Tóm tắt:
Huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc là vùng đất cổ chứa đựng nhiều giá trị tôn giáo, tín ngưỡng đặc sắc; nơi đây không chỉ tồn tại mà còn lưu giữ được những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Việt. Từ cách tiếp cận tôn giáo học, trên cơ sở khảo sát những ngôi chùa Phật giáo tại huyện Vĩnh Tường[1], bài viết của tác giả đi giải quyết vấn đề nhỏ về Một vài đặc điểm về các ngôi chùa ở huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) hiện nay trên các khía cạnh: Cách thức quản lý - tổ chức, một số hạng mục tại các ngôi chùa, hệ thống thờ tự, thực hành Phật giáo và các văn bia tại các ngôi chùa ở huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc).
Thông qua phương pháp và cách thức cách tiếp cận tôn giáo học và trên cơ sở vận dụng phương pháp khảo sát, nghiên cứu tài liệu, phỏng vấn sâu, tác giả góp phần nhỏ làm rõ một số đặc điểm các ngôi chùa Phật giáo tại huyện Vĩnh Tường hiện nay và từ đó thấy được sự đa dạng, tính đan xen của các ngôi chùa nơi đây.
Từ khóa: Phật giáo, chùa huyện Vĩnh Tường, Phật giáo huyện Vĩnh Tường,…
1. Về cách thức tổ chức, quản lý
Thông qua việc khảo sát tại các ngôi chùa Phật giáo huyện Vĩnh Tường – tỉnh Vĩnh Phúc tác giả thấy có 2 hình thức tổ chức tại chùa như sau: 1. Chùa có các vị tu sĩ làm trụ trì phụ trách; 2. Chùa chưa có tu sĩ trụ trì mà do một hội/nhóm những người cao tuổi được gọi là các vãi quản lý và tổ chức.
Đối với các ngôi chùa có sự phụ trách của một vị tu sĩ, công việc tổ chức và quản lý các hoạt động tại ngôi chùa sẽ do vị tu sĩ và cộng đồng phật tử phụ trách trên cơ sở đảm bảo các quy định, phân công của chính quyền địa phương và Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung. Về cơ bản các ngôi chùa có sự phụ trách của một vị tu sĩ thì các hoạt động tôn giáo trong các ngày sóc vọng, các ngày lễ của Phật giáo cũng như các hoạt động khác, tại đây có thể kể một số ngôi chùa như: chùa Hoa Dương (xã Tuân Chính), chùa Tùng Vân (xã Thổ Tang), chùa Bảo Quang (xã Thượng Trưng), chùa Mật Ngữ (xã Bình Dương), chùa Thiên Phúc (xã Đại Đồng)… Một số vị tu sĩ có thể phụ trách 2, 3 ngôi chùa trong cùng một huyện như trụ trì chùa Hoa Dương (xã Tuân Chính) cũng là trụ trì chùa Thiên Phúc (xã Đại Đồng), không ít vị tu sĩ trụ trì là những người trong Nam hoặc tu tập trong Nam được cử làm trụ trì chùa ngoài Bắc. Hỗ trợ các công việc tại chùa cho các vị tu sĩ có thể có các sư bác và một số phật tử trong địa phương. Đa số các ngôi chùa có một vị tu sĩ làm trụ trì đều là những ngôi chùa có bề dày lịch sử, được xây dựng khang trang nhưng vẫn giữ được những nét cổ kính, trầm mặc.
Đối với các ngôi chùa chưa có tu sĩ trụ trì - được hiểu đơn thuần là các ngôi chùa do làng/thôn tự tổ chức và quản lý. Tại các ngôi chùa này, sau quá trình họp bàn của nhân dân trong làng/thôn thì một hội/nhóm sẽ được cử ra nhằm trông nom, coi sóc và nhang khói cho ngôi chùa; theo quan sát thường đối tượng tham gia trong hội/nhóm sẽ là những cá nhân đã lớn tuổi (từ 50 tuổi trở lên), giới tính nữ, có đạo đức, phẩm chất tốt và lối sống chan hòa, một điều quan trọng khác là có khả năng giao tiếp tốt và biết cách thực hành các nghi lễ nói chung, các vị này thường được gọi một danh xưng bình dân là các vãi[2]. Các vãi hầu như không được đào tạo bài bản nhằm thực hiện các nghi lễ thờ cúng, chủ yếu thông qua sự quan sát và chiêm nghiệm của bản thân, dựa trên những văn khấn có sẵn để thực hiện các nghi lễ thờ cúng khác nhau. Nhiều người trong số họ chưa thực là tín đồ Phật giáo nếu xét trên tiêu chí quy y Tam Bảo, họ chỉ là những người có cảm tình với Phật giáo và trong cuộc sống cũng không kiêng kỵ hay giữ giới, họ làm với một tâm niệm là công việc của làng xã và tạo phúc cho con cháu và mọi người. Hầu hết các ngôi chùa làng/thôn chủ yếu mở cửa vào những ngày sóc vọng (mùng 1, ngày 15 Âm lịch hàng tháng), những ngày lễ Tết hay trong làng/thôn có gia đình vì sự việc hệ trọng nào đó mà muốn dâng lễ như: gia đình có người đi xa, gửi con, thi cử… Trên thực tế, một số ngôi chùa hiện nay chưa có tu sĩ trụ trì trong quá khứ đã từng là những ngôi chùa lớn có tu sĩ trụ trì và có những sinh hoạt Phật giáo, tuy nhiên do chiến tranh, thiên tai hay một vài lý do khác mà bị tiêu thổ, tàn phá nên không còn giữ được nguyên trạng; các ngôi chùa làng có thể kể đến như: chùa thôn Thọ Trưng, chùa Đại Bi (xã Thượng Trưng), chùa Quang Phúc (TT.Vĩnh Tường),…
Một vấn đề phát sinh trong quá trình vận hành cơ sở thờ tự tôn giáo là mối quan hệ giữa hệ thống tổ chức quản lý (cũ) mang tính làng xã của các ngôi chùa trước khi có một vị tu sĩ trụ trì với hệ thống tổ chức, quản lý của các ngôi chùa sau khi có một vị tu sĩ trụ trì (dưới sự phân công của GHPGVN và chính quyền địa phương). Một trường hợp có thể lấy ví dụ tại đây đó là chùa Già Du[3] (xã Vĩnh Sơn), ngôi chùa này vốn trước đây là một ngôi chùa do nhân dân trong xã quản lý, trong quá khứ đã có một khoảng thời gian bị tàn phá do chiến tranh nên phải hợp tự vào đình, khi có đủ điều kiện ngôi chùa được xây dựng lại và hiện nay được đầu tư xây mới, mở rộng với quy mô tương đối lớn. Bên cạnh các vướng mắc về đất đai trong quá trình mở rộng ngôi chùa thì tại ngôi chùa còn xảy ra một số sự việc mâu thuẫn giữa một số cá nhân trong hội/nhóm người cao tuổi làm công việc giữ, nhang khói chùa trước đây với vị tu sĩ trụ trì được cử về. Mâu thuẫn xuất phát từ sự khác nhau trong cách thức tổ chức quản lý, thực hành nghi lễ.
2. Về một số hạng mục của các ngôi chùa
Trong khuôn viên của một ngôi chùa gồm có nhiều hạng mục khác nhau. Tùy vào những điều kiện mà các hạng mục trong một ngôi chùa sẽ có quy mô, sự sắp xếp tạo nên các kiến trúc khác nhau nhưng thông thường một ngôi chùa gồm có các hạng mục như: Cổng tam quan, lầu chuông, chính điện, nhà Mẫu, nhà Tổ, hành lang, khu nhà ở và một số công trình phụ khác. Tại các ngôi chùa Phật giáo huyện Vĩnh Tường, hạng mục chính điện và nhà Mẫu là hai hạng mục gần như có ở tất cả các ngôi chùa vì đây là hai hạng mục quan trọng.
Cổng tam quan của chùa thường được xây dựng với ba cổng một cổng giữa và hai cổng hai bên, nhiều chùa tích hợp cả gác chuông trên cổng tam quan như chùa Yên Cát (TT.Vĩnh Tường), chùa Nguyên Hòa[4] (xã Việt Xuân),… cổng Tam quan không có một kiến trúc cố định mà hình thức, cách trang trí, hướng cổng tùy mỗi ngôi chùa. Tuy nhiên qua khảo sát có những ngôi chùa cổng tam quan chỉ có một cổng như: chùa Tối Linh (xã An Tường), chùa Thọ Trưng (xã Thượng Trưng)… hoặc không có cổng như chùa Phúc Lập (xã Tam Phúc), chùa Quang Thiên (xã Tân Phú). Tại một số ngôi chùa không có nhà Mẫu (chủ yếu ngôi chùa làng/thôn nhỏ) do chưa có điều kiện xây dựng, hoặc không có hoặc người dân địa phương sẽ tích hợp vào chính điện với một ban thờ riêng như chùa Đại Bi (xã Thượng Trưng); cũng có trường hợp vị tu sĩ trụ trì tại chùa được học tập trong miền Nam khi về trụ trì một ngôi chùa Bắc mang theo những tư tưởng cách thức tổ chức của các ngôi chùa miền Nam nên không có nhà Mẫu trong khuôn viên chùa như chùa Diên Linh (xã Cao Đại), hay cũng có trường hợp nhà Mẫu không thuộc sự quản lý của chùa mà do nhân dân thôn quản lý cho dù trên cùng một khu đất như tại chùa Phúc Lập (xã Tam Phúc).
Nhà Tổ, đối với các ngôi chùa có bề dày lịch sử đều có một nhà riêng để thờ còn các ngôi chùa làng/thôn nhỏ thì hầu như không có nhà Tổ hoặc nếu có được tích hợp trong chính điện là một ban riêng như chùa Diên Linh (xã Cao Đại),… Thường đối với các ngôi chùa làng/thôn do quy mô không lớn và sự sinh hoạt không thường xuyên nên các hạng mục như hành lang, lầu chuông, khu nhà ở hầu như không có, chủ yếu là có chính điện, nhà Mẫu và công trình phụ. Các ngôi chùa lớn mang tính đại diện có sự phụ trách của một vị tu sĩ thì hầu hết đầy đủ các hạng mục. Cách bài trí các hạng mục sẽ tùy từng ngôi chùa tạo nên kiểu kiến trúc khác nhau của mỗi ngôi chùa; các ngôi chùa có lịch sử lâu đời và hệ thống các hạng mục vẫn còn được gìn giữ thường có các kiểu kiến trúc như: chùa Bảo Quang (xã Thượng Trưng) có kiến trúc “nội đinh ngoại quốc”, chùa Thiên Phúc (xã Đại Đồng) theo kiểu “nội công ngoại quốc”… Tuy nhiên, đó là với những ngôi chùa lớn còn các ngôi chùa làng nhỏ thì kiểu kiến trúc không rõ ràng.
Về vị trí của các ngôi chùa, các ngôi chùa xưa khi xây dựng thường rất chú trọng đến sự hài hòa về vị trí xây chùa như địa thế cao, có nước chảy, không gian trầm mặc… nhiều ngôi chùa tại huyện Vĩnh Tường hiện nay nếu quan sát tổng thể thì địa thế hài hòa như chùa Bảo Quang (xã Thượng Trưng), chùa Hoa Dương (xã Tuân Chính),… Bên cạnh đó, nhiều ngôi chùa nằm gần đình làng hoặc cách đình làng không xa, chùa và đình kết nối với nhau tạo nên một hệ thống tâm linh; một số ngôi chùa trước kia bị tàn phá nên các tượng Phật được đem ra đình thờ và ngược lại, từ đó có thể thấy mối quan hệ mang tính đa diện giữa chùa và đình làng.
Trong thời kỳ binh lửa do chiến tranh và một số nguyên nhân khác mà nhiều ngôi chùa bị tàn phá, một số ngôi chùa chỉ còn dấu tích, một số hiện vật như chùa làng/thôn Thọ Trưng (xã Thượng Trưng) theo lời của một số vị cao niên trong làng: trước đây làng có một ngôi chùa lớn, trong ngôi chính điện gồm nhiều tượng Phật bằng gỗ mít và đất, có bia đá, có tháp mộ và có sư trụ trì tuy nhiên do chiến tranh ngôi chùa bị tàn phá hiện chỉ còn một quả chuông cổ, người dân trong làng không nhớ ngôi chùa mang tên gì; theo ghi chép trên chuông, quả chuông đúc vào năm Minh Mạng thứ 11 (1830) với tên chùa được khắc trên chuông là Vạn Linh Thiên, nền chùa cũ hiện nay trở thành nơi canh tác lúa, dân làng lập một ngôi chùa nhỏ để thờ tự cách đó không xa. Hiện nay, tại huyện Vĩnh Tường với sự quan tâm, đóng góp của nhân dân và chính quyền địa phương mà nhiều ngôi chùa được tôn tạo và xây dựng lại như: Yên Cát (TT.Vĩnh Tường), chùa Già Du (xã Vĩnh Sơn), chùa Nguyên Hòa (xã Việt Xuân),…
3. Về hệ thống thờ tự (đối tượng thiêng) trong các ngôi chùa Phật giáo ở huyện Vĩnh Tường
Trong phần nội dung này tác giả chủ yếu đi vào hệ thống tượng thờ trong ngôi chính điện của các ngôi chùa. Hầu hết các ngôi chùa đều là hệ phái Bắc truyền nên đối tượng thờ tự rất đa dạng với nhiều loại tượng khác nhau, rất khó để đưa ra một hệ thống tượng thờ chung được coi là quy chuẩn cho các ngôi chùa vì mỗi ngôi chùa có cách bài trí tượng thờ khác nhau; tuy nhiên tác giả có thể khái lược như sau:
Bên trong chính điện phía bên trái của các ngôi chùa thường sẽ là ban thờ đức Ông với tư thế ngồi uy nghi, râu dài, đội mũ cánh chuồn tay đặt đùi cầm pháp khí. Tuy nhiên cũng có một số ngôi chùa ban thờ đức Ông nằm phía bên phải như chùa Tối Linh (xã An Tường), chùa Quang Phúc (TT.Vĩnh Tường). Trên ban thờ đức Ông một số chùa sẽ có thêm tượng thờ khác như tượng Võ thần và Văn thần. Phía bên phải đức Ông thường là ngài Hộ Pháp Khuyến Thiện với hai tư thế đứng hoặc ngồi trên sư tử (tùy chùa) với dáng vẻ uy nghi, khuôn mặt màu hồng phấn thể hiện sự bao dung. Phía trái đức Ông có thể là ban thờ ngài Địa Tạng vương, ngài Quan Âm Tống Tử hoặc để các pháp khí (chuông, trống),…
Ban Tam Bảo gồm nhiều tượng với các hàng tượng khác nhau (có từ 5-7 hàng tượng tùy chùa) tuy nhiên hàng đầu tiên của các ngôi chùa đều là Tam thế Phật (quá khứ, hiện tại, vị lai) thường 3 vị Phật sẽ được đặt thẳng hàng nhau. Đến hàng thứ hai là bộ Di Đà Tam Tôn với ba vị: A Di Đà (giữa) ngài Quan Âm và ngài Đại Thế Chí; thường tượng ngài A Di Đà được tạc to hơn các tượng khác trong ban Tam Bảo điều đó một phần cũng nói nên yếu tố Tịnh độ có sự ảnh hưởng lớn tại đây. Các hàng tiếp theo có sự khác nhau giữa các ngôi chùa. Hàng thứ ba tùy mỗi chùa sẽ có những bộ như: bộ Hoa Nghiêm Tam Thánh với ngài A Di Đà (giữa), ngài Văn Thù và Phổ Hiền ở hai bên; Quan Âm Chuẩn Đề hay bộ Ngọc Hoàng Thượng đế, Nam Tào và Bắc Đẩu,…; ví dụ như chùa Phổ Cung (TT.Tứ Trưng) hàng ba gồm tượng Quan Âm (giữa) tưởng nhỏ, hai bên là tượng Nam Tào và Bắc Đẩu hay chùa Bảo Quang (xã Thượng Trưng) lại có bộ tượng ngài Thích ca ngồi tọa thiền trên tòa sen (giữa) hai bên là hai vị A Nan và Ca Diếp. Hàng thứ tư cũng rất đa dạng tại các chùa như: chùa Đại Bi (xã Thượng Trưng) hàng tư là ngài Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn; chùa Linh Ứng (xã Lý Nhân) hàng thứ tư là Ngọc Hoàng (giữa) hai bên là Nam Tào và Bắc Đẩu… Hàng thứ năm thường tại các chùa là tòa Cửu Long, Thích Ca đản sinh. Một số chùa có cả hàng thứ sáu và thứ bảy như chùa Quang Phúc (TT.Vĩnh Tường), một số chùa cũng chỉ có 3, 4 hàng tượng.
Hai ngách trong gần ban Tam Bảo thường mỗi bên có một ban nhỏ có thể là thờ các vị Quan Âm như Quan Âm Tống Tử, Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn và cũng có thể là thờ ngài Địa Tạng Vương hoặc Thổ địa,… Dọc hai hành lang ban Tam Bảo một số chùa là hệ thống tượng thờ Thập Điện Diêm Vương như chùa Bảo Quang, chùa Bảo Khám (xã Thượng Trưng),…
Bên trong chính điện phía bên phải là ban thờ ngài Thánh Hiền, bên cạnh thường là ngài Hộ Pháp Trừng Ác; đi cùng ngài Thánh Hiền thường có hai vị là Tiêu Diện đại sĩ và Vi Đà hộ pháp. Bên cạnh đó trong ngôi chính điện tại một số ngôi chùa có thêm các tượng Hậu Phật, văn bia.
Về hiện trạng của hệ thống thờ tự (đối tượng thiêng), mỗi ngôi chùa sẽ có một hiện trạng khác nhau góp phần tạo nên đặc điểm đa dạng của các ngôi chùa Phật giáo nơi đây. Trong quá trình thực tế tại một số ngôi chùa tác giả có thấy được một số hiện trạng về đối tượng thờ tự, như:
Tại chùa Linh Ứng (thôn Vân Hà, xã Lý Nhân), ngôi chùa cũ trước đây bị chiến tranh tàn phá nên để có nơi thờ tự dân làng sau đó lập lên ngôi chùa nhỏ khác cách đó không xa nhưng vì lý do tài chính hạn chế của thời bấy giờ mà các tượng Phật đều được làm nhỏ và chất liệu bằng đất. Vài năm gần đây, khi kinh tế của nhân dân trong làng phát triển chùa có điều kiện xây mới nhờ sự cúng tiến, công đức của các phật tử và nhân dân địa phương; điều đáng nhắc tới tại đây là có một hệ thống tượng thờ mới khi chùa được xây mới mà hệ thống tượng thờ cũ làm bằng đất trước đó do không biết đặt tại đâu và cũng không thể bỏ đi nên dân làng làm một hầm nhỏ để tượng Phật vào trong làm nắp xi măng đạy kín, ban ngài Quan Âm (lộ thiên) cũng xây thành một cái tháp đến những ngày sóc vọng, lễ tết đều có đặt lễ.
Tại chùa Phúc Lập (xã Tam Phúc), trong ngôi chính điện còn một số tượng thờ cũ của ngôi chùa trước đó đã bị tàn phá, các tượng được làm bằng xi măng (theo lời kể) và được tạo tác khá đơn giản, nhìn các bức tượng theo tác giả quan sát có những tượng làm bằng xi măng nhưng có những tượng có vẻ như làm từ đá và được đắp bồi lớp xi măng do tượng được sơn lại nên khó xác định, hầu hết tượng Phật cũ tại chùa Phúc Lập (Tam Phúc) đều được tạo tác có chữ Vạn trước ngực, tai to, tỷ lệ không cân đối… Hay tại chùa Bảo Quang (xã Thượng Trưng) có hệ thống tượng thờ đồ sộ do tại bản xã trước kia có 4 ngôi chùa khác nằm xung quanh nhưng do bị tiêu thổ nên một số tượng thờ, pháp khí được đưa về chùa Bảo Quang thờ cúng.
Có thể thấy bên cạnh các tượng được tạo tác tinh sảo từ các chất liệu như gỗ mít, đồng, ngọc thì tại các ngôi chùa làng/thôn nhỏ không ít những ngôi chùa vẫn còn những bức tượng làm bằng chất liệu đất hay xi măng được tạo tác rất đơn giản. Thông qua các bức tượng cũ tại chùa Linh Ứng (xã Lý Nhân), chùa Phúc Lập (Tam Phúc) có thể thấy dù điều kiện kinh tế có hạn chế nhưng nhu cầu về một chỗ dựa tâm linh của cộng đồng làng xã là không thể thiếu.
4. Về thực hành nghi lễ Phật giáo tại các ngôi chùa
Pháp môn tu tập chủ yếu tại các ngôi chùa Phật giáo huyện Vĩnh Tường hiện nay đa phần là Tịnh độ, trong quá khứ một số ngôi chùa tại đây cũng đã từng thực hành theo pháp tu Thiền mà trong một số văn bia có nhắc tới như tại chùa Vạn Linh Thiên (thôn Thọ Trưng) có vị Thiền tăng Đạo Nguyên trụ trì hay chùa Bảo Quang (xã Thượng Trưng) cũng nhắc tới pháp tu Thiền trong bản hồ sơ di tích (1991). Như vậy các hoạt động thực hành Phật giáo tại đây mang yếu tố Tịnh độ là chủ yếu.
Đối với hàng phật tử họ sẽ tham gia vào các hoạt động tu tập khác nhau tại chùa thường xuyên là vào các ngày sóc vọng bên cạnh đó là các ngày lễ lớn Phật giáo, một số phật tử sẽ hỗ trợ làm công quả cho chùa như quét dọn, nhang khói và đây cũng có thể coi là một hình thức tu tập. Về các hoạt động trong thực hành Phật giáo tại chùa, mang tính thường xuyên nhất có lẽ vào các ngày sóc vọng khi đó các ngôi chùa sẽ tổ chức các nghi lễ khác nhau như: tụng kinh, cúng dường Tam Bảo,… còn một số ngày lễ lớn của Phật giáo như: lễ Phật Đản, lễ Vu Lan, lễ Vía Phật A Di Đà,… đều được các ngôi chùa tổ chức long trọng. Kinh Phật giáo thường được tụng tại các ngôi chùa là kinh: Phổ Môn, A Di Đà, Pháp Hoa, Sám Hối… và luôn phiên tùy từng tháng. Các nghi thức khác như bán khoán cho trẻ, dâng sao giải hạn cũng diễn ra tại các ngôi chùa, một số ngôi chùa nằm trong vùng cư dân với nghề nghiệp kinh doanh, buôn bán thì các nghi lễ như dâng sao giải hạn có phần sôi động như chùa Tùng Vân (xã Thổ Tang). Tuy nhiên các hoạt động kể trên chủ yếu diễn ra tại các ngôi chùa có tu sĩ trụ trì, tại các ngôi chùa có tu sĩ trụ trì các hoạt động thực hành Phật giáo diễn ra chỉnh chu, quy củ và đầy đủ với sự tham gia của tu sĩ và cộng đồng tín đồ; tại các ngôi chùa chưa có tu sĩ trụ trì các hoạt động diễn ra trong trạng thái trầm lắng chủ yếu mở cửa vào các ngày sóc vọng và sự tham gia của tín đồ thưa thớt. Về các vị chủ lễ trong các nghi lễ thì tại các ngôi chùa có tu sĩ trụ trì người đảm nhiệm là các vị tu sĩ nhưng tại các chùa chưa có một vị tu sĩ trụ trì thì công việc này được đảm nhiệm bởi các vãi; trong hội/nhóm họ cử ra 1-2 cá nhân có khả năng cúng khấn để thực hiện các nghi lễ, hầu hết các vãi không được đào tạo một cách bài bản về cách thực hành các nghi lễ, đa phần dựa trên kinh nghiêm, chiêm nghiệm của bản thân, cũng có một số vị tới các ngôi chùa tham gia vào các khóa lễ nhằm học hỏi rồi về thực hành tại chùa làng/thôn mình.
Hoạt động đạo tràng cũng diễn ra sôi nổi trong những năm gần đây tại các ngôi chùa; đạo tràng có thể hiểu là một cộng đồng tín đồ tụ họp lại nhằm thực hiện những sinh hoạt thể hiện niềm tin Phật giáo, có một vị đứng đầu hướng dẫn cộng đồng tín đồ tu tập Phật giáo, là một cộng đồng tín đồ Phật giáo có mục đích truyền bá chính pháp, cùng nhau tu tập để hướng đến sự giác ngộ Phật pháp. Thường các đạo tràng sẽ lấy tên gắn với tên chùa nhưng cũng có một số lấy tên khác. Tại các ngôi chùa Phật giáo của huyện Vĩnh Tường, có một số hoạt động đạo tràng diễn ra sôi nổi như chùa Thiên Phúc (xã Tân Phú), chùa Hoa Dương (xã Tuân Chính), chùa Tùng Vân (xã Thổ Tang),…
Đối với thực hành Phật giáo hướng đích xã hội. Bên cạnh các hoạt động tu tập trong chùa thì một số ngôi chùa cũng hướng đến các hoạt động xã hội khác nhau như tặng quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ủng hộ đồng bào thiên tai, tổ chức ngày lễ như Quốc tế thiếu nhi 1/6, bên cạnh đó các ngôi chùa còn nhận nuôi các trẻ em cơ nhỡ như chùa Diên Linh (xã Cao Đại), chùa Bảo Quang (xã Thượng Trưng),… Trong đợt đại dịch Covid-19 một số ngôi chùa bên cạnh thực hiện nghiêm chỉ đạo của Nhà nước về phòng chống dịch còn tham gia hỗ trợ, ủng hộ những vùng bị dịch, tuy không lớn nhưng thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, từ bi của đạo Phật.
5. Về một số văn bia tại các ngôi chùa Phật giáo
Thông qua quá trình thực tế và dựa vào những tri thức trong cuốn “Nghiên cứu văn bia Vĩnh Phúc” của tác giả Nguyễn Hữu Mùi[5] tác giả có vài suy nghĩ sau. Xét trong toàn tỉnh Vĩnh Phúc, huyện Vĩnh Tường là một trong những huyện có số văn bia lớn nhất với 321/927 văn bia phân bố ở 27 xã khác nhau trong đó chủ yếu là các bia đặt tại đình, chùa, điếm,… việc sở hữu nhiều văn bia như vậy nói lên nhiều điều, mà đối với riêng Phật giáo điều đó thể hiện sự phát triển và lòng mộ đạo của nhân dân nơi đây.
Về niên đại của các văn bia tại các chùa, chủ yếu các văn bia được tạo dựng vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, một số bia được tạo khắc vào thế kỷ XVI – XVII và sớm nhất là thế kỷ XVI. Trong số các bia tại các ngôi chùa thì bia có niên đại sớm nhất là hai bia: Phượng Tường tự với niên đại Đoan Thái 2 (1587)[6] và Trùng tu Bảo Quang tự bi ký với niên đại Đoan Thái 2 (1587)[7]; bia có niên đại muộn hơn cả là bia Đào Thị Hậu bi với niên đại Bảo Đại thứ 12 (1937)[8]. Về người soạn các văn bia, có một số bia khắc tên người soạn và đa phần những người soạn bia phải là người đỗ đạt (Đại khoa, trung khoa, tiểu khoa) có vị trí trong địa phương hoặc triều đình như: Bia Cung Kính Thiên Đài do Nguyễn Bá Cửu, đỗ GS soạn hay Lũng Ngoại Xã Bi do họ Nguyễn chức Tri huyện soạn. Rõ ràng việc các trí thức bấy giờ được đào tạo trong nền nho học tham gia biên soạn các văn bia Phật giáo cũng nói lên tư tưởng hòa hợp tôn giáo và cũng phần nào thấy được cảm tình của một số nho sĩ với Phật giáo.
Nội dung các văn bia chủ yếu có nội dung, như: ghi nhận công đức tiền tu sửa hay xây chùa, tạo tượng Phật, tô tượng Phật, tạo cột hương, cung tiến ruộng đất cho chùa (nhằm canh tác nông nghiệp), tham gia đóng góp cho các công việc của làng xã như: sửa cầu, nộp thuế,… Tại đây, huyện Vĩnh Tường bia Hậu Phật có số lượng lớn nhất trong tỉnh với 114 bia Hậu Phật, thông qua số lượng và nội dung có thể thấy việc làm những công việc ích lợi được đặt bia Hậu Phật trở thành truyền thống nơi đây. Người được làm Hậu Phật có nhiều thành phần, trường hợp và hoàn cảnh khác nhau; có trường hợp do không có con trai kế dõi, người góa chồng mà muốn sau có người hương khói nên cung tiến tài sản cho chùa, làng nhờ lo việc cúng giỗ hương đèn như: Vĩnh Truyền Hậu Phật Tướng Bi Ký “Bà Lê Thị Khám, người bản xã, có hai người con gái, nghĩ mình mỗi tuổi một già, sớm tối không biết thế nào, cúng 5 dật bạc, 12 thửa ruộng, trị giá tổng cộng 100 gánh lúa cho làng chi dùng nên được bầu làm Hậu phật…”[9],…; đối tượng làm Hậu Phật đa phần là nữ giới như tác giả Nguyễn Hữu Mùi nhận định có thể là do một phần chùa (từ bi, hỷ xả) hợp tính cách người phụ nữ và trước đây người phụ nữ không có điều kiện đi học nên muốn lưu danh thì đây là sự lựa chọn tốt nhất. Bên cạnh đó trường hợp gửi giỗ cũng khá phổ biến như: Vĩnh Truyền Phụng Sự Bi Ký “Các con ông họ Hoàng như Hoàng Các, Hoàng Tâm,… bỏ ra 120 quan tiền và một mảnh ruộng giá trị 20 gánh lúa… xin gửi giỗ cha”[10],… việc gửi giỗ không chỉ thể hiện tấm lòng hiếu thảo của con cái với cha mẹ mà thể hiện sự cảm tình với Phật giáo, sự nương nhờ cửa Phật khi đã xa rời cõi dương thế.
Các văn bia cũng nhắc đến các ngôi chùa được xưng danh là các danh lam ngày xưa như: chùa Vạn Bảo (xã Kim Xá) là cổ tích danh lam, chùa Bảo Quang (xã Thượng Trưng) là danh lam đứng đầu huyện Bạch Hạc, chùa Bát Giác (xã Tứ Trưng) là cổ tích danh lam…
Về hiện trạng các văn bia hiện nay, theo sự quan sát của tác giả trong quá trình thực tế thì nhiều văn bia hiện nay không còn do nhiều nguyên nhân khác nhau chủ yếu là do bị tàn phá trong chiến tranh; một số văn bia bị bào mòn bởi dấu thời gian nên không còn rõ chữ nhưng cũng có một số vẫn được gìn giữ tốt. Việc gìn giữ, bảo tồn các văn bia tại các ngôi chùa là điều cần thiết và cần có sự phối hợp của nhà chùa và chính quyền địa phương.
Một vài nhận xét
Hình thức chùa làng/thôn chưa có tu sĩ trụ trì và chùa có tu sĩ trụ trì có một số điểm khác biệt trong cách thức tổ chức - quản lý, các hạng mục hay thực hành; tuy nhiên theo tác giả ở đây có mối quan hệ mật thiết với nhau đó là từ chùa làng/thôn đến chùa có tu sĩ trụ trì là một sự “nâng cấp” mang tính hoàn thiện và thống nhất các yếu tố trong một ngôi chùa. Sự tồn tại đan xen của các ngôi chùa làng/thôn chưa có tu sĩ trụ trì và các ngôi chùa có tu sĩ trụ trì tạo nên tính đa dạng, đồng thời đặt ra những vấn đề về công tác quản lý tôn giáo, phát triển cơ sở thờ tự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc.
Kim Thanh Sản
---------------------
CHÚ THÍCH:
[1] Tác giả đã đi khảo sát tại 21 ngôi chùa tại huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) [2] Ở đây có thể hiểu là những người phụ nữ làm công quả (quét dọn, trôm nom, nhang khói,…) cho chùa và một số cũng có thể coi họ là cư sĩ; đối với nam giới thì thường gọi là ông sãi [3] Trong “Nghiên cứu văn bia Vĩnh Phúc” của tác giả Nguyễn Hữu Mùi (2013) thì có dịch văn bia ngôi chùa là Gia Du tự, tr.384 [4] Tên khác là chùa Dầu [5] Nguyễn Hữu Mùi (2013), Nghiên cứu văn bia Vĩnh Phúc, Sở văn hóa thể thao và du lịch Vĩnh Phúc [6] Nguyễn Hữu Mùi (2013), tldd, tr.335 [7] Nguyễn Hữu Mùi (2013), tldd, tr.350 [8] Nguyễn Hữu Mùi (2013), tldd, tr.324 [9] Nguyễn Hữu Mùi (2013), tldd, tr.304 [10] Nguyễn Hữu Mùi (2013), tldd, tr.310
Tài liệu tham khảo
1. Trần Lâm Biền (1996), Chùa Việt, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội 2. Phạm Thị Chuyền (2020), “Nho sĩ thời Mạc với Phật giáo qua tư liệu bi ký”, Kỷ yếu hội thảo khoa học “Phật giáo thời nhà Mạc”, Hải Phòng, tr.131 3. Nguyễn Hữu Mùi (2013), Nghiên cứu văn bia Vĩnh Phúc, Sở văn hóa thể thao và du lịch Vĩnh Phúc 4. Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật Giáo sử luận, Nxb. Văn Học 5. Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Tường (2013), Vĩnh Tường di sản văn hóa 6. Hà Văn Tấn – Nguyễn Văn Kự - Phạm Ngọc Long (2010), Chùa Việt Nam, Nxb Thế giới 7. Chu Quang Trứ (1997), “Tìm hiểu kiến trúc chùa Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, tr.38-46 8. Viện nghiên cứu Tôn giáo (2020), Kỷ yếu hội thảo khoa học “Đời sống tôn giáo Việt Nam hiện nay – Đời sống Phật giáo”, Hà Nội 9. Hồ sơ di tích chùa Thượng Trưng (1991) 10. Bài viết “Vĩnh Tường bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa”, link: http://vinhtuong.vinhphuc.gov.vn/pages/Detail.aspx?newsid=2296 (truy cập 18/2/2021)
Bình luận (0)