khoa Thỉnh Thánh, khoa Phát Chí Tâm (và một bản Phát lược), khoa Trí Linh, khoa Cấp Thuỷ, khoa Mộc Dục, khoa Tịnh Trù, khoa Trừ Thần, khoa Trình Thập cúng, khoa Phát tấu, khoa Mông Chuông, khoa Dương Phan, khoa Thập Điện, khoa Dược Sư.[9]
II. DUNG DỊ GIỮA ĐỜI THƯỜNG
Cuộc sống thường nhật của Hòa thượng tuy thanh đạm mà cốt cách, luôn giản dị trong tấm áo nâu sòng đã bạc màu theo năm tháng. Cả đời xuất gia tu đạo, chưa khi nào Trưởng lão tự may cho mình bộ quần áo mới, hay mua những vật dụng trang trí tự thân, mà tất cả đều tuỳ duyên tín thí phát tâm, Ngài luôn tùy công đức nhiều ít mà đắc thọ vật dụng đàn na.
Theo lời kể của Hòa thượng Thích Nhuận Kiên, viện chủ chùa Phước Tường, có cơ hội được tiếp xúc với Hoà thượng Linh Tiên vào giai đoạn đầu những năm sau khi đất nước thống thống nhất, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, cách trở. Tuy vậy, Hòa thượng vẫn không quản ngại xa xôi, một mình với chiếc xe đạp, di chuyển từ Thủ Đức lên chùa Long Quang (Thủ Dầu Một) để nhiễu Tháp, cung tiến Giác Linh trong lễ Húy kỵ chư Tổ sư, tại đây Hòa thượng Nhuận Kiên (đương thời còn là một tu sĩ trẻ) đã được Hòa thượng Linh Tiên dành cho những lời khuyên thâm tình về con đường học đạo, nỗ lực trau dồi Phật học nhưng cũng phải ý thức giữ gìn những giá trị gốc rễ của Phật pháp, của nghi lễ Cổ truyền sơn môn pháp phái.
Ấn tượng của vị Tăng sĩ Nhuận Kiên lúc bấy giớ về Hòa thượng Linh Tiên còn ghi đậm cho đến ngày hôm nay là một bực Thầy thiện xảo về Khoa nghi Ứng phú, song lại khiêm cung, bình dị, không một chút khoe khoang, thượng mạn; đồng thời sẵn sàng chia sẽ, truyền thụ những kinh nghiệm của mình cho thế hệ hậu bối phát tâm cầu học. Trong khi thực hiện các khoá lễ Ứng phú, đôi khi quý thầy kinh sư không tránh khỏi những nhầm lẫn và thiếu sót, thay vì Hòa thượng quở phạt, thì ngài rất tế nhị đợi đến sau khi trở về chùa mới ôn tồn dạy bảo, chỉ dẫn căn nguyên. Đây cũng là một lối ứng xử khéo léo, tế nhị của Hòa thượng khiến cho đồ chúng đệ tử và người thế gian càng thêm quý kính.
Cuộc đời hành đạo của Hòa thượng đã đi và đến rất nhiều nơi, hầu như trên vùng đất Nam bộ này, nơi nào cũng ghi dấu chân của ngài, đọng lại trong tâm trí của chư Tăng Ni các thế hệ cũng như tín đồ Phật tử, là hình ảnh một người thầy chân chất trên chiếc xe đạp, sau này do phương tiện thuận duyên Hoà thượng dùng xe Honda, lặn lội đến khắp các Già lam, Tổ đình, tự viện và gia đình các tín đồ Phật tử để cầu nguyện, thực hiện các khoa giáo hiển mật. Phần lớn các vị Tôn túc và Hoà thượng lớn ở thành phố Hồ Chí Minh cùng các vùng lân cận khi viên tịch, đều được Hòa thượng đáp lời cầu thỉnh của môn đồ, hoan hỷ quang lâm đến để Tuyên Pháp ngữ, trợ tiến Giác linh cao đăng Phật quốc.
Với hạnh nguyện Bi Điền, Hòa thượng vận dụng trong pháp môn Hiển - Mật song hành cho những Trai đàn cúng thí Thuỷ lục, Đại khoa Du Già, Trung khoa Mông Sơn Chẩn Tế, Ngài là một trong số rất ít người am hiểu và duy trì giềng mối Đại khoa Du Già và Thập khoa tại Nam bộ.
Đi nhiều, đến nhiều, đôi khi cũng gặp phải những lời hý luận từ thế gian, nhưng tuyệt nhiên, bằng đức tính kham nhẫn của mình, Hòa thượng vẫn hoan hỷ đón nhận, mặc nhiên không phiền lòng, vẫn tùy duyên mà ứng phú, góp phần làm trang nghiêm đạo tràng, khởi nguồn cho niềm tin vững chắc đối với Tam Bảo trong lòng tín đồ và đạo hữu.
Là một bậc thầy uyên thâm với nghệ thuật Ứng phú Đạo tràng tại Nam bộ, thế nhưng, mỗi lần đăng đàn Chẩn tế, hay trong các khoá lễ, ngài đều từ chối việc quay phim, chụp ảnh. Khi được hỏi, Hòa thượng ôn tồn đáp rằng: “Tôi không quen với chuyện như vậy, lại muốn chuyên tâm, giữ trang nghiêm cho cuộc lễ, mà hạn chế. Tuy nhiên, nếu quý thầy muốn lưu giữ để làm tư liệu, đặng tìm hiểu về khoa giáo, thì có thể ghi âm và tôi sẵn lòng trao đổi tận tường về các kinh nghiệm ứng phú”[10]. Do vậy mà hình ảnh của Hoà thượng rất ít khi xuất hiện trên các trang mạng xã hội
Sau những buổi lễ, sau những chuyến đi đến các Già Lam, trở về trú xứ, đến cả khi niên cao, lạp trưởng, Hòa thượng vẫn dành nhiều thời gian để tự tay mình thực hiện những chiếc mão Hiệp Chưởng, hay mão Tỳ Lô Trái Bí[11]. Tỉ mỉ và khéo léo trong từng đường kim mũi chỉ, Hòa thượng đều khắc khoải, gửi gắm vào mỗi câu niệm Phật, Tâm pháp gia trì, ngõ hầu “Cầu nguyện cho quý thầy được chư Phật, chư Tổ gia hộ mà luôn nhiếp tâm trang nghiêm, thiện bày khoa giáo làm ích lợi cho mọi người và chúng sinh”. Qua đây, chúng ta càng ấn tượng hơn về những tâm tư, hoài bão của một vị thầy muốn gửi gắm, nhắc nhở đến hàng hậu bối, nhất là những vị theo đuổi hạnh nguyện nối nghiệp Ứng phú sư, phải cố gắng giữ gìn tam nghiệp thanh tịnh và những phẩm hạnh cao đẹp của người xuất gia học Phật.
Sự bình dị của Hòa thượng còn được thấy qua đời sống tu tập của ngài, mặc dù niên cao lạp trưởng hay lúc đau bệnh thông thường, ngài luôn cần cầu học hỏi với các bậc thiện tri thức để thỉnh vấn các điểm cần yếu. Hằng ngày, Hòa thượng chuyên tâm tham thiền niệm Phật và trì tụng kinh Pháp Hoa để trở về với tri kiến sẵn có của mình. Với cương vị là một người Thầy, Người đã truyền dạy và đạo tạo ra rất nhiều thế hệ kế thừa, đóng góp tích cực cho ngành nghi lễ Phật giáo cũng như sự nghiệp truyền thừa Ứng phú đạo tràng tại Nam bộ; tuy vậy, cả cuộc đời hoằng truyền nghi lễ, ngoài “Ba Y một bát” của vị Tỳ kheo, Hòa thượng vỏn vẹn chỉ sắm cho mình duy nhất một tấm Y hồng, một áo hậu Bá nạp[12] cùng chiếc mão Hiệp chưởng, mão Tỳ Lô Trái bí, để là pháp phục mỗi lần thực hành khoa giáo hiển mật. Không những thế, khi được tín chủ và đệ tử ngõ ý cúng dường một chiếc ô tô để đảm bảo cho sức khỏe lúc tuổi cao sức yếu và thuận tiện trong quá trình đi lại, hòa thượng cũng đã chối từ, cho rằng không thuận tiện khi trú xứ chật hẹp.
Một kỷ niệm đáng nhớ, theo thông lệ truyền thống hằng năm tại Tổ đình chùa Hội Khánh, tỉnh Bình Dương, vào lúc 04 giờ khuya ngày 25 tháng Chạp, Chư tôn đức trong sơn môn, Tông phong Hệ phái Phật giáo Cổ truyền đều quy tụ trở về Tổ đình thiết lễ Nhiễu Tháp, tưởng niệm đến những công hạnh của chư vị Tổ sư, tiền bối hữu công. Cũng hằng năm như vậy, dù niên cao lạp trưởng, Hoà thượng Thiện Đắc vẫn hướng dẫn chư Tôn đức chùa Linh Tiên, chùa Cửu Thiên trở về để tham dự đều đặn. Có lần được túc duyên làm thị giả cho quý Ngài, chúng tôi được nghe Hoà thượng Huệ Thông bạch với Hoà thượng Linh Tiên rằng: “Hoà thượng nay tuổi đã cao, sức khoẻ cũng không được tốt, Cụ thương chúng con mà đến chứng minh là rất trân quý, nhưng cụ cứ ngồi nghỉ, không cần phải đi theo đoàn để nhiễu Tháp”. Tuy nhiên, Hoà thượng Linh Tiên lại khước từ và bảo rằng: “Tôi còn đi được thì cố gắng đi thôi, đi để tưởng nhớ đến công đức sâu dầy của chư vị Tổ sư, những bậc Tiền bối, khi nào đi hết nỗi nữa thì đành chịu vậy”.
Bên cạnh đó, cũng trong những dịp như thế, khi chúng tôi có túc duyên được hầu trà quý Hòa thượng, trong những cuộc mạn đàm của quý ngài, mặc dù là một bậc thầy am hiểu về sự - lý của khoa nghi, cũng như tinh thông các nghi thức thiền môn quy củ, uyên thâm về nghi lễ, nhưng Hòa thượng Linh Tiên luôn luôn lắng nghe, tiếp thu những nhận định, ý kiến từ những bậc đồng tu, bất phân hậu học-tiền bối. Mà thông qua những cuộc trao đổi như vậy, bản thân chúng tôi cũng có cơ hội được tiếp thu thêm những nghĩa lý thông qua thân giáo, khẩu giáo của quý ngài:
Một lần, trong cuộc đàm đạo với Hòa thượng Thiện Đắc cùng sự có mặt của nhiều bậc tôn túc Hoà thượng uyên thâm về nghi lễ, khi ấy Hòa thượng Thích Huệ thông - trụ trì Tổ đình chùa Hội Khánh đã có những phân tích lý giải một số sự - lý xoay quanh vấn đề nghi lễ thiền môn. Hòa thượng Huệ Thông đã trao đổi, biện giải về căn nguyên của những quy tắc thiền môn như: Tại sao phải khai Mộc Bảng vào buổi sáng và đánh Kim Chung (Kẻng) vào buổi chiều, là vì những quy tắc thiền môn này có sự liên quan, gắn liền với lý thuyết “Ngũ hành nạp âm”, phù hợp với “Đông phương Giáp - Ất mộc, Tây phương Canh - Tân kim” là quan điểm của truyền thống Lão giáo, thể hiện tính hài hoà theo quan điểm “Tam giáo đồng nguyên”[13] và “Dĩ huyễn độ chân”.
Đồng thời, Hòa thượng Huệ thông trao đổi, chia sẻ với Hòa thượng Linh Tiên về nghĩa lý của các quy củ như “Tả tiền hữu bộ ma quyến thuộc, Hữu nhiễu thuận hành Phật gia phong”, là lời răng bảo của chư Tổ: Khi đi, phải bước chân phải trước, việc này sẽ đem lại sự vĩnh chấn cho Tông phong, còn như khởi bước chân trái trước là lối đi của ma đạo, hoặc ý nghĩa “Nhập Già lam, xuất Tổ sư” là những quy tắc thờ phượng nơi tự viện, mang rất nhiều giá trị với những ý nghĩa mật truyền. Sau đó, Hoà thượng Huệ thông còn chia sẻ thêm về những pháp phương tiện trong sinh hoạt tín ngưỡng xa xưa “Phương tiện huyền xảo, từ bi độ chúng sinh giả”. Theo Hoà thượng: Xưa kia diễn ra một đám tang phải có đến 3 vị Thầy: Một vị thầy Pháp (Đạo giáo) sẽ tiến hành các nghi thức phạt mộc sái tịnh, tẩy uế, làm cho không gian tổ chức đám tang được trong sạch...; một vị thầy Lễ (Nho giáo) sẽ thực hiện các nghi thức cúng Từ đường, cúng cơm vong, đất đai và các công văn sớ giấy, Đề Triệu[14]...; và một vị thầy Tu ở chùa (Phật giáo) đến chỉ để tụng kinh cầu siêu, thuyết giảng về sự vô thường, chia sẻ cùng gia đình tang chủ. Nhưng sau này, do uy tín của vị Tăng ở chùa được người dân tin tưởng hơn, nên dần dà vị thầy phải vì tinh thần từ bi của đạo Phật và sự tín tâm của Phật tử mà phải đảm nhận cả ba công việc này...
Ngoài ra, quý Ngài còn trao đổi và chia sẻ những giá trị nghệ thuật đặc sắc của Ứng phú đạo tràng Nam Bộ, những nét đặc trưng trong cách thể hiện qua các sắc thái, ngôn phong, văn phạm, những quy cách trong khoa nghi như tại sao có đoạn phải dùng bài Nam Ai, Xuân Nữ, Lớp Đảo, lớp Dựng, bụa; có đoạn phải dùng bài Hạ, hơi Xuân, hơi Khách tử, tẩu mã,... và lý giải xuất xứ, nguồn gốc cũng như ý nghĩa thâm thuý của chúng một cách chi tiết và am hiểu nhất. Điển hình, trong Nghi thức khai chung bản trong Thiền môn có đoạn:
“Bất cấu bất nhiễm thị Tây phương Vô não vô ưu chân Cực Lạc, Duy tâm Tịnh Độ khẳng thừa đương Bản tính Di Đà do tự giác”. Nghĩa là: Không nhơ, không đắm là Tây phương Không phiền, không khổ là Cực Lạc, Khẳng định Tịnh Độ ở tại tâm Chân tính Phật Đà do tự ngộ.Đồng thời, ý nghĩa Triết học Phật giáo được thể hiện rất rõ trong văn thỉnh Bồ Tát Địa Tạng: “Địa ngục vị không thệ bất thành Phật, chúng sinh độ tận phương chứng Bồ-đề”, mới nghe qua ta hình dung đây là một câu văn thỉnh Ngài Địa Tạng trong các nghi thức Phật giáo, thế nhưng lại có ý nghĩa rất thâm tuý theo triết lý Phật giáo: “Địa Ngục, chúng sinh” chỉ cho sự đau khổ, vô minh, phiền não, tham sân si...; danh từ “Phật, Bồ-đề” là sự giác ngộ, giải thoát, Niếp-bàn. Khi nào địa ngục không còn, nghĩa là mọi khổ đau phiền não do tham, sân, si của chúng sinh không còn phát khởi, thì ngay lúc đó sự giác ngộ, giải thoát và trí tuệ liền xuất hiện và cũng chính là Bồ-đề. Đây mới thực là ý nghĩa sâu sắc của nghệ thuật ứng phú trong Phật giáo.
Từ những cuộc mạn đàm vô cùng quý giá này, chúng tôi không chỉ trau dồi thêm cho sự học của mình về ý nghĩa của các quy tắc thiền môn và những tín ngưỡng trong dân gian từ Hoà thượng Huệ Thông; mà còn tiếp thu từ thân giáo của Hòa thượng Linh Tiên - một bậc Thầy rất am hiểu nhưng luôn sẵn sàng lắng nghe, cùng chia sẻ và tiếp thu những gì mình còn hạn chế. Dù đã có sự uyên bác trong pháp sự khoa nghi, là bậc thầy về nghi lễ Phật giáo Nam bộ đương thời, song, Ngài vẫn mạnh dạn tiếp thu, học hỏi những vấn đề mà Ngài cho rằng bản thân chưa thật sự tường tận, hoặc ghi nhận thêm những kiến giải mới, nhằm tích lũy, làm phong phú hơn cho sự học, để có thể trở thành một bậc Thầy, không chỉ thiện nghệ về kiến thức đăng đàn, khoa nghi ứng phú mà còn am hiểu cái ý nghĩa sâu sắc của nghi lễ, nhằm xiển dương những giá trị, mục đích chân nguyên ứng phú đạo tràng.
Từ sự nhu hòa trong đời sống thường nhật của Hòa thượng, chúng tôi càng nhận ra sự tinh thâm giáo nghĩa của Hòa thượng có được chính là thành tựu của quá trình một đời tu tập, chắt lọc với lối sống hòa kính, đầy thâm tình, đúng như Nho gia có câu: “Thiên thời bất như địa lợi, địa lợi bất như nhân hòa”[15], Quả thực, với một bậc trưởng thượng như Ngài, với tinh thần hài hoà, không nệ hà khó khăn và sự cung kính tuyệt đối với chư vị Tổ sư, đã để lại trong tâm thức của chúng tôi một dấu ấn sâu sắc về một bậc thầy Ứng phú tài cao đức trọng, càng tạo cho bản thân tôi một niềm kính ngưỡng, mến mộ và tinh tấn hơn trong đời sống tu tập, tìm cầu thiện pháp. Một kỷ niệm, một vinh hạnh trong đời không thể nào quên trên bước đường học đạo.
Có cơ hội được thân cận, được Hòa thượng ân cần hướng dẫn, truyền thụ, chúng tôi không chỉ được tiếp thu và đón nhận những giá trị cốt lõi và sâu sắc về khoa giáo Ứng phú cũng như những kinh nghiệm quý báu, mà đồng thời còn cảm nhận được cốt cách của một bậc thầy hiền trí, khiêm cung ngay giữa thực tại đời thường.
Quả thật: “Lúa chín cúi đầu, sông sâu tĩnh lặng”.
Bằng cử chỉ khiêm cung, từ tốn, nhã nhặn hiền hòa nhưng trong lời dạy của Ngài luôn tràn đầy tâm huyết, cùng sức mạnh nội lực của một bậc viễn ly, sống lấy thiền môn quy củ làm trọng. Không cần nói nhiều, làm nhiều, không cầu kì hình thức, nhưng vẫn toát lên thần thái đĩnh đạt của một bậc Tổ sư Ứng phú, đỉnh cao của một bậc trưởng lão am tường giáo nghĩa.
Dung dị giữa đời thường, trong mỗi việc làm của Hòa thượng Thiện Đắc luôn thể hiện sự hài hoà, đồng cảm với mọi người, dùng giáo nghĩa uyên thâm của khoa nghi Ứng phú, từng bước dẫn dắt hàng ngũ đệ tử, Phật tử khởi phát thiện tâm, đóng góp một phần công sức của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Đạo pháp, xương minh khoa giáo truyền thống Nam Bộ. Tấm lòng của Hòa thượng xuất phát từ cái tâm của một vị thầy từ hòa, khiêm cung, xứng đáng được Tăng Ni, Phật tử quý trọng mến mộ và noi theo, cùng với hình ảnh Bi – Dũng, đỉnh đạc là những nét sáng ngời trong Tăng giới.
III. “PHÀM SỞ HỮU TƯỚNG, GIAI THỊ HƯ VỌNG”
Thuận theo lẽ Vô thường, do tuổi cao lão bệnh, lại còn mang nhục thân nên có cái hoạn của nhục thân. Hòa thượng sức yếu dần nhưng ngài rất an nhiên tự tại, như đã làm trọn mọi sứ mệnh truyền trao tinh hoa cho hàng hậu bối. Hòa thượng dặn bảo đồ chúng mọi việc, rồi mặc nhiên xả báo an tường thâu thần viên tịch, trở về cảnh giới Niếp-bàn, vô tung bất diệt vào lúc 09 giờ sáng, ngày 02 tháng 8 năm 2021 (nhằm ngày 24 tháng 6 năm Tân Sửu) tại Tổ đình chùa Linh Tiên, phường Linh Tây, TP.Thủ Đức (TP.HCM), trụ thế 78 năm, Pháp lạp 51 năm.
Xuyên suốt hơn 70 năm đảm nhiệm vai trò là vị sư Ứng phú, Ngài đã đào tạo nhiều thế hệ Tăng, Ni tài đức về Nghi lễ qua các Trường hạ, Trường Hương ở nhiều địa phương, cuộc đời ngài dành trọn cho bổn hoài thanh tu, đạo đức nghi lễ. Trong sự nghiệp truyền thừa Ứng phú đạo tràng tại Nam Bộ, Hoà thượng đã đào tạo, truyền trao Tâm pháp cho hơn 100 vị Ứng phú sư (Thầy Cả), đào tạo hơn 500 Tăng Ni thế hệ kế thừa và phát huy những giá trị căn nguyên của nghi lễ Phật giáo, nghi lễ Thiền môn Nam Bộ, trong đó phải kể đến sự tham học của Hoà thượng Lệ Trang (chùa Định Thành), Thượng toạ Đồng Văn (chùa Viên Giác), GS. Trần Văn Khê đã đến đảnh lễ, tham vấn và học đạo nơi Ngài, cùng các đệ tử, Y chỉ thiện nghệ về Ứng phú như: TT.Thiện Hỷ (chùa Cửu Thiên), TT.Thiện Lạc, TT.Tâm Đạo - Thiện Tâm, TT.Giác Chơn (chùa Pháp Bửu, Củ Chi), TT.Đồng Hoàng - Thiện Huệ (chùa Long Sơn, TDM), ĐĐ.Lệ Lạc (chùa Linh Thông, Dĩ An), ĐĐ.Lệ Huệ, ĐĐ.Lệ Tiến, ĐĐ.Lệ Phú; ĐĐ.Lệ Cảm - Đức Dũng (chùa Phước Tường, Thuận an), ĐĐ.Chúc Tánh (chùa Phước Đồng, Dĩ An), ĐĐ.Lệ Trang - Huệ Nghiêm (Tổ đình Hội Khánh), ĐĐ.Thiện Thành (chùa Thiên Long, Bến Cát), ĐĐ.Trung Thành - Thiện Tựu (chùa Bửu Phước, Tp.HCM)... cùng nhiều môn hạ đệ tử cầu pháp nơi Hoà thượng trên khắp vùng đất Nam Bộ.
Thông qua hành trạng của Ngài cho thấy sự đóng góp vô cùng to lớn đối với Phật giáo vùng Nam Bộ. Trước những làn sóng pha tạp, ảnh hưởng đến sinh hoạt nghi lễ Phật giáo truyền thống, Ngài đã dành hết cả cuộc đời và tâm trí của mình để bảo tồn, phát huy các giá trị nghệ thuật căn nguyên của nghi lễ ứng phú đương thời.
Tinh thần tu học và truyền thừa nghi lễ Cổ truyền của Hòa thượng là một tấm gương tinh tấn, bất thối chuyển, không bao giờ tự mãn nguyện và ngơi nghỉ. Với tấc lòng của một bậc hậu học, chúng con xin nghiêm mình kính cẩn dâng lên Hòa thượng đôi dòng kính ngưỡng, cùng tỏ bày lòng biết ơn vô hạn. Kính đảnh lễ tri ân Ngài đã đến cuộc đời này, để tô điểm thêm cho bức tranh văn hoá, nghi lễ Phật giáo Cổ truyền thêm phần giá trị và phong phú hơn; hình ảnh cao đẹp của Ngài đã cho chúng con cảm nhận đâu đây, giữa thế cuộc phong hóa đổi thay, vẫn còn những bậc tu hành dung dị, khả kính.
Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng, Hòa thượng đã đến và đi như thế, nhưng công hạnh của một bậc Thầy thanh tu mẫu mực vẫn sống mãi trong sự kính tiếc của toàn thể môn hạ đệ tử.
Thành kính vọng bái hướng về Linh Tiên tự, nhất tâm đảnh lễ Tự Lâm Tế Gia Phổ, Tứ thập nhứt thế, huý Thượng Nhựt hạ Huệ, hiệu Thiện Đắc, Giác linh Cố Trưởng lão Hòa thượng thuỳ từ minh chứng.
Hoà kính, bao dung sáu pháp tròn Thượng trung hạ toạ, nhẫn khiêm cung, Thiện hạnh liên phương truyền Tâm ấn Đắc pháp chơn như, giáo nghĩa hoằng. Linh ứng khoa nghi, hưng mật dụng Tiên hoằng giáo nghĩa, độ quần sinh, Tổ truyền thiện nghệ lưu hậu thế Sư giáo lưu phương thế thế truyền. Ứng hiện Du Già tuyên Pháp Phật Phó hội Đại khoa ý diệu huyền, Đạo tràng từ nay thôi vắng bóng Tràng phan, bảo cái tiễn hiền nhân.
Tổ đình Hội Khánh, Lập Thu năm Tân Sửu, đệ tử Huệ Nghiêm cẩn ghi.
ĐĐ.Thích Huệ Nghiêm - Uỷ viên Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương
--------------------- CHÚ THÍCH: [1] Quận Thủ Đức, do Hoà thượng Thích Tâm Giác khai sơn năm 1797, Tổ đạo hiệu Phú Truyền. [2] Hoà thượng trụ trì chùa Khánh Sơn, quận 11, Tp.HCM. [3] Tỳ ni, Sa di, Oai nghi, Cảnh sách. [4] Sau khi kết thúc Trường Hương tại đây. [5] vị Ứng phú sư nổi tiếng ở Đông Nam Bộ và [6] Chùa Linh Tiên trước đây là Miễu Bà Chúa Xứ, do cảm mến đức độ của HT. Bửu Tín, nên dân làng mới di dời bàn thờ Bà Chúa Xứ ra phía sau hậu Tổ và cung thỉnh Hoà thượng về Trụ trì, đặt tên chùa là Linh Tiên để Ngài hoằng dương Phật pháp tại vùng đất này. [7] Bổn sư của HT. Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng Minh [8] Nghi lễ Thiền môn Cổ truyền của tông phong Phật giáo Cổ truyền Việt Nam [9] Các bản Đại khoa, Trung khoa và 14 khoa giáo cổ xưa, hiện được tác giả cung thỉnh và lưu trữ tại Tổ đình Hội Khánh. [10] Do người viết Phỏng vấn Hoà thượng vào mùa Xuân năm 2014 tại Chùa Hội Khánh. [11] Một loại mão đặc thù của miền Nam, dùng cho vị thầy Sám chủ khi đăng đàn Chẩn tế hay thực hiện các Khoa nghi Ứng phú khác. [12] Gồm hai màu trắng và đen, đan xen với nhau thành từng mảng, mỗi mảng vải được ghép lại với nhau từ nhiều hình chữ nhật. Theo Hoà thượng Thích Thiện Đắc: Màu trắng để tượng trưng cho ngày (nhựt), Màu đen tượng trưng cho đêm (dạ), như vậy phần biểu trưng nói việc đêm ngày được an lành. An lành ở đây chính là an lành trong các pháp đoạn diệt, an trú tỉnh thức. [13] Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo. Thuộc tư tưởng triết học duy vật sơ khai cổ đại của người Á Châu. [14] Theo nghi Nho gia [15] Thời trời chẳng bằng lợi đất, lợi đất chẳng bằng người hoà.TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Thích Huệ Thông (2015), Lịch sử Phật giáo Bình Dương, Nxb Văn hoá Văn nghệ, Tp.Hồ Chí Minh 2. Thích Huệ Thông (2019), Lịch sử Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Nxb Đồng Nai. 3. Thích Đồng Bổn (1995), Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thê kỷ XX, tập I, Nxb Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh. 4. Thích Đồng Bổn (2002), Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thê kỷ XX, tập II, Nxb Tôn giáo, Hà Nội. 5. Thích Đồng Bổn (2009), Biên niên sử Giới đàn Tăng Việt Nam, Nxb Tôn giáo. 6. Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Danh bộ Tăng Ni Phật giáo TP.HCM (Tp.Thủ Đức). 7. Tư liệu lưu trữ tại Tổ đình Linh Tiên, Tổ đình Hội Khánh.
Bình luận (0)