Lịch sử Phật giáo Trung Quốc - Tại Đài Loan, Hồng Kông, Malaysia, Singapore, trong các xã hội Hoa kiều thì vẫn thịnh hành Phật giáo; đặc biệt là ở Đài Loan cho ấn hành bộ “Đại Chính Tạng” từ Nhật Bản và “Vạn Tục Tạng Bản(42)”, cũng cho biên soạn và ấn hành “Trung Hoa Đại Tạng Kinh”;

Chương XII PHẬT GIÁO THỜI THANH

Năm Vạn Lịch thứ 44 đời Minh Thần Tông (1616), Nỗ-nhĩ- cáp-xích thống nhất các tộc Nữ Chân vùng Mãn Châu lên ngôi Đại Hãn rồi lập quốc, đổi niên hiệu là Thiên Mệnh. Sau đó 30 năm, thì tiêu diệt nhà Minh, thống nhất Trung Quốc, đến khi Thiệu Trị nhập quan vào đất Trung Hoa, định đô ở Bắc Kinh. Bắt đầu triều đại nhà Thanh kéo dài hơn 300 năm trong lịch sử Trung Quốc.

1. Sự thống chế của triều Thanh đối với Phật giáo

Vương triều dị tộc với trình độ văn minh không được xán lạn như tộc Hán vì mục tiêu thống trị nên cũng thi hành nhiều chính sách cương nhu khác nhau. Ngoài Lạt Ma giáo được triều Thanh tín phụng ra, thì sự thống chế đối với các tôn giáo khác cũng tương đối khắc nghiệt. Để áp chế và thống ngự tư tưởng phản Mãn của dân tộc Hán, triều Thanh dùng chính sách lợi dụng chính văn hóa và tư tưởng Trung Quốc truyền thống để hướng đến lập trường có lợi cho mình.

Đặc biệt là việc lấy học thuyết của Chu Hy làm trung tâm, với những tư tưởng đề cao trung và hiếu là những luân lý của Nho giáo về trật tự phong kiến và chủ nghĩa uy quyền, được triều Thanh vận dụng để trở thành vũ khí có lợi cho việc giáo hóa dân chúng.

Truyền thống luân lý Nho giáo vốn khó dung hợp được với những tôn giáo ngoại lai, nên đối với Phật giáo đương thời phát triển hưng thịnh hơn Nho và Đạo và là nơi gửi gắm lòng tín ngưỡng của đại bộ phận thứ dân thì triều Thanh dùng chính sách cứng rắn là điều trong dự liệu.

Các hoàng đế triều Thanh, cũng bao gồm cả thời còn ở Mãn Châu, thì lập trường tôn trọng và tín ngưỡng đối với Phật giáo (Lạt Ma giáo) là vì chính sách đối nội để đạt mục tiêu chính trị của mình. Đặc biệt là việc vua Ung Chính đem cung điện của hoàng thái tử trang nghiêm thành chùa Lạt Ma cung Ung Hòa nổi tiếng ở Bắc Kinh. Bản thân Ung Chính cũng tự hiệu là cư sỹ Viên Minh, dùng thuyết Phật - Tiên nhất quán, chủ trương tam giáo đồng hành; điều hòa Thiền, Giáo, Tịnh.

Đối với kiến giải về Phật giáo, thì từ cuốn “Ngự Tuyển Ngữ Lục” do Ung Chính biên thuật có đề cập đến Tử Dương chân nhân của Đạo giáo cũng là người chứng nghiệm Thiền pháp, qua đó có thể thấy rõ ràng Ung Chính là nhân vật theo thuyết Phật - Đạo nhất trí. Ung Chính nghiêng tâm về Phật giáo nhưng không phải là chí tâm theo Phật.

Cũng như lời trong “Giản Ma Biện Dị Lục” viết để phản bác những ý kiến khác nhau giữa hai vị Pháp Tạng và Hoằng Nhẫn có nói: “Trẫm chủ thiên hạ, một lòng chấp trì hạnh tu-tề-trị-bình, thân cư ngoại sự, chứ không phải là người khai đường giảng pháp.” Ung Chính thẳng thắn nói không phải người nghiêng tín Phật giáo, mà có thể thấy đó chỉ là những kiến giải mà một đế vương nên có.

Dưới thời Thuận Trị, thì cơ quan phụ trách xử lý các vấn đề về Phật và Đạo cũng phỏng theo chế độ tôn giáo thời Minh, cho thiết lập Tăng quan và Đạo quan. Về phương diện Phật giáo thì từ trung ương đến địa phương chia lập thành các Ty Tăng lục, Tăng cương, Tăng chính, Tăng hội. Địa vị tăng quan tối cao là người đứng đầu Ty Tăng lục, nhưng cũng chỉ tính tới chính hàm lục phẩm, phẩm vị thấp kém nên tính quan trọng về mặt hành chính của các cơ quan xử lý các vấn đề về tăng lữ không được suy xét đến.

Giáo đoàn Phật giáo chịu sự ước thúc nội tại do phẩm vị thấp kém nên có ảnh hưởng đến các hoạt động Phật sự như xây dựng chùa chiền hoặc xuất gia độ tăng ni. Phật giáo dưới sự quản chế như vậy nên các hoạt động tôn giáo dần bị mất đi tính tự chủ. Đó cũng là kết quả tất yếu của việc đứng trên lập trường quốc gia Nho giáo để đánh giá Phật giáo mà ra.

Ví như, năm Thuận Trị thứ hai đời Thanh Thế Tổ (1645), cấm chỉ tăng ni và đạo sĩ cư trú cùng với người tục, cũng không được tổ chức các hoạt động quyên góp tiền bạc trên đường. Năm Khang Hy thứ 16 đời Thanh Thánh Tổ (1677), cấm chỉ các chùa ở kinh thành tổ chức thuyết pháp cho dân.

Thực thi các lệnh cấm như vậy để chỉnh đốn kỷ cương nam nữ hỗn tạp, đồng thời cũng cách ly tự viện với dân chúng. Dưới tình hình giáo hóa dân chúng đó, có thể nhìn ra những điểm và phương pháp cụ thể của những chính sách đặc thù của người Mãn đưa ra để thống trị người Hán.

2. Sự giáo hóa dân chúng dưới triều Thanh

Trong quá trình thống trị văn hóa, vì mục đích bảo hộ và duy trì sự cầm quyền của mình, có một điều đáng chú ý là triều đình Mãn Thanh đã thi hành một chính sách giáo hóa đối với tầng lớp thứ dân vốn xưa nay không chịu sự gò bó. Tầng lớp thống trị lo rằng, những bất mãn về chính trị có thể dẫn tới sự phản loạn mang tính tôn giáo phát sinh ở tầng lớp thứ dân.

Triều Thanh vì để điều hòa những mâu thuẫn chính trị, đồng thời trị tận gốc những mầm mống phản loạn mang tính tôn giáo, bèn dùng phương pháp giáo hóa dân chúng, trực tiếp hiệu triệu hạ tầng xã hội, phổ cập quan điểm đạo đức Nho giáo phong kiến, để đạt được mục tiêu chính trị thẩm thấu uy quyền.

Những nội dung cụ thể có thể thấy như: Năm Khang Hy thứ chín đời Thanh Thánh Tổ (1670), cho ban “thánh dụ” 16 điều; năm Ung Chính thứ hai đời Thanh Thế Tông (1724), lại cho mở rộng nội dung thành “thánh dụ quảng huấn” để truyền tán khắp nước. Từ đó cho tới những năm cuối Quang Tự đời Thanh Đức Tông (1908), mỗi dịp “sóc vọng(35)” hằng tháng, các địa phương lại mở các hội để tuyên giảng “thánh dụ quảng huấn”, lâu dần trở thành một phong tục dân gian.

Điều thứ bảy trong đó có viết về “truất dị đoan dĩ sùng chính học” – bài trừ dị đoan để sùng kính cái học chân chính, có đả kích Phật giáo như sau: “Vọng thuyết nói một người xuất gia chín họ được sinh về cõi trời; nói những thuyết trống rỗng không thật như địa ngục, luân hồi, báo ứng để lừa người; làm các hội Long Hoa, Vu Lan Bồn, cứu khổ cô hồn, nam nữ hỗn độn, chẳng phân ngày đêm, giảng kinh thuyết pháp để mưu lợi; thậm chí đến kết bè kết đảng, chống nghịch lại đại nghĩa danh phận(36), dối nước lừa dân.”

Cho dù Ung Chính và người Mãn Châu tín phụng Lạt Ma giáo, nhưng đối với chính sách tôn giáo cho người Hán thì lại có khác biệt. Người thống trị Mãn tộc mượn uy quyền của Nho giáo để giáo hóa xã hội người Hán. Ngừng, cấm các hoạt động giáo hóa xã hội của tăng ni, cách ly tăng lữ với xã hội bên ngoài, tiếp đó là dùng pháp lệnh, cấm chỉ đàn bà, con gái đến chùa miếu bái lạy, nếu phạm phải thì người thường trụ ở chùa miếu phải chịu phạt.

Những hình thức đó tác động như thế nào đến xã hội? Từ cuối thời Đường về sau, trong dân gian Trung Quốc hình thành tín ngưỡng dân gian hỗn dung tam giáo Nho, Phật, Đạo; đem giáo nghĩa Phật và Đạo cải biên thành giáo nghĩa bình thường rồi phổ biến. Dưới triều Minh thường gọi là những “sách thiện” (thiện thư), đến triều Thanh tuy chính phủ cách ly tôn giáo và dân gian nhưng cũng có nhiều “sách quý” (bảo quyển – theo cách gọi của các nghệ nhân ca hát) được dân gian ưa chuộng.

Đó đều là những tác phẩm được “biến văn” chuyển hóa từ văn thư Đôn Hoàng mà có. Người Hán dưới sự thống trị của chính quyền dị tộc, nảy sinh những phản kháng về mặt ý thức, như La giáo (Vô Vi giáo), hoặc như bè đảng mang tính tôn giáo bí mật mà trung tâm là loạn đảng của Bạch Liên giáo và Thái Bình Thiên Quốc vào năm đầu Gia Khánh đời Thanh Nhân Tông (1796). Những tôn giáo dân gian này cho dù bị chính quyền cấm chỉ nhưng vẫn khởi sự ở các địa phương.

Đó là do chính sách cách ly tôn giáo chính thống của chính phủ nhà Thanh mà tạo nên sự phản kháng để dẫn đến hình thức hoạt động bè đảng bí mật như vậy.

Chính phủ thi hành chính sách bên trên, cố ý khinh thường Phật giáo của người Hán, dần dần hình thành tư tưởng coi thường Phật giáo. Lại do tự thân tố chất tăng tài không cao nên dần dần đánh mất sự tôn kính của xã hội đối với Phật giáo.

Đương thời cũng xuất hiện nhiều câu châm biếm, phỉ báng như “hết đường mới cạo đầu làm hòa thượng” (không thể mưu sinh được mới xuất gia làm tăng), “hòa thượng thấy tiền, kinh cũng bán” (hòa thượng cũng là vì tiền mà bán kinh), “mười ni cô thì chín người là con hát, còn lại một người là bị điên” (trong mười người ni cô, không có một người thanh tịnh), “địa ngục môn tiền tăng đạo đa” (trước cửa địa ngục, phần nhiều là tăng đạo).

Những lời phỉ báng như vậy chưa hẳn đã phản ánh hiện thực nhưng xét đến bối cảnh xã hội sản sinh ra những lời châm biếm có thể thấy được phần nào thực trạng Phật giáo thời Thanh. Lúc đó tăng lữ không còn được coi là bậc mưu xuất trần phương ngoại nữa mà đa số đã bị pháp thế tục chi phối rồi.

3. Thực trạng giáo đoàn

Theo ghi chép thì trong khoảng năm Khang Hy (1662-1722) hai nhà Phật - Đạo vẫn có sắc lệnh cho xây dựng 6.073 chùa miếu lớn, 6.049 chùa miếu nhỏ; chùa miếu tư có 8.458 ngôi lớn, 58.682 ngôi chùa miếu nhỏ. Tổng số tăng ni là 120.000 người.

Đó là một giáo đoàn lớn về số lượng nhưng nội dung thì đáng tiếc, tăng chúng đa phần vô trí; người có thể thành thục các bộ Lương Hoàng Sám, Thủy Lục Sám, Quan Âm Sám, Địa Tạng Sám đã không có nhiều; cũng quá ít những người chân tu chuyên cần học Phật, sống đời tu hành giản phác chân thật của bậc xuất gia.

Đặc biệt dưới thời Ung Chính, phế bỏ chế độ độ điệp thi cử kinh điển, cho đến tòng lâm trong thập phương các xứ đều được tùy ý khai lập giới đàn, để bọn du thủ rỗi nhàn vô lại vào trá hình tu học, hoành hành trong tăng giới càng lúc càng nhiều. Những tác động của việc phế bỏ chế độ thi cử kinh điển và cấp độ điệp mang đến những hậu quả và là sự thực không thể phủ nhận.

4. Các tông phái Phật giáo thời Thanh

Theo dòng phát triển và diễn biến của Phật giáo thời Minh, Phật giáo đầu thời Thanh, Thiền tông mà đặc biệt là tông Lâm Tế phát triển hưng thịnh nhất. Ba hệ phái Thiên Đồng Viên Ngộ, Khánh Sơn Viên Tu, và Đông Khê Tính Xung dưới tông Lâm Tế, tăng tài bối xuất, đồng thời nhận được sự tôn kính của quân chủ các đời và đảm nhận được sứ mệnh lãnh đạo Phật giáo thời Thanh.

Chùa Thiên Ninh ở Thường Châu

Các chùa lớn như chùa Kim Sơn ở Trấn Giang, chùa Cao Mân ở Dương Châu, chùa Thiên Ninh ở Thường Châu, chùa Thiền Nguyên ở núi Tây Thiên Mục, chùa Linh Ẩn ở Hàng Châu, chùa Hoằng Pháp ở núi Thiên Đồng, Ninh Ba là những chùa lớn mang tính đại biểu vùng Giang Nam và là nơi hoạt động mạnh mẽ của các vị danh tăng của ba hệ phái vừa kể. Các vị tăng nhân đại diện có pháp sư Thiên Đồng Đạo Mân (道忞), pháp sư Hàm Phác Tính Thông, và pháp sư Ngọc Lâm Thông Tú.

Pháp sư Thiên Đồng Đạo Mân (1596-1674), là môn hạ dưới pháp sư Viên Ngộ 14 năm, là một trong những vị ưu tú nhất trong 12 người theo học, từng được vua Thuận Trị triệu vào cung luận pháp ở điện Vạn Thiện, chi tiết xem cuốn “Tam Thế Tấu Đối Lục” và “Hoằng Giác Mân Thiền Sư Bắc Du Tập”. “Hoằng Giác Mân Thiền Sư Bắc Du Tập” sau bị Ung Chính coi là sách thừa lúc sai sót mà bất kính nên cho hủy.

Pháp sư Hàm Phác Tính Thông (1610-1666), là huynh đệ đồng môn với pháp sư Đạo Mân, pháp sư trụ tại chùa Hải Hội ở Bắc Kinh, do vì hướng dẫn vua Thuận Trị tham thiền mà nổi danh. Pháp sư Tính Thông truyền Thiền pháp của mình lưu truyền về phương Bắc.

Pháp sư Ngọc Lâm Thông Tú (1614-1675) xuất từ dòng Khánh Sơn Viên Tu, vua Thuận Trị quy y nơi pháp sư, tặng hiệu là Đại Giác Thiện Tế Năng Nhân quốc sư. Sau khi pháp sư tịch 60 năm, những ngữ lục của pháp sư được vua Ung Chính biên soạn lại vào quyển 11 “Ngự Tuyển Ngữ Lục”. Pháp sư khai đường thuyết pháp trải 40 năm, được triều đình tôn kính, sau cùng tịch tại am Từ Vân ở Hoài An.

Những năm đầu nhà Thanh lập quốc, tuy là vẫn tôn kính tăng lữ người Hán nhưng là vì để bảo hộ uy quyền của hoàng thất Mãn Châu, thực sự Thiền môn cũng có những sự vụ đáng tiếc. Ví như pháp sư Tam Phong Pháp Tạng (1573-1635) và thầy mình là pháp sư Thiên Đồng Viên Ngộ có những ý kiến khác biệt về vấn đề tính giác, viết bộ “Ngũ Tông Nguyên”; pháp sư Viên Ngộ bèn viết “Tịch Vọng Cứu Lược Thuyết” để luận bác.

Đệ tử pháp sư Pháp Tạng là pháp sư Hoằng Nhẫn lại viết “Ngũ Tông Cứu” để biện hộ cho thầy mình, vì thế mà thành một sự việc lớn trong giới Phật giáo cuối thời Minh đầu thời Thanh. Sau vua Ung Chính viết luận can thiệp, đồng thời lệnh cho quan lại đem những trước thuật của pháp sư Pháp Tạng và Hoằng Nhẫn đi hủy.

Lý do là bởi hai vị chỉ trích giới Thiền tăng kết giao với tầng lớp sĩ đại phu làm Thiền môn trì trệ, lại thảo luận vấn đề tông chỉ Thiền–Tịnh dung hợp là để cổ xúy Tịnh Độ, chủ trương phải không chấp không luận, để quay về trọng thực tiễn.

Đồng thời đứng trên lập trường của hoàng đế Mãn Châu, làm rõ quan niệm Phật giáo đối với người Hán, cũng là uy quyền chỉ đạo áp chế, dùng đế quyền để áp bức Thiền môn, kết quả là dẫn đến Thiền môn dần bị khô héo, nó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến thực trạng Thiền-Tịnh dung hợp lấy niệm Phật là pháp môn chủ yếu của Phật giáo Trung Quốc ngày nay.

Tông Tào Động không được phát triển hưng thịnh như tông Lâm Tế, một vài chùa nổi tiếng còn lưu được chút danh như chùa Cổ Sơn ở Phúc Châu, chùa Quy Nguyên ở Hán Dương, chùa Định Huệ ở Tiêu Sơn Trấn Giang.

Danh tăng thời đó thì có thể kể đến pháp sư Đạo Bái Vi Lâm (1615-1702), sở học của pháp sư thông cả nơi Thiên Thai và Hoa Nghiêm; có viết các bộ “Hoa Nghiêm Sớ Luận Yếu Ngữ”, “Nhân Vương Bát Nhã Kinh Hợp Chú”, “Hoàn Sơn Lục”, “Xan Hương Lục”.

Đặc biệt là cuốn “Tào Động Tông Chỉ Tục Tông” giám định vào khoảng năm Gia Tĩnh (1522-1566) có tìm ra chỗ sai sót, sau được pháp sư Nguyên Hiền chùa Cổ Sơn biên soạn thành “Động Thượng Cổ Triệt”, sau được pháp sư Đạo Bái trùng biên thành khuôn cách mô phạm để nhìn tông phong Tào Động.

Học giả đại biểu tông Hoa Nghiêm nổi tiếng thời Thanh là pháp sư Bách Đình Tục Pháp (1641-1728), pháp sư có trước thuật bộ 48 quyển “Hiền Thủ Ngũ Giáo Nghi Khoa Chú”, lại có bộ “Hoa Nghiêm Tông Phật Tổ Truyện” tổng cộng hơn 600 quyển. Trung Quốc thời cận thế, các tông phái không có được sự tổ chức rõ ràng như Nhật Bản, cũng không tập trung vào chấn hưng tông thế mà rất nhiều người đều nghiêng về mặt học thuật, như cư sỹ Dương Nhân Sơn cũng chủ trương “giáo thì học nơi Hiền Thủ, hành thì nơi Di Đà”.

Tịnh Độ tông chiếm một vị trí quan trọng trong lịch sử Phật giáo thời Thanh, như trong câu tục ngữ “nhà nhà (thờ) Quán Thế Âm, nơi nơi (cúng) Phật Di Đà” có thể biết được sự phổ cập của pháp môn Tịnh Độ, tín ngưỡng Quán Âm đi cùng với tín ngưỡng Di Đà. Các tông Thiền, Luật, Thiên Thai, Hoa Nghiêm từ sau thời Tống, Nguyên cũng đều kiêm tu cả pháp môn niệm Phật, nên pháp môn Tịnh Độ chiếm vị trí độc tôn trong giới tăng lữ và cư sỹ Phật giáo là điều mà ai cũng biết.

Đầu thời Thanh, có pháp sư Tỉnh Am Thực Hiền (1686-1734) trước tu học Luật và Thiên Thai, sau cũng quy về Tịnh Độ, pháp sư chia thời gian một ngày làm 20 phần: mười phần để niệm Phật, chín phần tác quán, một phần còn lại để lễ sám. Như trong ghi chép của “Tịnh Nghiệp Đường Quy Ước” thì pháp sư là một vị một đời chuyên trì niệm Phật, tuy thế thọ chỉ có 49 tuổi nhưng được tôn làm một trong Liên tông cửu tổ.

Pháp sư có nói: “đến bậc đại thượng thủ của Thiền môn như ngài Vĩnh Minh Diên Thọ đại sư mà còn quy tâm về Tịnh Độ, huống hồ kẻ phúc huệ thiển bạc lại càng phải tuân thừa”, do đó mà pháp sư chuyên tu Tịnh nghiệp. Khuynh hướng coi trọng pháp môn niệm Phật này là do Ung Chính lấy ngài Vân Thê Liên Trì làm khuôn phép, dưới sự lý giải và ủng hộ của giai cấp thượng tầng, không lâu sau, sự hoằng truyền pháp môn Tịnh Độ đã lan rộng khắp nước.

Phong trào cư sỹ Phật giáo là một điểm đặc sắc của Phật giáo thời Thanh cũng chịu sự ảnh hưởng lớn của khuynh hướng này. Ngoài ra, Luật tông và Thiên Thai tông tuy cũng được lưu truyền nhưng bị tông phong Thiền - Tịnh dung hợp lấn áp.

5. Cư sỹ Phật giáo

Như đã trình bày bên trên, chính phủ dùng uy quyền Nho giáo cưỡng chế thi hành chính sách giáo hóa dân chúng khiến cho giáo đoàn Phật giáo dần mang tính bảo thủ và không thể theo kịp sự phát triển hướng tiền của xã hội cận đại; tố chất tăng tài trong nội bộ giáo đoàn giảm sút, giáo đoàn rơi vào trạng thái suy yếu toàn diện. Nhưng có một đặc điểm của Phật giáo Trung Quốc thời cận thế đó là sự tìm hiểu và tiếp nhận Phật giáo của tầng lớp sĩ đại phu trí thức trong xã hội dần dần trở thành phong trào cư sỹ Phật giáo.

Trong bối cảnh mà một bên là học giả các tông phái Phật giáo (các vị xuất gia) bị cách ly với xã hội, một bên là tín ngưỡng dân gian và hướng mê tín dị đoan thấp kém của tầng lớp thứ dân, xuất hiện một bộ phận trí thức đọc sách có nền tảng giáo dưỡng truyền thống Nho giáo, dùng thân phận cư sỹ để giữ gìn mệnh mạch của Phật giáo thời cận thế, đó là đóng góp và vai trò không thể nghi ngờ của bộ phận cư sỹ trí thức thời bấy giờ.

Các cư sỹ đại biểu đầu thời Thanh như: cư sỹ Tất Kì và Tường Thế Long quy y Thiền tông, bên Tịnh Độ tông có cư sỹ Chu An Sĩ Mộng Nhan và Bành Tế Thanh Thiệu Thăng, đều là những nhà tôn giáo mà đạo đức và học vấn đều kiêm bị.

Cư sỹ Bành Tế Thanh (1740-1796) nhân vì ngưỡng mộ sự tích Lưu Di Dân và Cao Trung Hiến tu học tại chùa Đông Lâm ở Lư Sơn nên lấy tự hiệu là “Nhị Lâm Cư Chủ Nhân”, một đời chân thành hành trì pháp niệm Phật, lại từ các trước tác như “Cư sỹ Truyện”, “Thiện Nữ Nhân Truyện”, “Tịnh Độ Thánh Hiền Lục”, “Nhất Hạnh Cư Tập”, “Hoa Nghiêm Niệm Phật Tam Muội Luận” có thể thấy được cốt tủy của cư sỹ Phật giáo.

Cư sỹ chịu ảnh hưởng Hoa Nghiêm nơi học giả Lý Thông Huyền (Đường), Thiền học nơi ngài Vĩnh Minh Diên Thọ (Đường-Ngũ Đại), tiến nhập pháp Tịnh Độ nơi ngài Vân Thê Liên Trì và ngài Hám Sơn Đức Thanh, lại viết cuốn “Tịnh Độ Tam Kinh Tân Luận” để hướng dẫn việc niệm Phật.

Ngoài ra còn có nhiều vị khác như Trịnh Học Xuyên, Cung Tự Trân, Ngụy Nguyên, Đàm Tự Đồng và nhiều người khác, trong đó có nhiều vị xuất thân từ tầng lớp sĩ đại phu vùng Giang Nam.

6. Thái Bình Thiên Quốc và sự hủy hoại Phật giáo cuối Thanh

Có người cho rằng Thái Bình Thiên Quốc là phong trào cách mạng tiên phong của dân tộc Trung Hoa, nhưng Hồng Tú Toàn đề xướng Thái Bình Thiên Quốc còn bị gọi là phản loạn. Bởi trên phương diện tôn giáo, Thái Bình Thiên Quốc tín phụng thượng đế, nên đối với tượng Phật, chùa miếu đều cho thi hành chính sách phá bỏ triệt để.

Do vậy mà phá hoại hoa viên Phật giáo vùng Giang Nam tại Hàng Châu, Tô Châu, Nam Kinh, và Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Nam, Hồ Bắc, Giang Tô, Chiết Giang, Phúc Kiến, Vân Nam, Quý Châu cũng đều bị phá hủy tận gốc.

Những nơi quân đội đi qua thì chùa chiền bị thiêu đốt, tượng Phật, kinh sách đều bị phá hủy. Sau vụ việc đó, thì tinh thần cốt lõi bên trong của Phật giáo Trung Quốc cũng không còn, ngoại hình bên ngoài cũng dần bị mất hẳn. Sau đó tướng quân của Tăng Quốc Phiên sau khi bình loạn Thái Bình Thiên Quốc cho xây dựng chùa Tỳ Lư ở Nam Kinh để tế anh linh chiến sĩ tử trận, đồng thời cho dựng lại chùa Kim Sơn ở Trấn Giang.

Sau đó do sự nỗ lực của rất nhiều tăng lữ và tín sĩ thập phương mà nhiều chùa bị phá được phục dựng lại, nhưng điều đáng tiếc là đem chủ lực phục dựng lại ngôi già lam mà bỏ quên đi phần tinh thần tôn giáo sống động đã bị chìm lấp, mai một.

7. Cư sỹ Dương Nhân Sơn

Cư sỹ Dương Nhân Sơn là người cuối thời Thanh, tên là Văn Hội (1837-1911), người Thạch Đại, An Huy. Thuở nhỏ lớn lên trong truyền thống bút nghiên, lúc loạn Thái Bình Thiên Quốc từng làm công tác huấn luyện Nghĩa Dũng binh.

Năm 28 tuổi, nhân vì ở quê chịu tang cha mà bị bệnh, vô tình đọc được bộ “Đại Thừa Khởi Tín Luận” thấy khởi ngộ nhiều điều, sau lại đọc các bộ “Kim Cang Kinh”, “Lăng Nghiêm Kinh”, mà tiếp nhập Phật môn; sau khi trải qua thứ tự các bộ “Đại Thừa Khởi Tín Luận”, “Pháp Hoa Kinh”, “Hoa Nghiêm Kinh”, Duy Thức, rồi quy tâm về Tịnh Độ.

Khi còn làm công vụ ở Anh quốc có kết giao với tiến sĩ Nam-điều-văn-hùng người Nhật, nhân đó mà lên kế hoạch thỉnh lại các Phật điển chương sớ bị loạn Thái Bình Thiên Quốc thiêu hủy nhưng ở Nhật Bản vẫn còn lưu truyền.

Đến năm Quang Tự thứ 23 đời Thanh Đức Tông (1897) lập xưởng khắc in ở Kim Lăng, dưới sự phát tâm gian khổ, đã khắc và cho xuất bản tổng cộng hơn 2.000 quyển Phật điển, bổ sung lại số đã mất thời chiến loạn, trợ giúp không nhỏ cho cơ vận và sự phục hưng của Phật giáo Trung Quốc. Những trước tác của cư sỹ được biên soạn thành bộ “Dương Nhân Sơn Cư sỹ Di Trước”, gồm 10 quyển.

8. Sự xuất bản Đại Tạng Kinh

Triều đình nhà Thanh đứng trên lập trường quan điểm thi hành chính sách văn hóa đối với người Hán nên dưới thời Khang Hy cho tiếp tục công tác khắc in Vạn Lịch bản từ thời Minh, gọi là “Tục Tạng Kinh”, “Vạn Tục Tạng Kinh(37)”. Tiếp đến thời Ung Chính và Càn Long, có sắc lệnh cho in khắc “Đại Tạng Kinh” Hán văn tại Bắc Kinh, năm Càn Long thứ 13 đời Thanh Cao Tông (1748), ngự bút viết lời tự “ngự chế trùng san tạng kinh tự”, đến tháng 12 cùng năm thì hoàn thành toàn bộ, tổng cộng 7.838 quyển.

Do vì đóng thùng kinh tạng đều có ngự chế kèm theo một tấm long bài nên gọi là “Long Tạng”. Hiện trong thư viện của trường đại học Kinh Đô Long Cốc tại Nhật Bản (Ryukoku University - Kyoto) còn lưu giữ một bộ “Long Tạng” hoàn chỉnh, là do Tây thái hậu (Từ Hy) tặng chùa Tây Bản Nguyện.

Ngoài ra, căn cứ vào bản Vĩnh Lạc “Tây Tạng Đại Tạng Kinh” được xuất bản dưới mệnh lệnh của Minh Thành Tổ, vua Thần Tông cho trùng san “Tây Tạng Đại Tạng Kinh” và gọi là bản Vạn Lịch, Khang Hy cũng cho tái bản bản Vĩnh Lạc, Càn Long viết lời tự rồi in bổ sung. Nhưng đó chỉ thuộc về Cam- châu-nhĩ (tức Kinh Luật), nên đến thời Ung Chính cho san hành Đan-châu-nhĩ (tức Luận sớ), “Tây Tạng Đại Tạng Kinh” bắt đầu được hoàn bị.

Ngoài ra, căn cứ theo kế hoạch của Càn Long, đem “Đại Tạng Kinh” Hán văn dịch ra tiếng Mãn Châu, hoàn thành vào năm Càn Long thứ 55. Đó đều là những công việc văn hóa mà triều đình Mãn Thanh thực hiện, cũng là một trong những biện pháp phục vụ chính sách thống trị.

Trong dân gian cũng phải kể đến việc dịch và in bản tạng kinh sang chữ Nhật, gọi là “Tần Già Tạng” tại Thượng Hải, đó là bộ tạng kinh đầu tiên dùng kĩ thuật chữ ghép bằng kim loại (金屬活字- type metal printing). Trong giới Phật giáo mà nói thì sự xuất bản của “Tần Già Tạng” có ý nghĩa trọng đại hơn cả sắc lệnh in “Đại Tạng Kinh”.

Chương XIII PHẬT GIÁO THỜI TRUNG HOA DÂN QUỐC (SAU 1911)

Sau chiến tranh Nha Phiến (1840) và loạn Thái Bình Thiên Quốc, trào lưu dân chủ chủ nghĩa được mầm mống khắp các địa phương ở Trung Quốc, do chủ nghĩa tư bản không ngừng tiến hành xâm lược lãnh thổ và kinh tế Trung Quốc, chính quyền Mãn Thanh dần bất lực trước thời đại nên gốc nền cơ nghiệp chính trị 300 năm của triều Thanh bắt đầu bị lay động.

Đặc biệt là sau chiến tranh Giáp Ngọ(38) (1894) và chính biến Mậu Tuất(39) (1898) có một thời gian ngắn thấy được cơ vận tiến hành cải cách duy tân, nhưng do sự chuyên quyền của thái hậu Từ Hy và sự giác tỉnh của người Hán nên sau đó đã chấm dứt sự thống trị của vương triều Mãn Thanh. Cuộc Cách Mạng Tân Hợi khởi sự vào năm Tuyên Thống thứ ba Thanh Phổ Nghi (1911), thành lập nên nước Trung Hoa Dân Quốc.

1. Miếu sản hưng học (40)

Do vì tố chất tăng tài Phật giáo thấp, không có người hướng dẫn Phật giáo phát triển bước kịp thời đại, làm Phật giáo bị mất đi sức sống và dần đứng ở bên lề xã hội. Nên trong cái nhìn của bộ phận tri thức thông thường giữa lúc nhu cầu cần thiết phải thiết lập các cơ cấu giáo dục quốc gia để thích ứng với thời đại thì những nơi chùa miếu vốn là nơi cư trú của tăng ni lười biếng và để lãm cảnh trở thành đối tượng để thực hiện mục tiêu giáo dục.

Năm Quang Tự thứ 24 đời Thanh Đức Tông (1898), tổng đốc vùng Hồ - Quảng là Trương Chi Động chủ trương Trung học (Quốc học) là thể, Tây học (Dương học) là dụng; phải cấp tốc thực thi nền giáo dục mới để cứu vãn tình thế đương thời. Sau đó, có viết hai quyển “Khuyến Học Thiên” trình lên vua, kiến nghị dùng các kiến trúc và đất đai của các cơ sở chùa Phật và Đạo quán để làm nơi dạy học.

Cuối Thanh đầu Dân Quốc thực thi phong trào “miếu sản hưng học” làm chấn động cả giới Phật giáo Trung Quốc; đồng thời rất nhiều thân hào sĩ phu ở các địa phương nhân đó mà công khai chiếm dụng tài sản, đất đai của chùa miếu. Tuy có phong trào Bách Nhật Duy Tân do vua Quang Tự đích thân cải cách nhưng gặp phải sự chống đối của phe thủ cựu do Từ Hy thái hậu trấn áp, phong trào “miếu sản hưng học” sau đó vẫn được tiếp tục diễn ra.

Những năm đầu Dân Quốc, tình hình xã hội có những biến chuyển vô cùng to lớn về các mặt chính trị cách mạng, tư tưởng cách mạng, văn học cách mạng, không những có mục tiêu để chuyển dụng chùa chiền và tài sản mà còn hình thành một loại tư tưởng là xã hội mới không cần thiết phải có những thứ như chùa chiền và tăng ni nữa.

2. Đả đảo mê tín và vận động phản tôn giáo

Thời kỳ đầu làm cách mạng, tuy từng có Khang Hữu Vi chủ trương cuộc vận động dùng Nho giáo làm quốc giáo, nhưng sau đó các nhân vật lãnh tụ thanh niên của cách mạng phần nhiều theo tư tưởng đả đảo tất cả văn hóa cũ để làm các bước thúc đẩy Trung Quốc cận đại hóa. “Tân Thanh Niên” của Trần Độc Tú phản đối tôn sùng Khổng Tử, cũng bộc lộ tư tưởng phản đối dùng Nho giáo làm quốc giáo.

Ngày 4 tháng 5 năm Dân Quốc thứ tám (1919), bước đầu tiên của cuộc vận động phản đối chủ nghĩa đế quốc công khai nổ ra tại Bắc Kinh; sử gọi là phong trào Ngũ Tứ, đã triệt để phê phán tam giáo Nho, Phật, Đạo cùng các loại hình tôn giáo dân gian mê tín khác và thành tố văn hóa xã hội cũ. Phong trào này là cuộc vận động chủ trương là để đả đảo mê tín và đạt tới cao trào nhất diễn biến thành cuộc vận động phản tôn giáo, trực tiếp phá hoại các cơ sở chùa miếu.

Sau khi Tôn Trung Sơn qua đời (1925), dưới sự lãnh đạo của Tưởng Giới Thạch, Quốc Dân Đảng thống nhất toàn bộ Trung Quốc (1928), tiến hành phong trào vận động văn hóa mới đối với các giai tầng trong xã hội. Từ cơ nền của học thuyết Tam Dân, công bố pháp lệnh cấm chỉ các hoạt động mê tín xem bói, bốc quẻ, chiêm tinh; những hoạt động như vậy ở các chùa miếu, đạo quán và các cơ sở tín ngưỡng dân gian đều bị coi là mê tín và bị phế bỏ.

Do đó, các tượng Phật, tượng Thần ở các chùa chiền, miếu Thành Hoàng đều bị hủy hoại. Năm Dân Quốc thứ 19 (1930), chính phủ cho ban hành các điều lệ về việc quản lý chùa chiền miếu mạo, trong đó quy định các cơ sở tôn giáo tín ngưỡng căn cứ vào tài sản vật chất nhiều ít để chuyển đổi thành các cơ sở giáo dục, thư viện, viện cứu tế xã hội (viện cô nhi, viện dưỡng lão…), cho đến thành các công xưởng, hợp tác xã.

Lúc đó, phong trào “miếu sản hưng học” đã dần dần trở thành công khai; đề án thu hồi tài sản của các cơ sở thờ tự làm nguồn tài chính bổ sung cho giáo dục do giáo sư Thai Sảng Thu thuộc trường đại học Trung Ương nêu ra tại đại hội giáo dục toàn quốc cũng được chính phủ thông qua.

3. Cơ cấu tổ chức Phật giáo và giáo dục tăng tài

Cuối đời Thanh về sau, giới Phật giáo bị tấn công mạnh mẽ về phương diện tư tưởng và kinh tế. Phật giáo Trung Quốc trải qua một thời kỳ “ngủ quên” lâu dài, vì mục tiêu cải cách để ứng biến với những biến đổi to lớn của xã hội nên đến thời kỳ này cũng xuất hiện những vị tăng nhân có kế hoạch cải cách Phật giáo.

Năm đầu Dân Quốc (1912), Thiền sư Kính An ở chùa Thiên Đồng, tỉnh Chiết Giang (1851-1912) triệu tập các vị tăng nhân ở Giang Tô và Chiết Giang tổ chức phong trào “tân Phật giáo”, lập Tổng hội Phật giáo Trung Quốc tại Thượng Hải, đề ra thỉnh cầu chính phủ lâm thời bảo hộ các giá trị kiến trúc văn hiến của chùa chiền.

Thiền sư Kính An đem theo văn kiện quyết nghị của Tổng hội đến Bắc Kinh vào giữa lúc mà phong trào đang lớn mạnh, sau đó vì ưu phẫn mà qua đời. Thiền sư lúc còn tu hành từng có hạnh đốt hai ngón tay để cúng dường chư Phật nên nổi tiếng với danh hiệu “bát chỉ đầu đà”.

Tháng Năm năm thứ hai (1913), nhóm pháp sư Đạo Giai chùa Pháp Nguyên ở Bắc Kinh tổ chức Trung Ương Phật giáo Công Hội với mục tiêu đoàn kết tất cả các chùa chiền Phật giáo trong toàn quốc, nhưng đáng tiếc sau đó Viên Thế Khải xưng hoàng đế rồi lại thoái vị khiến cục diện chính trị trở nên hỗn loạn nên không đạt được mục đích như dự kiến.

Tổ chức giáo đoàn Phật giáo ở Trung Quốc không giống với hình thức tổ chức theo tông phái tại Nhật Bản, lại do vì giới Phật giáo Trung Quốc bị cách ly với xã hội bên ngoài trong thời gian dài nên tư tưởng liên hợp tất cả các tự viện Phật giáo trong toàn quốc là một bước đi đột phá để ứng biến với sự thay đổi to lớn của xã hội vào cuối thời Thanh.

Do vì nội bộ giáo đoàn không thống nhất nên phong trào đại liên hợp Phật giáo phải đến năm Dân Quốc thứ 13 (1924) khi đại sư Thái Hư đề xướng tổ chức Hội Liên Hợp Phật giáo Trung Quốc mới có được chuyển biến mới. Tháng Bảy năm 1924, đại sư Thái Hư tổ chức Hội Liên Hiệp Phật giáo Thế Giới ở Lư Sơn, có sự tham gia của phái đoàn Nhật Bản như pháp sư Tá- bách-định-dận và Mộc-thôn-thái-hiền.

Vì để đối phó với tình hình “miếu sản hưng học” và đả phá mê tín ở khắp các địa phương mà cần kíp phải thiết lập các phân hội và đều thu được các thành quả nhất định. Năm Dân Quốc thứ 18 (1929), lần đầu tiên Hội nghị Phật giáo Trung Quốc được tổ chức tại Thượng Hải với sự tham gia của một số vị lãnh đạo chủ chốt như pháp sư Viên Anh, pháp sư Thái Hư, pháp sư Đại Bi, pháp sư Đế Nhàn, pháp sư Ấn Quang, cư sỹ Vương Nhất Đình.

Nhưng trong nội bộ chia làm hai luồng tư tưởng: một bên là phái cải cách cấp tiến của pháp sư Thái Hư, một bên là phái bảo thủ của pháp sư Viên Anh. Sau đó không lâu, pháp sư Thái Hư rời khỏi hội và tổ chức Trung Quốc Phật Học Hội ở Nam Kinh, chủ trương cải cách và đoàn kết Phật giáo đồ.

Vì nhu cầu nhân tài để làm việc cho tổ chức liên hợp Phật giáo đồ nên đặt mục tiêu vào việc giáo dục tăng ni, mở các Phật học viện quy mô như Hàng Châu Tăng Học Viên, Mân Nam Phật Học Viện, Mã Sơn Phật Học Viện, Vũ Xương Phật Học Viện để giáo dục tăng tài. Việc thiết lập các học viện Phật giáo như một động thái phản tỉnh đối với hình thái tăng sĩ Phật giáo không theo định quy ở thời kỳ trước.

Chính phủ Dân Quốc hoàn thành đại nghiệp thống nhất Trung Hoa, có những thành tựu nhất định và trở thành nước có diện tích lớn nhất Á Châu lúc bấy giờ. Ở phương diện khác, Nhật Bản trở thành một trong năm cường quốc trên thế giới, tiềm lực quốc gia tăng mạnh và sau đó tiến hành cuộc xâm lược Mãn Châu lập nên chính quyền mới, đẩy hai nước Trung- Nhật đứng trước nguy cơ chiến tranh.

Trong tình thế căng thẳng như vậy, năm Dân Quốc thứ 25 (1936), dưới sự chỉ đạo của Trung ương Quốc Dân Đảng, Hội Phật giáo Trung Quốc cũng tiến hành cải tổ. Trong xã hội cũ thì tuyệt đối không cho phép giới Phật giáo can thiệp vào chính trị, đối với vấn đề này đương thời cũng phát sinh cuộc tranh luận rất lớn.

Trước đây, các tăng nhân với tư tưởng xuất trần phương ngoại quen cuộc sống ẩn cư sơn lâm chuyên tu Chỉ Quán, không vướng vào vấn đề chính trị, song khi trở thành một phần tử của xã hội Quốc Dân hiện đại, xuất hiện những vấn đề về quyền tuyển cử và huấn luyện quân sự thì lại yêu cầu phải có những suy xét và sự phản tỉnh thiết thực về địa vị và trách nhiệm với xã hội mới. Điều này có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ quá trình cận đại hóa Phật giáo Trung Quốc.

Đại sư Thái Hư

4. Vai trò của đại sư Thái Hư đối với Phật giáo Trung Quốc hiện đại

Sau loạn Thái Bình Thiên Quốc, Phật giáo Trung Quốc trở nên hoang phế, sau đó xuất hiện một số lãnh tụ Phật giáo đại diện cho xu hướng cải cách phù hợp với thời đại mới như pháp sư Kính An, Viên Anh, Đạo Giai, Ấn Quang, và đặc biệt là đại sư Thái Hư. Đại sư là vị đạo sư vĩ đại có công trong việc phục hưng Phật giáo Trung Quốc, vì sự nghiệp giáo dục tăng tài và cải cách Phật giáo mà tận tâm tận lực, đi khắp các vùng của Trung Quốc để đem lại diện mạo mới cho giáo đoàn Phật giáo Trung Quốc trong xã hội mới.

Đại sư Thái Hư (1889-1947), người huyện Sùng Đức, tỉnh Chiết Giang, xuất gia ở núi Phổ Đà, Ninh Ba. Thời kỳ đầu chịu ảnh hưởng của tư tưởng mới của Khang Hữu Vi, Đàm Tự Đồng, Tôn Dật Tiên, Chương Bỉnh Lân nên từ lâu đã quyết tâm cải cách Phật giáo. Năm Dân Quốc thứ tư (1915), pháp sư viết cuốn đầu tay “Chỉnh Lý Tăng Già Chế Độ Luận” với mục đích cứu vãn Phật giáo Trung Quốc vốn ở trong trạng thái trì trệ một thời kỳ dài đang đứng trước nguy cơ diệt vong chuyển biến để phát huy đại dụng cứu thế.

Tăng đoàn là sư phạm của nhân thiên, yêu cầu cải cách đã bị đi sau thời đại lúc bấy giờ, với vai trò là người đặt nền móng cho công cuộc cải cách giáo đoàn thì việc cần làm là phải cải thiện hệ thống giáo dục tăng già cho thích ứng với thời đại mới.

Theo tư tưởng của đại sư Thái hư thì kế hoạch là thành lập Thế Giới Phật Học Uyển (trung tâm Phật học thế giới) tại Phật Quốc tự (sau đổi là Tỳ Lư tự) ở Nam Kinh, đặt thư viện Thế Giới Phật Học Uyển tại Phật học viện Vũ Xương, lập Viện Giáo Lý Hán Tạng tại chùa Tấn Vân ở Trùng Khánh; Tịnh Độ Uyển đặt tại Đại Lâm tự ở Lư Sơn; Thiền Quán Lâm đặt tại Tuyết Đậu tự ở Phụng Hóa.

Đại sư cũng thực sự dụng tâm hết lòng vì sự nghiệp vĩ đại trên, bước đầu tiên là cho thu thập toàn bộ thư tịch Phật giáo về thư viện tại Phật học viện Vũ Xương, sau đó trở thành thư viện lưu trữ tư liệu Phật giáo duy nhất hoàn bị tại Trung Quốc. Phật học viện Vũ Xương được xây dựng vào năm 1922, dưới sự hộ pháp và tán trợ của nhóm cư sỹ tại Tam Trấn(41), Vũ Hán theo tư tưởng của đại sư Thái Hư.

Các vị đệ tử của đại sư như các pháp sư Anh Phương, Đàm Huyền, Pháp Tôn, Pháp Phảng, Đại Tỉnh, Mặc Thiền, Chi Phong, Kí Trần, Vĩ Phảng cũng đều xuất thân từ Phật học viện Vũ Xương, hiện nay cũng còn nhiều vị vẫn lưu trú tại đại lục.

Trung Quốc Phật giáo dưới sự lãnh đạo của đại sư Thái Hư cũng chính là thời kỳ Phật giáo Trung Quốc bước vào con đường phục hưng, nhưng điều không may xảy ra vào thời kỳ chiến tranh kháng Nhật, những kết tinh tâm huyết của đại sư cùng đồ chúng dần bị bom đạn phá hủy. Đại sư Thái Hư và các vị quan trọng cũng dần phải lánh nạn tại Trùng Khánh và các địa phương khác, thánh nghiệp phục hưng Phật giáo do chiến sự mà bị dở dang giữa chừng.

Sau tám năm kháng chiến chống Nhật kết thúc thắng lợi, đại sư trở về Nam Kinh, đi thăm các vùng Thượng Hải, Ninh Ba, nhưng do vì nhiễm bệnh lại nghe tin chiến sự càng lan rộng từ Bắc xuống Nam nên đại sư viên tịch vào tháng Ba năm Dân Quốc thứ 36 (1947) tại chùa Ngọc Phật ở Thượng Hải.

Những trước tác của đại sư được thu thập lại thành tập “Thái Hư Đại Sư Toàn Thư” gồm 64 quyển để lưu truyền. Thông qua những bài viết trên tập san “Hải Triều Âm” là trung tâm hoạt động của đại sư Thái Hư, có thể thấy được sự nỗ lực và thành tựu huy hoàng của đại sư nhưng đáng tiếc cho đến cuối đời vẫn chưa thể nhìn thấy được kết quả sự nghiệp phục hưng Phật giáo Trung Quốc.

5. Sự ấn hành các thư tịch, tập san Phật giáo

Trong các hoạt động của đại sư Thái Hư, thì tập san hằng tháng “Hải Triều Âm” do Phật học viện Vũ Xương biên soạn và ấn hành là tạp chí Phật giáo có tính chất đại biểu cho giới Phật giáo Trung Quốc. Tập san “Hải Triều Âm” bắt đầu từ tháng Một năm 1920, sau do vì chiến tranh mà nơi phát hành bị thay đổi nhiều lần, nhưng vẫn giữ được vai trò là một tác phẩm mang tính lãnh đạo trong các tác phẩm Phật giáo, bao gồm cả “Hải Triều Âm Văn Khố”.

Từ năm 1912 đã có xuất bản tạp chí “Phật Học Tùng Báo”, sau đó cũng xuất hiện nhiều loại tạp chí khác nhau song đối với phong trào phục hưng Phật giáo Trung Quốc thì “Hải Triều Âm” vẫn là tạp chí đảm nhận sứ mệnh chủ đạo. Ngoài ra, đáng chú ý còn có tạp chí “Vi Diệu Thanh” ở Bắc Kinh, “Phật giáo Bán Nguyệt San” và “Thế Giới Phật giáo Cư Sỹ Lâm San” ở Thượng Hải, “Tịnh Độ Tông Nguyệt San” ở Vũ Xương, “Hiện Đại Tăng Già” ở Hạ Môn, “Nhân Hải Đăng” ở Triều Châu, “Nội Học” của Nam Kinh Chi Na Nội Học Viện.

Ngoài ra, vào khoảng năm 1934, tại Thượng Hải có phát hành một loại báo “Phật giáo Nhật Báo” để truyền tải các thông tin về Phật giáo hằng ngày. Các điển tịch Phật giáo từ nơi khắc in của cư sỹ Dương Nhân Sơn và nơi khắc in ở Dương Châu cũng vẫn tiếp tục hoạt động lưu truyền; những hoạt động xuất bản của Thư cục Phật học Thượng Hải cũng có cống hiến to lớn đối với việc thúc đẩy các thư tịch Phật giáo đến dân gian.

Ngoài ra, thời kỳ này còn có sự phát hiện hai bộ Đại Tạng Kinh đã trình bày từ trước là “Trích Sa Tạng Bản” và “Kim Khắc Đại Tạng Kinh”, dưới sự nỗ lực của nhóm phần tử trí thức trung tâm là nhóm cư sỹ Vương Nhất Đình và Diệp Cung Xước phát tâm in ấn lưu hành, không chỉ cung cấp thêm nhiều tư liệu mới cho cho giới học thuật ở Trung Quốc, mà còn có Nhật Bản và cả các quốc gia khác.

6. Tình hình Phật giáo Trung Quốc

Trong thư tịch của đại sư Viên Anh với tư cách là ủy viên thường vụ Hội Phật giáo Trung Quốc trình bày các vấn đề về tình hình Phật giáo Trung Quốc, nghi thức Phật giáo, sinh hoạt tăng đồ… với Bộ Nội Chính chính phủ Quốc Dân vào năm 1932 thì về phương diện tông phái có nêu ra tám tông phái tương đối thịnh hành.

Tám tông phái gồm: Luật tông, Thiền tông, Hiền Thủ tông, Thiên Thai tông, Từ Ân tông, Đâu Suất tông, Du Già tông, Tịnh Độ tông (Thiền tông tĩnh tọa tham Thiền, Giảng tông tuyên giảng Phật pháp (Hiền Thủ, Thiên Thai tông, Từ Ân tông, Đâu Suất tông), Luật tông nghiêm giữ giới luật, Tịnh Độ tông xưng niệm danh hiệu Phật Di Đà, Mật tông tam mật tương ứng).

Tuy là năm tông phái lớn nhưng không có sự phân biệt giáo đoàn rạch ròi, đều y chỉ theo bộ “Bách Trượng Thanh Quy” để duy trì nếp sinh hoạt thường nhật, và lấy tư tưởng Thiền - Tịnh dung hợp làm chủ đạo. Có điều đáng chú ý là từ Dân Quốc về sau, Mật tông lưu hành trong tầng lớp trí thức.

Tín ngưỡng của thứ dân bình thường chuyển biến từ mặt tín ngưỡng Phật giáo thuần chính biểu hiện tại niềm tin có cầu tất ứng trong các pháp hội Thủy Lục, hoặc các pháp hội kinh sám chuyển sang thấm nhập tư tưởng dung hợp tam giáo Nho, Phật, Đạo để mong cầu lợi ích hiện thế trước mắt. Tín ngưỡng Di Đà, hay Quán Âm, hay Phật Di Lặc đều sai biệt rất lớn so với tính chất Phật giáo Ấn Độ; những ví dụ việc hoàn toàn không theo quan điểm và lý giải của Phật giáo Ấn Độ quả thực rất nhiều.

Định ngày mồng Một tháng Giêng là ngày đản sinh Phật Di Lặc, ngày mồng sáu tháng Giêng là ngày đản sinh đức Phật Định Quang, ngày 19 tháng Hai là ngày đản sinh Bồ Tát Quán Âm, ngày 17 tháng Mười Một là ngày đản sinh đức Phật Di Đà để làm các dịp tự viện và dân chúng tụ hợp. Nhưng đó vẫn chỉ là Phật giáo Trung Quốc qua lý giải và tiếp nhận của người Trung Quốc, còn tăng lữ có thành tựu trác việt trên phương diện nghĩa học giáo lý để đặc biệt giới thiệu thì vẫn chưa có.

Tuy một bộ phận cư sỹ trí thức truy cầu Phật giáo chính tín, đồng thời cũng có các vị sống đời tu hành như luật như pháp, nhưng thế cục đã mất, khó mà đủ sức vực dậy.

Tại Đài Loan, Hồng Kông, Malaysia, Singapore, trong các xã hội Hoa kiều thì vẫn thịnh hành Phật giáo; đặc biệt là ở Đài Loan cho ấn hành bộ “Đại Chính Tạng” từ Nhật Bản và “Vạn Tục Tạng Bản(42)”, cũng cho biên soạn và ấn hành “Trung Hoa Đại Tạng Kinh”; trong khi Phật giáo tại Trung Quốc đại lục sau khi suy thoái thì Đài Loan trở thành đường sống duy nhất và hoạt động tích cực trong sự nghiệp hoằng truyền Phật giáo.

Còn tiếp...

Tác giả: Thượng tọa TS Thích Giải Hiền soạn dịch Trích sách: Lịch sử Phật giáo Trung Quốc

***