Cư sĩ Phúc Quang lược giải

1. Giải nghĩa tên Kinh

"Phạm" là cõi trời Phạm (Phạm Thiên), “võng” là cái lưới (cái võng), ý nói tới cái lưới bao trùm cả thế gian, đề cập cụ thể tới tà kiến khiến chúng sinh bị vướng vào đó mà không thoát ra được, nên gọi là kinh “Phạm Võng”.

Ảnh: St
Ảnh: St

Ngoài ra, kinh này còn bao gồm những tên khác như: kinh Lợi Võng, kinh Pháp Võng, kinh Kiếm Võng, kinh Vô Thượng Chiến Thắng.

2. Giải thích “tà kiến”

Tà kiến của ngoại đạo đương thời gồm có 2 giả thuyết chính

(1). Đoạn kiến (Chấp đoạn): Tức cái thấy (kiến) về sự đoạn diệt, cho rằng chỉ có một đời duy nhất, chết là hết vì thế nên không có nhân quả đời sau, không có kiếp tiếp theo, gây nghiệp xấu không phải thọ quả, làm việc tốt không đem lại lợi ích, cho nên cứ thoải mái tận hưởng ngũ dục trần thế.

(2). Thường kiến (Chấp vĩnh hẳng): Tức cái thấy (kiến) về sự trường tồn, cụ thể ở đây cho cái “ta” (bản ngã) tồn tại vĩnh cửu, có một Đấng tạo hoá trường tồn vĩnh viễn,… Kiếp này sống như thế nào thì tái sinh cũng như thế ấy, không đổi thay, thánh nhân vẫn là thánh nhân, người thành người, phàm phu thành phàm phu.

Ảnh: St
Ảnh: St

Tà kiến được nhìn nhận dưới 3 góc độ

(1). Vô hành kiến: Cái thấy rằng mọi hành động đều không có quả báo.
(2). Vô nhân kiến: Cái thấy mọi thứ đều tự nhiên, tự nhiên có, tự nhiên nó thế, không có nhân.
(3). Vô hữu kiến: Cái thấy mọi thứ đều “không có”, do tứ đại hợp thành nên không thật có, bao gồm cả quả báo, và khổ đau do nghiệp xấu gây ra cũng không có.

3. Duyên khởi kinh

Một thời, Thế Tôn đi trên con đường giữa Ràjagaha (Vương Xá) và Nalandà, cùng với khoảng 500 vị đại chúng tỳ kheo. Lúc bấy giờ trên con đường đó, có du sĩ ngoại đạo Suppiya và đi cùng vị du sĩ ngoại đạo có 1 vị đệ tử, tên là Brahmadatta. Cuối ngày, Thế Tôn cùng 500 vị tỳ kheo nghỉ tại Ambalatthika, tại đây vị du sĩ ngoại đạo và đệ tử của mình cũng nghỉ tại đó. 

Trên suốt chuyến đi, cho tới tận lúc trú tại Ambalatthika, vị du sĩ liên tục phỉ báng Phật, pháp, tăng, ngược lại, đệ tử của vị du sĩ dùng mọi lời để tán thán Phật, pháp, tăng. Khi đêm tàn, chư tăng thức dậy và họp bàn về câu chuyện này, đức Phật sau đó được biết câu chuyện đang bàn tán giữa chư tăng, nên đã thuyết kinh Phạm Võng.

4. Nội dung kinh

4.1. Khen và chê

Đức Phật dạy nếu có người phỉ báng Phật, pháp, tăng, không được sinh lòng căm phẫn, tức tối, phiền muộn. Nếu sinh lòng căm phẫn, phiền muộn,… là tự có hại cho bản thân mình. Nếu có người phỉ báng Phật, pháp, tăng, thì phật tử cần nói rõ những điểm nào là đúng sự thật, điểm nào sai sự thật.

Đức Phật dạy nếu có người tán thán Phật, pháp, tăng, không được sinh lòng hoan hỷ, vui mừng, thích thú. Nếu sinh lòng hoan hỷ, thích thú,… là tự có hại cho bản thân mình. Nếu có người tán thán Phật, pháp, tăng, thì phật tử cần nói rõ những điểm nào là đúng sự thật, điểm nào sai sự thật.

Chỉ bậc phàm phu mới tán thán giới luật của bậc Như Lai

Bậc phàm phu tán thán hạnh giữ giới của Thế Tôn gồm có 3 cấp độ:

(1). Tiểu giới: Tán thán Như Lai xa lìa điều ác

Sa môn Gô – ta – ma từ bỏ sát sinh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ dâm dục, từ bỏ nói dối, từ bỏ nói hai chiều, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói sai thời, từ bỏ làm hại tới các hạt giống, từ bỏ ăn uống phi thời, từ bỏ xem múa, hát, hưởng thụ, từ bỏ sử dụng dầu thơm, trang sức, lụa là, giường cao đẹp, từ bỏ nhận của cải, từ bỏ nhận thịt sống, từ bỏ nhận đàn bà, từ bỏ làm môi giới đàn bà, đàn ông, từ bỏ gian lận buôn bán.

(2). Trung giới: Sống thanh cao, xa lìa lợi dưỡng thế gian nếu tâm còn ô nhiễm

Sa môn khác nhận lợi dưỡng, bố thí thế gian nhưng vẫn làm hại các hạt giống cây cối, vẫn cất trữ tài sản, đồ ăn, vẫn đi xem múa, hát, vẫn đánh bài, vẫn ngủ giường to lớn, vẫn dùng mỹ phẩm, trang sức, vẫn nói các chuyện vô ích, vẫn lừa dối, nói lời nịnh bợ, dèm pha, mưu cầu; còn Sa môn Gô – ta – ma thì không còn như thế

(3). Đại giới: Tán thán Như Lai nuôi mạng thanh tịnh, chân chính không lợi dụng năng lực để trục lợi

Có những vị sa môn khác tuy nhận bố thí, lợi dưỡng của thế gian nhưng vẫn hành những nghề như xem tướng, bói toán, xem tay, chiêm tinh, xem bói, đoán trước, lựa ngày, lựa giờ, sử dụng các trò ảo thuật để kiếm tiền, nuôi tà mạng, còn Sa môn Gô – ta – ma thì không như thế.

4.2. Tóm lược 62 thuyết tà kiến của ngoại đạo

Chủ trương “THƯỜNG TRÚ” với 4 luận chấp (Chấp theo quá khứ)
Chủ trương thường trú luận, chấp bản ngã và thế giới là thường còn.

1. Chấp thường kiến, do định tâm nhớ nhiều đời quá khứ
2. Chấp thường kiến, do định tâm nhớ tới 10 đại kiếp trong quá khứ (1 lần thành – trụ - hoại – không được coi là 1 đại kiếp)
3. Chấp thường kiến, do định tâm nhớ tới 50 đại kiếp trong quá khứ
4. Chấp thường còn, do sự suy luận, thẩm sát, “cho rằng” từ nhận thức.

Chủ trương một phần “THƯỜNG TRÚ”, một phần “VÔ THƯỜNG” với 4 luận chấp (Chấp theo quá khứ)
Chủ trương này cho rằng thế gian có thứ thì vĩnh hằng, có thứ thì sinh, diệt.

1. Nhận thấy vị Đại Phạm thiên xuất hiện đầu tiên, tạo ra chúng sinh thì sống mãi, còn chúng sinh được tạo ra bởi ngài thì chết.
2. Nhận thấy các vị Phạm thiên không bị uế nhiễm dục lạc thì sống mãi, còn các vị say mê dục lạc thì thác sinh chỗ khác.
3. Nhận thấy các vị Phạm thiên không bị đốt cháy bởi đố kỵ và sân hận thì sống mãi, còn các vị bị rơi vào vòng đố kỵ, sân hận thì chết.
4. Nhận thấy các giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, cái bản ngã thì sinh, diệt; còn cái gọi là tâm, ý thì thường còn. 

Chủ trương “HỮU BIÊN, VÔ BIÊN” với 4 luận chấp (Chấp theo quá khứ)
Chủ trương này cho rằng trên thế gian có thứ thì có ranh giới, có chỗ thì không ranh giới.

1. Chấp thế gian, vũ trụ này có ranh giới xung quanh
2. Chấp thế gian, vũ trụ này vô biên không có ranh giới
3. Chấp thế giới hữu biên bên trên và bên dưới, vô biên về bề ngang
4. Chấp thế giới này không hữu biên, cũng không vô biên

Chủ trương “NGỤY BIỆN” với 4 luận chấp (Chấp theo quá khứ)

Khi được hỏi các vấn đề thì dùng lời nguỵ biện trường uốn như con lươn (nói vòng vo).

1. Nguỵ biện vì sợ sự sai lầm, vọng ngữ, dẫn tới phiền muộn, trở thành chướng ngại
2. Nguỵ biện vì sợ sự chấp thủ, dẫn tới phiền muộn, trở thành chướng ngại
3. Nguỵ biện vì bị chất vấn, phản biện, dẫn tới phiền muộn, trở thành chướng ngại
4. Nguỵ biện vì vô minh 

Chủ trương “VÔ NHÂN” với 2 luận chấp (Chấp theo quá khứ)

Chấp bản ngã và thế giới không có nhân gì sinh ra.

1. Nhờ nhập định, nhớ tới đời thác sinh làm Phạm thiên, không nhớ xa hơn nữa, đời Phạm thiện hoá sinh mà có nên chấp tự nhiên "không" thành "có".
2. Do sự suy luận, thẩm sát thấy không có nguyên nhân gì để hình thành ra thế giới và bản ngã.

Chủ trương “HỮU TƯỞNG” với 16 luận chấp (Chấp theo tương lai)

Chấp sau khi chết, bản ngã có tưởng.

1. Bản ngã có sắc, không bệnh, sau khi chết thì có tưởng.
2. Bản ngã vô sắc, không bệnh, sau khi chết thì có tưởng.
3. Bản ngã hữu sắc và vô sắc, không bệnh, sau khi chết thì có tưởng.
4. Bản ngã phi hữu sắc và phi vô sắc, không bệnh, sau khi chết thì có tưởng.
5. Bản ngã hữu biên, không bệnh, sau khi chết thì có tưởng.
6. Bản ngã vô biên, không bệnh, sau khi chết thì có tưởng.
7. Bản ngã hữu biên và vô biên, không bệnh, sau khi chết thì có tưởng.
8. Bản ngã phi hữu biên và phi vô biên, không bệnh, sau khi chết thì có tưởng.
9. Bản ngã nhất tưởng, không bệnh, sau khi chết thì có tưởng.
10. Bản ngã dị tưởng, không bệnh, sau khi chết thì có tưởng.
11. Bản ngã thiểu tưởng, không bệnh, sau khi chết thì có tưởng.
12. Bản ngã vô lượng tưởng, không bệnh, sau khi chết thì có tưởng.
13. Bản ngã thuần lạc, không bệnh, sau khi chết thì có tưởng.
14. Bản ngã thuần khổ, không bệnh, sau khi chết thì có tưởng.
15. Bản ngã hữu khổ hữu lạc, không bệnh, sau khi chết thì có tưởng.
16. Bản ngã phi khổ phi lạc, không bệnh, sau khi chết thì có tưởng.

Chủ trương “VÔ TƯỞNG” với 8 luận chấp (Chấp theo tương lai)

Chấp sau khi chết, bản ngã không có tưởng.

1. Bản ngã có sắc, không bệnh, sau khi chết thì vô tưởng.
2. Bản ngã vô Sắc, không bệnh, sau khi chết thì vô tưởng.
3. Bản ngã hữu sắc và vô sắc, không bệnh, sau khi chết thì vô tưởng.
4. Bản ngã hữu biên, không bệnh, sau khi chết thì vô tưởng.
5. Bản ngã vô biên, không bệnh, sau khi chết thì vô tưởng.
6. Bản ngã hữu biên và vô biên, không bệnh, sau khi chết thì vô tưởng.
7. Bản ngã phi hữu biên và phi vô biên, không bệnh, sau khi chết thì vô tưởng.
8. Bản ngã phi hữu sắc và phi vô sắc, không bệnh, sau khi chết thì vô tưởng.

Chủ trương “PHI HỮU TƯỞNG, PHI VÔ TƯỞNG” với 8 luận chấp (Chấp theo tương lai)

Chấp sau khi chết, bản ngã phi hữu tưởng, phi vô tưởng.

1. Bản ngã có sắc, không bệnh, sau khi chết thì phi hữu tưởng, phi vô tưởng.
2. Bản ngã vô sắc, không bệnh, sau khi chết thì phi hữu tưởng, phi vô tưởng.
3. Bản ngã hữu sắc và vô sắc, không bệnh, sau khi chết thì phi hữu tưởng, phi vô tưởng.
4. Bản ngã phi hữu sắc và phi vô sắc, không bệnh, sau khi chết thì phi hữu tưởng, phi vô tưởng.
5. Bản ngã hữu biên, không bệnh, sau khi chết thì phi hữu tưởng, phi vô tưởng.
6. Bản ngã vô biên, không bệnh, sau khi chết thì phi hữu tưởng, phi vô tưởng.
7. Bản ngã hữu biên và vô biên, không bệnh, sau khi chết thì phi hữu tưởng, phi vô tưởng.
8. Bản ngã phi hữu biên, phi vô biên, không bệnh, sau khi chết thì phi hữu tưởng, phi vô tưởng.

Chủ trương “ĐOẠN KIẾN (ĐOẠN DIỆT)” với 7 luận chấp (Chấp theo tương lai)

Chủ trương đoạn diệt, chấp vào sự đoạn diệt của các loài hữu tình.

1. Dựa vào suy xét, thấy tất cả loài thai sinh, sau khi chết đều bị hư hoại.
2. Dựa vào suy xét, thấy chư Thiên ở cõi Dục Thiên, sau khi chết cũng bị hư hoại.
3. Dựa vào suy xét, thấy chư Thiên, có sắc, do ý tạo thành, sau khi chết cũng bị hư hoại.
4. Dựa vào suy xét, thấy bản ngã ở cõi Không Vô Biên xứ, sau khi chết cũng bị hư hoại.
5. Dựa vào suy xét, thấy bản ngã ở cõi Thức Vô Biên xứ, sau khi chết cũng bị hư hoại.
6. Dựa vào suy xét, thấy bản ngã Vô Sở Hữu xứ, sau khi chết cũng bị hư hoại.
7. Dựa vào suy xét, thấy bản ngã Phi Tưởng Phi Phi Tưởng xứ, sau khi chết cũng bị hư hoại. 

Chủ trương “NIẾT BÀN HIỆN TẠI” với 5 luận chấp (Chấp theo tương lai)

Chủ trương Niết bàn hiện tại chấp vào ý niệm sai lầm về Niết bàn như sau:

1. Chấp sự tận hưởng, sung mãn ngũ dục ở đời, cho là Niết bàn của loài hữu tình.
2. Bản ngã ly dục lạc, ly ác pháp, nhập tầng thiền thứ nhất, có tầm, có tứ, có hỷ, có lạc do ly dục sinh ra, chấp đó là Niết bàn của loài hữu tình.
3. Bản ngã có tầm, có tứ, nhập định tầng thiền thứ hai, nội tâm định tĩnh, hỷ lạc do định sinh ra, chấp đó là Niết bàn của loài hữu tình.
4. Bản ngã không tham hỷ, trú tâm xả bỏ, đạt chính niệm, chính trí, tới tầng thiền thứ ba, lạc do xả mà sinh, chấp đó là Niết bàn của loài hữu tình.
5. Bản ngã xả cả lạc, diệt trừ cả hỷ, đạt vào tứ thiền, thiền này không còn khổ lạc, khổ khổ, xả niệm thanh tịnh, chấp đó là Niết bàn của loài hữu tình.

Lời kết

Kinh Phạm Võng được thuyết để chúng sinh điềm tĩnh trước mọi lời khen, chê, bên cạnh đó người tu hành cần tỉnh táo không rơi vào lưới chấp của người đời về các định nghĩa thế gian.

Sự phản ứng tâm trước lời khen, chê là cực kỳ nguy hiểm và có hại, khen là sự kích động của cái ngã mạn, chê là sự kích động của sân hận, người tỉnh thức phải hiểu rõ cái đúng là gì, sai ở đâu.

Cư sĩ Phúc Quang lược giải
***

TÀI LIỆU NGUỒN
Đại Tạng kinh Việt Nam - Trường Bộ kinh (Digha Nikaya)/ Tập 1 - Kinh Phạm Võng