Lịch sử Phật giáo Trung Quốc - Ở phương Nam trước có sự phồn thịnh của học phái Niết Bàn và học phái Thành Thực, ở phương Bắc có sự trỗi dậy của học phái Địa Luận (Hoa Nghiêm), sau đó lại có Đại sư Trí Khải (538-597) dựa trên bộ “Pháp Hoa Kinh” để khai sáng tông Thiên Thai.

Chương VI PHẬT GIÁO THỜI TÙY PHẬT GIÁO QUỐC GIA THỐNG NHẤT

1. Phật giáo quốc gia

Sau khi Bắc Chu Vũ Đế phế Phật, Bắc Chu Tĩnh Đế nhượng vị cho Tùy Cao Tổ Văn Đế vào năm Đại Tượng thứ 3, đổi niên hiệu là Khai Hoàng. Năm Khai Hoàng thứ 9 (589), lại hợp nhất nhà Trần ở Nam triều, hoàn thành đại nghiệp thống nhất toàn Trung Quốc, kết thúc cục diện Nam Bắc phân tranh, quần hùng cát cứ kéo dài hơn 260 năm từ sau thời Đông Tấn.

Trong khoảng thời gian 30 năm từ đó về sau đến khi Đường Cao Tổ diệt nhà Tùy, Trung Quốc thống nhất có những bước phát triển lớn về chính trị, kinh tế, và văn hóa. Không lâu sau khi Tùy Văn Đế tức vị, cho thi hành mạnh mẽ những chính sách thúc đẩy sự tập quyền trung ương, tạo ra diện mạo mới đối với quốc gia thống nhất.

Trong khoảng 13 năm lập quốc, nhà Tùy diệt vương triều Bắc Tề và Bắc Chu (Hồ tộc), diệt hai vương triều Hậu Lương và Trần (Hán tộc), xử lý và đối đãi với những cựu thần của bốn vương triều trở thành vấn đề quan trọng cần giải quyết cấp bách. Vì để xóa đi sự mâu thuẫn và đối lập giữa hai tộc Hán và Hồ, buộc phải có những chính sách ưu đãi những cựu thần Hồ tộc, đồng thời cũng là những quan lại nhà Bắc Chu trợ giúp nhà Tùy thành lập.

Vì để hòa hoãn những xu hướng đa nguyên, phân phái kết bè ẩn tàng trong giai tầng quan lại, nhu cầu xác lập một cơ chế hiệp điều thống nhất tập quyền trở nên càng bức thiết. Dưới nhu cầu cần tìm một nền tảng tinh thần mang tính thống nhất quốc gia hoặc một đường hướng chỉ đạo mới, Tùy Văn Đế đã sử dụng tư tưởng về bình đẳng tuyệt đối, quan niệm siêu việt mọi sự khác biệt của giáo thuyết Phật giáo để làm đường hướng lãnh đạo nhà Tùy hướng đến thống nhất quốc gia.

Do đó, sau khi nhà Bắc Chu phế Phật, nhà Tùy cho thi hành cuộc đại vận động phục hưng Phật giáo, điều đó đánh dấu sự biến chuyển Phật giáo đã thoát ly khỏi mô thức Phật giáo Ấn Độ mà mang tính thống nhất Nam Bắc và đẩy mạnh hơn quá trình Trung Quốc hóa Phật giáo, đồng thời thêm vào các thành tố, quan niệm tông phái mới thích ứng với tư tưởng và cảm tình với người Trung Quốc, do đó là cấu thành điểm khác biệt của lịch sử Phật giáo thời Tùy.

Do đó cũng không quá khi cho rằng không trải qua những kinh nghiệm gốc rễ của cuộc phế Phật của nhà Bắc Chu thì không sản sinh ra được Phật giáo Trung Quốc mới. Nói đến sự phục hưng Phật giáo thời Tùy và sự phát triển kinh ngạc đầu tiên phải xét đến vai trò cá nhân của Tùy Văn Đế với sự nghiệp phục hưng Phật giáo.

Tùy Văn Đế sau khi hoàn thành bá nghiệp thống nhất toàn Trung Quốc, cũng giống như các hoàng đế Trung Hoa, lấy chủ nghĩa đức trị trong tư tưởng Nho gia truyền thống làm lý tưởng, thông qua thực tiễn lễ giáo để thúc đẩy mạnh mẽ các chính sách văn giáo, nhưng trong bối cảnh hình thế đối lập về tư tưởng dân tộc Hán và Hồ vẫn chưa hoàn toàn mất đi thì chủ nghĩa đức trị của Nho giáo không đủ để đảm đương.

Huống hồ bản thân Tùy Văn Đế cũng không có những lý giải sâu sắc đối với Nho giáo, trên cương vị là quân chủ của một quốc gia Hán tộc, chỉ là biểu hiện quan tâm đối với Nho giáo trên hình thức mà thôi. Tùy Văn Đế thuở nhỏ lại được thần ni Trí Tiên chùa Bát Nhã ở Phùng Dực nuôi dạy, do đó mà những ảnh hưởng của Phật pháp là không nhỏ, về sau càng ngày càng nhiệt thành với Phật giáo, còn Nho giáo thì tương đối lãnh đạm.

Tháng Sáu năm đầu Nhân Thọ (601), Tùy Văn Đế hạ chiếu toàn quốc phế bỏ trường học công lập, đồng thời phát tặng xá lợi đến 112 chốn ở các châu quận chủ yếu để xây tháp cúng dường.

Sau đó, Tùy Văn Đế vì để thực tiễn tín ngưỡng Phật giáo mà trong khoảng niên hiệu Nhân Thọ lại làm thêm 3 lần xây tháp công đức: Lần một là vào ngày mười lăm tháng Mười năm đầu Nhân Thọ (601) nhân ngày sinh Tùy Văn Đế cho khởi lập tháp ở 30 chỗ. Lần hai là vào ngày Phật đản năm Nhân Thọ thứ 2 (602), khởi tháp ở 51 chỗ. Lần ba cũng vào ngày Phật đản năm Nhân Thọ thứ 4 (604), khởi tháp ở 30 chỗ.

Những tháp xá lợi ở trên đều được đặt ở trung tâm đô thị các châu lúc bấy giờ, hoặc xây tạo ở trong khuôn viên các chùa Phật nổi tiếng. Các vị sứ giả được phái chuyển xá lợi từ kinh đô đến các vùng đều là các bậc học đức vẹn toàn và đặc biệt đều là các vị cao tăng hàng đầu đảm trách nhiệm vụ giáo hóa trong cả nước.

Lại cho chiếu lệnh ngày đưa xá lợi nhập tháp thì các quan lại ở địa phương đó toàn bộ đều phải tham dự, đình chỉ chính sự bảy ngày để toàn tâm lo việc thiết trai hành đạo, điều đó cũng cho thấy thực tế tập quyền quyền lực của một triều đại mới. Y theo chiếu lệnh xây tháp xá lợi cũng khiến nhân dân trăm họ cùng phát Bồ Đề tâm với Tùy Văn Đế, cùng tu phúc nghiệp, từ hoàng thất, quan lại, thứ dân cho đến hết thảy chúng sinh u hiển đều được thọ hưởng công đức.

Do vậy, kinh phí xây dựng các tháp không lấy từ quốc khố mà do toàn thể nhân dân đóng góp, lại lệnh hạn chế mỗi người chỉ được bố thí dưới 10 văn tiền, khiến người người đều có thể tham gia xây dựng tháp Phật, thực hiện đúng theo tinh thần Phật giáo bình đẳng phổ cập và tâm nguyện thi hành triệt để. Như vậy, Phật giáo thời Tùy được phổ rộng toàn quốc, đồng thời cũng phản ánh Phật giáo đã trở thành một hình thái tôn giáo của người Trung Quốc và đặt nền tảng phát triển cho sau này.

Hang đá Long Môn, cố đô Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.

2. Ngũ chúng và Tứ phương quán

Giới Phật giáo đương thời, do vì có các học đồ vân tập để theo học nơi các vị cao tăng học đức vẹn toàn, nên trong các chùa lớn ở các địa phương xuất hiện nhu cầu lãnh đạo, chỉ dẫn đại chúng tu học, mà có sự thành lập của các “chúng” (眾). Đến năm Khai Hoàng thứ 12 đời Tùy Văn Đế (592), Văn Đế sắc lệnh chọn ra các bậc cao tăng tài đức kiêm bị, rồi chế lập “nhị thập ngũ chúng”, đồng thời cũng cho thiết lập ra “ngũ chúng”.

Có thể nói đó là diện mạo ban đầu nhất của đoàn thể tông phái sai biệt được công khai của Phật giáo Trung Quốc. Căn cứ vào ghi chép trong quyển 15 “Tục Cao Tăng Truyện” thì nói “chúng” là các vị đều thông hiểu tam học, mỗi ngày lên điện, tụng đọc chư kinh, đồng thời thuyết giảng, lấy kinh sư làm trung tâm, mở rộng giáo hóa phổ rộng ra các địa phương khác. Các vị ấy lại được chia làm “chúng chủ”, “Ma ha diên tượng”, “pháp chủ giảng đọc kinh”(17).

Trong đó, Pháp sư Tăng Xán là Đệ nhất Ma ha diên tượng của 25 chúng, pháp sư Tăng Côn là pháp chủ dạy đọc kinh của 25 chúng, pháp sư Huệ Ảnh là chúng chủ của 25 chúng.

Như vậy, “nhị thập ngũ chúng” có thể nói là những vị lãnh đạo thông đạt toàn bộ học vấn Phật giáo; còn “ngũ chúng” là chỉ các vị đại biểu có tri thức chuyên môn về các kinh luận. Như: 1. Pháp sư Pháp Ngạn và Bảo Tập là chúng chủ của Đại Luận chúng; 2. Pháp sư Trí Ẩn là chúng chủ của Giảng Luận chúng; 3. Pháp sư Hồng Tuân là chúng chủ của Giảng Luật chúng; 4. Pháp sư Đồng Chân, Pháp Tổng, Thiện Trụ là chúng chủ của Niết Bàn chúng; 5. Pháp sư Huệ Thiên là chúng chủ của Thập Địa chúng.

Nếu lấy điểm mạnh của năm vị chúng chủ để phán đoán thì tri thức Phật giáo chuyên môn của các vị có thể nói là được nối dài của học phong từ thời Nam Bắc triều trước đó. Lúc này các vị Thiên Thai Trí Khải hoặc Tín Hành của Tam Giai Giáo tuy đã qua đời, tuy thực tiễn giáo học và tôn giáo của các vị vẫn chưa được hoằng khai phổ rộng nhưng những gì đời trước truyền lại đã trở thành thế và lực của chung giáo đoàn.

Đặc biệt là các vị chúng chủ như Huệ Viễn, Huệ Tạng, Đàm Diên, Tăng Hưu, đều được tôn làm ngũ đại đức hoặc tam đại đức mà nức tiếng trong giáo giới đương thời. Do sự hoạt động năng nổ của “ngũ chúng” mà có thể thấy trong nội bộ toàn thể giáo đoàn Phật giáo đã có những xu hướng dần dần rõ ràng của hình thái phân khoa nghiên cứu các bộ kinh luận, trên phương diện tư tưởng cũng dần hình thành những trạng thái phân khai.

Bởi vì, căn cứ vào tư liệu trong tăng truyện, ngoài “ngũ chúng” ra còn có các chúng khác như Hoa Nghiêm chúng, Thiền chúng, Đầu Đà chúng, có thể thấy được sự thịnh đạt của các “chúng” đương thời.

Trên phương diện tư liệu thì đến sau niên hiệu Khai Hoàng (581-600), không thấy còn xuất hiện danh từ “ngũ chúng” nữa, bởi sự ngắn ngủi khi sử dụng như một thuật ngữ hành chính, nhưng đến khoảng 150 năm sau, năm Thiên Bình thứ 19 (747), trong giới Phật giáo tại Nhật Bản lại xuất hiện “ngũ chúng” gồm Tu-đa-la chúng, Tam Luận chúng, Luật chúng, Nhiếp Luận chúng.

Đó là mô phỏng điển phạm “chúng” của Phật giáo Trung Quốc mà thiết lập, nhưng lại không phải là tình hình thời Văn Đế, do đó mà không khó để suy luận ra giới Phật giáo Trung Quốc thời sau Văn Đế vẫn lấy đại tự viện làm trung tâm mà lưu giữ sự tồn tại của các “chúng”. Đương thời tại Nhật Bản, Thái tử Thánh Đức trên cương vị thay Thiên hoàng Thôi Cổ (Suiko Tennō) nhiếp chính, dùng tinh thần Nho, Phật để cải cách nội chính, đồng thời sai phái đoàn(18) đến học tập văn hóa Trung Quốc.

Trong “Tùy Thư” có nói, năm Khai Hoàng thứ 20 có sứ tiết từ Nhật Bản đến Trung Quốc, “Nhật Bản Thư Ký” cũng nói phái sứ đoàn đi vào các năm Thiên hoàng Thôi Cổ thứ 15, 16, 23. Mục đích của việc đi sứ là học tập triều Tùy kinh nghiệm thống nhất quốc gia để khắc phục những mâu thuẫn về xã hội và tư tưởng ở Nhật Bản, đi tìm một hướng đi chính trị mới.

Vì để đón tiếp và phục vụ mục đích truyền dạy cho những du học tăng đến, thời Tùy Dương Đế đặc biệt lập Tứ phương quán ở Hồng Lư tự tại Lạc Dương, lại lệnh thỉnh bốn vị cao tăng là các pháp sư Tịnh Nghiệp, Tĩnh Tạng, Linh Nhuận và Thần Huýnh phụ trách việc truyền dạy cho các du học tăng.

Các vị đó đều là những vị môn hạ nơi pháp sư Huệ Viễn và Đàm Thiên, là những chuyên gia về Niết Bàn, Nhiếp Luận, Thập Địa, do đó có thể không khó hiểu được nội dung các vị du học tăng Nhật Bản đương thời nghiên cứu là những gì. Ngoài ra, trong “Tục Cao Tăng Truyện” còn nói trong Tứ phương quán thường tổ chức các đại pháp hội giảng kinh, giảng các kinh điển hộ quốc như “Kim Quang Minh Kinh”, “Nhân VươngKinh”, có thuyết nói cũng từng làm công tác san định và hiệu đính Phật điển.

3. Thiên Thai tông

Ở phương Nam trước có sự phồn thịnh của học phái Niết Bàn và học phái Thành Thực, ở phương Bắc có sự trỗi dậy của học phái Địa Luận (Hoa Nghiêm), sau đó lại có Đại sư Trí Khải (538-597) dựa trên bộ “Pháp Hoa Kinh” để khai sáng tông Thiên Thai.

Đại sư không tiếp thừa tư tưởng “Pháp Hoa Nghĩa Sớ” thời Lương mà đối với sự thành lập giáo học Thiên Thai, đại sư có kết hợp tư tưởng của học giả Thành Thực Luận, tông phong của pháp sư Pháp Vân chùa Quang Trạch, pháp sư cũng lại tiếp thừa tư tưởng của Thiền sư Huệ Văn thời Bắc Tề và Thiền sư Nam Nhạc Huệ Tư.

Do đó, có thể thấy tư tưởng của đại sư không chỉ tiếp nhận đơn thuần hướng nặng về giáo học của Phật giáo Nam triều, mà có triển khai tư tưởng thực tiễn Phật giáo mới.

Đại sư tổng hợp các cách lý giải giáo nghĩa của các nhà “Nam tam Bắc thất"(19) để tự lập “ngũ thời bát giáo"(20), đồng thời lấy bộ kinh Pháp Hoa làm quyền uy tối cao trong các kinh điển để tạo thành chủ trương của đại sư. “Ngũ thời bát giáo” do đại sư sáng lập có thể coi là triết lý đỉnh cao của Phật giáo, cùng với tư tưởng “ngũ giáo thập tông"(21) do pháp sư Pháp Tạng tông Hoa Nghiêm sáng lập, được coi là hai bên vai trụ của giáo học Phật giáo Trung Quốc.

Đại sư Trí Khải sinh năm Đại Đồng thứ 4 đời Lương Vũ Đế (538) tại huyện Hoa Dung, Kinh Châu (Giám Lợi, tỉnh Hồ Bắc), xuất gia vào lúc chiến loạn cuối thời Lương, chuyên tâm nghiên cứu Niết Bàn và Pháp Hoa, sau đến núi Đại Tô ở Quang Châu (tỉnh Hà Nam), theo học Thiền sư Huệ Tư ở Nam Nhạc, thể đắc pháp môn Pháp Hoa Tam Muội, sau bảy năm theo hầu, nghe lời thầy về phương Nam vào năm 30 tuổi.

Năm 31 tuổi, đại sư trú tại chùa Ngõa Quan ở Kim Lăng giảng kinh Pháp Hoa, hậu thế lấy mốc đó làm năm khai tông Thiên Thai, được khắp nơi từ triều đình đến thôn dã tín phục. Tám năm sau, đại sư rời khỏi đó để đến núi Thiên Thai ở phủ Đài Châu, Chiết Giang để hành hạnh Đầu-đà. Từ đó được xưng là Thiên Thai đại sư và gọi tông chỉ là tông Thiên Thai. Đại sư ở trong núi 9 năm, sau vì vua nhà Trần thỉnh mà lại về Kim Lăng, trú chùa Quang Trạch giảng “Pháp Hoa Văn Cú”.

Sau khi nhà Trần vong, nhà Tùy thống nhất Nam Bắc, Tấn Vương Quảng (Tùy Dương Đế) là tổng quản Dương Châu, thọ Bồ Tát giới nơi đại sư và tặng hiệu là Trí Giả đại sư. Sau đại sư về cố hương ở Kinh Châu xây chùa Ngọc Tuyền, chính là nơi đại sư giảng hai bộ chủ đạo của giáo nghĩa Thiên Thai là “Pháp Hoa Huyền Nghĩa” và phương pháp thực tiễn “Ma Ha Chỉ Quán”.

Năm Khai Hoàng thứ 17 (597), đại sư thị tịch tại núi Thiên Thai, thế thọ 60 tuổi. Các trước tác của đại sư ngoài Thiên Thai tam đại bộ vừa kể bên trên còn có “Quán Âm Huyền Nghĩa”, “Quán Âm Nghĩa Sớ”, “Kim Quang Minh Huyền Nghĩa”, “Kim Quang Minh Văn Cú”, “Quán Vô Lượng Thọ Kinh Sớ” (Thiên Thai ngũ tiểu bộ). Trong đó, nhiều bộ là do đệ tử thường tùy Chương An Quán Đính đại sư (561-632) thường theo hầu đại sư và ghi chép lại, nên công tích cũng rất lớn.

Sau khi đại sư Trí Giả viên tịch, pháp sư Quán Đính chuyên tâm vào công việc hưng long giáo đoàn, đặt cơ sở cho việc thành lập tông Thiên Thai, sau đó pháp sư về chùa Quốc Thanh ở núi Thiên Thai, là nơi mà Tùy Dương Đế sai Tư Mã Vương Hoằng dựng để kỉ niệm Trí Giả đại sư, thực tế thì vị chủ tọa đầu tiên ở chùa này chính là pháp sư Quán Đính. Pháp sư cũng có viết các bộ “Niết Bàn Sớ”, “Quốc Thanh Bách Lục”, “Trí Giả Đại Sư Biệt Truyện”.

Tông Thiên Thai từ sau thời pháp sư Quán Đính rồi đến thời Đường, tuy có các vị Trí Uy, Huệ Uy, Huyền Lãng truyền thừa pháp mạch, nhưng Thiền tông đương thời tông phong cực thịnh nên lấn át tông thế Thiên Thai. Đến thời trung Đường, do pháp sư Trạm Nhiên là đệ tử pháp sư Huyền Lãng khôi phục lại thế thịnh của tông Thiên Thai như ngày trước.

Pháp sư Trạm Nhiên (711-782), nhân vì địa danh nơi sinh mà còn gọi là Kinh Khê tôn giả, cũng xưng là Đại Lạc đại sư. Pháp sư là đệ lục tổ tông Thiên Thai, danh tiếng của pháp sư với pháp sư Trừng Quán tông Hoa Nghiêm cùng tề danh trong giới Phật giáo từ trung Đường về sau, sử gọi là giai đoạn trung hưng tông Thiên Thai.

Pháp sư vốn là một Nho sinh ở Tấn Lăng, Kinh Khê (huyện Nghi Hưng, tỉnh Giang Tô), sau theo học Thiên Thai nơi pháp sư Huyền Lãng, cuối cùng trở thành vị rường cột tông Thiên Thai.

Trước tác của pháp sư tương đối nhiều, trừ các bộ “Pháp Hoa Huyền Nghĩa Thích Thiêm”, “Pháp Hoa Văn Cú Ký”, “Ma Ha Chỉ Quán Phụ Hạnh Truyền Hoằng Quyết” (Thiên Thai tam đại bộ ký), “Chỉ Quán Đại Ý”, “Chỉ Quán Sưu Huyền Ký” là các bộ luận trước liên quan đến giáo học Thiên Thai, còn có các sách viết về tông khác như “Kim Cang Phê Luận”, “Chỉ Quán Nghĩa Lệ”, “Ngũ Bách Vấn Luận”, ngoài ra còn nhiều loại như “Niết Bàn Kinh Sớ”, “Duy Ma Lược Sớ Ký”.

Đến những năm cuối đời, nhân vì những khác biệt về tư tưởng với pháp sư Trừng Quán tông Hoa Nghiêm, nên các trước thuật về sau của pháp sư không chỉ thuật lại giáo học Thiên Thai cũ, mà phát triển thêm vào tư tưởng Hoa Nghiêm. Sau pháp sư Trạm Nhiên, có hai vị nối tông mạch là pháp sư Đạo Thúy và Hạnh Mãn. Pháp sư Tối Trừng - người sáng lập tông Thiên Thai Nhật Bản cũng là được hai vị trên truyền thừa pháp mạch Thiên Thai.

4. Tam Luận tông

Do vì pháp sư Pháp Lãng ở chùa Thê Hà tại Nhiếp Sơn đề xướng nghiên cứu các bộ “Trung Luận”, “Thập Nhị Môn Luận” của ngài Long Thọ và bộ “Bách Luận” của ngài Đề-bà, hợp thành “tam luận”, lại do pháp sư Tăng Thuyên và Pháp Lãng phát triển dần dần gạt bỏ tư tưởng “nhị đế hợp minh trung đạo"(22) của học phái Thành Thực sớm được thịnh hành mà siêu việt qua nó, nhưng người tập đại thành giáo nghĩa Tam Luận tông lại là đại sư Gia Tường Cát Tạng (549-623) thời Tùy.

Phụ thân của đại sư là người An Tức, mẹ họ Phùng người Kim Lăng, pháp sư sinh vào năm Thái Thanh thứ 3 đời Lương Vũ Đế (549) tại Kim Lăng, bị gọi là Hồ - Cát Tạng. Ban đầu theo học pháp sư Pháp Lãng ở chùa Hưng Hoàng, Kim Lăng học tam luận, nghiên cứu áo nghĩa, sau vì lánh chiến loạn cuối thời Trần mà đến Việt Châu (Chiết Giang), trú tại chùa Gia Tường, hoằng dương tam luận.

Đến năm cuối niên hiệu Khai Hoàng đời Tùy Văn Đế (600), nhận lời thỉnh của Tấn Vương Quảng đến đạo tràng Huệ Nhật ở Dương Châu (phủ Giang Tô) viết bộ “Tam Luận Huyền Nghĩa”, sau đó di trú đến đạo tràng Nhật Nghiêm ở Trường An, thịnh truyền diệu lý “bát bất Trung Đạo"(23), trở thành vị đệ nhất trong Trường An thập đại đức. Pháp sư sau qua các chùa Thực Tế, Định Thủy, Diên Hưng hoằng truyền giáo học tam luận, nên có ưu thế áp đảo trong giới Phật giáo ở Trường An.

Pháp sư thị tịch năm 75 tuổi vào năm Vũ Đức thứ 6 đời Đường Cao Tổ (623), táng tại chùa Chí Tướng ở Chung Nam sơn. Các trước thuật của pháp sư trừ bộ “Tam Luận Huyền Nghĩa” thuật yếu nghĩa tông môn, còn có: “Trung Luận Sớ”, “Bách Luận Sớ”, “Thập Nhị Môn Luận Sớ” và các sách chú thích các bộ kinh điển như: “Hoa Nghiêm Kinh”, “Đại Phẩm Kinh”, “Pháp Hoa Kinh”, “Vô Lượng Thọ Kinh”, “Niết Bàn Kinh”; tổng cộng hơn 20 bộ.

Sau khi pháp sư viên tịch, Tam Luận tông vẫn được thịnh truyền ở Trường An, sau đó pháp sư Huyền Trang đem về các bộ luận thư Duy Thức và được thịnh truyền dịch thuật và nghiên cứu, Tam Luận tông dần dần bị suy tàn. Nhưng về phía Nhật Bản, do pháp sư Cát Tạng truyền thừa cho vị môn hạ là Cao Ly tăng là Huệ Quán rồi truyền sang Nhật Bản và trở thành một trong sáu tông phái ở Nam Đô.

5. Tư tưởng Mạt pháp

Bắt đầu từ bài “Lập Thệ Nguyện Văn” của Thiền sư Huệ Tư thời Trần, hoặc sự đại thành của tín ngưỡng Tịnh Độ từ pháp sư Đàm Loan thời Bắc Ngụy, qua pháp sư Đạo Xước thời Tùy và pháp sư Thiện Đạo thời Đường, là căn nguồn khởi sự của tư tưởng Mạt pháp tại Trung Quốc. Lại do đến thời Tùy, sự hưng thịnh của Tam Giai Giáo của pháp sư Tín Hạnh và di tích khắc kinh vào đá ở Phòng Sơn do lo sợ kinh điển bị thất truyền vì các cuộc phế Phật, đều là những biểu hiện của tư tưởng Mạt pháp.

6. Tam Giai Giáo

Người sáng lập Tam Giai giáo(24) là pháp sư Tín Hạnh (540-594) ở chùa Pháp Tạng tại Tương Châu (huyện An Dương, Hà Nam), pháp sư cho rằng là chúng sinh phàm phu trong thời Mạt pháp, tội ác tồn tại sâu trong tâm nhưng do vì chúng sinh đều có Phật tính nên không nên phê phán chọn lựa mà nên phổ tín phổ quy tất cả các thiện hạnh, thì có thể tiêu trừ tội chướng từ vô thủy đến nay.

Pháp sư tự xả giới để lao dịch, năm Khai Hoàng thứ 3 đời Tùy Văn Đế (583), tại chùa Quang Nghiêm, căn cứ vào vô tận tạng hạnh(25) để kiến lập pháp chế tu hành hạnh bố thí. Năm Khai Hoàng thứ 9, nhận lời chiêu thỉnh của Văn Đế mà đến chùa Chân Tịch ở Trường An, viết các bộ “Đối Căn Khởi Hạnh Tam Giai Tập Lục”, “Tam Giai Phật Pháp” tổng cộng 35 bộ, 44 quyển để nói rõ giáo nghĩa của pháp sư.

Pháp sư tại các chùa Hóa Độ (Chân Tịch), Quang Minh, Huệ Môn, Huệ Nhật, Hoằng Thiện ở Trường An hoằng truyền pháp đó, rồi tịch năm 55 tuổi vào năm Khai Hoàng thứ 14.

Pháp sư Tín Hạnh đem tất cả các pháp của Phật phân loại thành ba bậc (tam giai): Bậc một, nhất thừa Phật pháp; bậc hai, tam thừa Phật pháp; bậc ba, phổ pháp Phật pháp(26). Xã hội đương thời từ sau thời Tùy là thời kỳ Mạt pháp, uế độ, phá giới phá kiến, nên theo bậc thứ ba là phổ pháp Phật pháp để cứu độ, sau lại thiết lập một mô hình kinh tế độc đáo gọi là “vô tận tạng viện”.

Chủ trương không kính tín Phật A Di Đà, mà đọc tụng một bộ “Pháp Hoa Kinh” làm pháp môn cứu tế thời Mạt pháp. Đồng thời cũng truyền bá tư tưởng thời Mạt pháp không có quân vương dùng Chính pháp để trị hóa, cũng không có Tăng bảo Chính pháp trụ trì, đó là ám chỉ chỉ trích vào đế vương và các tông phái Phật giáo đương thời mà sau đó dẫn đến việc có sắc lệnh cấm chỉ hoạt động vào năm Khai Hoàng thứ 20.

Nhưng do vì tín chúng đông đảo, lan truyền càng rộng nên trong khoảng thời Tùy Đường bị triều đình trấn áp tổng cộng năm lần. Tiếp tục sau pháp sư Tín Hạnh, có các vị Tăng Ung, Bản Tế, Huệ Như, Huệ Liễu đều lấy trung tâm hoạt động là tại chùa Chân Tịch, thịnh hành đến thời Đường.

Về chùa Chân Tịch thì vốn là dinh phủ của Cao Quýnh thời Tùy, cúng để làm chùa vào năm Khai Hoàng thứ 3, đến năm Vũ Đức thứ 2 đời Đường Cao Tổ (619) đổi tên là chùa Hóa Độ, vì để quyên góp tài vật vào trong chùa để lập vô tận tạng viện mà trở thành điểm hoạt động trung tâm của Tam Giai giáo.

7. Khắc kinh vào đá ở Phòng Sơn

Tuy trước thời Tùy, trong thạch quật ở núi Bắc Hưởng Đường đã có Đường Ung nhà Bắc Tề khắc đá bài nguyện văn và hai bộ “Văn Thù Bát Nhã Kinh”, “Di Lặc Thành Phật Kinh”; núi Nam Hưởng Đường cũng có khắc “Hoa Nghiêm Kinh”, “Bát Nhã Kinh”; ở Phong Dục gần Thái Nguyên tỉnh Sơn Tây cũng có khắc đá “Hoa Nghiêm Kinh”;

Cổ Sơn ở huyện Vũ An tỉnh Hà Nam, thung lũng khắc kinh đá ở Thái Sơn, Sơn Đông đều có những di tích khắc kinh trên đá nhưng quy mô lớn nhất là bản khắc Đại Tạng Kinh ở núi Thạch Kinh (nguyên tên là núi Bạch Đới) ở phía Tây huyện Phòng Sơn tỉnh Hà Bắc (Tây Nam Bắc Kinh).

Dưới núi này có chùa Vân Cư do pháp sư Tịnh Uyển thời Tùy xây dựng, công trình khắc kinh trên đá cũng vì do pháp sư ưu tâm sự hủy hoại kinh Phật trong thời Mạt pháp, nên từ khoảng năm Đại Nghiệp đời Tùy Dương Đế (605- 616) cho đến năm Trinh Quán thứ 13 đời Đường Thái Tông (639), cho khắc tạc kinh văn vào bốn vách tường và bia đá trong 7 thạch động, rồi cho đóng kín lại.

Sau đó sự nghiệp khắc tạc vẫn được tiếp tục tiến hành, đặc biệt là vào năm Khai Nguyên thứ 18 đời Đường Huyền Tông (730), do sự tấu thỉnh trợ giúp của con gái thứ chín của Đường Duệ Tông là công chúa Kim Tiên mà được tiến triển. Đại sự nghiệp đó lại trải qua các thời Liêu, Kim, Nguyên, tổng cộng hơn 750 năm tiếp tục tiến hành, hiện tồn có 9 thạch động.

Lại có công trình tương tự tại Bảo Sơn (Hà Nam) gọi là “Bảo Sơn thạch kinh”, là do danh tăng Linh Dụ phát nguyện từ Bắc Tề đến Tùy mà thành.

Bản thân pháp sư vì trải qua pháp nạn Bắc Chu Vũ Đế phế Phật, để cầu nguyện pháp bảo cửu trụ mà vào năm Khai Hoàng thứ 9 Tùy Văn Đế (589), bắt đầu khai tạc công trình, bên trong hang khắc tạo ba tôn Tỳ-xá-na Phật, Di Đà, Di Lặc, và tượng 35 Phật, tượng thất Phật, lại khắc các bộ “Thắng Man Kinh”, “Niết Bàn Kinh”, “Pháp Hoa Kinh”, “Pháp Diệt Tận Phẩm” trong “Đại Tập Nguyệt Tạng Kinh” vào hai mặt trong ngoài vách tường.

Do ý thức thời Mạt pháp đang tới và tinh thần để pháp cửu trụ thế gian mà sản sinh ra các công trình như vậy, thông qua đó có thể thấy được thảm trạng Bắc Chu Vũ Đế diệt Phật và bi nguyện thiết tha của các vị tăng đồ Phật giáo đích thân trải nghiệm qua cuộc pháp nạn.

Còn tiếp...

Tác giả: Thượng tọa TS Thích Giải Hiền soạn dịch Trích sách: Lịch sử Phật giáo Trung Quốc

***