Tóm tắt: Trên thế giới, đối thoại liên tôn giáo trong không gian công đã diễn ra trong những thập niên gần đây và kết quả của các cuộc đối thoại được xem như một giải pháp làm giảm đi xung đột tôn giáo, góp phần duy trì hòa bình, đoàn kết, ổn định ở nhiều nơi trên thế giới. Ở Việt Nam, sau năm 1990 đến nay, các tôn giáo cũng đã và đang đối diện với thực tế đa dạng tôn giáo, do đó nhu cầu tương tác và đối thoại liên tôn giáo bắt đầu đặt ra và việc đảm bảo đối thoại liên tôn giáo diễn ra hiệu quả và hài hòa cần những yếu tố khoan dung, bác ái, thấu hiểu, tinh thần dấn thân và sự sẵn lòng hợp tác giữa các bên. Hiện nay, đối thoại liên tôn giáo trong không gian công còn là sự mới mẻ ở Việt Nam, do đó bài viết mới chỉ trình bày một cách sơ lược, rất cần sự quan tâm, vào cuộc của các ban ngành, các nhà nghiên cứu về vấn đề này mới mong có kết quả tốt.

Từ khóa: Không gian công; Đối thoại liên tôn giáo; Không gian đối thoại; Việt Nam.

1. Mở đầu

Trong mấy thập niên gần đây, trên thế giới đã có những cuộc đối thoại tôn giáo diễn ra đa dạng và mạnh mẽ giữa các tôn giáo với nhau trong không gian công. Sự gặp gỡ, đối thoại giữa các tôn giáo cũng đã đạt được những kết quả nhất định thể hiện qua các cam kết gác bỏ sự khác biệt để tạo ra sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau giữa các tôn giáo. Đối thoại là một sự trao đổi hai chiều, không giống như tranh luận hay củng cố lập trường hai bên mà là nói chuyện với nhau giữa hai bên gồm hai hoặc nhiều người có những quan điểm khác nhau xuất phát điểm cũng khác nhau, từ niềm tin khác nhau, văn hóa và tôn giáo khác nhau trong môi trường đa dạng. Điều kiện phải có để đối thoại là hai bên đến với nhau trong tinh thần cởi mở, sẵn sàng đánh giá cao những khác biệt và đa dạng. Mọi yếu tố khai trừ, độc đoán và đề cao cái tôi đều không phù hợp cho đối thoại. Đối thoại liên tôn giáo tức là các tôn giáo có niềm tin khác nhau nhưng cùng trao đổi về một chủ đề chung để hiểu nhau, cảm thông, chia xẻ cho nhau những tri thức hai bên có được, để đi đến kết quả đồng thuận, như thế cuộc đối thoại coi như thành công.

Không gian công cộng là một phần trong xã hội dân chủ và vì thế, việc phát triển không gian công cộng sẽ là việc đóng góp vào phát triển tiến trình dân chủ và hình thành văn hóa chính trị, văn hóa nhân quyền. Dân chủ tham gia ngày nay không chỉ được hiểu theo nghĩa bó hẹp với sự tham gia bầu cử hoặc tham gia đảm nhận các công việc của Nhà nước mà dân chủ tham gia còn là trực tiếp tham gia vào đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội và trở thành một công dân tích cực, năng động và có trách nhiệm. Với sự tham gia của các phương tiện truyền thông, không gian công giúp người dân truyền tải đến Nhà nước các thông điệp của người dân, đưa ra ý kiến cho các quyết định chính trị và quá trình soạn thảo các văn bản pháp luật và chính sách chung của Nhà nước. Như vậy, không gian công đóng một vai trò trong việc đòi hỏi và thúc đẩy tinh thần trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân và ngược lại(1).

Trên cơ sở tìm hiểu những quan điểm của các học giả về không gian công; quan điểm của Nhà nước, của Giáo hội các tôn giáo về đối thoại và các phương thức đối thoại liên tôn giáo, đồng thời xét trên thực tế các biểu hiện về đối thoại liên tôn giáo thời gian qua của các tổ chức tôn giáo có thể tham gia trong các không gian công ở Việt Nam. Bài viết tổng hợp, phân tích và bước đầu nhận định những không gian công cộng nào mà đối thoại liên tôn giáo có thể diễn ra? và dưới hình thức thì phù hợp và theo đúng pháp luật của Việt Nam?. Nội dung gồm các phần: 1 – Mở đầu. 2 - Về không gian công ở Việt Nam. 3 - Những biểu hiện của đối thoại liên tôn giáo trong không gian công. 4 - Nhận xét rút ra. 5 - Kết luận.

2. Về không gian công ở Việt Nam

Không gian công hay còn gọi là không gian công cộng là không gian phục vụ chung cho nhu cầu của mọi người trong xã hội. Mỗi cá nhân trong xã hội đều thể hiện cách sống riêng tư (cá nhân) và cách sống công cộng (xã hội) và các học giả phương Tây gọi là Không gian tư (private sphere) là dung môi cho đời sống riêng tư như gia đình, công sở, các nhóm bạn nhậu, các câu lạc bộ thể thao, khiêu vũ... Không gian công (public sphere) là dung môi cho đời sống công cộng của cá nhân. Khái niệm không gian công là một trong những khái niệm nền tảng để giải thích các hiện tượng trong chuyển đổi dân chủ. Habermas đã định nghĩa không gian công là: "... một lĩnh vực của đời sống xã hội trong đó những gì [tư tưởng, phát biểu, hành động] hướng vào dư luận xã hội (public opinion) đều có thể được hình thành. Cơ hội tiếp cận vào không gian này được mở cho mọi công dân. Một bộ phận của không gian công thành hình trong thảo luận (conversation), mà trong đó các cá nhân riêng lẻ tập hợp lại để hợp thành một cơ thể công cộng (public body)"(2). Trong khi đó, Lisa Drummond lại quan niệm hai phạm trù không gian: không gian chung/ công cộng (public space) và không gian riêng (private space) trong các phân tích về thực tiễn sử dụng cũng như biên giới của hai không gian này ở đô thị Việt Nam đương đại (Drummond, 2000). Ở đây, tác giả muốn nhấn mạnh, không gian công cộng có thể được hiểu theo nhiều cách, trong đó có ý nghĩa ‘bên ngoài’, ‘ngoài kia’, cái thuộc về cả cộng đồng/xã hội cho dù không gian đó được quy định bởi các chuẩn mực xã hội và pháp luật của nhà nước. Và không gian riêng hàm ý bên trong gia đình hạt nhân. Tác giả Matthews lại phân tích ba loại không gian theo thứ tự: Không gian thứ nhất là ‘không gian vật thể’ (physical space) được sử dụng để nhận dạng các sự vật cụ thể có thể kẻ vẽ và được xã hội nhận thức là ‘các thực tiễn địa lý’ (các nhà địa văn hóa còn sử dụng khái niệm ‘landscape/phong cảnh’ khi họ nói đến mối quan hệ giữa môi trường tự nhiên và xã hội loài người). Không gian thứ hai là ‘không gian tưởng tượng’ (imagined space), tức là ‘các không gian trong tưởng tượng’. Và thứ ba là ‘không gian sống’ (lived space). Theo ông, ba loại không gian làm rõ việc không gian có liên quan như thế nào đến các sự kiện, kiến trúc, biên giới chính trị và tham vọng cá nhân(3).

Tuy nhiên, dưới từng góc độ, từng chủ đề, không gian công có nhiều ý nghĩa, tên gọi khác nhau và phục vụ nhiều nhu cầu khác nhau của con người trong xã hội: như không gian cư trú (cá nhân và cộng đồng), không gian kiến trúc, không gian văn hóa, không gian thiêng (Không gian thiêng là nơi chứa đựng các vật thể và hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng. Cụ thể, một di tích tôn giáo không phải là một không gian tự nhiên, mà là một không gian thiêng, nơi con người giao tiếp với các thế lực thiêng. Như vậy, con người đã gắn cái thiêng cho một không gian nào đó, để phân biệt giữa cái thiêng với cái phàm)(4), không gian lao động sản xuất,... Sự hình thành, phát triển, và thay đổi của không gian công cộng phụ thuộc vào sự phát triển và đặc điểm của đời sống công cộng vốn không giống nhau giữa các nền văn hóa khác nhau và ở các thời điểm khác nhau.

Trong phạm vi bài viết, chúng tôi tạm xác định không gian công cho đối thoại tôn giáo ở đây cần phân định rõ trong hơn: Thể loại Không gian "vật thể" chia thành: không gian chung (đúng nghĩa của công: nơi công cộng cho toàn thể người dân: quảng trường, đường phố, bến xe, tàu, công viên, các trụ sở cơ quan nhà nước…tức là nhà nước đứng ra làm trung gian cho mọi cuộc đối thoại) và không gian riêng của cộng đồng tôn giáo (cơ sở thờ tự của hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo: nhà thờ, chùa, đình, đền… tức là các tín đồ tôn giáo tự tìm đến nhau để cùng đối thoại). Mọi cuộc đối thoại lúc này sẽ là đối thoại trực tiếp giữa các bên. Thể loại Không gian "phi vật thể" gồm không gian chung (đó là các báo, chí, trang mạng internet đã được Nhà nước công nhận và trực tiếp quản lý mà ở đó mọi công dân có thể trao đổi tranh luận…) và không gian riêng của cộng đồng tôn giáo (đó là các trang webside, các tờ báo của các tôn giáo có hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo mà số lượng người dân tham gia không đáng kể, chủ yếu là tín đồ tôn giáo). Mọi cuộc đối thoại lúc này là đối thoại gián tiếp giữa các bên thông qua phương tiện truyền thông.

Trong bối cảnh đô thị Việt Nam đương đại, ranh giới giữa không gian chung và không gian riêng không được chặt chẽ, còn lỏng lẻo, có khả năng thay đổi theo tích chất riêng của Việt Nam. Hiện nay, chưa có nhiều nghiên cứu về không gian công ở Việt Nam cả về khía cạnh không gian “vật thể” lẫn “phi vật thể”. Có thể thấy rõ, không gian công cộng “vật thể” ở Việt Nam qua 2 góc nhìn: nông thôn gắn với cây đa, bến nước, sân đình… và thành thị gắn với nhà văn hóa, công viên… như vậy, không gian công cộng mang yếu tố tôn giáo hầu như chưa được đề cập đến mà chỉ thuần túy là các hoạt động văn hóa, nghệ thuật hay hoạt động tín ngưỡng của các làng quê. Còn không gian công cộng “phi vật thể” ở Việt Nam lại có chiều hướng gia tăng nhanh trong những năm gần đây với sự bùng nổ thông tin trong thời hiện đại - sự phát triển của internet. Đã có rất nhiều diễn đàn trên các trang web của cá nhân, tập thể, chính thống và phi chính thống. Cùng với các phương tiện kỹ thuật về truyền thông, các thông tin được truyền đi rất nhanh. Cũng vì vậy, các báo, tạp chí, radio, truyền hình và internet ngày nay đã trở thành các yếu tố chính cho một cuộc tranh luận công khai mang tính quốc gia và vượt ra ngoài biên giới quốc gia. Trên các diễn đàn đó, có nhiều vấn đề được xem là nhạy cảm mà thông thường, nếu ở các không gian “vật thể” người ta không muốn nói, hoặc tránh né, nể nang chưa giám nói thật, nói thẳng, thì ở đây, người ta bàn tán công khai và bình luận sôi nổi dưới nhiều danh nghĩa không phải chính họ.

Như vậy, có thể thấy trong các không gian “vật thể” hay “Phi vật thể” đều có những giá trị khác nhau . Không gian công đem lại cho con người giá trị yêu thương người, là tính đoàn kết trong cộng đồng, sự tự do phát triển khả năng con người, tự do ngôn luận, bình đẳng, dân chủ,... đồng thời, đây cũng là nơi thể hiện tính đa dạng văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo trong xã hội.

Tóm lại, không gian công ở Việt Nam tính cho đến nay chưa có một khái niệm không gian công một cách đúng nghĩa, từ không gian vật thể lẫn không gian phi vật thể, nhất là trong vấn đề đối thoại liên tôn giáo.? Vậy cần có cơ chế nào? Điệu kiện nào để các đối thoại trực tiếp lẫn gián tiếp có thể đối thoại trong không gian công theo đúng nghĩa là dân chủ - bình đẳng - thẳng thắn.? Điều này cần sự quan tâm, vào cuộc của các cấp chính quyền từ trung ương đên địa phương và bản thân các tổ chức tôn giáo?. Vấn đề xu hướng tư nhân hóa các không gian công cộng (khuyến khích tư nhân tham gia phát triển hệ thống không gian công cộng) có hiệu quả kinh tế ở nhiều nước nhưng có nguy cơ tiềm tàng gây phân hóa xã hội. Trên thực tế, việc sử dụng không gian riêng ở những khu vực đô thị lớn như Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh... đang diễn ra theo xu hướng ‘hướng ra bên ngoài’ không gian riêng, được thể hiện ở việc người dân lấn chiếm không gian chung, chiếm dụng và sử dụng không gian chung (nhất là các vỉa hè, công viên,...) cho các mục đích cá nhân. Việc sử dụng không gian công cộng như thế sẽ làm sống động không gian công, tạo nên những không gian cho các hoạt động giải trí riêng và vô hình chung, không gian công đã bị thu hẹp, dần dần trở thành không gian riêng của các nhân nào đó?. Vậy, cần phát triển không gian công cộng như thế nào cho phù hợp vì lợi ích tương lai của toàn xã hội Việt Nam - một đất nước đa dân tộc đa tôn giáo như thời điểm hiện Ảnh: St tại, nhất là vấn đề đối thoại giữa các tôn giáo để tăng sự đoàn kết toàn dân tộc vẫn là một thách thức lớn đối với Việt Nam.

3. Về đối thoại liên tôn giáo trong không gian công

Trước khi tìm hiểu những biểu hiện nào của đối thoại liên tôi, ta tìm hiểu về những quan điểm của nhà nước, của các tổ chức tôn giáo về đối thoại liên tôn giáo là gì? Họ có nhu cầu đối thoại hay không? Mục đích của đối thoại? Nội dung đối thoại sẽ là những gì? Không gian đối thoại ở đâu?, trong không gian công nào thì các tôn giáo được quyền đối thoại và những chủ đề gì, nội dung gì được đối thoại trong không gian công cộng ấy?. Vậy trong điều kiện nào? phương thức nào để các cuộc đối thoại được diễn ra trong không gian công theo đúng nghĩa? là những câu hỏi được đặt ra hiện nay và cần được giải quyết?. Vậy, khi đối thoại diễn ra, các tổ chức tôn giáo và nhà nước ta có vai trò gì trong đối thoại liên tôn giáo đó?.

3.1. Về quan niệm đối thoại liên tôn giáo:

- Về phía Nhà nước: Có thể thấy, từ xưa đến nay, nhà nước ta luôn mong muốn đối thoại liên tôn giáo được diễn ra trên tinh thần bác ái, bình đẳng, dân chủ trong khuôn khổ các chính sách của nhà nước, từ đó nhằm phát huy những yếu tố tích cực của các tôn giáo, giản những mặt hạn chế, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh điều này được thể hiện trong các văn bản pháp luật của Nhà nước. Việc tạo dựng khối đoàn kết, nhất trí của toàn dân rất cần việc đối thoại dưới hình thức trực tiếp (trong không gian công “vật thể”) hay gián tiếp (trong không gian công “phi vật thể”) để tạo sự hiểu biết, thông cảm lẫn nhau, đồng thời xóa đi những mặc cảm, định kiến, nhằm hòa giải những mâu thuẫn, xung đột văn hóa tôn giáo để thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân và đoàn kết lương - giáo như lời của chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy. Người chỉ rõ: “Công giáo hay không Công giáo, Phật giáo hay không Phật giáo đều phải nên nỗ lực đấu tranh cho nền độc lập của nước nhà. Nhiệm vụ của toàn thể chúng ta là phải giữ vững nền độc lập. Trong Công giáo có câu “Tam vị nhất thể”, nhà Phật có câu “Vạn chúng nhất linh” nên chúng ta phải hi sinh cho nhân loại và chúng sinh”(5). Ngày nay, chúng ta đang học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách và lối sống của Hồ Chí Minh, nhất là lối ứng xử của Người với các tổ chức tôn giáo, thiết nghĩ, Nhà nước ta cũng cần chú ý đến việc tạo dựng khối đại đoàn kết tôn giáo trên cơ sở tìm các giá trị chung của tôn giáo hướng đến xây dựng xã hội phát triển bền vững.

- Về phía Giáo hội các tôn giáo: Do khuôn khổ hạn hẹp, nên bài viết chỉ giới thiệu quan niệm của 2 tổ chức tôn giáo lớn tại Việt Nam.

+ Với Công giáo: Sau Công đồng Vatican II, có nhiều loại các văn kiện quan trọng có liên quan về đối thoại liên tôn giáo của Công giáo. Tinh thần đối thoại đó được thể hiện trong mục đích của Hội nghị Liên hội đồng Giám mục Á châu (FABCra đời năm 1970, là một tổ chức mang tính liên hiệp với mục đích chính là “cổ vũ tình liên đới và đồng trách nhiệm giữa các thành viên vì lợi ích của giáo hội và xã hội ở châu Á"). FABC nhận định “Đối thoại giúp giáo hội thoát khỏi việc trở thành một cộng đồng đặt trọng tâm vào chính mình và liên kết giáo hội với dân tộc trong tất cả mọi lĩnh vực và chiều kích của cuộc sống”. FABC đã định hướng cho các giáo hội địa phương 3 vấn đề cần đối thoại: Một là, đối thoại với các nền văn hóa, Hai là, đối thoại với các tôn giáo, Ba là, đối thoại với người nghèo (Hoạt động từ thiện nhân đạo hướng về người nghèo, người bất hạnh trong xã hội là hoạt động truyền thống không chỉ của Công giáo mà của nhiều tôn giáo khác ở nhiều quốc gia trên thế giới). Cũng tại Hội nghị FABC lần thứ X vào tháng 12 năm 2012 tại Tòa Giám mục giáo phận Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thể hiện được sự đậm nét trong đối thoại văn hóa dân tộc, từ các làn điệu dân ca ba miền Bắc, Trung, Nam; cờ, lọng của truyền thống hội làng Việt Nam; những nhạc cụ cồng, chiên, tre, nứa lá là những vật phẩm quen thuộc gắn với đời sống hàng nhiều thế kỷ của người dân Việt Nam đã được Giáo hội Công dàn dựng công phu thành những nét đặc trưng văn hóa dân tộc trong một không gian Công giáo. Giáo hội cũng đã xác tín con đường của đối thoại là: “Với các tôn giáo bạn phải khiêm tốn, hiền hòa. Đừng coi tôn giáo của mình là nhất, là hơn hẳn các tôn giáo khác. Đừng loại trừ nhau mà phải chân thành, tìm hiểu các tôn giáo trên đất nước mình, nhằm có được cái nhìn tổng thể về cái hay, cái đẹp của mỗi tôn giáo thể hiện qua cuộc sống thường ngày”. Giáo hội cũng nhận thấy “những cuộc gặp gỡ và trao đổi với các tôn giáo bạn chắc chắn sẽ tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi cho việc cộng tác nhằm lành mạnh hóa xã hội và thăng tiến con người”(6).

+ Với Phật giáo: Mục tiêu tối hậu của đạo Phật là đạt tới an lạc, giải thoát khỏi mọi nỗi khổ của thế gian, điều đó không có nghĩa người Phật tử không quan tâm đến cuộc sống thực tại. Chính vì thế, giáo pháp của đức Phật không phải chỉ dành cho những người tu hành mà còn là con đường sống chung của toàn thể loài người. Thật vậy, giải thoát có nhiều cấp bậc. Với người tu hành, cấp bậc giải thoát của họ cao nhất, có thể đạt tới niết bàn. Nhưng với người thế tục, giữ gìn điều gì thì an lạc được điều đó, đấy chính là ý nghĩa của tam vô lậu học của nhà Phật là giới, định, và huệ. Khi con người giữ giới thì tâm họ được bình lặng, nghĩa là có định. Với tâm bình lặng, họ có khả năng nhận biết bản chất cuộc đời đúng với thực chất của nó, đó chính là huệ. Như trong phẩm Bhandagama, chương “Bốn pháp”, kinh Tăng Chi Bộ, đức Phật nói rõ: “Này các tỳ kheo, do không giác ngộ, không thể nhập bốn pháp, như vậy phải chạy dài, luân chuyển trong một thời gian dài, đối với ta và đối với các ngươi. Thế nào là bốn? Này các tỳ kheo, do không giác ngộ, không thể nhập thánh giới, như vậy phải chạy dài, luân chuyển trong một thời gian dài, đối với ta và đối với các ngươi. Này các tỳ kheo, do không giác ngộ, không thể nhập thánh định, như vậy phải chạy dài, luân chuyển trong một thời gian dài, đối với ta và đối với các ngươi. Này các tỳ kheo, do không giác ngộ, không thể nhập thánh huệ, như vậy phải chạy dài, luân chuyển trong một thời gian dài, đối với ta và đối với các ngươi. Này các tỳ kheo, do không giác ngộ, không thể nhập thánh giải thoát, như vậy phải chạy dài, luân chuyển trong một thời gian dài, đối với ta và đối với các ngươi. Này các tỳ kheo, khi nào thánh giới được giác ngộ, được thể nhập; khi nào thánh định được giác ngộ, được thể nhập, khi nào thánh huệ được giác ngộ, được thể nhập, khi nào thánh giải thoát được giác ngộ, được thể nhập, hữu ái được chặt đứt, dây cột của hữu được đoạn tận, khi ấy không còn tái sinh”. Nhờ có giới, định, huệ, họ đạt được tình trạng giải thoát ngay ở đây và bây giờ.

Thực tế về đối thoại của Phật giáo với các tôn giáo khác rất rộng mở, bởi bản chất của đạo Phật là từ-bi-hỉ-xả, gần gũi với chúng sinh, vì chúng sinh không có cùng khuynh hướng và sở thích, nên đức Phật đã dùng nhiều phương tiện khác nhau để giáo hóa họ. Dựa vào thí dụ này mà đức Đạt-Lai-LạtMa cho rằng sự hiện diện của nhiều tôn giáo trên thế giới là điều tuyệt vời. Phật giáo và Công giáo đã có những cuộc đối thoại, cụ thể đức Đạt-LaiLạt-Ma và Linh mục Dom John Main đã gặp nhau hai lần. Lần đầu tiên vào năm 1980 tại nhà thờ Chính Tòa Công giáo ở Montréal, tỉnh bang Québec, Canada. Tại đó, người ta đã xin linh mục John Main đón tiếp vị thủ lãnh Tây Tạng với tư cách là người tu sĩ anh em, trong buổi tối khai mạc cuộc gặp gỡ liên tôn. Nội dung những lời trao đổi giữa họ chỉ có tính cách bình thường, dường như đã thăm dò một cuộc đối thoại thâm sâu hơn vào những hiểu biết chuyên sâu về đạo của cả hai bên. Kết thúc buổi gặp gỡ đầu tiên đó LM Laurence Freeman đứng lên ngỏ lời: ”Để chấm dứt buội họp mặt đầu tiên nầy, chúng ta sẽ xin đức Đạt-Lai-Lạt-Ma thắp sáng một ngọn nến tượng trưng sự hợp nhất và những người được mời thuộc các truyền thống tôn giáo khác nhau sẽ thắp sáng những ánh nến khác lấy từ ngọn nến của đức Đạt-Lai-Lạt-Ma. Các ngọn nến đó sẽ được thắp sáng mãi trong suốt thời gian hội thảo để tượng trưng sự hiệp nhất và tình thân hữu nối kết các tôn giáo chúng ta.”(7).

- Về phía các chức sắc, tín đồ tôn giáo:

+ Trong buổi trao đổi của báo Công giáo và Dân tộc với linh mục Phanxicô Xaviê Bảo Lộc, Trưởng ban Mục vụ Đối thoại Liên tôn, Tổng Giáo phận Tp.HCM, linh mục đã nói về những điều tốt đẹp, những giá trị tốt đẹp của tôn giáo bạn, để rồi suy nghĩ, khám phá thêm niềm tin của chính mình. Khi linh mục tìm hiểu về từ bi, hỷ xả của anh em Phật tử, có suy nghĩ thêm về Đức ái để rồi cảm nhận không chỉ “Yêu như Thầy” mà còn “hãy học cùng Thầy vì Thầy hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Đây là những giá trị mà xét về mặt đối ngoại thì người Kitô hữu nói chung và Kitô hữu Việt Nam nói riêng, chưa làm nổi bật hai đặc điểm mà Chúa Giêsu yêu cầu trong cách nghĩ, cách nói và hành động(8).

+ Phaolô Bùi Văn Đọc, Giám mục Giáo phận Mỹ Tho đã nhận định về sự cần thiết phải đối thoại giữa các tôn giáo rằng: Sự cởi mở đầu tiên là nhìn nhận rằng trong các tôn giáo khác có những yếu tố chân lý. Chân Lý là một huyền nhiệm khôn tả, tuyệt đối và vĩnh hằng, vượt trên các ràng buộc tôn giáo, nhưng chứa đựng trong mỗi tôn giáo. Khi tìm hiểu các tôn giáo khác, ta có cơ hội đến gần với Chân Lý Tuyệt Đối hơn. Sự đa nguyên, đa dạng tôn giáo đòi hỏi phải có đối thoại, vì không một người nào và không một tổ chức tôn giáo nào có thể cho rằng mình độc quyền chân lý. Nếu không đối thoại với những người khác, chính bản thân sẽ bi giới hạn trong cách nhìn và cách hiểu Chân Lý của tôn giáo mình(9).

+ Nói về đối thoại liên tôn giáo, đạo hữu Huệ Khải đã nhận định: “Thư Chung hậu Đại hội Dân Chúa 2010 của Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi toàn thể Cộng đồng Dân Chúa Việt Nam (xin gọi tắt là Thư Chung 2011) được công bố chính thức ngày 01-5-2011, từ sự việc này, tác giả Khải Huệ bày tỏ suy nghĩ rằng đối thoại với các tôn giáo không chỉ là yêu cầu của riêng cộng đồng Dân Chúa, mà còn là yêu cầu lâu dài của mọi tôn giáo, của toàn xã hội. Thư Chung 2011 xác định (số 39): “Đây là cuộc đối thoại từ trái tim đến trái tim nhằm xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau và phục vụ hạnh phúc đích thực của con người.”. Trong Thư Chung có dùng từ “đối thoại”, không có nghĩa chỉ đơn giản là cách ứng xử qua đầu môi chót lưỡi với tính cách xã giao hay ngoại giao giữa các cộng đồng tôn giáo và xã hội khác nhau. Thư Chung thận trọng xác định rằng cuộc đối thoại này phải “từ trái tim đến trái tim”. Năm chữ này quả thật rất mực hệ trọng, vì để đạt được yêu cầu mong muốn của Thư Chung, người đạo chúng ta phải biết sống đạo để gây dựng được sự tương tri và lòng tương kính giữa người có tôn giáo với người không tôn giáo, nhất là giữa người tôn giáo này với người tôn giáo khác. Đối thoại như Thư Chung 2011 đề ra chính là một giải pháp góp phần hóa giải sự tranh chấp giữa các tôn giáo hiện hữu. Với đồng cảm và chia sẻ của người đạo Cao Đài, tác giả Khải Huệ xin kính thành cầu nguyện “Thiên Chúa ban ơn để Thư Chung 2011 được thành tựu viên mãn trong sự soi sáng mầu nhiệm của Ý Chúa và bằng tâm huyết của tất cả cộng đồng Dân Chúa”(10).

Nguyễn Thị Quế Hương* Nguyễn Thị Hoà** Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 3/2021 Còn nữa...

-------------------

CHÚ THÍCH: * TS, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm KHXHVN. ** Khoa Khoa học chính trị, Đại học Nội vụ Hà Nội. (1) Nguyễn Linh Giang. Không gian cộng cộng và việc thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 200, 8/ 2011

(2) Chu Xuân Diên (2008), “Con người và không gian (Một cách tiếp cận văn hóa học)”, Tạp chí Văn hóa Dân gian, số 3, tr. 3-20 và 64. (3) Nguyễn Văn Sửu. Tiếp cận không gian: vấn đề khái niệm và sự phân loại. Tạp chí Dân tộc học, số 3, 2011. (4) Phạm Quỳnh Phương (2010), “Những không gian thiêng: Một nghiên cứu thực địa về các di tích thờ Trần Hưng Đạo ở Việt Nam”, trong: Hiện đại và động thái của truyền thống ở Việt Nam: Những cách tiếp cận nhân học, quyển 2, Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 86-102. (5) Huy Thông sưu tầm. Chủ tịch Hồ chí Minh với đồng bào Công giáo. Nxb Chính trị quốc gia, 2004, Hà Nội, tr 36. http://btgcp.gov.vn//Moi_tuong_quan_giua_Giao_hoi_Cong_giao_Viet_Nam_va_Lien_Hoi_dong_Giam_muc_A_chau, 16 tháng 9, 2015, 16:29. (6) http://thuvienhoasen.org/a21789/phat-giao-voi-doi-thoai-lien-ton-va-nhung-thach-thuc. (7) Nguyễn Văn Sửu. Tiếp cận không gian: vấn đề khái niệm và sự phân loại. Tạp chí Dân tộc học, số 3, 2011. (8) Tuần báo Công giáo và Dân tộc, số 1808, ngày 20-5-2011. (9) http://www.hdgmvietnam.org/doi-thoai-giua-cac-ton-giao/183.107.22.aspx (10) Tuần báo Công giáo và Dân tộc, số 1808, ngày 20-5-2011..

TÀI LIỆU THAM KHẢO: [1]. Ban Tôn giáo Chính phủ. Văn bản Pháp luật Việt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo, Nxb Tôn giáo, 2005. [2]. Chu Xuân Diên (2008), “Con người và không gian (Một cách tiếp cận văn hóa học)”, Tạp chí Văn hóa Dân gian, số 3, tr. 3-20 và 64. [3]. Nguyễn Linh Giang. Không gian cộng cộng và việc thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 200, 8/ 2011. [4]. Nguyễn Thị Quế Hương. Không gian công và quan điểm của J.Habermas về tôn giáo trong không gian công, trong Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: Nghiên cứu và giảng dạy tư tưởng Đức ở các trường đại học, Trường ĐHKHXH&NV, Hà Nội, tháng 11/2015; tr 227 - tr 236. [5]. Klienen, John (2007), Làng Việt: Đối diện tương lai, hồi sinh quá khứ, Nxb. Đà Nẵng, Đà Nẵng. [6]. Khải Minh, Lâm Yến . Lịch sử không gian công ở Việt Nam từ đầu thế kỉ 20 đến giữa thập kỷ 90.. Trên: http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=5011&rb=08. Mùng 1 Tháng 11, 2014 lúc 00:12:29. [7]. Phạm Quỳnh Phương (2010), “Những không gian thiêng: Một nghiên cứu thực địa về các di tích thờ Trần Hưng Đạo ở Việt Nam”, trong: Hiện đại và động thái của truyền thống ở Việt Nam: Những cách tiếp cận nhân học, quyển 2, Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 86-102. [8]. Nguyễn Văn Sửu. Tiếp cận không gian: vấn đề khái niệm và sự phân loại. Tạp chí Dân tộc học, số 3, 2011. [9]. Huy Thông sưu tầm. Chủ tịch Hồ chí Minh với đồng bào Công giáo. Nxb Chính trị quốc gia, 2004, Hà Nội, tr 36. [10]. Tuần báo Công giáo và Dân tộc, số 1808, ngày 20-5-2011. [11]. Thích nữ Phổ Tuệ. Từ bi và công bằng xã hội của Phật giáo tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng; Trong Kỷ yếu hội thảo: “Đối thoại liên tôn giáo trong điều kiện mới”Viện Nghiên cứu Tôn giáo, 2015, tr 208-212. Lưu tại Thư viện Viện Nghiên cứu Tôn giáo. [12]. http://btgcp.gov.vn/ /Moi_tuong_quan_giua_Giao_hoi_Cong_giao_Viet_Nam_va_Lien_Hoi_dong_Giam_muc_A_chau, 16 tháng 9, 2015, 16:29. [13]. http://thuvienhoasen.org/a21789/phat-giao-voi-doi-thoai-lien-ton-va-nhung-thach-thuc. [14]. http://khuongviettu.com/site/index.php?option=com_content&view=article&id=517:i-thoi-lien-ton-va-tng-quan-gia-pht-tcung-kito-hu-&catid=69:dalai-lama. [15]. http://www.hdgmvietnam.org/doi-thoai-giua-cac-ton-giao/183.107.22.aspx.