Lịch sử Phật giáo Trung Quốc - Năm 1968 đại học Hồng Kông cho ấn hành lại dịch bản tiếng Anh bộ “Triệu Luận” của học giả W. Liebenthal, là bộ điển tịch quan trọng của Tam Luận Tông và là một trong những sách quan trọng bắt buộc phải đọc để nghiên cứu tư tưởng Không tông.
Chương XVII SỰ RA ĐỜI VÀ PHÁT TRIỂN CỦA PHẬT GIÁO HỒNG KÔNG
1. Tổng quan
Thời kỳ phát triển của Phật giáo Hồng Kông là khoảng thời gian tròn một giáp 60 năm bắt đầu từ năm (1946) sau chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc đến sau 10 năm Hồng Kông quay trở lại với Trung Quốc (2006).
Trong thời kỳ 30 năm đầu tiên cho đến khi nước Cộng Hòa nhân dân Trung Hoa thành lập năm 1949, liên tiếp xảy ra cuộc vận động tam phản, ngũ phản cộng với ảnh hưởng mạnh mẽ của cuộc đại Cách Mạng Văn Hóa kéo dài 10 năm, dẫn đến những hoạt động Phật giáo ở Trung Quốc đại lục bị đình trệ trong một khoảng thời gian dài, nhiều người từ Trung Quốc chạy nạn đến Hồng Kông.
Do Phật giáo ở Trung Quốc đại lục và Hồng Kông có mối quan hệ tương đối mật thiết với nhau nên một lượng lớn các vị pháp sư và tín đồ Phật giáo chạy nạn đến Hồng Kông, do đó mà thúc đẩy quá trình phát triển của Phật giáo tại Hồng Kông, ví dụ như sự thành lập Phật học viện Hoa Nam của tịnh xá Hoằng Pháp tại Thuyên Loan bồi dưỡng một thế hệ tăng tài, các học giả của thư viện Chu Hải và viện nghiên cứu Tân Á thiết lập cơ quan nghiên cứu triết học Phật giáo để nâng cao trình độ Phật học tại Hồng Kông.
Đồng thời dưới sự hoạt động của pháp sư Ấn Thuận trong thời gian tạm lưu trú ở Hồng Kông, pháp sư Tuyên Bồi, pháp sư Trúc Ma, pháp sư Diệu Kính, pháp sư Pháp Phảng, pháp sư Mẫn Trí, tổ chức các cuộc giảng pháp khiến Phật tử ở Hồng Kông có nhiều cơ hội được biết đến Phật pháp.
Trong thời kỳ 30 năm về sau, do kết quả của những chính sách cải cách mở cửa của Trung Quốc dẫn đến sự tự do tôn giáo nên đã tăng cường sự giao lưu giữa các vị pháp sư, học giả, Phật giáo đồ giữa đại lục và Hồng Kông.
Hai mươi năm gần đây lại có sự hoạt động tích cực của chư vị đại sư của Đài Loan tổ chức các hoạt động hoằng pháp trên quy mô lớn như pháp sư Tinh Vân, pháp sư Thánh Nghiêm; đồng thời các học giả khắp nơi cũng đến Hồng Kông để tham dự các hội thảo quốc tế về Phật giáo khiến Hồng Kông trở thành một vùng thắng địa của Phật giáo hiện đại.
Hồng Kông chiếm vị trí tương đối quan trọng trong nền kinh tế và thương mại toàn cầu, trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Các nhân sĩ Phật giáo tại Hồng Kông cũng thường được mời tham dự các hội nghị quốc tế, các cơ quan giáo dục cao đẳng tại Hồng Kông cũng có thiết kế các chương trình và học vị Phật học, lại thêm sự hoạt động tự do tôn giáo tại Hồng Kông khiến Phật giáo và các tôn giáo khác đều được phát triển hòa hợp.
Trải qua 60 năm phát triển, Phật giáo ở Hồng Kông có thể quy nạp lại thành một số chuyển biến như sau:
Từ Phật giáo sơn lâm chuyển biến thành Phật giáo đô thị: Vì để phương tiện cho thị dân dễ dàng được nghe pháp lễ Phật, dẫn đến sự thiết lập các đạo tràng Phật giáo ngay trong lòng đô thị, hình thành Phật giáo đô thị.
Từ tính chất phổ cập đại chúng chuyển biến thành phần tử trí thức: Đối tượng Phật giáo đồ từ những bậc cao niên đã chuyển biến thành bộ phận trí thức, thanh niên Phật tử, đó là do sự thành lập của các lớp Phật học và các buổi giảng pháp.
Từ tôn giáo truyền thống chuyển biến thành tôn giáo hiện đại: Do vì những điển tạng Phật giáo mang tính chất văn học rất cao và vô cùng khó hiểu khiến người thời nay khó mà lý giải, do đó các học giả dịch những kinh điển thành văn bạch thoại và dùng ngữ văn hiện đại để biên soạn, làm từ điển, phiên dịch những tư liệu Phật giáo để trợ giúp người Phật tử thời nay lĩnh hội.
Từ Phật giáo xuất thế chuyển thành Phật giáo nhập thế, các nhân sĩ Phật giáo hiện tại thành lập các bệnh viện, trường học, trung tâm phúc lợi, viện dưỡng lão Phật giáo để thích ứng với những nhu cầu của xã hội hiện đại.
Từ Phật giáo bản địa hóa chuyển thành quốc tế hóa: Phật giáo Hồng Kông từ lâu đã tiến hành những hoạt động giao lưu đoàn thể, hội nghị, hợp tác với Phật giáo đồ các nước trên thế giới để nâng cao trình độ Phật học và địa vị của Phật giáo Hồng Kông trên trường quốc tế.
2. Quá trình chuyển biến của Phật giáo tại Hồng Kông
Sau 1946, là quãng thời kỳ mà tình hình kinh tế chính trị văn hóa giáo dục ở Hồng Kông tương đối an định phát triển, nhưng ở Trung Quốc đại lục do cuộc nội chiến mà khiến không ít tăng nhân, tín đồ chạy nạn đến Hồng Kông, đặc biệt là đến chùa Đông Phổ Đà và thiền viện Trúc Lâm nhiều nhất.
Do đó có thể nói thời kỳ này Hồng Kông trở thành nơi vân tập của một lượng lớn tăng nhân, tín đồ khiến Phật giáo phát triển mạnh mẽ. Do các vị tăng nhân hoạt động độc lập, tự thiết đạo tràng trong nội thị hoặc ngoại ô mà hình thành đặc trưng Phật giáo đô thị mới ở Hồng Kông.
Trong thời kỳ này một số vị hoạt động tích cực nhất là ba vị pháp sư Đàm Hư, Lạc Quả, Định Tây nhận lời thỉnh mời của cư sỹ Diệp Hà Am nổi tiếng ở Hồng Kông mà từ phương bắc Trung Quốc đến Thuyên Loan sáng lập Phật học viện Hoa Nam bồi dưỡng tăng tài, với chương trình sáu năm một khóa, đào tạo pháp sư để làm công tác hoằng pháp tại Hồng Kông, Đông Nam Á, Mỹ, Canada.
Có rất nhiều chùa mới được xây dựng ở Hồng Kông sau chiến tranh, một số chùa nổi tiếng như:
Ở Sa Điền có chùa Tây Lâm của pháp sư Cán Thanh (đã mất), chùa Vạn Phật của pháp sư Nguyệt Khê (1951), tịnh uyển Cổ Nham của pháp sư Huệ Chiêu, vườn Hải Vân của pháp sư Liên Chu (1944), chùa Huệ Tuyền của pháp sư Quả Hiền (1950).
Ở núi Đại Tự có chùa Diên Khánh của pháp sư Diệu Trí 1966, Bảo Lâm thiền tự của pháp sư Thánh Nhất (1955), chùa Từ Hưng của pháp sư Tuyên Hóa (1957), chùa La Hán của pháp sư Giác Quang (1971).
Ở Thanh Sơn có chùa Diệu Pháp của pháp sư Tẩy Trần (1962), tinh xá Thi La của pháp sư Lễ Kính (1950), chùa Cực Lạc của pháp sư Trí Phạn (1955), Phật Từ Tịnh tự của pháp sư Diệu Liên, giảng đường Lăng Nghiêm của pháp sư Tuyền Huệ, chùa Diệu Tông của pháp sư Khoan Tế (1998), Giác Khánh Thiền tự.
Ở Phấn Lĩnh có chùa Quán Tông của pháp sư Giác Quang (1978), chùa Long Sơn được trùng tu năm (1986).
Ở Tây Cống có chùa Trạm Sơn của pháp sư Bảo Đăng (1964), chùa Phật Quang của pháp sư Đạo Hạnh 1975.
Ở Thuyên Loan có chùa Tây Phương của pháp sư Vĩnh Tinh (1973), niệm Phật đường Đông Lâm của pháp sư Định Tây (1952), Hư Vân hòa thượng kỉ niệm đường của pháp sư Phục Nhân (1963), chùa Phúc Huệ của pháp sư Vạn Tâm (1971), Đông Giác Thiền Lâm của pháp sư Minh Quán (1956), chùa Hoằng Pháp của pháp sư Hoằng Lượng (1963), Quán Âm Nham của pháp sư Luân Tham (1955), Hương Hải Từ Hàng của pháp sư Khoan Tông (1960).
Ở Nguyên Lãng có chùa Phổ Môn của pháp sư Kiên Minh.
Ở Cửu Long có chùa Đại Phật của pháp sư Lạc Quả (đã mất), chùa Pháp Tạng của pháp sư Hà Thanh (1960).
Ở đảo Hương Cảng có chùa Khởi Minh ở thôn Bạc Phù Lâm (1963), chùa Quán Âm ở Xích Trụ (1964).
Do đó các chùa, viện, am, đường, tịnh thất ở Tân Giới, Đại Tự, Ly Đảo vào khoảng 200 ngôi. Trong đó các chùa làm công tác giáo dục tăng ni, thành lập Phật học viện trước chiến tranh có chùa Lăng Vân, Bảo Lâm Thiền tự và Đông Liên giác uyển; sau chiến tranh thì có Lộc Dã uyển, tinh xá Hoằng Pháp, chùa Diệu Pháp, chùa Tây Phương, nhưng đáng tiếc những Phật học viện đó chỉ tồn tại được một thời gian rất ngắn.
Những năm gần đây Hội Liên Hợp Phật giáo Hồng Kông thành lập Học viện Tăng Già Phật giáo Hồng Kông tại Sa Điền bắt đầu thu nhận đào tạo 30 vị học tăng từ đại lục sang đã tốt nghiệp từ năm 2007.
3. Tình hình sinh hoạt của Phật giáo đồ tại Hồng Kông
Phật giáo đồ tại Hồng Kông chủ yếu tích cực hoằng truyền giáo pháp Đại Thừa Phật giáo, cụ thể là Phật giáo Hán truyền nên có khác biệt so với các quốc gia tại Nam Á thịnh về Phật giáo Nam truyền như Sri-lanka, My-an-ma, Thái Lan, Cam-pu-chia, Lào, Ấn Độ, Bu-tan. Phật giáo Đại Thừa phát huy tinh thần phổ độ, tự lợi lợi tha thịnh truyền ở các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Mông Cổ, Tây Tạng và Việt Nam.
Phật giáo Đại Thừa gồm nhiều tông phái như Thiên Thai, Hoa Nghiêm, Thiền Tông, Pháp Tướng Duy Thức, Tam Luận, Tịnh Độ, Luật Tông, Mật Tông (Đông Mật Và Tạng Mật). Nhưng ở Hồng Kông lượng tín chúng nhiều nhất là tu trì pháp môn Tịnh Độ và Thiền tông, thời gian gần đây Phật giáo Tạng truyền phát triển đặc biệt nhanh nên lượng tín chúng cũng dần tăng mạnh.
Hiện tại thì số lượng chùa, am đường, tịnh xá lớn nhỏ do tứ chúng Phật giáo trụ trì ở toàn vùng phân bố ở Hương Cảng, Cửu Long, Tân Giới và Ly Đảo. Phật giáo đồ ở Hồng Kông bất luận là giới xuất gia hay giới tại gia cũng đều tùy duyên thích ứng với hoàn cảnh mà tu hành, tu trì Lục Độ Ba-la-mật, chuyên tâm tinh tiến, tự tịnh thân tâm, sống đời tu hành an tĩnh và hòa bình. Tứ chúng Phật giáo đồ gồm: Giới xuất gia có các vị Tỳ kheo, Tỳ kheo ni; tại gia có nam cư sỹ và nữ cư sỹ.
Theo tập tục truyền thống của Trung Quốc giữ cuộc sống nhân nghĩa đạo đức, tôn kính người trên, khiêm nhường người dưới, thanh tịnh thân tâm nên thực hành nếp sống ăn chay trường để thể hiện tinh thần từ bi không sát sinh, đa số mỗi ngày đều tu tập thiền định, sớm chiều hai buổi niệm tụng Phật kinh, cũng thường tham gia các pháp hội thuyết pháp, nghiên cứu Phật pháp và cử hành các nghi thức sám hối.
Cũng có lúc tham dự các Thiền thất hoặc Phật thất cộng tu cùng đại chúng. Giữa năm cũng cử hành các nghi thức Tam Quy Ngũ Giới, hoặc giới luật Bát quan trai. Hội liên hiệp Phật giáo Hồng Kông mỗi năm đều tổ chức pháp hội hiếu kính tổ tiên vào dịp thanh minh, lễ sám và tụng kinh bảy ngày. Cũng có một số chùa mỗi năm tổ chức pháp hội Thủy Lục siêu độ, các vị thiện tín tại gia và xuất gia đều có thể tham dự. Bảo Liên Thiền tự mỗi ba năm lại tổ chức truyền giới (cụ túc giới) và Bồ Tát giới một lần.
Hội Liên Hiệp Tăng Già Phật giáo Hồng Kông, từ 1971 đến nay mỗi năm đều tổ chức pháp hội truyền giới xuất gia gieo duyên, hoặc truyền Bát Quan Trai giới và Bồ Tát giới cho nam nữ cư sỹ, với hy vọng đào tạo nề nếp sinh hoạt của người xuất gia cho giới cư sỹ tại gia, nhưng đáng tiếc do công tác trùng tu chùa Diệu Pháp mà bị gián đoạn.
4. Sự nghiệp giáo dục Phật giáo
Do 30 năm nay dân số Hồng Kông tăng mạnh nên các trường học Phật giáo cũng được chú ý phát triển, số lượng học sinh đã lên tới hơn một trăm nghìn người. Tại Hồng Kông có ba thư viện chuyên dụng của Phật giáo, một viện nghiên cứu, 24 trường trung học, 22 trường tiểu học, 19 trường mầm non. Những trường học và cơ quan đó do các đoàn thể Phật giáo vận hành, đồng thời cũng được chính phủ giúp đỡ về kinh phí.
Tư cách nhập học của học sinh không phân chia giai tầng và tôn giáo, chương trình học của tiểu học và trung học đều có các khoa mục về Phật học và có tiến hành thi cử. Thư viện Phật giáo có ba nơi, lịch sử lâu đời nhất là thư viện Năng Nhân(97) được lập vào năm 1971, bên trong viện có các chương trình đào tạo các ngành văn học, triết học, kinh doanh, Phật học.
Mời thỉnh các vị giáo sư chuyên ngành về giảng dạy, về sau lại lập thêm viện nghiên cứu triết học và viện nghiên cứu văn học Trung Quốc, học sinh sau khi tốt nghiệp có thể nhận được bằng thạc sĩ. Ngoài ra còn có thư viện Văn Hóa Pháp Trụ và thư viện Chí Liên Dạ.
Thư viện Kinh Vĩ cũng cho mở khoa Phật học vào năm 1963, nhưng không lâu cũng bị ngừng lại. Trường đại học Hương Cảng cũng cho mở trung tâm nghiên cứu Phật học vào năm 2002, đồng thời mở các chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ ngành Phật học.
Trường trung học Phật giáo được thành lập đầu tiên ở Hồng Kông là trường trung học nữ sinh Bảo Giác, vốn là một trường tiểu học do cư sỹ Trương Liên Giác sáng lập vào năm 1931 sau phát triển thành trường nữ sinh trung học. Các trường trung học do Hội Liên Hợp Phật giáo Hồng Kông tổ chức và vận hành dưới sự trợ giúp kinh phí của chính phủ có 13 ngôi, thành lập đầu tiên là trường trung học kỉ niệm Hoàng Phượng Linh bắt đầu xây dựng từ 1959 do chính phủ cấp đất, đồng thời cho xây dựng trường tiểu học Phật giáo Hoàng Trác Am ở bên cạnh.
Các trường trung học Phật giáo khác như trường trung học Đại Hùng (1969), trường trung học Phật giáo Anh văn Thiện Đức (1973), trường trung học kỉ niệm Phiệt Khả (1977), trường trung học kỉ niệm Diệp Kỉ Nam (1979), trường trung học kỉ niệm Thẩm Hương Lâm (1978), trường trung học pháp sư Huệ Nhân (1987), trường trung học kỉ niệm Từ Hàng Trí Lâm (1989), trường trung học kỉ niệm Mậu Phong (1998), trường trung học pháp sư Giác Quang (1981), trường trung học Hoàng Doãn Điền (1981), trường trung học kỉ niệm Khổng Tiên Châu (1982), trường trung học Hà Nam Kim (1988).
Lại có trường trung học Phật giáo Đại Quang do pháp sư Từ Tường làm hiệu trưởng đề xướng giáo dục Phật giáo đến thôn xã ban đầu là nơi thu nhận và dạy học miễn phí cho các trẻ em thất học sau đó được chính phủ giúp đỡ kinh phí mở rộng
Lại có thư viện Phật giáo Nội Minh và trường nữ sinh trung học Lưu Kim Long chùa Diệu Pháp do hai vị pháp sư Tẩy Trần và Kim Sơn sáng lập đều nằm trong khuôn viên chùa Diệu Pháp, ngoài ra cũng có lập thêm trường trung học Trần Lã Trọng Đức chùa Diệu Pháp ở Tân Giới đều là những trường nữ sinh anh văn đào tạo đa kỹ năng do chính phủ giúp đỡ kinh phí, hơn mười năm nay đã đào tạo không ít những phần tử tri thức cho xã hội.
Tịnh Uyển Chí Liên ở Hồng Kông gần đây có thành lập trường trung học Chí Liên Phật giáo tại khuôn viên Tịnh Uyển ở núi Toản Thạch, Cửu Long cũng do chính phủ trợ giúp về kinh phí để đào tạo, huấn luyện các kỹ năng. Hội Liên Hiệp Tăng Già Phật giáo Hồng Kông ngoài vận hành những trường học bên trên còn có thành lập hai trường trung học Phật giáo khác, một là trung học Huệ Văn Phật giáo tại Đồn Môn, hai là trường trung học Huệ Viễn Phật giáo tại Đại Phố cũng được chính phủ trợ giúp kinh phí.
Liên Xã Chính Giác cũng thành lập trường trung học Lương Trọng Vỹ, trường trung học kỷ niệm Mã Cẩm Xán đều ở Tân Giới. Phật giáo Hồng Kông đề xướng sự nghiệp giáo dục từ rất sớm trước cả khi chính phủ thi hành chính sách giáo dục tiểu học bắt buộc.
Các tổ chức như Đông Liên Giác uyển, vườn Phật giáo Đại Quang, Hương Hải Liên xã, Phật giáo Chân Ngôn Tông Cư Sỹ Lâm đều thiết lập trường học miễn phí giáo dục, sau đều chuyển thành trường tiểu học, có thể thấy đó là một phong trào giáo dục tiên phong của Phật giáo, nhưng đáng tiếc vì số lượng học sinh ngày càng ít nên nhiều trường phải ngừng hoạt động.
Về trường mầm non Phật giáo thì Hội Liên Hợp Phật giáo Hồng Kông có sáu trường, Liên Xã Hương Hải có hai trường, Tịnh viện Từ Hàng có một trường, tịnh uyển Chí Liên có một trường, chùa Diệu Pháp có hai trường, học hội Bồ Đề có năm trường, chùa Bảo Liên một trường và liên xã Chính Giác có một trường. Những năm gần đây do tỷ lệ sinh ở Hồng Kông giảm mạnh vì vậy số lượng trẻ của các trường mầm non cũng giảm đi, chiêu sinh không đủ nên dần bị đóng cửa.
5. Phật giáo đối với công tác phúc lợi xã hội
5. 1 Y tếVề phương diện y tế, hội Liên Hợp Phật giáo Hồng Kông thành lập bệnh viện Phật giáo Hồng Kông vào năm 1971 do tổng đốc Hồng Kông tước sĩ Đới Lân Chỉ cắt băng khánh thành, bệnh viện Phật giáo Hồng Kông được chính phủ cấp đất tại Lạc Phú, Cửu Long trên diện tích 110.000 m2, với 350 giường bệnh, đa số là những giường do chính phủ phụ cấp kinh phí để giúp đỡ người nghèo khổ.
Ngoài ra còn có bảy phòng khám Đông Tây y của Phật giáo tại các nơi khác ở Hồng Kông, Tây y có phòng khám tại tinh xá Bát Nhã ở Sa Điền, phòng khám Tây y Pháp Tạng ở Cửu Long, phòng khám chùa Bảo Liên núi Đại Tự; phòng khám Đông y Phật giáo Từ Tế tại Cửu Long, phòng khám Đông y Hoa Hạ tại Loan Tử, phòng khám Đông y Nam Thiên Trúc ở Thuyên Loan, và phòng khám Đông y Pháp trụ ở Cửu Long.
5.2 Viện dưỡng lão
Do vì số lượng người lớn tuổi ở Hồng Kông ngày càng tăng nhanh nên các đoàn thể tôn giáo, các cơ quan phúc lợi, các tổ chức từ thiện và đoàn thể phục vụ cộng đồng lần lượt mở các trung tâm dưỡng lão, viện dưỡng lão, viện hộ lý dưỡng lão để phục vụ cộng đồng. Trước mắt thì những viện dưỡng lão và những viện hộ lý do đoàn thể Phật giáo xây dựng gồm mười viện ở Cửu Long và Tân Giới phục vụ hơn 1.500 vị, quản lý vận hành các viện chủ yếu là do tăng ni và cư sỹ phụ trách.
Viện dưỡng lão Phật giáo Bát Nhã ở Sa Điền do tinh xá Bát Nhã xây dựng vào 1955, viện hộ lý an lão Phật giáo Chí Liên do Tịnh uyển Chí Liên xây dựng vào 1957 tại Toản Thạch Cửu Long, hai viện dưỡng lão trên thời kỳ đầu là do nhà từ thiện Hồ Văn Hổ quyên góp để xây dựng. Cũng có một viện dưỡng lão Phật giáo tư nhân khác tại Tân giới.
Liên xã Chính Giác cũng cho xây viện an lão Phật giáo Bảo Tĩnh tại Phấn Lĩnh vào năm 1966, về sau lại xây thêm viện An Lão hộ lý Bảo Tĩnh vào năm 1977, hai viện trên đều do pháp sư Giác Quang thành lập. Viện an lão hộ lý Phật giáo Lý Gia Thành được xây dựng tại đảo Hồng Kông năm 1990 và viện an lão hộ lý Phật giáo Lý Trang Minh Nguyệt ở Tân Giới.
Viện an lão Đông Lâm ở Thuyên Loan (1970) và viện an lão Từ Đức ở vịnh Thanh Thủy (1976), do niệm Phật đường Đông Lâm và chùa Trạm Sơn xây dựng. Hội Liên Hợp Phật giáo Hồng Kông cũng xây dựng viện hộ lý Phật giáo Thẩm Mã Đoan Anh tại Cửu Long, bốn trung tâm trưởng giả lân xá. Viện hộ lý an lão chùa Tây Phương do học hội Bồ Đề xây dựng tại chùa Tây Phương ở Thuyên Loan vào năm 2002, cũng có trung tâm nhớ nguồn La Trần Sở do giảng đường Phật Quang xây dựng tại Cửu Long.
5.3 Các trung tâm giữ trẻ
Các trung tâm giữ trẻ ở Hồng Kông ra đời nhằm mục đích phục vụ, trông coi các em nhỏ của các cặp vợ chồng đang đi làm, để chăm sóc và quan tâm, đồng thời tạo ra môi trường giáo dưỡng tốt đẹp cho các trẻ để chăm sóc và phát triển các mặt cả về thể chất và tâm hồn, quen với cuộc sống tập thể chuẩn bị tốt cho giai đoạn trước khi học tiểu học.
Các trung tâm coi giữ trẻ của Phật giáo hiện chỉ có 6 trường đều do phân hội của Hội Hữu Nghị Phật giáo Thế Giới tại Hồng Kông và Ma Cao tổ chức trông coi các em nhỏ từ hai đến sáu tuổi, là các trung tâm với tính chất phi lợi nhuận hoặc do chính phủ trợ giúp kinh phí.
Ngoài ra còn có nhà trẻ Văn Thù của Hội Phật giáo Hữu Nghị Thế Giới thành lập vào năm 1987 do chính phủ phụ cấp để phục vụ gần 200 em nhỏ tại đảo Thanh Y và vùng phụ cận. Hội này sau lại xây dựng nhà trẻ Phổ Hiền tại Cửu Long và nhà trẻ Chân Ngôn Tông tại Đồn Môn đều vào năm 1994, gần đây là xây dựng nhà trẻ Quán Tự Tại vào năm 1998 cũng tại Đồn Môn. Nhưng do tỷ lệ sinh ở Hồng Kông ảnh hưởng nên hai trung tâm do hội hữu nghị Phật giáo thế giới thành lập đều đã ngừng hoạt động từ 2002 đến 2004.
5.4 Công tác phục vụ người khiếm khuyết chức năng
Những người khiếm khuyết chức năng bao gồm người chậm phát triển khả năng nhận thức, người gặp khó khăn trong việc nghe nhìn cần có sự giúp đỡ lâu dài, nên cũng cần có giáo dục đặc biệt để giúp đỡ họ.
Giới Phật giáo phục vụ công việc này tương đối ít chỉ có trường Phật giáo Từ Ân của Liên Xã Hương Hải là thu nhận những học sinh nhận thức chậm ở mức nghiêm trọng, trường Dương Nhật Lâm của đạo tràng Đạo Từ mở chương trình tiểu học giúp đỡ các em chậm phát triển khả năng nhận thức ở mức trung.
Trường Phật giáo Phổ Quang của liên xã Chính Giác thu nhận các em nhận thức chậm ở mức độ chung và nhẹ, còn có bốn nhà trẻ do phân hội hữu nghị Phật giáo thế giới tại Hương Cảng Ma Cao thành lập để chăm sóc đặc biệt cho các em bị nhận thức chậm mức độ nhẹ từ 6 tuổi trở xuống.
5.5 Công tác phục vụ cộng đồng
Công tác phục vụ cộng đồng chủ yếu để giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội, trong lĩnh vực này thì những kết quả hoạt động của đoàn thể từ thiện Phật giáo nói chung tương đối còn kém so với những đoàn thể tôn giáo khác.
Ví dụ như ở phương diện trợ giúp người nhận thức chậm, phục hồi chức năng thương tật, tư vấn tâm lý, giải quyết những vấn đề hôn nhân gia đình, bồi dưỡng đào tạo người thất nghiệp, các trung tâm cai nghiện thì chưa có nhiều kết quả mà mới dừng ở mức tổ chức thăm hỏi những người không nơi nương tựa, tặng cơm cháo cho bệnh nhân, thăm hỏi người già, công tác hoằng pháp trong các trại giam.
Một số tổ chức Phật giáo như trung tâm phục vụ xã hội Thế Âm, trung tâm phục vụ Phật giáo Minh Tuệ, trung tâm phục vụ Phật giáo Từ Huệ, trung tâm phục hồi chức năng và cung cấp chỗ ở của giảng đường Phật Hương đặt trong bệnh viện Nhân Tế, trung tâm hạt giống tâm hồn Thiền Tịnh, trung tâm phát triển tinh thần Tỉnh Giác.
5.6 Nghĩa trang Phật giáo
Nghĩa trang Phật giáo Hồng Kông nằm ở Sài Loan đảo Hồng Kông, là do Hội Liên Hợp Phật giáo Hồng Kông đề nghị chính phủ cấp đất, quyên góp để thành lập và hoàn thành vào năm 1963, nghĩa trang có khoảng 3000 huyệt vị trong đó cũng có quyền sở hữu vĩnh cửu, cũng có kỳ hạn 10 năm, hết kỳ hạn có thể tiếp tục thuê. Trong nghĩa trang có xây điện Địa Tạng nhằm mục đích cho thân quyến của người mất làm các nghi thức siêu độ. Trong nghĩa trang Phật giáo cũng có thiết lập chỗ thờ hàng trăm hũ cốt.
Trong các chùa khác cũng có lập các tháp Phổ Đồng (để thờ hũ cốt) như chùa Nam Thiên Chúc và chùa Tây Phương ở Thuyên Loan, chùa Pháp Tạng và tịnh uyển Chí Liên ở Cửu Long, chùa Định Huệ và vườn Bán Xuân ở Đại Phố, tinh xá Thi La ở Thanh Sơn, tinh xá Bát Nhã và tịnh uyển Từ Hàng ở Sa Điền, chùa Bảo Liên ở đại tự, chùa La Hán ở Phấn Lĩnh, Cửu Long, đó là hưởng ứng sự khuyến khích thi hành hỏa táng của chính phủ Hồng Kông cũng là làm theo phương pháp Trà-tỳ của truyền thống Phật giáo Ấn Độ để xử lý di hài người mất.
6. Công tác văn hóa giáo dục
6.1 Sự nghiệp xuất bản Phật điển
Giới Phật giáo ở Hồng Kông sớm có Hiệp Hội Văn Hóa Nghệ Thuật Phật giáo do pháp sư Hiểu Vân thành lập ở Sa Điền đề xướng công tác truyền bá văn hóa Phật giáo, như nghiên cứu về nghệ thuật hội họa Phật giáo, xuất bản tạp chí lưỡng nguyệt san “Nguyên Tuyền”, nhưng đến năm 1967 thì dời sang Đài Loan.
Sau đó lại có Công ty sự nghiệp văn hóa Phật giáo Hồng Kông do cư sỹ Tần Mạnh Tiêu sáng lập vào năm 1985, xuất bản thư sách“Tứ Đại Danh Sơn”, giành được giải thưởng in ấn cao, đến năm 1996 thì hoàn thành. Sau đó có Hiệp hội văn hóa Phật giáo được thành lập, xuất bản nguyệt san “Nhân Gian Phật giáo”, bắt đầu điện tử hóa kinh điển.
Tịnh uyển Chí Liên thành lập Công ty TNHH xuất bản văn hóa Phật giáo Trung Quốc, xuất bản các điển tịch văn hóa nghệ thật Phật giáo trong và ngoài nước, nổi danh có các bộ sách nghệ thuật có giá trị cao như “Sơn Tây Phật giáo Thái Tố” (nghiên cứu về nghệ thuật đắp tượng tại Sơn Tây), “Pháp Môn Tự Địa Cung Đường Mật Mạn Trà La Chi Nghiên Cứu” (nghiên cứu về Mạn-trà-la Mật tông thời Đường tại Địa cung ở chùa Pháp Môn). Học hội Bồ Đề xuất bản sách hình “Hương Cảng Phạn Vũ” vào năm 2000 cũng rất được hưởng ứng.
6.2 Xuất bản các tạp chí
Tại Hồng Kông có hàng chục loại tạp chí định kỳ hằng tháng, hằng quý, hằng năm cho xuất bản các ấn phẩm, trong đó có hai tạp chí phổ biến nhất là nguyệt san “Hương Cảng Phật giáo” và “Nội Minh”. Nguyệt san “Hương Cảng Phật giáo” được sáng lập từ năm 1960, đến nay vẫn tiếp tục xuất bản; nguyệt san “Nội Minh” bắt đầu ấn hành từ năm 1972, nhưng đáng tiếc đến kỳ 300 vào tháng Tư năm 1997 do thiếu hụt nhân lực mà không còn được tiếp tục.
Các tạp chí khác còn có “Tập San”của Học hội Pháp Tướng, “Phạn Âm” của các vị đồng học trong thư viện Phật giáo Chu Hải, “Phật Hữu”của phân hội Phật giáo hữu nghị thế giới tại Hồng Kông, Ma Cao, “Pháp Âm” và “Pháp Đăng”của học hội Pháp Trụ, “Lôi Âm” của Hiệp hội thanh niên Phật giáo, “Bồ Đề” của Học hội Bồ Đề, “Tập San”của Tịnh uyển Chí Liên, “Phổ Minh” của Phật học hội Phổ Minh, “Pháp Tạng” của chùa Pháp Tạng.
“Pháp Quang” của Trung tâm Mật tông Sáng Cổ, “Nhân Gian Phật giáo” của Hiệp hội văn hóa Phật giáo Hương Cảng, “Ôn Noãn Nhân Gian” (nhân gian ấm áp) của Hội từ thiện Phật giáo Ôn Noãn Nhân Gian. Trong đó có những tạp chí được xuất bản định kỳ, không định kỳ để đưa ra thông tin hằng tháng của các đoàn thể Phật giáo, đồng thời báo cáo tình hình hoạt động của các hội đoàn Phật giáo tại Hồng Kông.
Ví dụ như “Huệ Đăng” của giảng đường Mẫn Sinh, “Thiền Tu Chi Hữu” của Cát Vinh Thiền Tu Hội, “Phật Hương Thế Kỷ” của giảng đường Phật Hương, “Liên Hoa Hải” của Đôn Chu Phật Học Hội, “Diệu Hoa Hội Tấn” của Diệu Hoa Phật Học Hội. Ngoài ra còn có nhiều phụ san viết về các hoạt động Phật giáo của các tờ báo lớn khác như “Công Thương Nhật Báo”, “Hoa Kiều Nhật Báo”, “Tân Báo”, “Tinh Đảo Nhật Báo”…, nhưng đáng tiếc do vì thiếu nhân lực mà nhiều phụ san cũng bị ngừng hoạt động xuất bản.
6.3 Sự ấn hành các điển tịch Phật giáo
Mỗi năm các đoàn thể Phật giáo và các thiện tín đều dành ra một khoản tiền lớn để xuất bản và lưu hành những kinh điển, trước thuật Phật giáo, trong đó chủ yếu là những sách Trung Văn, một số bộ quan trọng như: “Đại Bát Nhã Kinh”, “Vạn Tự Tục Tạng Kinh”, “Hoa Nghiêm Kinh”, “Đại Bát Niết Bàn Kinh”, “Thái Hư Đại Sư Toàn Tập”, “Hư Vân Hòa Thượng Pháp Vị”, “Đàm Hư Đại Sư Pháp Vị”, “Đại Trí Độ Luận”, “Lai Quả Thiền Sư Thiền Thất Khai Thị Lục”, “Đại Bảo Tích Kinh”, “Pháp Uyển Châu Lâm”, “Đế Nhàn Đại Sư Di Tập”,
“Lăng Già Khoa Giải”, “Phật Kinh Tuyển Yếu”, “Du Già Sư Địa Luận”, “Hương Quang Các Tùy Bút”, “Hộ Sinh Họa Tập”, “Ninh Mã Phái Tùng Thư”, “Kim Cang Thừa Tùng Thư”, “Phật Gia Kinh Luận Đạo Đọc Tùng Thư”, “Đại Quang Lão Hòa Thương Viên Tịch Châu Niên Kỉ Niệm San”, “La Thời Hiến Toàn Tập”, “Mộng Du Tập” của đại sư Mẫn Sơn. Ngoài ra còn rất nhiều những Phật điển được in lại không kể hết được.
Năm 1974, thạc sỹ Vi Đạt ở Hồng Kông dịch bộ “Thành Duy Thức Luận” của pháp sư Huyền Trang ra tiếng Anh và xuất bản tại Hồng Kông, dịch giả tốn 20 năm trời mới biên dịch hoàn thành, và trở thành bộ sách quan trọng được lưu hành rộng rãi trong các đại học và viện nghiên cứu trên toàn thế giới, và được các học giả đánh giá rất cao.
Một vị học giả Phật giáo khác ở Hồng Kông là cư sỹ Lục Khoan Dục (Charles Luk) đã dịch rất nhiều các trước tác thiền tông sang tiếng Anh, trong đó có bộ “Thiền Tông Trước Thuật” (Ch’an and Zen Teaching), xuất bản tại Anh được giới học giả đón nhận và đánh giá cao.
Đồng thời cũng có giáo sư John Blofeld người Anh, từng dạy học ở Hồng Kông, sau qua đời ở Thái Lan, cũng dịch bộ “Ngữ Lục” của thiền sư Đại Châu và bộ “Truyền Tâm Pháp Yếu” của thiền sư Hoàng Bách và nhiều trước thuật khác sang tiếng Anh. Giáo sư Hoắc Thao Hối cũng đem nguyên bản chữ Phạn bộ “Tam Thập Tụng Duy Thức Thích” của luận sư An Huệ dịch sang chữ Hán, nhà xuất bản Đại học Trung Văn Hồng Kông ấn hành năm 1975.
Đồng thời ông cũng đem những bài giảng Phật học Trung Văn do Bộ giáo dục Hồng Kông quy định để biên soạn thành sách giáo khoa “Phật học” gồm hai quyển, cũng do trường Đại học trung văn Hồng Kông ấn hành để làm tài liệu giảng dạy cho các trường trung học Phật học (cấp hai).
Năm 1968 đại học Hồng Kông cho ấn hành lại dịch bản tiếng Anh bộ “Triệu Luận” của học giả W. Liebenthal, là bộ điển tịch quan trọng của Tam Luận Tông và là một trong những sách quan trọng bắt buộc phải đọc để nghiên cứu tư tưởng Không tông. Sự xuất bản những trước tác ở trên đã thể hiện được sự phát triển của văn hóa Phật giáo Hồng Kông có những biểu hiện hướng sâu rộng trên tầm quốc tế.
6.4 Thư viện Phật giáo
Tại Hồng Kông hiện đã có hơn 10 thư viện Phật giáo hoàn bị mang tính chất công khai để phục vụ nhu cầu đọc của tầng lớp tri thức.
Ví dụ như thư viện Phật giáo Trung Hoa (Cửu Long), thư viện Hiệp hội thanh niên Phật giáo (đường Thái Tử), thư viện chùa Pháp Tạng (Cửu Long), thư viện Phật giáo Chí Liên (Cửu Long), thư viện Bảo Phạt, thư viện Phật giáo Hồng Kông, thư viện Học hội Bồ Đề, thư viện Phật học Nhật Quang (Cửu Long), thư viện Huệ Năng (Tân Giới), thư viện Phật học Di Lặc, đều lưu trữ một lượng lớn, phong phú các điển tịch Phật giáo.
Ngoài ra còn có rất nhiều các loại hình “tàng kinh các” khác được xây dựng ở bên trong các chùa, nếu muốn đọc phải có sự đồng ý của trụ trì.
6.5 Sự lưu hành các điển tịch Phật giáo
Tại Hồng Kông cũng có rất nhiều nơi cho in ấn và lưu hành kinh Phật, trong đó nổi tiếng Nhất là “Phật kinh lưu thông xứ” (khu Bắc, Hồng Kông), Phật học thư cục (vịnh Đồng La, Hồng Kông), Phật triết thư xá (Cửu Long), trung tâm lễ phẩm đồ thư nhà xuất bản Pháp Trụ (Cửu Long), thư viện Huệ Năng (Tân Giới), thư cục Phật Quang Duyên của Hiệp hội Phật Quang Hồng Kông (Cửu Long) cùng các hiệu sách Phật giáo lớn ở khắp Hồng Kông...
Mỗi nơi đều có hàng trăm loại thư tịch Phật giáo để cung cấp phục vụ nhu cầu đọc hiểu và nghiên cứu của Phật giáo đồ và học giả trong ngoài nước, đồng thời cũng kết hợp bày bán tượng Phật tràng hạt, băng hình, vật kỉ niệm, cũng cung cấp các dịch vụ giúp đỡ Phật tử để in ấn kinh điển và các ấn phẩm Phật giáo khác.
6.6 Các lớp Phật học và tổ chức giảng pháp
Vì đáp ứng nhu cầu nghiên cứu giáo lý của các vị sơ học và cũng để dẫn nhập các thiện tín có kiến giải Phật lý sâu hơn về tu tập và học nghĩa mà dẫn đến sự thành lập các khóa lớp bồi dưỡng kiến thức Phật học.
Đơn vị làm tốt nhất và có lịch sử lâu dài nhất là các lớp học Phật theo tuần do ba đoàn thể Tam Luân, Thế Phật hội và Pháp Tướng tổ chức bắt đầu mở vào năm 1962 và cấp chứng chỉ tốt nghiệp cho mấy chục khóa đạo hữu, trong đó cũng có nhiều vị cả tăng nhân và cư sỹ đến nay trở thành những vị giảng sư Phật học với những cống hiến không nhỏ trong việc phổ cập và tăng tiến kiến giải Phật học trên hành trình tu học lâu dài của người Phật tử.
Ngoài ra còn có các đơn vị khác cũng tổ chức các lớp Phật học như: Học hội Kim Cang thừa, Học hội Trung Đạo, Học hội Hương Cảng Bồ Đề, Tịnh uyển Từ Hàng, Liên xã Hương Hải Chính Giác, Tịnh xá Pháp Vũ, Hiệp hội thanh niên Phật giáo, Phật học hội Phổ Minh, Giảng đường Phật Hương, Qũy pháp sư Mẫn Sinh, Phật học xã Di Lặc, Tịnh uyển Chí Liên, Chùa Pháp Tạng, Tịnh xá Tuệ Minh, Học hội Phật giáo Pháp Trụ, Phật học xã Minh Châu, Phật học hội Diệu Hoa, Học hội Từ Thị (Hồng Kông), Tịnh xá Giác Diệu.
Do đó có thể thấy, nhu cầu tham gia học tập, nghiên cứu Phật học của bộ phận thanh niên trí thức tăng mạnh mẽ trong thời gian hơn 20 năm trở lại đây (từ những năm đầu thập niên 90) và có ảnh hưởng rõ rệt tới sự phát triển của Phật giáo trong tương lai.
Học viện Chuyên Nghiệp Tiến Tu thuộc trường Đại học Hồng Kông và Học viện Hiệu Ngoại Tiến Tu thuộc trường Đại học Trung Văn Hồng Kông từ gần 30 năm qua đã cho mở các khóa trình Phật học ngắn hạn, cho đến hiện tại (2016) vẫn đang được duy trì, do các giáo sư và học giả Phật học đảm trách việc giảng dạy, mang lại cơ hội học tập nghiên cứu cho tầng lớp trí thức.
Viện nghiên cứu Tân Á cũng có mở chương trình đào tạo Phật học, bồi dưỡng nguồn nhân lực giảng dạy và cấp bằng thạc sỹ. Viện nghiên cứu văn hóa Trung Quốc thuộc trường Đại học Trung Văn cũng cấp bằng thạc sỹ cho sinh viên tốt nghiệp. Viện nghiên cứu lịch sử trường tư thục Chu Hải cũng cấp bằng thạc sỹ lịch sử Phật học cho sinh viên tốt nghiệp. Trường Chí Liên cũng mở ngành nghiên cứu văn, sử, triết, thu hút nhiều người theo học.
Gần đây, trường Đại học Hồng Kông mở trung tâm nghiên cứu Phật học, mở chương trình dạy kiến thức Phật học do các vị giáo sư nổi tiếng giảng dạy, giáo trình chia làm Đại Thừa, Tiểu Thừa, Mật tông, và giáo lý các tông. Thời gian theo học từ một đến hai năm, sau khi tốt nghiệp có thể tiếp tục theo học lên đến học vị tiến sĩ.
Trường đại học Trung Văn Hồng Kông cũng mở chương trình đào tạo bậc thạc sỹ ngành nghiên cứu tôn giáo. Viện nghiên cứu văn hóa Pháp Trụ cũng mở các khóa đào tạo các chương trình triết học Trung Quốc, Ấn Độ, Phật giáo.
Cho đến tổ chức các buổi diễn giảng Phật học chuyên môn, thời gian tu học có tính đàn hồi, tính chất tổ chức một lần hoặc là nhiều lần, thậm chí có tổ chức quy mô với thời gian kéo dài sáu tháng đến một năm. Địa điểm có thể là ở các hội đường lớn, các trung tâm văn hóa hoặc là địa chỉ của các đoàn thể Phật giáo.
Nội dung tương đối có tính học thuật, thuộc về phạm vi chuyên khoa. Ví dụ như lớp Lịch sử Phật giáo hoặc lớp Kinh luận do Phật học xã Minh Châu tổ chức, hội giảng kinh và khóa trình Phật học do học hội Pháp Trụ tổ chức, giảng giải bộ “Thành Duy Thức Luận” do học hội Pháp Tướng tổ chức, lớp “Lăng Nghiêm Kinh” do tịnh xá Giác Diệu tổ chức, lớp theo học “Pháp Hoa Kinh” do Đông Liên Giác Uyển tổ chức, và lớp nghiên cứu kinh Phật do Tịnh uyển Từ Hàng tổ chức.
6.7 Các lớp tọa Thiền Chỉ Quán
Thiền tọa là một trong những phương pháp thực tiễn tu hành của Phật giáo đồ, nhưng cũng phù hợp với cuộc sống của con người hiện đại, nên cũng gọi khác là các lớp Thiền định, lớp tu Thiền hoặc Thiền trí tuệ nội quán của Phật giáo Nam truyền. Bởi người xuất gia hay tại gia sớm muộn cũng nên thực hành định tĩnh, còn về phương pháp và y cứ thì tùy theo tông phái mỗi nhà mà có sự sai biệt, nhưng mục tiêu thì tương đồng.
Tĩnh tọa vốn là phương pháp để sinh khởi trí tuệ xuất thế, nhưng đáng tiếc người hiện đại lại thực hành với tâm niệm như một phương pháp vì mục tiêu sức khỏe, trị bệnh hoặc cầu trường sinh, đem pháp Thiền coi giống như khí công của ngoại đạo, đó là hiện tượng điên đảo gốc ngọn vậy.
Các đoàn thể Phật giáo tổ chức các buổi tĩnh tọa như: Học hội Kim Cang thừa, Tam luân, Thế Phật, Hội đồng học lớp Phật học Pháp tướng, Tịnh xá Phật giáo Thiên Thai, Học hội Bồ Đề, Phật học xã Minh Châu, Giảng đường Phật giáo Mẫn Sinh, Tịnh uyển Luật nghi, Phân hội văn hóa Pháp Cổ, Phòng văn hóa tịnh uyển Chí Liên, Thiền viện Tú Phong và Học hội Phật giáo Pháp Trụ.
6.8 Kết xã niệm Phật
Thông thường các hội niệm Phật được tổ chức nguyên một ngày vào hằng tuần, thường được tổ chức ở các niệm Phật đường, đạo tràng Tịnh Độ. Đó cũng là nhân ngày nghỉ trong tuần cùng vân tập chuyên tâm thành ý tu hành pháp môn niệm Phật trên tinh thần “niệm niệm tương tục”, hằng tâm trì tụng danh hiệu đức Phật A Di Đà.
Các đoàn thể Phật giáo tổ chức các buổi niệm Phật Phạn bối cả ngày có: Liên xã Hương Hải Chính Giác, Học hội Bồ Đề, Phật học xã Tam Luân, Tịnh xá Pháp Vũ, Tịnh uyển Luật Nghi, Phật xã Đạo Từ, Tịnh xá Diệu Pháp, Liên xã Hương Hải, Liên xã Pháp Hỷ.
6.9 Dùng truyền thông để phục vụ hoằng pháp
Sự phát triển chóng mặt của phương tiện truyền thông hiện nay càng yêu cầu sự học hỏi không ngừng các kĩ thuật mới. Tạo dựng phim ảnh, máy chiếu, âm nhạc, truyền hình, nhạc kịch, máy vi tính, mạng internet đều trở thành một phần công cụ truyền văn hóa, nghệ thuật Phật giáo.
Về phương diện truyền thông hoằng pháp, cần nhìn nhận một sự thật rằng Phật giáo đang lạc hậu hơn nhiều so với các tôn giáo khác, tuy cũng có nhiều phim ảnh nói về cuộc đời đức Phật, Bồ Tát Quán Âm, tổ sư Đạt Ma, Tây Du Ký, pháp sư Huyền Trang cầu pháp… nhưng đa số đều là các tác phẩm của các hãng phim mang tính chất kinh doanh nên có nhiều khác biệt so với sự thật lịch sử và tinh thần truyền tải.
Nguồn nhân lực đang thiếu hụt và rất cần sự tham gia chế tác của bộ phận trí thức chuyên nghiệp mới có thể phát huy hiệu quả của công việc dùng truyền thông để hoằng pháp. Về phương diện truyền thông, có thể tạm khái quát một số hoạt động tiêu biểu của các đoàn thể Phật giáo như sau:
Các vị đồng học của lớp Phật học Tam Luận, Pháp Tướng, Thế Phật tổ chức chương trình học Phật lý “Không Trung Kết Duyên” trên đài truyền hình Hồng Kông vào Chủ Nhật hằng tuần, phát sóng từ năm 1981 đến nay, nhận được sự hoan nghênh của quảng đại dân chúng tại Hồng Kông, thậm chí đến cả cộng đồng Hoa kiều ở hải ngoại. Học hội Vạn Đức cũng có chương trình giảng pháp “Giác Hải Thanh Tuyền” phát sóng vào chiều Chủ Nhật hằng tuần trên kênh giải trí Tân Thành.
Trung tâm thanh niên Phật giáo dưới sự chỉ dẫn của pháp sư Bảo Hiền, cũng tổ chức nhiều chương trình diễn kịch, âm nhạc, vũ đạo công khai, được sự hưởng ứng của xã hội. Nhưng đáng tiếc từ sau khi pháp sư viên tịch, thiếu người lãnh đạo nên các hoạt động cũng dần bị chìm xuống. Hội đồng học lớp Phật học Minh Châu cũng chế tác các bộ phim ngắn: “Thích Ca Mâu Ni Phật Truyện” và “Lục Ba La Mật”, “Thử Ngạn Bỉ Ngạn”, cũng được khán giả đón nhận.
Trung tâm chế tác nghe nhìn Phật giáo Hồng Kông cũng sao chép lượng lớn các bài giảng Phật pháp và nhạc Phật giáo để lưu thông rộng rãi. Trung tâm thông tin văn hóa Phật giáo cũng chế tác Phật điển điện tử, tiến hành công tác sao chép kinh điển dùng kết nối mạng để hoằng truyền. Học hội Pháp Trụ, Hiệp hội giáo dục Phật Đà Hồng Kông và Học hội Pháp giới Phật giáo.
Còn tiếp... Tác giả: Thượng tọa TS Thích Giải Hiền soạn dịch Trích sách: Lịch sử Phật giáo Trung Quốc ***97. Sàkyamuni: Sàkya dịch âm là Thích Ca, dịch nghĩa là Năng Nhân; Muni dịch âm là Mâu Ni, dịch nghĩa là Tịch Mặc, nghĩa là người hay phát khởi lòng nhân mà tâm hồn luôn yên tĩnh.
Bình luận (0)