MỞ ĐỀ

Với lịch sử gần 300 năm, chùa Giác Lâm là một phần quan trọng của lịch sử Phật giáo nói riêng và lịch sử hình thành vùng đất phương Nam nói chung. Trải qua bao cuộc bể dâu thời cuộc, cùng với những thịnh suy theo quy luật của cuộc đời, chùa Giác Lâm vẫn đứng vững cho đến ngày hôm nay như để minh chứng cho một giai đoạn, một quá trình hình thành và phát triển đất nước.

Ngày nay, giá trị của chùa Giác Lâm từ nhiều phương diện như: kiến trúc, văn hóa, các bộ tượng, bao lam, liễn đối,… được các nhà nghiên cứu quan tâm và khám phá. Đây cũng là một tín hiệu vui mừng cho một ngôi chùa không chỉ đẹp về hình thức bên ngoài mà còn cả nội dung những câu đối mang giá trị truyền tải trong dòng chảy lịch sử văn hóa của ngôi chùa.

Tag: chùa Giác Lâm, câu đối, khảo cứu, phật giáo, văn hóa, lịch sử,

NỘI DUNG

1. Chùa Giác Lâm quá trình hình thành và phát triển

Chùa Giác Lâm ngày nay có địa chỉ tại số 565 (số cũ 118) trên đường Lạc Long Quân, phường 10, Q.Tân Bình, Tp.HCM, chùa được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia theo quyết định số 1288-VH/QĐ ngày 16 tháng 11 năm 1988.

Chùa chính thức được xây dựng bởi Lý Thụy Long người Minh Hương vận động xây cất vào năm Giáp Tý (1744) đời Chúa Nguyễn Phúc Khoát: “Mùa xuân năm Giáp Tý (1744) đời Thế Tông năm thứ 7, người xã Minh Hương là Lý Thụy Long quyên của xây dựng chùa trang nghiêm, cửa thiền u tịch”[1], ban đầu có tên là Cẩm Sơn, Sơn Can, Cẩm Đệm. Lúc mới thành lập, chùa còn rất đơn sơ chỉ là một ngôi nhà tranh vách đất, hơn 30 năm sau đến năm 1774 khi Lý Thụy Long sang chùa Từ Ân xin Hòa thượng Phật Ý về trụ trì và được Ngài cử đệ tử là Thiền sư Viên Quang về trụ trì và cũng từ đây chùa được đổi tên là Giác Lâm, cũng từ đó chùa mới bắt đầu khởi sắc và phát triển: “Gần đây có Viên Quang đại lão Hòa thượng đời thứ 36 thuộc phái Lâm Tế chính tông 23, mật hạnh kiên trì, trải từ tuổi nhỏ cho đến khi già, kiên trì tu hành ngày càng tinh tấn, lại có tính yêu cảnh sương khói suối khe, ít khi để chân đến chốn thị thành huyên náo. Từ khi ông đến đây dừng trụ trong núi dứt phiền não, dưới rừng lộ chùa chiền 24. Năm Gia Long thứ 16 (1817) 25 ông mở đại giới đàn, từ đó thiện nam tín nữ đến quy y rất đông, mà sơn môn lại thêm phần khởi sắc”[2].

Từ khi thành lập cho đến khi có Thiền sư Viên Quang về trụ trì, chùa đã trải qua hơn 30 năm tồn tại nhưng không phát triển. Một điều dễ nhận thấy là các chùa được hình thành trong giai đoạn này hoàn toàn không mang một ý nghĩa hoằng pháp hay gì cả mà chỉ là chỗ dựa tinh thần cho những lưu dân. Chúng ta biết rằng, từ khi đoan quận công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ xứ Thuận Hóa (1558) cũng là bắt đầu cuộc hành trình mở đất phương Nam diễn ra nhanh chóng. Khi đến vùng đất Gia Định này, ngoài những lưu dân người Việt còn có những người Minh Hương và theo chân các lưu dân này là các nhà sư có cả người Hoa và người Việt.

Khi đến khai phá các vùng đất mới, biết bao là khó khăn, khổ sở người dân phải đối mặt nơi hoang vắng rừng thiêng nước độc và sự khác biệt văn hóa của người dân bản xứ. Từ những khó khăn và cô đơn đó chùa chiền, hương khói, kinh kệ, thần Phật… chính là liệu pháp duy nhất để họ cảm thấy vơi lòng và an ủi trong những năm tháng vất vả, gắn kết con người. Chính vì lẽ đó, chùa chiền được dựng lên trong giai đoạn này chỉ là nơi để gửi gắm những tâm tư, tình cảm, những ước vọng đơn thuần như được chở che an ổn… là nơi để có thể cầu nguyện, van xin sự đoái thương của trời Phật trong những phút giây đau khổ, khó khăn và sợ hãi trong cuộc đời.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các ngôi chùa được dựng lên một cách bừa bãi, một ngôi chùa dựng lên là tất cả cái tâm của những người trong khu vực đó, cho nên các ngôi chùa khi được dựng lập đều rất được chăm chút, cẩn thận ở những vị trí đẹp và chùa Giác Lâm cũng là một trong những trường hợp như vậy. Trong Gia Định thành thông chí Trịnh Hoài Đức có viết: “Ở trên gò Cẩm Sơn, cách Lũy Bán Bích về phía Tây 3 dặm, gò chùa nầy như đống vàng bỗng nổi lên giữa chỗ đồng bằng trải thẳng cả trăm dặm, giống như tựa bình phong, đội nón, mở trướng, trải thảm, rộng 3 dặm, cây to thành rừng, hoa núi dệt gấm, sớm chiều mây khói bốc lên quấn cuộn, tuy nhỏ nhưng lý thú”[3]. Thật là một phong cảnh tuyệt đẹp hữu tình và có lẽ vì thế mà “Chùa trang nghiêm, cửa thiền u tịch, đến ngày Thanh minh, Trùng cửu nhàn hạ, thi nhân du khách kết đoàn 5, 3 người đến đây mở tiệc thưởng hoa, nâng chén quỳnh mà ngâm vịnh, ngó xuống chợ búa đời thường bụi bặm xa cách ra ngoài tầm mắt, thật là một nơi đáng du lịch và thưởng ngoạn”[4].

Đặc biệt, trong phương cách chọn vị trí để an trí một ngôi chùa hay bất kỳ một công trình nào thì niềm tin vào vị trí, phương hướng, ngày giờ… nếu chọn đúng sẽ có tác dụng mang đến hạnh phúc, bình an và nhiều thuận lợi và ngược lại nếu chọn sai. Niềm tin này có lẽ đã có từ rất lâu và trong tác phẩm Kiến trúc Phật giáo Việt Nam của Nguyễn Bá Lăng có trích một đoạn trong sách An Tượng của chùa Thiền Pháp như sau: “Lập chùa ở xứ nào nên chọn đất lành, ngày lành, giờ lành; đất lành là đất bên trái rộng trống, hoặc có sông ngòi, ao hồ om bọc, bên phải hổ sơn (tay hổ) nên cao dày, lớp lớp quay đầu lại, hoặc có hoa sen, tràng phan, bảo cái hoặc có phụng rồng rùa rắn chầu bái. Ấy là đất dương cơ ưa (tay) hổ vậy. Cũng lại nên cưỡi đảo lại, như người cưỡi ngựa đi thì đầu phải ở phía trước, giòng nước chảy đảo sang bên trái. Nếu là đảo kỵ (cưỡi đảo lại) mạch vào từ phía trước vậy. Trước mặt hoặc có minh đường hoặc không có minh đường đều được cả. Đằng sau không nên có (áp) bức. Thế là đất lành… nếu hay (được) những phương (cách) như thế thì hay (được) hưng hiển đạo pháp, người trụ trì ở chùa sinh trí huệ, người thí chủ được đại công đức, ân phúc đến con cháu vậy”[5]. Từ các niềm tin như vậy, nên chùa Giác Lâm mặc dù từ những ngày ban đầu chỉ là một ngôi chùa đơn sơ nhưng về vị trí thì vô cùng đắc địa trong phong thủy “phía trước chùa Cẩm Đệm là một vùng đất trũng sâu luôn có nước, dù mưa hay nắng, có lẽ đây là Minh đường. Theo lời kể lại của các vị trụ trì, chùa đã có nhà thủy tạ trên ao sen này. Phía trái chùa là vuông đất rộng trống kéo dài ra tận đường Lê Đại Hành ngày nay. Bên phải chùa là thế đất cao bao bọc theo đường Lạc Long Quân ngày nay”[6].

Thiền sư Viên Quang là trụ trì đầu tiên, cũng là vị đặt nền móng phát triển cho chùa Giác Lâm sau này. Ngài là người trùng tu chùa Giác Lâm đầu tiên vào năm 1789, trải qua 6 năm mới hoàn thành, với những cây gỗ quý được đưa vào xây dựng tạo nên một ngôi chùa nguy nga tráng lệ: “Cột nào cũng chạm khắc phù điêu và nổi bật lên, bên trong hàng phù điêu viền quanh này là các câu đối. Toàn chùa có 86 câu đối, trên tổng số 98 cột tròn được chạm khắc với nhiều nét chữ khác nhau”[7]. Chùa dần trở thành trung tâm đào tạo dịch kinh điển và giới luật cho chư Tăng Gia Định và cả Nam bộ. Năm 1819, tổ chức Đại giới đàn và được mở rộng cho thiện nam tín nữ quy y. Ngài viên tịch vào ngày mùng 3 tháng Chạp năm Đinh Hợi (1827).

Kế vị trụ trì thứ hai là Thiền sư Hải Tịnh, Ngài là bậc danh tăng được vua Minh Mạng mời ra kinh đô phong chức Tăng Cang và giao phó chức trụ trì chùa Thiên Mụ năm 1822. Mãi đến năm 1844, Ngài mới trở về chùa Từ Ân để hoằng pháp, cũng trong năm này Ngài thành lập trường hương đầu tiên tại chùa Giác Lâm, đến năm 1849 tiếp tục khai mở trường kỳ tại đây. Năm 1850, chính Thiền sư Hải Tịnh đã đổi tên Quan Âm Các một nơi ngày xưa dùng để ngủ giữ gỗ xây chùa Giác Lâm thành chùa Giác Viên, nếu chùa Giác Lâm là nơi dạy kinh luật thì Ngài biến chùa Giác Viên thành trung tâm đào tạo nghi lễ cho quý thầy. Trong giao đoạn trụ trì của Ngài, các hoạt động phật sự được đẩy mạnh ngoài việc đào tạo cho tăng chúng tại chùa. Chùa là nơi mở các trường hương, trường kỳ để đào tào, dạy kinh luật luận, ứng phú đạo tràng cho các tăng chúng đến học, tạo nên một hào khí mạnh mẽ trong ngôi nhà Phật pháp.

Đến trụ trì đời thứ ba là Thiền sư Hoằng Ân – Minh Khiêm (1873-1903), kế thừa những Phật sự đã có sẵn, ở giai đoạn này chùa còn là nơi in ấn, sao chép kinh điển và diễn Nôm một số sách Phật giáo.

Đến đời thứ tư Thiền sư Hồng Hưng – Thạnh Đạo, chính Ngài là người cho trùng tu lần thứ hai và thứ ba chùa Giác Lâm, trong đợt trùng tu lần thứ hai này công trình đã: “Thay đổi một số nét kiến trúc như: xây vòng rào, lót gạch chính điện, làm lại vách nhà tổ, trang trí nền vách chùa bằng sành xứ… bao lam tại chính điện cũng được chạm trong thời gian này”[8]. Lần trùng tu thứ ba không đáng kể chỉ làm thêm kiên cố và chạm các đĩa lên vách chùa… .

Đời thứ năm là Thiền sư Nhật Dần – Thiện Thuận, giai đoạn này một số tu sĩ đã lên đường tham gia kháng chiến, chùa là nơi nuôi chứa cán bộ, nơi hội họp của cấp ủy. Năm 1953, chùa được vinh dự lưu dữ viên Xá lợi Phật và cây bồ đề do Ngài Narada từ Sri Lanka sang tặng cho giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam.

Đời thứ sáu là Thượng tọa Huệ Sanh, chính Ngài là người đã cho trùng tu lại chùa Giác Lâm lần nữa với việc thay ngói, làm lại diềm mái và quét vôi cho các ngôi tháp. Chính Ngài đã cùng với các ban ngành Sở Văn hóa thông tin làm nên cuộc hội thảo tại Chùa, giải tỏa các hộ dân chiếm đất chùa trả lại cho chùa đúng với giá trị của một ngôi chùa di tích lịch sử.

Ngày nay, trụ trì là Thượng tọa Thích Từ Tánh.

Có thể thấy một ưu điểm rất hiếm thấy ở ngôi chùa Giác Lâm chính là sự truyền thừa không gián đoạn mặc dù đã có tuổi thọ gần 300 năm. Thứ hai, sự trùng tu có tính kế thừa nên những gì xây dựng trước đó phần lớn được bảo tồn nguyên vẹn. Thứ ba, ý thức bảo tồn giá trị văn hóa lịch sử trải qua các đời trụ trì, chính vì lẽ đó nên ngôi chùa ngày càng thêm khang trang, đẹp đẽ nhưng vẫn giữ được nét cổ kính, giá trị lịch sử một ngôi chùa cổ.

2. Nội dung tư tưởng câu đối

Toàn chùa có tổng cộng 86 câu đối: chính điện 16 câu; nhà tổ 22 câu; trai đường 20 câu; giảng đường 24 câu[9]. Một trong những câu đối cực kỳ đặc biệt và độc đáo, kích thích người đọc, người quan sát và những nhà nghiên cứu chính là câu đối treo hai bên bàn Hộ pháp: 朝 朝 朝 朝 朝 拜朝 朝 朝 拜. 齊 齊 齋 齊 齊 戒 齊 齊 齋 戒. Triêu triêu triều, triêu triêu bái, triêu triêu triều bái.Tề tề trai, tề tề giới, tề tề trai giới. Cao Tự Thanh dịch là: “Nhộn nhàng chầu, nhộn nhàng bái, nhộn nhàng chầu bái. Lặng lẽ trai, lặng lẽ giới, lặng lẽ trai giới”[10]. Sự độc đáo của câu đối sẽ được trình bày ở phần 3, ở đây xin nghiên cứu ở nội dung của câu đối.

Câu đối này được tặng bởi Hòa thượng Trần Bửu Hương trụ trì chùa Kiểng Phước nhân dịp trùng tu chùa Giác Lâm năm 1909. Trước tiên câu thứ nhất nói đến cảnh nhộn nhịp của các Phật tử về chùa lễ bái, đông đúc, vui tươi và hoan hỷ. Một dấu hiệu cho thấy Phật giáo rất được ngưỡng vọng nói chung và chùa Giác Lâm nói riêng. Đây là câu đối dùng để tặng nhân ngày trùng tu thì một mặt là có ý ngợi khen chùa Giác Lâm được các tín đồ kính ngưỡng, mặt khác chính là sự hoài vọng, mong muốn sau khi ngôi chùa được trùng tu hình thành trang nghiêm đẹp đẽ thì sẽ được đông đảo Phật tử trở về bái vọng.

Tuy nhiên, trọng tâm câu đối có lẽ chính là ở câu thứ hai. Câu thứ hai này chú trọng hai thành phần là “lặng lẽ”“trai giới”. Phần “trai giới” là phần nổi và “lặng lẽ” là phần chìm hay “lặng lẽ” là người hành trì còn “trai giới” là phương tiện, phương pháp, pháp môn, con đường để giải thoát cũng là mục đích của đạo, mục tiêu khi đến chùa cúng bái. Nên ở câu thứ hai này là yếu chỉ của người hành đạo và cũng là hóa đạo. Hành đạo nghĩa là bản thân là một nhà tu, một người xuất gia trong chùa thì cần phải thực hành lời Phật dạy, nghiêm trì giới luật, khiêm hạ, yêu thương, bao dung và tha thứ… Hoằng đạo nghĩa là khi những người Phật tử, những thiện tín đến chùa ngoài việc cúng bái cầu xin, chúng ta phải hướng dẫn họ hành trì lời Phật dạy vào trong cuộc sống hằng ngày, để có thể mang lại an lạc hạnh phúc ngay chính trong cuộc đời này mà không phải đợi chờ hạnh phúc từ một đấng linh thiêng nào ban phát cả. Khi trọn vẹn ở trên hai phương diện đó, thì chùa vừa là nơi để hàng tu sĩ “tự giác” bên cạnh “giác tha” một cách trọn vẹn, đúng với ý nghĩa khi xây dựng một ngôi chùa.

Vậy ở đây, chúng ta sẽ phân tích tìm hiểu hai từ “lặng lẽ” “trai giới” để có thể thấu hiểu hết giá trị nội dung của câu đối, đồng thời biết được thâm ý sâu xa mà người viết muốn trao tặng câu đối cho chùa.

“Lặng lẽ” ở đây chính là nói lên thái độ của một con người, lặng lẽ hành trì, lặng lẽ tu tập, một thái độ khiêm hạ, nhún nhường. Ở tầng nghĩa cao hơn lặng lẽ chính là biểu hiện của sự “vô ngã” (無我,sa. anātman, pi. anattā), nghĩa là không thấy có “cái tôi” hiện hữu, vạn pháp chỉ là nhân duyên giả tạm tạo thành. Với cái tâm vô ngã đó, khi hành trì người tu tập sẽ không sinh tâm cao ngạo cho rằng mình tu người khác không tu, cho rằng mình giỏi hơn người… những móng tâm này sẽ làm cho công phu tu tập bị rơi vào hố sâu nguy hiểm không thể thoát ra được.

Với thái độ lặng lẽ, âm thầm từ nội tâm vô ngã này người tu tập sẽ ví thân tâm này như đất, có thể dung chứa mọi thứ xấu, tốt trên cuộc đời, có thể chịu đựng những chất thải hôi tanh, những phân nhuế, nhờm gớm, mọi thứ nhơ bẩn,… lên nó, từ sự bao dung rộng lớn đó, những cây cỏ xinh tươi, hoa trái tốt lạ trên cuộc đời sẽ được sinh trưởng. Tâm người tu hành cũng thế, có thể chịu đựng mọi sự phỉ nhổ, ghét ganh, thù hằn, khinh bỉ một cách hoan hỷ, không câu nệ, không hờn giận, không oán trách, đón nhận một cách bao dung và tha thứ, từ đó những yêu thương, từ bi, giúp đỡ… mới được sinh trưởng trong tâm mình, điều này được ngài Xá Lợi Phất nói lên trong kinh Tăng Chi: “Bạch Thế Tôn, giống như những người vất lên mặt đất những thứ trong sạch và những thứ không trong sạch, như phân, nước tiểu, nước bọt, mủ và máu, tuy nhiên, mặt đất đón nhận mọi thứ mà không chán ghét, nôn mửa, hay thù hận; Bạch Thế Tôn, cũng như thế, quả tim con giống như đất, rộng lớn, cao quý, không thể đo lường, không có kẻ thù, và không có ý xấu xa”[11]. Trong một trường hợp khác chính đức Phật cũng đã dạy La Hầu La về hạnh của đất: “Này Rāhula, hãy tu tập sự tu tập như đất. Này Rāhula, do tu tập sự tu tập như đất, các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại. Này Rāhula, ví như trên đất người ta quăng đồ tịnh, quăng đồ không tịnh, quăng phân uế, quăng nước tiểu, nhổ nước miếng, quăng mủ và quăng máu; tuy vậy, đất không lo âu, không dao động, hay không nhàm chán; cũng vậy, này Rāhula, hãy tu tập như đất. Này Rāhula, do tu tập sự tu tập như đất, các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại”[12].

Bên cạnh đó thái độ lặng lẽ cũng chính là thái độ của một người tu hạnh nhẫn nhục. Nếu Vô ngã là một trong Tam pháp ấn (Pali: Tilakkhaṇa; Phạn: Trilakṣaṇa. Gồm: vô thường; khổ; vô ngã) thì Nhẫn nhục là một trong sáu pháp Ba La Mật (sa. pāramitā, pi. Pāramī. Gồm bố thí; trì giới; nhẫn nhục; tinh tấn; thiền định và trí huệ ) của Bồ tát. Trong Tỳ-kheo giới kinh cũng có dạy:

“Nhẫn nhục đạo thứ nhất Phật nói pháp vô vi là hơn Xuất gia làm não phiền người Thì chẳng gọi là Sa môn”[13].

Nhẫn nhục ở đây không phải là thái độ hèn nhát, nhún nhường trước kẻ mạnh, mà nhẫn nhục chính là thái độ bao dung và tha thứ, kỳ thật người không có tâm rộng lượng bao dung sẽ không bao giờ tu hạnh nhẫn nhục được. Nhẫn nhục chính là biểu hiện của tâm Vô ngã; vì thấy thân tâm này là không thật có, những sự hiện hữu trên cuộc đời này là giả tạm thì mới có thể nhẹ nhàng bỏ qua những cái lợi, cái danh trên thân ta được.

Cho nên, “lặng lẽ” là một thái độ, một biểu hiện của sự cần cù, nghiêm túc, nhẹ nhàng, từ tốn của người có sự tương ưng với đạo, đồng thời từ sự chuyên chú với đạo cũng tạo nên phong thái “lặng lẽ”. Khi tâm đã sống trong công phu, chuyên chú trong pháp, lâu dần những ngoại cảnh không còn làm lay động tâm của hành giả nữa “đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”[14]. Sự tương dung với đạo khiến người hành trì có phong thái trầm mặc, thư thái, an yên và tĩnh lặng như mặt nước hồ thu không một gợn sóng.

“Trai giới” là từ ghép “trai”“giới”. Chữ “trai” có nhiều cách hiểu, có khi được đọc trại là “chay” được hiểu là ăn chay, nghĩa là không ăn những thực phẩm từ động vật, truyền thống ăn chay được ăn ba bữa thay vì chỉ ăn một buổi. Có khi được dùng ở một nghĩa khác như “thọ trai” thì lại có nghĩa là ăn không quá giờ ngọ (quá 12 giờ), truyền thống ăn ngọ có từ thời đức Phật và chỉ ăn một buổi trưa trước giờ ngọ, thực phẩm để dùng là đi khất thực nên không phân biệt là chay hay mặn (nhưng phải đáp ứng điều kiện tam tịnh nhục). Còn có nghĩa là “trong sạch” ở phương nghĩa này chữ “trai” được hiểu là thanh tịnh, không để cấu nhiễm, giữ gìn cho trong sạch… Chữ “giới” nghĩa là những lời Phật dạy để ngăn ngừa những lỗi lầm như: Ngũ giới, Bát quan trai giới, Thập giới và Bồ tát giới… Vậy “trai giới” chính là giữ gìn và thực hành những lời Phật dạy một cách trọn vẹn, không để thiếu xót và không trái phạm.

Từ các ý nghĩa trên, câu đối có tác dụng như một lời răn nhắc đối với những người tu hành, đồng thời còn là phương châm hành đạo trong một bối cảnh mới. Như đã trình bày ở trên, chùa được xây dựng ban đầu chỉ để cầu cúng, an tâm hoàn toàn chưa chú trọng đến việc tu tập, thực hành những lời Phật dạy. Nhưng ngày nay, tức vào năm trùng tu thứ hai, thời cuộc đã có nhiều đổi thay, cách xây dựng một ngôi chùa đã không còn bó buộc trong một ý nghĩa nhỏ nữa, mà thay vào đó xây chùa là để chuyển hóa tâm hồn của những người khi đến cửa Phật, bằng cách áp dụng các lời Phật dạy vào trong đời sống của mình.

Về phương diện tu sĩ, câu đối có tác dụng nhắc nhở người tu cần phải tu tịnh giới, cần phải lấy giới luật làm thầy, là phương châm, là mạng sống. Giới pháp là thọ mạng của đạo phật, giới luật còn thì Phật pháp còn, giới luật không còn được tôn trọng thì đạo Phật tiêu vong. Đức Phật đã từng dạy trong kinh Di Giáo: “Tỳ-kheo các ông! Sau khi ta nhập diệt, nên tôn trọng, cung kính đối với giới luật, như ở chỗ tối tăm được thấy ánh sáng; như người nghèo được của báu. Nên biết rằng giới luật là thầy của các ông, cũng như ta đây còn trụ thế, không hề khác biệt.”[15]. Chính Giới luật là nền tảng cho sự chứng đắc các thánh quả, trong Tam vô lậu học (giới, định, tuệ) giới đứng đầu, vì chỉ có giữ gìn giới pháp một cách nghiêm cẩn, trong sạch, không trái phạm thì từ đó mới sinh định và trí tuệ. Trước khi đức Phật nhập Niết bàn, đức Phật cũng đã dạy A Nan “Hãy lấy giới luật làm thầy”[16]. Chính vì vậy, giới luật có một vị trí độc tôn trong sự thịnh suy của đạo Phật.

Đối với người tu, khi bước vào cửa đạo việc đầu tiên là thọ 5 giới (không sát sinh; không trộm cướp; không tà dâm; không nói dối; không uống rượu) như người Phật tử để làm nền tảng cho những bước tiến về sau, nhưng khác ở giới thứ ba là không dâm dục thay vì không tà dâm, tức là hoàn toàn không dâm dục thay vì người Phật tử chỉ là không được ngoại tình hay những mối quan hệ bất chính, không chính thức, còn vợ chồng vẫn được sống với nhau. Sau đó là 10 giới Sa di, rồi Cụ túc giới chính thức trở thành một thành viên trong Tăng đoàn, trở thành bậc thầy hướng đạo cho chúng sinh. Tuy nhiên, khi lãnh thọ các giới pháp đó mà lại không giữ gìn, phá hủy thì chẳng những bản thân bị sa đọa trên đường tu, còn làm mất tín tâm của đàn na thí chủ.

Dù biết rằng, đạo Phật không cổ xúy cho niềm tin: “Tin Ta mà không hiểu Ta là phỉ báng Ta”[17], đạo Phật chủ trương đến để mà thấy “Này Bà La Môn, pháp là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu”[18], nghĩa là đạo Phật chủ trương niềm tin phải đặt trên lý trí, giáo pháp của Ngài không ru ngủ chúng sinh, mà thay vào đó là thức tỉnh thế gian đang đắm chìm trong giấc mộng. Tất cả giáo pháp của Như Lai chính là chỉ ra cái khổ, tìm ra nguyên nhân dẫn đến các khổ, cho thấy một trạng thái hạnh phúc khi đã thực hành các phương pháp đoạn trừ các khổ (Tứ Diệu Đế). Sự hạnh phúc trong giáo pháp của Ngài chính là thực hành chứ không phải chỉ là niềm tin.

Tuy nhiên, niềm tin lại là cửa ngõ để vào đạo, có rất nhiều người Phật tử bước đến cửa chùa là vì lòng yêu mến, sự kính trọng một dáng dấp uy nghi, hay một cử chỉ mô phạm của một vị thầy, có nhiều người đến với đạo chỉ vì sự bao dung, tận tình, từ bi hòa nhã, ngôn ngữ nhẹ nhàng của một vị sư… tất cả những nguyên nhân đó bắt đầu từ những vị thầy đạo hạnh trang nghiêm, mà đạo hạnh nghiêm trang lại bắt đầu từ việc giữ gìn giới pháp nghiêm cẩn, trong sạch.

Từ đó, chúng ta thấy được rằng, việc trì giới rất quan trọng đối với chư Tăng, một mặt làm thăng tiến trên đường tu, mặt khác là tấm gương cho tín đồ hướng đạo. Chính vì điều đó, câu đối có một giá trị rất lớn trong việc nhắc nhở người xuất xa mỗi khi nhìn thấy.

Một điều đặc biệt hơn, câu đối được treo hai bên bàn Hộ pháp, Hộ pháp được hiểu đơn giản nhất chính là vị giữ gìn chính pháp, coi ngó chùa chiền để tránh bị quấy phá cả về mặt tâm linh lẫn hiện tại. Câu đối được treo hai bên bàn Hộ pháp, chúng ta không thể xác định được là ý của tác giả câu đối hay là vị Trụ trì bấy giờ nhưng thật ý vị làm sao! Phải chăng người đặt câu đối vào vị trí này đã có chủ ý muốn nói lên ý nghĩa thâm sâu của câu đối chính là Hộ pháp, như ý nghĩa mà câu đối mà trên đây đã phân tích rằng giới luật chính là vị Hộ pháp tốt nhất cho người tu, cho ngôi chùa và cho tín đồ phật tử.

Về phương diện hoằng hóa độ sinh, khi các tín đồ Phật tử đến chùa, các vị thầy phải có trách nhiệm hướng dẫn phật tử thực hành theo lời Phật dạy. Việc đầu tiên là hướng dẫn phật tử Quy y, truyền tam Quy ngũ Giới cho phật tử. Đối với người xuất gia thì ngũ giới là thềm thang đầu tiên trên con đường tu tập, còn riêng phật tử ngũ giới là những nguyên tắc đạo đức để mang lại hạnh phúc cho tự thân và gia đình: Khi không sát sinh nhiều tâm lành ngày càng nở rộ trong tâm khiến cho con người trở nên hiền thiện, từ ái, nhẹ nhàng ai cũng mến; khi không trộm cướp nhân phẩm đạo đức ngày càng cao, uy tín và đáng tin cậy khiến cho mọi người xung quanh, đối tác làm ăn thêm tin tưởng; không tà dâm khiến cho vợ chồng hạnh phúc, mọi người xung quanh kính trọng, nhân phẩm thanh cao; không nói dối khiến cho lời nói đáng tin cậy, lời nói khi nói ra được mọi người kính trọng và tin tưởng; không uống rượu say xưa bản thân không những không bị bệnh, khỏe mạnh mà còn khiến cho gia đình êm ấm, tránh gây bất hòa, những người xa gần cũng tôn trọng.

Bản chất sâu xa của hạnh phúc xuất phát từ nội tâm con người, đôi khi biết đủ, biết tha thứ, biết nhìn sâu… thì hạnh phúc xuất hiện. Nhiều lúc chúng ta cứ bị sai lầm bởi quan điểm hạnh phúc là sự thỏa mãn vật chất nên khi không có đủ đầy vật chất thì cảm thấy khổ, kỳ thật có mấy ai giàu có mà thực sự hạnh phúc đâu? Và những người hạnh phúc thật sự lại không bao giờ có sở hữu tài sản. Vật chất chỉ là một phương tiện để con người thoải mái hơn mà thôi, vì bản chất của sự ham muốn là không có điểm dừng lại, nếu không biết hạnh phúc chân thật là gì thì cả đời chúng ta sẽ khổ. Và hạnh phúc chân thật đó các thầy phải có trách nhiệm nói cho phật tử nhận ra và cảm nhận.

Từ các nội dung và ý nghĩa trên cho chúng ta thấy được giá trị nội dung sâu sắc của câu đối như thế nào và có một vị trí ý nghĩa trong phương diện triết lý tu tập trong một ngôi chùa. Từ đó toát lên được, nhân thêm giá trị cho câu đối mà không phải nó chỉ đặc biệt ở hình thức. Nếu chúng ta hình dung lại phong cảnh hàng ngàn người về bái lạy “Nhộn nhàng chầu, nhộn nhàng bái, nhộn nhàng chầu bái” phong cảnh nhộn nhịp vui tươi, với những tâm thành, sự hoan hỷ trên môi của những người cầu cúng, sự cung kính thâm tâm của những phật tử; lại “lặng lẽ trai, lặng lẽ giới, lặng lẽ trai giới” mọi người cả tăng lẫn tục ai ai cũng kính cẩn tu tập, giữ gìn giáo pháp của Phật, cung kính những lời Phật dạy, thân và tâm trong sạch, thánh thiện… thật là một phong quang tuyệt diệu vô cùng.

3. Giá trị nghệ thuật câu đối

Một trong những điểm đặc sắc nhất của câu đối chính là cách dùng từ độc đáo “朝 朝 朝 朝 朝 拜朝 朝 朝 拜. 齊 齊 齋 齊 齊 戒 齊 齊 齋 戒” một câu đối lặp lại 8 chữ triêu, 8 chữ tề, 2 chữ bái và 2 chữ giới, sự thật nếu như những người không hay về chữ nghĩa chắc chắn sẽ không thể đọc và hiểu nổi ý nghĩa câu đối này. Bởi lẽ, bản thân chữ “朝” có hai âm đọc là ‘triêu’ và ‘triều’ nếu như người không thông nghĩa các nghĩa của từ này mà căn cứ vào chữ mà phiên âm thì chắc chắn hiểu sai về nghĩa. Chữ “齊” cũng vậy có 4 âm đọc là ‘tề, tư, trai, tễ’ mỗi chữ có nghĩa khác nhau, đó là chưa nói đến các từ loại khác nhau thì nghĩa cũng khác nhau, nên ông Cao Tự Thanh đã phê bình ông Nguyễn Quảng Tuân: “Ông Nguyễn Quảng Tuân chỉ phiên âm (không ngắt câu và không dịch nghĩa) ra là "Triêu triêu triêu triêu triêu bái triêu triêu triêu bái; Trai trai trai trai trai giới trai trai trai giới". (Phiên chữ tề ra chữ trai)! Theo tôi, ông Nguyễn Quảng Tuân đọc như vậy là sai”[19].

Xét về chữ nghĩa, có rất nhiều kiểu dịch khác nhau, có lẽ cũng do cách sắp xếp từ, từ đó có cách hiểu khác nhau. Dựa trên cách phiên âm của Cao Tự Thanh: “Triêu triêu triều, triêu triêu bái, triêu triêu triều bái. Tề tề trai, tề tề giới, tề tề trai giới” có các cách dịch như sau: Cao Tự Thanh dịch “Nhộn nhàng chầu, nhộn nhàng bái, nhộn nhàng chầu bái. Lặng lẽ trai, lặng lẽ giới, lặng lẽ trai giới”. Học giả An Chi dịch là: “Sáng sáng chầu, sáng sáng lạy, sáng sáng chầu lạy. Đều đều chay, đều đều tịnh, đều đều chay tịnh”[20]. Ở phần dịch của học giả An Chi có vẻ sát hơn, nhưng có một điều ông đã dịch chữ “trai” thành “chay” theo tôi nghĩ điều này không đúng lắm, như trên đã phân tích, chữ “chay” chỉ là cách đọc trại và ý nghĩa hoàn toàn không như chữ “trai” được.

Sự ấn tượng khi dùng từ đó có một tác dụng nhất định khi kích thích và gây sự thích thú cho người quan sát, từ đó làm cho người ta phải tìm hiểu, suy tư và nghiên cứu. Bên cạnh đó, cách chơi chữ như vậy tạo ra tính tượng hình rất cao, hàng loạt chữ “triêu, tề” khiến cho người quan sát có cảm tưởng như một đội quân thẳng hàng hùng hồn, mạnh mẽ mà ở đây là tín đồ Phật tử đông đúc, sung túc, vui tươi, nhộn nhịp. Cái hay cũng ở dùng từ mà cái khó cũng là cách dùng từ đồng tự dị âm, dị nghĩa và cũng chính điều này tạo nên sự độc đáo của câu đối trên.

Theo nghiên cứu của học giả An Chi thì câu đối trên có lẽ là được lấy ý tưởng từ bên Trung Quốc và đã có những nơi có câu đối tương tự như vậy:

Chùa Thanh Vân (nay đã hoang tàn) ở thị trấn Xuân Loan, miền thượng du sông Mạc Dương bên Tàu có đôi câu đối: 朝朝朝朝朝拜朝朝朝拜酬帝泽; 齊齊齊齊齊戒齊齊齊戒答神恩. Triêu triêu triều, triêu triêu bái, triêu triêu triều bái thù đế trạch; Tề tề trai, tề tề giới, tề tề trai giới đáp thần ân. (Nghĩa là:Sáng sáng chầu, sáng sáng lạy, sáng sáng chầu lạy trả ơn vua; Đều đều chay, đều đều tịnh, đều đều chay tịnh đáp X thần).

Đền Thiên Hậu Thánh Mẫu ở Mi Châu, tỉnh Phúc Kiến, có hai câu: 朝朝朝朝朝朝朝朝朝朝音; 齊齊齊齊齊齊齊齊齊齊戒. Triêu triều, triêu triều, triêu triêu triều, triêu triêu triều âm; Tề trai, tề trai, tề tề trai, tề tề trai giới. (Nghĩa là: Thủy triều buổi sáng, thủy triều buổi sáng, thủy triều các buổi sáng, tiếng thủy triều các buổi sáng; Đều chay, đều chay, đều đều chay, đều đều chay tịnh).

Đền thờ Lục Tổ (Huệ Năng) khắc vào đời Càn Long: 朝朝朝朝朝敬朝朝朝敬;齊齊齋齊齊戒齊齊齋戒.Triêu triêu triều, triêu triêu kính, triêu triêu triều kính; Tề tề trai, tề tề giới, tề tề trai giới. (Nghĩa là: Sáng sáng chầu, sáng sáng kính, sáng sáng chầu kính; Đều đều chay, đều đều tịnh, đều đều chay tịnh).

Chùa Thanh Vân: 齊齊齋齊齊戒齊齋齊戒佛恩廣大; 朝朝朝朝朝拜朝朝朝拜功德無量. Tề tề trai, tề tề giới, tề trai tề giới, Phật ân quảng đại; Triêu triêu triều, triêu triêu bái, triêu triều triêu bái, công đức vô lượng. (Dịch: Đều đều chay, đều đều tịnh, đều chay đều tịnh, ơn Phật rộng lớn; Sáng sáng chầu, sáng sáng lạy, sáng chầu sáng lạy, công đức không lường)[21]. Từ đây chúng ta có thể thấy rằng câu đối tại chùa Giác Lâm có thể đã được tác giả tiếp thu từ cách chơi chữ trên và đã thay vài chữ cuối để tạo nên một câu đối ấn tượng độc nhất tại chùa Giác Lâm.

Tuy nhiên, từ đây chúng ta cũng có thể thấy rằng sự giao lưu tiếp biến văn hóa giữa Việt Nam và Trung hoa, hay nói khác hơn là Phật giáo Việt Nam và Trung Quốc trong bối cảnh lúc bấy giờ. Đồng thời nói lên các vị Tổ thầy chúng ta cũng là những nhà nghiên cứu uyên bác, tìm tòi và học hỏi những tinh hoa của nước bạn để có thể tạo nên những bản sắc rất riêng của Việt nam, và câu đối tại chùa Giác Lâm là một minh chứng cho lịch sử.

KẾT LUẬN

Tìm hiểu các giá trị văn hóa lịch sử là trách nhiệm của hàng hậu học. Việc nghiên cứu chính là tôn vinh những giá trị mà cha ông ta để lại, việc nghiên cứu còn là cơ hội để học tập và làm theo nhưng tinh hoa mà các vị tiền hiền đã chắt chiu những tinh túy hay nhất để lại cho chúng ta.

Câu đối tại chùa Giác Lâm chắc chắn sẽ còn nhiều nghiên cứu hơn nữa, bởi lẽ hiện tại, cũng như về sau này nó vẫn luôn hiện diện đó, vẫn còn nguyên những kích thích cho những ai được một lần chiêm ngưỡng thì sự phấn khích khi nghiên cứu về nó vẫn còn nguyên vẹn. Sẽ còn nhiều những nhà yêu văn thơ, yêu chữ nghĩa thì chắc chắn một câu đối độc đáo như vậy vẫn sẽ là đề tài nóng hổi để tìm hiểu và phát minh những điều hay.

Câu đối đã để lại một bài học hay, một triết lý sâu sắc vô cùng cho người học Phật xuất gia và cả người phật tử. Nếu chúng ta ghi nhớ câu đối trong lòng như một lời khuyên, nhắc nhở và y theo đó thực hành thì chắc hẳn sẽ đạt được những thành quả tốt đẹp, đồng thời không cô phụ tấm lòng của tác giả và các thế hệ truyền thừa chùa Giác Lâm đã giữ gìn cho đến tận ngày nay.

Thích Tâm Ý - Học viên Cao học Khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM

------------------- CHÚ THÍCH: [1] Trịnh Hoài Đức (1972), Gia Định thành thông chí, phủ quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, Sài Gòn, tr.102. [2] Trịnh Hoài Đức (1972), Gia Định thành thông chí, Sđd, tr.102. [3] Trịnh Hoài Đức (1972), Gia Định thành thông chí, phủ quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, Sài Gòn, tr.102. [4] Trịnh Hoài Đức (1972), Gia Định thành thông chí, tr.102. [5] Nguyễn Bá Lăng (1972), Kiến trúc Phật giáo Việt Nam, tập 1, Nxb.Viện Đại học Vạn Hạnh, tr.42. [6] PGS.TS.Trần Hồng Liên (2019), Chùa Giác Lâm di tích lịch sử-văn hóa, Nxb. Khoa học xã hội, tr.11. [7] PGS.TS.Trần Hồng Liên (2019), Chùa Giác Lâm di tích lịch sử-văn hóa, Sđd, tr.13. [8] PGS.TS.Trần Hồng Liên (2019), Chùa Giác Lâm di tích lịch sử-văn hóa, Sđd, tr.17. [9] PGS.TS.Trần Hồng Liên (2019), Chùa Giác Lâm di tích lịch sử-văn hóa, Sđd, tr.211. [10] http://www.daitangkinhvietnam.org/node/1722. Truy cập: 10/4/2021. [11] https://thuvienhoasen.org/a22657/tieng-gam-su-tu-cua-ton-gia-xa-loi-phat-kinh-tang-chi-bo. Truy cập: 10/4/2021. [12] Thích Minh Châu dịch (2012), Trung Bộ 1, Đại Kinh Giáo Giới La-Hầu-La, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, tr.518. [13] Thích Thiện Hoa dịch (2005), Tỳ kheo giới kinh, Nxb.Tôn giáo, Hà Nội, tr.67. [14] https://phatgiao.org.vn/cu-tran-lac-dao-d12481.html. Truy cập: 10/4/2021. [15] https://thuvienhoasen.org/a16998/kinh-di-giao. Truy cập: 11/4/2021. [16] Thích Minh Châu (2005), Đức Phật của chúng ta, Nxb.Tôn giáo, Hà Nội, tr.316. [17]Thích Phước Sơn (2010), Một số vấn đề giới luật, Nxb.Phương Đông, tr.56. [18] Thích Minh Châu (2015), Tăng Chi Bộ I, Phẩm Các Bà La Môn, Nxb.Tôn giáo, Hà Nội, tr.189. [19] http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/nghien-cuu/van-hoa-lich-su-triet-hoc/1561-v-mt-oi-cau-i-c-ao-chua-giac-lam.html. Truy cập:11/4/2021. [20] https://petrotimes.vn/ve-mot-doi-cau-doi-chua-giac-lam-160401.html. Truy cập: 11/4/2021. [21] https://petrotimes.vn/ve-mot-doi-cau-doi-chua-giac-lam-160401.html .Truy cập:11/4/2021.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. TS.Trần Hồng Liên (2019), Chùa Giác Lâm di tích lịch sử-văn hóa, Nxb. Khoa học xã hội. 2. Trịnh Hoài Đức (1972), Gia Định thành thông chí, phủ quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, Sài Gòn. 3. Nguyễn Bá Lăng (1972), Kiến trúc Phật giáo Việt Nam, tập 1, Nxb.Viện Đại học Vạn Hạnh. 4. Thích Minh Châu dịch (2012), Trung Bộ 1, Đại Kinh Giáo Giới La-Hầu-La, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội. 5. Thích Thiện Hoa dịch (2005), Tỳ kheo giới kinh, Nxb.Tôn giáo, Hà Nội. 6. Thích Minh Châu (2005), Đức Phật của chúng ta, Nxb.Tôn giáo, Hà Nội. 7. Thích Phước Sơn (2010), Một số vấn đề giới luật, Nxb.Phương Đông. 8. Thích Minh Châu (2015), Tăng Chi Bộ I, Phẩm Các Bà La Môn, Nxb.Tôn giáo, Hà Nội. 9. https://thuvienhoasen.org/a16998/kinh-di-giao. Truy cập:11/4/2021. 10. http://www.daitangkinhvietnam.org/node/1722. Truy cập:10/4/2021. 11. https://thuvienhoasen.org/a22657/tieng-gam-su-tu-cua-ton-gia-xa-loi-phat-kinh-tang-chi-bo. Truy cập:10/4/2021. 12. http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/nghien-cuu/van-hoa-lich-su-triet-hoc/1561-v-mt-oi-cau-i-c-ao-chua-giac-lam.html. Truy cập:11/4/2021. 13. https://petrotimes.vn/ve-mot-doi-cau-doi-chua-giac-lam-160401.html. Truy cập: 11/4/2021. 14. https://petrotimes.vn/ve-mot-doi-cau-doi-chua-giac-lam-160401.html .Truy cập:11/4/2021. 15. https://phatgiao.org.vn/cu-tran-lac-dao-d12481.html. Truy cập:10/4/2021.