Lịch sử Phật giáo Trung Quốc - Cũng vào thời Bắc Ngụy còn có hang đá ở huyện Củng (tỉnh Hà Nam) phía Đông Long Môn, cũng có hang đá ở núi Thiên Long và núi Hưởng Đường đại biểu cho nghệ thuật Phật giáo thời Bắc Tề.
Chương IV PHẬT GIÁO THỜI NAM BẮC TRIỀU SỰ PHÁT TRIỂN CỦA GIÁO ĐOÀN PHẬT GIÁO VÀ NHO GIÁO, ĐẠO GIÁO
1. Pháp xã, Nghĩa ấp, Tăng Kỳ hộ, Phật Đồ hộ
Tình hình hoạt động của Phật giáo dưới thời Nam Bắc Triều có khác biệt so với thời kỳ trước. Phật giáo vùng Giang Nam do sự ảnh hưởng của Bạch Liên xã thời pháp sư Huệ Viễn, được giới quý tộc tiến hành các cuộc biện luận về tư tưởng sau phát triển thành nghĩa học, từ đó hình thành nên đặc sắc Pháp xã. Mỗi thành viên trong Pháp xã đều phải tuân thủ các giới luật, chế định được đưa ra và bắt buộc phải trì giới và tu đạo.
Thông qua các tác phẩm của pháp sư Huệ Viễn như “Pháp Xã Tiết Độ Tự”, “Ngoại Tự Tăng Chế Độ Tự”, “Tỳ Kheo Ni Tiết Độ Tự” có thể biết thời kỳ này trừ Bạch Liên xã vẫn còn những tổ chức tương tự như thế. Phật giáo sơn lâm thời kỳ này cũng có những dấu hiệu được phát triển, đó là Phật giáo phương ngoại chuyên vào việc tu đạo.
Do vì các quốc gia Ngũ Hồ ở phương Bắc vô cùng sùng tín các vị phương thuật thần dị, từ quốc vương, đại thần cho đến dân chúng bình thường xây chùa, đắp tượng Phật, nên trong dân gian nảy sinh một hình thức tổ chức sinh hoạt tôn giáo gọi là “nghĩa ấp”. Nghĩa ấp là một thôn ấp của một nhóm người tại gia, do một vị tăng nhân đứng đầu để chỉ dạy mà hình thành một đoàn thể Phật giáo; dạng kết hợp như vậy có thể tìm thấy còn khắc trên rất nhiều bia văn tạo tượng.
Các thành viên trong nghĩa ấp có thể từ hàng chục đến hàng trăm người, theo sự chỉ dạy của vị ấp chủ, xây dựng các tượng Thích Ca, Di Đà, Di Lặc, Quán Âm, đem công đức đó cầu cho lợi ích hiện thế của cha mẹ, vợ con, bản thân, gia tộc và nguyện vọng đời sau. Pháp hội khai quang tượng Phật gọi là “ấp hội”.
Theo các tăng truyện còn ghi chép có thể thấy một số vị đương thời tín ngưỡng Di Đà như các vị Pháp Khoáng, Huệ Độ, Tăng Hiển, Huệ Tông, Đàm Giám, Huệ Thông. Cũng có các vị chủ trương nguyện sinh Đâu Suất mà sau phát triển thành tín ngưỡng Di Lặc, ví như bắt đầu từ pháp sư Đạo An và các vị môn hạ, sau có thêm các vị Tăng Phụ, Trí Nghiễm, Đạo Pháp.
Lại có nhiều vị tín ngưỡng Quán Âm như pháp sư Pháp Thuần chủ trương niệm Quán Âm chóng lành bệnh, cầu đi biển bình an; niệm Quán Âm mà được diệu âm như pháp sư Bạch Pháp Kiều. Những đặc sắc Phật giáo đó dần dần được thẩm thấu vào tín ngưỡng của xã hội thông thường.
Ngoài ra, một điểm đặc sắc khác của Phật giáo Bắc triều là sự lưu hành của Tăng Kỳ hộ và Phật Đồ hộ. Là do pháp sư Đàm Diệu thời Bắc Ngụy tấu thỉnh Hiếu Văn Đế sáng lập Tăng Kỳ hộ vào năm 476.
Do đó mà đem thuế thu từ những hộ dân trong quận Bình Tề ở Sơn Đông mới trở thành lãnh thổ của Bắc Ngụy chuyển nộp về Tăng tào(5), do Tăng tào quản lý, thí cấp cho những người nghèo khổ và làm kinh phí để duy trì các hoạt động của chùa Phật, xây chùa, tổ chức pháp hội, đặc biệt là trong lúc nạn đói hoặc thiên tai dùng để cứu tế.
Lại có hình thức Phật Đồ hộ, là đem những phạm nhân phạm trọng tội và nô tỳ của các quan chuyển vào chùa Phật để quản lý, và làm các việc quét dọn, canh tác trong ruộng chùa, đồng thời cảm hóa cho tu học giáo dục Phật Đà.
2. Số lượng chùa chiền và tăng ni
Do tình hình như vậy là số lượng chùa Phật và tăng ni tăng lên nhanh chóng, theo quyển ba, bộ “Biện Chính Luận” của pháp sư Pháp Lâm thời Đường ghi chép thì số lượng chùa và tăng ni từ thời Đông Tấn về sau cụ thể là:
Đông Tấn: có 1.768 ngôi chùa, tăng ni là 24.000 người. Tống: có 1.913 ngôi chùa, tăng ni là 36.000 người.
Tề: có 2.015 ngôi chùa, tăng ni là 32.500 người. Lương: có 2.846 ngôi chùa, tăng ni là 82.700 người.
Trần: có 1.232 ngôi chùa, tăng ni là 32.000 người.
Lại theo ghi chép trong “Ngụy Thư. Thích Lão Chí” và “Lạc Dương Già Lam Ký” thì: Năm đầu Bắc Ngụy Hiếu Văn Đế (477), kinh đô Bình Thành của Bắc Ngụy có khoảng 100 ngôi chùa, tăng ni khoảng 2.000 người; số chùa vùng Giang Bắc là 6.478 ngôi, tăng ni là 77.258 người. Đến cuối thời Ngụy, ở kinh đô Lạc Dương có 1.367 ngôi chùa, toàn vùng Giang Bắc có khoảng 30.000 ngôi chùa, số lượng tăng ni vào khoảng 2.000.000 người.
Giáo đoàn Phật giáo phát triển như vậy làm nảy sinh ra một nhu cầu bức thiết là thiết lập một chế độ tăng quan để quản lý. Do vì số lượng tăng ni tăng đột biến làm tố chất suy giảm, nảy sinh các vấn đề lộn xộn và phạm tội trong cuộc sống sinh hoạt, dẫn đến vấn đề loại thải tăng ni. Đó là hướng đường buộc phải đi để duy trì sự nghiêm chỉnh của giáo đoàn, chế độ tăng quan cũng do đó mà được hình thành.
Ở phương Bắc, pháp sư Tăng Lược môn hạ pháp sư La Thập làm Tăng chính, pháp sư Tăng Thiên làm Duyệt chúng, Pháp Khâm và Huệ Bân nhậm chức Tăng lục; đó là năm Hoằng Thủy thứ 7 (405), từ đó mà bắt đầu có chế độ tăng quan.
Thời trước thì vào niên hiệu Hoàng Thủy đời Bắc Ngụy Thái Tổ (396-397) đã từng phong tặng pháp sư Pháp Quả ở Triệu quận làm Đạo nhân thống, để quản lý tăng đồ. Ở Giang Nam thì những tăng quan như Tăng chính, Duyệt chúng, Đô-duy-na phải đến đời Tống mới bắt đầu được công nhận.
3. Phật giáo ở Nam triều
Tống Vũ Đế (420-422) từng muốn loại thải bớt tăng ni nhưng chưa thi hành, sau lại dùng lễ tiếp hai vị đệ tử của ngài La Thập là pháp sư Huệ Nghiêm và Tăng Đạo, đến Tống Văn Đế (424-453) đích thân tham cứu Phật học nơi pháp sư Đạo Sinh và Cầu-na-bạt- ma (Guṇavarman 377-431), đồng thời hỏi Thượng thư lệnh là Hà Thượng Chi về lý nhân quả báo ứng, mời cao tăng về nội điện để giảng kinh rồi thiết Bát Quan trai ở chùa Trung Hưng, bảo hộ Phật giáo.
Lại có pháp sư Huệ Lâm tham dự triều chính mà người thế gọi là “tể tướng áo đen”. Từ đó có thể thấy mối quan hệ giữa Phật giáo và vọng tộc đương thời góp phần thúc đẩy sự hưng thịnh của Phật giáo tại Kiến Khang.
Pháp sư Huệ Lâm có viết “Bạch Hắc Luận” (Quân Thiện Luận), luận về điểm đồng dị của Nho và Phật, rồi dẫn đến sự thảo luận qua lại sôi nổi đối với giáo lý Phật giáo như “Đạt Tính Luận” của Hà Thừa Thiên, “Nạn Bạch Hắc Luận” và “Minh Phật Luận” của Tông Bỉnh là môn hạ của pháp sư Huệ Viễn, “Thích Hà Hành Dương Đạt Tính Luận” của Nhan Diên (348-456).
Tăng nhân người Phạn chuyên về sự nghiệp dịch thuật thời kỳ này có thể kể đến pháp sư Phật-đà-thập (Buddhajīva) người nước Kê Tân, đến Trung Quốc vào năm đầu Cảnh Bình đời Tống Dương Vương (423) dịch ra bộ “Ngũ Phần Luật”. Pháp sư Cương-lương- da-xa (Kalayaśas 383-431) người Tây Vực đến Trung Quốc vào những năm đầu niên hiệu Nguyên Gia dịch bộ “Quán Vô Lượng Thọ Kinh”.
Còn có pháp sư Cầu-na-bạt-ma, đến Kiến Khang vào năm Nguyên Gia thứ 8 đời Tống Văn Đế, chỉ trong 9 tháng rồi viên tịch ở tuổi 65 đã dịch ra bộ “Bồ Tát Thiện Giới Kinh”, “Tứ Phần Tỷ Khâu Ni Yết Ma Pháp”, từ đó mà giáo đoàn tăng ni Trung Quốc theo đó thọ giới như pháp.
Ngoài ra còn có pháp sư Cầu-na-bạt-đà- la (Guṇabhdra 394-468) theo đường biển đến Quảng Châu, năm Nguyên Gia thứ 12 đến Kiến Khang, được Văn Đế tôn kính, sau về Kinh Châu chuyên chú sự nghiệp dịch kinh, pháp sư dịch các bộ “Tạp A Hàm Kinh”, “Thắng Man Kinh”, “Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả Kinh”… tổng cộng 52 bộ, 144 quyển.
4. Phật giáo tại nước Tề
Tề Cao Đế và Vũ Đế đều là những nhân vật hậu đãi Phật giáo, đặc biệt là hai con của Vũ Đế là thái tử Văn Huệ và thứ tử Cánh Lăng vương (Văn Tuyên vương) Tiêu Tử Lương đều tin sâu Phật pháp, thường thỉnh cao tăng.
Tiêu Tử Lương cũng tự giảng Phật pháp, thiết các hội Hoa Nghiêm, Long Hoa, Đạo Lâm, hành bố thí, phóng sinh, phát thuốc, lại vì thực tiễn giáo lý Phật Đà trong cuộc sống thường ngày mà viết 20 quyển “Tịnh Trú Tử Tịnh Hạnh Pháp Môn”. Lại có hai vị Tăng Huệ, Huyền Sướng được Vũ Đế coi trọng mà tham dự vào chính sự.
Mặt dịch thuật có pháp sư Đàm-ma-già-đà-da-xa (Dharmagatayaśas) dịch “Vô Lượng Nghĩa Kinh”, pháp sư Tăng-già-bạt-đà-la (Saṃgubhadra) dịch “Thiện Kiến Luật Tỳ Bà Sa”, pháp sư Cầu-na-tỳ-địa (Guṇavṛddhi) dịch “Bách Dụ Kinh”, pháp sư Đạt-ma-ma-đề (Dharmamati) dịch “Pháp Hoa Kinh. Đề Bà Đạt Đa Phẩm”.
5. Lương Vũ Đế
Trong khoảng thời gian 55 nhà Lương là thời kỳ Phật giáo cực thịnh ở Nam triều. Đặc biệt là 48 năm Lương Vũ Đế trị vì (502- 549), mức độ tin sâu Phật giáo có thể nói là bậc nhất trong các đời đế vương. Lương Vũ Đế vốn là môn nhân của Tiêu Tử Lãng. Ngày mồng 8 tháng 4 năm Thiên Giám thứ 3 Lương Vũ Đế (504) nhân ngày Phật đản, dẫn lĩnh hơn 20.000 người cả đạo cả tục tại điện Trùng Vân làm nghi thức bỏ Đạo giáo, tín phụng Phật giáo.
Năm Đồng Thập (511) soạn ra “Đoạn Tửu Nhục Văn”, năm Đồng Thập thứ 6 (517) cấm chỉ sát sinh để tế lễ, phế bỏ tất cả Đạo quán trong nước, lệnh Đạo sĩ phải hoàn tục, do đó nhiều Đạo sĩ phải chạy về Bắc Tề. Ngày mồng 8 tháng 4 năm Đồng Thập thứ 8 (519), thọ Bồ Tát giới nơi pháp sư Huệ Ước ở chùa Thảo Đường, lúc đó số người thọ giới từ thái tử trở xuống gần 48.000 người.
Lương Vũ Đế xây các chùa lớn như Ái Kính, Quang Trạch, Khai Thiện, Đồng Thái, Hạnh Hành, tổ chức hàng chục đại pháp hội. Tháng 3 năm Đại Thông thứ 2 Lương Vũ Đế (528), xả thân làm nô bộc Tam Bảo tại chùa Đồng Thái, quần thần góp tiền hơn một ức vạn(6) để chuộc thân về, việc xả thân như vậy sau còn diễn ra ba lần, nên được gọi là hoàng đế Bồ Tát.
Một số vị tăng nhân thường ra vào cung cùng nghiên cứu Phật học với Lương Vũ Đế có các vị Tăng Mân, Pháp Sủng, Pháp Vân, Huệ Siêu; còn có các vị danh tăng như các vị Bảo Chí, Tăng Hựu, Bảo Xướng, Trí Tạng, Huệ Ước cũng là chỗ tri ngộ của vua.
Trong đó, pháp sư Bảo Chí nổi tiếng là bậc thần dị tăng. Pháp sư Pháp Vân chùa Trạch Quang, pháp sư Trí Tạng chùa Khai Thiện, và pháp sư Tăng Mân chùa Trang Nghiêm là ba vị đại pháp sư thời Lương, đều là những bậc cao tăng và là học giả xuất sắc về Thành Thực và Niết Bàn.
Nhân tiện đề cập đến “Pháp Hoa Nghĩa Sớ” của pháp sư Pháp Vân chính là bản gốc mà sau Thái tử Thánh Đức ở Nhật Bản căn cứ để trước thuật “Pháp Hoa Nghĩa Sớ”.
Pháp sư Tăng Hựu viết các bộ “Xuất Tam Tạng Ký Tập”, “Hoằng Minh Tập”, “Thích Ca Phổ”, đệ tử là pháp sư Bảo Xướng chịu ảnh hưởng của thầy mà viết “Danh Tăng Truyện”, “Tỳ Khâu Ni Truyện”; pháp sư Huệ Hiểu cũng tham khảo “Danh Tăng Truyện” để trước thuật “Cao Tăng Truyện”. Ba bộ “Tỳ Khâu Ni Truyện”, “Cao Tăng Truyện”, và “Xuất Tam Tạng Ký Tập” đều là những tác phẩm tăng truyện cổ nhất hiện tồn và được đánh giá rất cao.
Gia tộc Vũ Đế cũng tiếp tục một lòng tín phụng Phật giáo, thái tử Tiêu Thống cũng viết “Chiêu Minh Văn Tập”, con thứ ba là Văn Đế Tiêu Cương (tại vị 550-551), con thứ bảy là Nguyên Đế Tiêu Dịch (tại vị 552-554) cũng đều tinh thông Phật học và có những trước thuật riêng không thua kém Vũ Đế. Đặc biệt là “Giải Tam Đế Nghĩa” của thái tử Chiêu Minh là một tác phẩm nổi tiếng.
6. Pháp sư Chân Đế
Sự nghiệp dịch thuật kinh điển ở Giang Nam tuy có sôi nổi vào thời đầu Lưu Tống, nhưng so với sự hưng thịnh của Phật giáo hai thời Lương Tề thì vẫn là tương đối chậm. Đến mạt kỳ, do vì có pháp sư dịch kinh theo đường biển đến mà dần được hưng thịnh.
Đại biểu là pháp sư Chân Đế (Para-mārtha 499-569), người miền Tây Ấn Độ, nhận lời mời của Lương Vũ Đế mà theo đường biển đến Quảng Châu năm 546, năm Thái Thanh thứ 2 đời Lương Vũ Đế (548) đến Kiến Khang, được sự tri ngộ của Lương Vũ Đế, sau vì loạn Hầu Cảnh mà chuyển đến Phú Xuân (tỉnh Chiết Giang), sau có về lại Kiến Khang một lần nhưng vì chiến loạn cuối thời Lương mà chuyển đến Dự Chương (Nam Xương, tỉnh Giang Tây), đến năm đầu Thái Kiến đời Trần Tuyên Đế (569) pháp sư viên tịch tại Quảng Châu.
Tuy sống trong chiến loạn những pháp sư vẫn chuyên niệm cống hiến cho sự nghiệp phiên dịch kinh luận, tổng 49 bộ, 142 quyển, đặc biệt là dịch ra các bộ quan trọng như: “Nhiếp Đại Thừa Luận”, “Nhiếp Đại Thừa Luận Thích”, “Đại Thừa Khởi Tín Luận”, “Thập Thấp Địa Luận”, “Quyết Định Tạng Luận”, “Trung Biên Phân Biệt Luận”, “Chuyển Thức Luận”, “Kim Quang Minh Kinh”, “Phật Tính Luận”, “Duy Thức Luận”, “Tam Vô Tính Luận”, “Tạp A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận Thích Luận”...
Dẫn đến sự xuất hiện của Nhiếp Luận tông và Câu Xá tông tại Trung Quốc, đồng thời cũng là người đặt cơ sở cho nghiên cứu Duy Thức học, mở ra một vùng rộng lớn cho giáo học Phật giáo.
7. Phật giáo thời Trần
Nhà Trần truyền được năm đời, kéo dài 33 năm, là nhà kế thừa Phật giáo từ thời Lương. Trần Vũ Đế cho phục dựng lại hơn 700 ngôi chùa ở Kim Lăng bị chiến tranh phá hoại cuối thời Lương, lại nhiều lần cho thiết đại hội Vô Già ở chùa Trang Nghiêm. Các vua đời sau như Văn Đế, Tuyên Đế cũng học theo, và hành xả thân cúng dường.
Thời kỳ này có pháp sư Huệ Tư (515-577), hội đắc diệu lý Pháp Hoa nơi pháp sư Huệ Văn ở Bắc Tề, năm Thừa Thánh thứ 3 đời Lương Nguyên Đế (554) đến núi Đại Tô ở Quang Châu (tỉnh Hà Nam) sau chuyển đến Nam Nhạc ở đó hơn 10 năm chuyên việc hành hóa, dân chúng đều xưng là Nam Nhạc đại sư.
Pháp sư trước thuật “Đại Thừa Chỉ Quán Pháp Môn”, “Vô Tránh Tam Muội Pháp Môn”, “An Lạc Hạnh Nghĩa”, nhưng cũng có người còn tồn nghi với pháp sư. Bài “Lập Thệ Nguyện Văn” của pháp sư là khởi đầu cho tư tưởng Mạt pháp, trong đó có dẫn thuật là đã đến thời kỳ Mạt pháp (tham khảo thêm chương sáu của sách này). Tư tưởng về thời kỳ Mạt pháp và niên đại Phật diệt được pháp sư suy tính trước khi bộ “Đại Tập Nguyệt Tạng Kinh” được dịch ra, cũng là chuyện trước khi cuộc pháp nạn Bắc Chu phế Phật xảy ra.
8. Sự thành lập Đạo giáo
Phật giáo thời Bắc Ngụy hưng thịnh, giáo đoàn lớn mạnh kinh người với 30.000 ngôi chùa, 3 triệu tăng ni, đặc biệt là sự tín phụng và bảo hộ của Thái Tổ Đạo Vũ Đế (386-419), Thái Tông Minh Nguyên Đế (420-423) cũng như vậy, Thế Tổ Thái Vũ Đế (424-451) cũng rất tôn trọng pháp sư Đàm Thủy, nhưng sau đó có khuynh hướng ủng hộ Đạo giáo mà cho thi hành chính sách phế Phật.
Đạo giáo phát triển trên nền tảng Thái Bình đạo và Ngũ Đấu Mễ (năm đấu gạo) đạo do Trương Giác, Trương Tu, Trương Lỗ chủ xướng từ thời Tam Quốc, tín đồ tụng đọc “Lão Tử Đạo Đức Kinh” rồi làm các tín ngưỡng dân gian như dùng bùa chú trị bệnh;
Lại do Tả Từ, Cát Huyền cũng thời Tam Quốc chủ trương các phương thuật thần tiên, dưỡng sinh, luyện đan mà hợp lưu thành tổ chức với các chức vụ Thiên sư, Bố hành đô giảng, Tế tửu, Đô đốc, Chủ bộ, Gian lệnh, Quỷ sứ và được quảng đại dân chúng tin theo, lại thêm vào chút tư tưởng triết học Lão Trang mà thành Đạo giáo.
Thời Tây Tấn, có xảy ra cuộc biện luận giữa Đạo giáo và Phật giáo do Tế tửu Vương Phù và Sa-môn Bạch Viễn (Pháp Tổ) ở Hà Nội biện luận, “Lão Tử Hóa Hồ Kinh” là một trước tác ra đời trong bối cảnh đó. Bộ “Lão Tử Hóa Hồ Kinh” nay đã mất, chỉ còn tìm thấy một phần nhỏ nội dung tán lạc nói các thuyết như Lão Tử đi về Ấn Độ trở thành Thích Ca hoặc thành thầy của Thích Ca.
Bên Phật giáo cũng do đó mà trước thuật các bộ “Thiên Địa Kinh”, “Thanh Tịnh Pháp Hạnh Kinh”, “Tu Di Tứ Vực Kinh”, “Không Tịch Sở Vấn Kinh”, đem Khổng Tử xưng là Nho Đồng Bồ Tát, gọi Lão Tử là Ma Ha Ca Diếp.
Do vì thế lực của giáo đoàn Phật giáo phổ cập, xung đột tín đồ với Đạo giáo nên dẫn đến tranh luận cao thấp giữa hai bên, vì để tranh biện mà có sự trước thuật các sách để ủng hộ chủ trương của mình, cũng thông qua đó mà làm người Trung Quốc càng hiểu thêm về Phật giáo, kinh điển Phật giáo Ấn Độ cũng thông qua đó chuyển hình mang tính chất Trung Quốc nhiều hơn. Các tác phẩm như vậy, sau được gọi là “kinh điển ngụy nghi”, và là một đặc sắc thời kỳ tìm hiểu, cách nghĩa kinh điển Phật giáo.
Thời Đông Tấn lại có Cát Hồng viết các bộ Đạo thư như “Bão Phác Tử”, “Thần Tiên Truyện”; Đạo sĩ Lục Tu Tĩnh, phụng mệnh Tống Minh Đế làm quán chủ Sùng Hư Quán ở Kiến Khang, bắt đầu từ bộ “Thượng Thanh Chân Kinh” mà bổ sung, chỉnh lý các kinh điển các phái Đạo giáo, chia làm ba động là Động Chân, Động Huyền, Động Thần, viết thành bộ “Huyền Đổ Quán Kinh Mục”.
Lại có đạo sĩ Đào Hoằng Cảnh thời Lương, ẩn cư ở Mao Sơn, viết 7 chương “Chân Thoại”, thần hóa Lão Tử, đồng thời mô phỏng Phật điển để ngụy tạo ra nhiều Đạo kinh, trở thành tổ sư sáng lập Thượng Thanh phái. Sau đó là đạo sĩ Khấu Khiêm Chi thời Bắc Ngụy khiến Đạo giáo phát triển rực rỡ và trở thành quốc giáo.
9. Bắc Ngụy Thái Vũ Đế phế Phật
Đạo sĩ Khấu Khiêm Chi tu luyện hơn 20 năm ở Tung Sơn, có thuyết nói được Thái Thượng Lão Quân ban cho vị Thiên sư và 20 quyển “Vân Trung Âm Tụng Tân Khoa Chi Giới”, đến kinh đô nhà Bắc Ngụy là Bành Thành và được sự tôn kính của quan Tư đồ Thôi Hạo, do đó mà tiến cử và được tín nhiệm của Thái Vũ Đế.
Thái Vũ Đế cho xây đạo tràng Thiên Sư ở Đông Nam Bình Thành, tự xưng là Thái Bình Chân Quân rồi lấy đó làm niên hiệu, năm thứ ba (442) tự nhận phù lục(7), tháng Giêng năm thứ năm (444) đàn áp Sa-môn, năm thứ bảy (446) triệt để thi hành chính sách phế bỏ Phật giáo.
Người chủ mưu chính là Khấu Khiêm Chi và Thôi Hạo, mà đằng sau là sự mâu thuẫn ngầm giữa tinh thần dân tộc Hán và Hồ, Thôi Hạo đứng trên quan điểm của kẻ thống trị Hán tộc, muốn chinh phục và chi phối Phật giáo vốn đã trở thành văn hóa đương thời. Đồng thời cũng do nguyên nhân sự phát triển quá nhanh của giáo đoàn Phật giáo tạo thành sự đọa lạc của tăng ni và sự hủ hóa của giáo đoàn.
Có thể nhìn thấy số lượng chùa chiền và tăng ni tăng nhanh, khắp nơi xây cất công trình lớn, tài chính quốc gia thiếu hụt, khiến chính quyền Thái Vũ Đế thi hành chính sách phế bỏ Phật giáo. Lại do vì lúc Thái Vũ Đế thân chinh dẹp loạn Cái Ngô vào tháng Hai năm Thái Bình Chân Quân thứ 7, phát hiện trong một ngôi chùa ở Trường An có cất giấu binh khí, đồ nấu rượu, lại có mật thất chứa phụ nữ, nghi ngờ có mưu thông với Cái Ngô, lại cảm phẫn vì tình hình đọa lạc của Phật giáo nên dùng chính sách phế Phật của Thôi Hạo.
Nhưng bản thân Đạo giáo của Khấu Chi Khiêm, đặc biệt là bộ “Vân Trung Âm Tụng Tân Khoa Chi Giới” hơn nửa trong đó là mô phỏng giới luật Phật giáo, tượng Thiên tôn và Lão Quân cũng là hình tượng Phật Bồ Tát đương thời thịnh hành mà có. Nhưng thông qua cuộc phế Phật khiến giáo đoàn Đạo giáo từ chỗ không có tổ chức trở thành một hệ thống hoàn chỉnh và quy mô.
10. Văn Thành Đế phục hưng Phật giáo
Phong trào phế Phật không lâu thì Khấu Chi Khiêm chết, Thôi Hạo bị tru di. Sau 6 năm phế Phật, Thái Vũ Đế qua đời, Văn Thành Đế tức vị (452), chiếu lệnh cho phục hưng Phật giáo, bổ nhiệm pháp sư Đàm Diệu làm Sa-môn thống, quản giáo tăng đoàn Phật giáo.
Sau do lời tấu thỉnh của pháp sư Đàm Diệu mà cho khai tạc động đá ở Vân Cương, Đại Đồng, Hiến Văn Đế cũng tạo tượng Thích Ca cao một trượng sáu (4.85m), đồng thời xây tháp thờ 7 tầng cao 100m ở chùa Vĩnh Ninh. Hiếu Văn Đế theo học pháp sư Đạo Đăng, Tăng Uyên, sau dời đô về Lạc Dương, cho khai tạc đại thạch quật ở Long Môn.
Thời Tuyên Vũ Đế, số lượng tăng nhân từ Tây Vực đến Trung Quốc có đến 3.000 vị, nên sự nghiệp dịch kinh được hưng thịnh một thời, đặc biệt là pháp sư Bồ-đề-lưu-chi (Bodhiruci). Pháp sư Đàm Diệu và Cát-ca-dạ (Kinkara) cùng dịch bộ “Tạp Bảo Tạng Kinh”, “Phó Pháp Tạng Nhân Duyên Truyện”.
Hoạt động tích cực dưới thời Tuyên Vũ Đế có ba vị Bồ-đề-lưu-chi, Lặc-na-ma-đề (Ratnamati), Phật-đà-phiến-đa (Buddhaśānta) dịch ra một phẩm “Thập Địa” trong “Hoa Nghiêm Kinh”, “Thập Địa Kinh Luận” do Thế Thân chú giải; đồng thời ở Giang Nam có pháp sư Chân Đế dịch ra bộ “Nhiếp Đại Thừa Luận” giới thiệu tư tưởng của ngài Thế Thân đến Trung Quốc.
Sau đó, môn hạ của ngài Ma-đề là pháp sư Huệ Quang (Luật sư Quang Thống, Nam Đạo phái), môn hạ của ngài Lưu-chi là pháp sư Đạo Sủng (Bắc Đạo phái) tiếp tục phát triển Địa Luận tông, chia thành hai phái Nam, Bắc, tạo thành phong trào coi trọng nghiên cứu bộ kinh Hoa Nghiêm.
Ngoài ra, pháp sư Bồ- đề-lưu-chi còn dịch ra các bộ “Kim Cang Bát Nhã Kinh”, “Nhập Lăng Già Kinh”, “Vô Lượng Thọ Kinh Luận”; pháp sư Lặc-na-ma- đề dịch bộ “Bảo Tính Luận”; pháp sư Phật-đà-phiến-đa dịch ra bộ “Nhiếp Đại Thừa Luận”.
Cũng trong thời kỳ này, có một vị đề xướng tín ngưỡng Tịnh Độ là pháp sư Đàm Loan (476-542) người Nhạn Môn (tỉnh Sơn Tây), vốn học Tứ luận8, nhân chú giải “Đại Tập Kinh” cảm thấy đau ốm, cầu được khỏi bệnh, thăm đạo sĩ Đào Hoằng Cảnh, học phép trường sinh bất lão, trên đường về gặp pháp sư Bồ-đề-lưu-chi ở Lạc Dương mà đọc “Quán Vô Lượng Thọ Kinh”, từ đó coi Phật pháp là pháp trường sinh bất lão, chuyên tâm hoằng dương niệm Phật Tịnh Độ.
Ngụy Đế rất mực tôn sùng, hiệu pháp sư là “Thần Loan”. Pháp sư trú tại chùa Đại Nghiêm ở Tịnh Châu (huyện Dương Khúc tỉnh Sơn Tây), sau chuyển về chùa Huyền Trung núi Thạch Bích, sau tịch tại chùa Diêu Sơn vào năm Hưng Hòa thứ 4 đời Đông Ngụy Hiếu Tĩnh Đế (542), thế thọ 67 tuổi. Pháp sư có viết “Tịnh Độ Luận Chú”, “Tán A Di Đà Phật Kệ”.
“Tịnh Độ Luận Chú” là căn cứ vào bộ “Tịnh Độ Luận” (Ưu Bà Đề Xá Nguyện Sinh Kệ) do ngài Thế Thân viết, pháp sư Lưu-chi dịch và “Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận. Dị Hành Phẩm” mà làm chú giải, dùng cách giải thích của Tịnh Độ luận để điều hòa và dung hội hai luồng tư tưởng chủ lưu của Ấn Độ, có được kiến giải mới.
Pháp sư chủ trương thực hành “Ngũ niệm môn” gồm: Lễ bái, tán thán, tác nguyện, quán sát, hồi hướng; hoàn thiện cơ sở thực tiễn và giáo lý của Tịnh Độ tông Trung Quốc. Tư tưởng của pháp sư có thể thấy được qua bia văn Đàm Loan ở chùa Huyền Trung, mà sau này được pháp sư Đạo Xước nhấn mạnh, tiếp tục hoằng dương pháp môn Tịnh Độ.
11. Bắc Chu Vũ Đế phế Phật
Nhà Bắc Ngụy phân liệt làm hai: Đông Ngụy đóng đô ở đất Nghiệp (Chương Đức tỉnh Hà Nam), Tây Ngụy đóng đô ở Trường An (tỉnh Thiểm Tây), Cao Hoan nhà Đông Ngụy, và Vũ Văn Thái nhà Tây Ngụy cầm quyền. Không lâu sau, con Cao Hoan là Cao Dương nhượng vị mà lập nhà Bắc Tề (550), cháu con anh trai Vũ Văn Thái là Vũ Văn Hộ dấy binh lập nhà Bắc Chu (557), lập con của Vũ Văn Thái là Vũ Văn Ung làm Vũ Đế (561).
Cao Dương chính là Văn Tuyên Đế nhà Bắc Tề (tại vị 550- 559), cùng sánh với Lương Vũ Đế ở Giang Nam, hưng long Phật pháp, nhận pháp sư Huệ Quang (495-580) là giới sư, năm Thiên
Bảo thứ 6 Bắc Tề Văn Tuyên Đế (555) chiếu lệnh hủy bỏ Đạo giáo. Nhưng đối ngược lại, Bắc Chu Vũ Đế thi hành chính sách phú quốc cường binh, cho rằng có nhiều chùa chiền và tăng ni không có lợi ích mà chỉ có hại đối với xã hội, nên cưỡng chế triệt để thi hành chính sách phá bỏ Phật giáo.
Phong trào phế Phật bắt đầu vào năm Thiên Hòa thứ 2 Bắc Chu Vũ Đế (567), mà khởi nguồn là do Vệ Nguyên Tung vốn là tăng nhân hoàn tục dâng thư phế Phật và sự cổ xúy ngầm của đạo sĩ Trương Tân. Sau năm Thiên Hòa thứ 4, Vũ Đế nhiều lần triệu tập tăng lữ, đạo sĩ và trọng thần để biện luận chỗ hay dở của ba nhà Nho, Phật, Đạo; về bên Phật giáo có pháp sư Chân Loan viết “Tiếu Đạo Luận”, pháp sư Đạo An (Bắc Chu) viết “Nhị Giáo Luận”.
Kết quả, vào tháng Ba năm Kiến Đức thứ 3 Vũ Đế (574), hạ chiếu phế bỏ hai nhà Phật và Đạo. Chùa chiền kinh tượng đều bị hủy bỏ, tăng ni bắt phải hoàn tục rồi cho biên về trong quân dân; tháng Năm cùng năm lại cho lập Thông Đạo quán để bảo tồn căn bản nghĩa của hai đạo, mời thỉnh được hơn 120 người, song gặp lúc pháp nạn các vị tăng nhân có chí phần nhiều đã ẩn cư sơn lâm hoặc chạy về Giang Nam để tránh họa.
Đến tháng Giêng năm Kiến Đức thứ 6, Vũ Đế diệt nhà Bắc Tề, chùa tháp ở vùng đó cũng bị phá hoại, tăng ni phần nhiều hoàn tục, nhưng chủ yếu không phải là do chiếu phá Phật của Vũ Đế, mà là do chiến loạn gây nên. Như vậy, Phật giáo vùng Giang Bắc gần như bị hủy diệt. Không lâu sau đó, Vũ Đế bệnh chết, Tuyên Đế, Tĩnh Đế nối tiếp, dần dần cho phục hưng Phật giáo.
Đó cũng là kết quả của nỗ lực do Nhậm Đạo Lâm thượng biểu, pháp sư Huệ Viễn ở chùa Huệ Ảnh kháng cáo và Vương Minh Quảng dâng thư mà có, đồng thời cũng có một phần do ý hướng muốn tranh giành quyền ảnh hưởng của tể tướng Dương Kiên (Tùy Văn Đế) mà thành.
Chương V SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NGHỆ THUẬT PHẬT GIÁO
Phật giáo truyền nhập vào Trung Quốc vào khoảng những năm Công Nguyên, cũng là thời kỳ mà Phật giáo bộ phái ở Ấn Độ vận động mà phát triển Phật giáo Đại Thừa. Các vị học giả trong các bộ phái Phật giáo, cũng có không ít các vị chịu ảnh hưởng của tư tưởng Đại Thừa rồi tiến về hướng Tây Bắc Ấn Độ. Vùng đất đó dưới sự ngoại hộ của vương triều Quý Sương (Ksāna) trở thành địa đới trung tâm của Phật giáo.
Khoảng thế kỷ III TCN, đã có người Hy Lạp di trú tới đó, từ sau vương triều Khổng Tước, cũng là lúc dân tộc Đại Hạ (Bactria) tiếp nhận Phật giáo, đã dùng kĩ thuật điêu khắc điện Vạn Thần (Parthenon) của người Hy Lạp để sáng tác tượng Phật làm đối tượng lễ bái. Những tượng Phật đó thời cận thế khai quật được rất nhiều ở vùng Kiền-đà-la (Gandhara) nên gọi là tượng Phật kiểu Kiền-đà-la.
Nhưng đó là chuyện sau khi người Ấn Độ bỏ đi sự sùng bái đối với tháp Phật, điều đó có thể được suy luận thông qua những di tích nền tháp và di vật khảo cổ phát hiện được rất nhiều ở vùng này. Phương pháp điêu khắc tượng Phật mới truyền nhập vào giới Phật giáo ở miền Trung Ấn Độ và hình thành lên kiểu Ma-thâu-la (Madhurā) và sau đó là kiểu Cấp-đa (Gupta) rất được thịnh hành.
Ở một phương diện khác, điêu khắc tượng Phật kiểu Kiền- đà-la thông qua con đường tơ lụa (Silk Road) dần Đông truyền về Trung Quốc rồi được tiếp nhận, do đó những tác phẩm điêu khắc tượng Phật của kiến trúc Phật giáo Trung Quốc sơ kỳ cũng bị ảnh hưởng bởi phong cách Tây Vực, Ấn Độ. Sau đó do vì khác biệt môi trường, phong tục, dân tộc mà theo dần sự tiến triển của thời đại phát triển thành những hình thái riêng biệt.
1. Kiến trúc
Bố cục kiến trúc nơi thờ của Phật giáo Ấn Độ chia thành tháp (stūpa), chi-đề(9) (caitya), tỳ-ha-la (vihara, tăng phòng). Ban đầu là dùng gỗ tạo dựng, sau bắt đầu dùng gạch nung, đá hoặc dùng hang đá. Do vì kiến trúc Trung Quốc cổ đại thường dùng gỗ, thịnh hành kiểu kiến trúc cung điện lầu các tả hữu đối xứng, nên Phật giáo cũng dùng lối kiến trúc lầu các đó để xây dựng.
Công trình cổ nhất trong truyện ghi chép là vào năm Sơ Bình thứ 4 Hậu Hán Hiến Đế (193), hào sĩ ở Hạ Phì (huyện Phì, tỉnh Giang Tô) là Trách Dung (?-195) xây chùa Phù Đồ chứa được 3.000 người, làm tượng dát vàng, đắp y gấm lụa, tập hợp đọc tụng kinh điển, ngày mồng tám tháng Tư cử hành đại lễ tắm Phật. Quy mô như vậy được thực hiện ở trên lầu hai, lại thiết kế thêm phần đế, 9 vòng luân hoàn lên đến đỉnh tháp, cao vót đến mây.
Những di vật kiến trúc Phật giáo thời sơ kỳ tuy đã không còn nhưng có thể biết được đó là những công trình tầng lầu theo kiểu Trung Quốc kết hợp với kiến trúc tháp Phật Ấn Độ mà thành. Những dạng thức kiến trúc Phật giáo phương Tây đó do các vị tăng nhân đem từ Ấn Độ sang, lấy kiến trúc mái hiên chồng tầng của Trung Quốc làm chủ thể, bên trên phối hợp tháp Phật kiểu Ấn Độ hoặc thêm vào chút sắc thái Tây Vực.
Bởi mặt đáy của các công trình như: Tháp chín tầng ở chùa Bạch Mã, bia tháp gạch nung ba tầng ở chùa Thái Khang Lạc Dương Tây Tấn, tháp đá ba tầng ở chùa Thạch Tháp đều không hoàn toàn là thiết kế theo kiểu hình tròn ở Ấn Độ, cũng không phải là thiết kế đáy hình vuông theo kiểu Tây Bắc Ấn Độ.
Thiết kế phần đế thực chất là phát triển dạng đế kiểu Trung Quốc, hiên lang các tầng cũng từ kiến trúc chồng tầng lầu các mà có. Có thể biết được kiến trúc chùa Phật thời đó cũng có bài trí tượng Phật, nhưng hình thức thì lại khác với nguyên mạo kiến trúc Phật tháp ở Ấn Độ.
Đến thời Nam Bắc triều, quy mô chùa Phật càng được hoàn bị. Bắc Ngụy Thái tổ Đạo Vũ Đế vào năm đầu Thiên Hưng (398) định đô ở Bình Thành (Đại Đồng tỉnh Sơn Tây), kiến tạo tháp năm tầng, điện Kỳ-xà-quật sơn và điện Tu-di sơn, lại xây giảng đường, thiền thất, hoàn bị kiến trúc đường tháp của một ngôi già lam, từ đó tăng ni tu học có chỗ tu học theo quy củ, nề nếp sinh hoạt tùng lâm.
Sau khi Thế tổ Thái Vũ Đế phế Phật, pháp sư Đàm Diệu khai tạc chùa Đại Thạch Quật ở Vân Cương, lại có Văn Thành Đế chiếu mệnh cho các quận, huyện trong cả nước mỗi nơi phải dựng tạo một tháp thờ Phật, Hiếu Minh Đế cũng vào năm đầu Thần Quy (518) lệnh cho các quận xây tạo tháp Phật năm tầng, dựng tháp chín tầng ở chùa Vĩnh Ninh, Lạc Dương, nhìn ra xa ngoài trăm dặm.
Số lượng chùa Phật được xây tạo đương thời có thể thấy trong “Lạc Dương Già Lam Ký”, bên trong chùa Phật đường tháp xây mọc tầng tầng, huy hoàng rực rỡ, to lớn, trang nghiêm. Sự bố trí đường tháp trong ngôi già lam thời Bắc Ngụy, về cơ bản là dùng hình thức tả hữu đối xứng, giống như chùa Thiên Vương ở Nhật Bản vẫn còn đến ngày nay là kết cấu phát triển gần tương tự nhất với loại hình này.
Ngoài ra, các vương công quý tộc hiến tư dinh, lầu phủ của mình để làm chùa Phật cũng rất nhiều, số đó hoàn toàn là kiến trúc dinh phủ thuần chất Trung Quốc.
2. Điêu khắc và hội họa
Điêu khắc thời Phật giáo sơ kỳ, tuy không đủ để biết đích xác toàn bộ nhưng có thể biết được đại khái thông qua rất nhiều những tác phẩm khai quật được tại tỉnh Tứ Xuyên từ thời Tam Quốc. Cũng may mắn là những di tích điêu khắc trong quần thể thạch quật tại Đôn Hoàng, Vân Cương, Long Môn vẫn còn đến ngày nay, thông qua sự quan sát rất nhiều những tượng Phật, tháp Phật trên tường có thể biết được phần nào về kiến trúc, điêu khắc, hội họa đương thời.
3. Đôn Hoàng
Đôn Hoàng nằm ở động Thiên Phật, núi Minh Sa, tỉnh Cam Túc, còn gọi khác là Mạc Cao Quật(10). Căn cứ vào bài văn bia “Chu Lý Quân Trùng Tu Mạc Cao Quật Phật Khám Bia” có thể biết người đầu tiên bắt tay tạo công trình này là Sa-môn Lạc Tổn(11) vào năm đầu Kiến Nguyên thời Phù Tần (366); căn cứ vào “Sa Châu Địa Chí Xích Giản” (Bibliothéque Nationale lưu trữ) thì sớm hơn 13 năm, bắt đầu vào năm Vĩnh Hòa thứ 9 đời Đông Tấn Mục Đế (353).
Sau đó do pháp sư Pháp Lương và Đông Dương Vương xây tạo, đến thời Đường và Ngũ Đại cũng có thêm một vài hang. Hiện tại cộng lại có tất cả 480 hang đá, trong mỗi hang lại an trí rất nhiều tượng Phật, tượng Bồ Tát cho đến chư thiên, điêu khắc trên đá hoặc đắp bùn mà thành, bốn vách tường và giếng trời(12) đều được quét sơn trước rồi vẽ những tượng Thích Ca, Di Đà, Dược Sư, và những biến tướng Tịnh Độ, “Pháp Hoa Kinh”, “Duy Ma Kinh”, “Báo Ân Kinh”, “Quán Âm Kinh”, “Hoa Nghiêm Kinh”.
Đồng thời cũng có tranh vẽ những truyện tích, Phật truyện hoặc tư tưởng Phật giáo và trở thành kho báu của nghệ thuật Phật giáo.
Lại có những bản kinh chép tay do Tư-thản-nhân(13), Bá-hi-hòa(14), và Đại-cốc-quang-đoan(15) sưu tập được gọi chung là kinh chép Đôn Hoàng, cũng giống như những bản kinh chép tay thời kỳ Nại Lương (Nara 710-794) ở Nhật Bản, đều là những tư liệu quý giá nghiên cứu lịch sử lưu truyền Phật điển Hán dịch.
Đặc biệt là phát hiện nhiều tư liệu thuộc loại kinh điển còn tồn nghi, là những tư liệu không thể thiếu để nghiên cứu việc người Hán vốn là dân tộc đặc trưng cầu minh bạch lý giải và tiếp nhận Phật giáo như thế nào.
Những tranh vẽ miêu tả những “biến tướng” là dùng hội họa để vẽ tả những câu truyện trong kinh văn đề cập đến, thông thường là bắt đầu từ phần dưới ở giữa bức họa, rồi theo thứ tự hình chữ 「の」để thuật lại nội dung của toàn kinh, nhưng những bức họa ở Đôn Hoàng chưa thấy sự xuất hiện của dạng thức Mạn-trà-la của Mật giáo lưu hành giai đoạn sau này.
Phần cổ nhất trên các bức bích họa là di vật từ thời Bắc Ngụy, trong đó cũng có đề danh vào năm Nguyên Gia thứ 2 đời Lưu Tống Văn Đế (425).
Mặt đáy các hang đá đều là hình vuông, không có mặt đáy nào là hình móng ngựa giống với tháp viện và hang viện thông thường ở Ấn Độ, nhưng vẫn chịu ảnh hưởng của hình thức tăng viện Ấn Độ, ở chính giữa bức tường hậu là hai tường bên đều thiết khám thờ Phật, phối trí tượng Phật, Bồ Tát hình thành nên kết cấu “thiên Phật động(16)” hùng vĩ.
Thỉnh thoảng mới đào được tàn tích tháp Phật ở trung tâm của hang; ở bốn bề đều là thiết các khám thờ cùng phối với tượng Phật mà không có tháp Phật, chứng minh xu hướng lễ bái tháp Phật truyền thống từ xưa đã dần chuyển sang lễ bái tượng Phật.
Hình thức tượng Phật thì các di vật cổ hơn là theo kiểu Kiền-đà-la, sau đó là kiểu thức Tây Vực, cũng có thêm vào chút kiểu thời đại vương triều Cấp-đa, theo sự biến chuyển của thời đại mà sau đó cũng xuất hiện phong cách Trung Quốc, tức là hình thức khai triển từ thời Lục triều đến Tùy Đường. Đến thời Vãn Đường lại thêm vào chút phong cách Tây Tạng.
4. Vân Cương
Vân Cương nằm cách Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây 20 km về phía Tây, phía ngạn Bắc sông Vũ Châu. Sau khi Thế tổ Thái Vũ Đế nhà Bắc Ngụy phế Phật, Sa-môn thống Đàm Diệu đến Bình Thành vào năm Hưng An thứ 2 đời Bắc Ngụy Văn Thành Đế (453).
Bắt đầu khởi tạo từ mùa Thu năm đầu Hưng Quang (454), vì để truy thiện Bồ Đề và sám hối diệt tội cho năm vị hoàng đế từ ngày đầu lập quốc nhà Bắc Ngụy là Thái tổ Đạo Vũ Đế, Thái tông Minh Nguyên Đế, Thế tổ Thái Vũ Đế, Cung tông Cảnh Mục Đế, Cao tông Văn Thành Đế mà khai tạc năm hang lớn (hang thứ 16 đến 20). Công việc đó còn tiếp tục đến thời Đường, những hang được khai tạc uốn khúc kéo dài 12 km.
Trải qua hơn một nghìn mấy trăm năm, đến nay cũng chịu không ít tổn hại. Hơn 20 động đá từ thời Bắc Ngụy đến thời Đường và vô số tượng Phật đá, một mặt thuộc về hệ thống theo phong cách hang Đôn Hoàng, mặt khác cũng có thêm phong cách hùng tráng của các vị quân chủ Hồ tộc, nên có những tượng khắc đá đứng và ngồi cao đến khoảng 15 m.
5. Long Môn
Năm Thái Hòa thứ 7 đời Bắc Ngụy Hiếu Văn Đế (493), nhà Bắc Ngụy dời đô từ Đại Đồng về Lạc Dương, lại cho khai tạc hang đá ở núi Long Môn cạnh sông Y Thủy, theo “Ngụy Thư. Thích Lão Chí” thì duyên khởi công trình này là do Tuyên Vũ Đế vì Cao tổ Hiếu Văn Đế và Hiếu Văn hoàng hậu mà cho khai tạc hai nơi, một trong hai nơi đó là Long Môn, tính chất truy thiện vì tiên đế tương tự như ở Vân Cương.
Trải qua 20 năm, tốn lượng lớn kinh phí mà tạo thành, bắt đầu từ ba nơi cổ nhất phía bên phải cùng, chủ yếu còn khoảng hơn 20 hang hiện tồn. Trong đó, theo lời văn bia thì hang thứ 21 (Lão Quân Động) được bắt đầu vào năm Thái Hòa thứ 7, do đó mà suy đoán rằng công trình bắt đầu từ trước khi dời đô về Lạc Dương.
Nhưng công trình vĩ đại này vẫn được tiếp tục đến thời Đường, từ sự quan sát di tích tượng Phật các đời, trừ sự vĩ đại ra, nếu so sánh về diện mạo và hình thức tượng Phật thì ở Vân Cương tương đối Trung Quốc hóa về sau, tức từ phong cách cổ phác thời Lục triều biến chuyển đến phong cách ưu nhã thời Tùy Đường.
6. Núi Mạch Tích
Núi Mạch Tích nằm cách Thành Đông, huyện Thiên Thủy (Tần Châu), tỉnh Cam Túc 44 km về phía Nam, phía Đông Nam núi này cũng có quần thể hang đá. Quần thể này do Trương Lục Bách bắt đầu khai tạc vào năm Cảnh Minh thứ 2 đời Bắc Ngụy Tuyên Vũ Đế (501), đạo tục đương thời cũng đua nhau học theo, hoàng hậu Ất-phất của Tây Ngụy Văn Đế cũng được táng ở núi này.
Từ bài tự “Tần Châu Thiên Thủy Quận Mạch Tích Nhai Phật Khám Minh Tịnh Tự” của Canh Tín được biết Đại đô đốc Lâm Doãn Tín từng vì vong phụ mà khai tạc 7 hang ở đây. Hiện tồn tại ở đỉnh núi có tháp xá lợi gạch nung cao năm tầng đế bát giác và 194 pho tượng khắc tạc trên sườn núi, trừ một số tượng nhỏ ra thì trong hang còn có khoảng 1.000 pho tượng đắp, niên đại chế tác vào khoảng từ Bắc Ngụy đến thời Bắc Tống.
Di tích ở núi Mạch Tích với hang đá của chùa Bỉnh Linh ở huyện Vĩnh Tĩnh, tỉnh Cam Túc, đều là những bảo tạng văn hóa mới được phát hiện sau thế chiến thứ II.
7. Chùa Bỉnh Linh
Hang đá chùa Bỉnh Linh ở trong một núi đá nhỏ bờ Bắc Hoàng Hà, phía Đông Bắc huyện thành Vĩnh Tĩnh, phía Tây Nam Lan Châu. Theo “Thủy Kinh Chú” quyển hai Hà Thủy của Lịch Đạo Nguyên thời Bắc Ngụy viết thì thuộc hang động của Đạo giáo, hai động lớn nhất là Đường Thuật và Thời Lượng.
Nhưng đến quyển hạ “Tập Thần Châu Tam Bảo Cảm ứng Thông Lục” của pháp sư Đạo Tuyên biên thuật năm đầu Lân Đức đời Đường Cao Tông (664) thì đã có sự tồn tại của hang đá Phật giáo Đường Thuật, “Đường Thuật” là dùng tiếng Khương, nghĩa là ý của quỷ thần. “Bỉnh Linh” cũng là âm dịch từ tiếng Tây Tạng, nghĩa là 10 vạn Phật.
Những di tích hiện còn xác định được gồm: Thời Ngụy có 10 hang và 2 khám; thời Đường có 21 hang và 85 khám; thời Minh có 5 hang và 1 khám. Bia văn cổ nhất là lời nguyện văn khi khai tạc của Tào Tử Nguyên vào ngày 15 tháng Sáu năm Diên Xương thứ 2 đời Bắc Ngụy Tuyên Vũ Đế (513). Những bức bích họa đến thời Minh được vẽ lại, phong cách gần giống với Long Môn.
8. Huyện Củng, núi Thiên Long, núi Hưởng Đường, núi Đà, núi Vân Môn
Cũng vào thời Bắc Ngụy còn có hang đá ở huyện Củng (tỉnh Hà Nam) phía Đông Long Môn, cũng có hang đá ở núi Thiên Long và núi Hưởng Đường đại biểu cho nghệ thuật Phật giáo thời Bắc Tề. Thời Bắc Tề thì vùng Tấn Dương (Thái Nguyên) và đất Nghiệp (Chương Đức) là trung tâm văn hóa, núi Thiên Long lại nằm cách Tấn Dương 12 km về phía Tây Nam, núi Hưởng Đường nằm ở phía Bắc Nghiệp đô.
Trong đó, núi Thiên Long chia hai đỉnh Đông và Tây, ở mặt Đông Nam giữa sườn cả hai đỉnh đều có khai tạc hang đá, bắt đầu từ chùa hang Tiên Nham của Văn Tuyên Đế và chùa hang Thiên Long của Hiếu Chiêu Đế, tiếp tục đến thời Đường, hiện tồn có từ hang đầu đến hang thứ 8 ở đỉnh Đông, hang thứ 9 đến hang thứ 21 ở đỉnh Tây.
Diện mạo tượng Phật thì má đầy ưu mỹ, các đường nối đều dùng dây sắt để tô khắc, tư thế cao lớn, trang nghiêm. Trong hang thì chính diện có cửa vòm, là phong cách vòm hoa sen của Ấn Độ, bốn bên vòm đá và giếng trời đều khắc chạm tượng chư thiên bay cúng dường, đều là phong cách Trung Quốc.
Núi Hưởng Đường cũng chia thành hai nơi Nam và Bắc, núi Nam Hưởng Đường nằm ở trấn Bành Thành, nằm cách huyện Từ 18 km về phía Tây, thuộc địa phận tỉnh Hà Bắc. Núi Bắc Hưởng Đường nằm ở thôn Nghĩa Tỉnh, huyện An, thuộc tỉnh Hà Nam. Núi Nam có 7 hang; núi Bắc có nhóm 3 hang thời Tề làm trung tâm, ngoài ra còn 4 hang, 4 khám thời, nếu xét về niên đại thì hang số 1 đến số 3 là tác phẩm thời Tề, hang số 8, 10, 16 là kiệt tác thời Tùy, những hang còn lại đều là di vật thời Sơ Đường.
Phía Đông hang nhỏ số 1 có bài văn khắc Tây Phương tam thánh khắc năm Đại Nghiệp thứ 7 đời Tùy Dương Đế (611); trước hang số 3 và số 4 đều có khám thờ nhỏ, có khắc niên hiệu năm Hiển Đức thứ 4 Chu Thế Tông (957), Khang Định thứ 2 Tống Nhân Tông (1041), Hoằng Trị thứ 17 Minh Hiếu Tông (1504). Trên vách tường phía bên phải ngoài hang số 2, hiện còn có khắc “Di Lặc Thành Phật Kinh” và lời nguyện văn của Phiếu Kỵ đại tướng quân Đường Ung vào năm Vũ Bình thứ 3 Bắc Tề Vũ Đế (572).
Có thể thấy được tính chất tương đồng với việc đem núi Thiên Long làm linh miếu của hoàng thất nhà Bắc Tề. Sự khắc tạo hang đá ở núi Hưởng Đường bắt đầu từ Bắc Tề kéo dài đến thời Đường, hình thức cùng kĩ thuật điêu khắc và kiến trúc có khác biệt. Hình thức khúc nối giữa cột và xà ngang cũng không giống dạng đường thẳng như ở Vân Cương và Long Môn, mà là dùng hình thức đường cong chịu lực, cũng là kĩ thuật thay đổi từ khoảng thời Bắc Ngụy đến thời Đường.
Ngoài ra còn có 6 hang ở Đà Sơn khai tạc vào thời Tùy Đường, nằm cách Thanh Châu tỉnh Sơn Đông 12 km về phía Đông Nam, đối đỉnh với núi Vân Môn. Trong hang số 1 có lưu bài khắc văn vào năm Trường An thứ 2 Đường Vũ Hậu (702), do đó có thể suy đoán được niên đại khai tạc.
Trên vách tường phía Nam núi Vân Môn cũng có 5 hang được khai tạc vào thời Tùy Đường, lấy cửa động trên đỉnh núi làm trung tâm, trong hang số 1 ở phía Tây cũng có khắc văn vào các năm Khai Hoàng thứ 17, 18, 19 đời Tùy Văn Đế; nối tiếp trong hang phía Đông có khắc văn vào năm Khai Nguyên thứ 19 đời Đường Huyền Tông (731). Ba hang còn lại nằm ở phía trên cửa động. Nếu căn cứ vào dòng chữ “Vân Môn sơn Đại Vân tự” mà suy đoán thì trên đỉnh núi vốn có một ngôi già lam tên là Đại Vân, nay đã không còn.
Nhìn chung, trong khoảng thời gian từ thời Bắc Ngụy đến thời Bắc Tề thì công tác tạo tượng rất được thịnh hành và là những công trình vĩ đại không tiền tuyệt hậu. Bất luận là để cầu lợi ích hiện thế hoặc phúc báo tương lai, những công trình này đều có sự tham gia của các giai tầng trong xã hội trên từ hoàng đế vương công dưới đến nhân dân trăm họ, từ những bài khắc văn cũng có thể biết được tình hình thực tế đương thời.
Nhưng những hang đá như vậy chỉ thấy ở phương Bắc, ở Giang Nam gần như không có, tuy cũng có di tích khắc đá ở núi Thê Hà ngoại thành Nam Kinh nhưng không thể so sánh được với những hang động ở phương Bắc. Có lẽ là do vùng Giang Nam có ít các vùng địa chất có núi đá cứng phù hợp.
Trong “Tập Thần Châu Tam Bảo Cảm Thông Lục” của pháp sư Đạo Tuyên thời Đường có đề cập đến 50 linh tượng, vùng Giang Nam đều là tượng kim loại. Nên có thể nhận ra một điều là phương Bắc chủ yếu đắp tạo tượng hoặc điêu khắc tượng đá, Giang Nam chủ yếu phát triển tượng đúc kim loại. Ở Tứ Xuyên thì cũng có thấy công trình khắc đá ở Đại Túc (phía Tây Bắc Trùng Khánh) vào khoảng từ cuối thời Đường đến Nam Tống.
Còn nữa... Tác giả: Thượng tọa TS Thích Giải Hiền soạn dịch Trích sách: Lịch sử Phật giáo Trung Quốc ***
Bình luận (0)