Lịch sử Phật giáo Trung Quốc - Trong thời kỳ Liêu Kim giao tranh đối kháng, ở vùng Tây Bắc Trung Quốc có tộc người Đảng Hạng là một chi của tộc Tây Tạng thành lập nước Tây Hạ. Phật giáo đã được thịnh hoằng tại vùng đất này từ rất sớm, chùa tháp Phật giáo cũng hưng thịnh.

Chương X PHẬT GIÁO THỜI LIÊU, KIM

1. Phật giáo và hoàng thất nhà Liêu

Tộc Khiết Đan thành lập nước Liêu vào khoảng thời Nam Bắc triều, là một dân tộc du mục cư trú ở vùng Nam sông Hoàng Thủy đến Bắc Hoàng Long; đến thời Nguyên Ngụy bắt đầu lấy hiệu là Khiết Đan, chia thành 8 bộ; đến thời Đường, Da-luật-a-bảo-cơ thống nhất tám bộ, vào năm 916 tự xưng là Thiên Hoàng Vương, đóng đô ở vùng Lâm Hoàng phía Đông Mông Cổ, đó chính là sự ra đời của vương triều nhà Liêu. Vương triều nhà Liêu sau đó tồn tại khoảng hơn 200 năm.

Lãnh thổ nhà Liêu bao gồm Mãn Châu, Mông Cổ, Hà Bắc và một phần Sơn Tây (16 châu Yến Vân), trong lãnh thổ đó người Bột Hải và người Hán chiếm tỷ lệ đông nhất. Lúc mới lập quốc nhà Liêu tôn sùng Phật giáo, Phật giáo trong thời nhà Liêu được tôn làm quốc giáo. Năm 912 xây chùa Thiên Hùng ở Lâm Hoàng. Đời thứ hai là Thái Tông lại cho xây chùa An Quốc. Thái Tông tín ngưỡng Quán Âm thường vì cầu cho hoàng thái hậu khỏi bệnh mà thường cử hành lễ trai tăng Phật sự.

Vì hoàng thất nhà Liêu quy y Phật giáo nên Phật giáo dần được hưng thịnh, thời đại cực thịnh của nhà Liêu kéo dài từ thời Thánh Tông đến Hưng Tông, Đạo Tông; cũng là thời kỳ Phật giáo hưng thịnh.

Nhưng hành vi sùng Phật của nhà Liêu không hẳn xuất phát từ lòng tín tâm tôn giáo thuần túy, bởi vì tộc Khiết Đan được coi là ngoại tộc nổi dậy áp bức dân tộc Hán, chi phối một bộ phận hoặc toàn bộ dân tộc Hán, trong hoàn cảnh chính trị bị chinh phục dưới một vương triều ngoại tộc như vậy thì Phật giáo có phần giống như một công cụ chính trị được nhà Liêu sử dụng.

Ban đầu tộc Khiết Đan vốn có tín ngưỡng riêng của mình, đó là Tát Mãn giáo là một hình thức tín ngưỡng kết hợp chế độ dân tộc với tôn giáo. Nhưng khi lập quốc, vì để xác lập quyền quân chủ chuyên chế tại Trung Quốc nên muốn tìm một loại tôn giáo khác để đánh vào tư tưởng dân tộc giới hạn người Hán, hình thành một tinh thần mang tính phổ quát vượt thoát khỏi phạm vi dân tộc Hán, nên chính quyền nhà Liêu chọn Phật giáo là phù hợp nhất.

Ở phương diện khác, một nhiệm vụ cấp bách khi mới lập quốc là phát triển kinh tế và văn hóa trong nội địa Khiết Đan, do đó mà chính quyền nhà Liêu thực thi chính sách di dân, mang người Hán chuyển đến vùng đất người Khiết Đan, rồi tại đất Khiết Đan cho xây chùa và mời thỉnh tăng nhân người Hán đến cư trú để an ủi người Hán và thu phục nhân tâm.

Hơn nữa, trong vùng đất có nhiều dân tộc sinh sống để dung hợp mâu thuẫn giữa người Hán và người Khiết Đan nên chọn dùng Phật giáo vốn là tôn giáo vượt khỏi phạm vi ý thức dân tộc, mang lại những kết quả như mong đợi. Bởi vì Phật giáo không chỉ là tôn giáo của người Trung Quốc mà thông qua quan hệ Phật giáo khiến người Hán và người Khiết Đan hòa hợp với nhau nên nhà Liêu tôn sùng Phật giáo cũng là sự quan tâm đến cục diện chính trị đương thời.

Bản thân Thánh Tông cũng là người thấu hiểu khá sâu sắc Lý giải Phật giáo nên cho thi hành chính sách Phật giáo trị quốc. Đầu tiên, cho tổ chức lễ truy tưởng đối với những tướng sĩ trận vong của hai nước trong thời kỳ chiến loạn rồi cho xây dựng chùa tháp ở các nơi, cử hành Phật sự, trong một tháng trai tăng hơn vạn vị.

Dưới sự ủng hộ của hoàng tộc nhà Liêu mà giáo đoàn Phật giáo cũng có cơ hội phát triển với sự tăng mạnh số lượng các tăng ni và xuất hiện nhiều vị cao tăng, do đó nạn tư độ trá ngụy tăng cũng không phải là ít, nên đến năm Thống Hoàng (983 – 1012) lại hạ lệnh cấm việc tư độ tăng ni.

Hưng Tông cũng là một vị vua quy y Phật giáo. Vào năm Trọng Hy thứ 7 (1038), thọ giới rồi cho mời các vị tăng vào cung để nghe luận bàn Phật pháp. Sau vì nghe “Báo Ân Kinh” mà có sở ngộ riêng. Vua thường đến chùa để làm trai tăng Phật sự.

Năm Trọng Hy thứ 23, vì để kỷ niệm tượng Phật bà ở chùa Khai Thái hoàn thành mà tổ chức xá miễn cho tù nhân. Nhưng thái độ sùng Phật của Hưng Tông cũng không hẳn xuất phát từ lòng tin thuần túy mà còn liên quan đến chính sự quốc gia, do đó cũng không thiếu những vị vì vinh hoa phú quý mà xuất gia.

Trong các đế vương nhà Liêu có thể nói Đạo Tông là người thấu hiểu Phật giáo sâu nhất, cũng là vị vua hộ pháp đắc lực nhất, đặc biệt là tìm hiểu sâu về giáo nghĩa Hoa Nghiêm, có viết “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh Tùy Phẩm Tán” và bộ “Phát Bồ Đề Tam Giới Bản”, bản thân vua cũng thông hiểu chữ Phạn, có thể thấy được sự nhiệt tâm của Đạo Tông; không chỉ trai tăng và độ tăng mà còn xây chùa dựng tháp.

Những kiến trúc Phật giáo ở vùng Mãn, Mông và Hoa Bắc hiện nay còn lại đa phần đều được xây dựng vào thời Liêu. Phật tháp thời Liêu đa số đều là tháp 30 tầng hình bát giác, các mặt của các tầng đều có điêu khắc hình Phật, Bồ Tát, Thiên chúng, những tác phẩm đó tuy thuộc vào nghệ thuật điêu khắc Trung Quốc nhưng nhìn vào những tháp hiện còn vẫn có thể thấy được phong cách độc đáo của Khiết Đan.

Dưới sự ngoại hộ của triều đình và sự sùng kính của Hoàng đế nhà Liêu, trong thời kỳ này xuất hiện hai sự nghiệp lớn, đó là tiến hành khắc kinh trên đá ở Phòng Sơn và tạo “Khiết Đan Đại Tạng Kinh”.

Lối vào phòng dưới đất của chùa Vân Cư Phòng Sơn, nơi cất giữ những bản kinh bằng đá của hai triều đại Liêu và Kim. Nguồn: St

2. Tiếp tục khắc kinh trên đá ở Phòng Sơn

Thạch Kinh ở Phòng Sơn bắt đầu từ pháp sư Tĩnh Uyển đời Tùy nhưng đến cuối thời Đường đầu thời Ngũ Đại thì bị gián đoạn, đến thời Liêu lại được tiếp tục, chính là nói dưới sự ủng hộ của ba đời hoàng đế để tiến hành một sự nghiệp vĩ đại còn đang dở. Năm Thanh Ninh thứ 3 đời Đạo Tông (1057) thì cho khắc hoàn thành bốn bộ kinh lớn gồm “Niết Bàn Kinh”, “Hoa Nghiêm Kinh, “Bát Nhã Kinh”, “Bảo Tích Kinh”.

Ban đầu là làm trên cơ sở tài chính từ hoàng thất nhà Liêu, nhưng sau đó dưới sự vận động của đại sư Thông Lợi và đệ tử là pháp sư Thiện Định có được sự quyên góp từ dân chúng nên đến tận thời Kim công việc vẫn còn được tiếp tục tiến hành.

3. Khiết Đan Đại Tạng Kinh

Trên nền tảng của việc khắc thạch kinh ở Phòng Sơn, nhà Liêu cho tiến hành sự nghiệp xuất bản Khiết Đan Đại Tạng Kinh, ra đời muộn hơn “Tống Tạng” và có ý làm đối trọng với Tống Tạng nên giao việc đó cho vị Sa-môn ưu tú người Hán thực hiện sự nghiệp quốc gia này. Đến thời Hưng Tông thì hoàn thành được phần lớn, đến năm Thanh Ninh thứ 5 đời Đạo Tông (1059) thì hoàn thành, tính ra thành 579 hộp, 5.048 quyển.

Khiết Đan Đại Tạng Kinh không dùng chữ Khiết Đan để viết mà dùng chữ Hán, cũng để nâng cao uy thế và văn hóa của Khiết Đan mà đem bộ tạng kinh này tặng đến Cao Ly, sự xuất bản của “Cao Ly Tạng” cũng chịu ảnh hưởng của bộ Khiết Đan Tạng này.

Trong “Trùng Tu Bạc Già Phạn Kinh Ký” ghi chép thì chúng ta được biết chùa Đại Hoa Nghiêm ở Đại Đồng – Sơn Tây từng lưu trữ bộ Khiết Đan Đại Tạng Kinh này, nhưng Khiết Đan Đại Tạng Kinh sớm đã bị thất truyền, ngày nay chỉ còn tìm thấy các vật dụng in ấn được khai quật ở Thổ-lỗ-phiên được lưu trữ ở thư viện trường Đại học Long Cốc.

4. Phật giáo học thời Liêu

Phong trào nghiên cứu giáo lý Phật giáo thời Liêu vô cùng hưng thịnh, các tăng nhân có học vấn cao cũng nhiều nên những tác phẩm hiện còn bảo tồn cũng không ít. Tư tưởng Phật giáo đương thời lấy trung tâm là giáo nghĩa Hoa Nghiêm, đến thời kỳ Đạo Tông cũng là thời kỳ Mật giáo hưng khởi và Luật học được tôn sùng.

Nhưng có điều những giáo thuyết đó không hẳn là thuộc vào một tông phái thuần túy riêng biệt mà có khuynh hướng dung hợp và thống nhất. Hơn nữa, sự thịnh hành của Mật giáo cũng có lý do bởi có điểm tương đồng với tín ngưỡng Tát Mãn cố hữu của dân tộc Khiết Đan.

Vì để tụng đọc chính xác kinh điển Phật giáo nên thời kỳ này xuất hiện một số thư tịch nghiên cứu văn tự âm nghĩa như “Tục Nhất Thiết Kinh Âm Nghĩa” của Hy Lân và “Long Khám Thủ Giám” của Hành Quân.

Pháp sư Giác Uyển phụng sắc lệnh của vua Đạo Tông viết hai bộ là “Diễn Mật Sao” Và “Khoa Văn” để chú giải cho bộ “Đại Nhật Kinh Nghĩa Thích” của pháp sư Nhất Hạnh thời Đường; pháp sư Đạo Ân có viết “Hiển Mật Viên Thông Thành Phật Tâm Yếu Tập”; cả hai vị đều tinh thông giáo nghĩa Hoa Nghiêm, đồng thời đem Mật giáo hệ phái pháp sư Thiện Vô Úy và pháp sư Nhất Hạnh dung hợp với Mật giáo hệ của pháp sư Bất Không Tam Tạng, điều đó có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử Mật giáo.

Vua Đạo Tông tụng đọc kinh điển và đặc biệt coi trọng bộ “Thích Ma Ha Diên Luận” rồi lệnh pháp sư Chí Phúc viết “Thích Ma Ha Diên Luận Thông Huyền Sao”, pháp sư Thủ Trăn và Pháp Ngộ mỗi người cũng đều viết một bộ sớ để giải thích bộ “Thích Ma Ha Diên Luận”. Pháp sư Phi Trạc cũng từng tham gia công tác biên soạn bộ Đại Tạng Kinh, pháp sư chuyên tinh Luật học nhưng tu Tịnh Độ, có biên soạn hai bộ “Tùy Nguyện Vãng Sinh Tập” và “Tam Bảo Cảm Ứng Yếu Lược Lục”.

5. Nhị Thuế Hộ

Trên phương diện kinh tế tự viện thời Liêu có một điểm rất đáng chú ý là chế độ Nhị Thuế Hộ. Có một chuyện rất phổ biến là chính quyền thời Liêu phân đất phân dân cho tông thất, quý tộc, công thần, chùa viện quản lý. Những hộ dân trong đó mang một nửa số thuế cần đóng để nộp vào quan khố, một nửa còn lại thì mang nộp vào trong kho của quý tộc hoặc chùa chiền sở thuộc địa phương đó và hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của mình, nên gọi là Nhị Thuế Hộ (hộ dân nộp thuế ở hai nơi).

Do đó, các chùa viện thời Liêu nhiều nơi được xây dựng rất quy mô hoành tráng mà nguyên nhân sau đó là có sự hậu thuẫn kinh tế từ chế độ Nhị Thuế Hộ thời kỳ này.

6. Sự phổ cập tín ngưỡng Phật giáo

Phật giáo có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần của người Khiết Đan. Một phương diện, Phật giáo khiến thay đổi tư duy cố hữu của người Khiết Đan là giết nhiều gia súc để tế cúng thần, trời; một mặt khác là ngay ở vùng đất phát tích của người Khiết Đan cũng hình thành tín ngưỡng thờ cúng Bồ Tát Quán Âm áo trắng ở núi Mộc Diệp, đó chính là kết hợp giữa tín ngưỡng Quán Âm và tín ngưỡng dân tộc.

Trong dân gian thì lấy tín ngưỡng Di Đà, Quán Âm, Văn Thù làm trung tâm để kết thành các ấp hội tu tập. Đặc trưng các ấp hội thời Liêu, ví dụ như ấp hội ngàn người ở chùa Vân Cư Phòng Sơn là hình thức ấp hội lấy hạn định số hội viên ngàn người, điều đó có ý nghĩa rất lớn trong việc góp sức phụ trách phí dụng để xây chùa dựng tháp và những công trình Phật giáo lớn.

Các chùa trong các vùng cũng thịnh hành tổ chức các Phật sự như Phật đản…, đại chúng tập hợp đến chùa, phụ nữ Khiết Đan thì quét phấn vàng trên mặt và được coi là một hình thức sùng kính Phật, các giai tầng trong xã hội đều bị ảnh hưởng và ít nhiều mang màu sắc Phật giáo, nhưng có điều cần phải lưu ý đó là tinh hoa Phật giáo thời Liêu được tạo thành do sự nỗ lực của các tăng nhân người Hán dưới sự ủng hộ của chính quyền nhà Liêu, nên có thể thấy sự ảnh hưởng của văn hóa đối với vương triều nhà Liêu.

7. Phật giáo và hoàng thất nhà Kim

Nhà Kim là vương triều do tộc Nữ Chân kiến lập ở đất Mãn Châu xưa, vào đầu thế kỷ XII, A-cốt-đả của họ Hoàn Nhan ở gần vùng Cáp Nhĩ Tân, nhân quốc vận nhà Liêu suy vi mà lập ra nhà Kim, truyền được 10 đời, tồn tại 120 năm rồi bị diệt vong. Trong thời kỳ này tiêu diệt triều Liêu, chiếm lãnh thổ của Liêu, đồng thời tấn công nhà Bắc Tống, chiếm lĩnh vùng đất phía Bắc sông Hoài Thủy.

Nhà Kim ban đầu lập đô ở phủ Thượng Kinh Hội Ninh gần Cáp Nhĩ Tân, sau đó chuyển Yến Kinh (Bắc Kinh ngày nay), đến thời mạt kỳ lại chuyển về Biện Lương ở Hà Nam (Khai Phong). Do mối quan hệ như vậy nên Phật giáo thời Kim là truyền thừa từ hệ thống của nhà Bắc Tống và nhà Liêu rồi phát triển thêm mà thành.

Hoàng thất nhà Kim cũng sử dụng chính sách bảo hộ Phật giáo nên sự hưng thịnh của Phật giáo thời Kim cũng không thua kém gì thời Liêu. Khi mới lập quốc, vua Thái Tổ (tại vị 1115 – 1123) và Thái Tông (tại vị 1123 – 1135) cho sửa chữa và xây dựng thêm rất nhiều chùa ở vùng Hà Bắc và Sơn Tây rồi để tăng nhân người Hán đến ở.

Vua Thái Tông tự muốn quy y Phật giáo, mỗi năm đều thiết lễ trai tăng, cúng dường hơn vạn vị, rồi cho nghênh tượng chiên đàn đến Yến Kinh để cử hành pháp hội Thủy Lục, có thể thấy vua sùng Phật thế nào, nhưng cũng không vì vậy mà không nói sau đó không có động cơ thu phục nhân tâm vì mục đích chính trị. Hy Tông (tại vị 1135 – 1149) sùng bái văn hóa Trung Quốc, lập miếu thờ Khổng Tử, nhưng cũng có ủng hộ đối với Phật giáo, xây chùa ở Thượng Kinh cho hai vị Thiền sư là Hải Huệ và Thanh Huệ cư trú.

Thiền sư Hải Huệ là danh tăng kiệt xuất thời Kim, hoàng đế vô cùng tôn sùng, sau khi sư mất, y theo sắc lệnh của vua mà xây năm tháp để thờ xá lợi.

Dưới thời Hải Lăng Vương (tại vị 1149 – 1161) thì Phật giáo chịu sự khống chế; khi vua Thế Tông (tại vị 1161 – 1189) tức vị thì lại thi hành chính sách ủng hộ Phật giáo và cho gỡ các lệnh cấm các hoạt động tôn giáo dưới thời Hải Lăng Vương, cho xây chùa ở nhiều nơi. Ví như năm Đại Định thứ hai (1162) xây chùa Đại Khánh Thọ ở Yến Kinh rồi thỉnh pháp sư thiền sư Huyền Minh về ở, rồi lại tặng hai vạn quan tiền, 20 khoảnh ruộng.

Năm Đại Định thứ tám lại ở Liêu Dương Đông Kinh xây chùa Thanh An độ 500 vị tăng; năm thứ 24 xây chùa Lâu Ẩn độ 10.000 vị tăng; cùng năm đó lại cho xây chùa Hạo Thiên, tặng 100 khoảnh ruộng, mỗi năm cho độ 10 vị tăng. Mẹ sinh vua Thế Tông cũng xuống tóc xuất gia ở chùa Thanh An Liêu Dương, có thể thấy quan hệ giữa hoàng thất nhà Kim và Phật pháp về thực chất tương đối thuần túy.

Thời Chương Tông (tại vị 1189 – 1208) dùng chính sách bảo hộ và điều hòa tam giáo, nhưng bản thân thì quy tín Phật pháp, thường triệu thỉnh thiền sư Vạn Tùng Hạnh Tú đến thuyết pháp, lúc vua tại vị thường tới thăm các chùa và làm các Phật sự, năm Thừa An thứ tư (1199), vua xây chùa Đại Minh, xây tháp Phù Đồ chín tầng, độ 30.000 vị tăng.

8. Sự mua bán công khai độ điệp

Thời Kim tuy cũng có thời kỳ chế áp Phật giáo nhưng về đại thể thì thái độ của nhà Kim nghiêng hơn về tôn sùng và bảo hộ. Tuy vậy, vẫn có những chuyện như dùng thủ đoạn chính trị để lợi dụng giáo đoàn Phật giáo. Về lợi dụng giáo đoàn đặc biệt rõ nhất trên phương diện tài chính quốc gia. Vì quốc khố cạn kiệt nên chính quyền bán hạn ngạch chùa xây, độ điệp, pháp hiệu… đều từ thời Hải Lăng Vương mà có.

Sau đó mỗi lần tài chính quốc gia khó khăn đều dùng phương thức đó để bổ sung. Đến cuối thời Kim, quân Mông Cổ Nam tiến, những hoạt động mua bán độ điệp… ngày càng bành trướng rộng. Sau khi mua bán độ điệp công khai rộng rãi tạo thành nạn tăng ni giả mạo hoành hành, không những khiến Phật giáo đi vào suy vong mà còn tạo ảnh hưởng đến quốc gia xã hội như việc trốn binh dịch…

9. Thống lý giáo đoàn

Thời kỳ hỗn loạn đầu Kim, nạn tăng ni tư độ trá ngụy còn tồn tại, năm Thái Tông Thiên Hội thứ tám (1130), ra lệnh cấm chỉ tư độ tăng ni, đến thời Chương Tông, lại đưa ra các đối sách để khống chế giáo đoàn Phật giáo. Năm đầu Minh Chương (1190) cấm chỉ tư độ; ra luật ba năm tổ chức thi kiểm tăng ni, cấm chỉ xây mới chùa chiền, không cho tăng ni ra vào phủ đệ của hoàng thân và quan lớn.

Rồi cho lập các tăng quan như ở kinh đô lập quốc sư, ở các phủ lập tăng lục, ở các châu lập đô cương, ở các huyện lập duy-na, phân tầng chia nhau quản lý, xử lý tăng sự. Nhưng tuy có những chính sách Phật giáo hoàn bị như vậy, song lại để tình hình mua bán độ điệp công khai nên không thể có được hiệu quả quản lý như mong đợi.

10. Đặc sắc Phật giáo thời Kim

Trên phương diện nghiên cứu nội điển, Phật giáo thời Kim chú trọng giáo nghĩa Hoa Nghiêm; trên phương diện thực tiễn thì lấy pháp Thiền làm chủ thể. Các thiền viện ở Yến Kinh được xây cất nhiều, đặc biệt là sự hoằng đạo của pháp sư Vạn Tùng Hạnh Tú (1166-1246) nên Thiền phong được thịnh hoằng.

Pháp sư Hạnh Tú là pháp tự đời thứ 23 của pháp sư Thanh Nguyên tông Tào Động, pháp sư một mặt lập túc nơi giáo nghĩa Hoa Nghiêm, hấp thu học thuyết bách gia chư tử của Nho giáo, lấy Phật giáo làm căn cội, tư tưởng dung hòa Tam giáo. Trước tác có “Thung Dung Lục”; môn hạ có các vị Tung Luân, Phúc Dụ, Lý Thuần Phủ, Gia-luật-sở-tài, cũng có rất nhiều các vị thành danh trong giới Phật giáo và giới tư tưởng cuối Kim đầu Nguyên.

Lý Thuần Phủ, hiệu Bình Sơn ban đầu công kích Nho giáo, sau khi tín phụng Phật giáo đặc biệt là nghiên cứu Hoa Nghiêm, cũng lấy Phật giáo làm trung tâm luận thuật tư tưởng dung hợp tam giáo. Trong tác phẩm “Minh Đạo Tập Thuyết” có thể thấy rõ chủ trương đó; đó cũng là một bộ luận phá tư tưởng bài Phật của Tống Nho, tuyên dương giáo nghĩa Phật pháp, dẫn đạo nhân tâm.

11. Toàn Chân Giáo

Về tư tưởng dung thông tam giáo không chỉ xuất hiện trong giới Phật giáo, đồng thời cũng xuất hiện trong Đạo giáo mà đại diện tiêu biểu là phái Toàn Chân. Sự thành lập Toàn Chân giáo bắt đầu vào năm thứ 7 Kim Thái Tông Đại Định (1167) do Vương Triết (Vương Trùng Dương) khởi xướng ở vùng Sơn Đông, sau đó lan rộng ra các vùng. Vương Triết chủ trương với các tín đồ trì phụng Đạo Đức Kinh của Đạo giáo, Hiếu Kinh của Nho giáo và Tâm Kinh của Phật giáo.

Từ phương pháp tọa Thiền của Toàn Chân giáo có thể thấy sắc thái Thiền tông rõ nét trong đó. Có thể thấy được tư tưởng của Vương Triết qua trước tác “Trùng Dương Lập Giáo Thập Ngũ Luận”.

Ải Cư Dung. Nguồn: St

12. “Kim khắc Đại Tạng Kinh”

Về thành tựu của Phật giáo trong dân gian thời Kim có thể kể đến việc điêu khắc bản in “Kim khắc Đại Tạng Kinh”. Sự nghiệp trên do một vị nữ ni pháp danh Pháp Trân, họ tục là Thôi, ở Sơn Tây, phát nguyện rồi quyên góp chủ yếu từ dân chúng vùng phía Nam Sơn Tây để làm. Đến năm Kim Thế Tông Đại Định thứ 18 (1178) đem một bộ bản khắc mới “Ấn bản Đại Tạng Kinh” hiến vào triều đình.

Bộ tạng kinh này tuy nhỏ hơn bộ Đại Tạng Kinh thời Bắc Tống nhưng cũng hàm hữu những Phật điển quý giá như bản đời Tống và các bản khác. Nhưng sự nghiệp văn hóa Phật giáo vĩ đại này chưa từng được các sử gia đề cập tới, đến tận năm Dân Quốc thứ 23 (1934) mới được phát hiện tại chùa Quảng Thắng, huyện Triệu Thành, tỉnh Sơn Tây. Do đó, năm Dân Quốc thứ 24 (1935), mới đem các sử truyện, kinh lục, chương sớ dư tồn trong “Kim khắc Đại Tạng Kinh” xuất bản gọi là “Tống Tạng Di Trân”, tổng cộng 120 quyển.

Ngoài ra, trong thời kỳ Liêu Kim giao tranh đối kháng, ở vùng Tây Bắc Trung Quốc có tộc người Đảng Hạng là một chi của tộc Tây Tạng thành lập nước Tây Hạ. Phật giáo đã được thịnh hoằng tại vùng đất này từ rất sớm, chùa tháp Phật giáo cũng hưng thịnh. Nhưng vì để phát triển văn hóa Tây Hạ nên dựa vào chữ Hán mà tạo ra chữ Tây Hạ, cũng có dịch nhiều Phật điển ra chữ Tây Hạ, lượng di vật hiện còn cũng không ít, trong đó nổi tiếng nhất là bộ “Lục Thể Tôn Thắng Đà La Ni Kinh” trên tường tháp Quá Nhai ở cửa ải Cư Dung.

Còn tiếp...

Tác giả: Thượng tọa TS Thích Giải Hiền soạn dịch Trích sách: Lịch sử Phật giáo Trung Quốc