Lịch sử Phật giáo Trung Quốc - Nhà Minh kéo dài khoảng 300 năm là thời kỳ tình hình trong nước tương đối an định, văn hóa tiến bộ, là thời đại thuật in ấn rất phát triển. Đại Tạng Kinh được xuất bản vào thời kỳ này gồm 4 bản.
Chương XI PHẬT GIÁO THỜI NGUYÊN
1. Phật giáo và hoàng thất nhà Nguyên
Triều đại nhà Nguyên do tộc người du mục Mông Cổ hưng khởi. Cuối thế kỷ XII xuất hiện một nhân vật kiệt xuất là Thiết Mộc Chân thống nhất các bộ lạc Mông Cổ lập nên một thế lực hùng mạnh trong phạm vi rộng lớn, tức vị Đại Hãn vào năm 1206 tôn hiệu là Thành Cát Tư Hãn, chính là Nguyên Thái Tổ sau này.
Nguyên Thái Tổ trước phá Tây Hạ, sau diệt nước Kim rồi phát động cuộc Tây chinh chưa từng có trong lịch sử Trung Hoa. Cuộc Tây chinh này được tiếp tục đến đời đại Thái Tông đánh vào Châu Âu, sự anh dũng của quân Mông Cổ vang khắp bấy giờ. Sau Tây Hạ và Kim, quân Mông Cổ tiếp tục chiếm đến tận bán đảo Triều Tiên. Đến thời Nguyên Thế Tổ (1260) tiêu diệt nhà Nam Tống, thống nhất toàn Trung Quốc.
Triều Nguyên bắt đầu từ Thành Cát Tư Hãn đến khi diệt vong (1367) tổng cộng trị vì 162 năm, nếu như tính từ thời Thế Tổ cải quốc hiệu là Nguyên thì trải 11 đời, 109 năm. Nhưng các nước phía Tây bị chinh phục đại khái theo thể chế tự trị, vùng thuộc chi phối trực tiếp của triều Nguyên có các vùng Mông Cổ, Mãn Châu và nội địa Trung Quốc.
Các tôn giáo trong vùng quản lý trực tiếp của nhà Nguyên được đối đãi bằng thái độ bình đẳng và tương đối rộng mở, trong các vùng không phản Mông Cổ thì các hoạt động hoằng pháp gần như đều được tự do. Chính sách bảo hộ tôn giáo sâu xa hơn là để phòng ngừa các dân tộc bị chi phối, đặc biệt là người Hán có lý do để gây động loạn xã hội, để nền chính trị của nhà Nguyên được an thái vô sự.
Có thể biết được quan hệ giữa chính quyền Mông Cổ với Phật giáo đã có từ thời Thái Tổ do trong số phụ tá của Nguyên Thái Tổ có Gia-luật-sở-tài là môn hạ pháp sư Hạnh Tú. Nhưng vẫn thường cho rằng phát sinh quan hệ giữa chính quyền Mông Cổ và Phật giáo bắt đầu từ thời Thái Tông mà nhân vật khai sáng là pháp sư Hải Vân Ấn Giản (1202-1257). Pháp sư Ấn Giản thuộc tông Lâm Tế, Thái Tổ Tây chinh lần đầu tiên, pháp sư Ấn Giản vào tiến yết Oa-khoát-đài (Thái Tông), do đó mà được sự tôn tín của đế thất.
Năm Định Tông thứ hai (1247) nhận chiếu đảm nhiệm đô quản tăng đồ vùng Hoa Bắc và giữ chức này đến tận đời Hiến Tông. Trước khi Thế Tổ Hốt Tất Liệt lên ngôi thường lui đến để hỏi han các việc liên quan đến Phật giáo, rồi truyền Bồ Tát giới cho Thế Tổ. Sau đó, lúc pháp sư Ấn Giản nằm bệnh, Hốt Tất Liệt mang tặng gậy vàng và áo cà sa kim lâu. Sự tôn tín của đế thất nhà Nguyên đối với pháp sư Ấn Giản không thể nói là không kiền thành.
Pháp sư Ấn Giản cũng đóng vai trò tích cực và cũng có những cống hiến lớn trên phương diện chính trị. Hốt Tất Liệt tôn sùng pháp sư Ấn Giản, pháp sư Ấn Giản cũng là người tiến cử Thiền sư Tử Thông phụ tá một vị cận thần bên cạnh Hốt Tất Liệt là Lưu Bỉnh Trung. Ngoài ra còn có pháp sư Chí Ôn được Hốt Tất Liệt coi trọng, nhận quyền thống nhiếp giáo môn. Đến thời Hiến Tông, tăng lữ thông thường đều được đặc ân xá trừ tất cả các sai dịch.
Quan hệ giữa triều Nguyên và Phật giáo đã tiến sâu đến mức đó, nhưng đến sau khi Lạt Ma giáo hưng khởi thì phong khí tôn sùng Phật pháp của triều đình được đẩy lên cao hơn một bậc.
2. Lạt Ma giáo và pháp sư Bát-tư-ba
Lạt Ma giáo là một giáo phái Phật giáo khởi nguyên từ vùng Tây Tạng, là sự dung hợp giữa Phật giáo và Bổng giáo vốn có tại vùng Tây Tạng hình thành một loại hình Mật giáo đặc sắc. Vị Lạt Ma tăng đầu tiên vào Mông Cổ là pháp sư Na-ma, thời vua Hiến Tông, thống lĩnh Phật giáo trong cương vực đế quốc Mông Cổ, kiêm tham dự vào những chuyện quân chính của quốc gia.
Nhưng vị Lạt Ma tăng có ảnh hưởng lớn nhất thời Nguyên lại là pháp sư Bát- tư-ba (1239-1280), là một tăng nhân phái Tát-ca, được sự tin tưởng lớn nhất của Nguyên Thế Tổ và tôn làm quốc sư, do đó mà pháp sư thống nhiếp những vấn đề hành chính thông thường vùng Tây Tạng và vùng đất Tây Hạ xưa, thống nhiếp toàn giới Phật giáo đế quốc Mông Cổ. Đồng thời, Nguyên Thế Tổ lại lệnh cho pháp sư trên cơ sở văn tự Tây Tạng chế tác văn tự Mông Cổ mới, gọi là văn tự Bát- tư-ba.
Sự sử dụng loại văn tự này được biết đến thông qua bản khắc Đà-la-ni trong tháp Quá Nhai tại ải Cư Dung thời Thuận Đế cuối thời Nguyên. Năm đầu Trung Thống đời Nguyên Thế Tổ (1260), pháp sư được thăng làm đế sư, phong làm Đại bảo pháp vương.
Sau đó, pháp sư về Tây Tạng, nghe tin pháp sư Bát-tư-ba viên tịch, Nguyên Thế Tổ vô cùng thương tiếc, lại ban sư hiệu “Hoàng thiên chi hạ vạn dân chi thượng tuyên văn phụ trị đại thánh chí đức phổ giác chân trí hựu quốc như ý đại bảo pháp vương tây thiên Phật tử đại Nguyên đế sư”.
Đầu tiên cho xây Tốt-đổ-ba (dịch âm Phạn – nghĩa là tháp thờ) ở kinh sư, rồi lệnh các đất khác xây chùa thờ sư. Sự xuất hiện của pháp sư Bát-tư-ba khiến mối quan hệ giữa triều Nguyên và Mật giáo trở nên khăng khít, Lạt Ma được triều đình tôn làm đế sư (quốc sư), các hoàng đế thọ giới nơi đế sư trở thành thường lệ. Bên cạnh Thế Tổ tuy có sự phụ giúp của các Hán tăng như pháp sư Ấn Giản, nhưng triều đình lại tôn tín Lạt Ma tăng, là một tôn giáo chưa phổ biến đối với xã hội người Hán.
Đó cũng là một điều đặc biệt của chính quyền Mông Cổ và đương nhiên là có tồn tại ý đồ dùng tôn giáo để thống nhiếp vùng Tây Tạng trong đó. Một lý do khác là do tín ngưỡng gốc Tát-mãn giáo của người Mông Cổ có nhiều điểm tương đồng với Lạt Ma giáo về nghi thức hoa mỹ và cầu nguyện thần mật khiến có sức hút rất lớn đối với người dân Mông Cổ thông thường.
3. Sự truyền bá Phật giáo thời Nguyên
Triều Nguyên tín phụng Phật bắt đầu từ thời Nguyên Thế Tổ, sau đó được truyền bá nhanh chóng. Năm Thế Tổ Chí Nguyên thứ bảy (1270), cho xây Hộ Quốc Nhân Vương tự, năm Chí Nguyên thứ chín (1272), xây tiếp Đại Thánh Thọ Vạn An tự, Long Hưng Hoa Nghiêm tự, Triều Nguyên tự; đồng thời cũng tiến hành nhiều pháp hội và hoạt động trong chùa viện.
Đến năm Chí Nguyên thứ 22, triệu thỉnh 40.000 vị tăng trong cả nước tại chùa Phổ Ân ở Tây Kinh cử hành trai đàn bảy ngày. Năm Chí Nguyên 27, lệnh cho tăng nhân Tây Tạng cử hành 72 pháp hội Phật sự. Năm đầu Nguyên Chân thời Thành Tông (1295), nhân ngày quốc kỵ mở hội trai tăng 70.000 vị tại chùa Đại Thánh Thọ Vạn An. Những năm đầu thời vua Thái Định, các Phật sự do quốc gia tổ chức có tới hơn 500 hội.
Do đó, có thể thấy được triều Nguyên tín phụng Phật giáo vượt quá thường quy. Tuy vậy, sự sùng tín Phật giáo đó là vì nguyện cầu hoàng đế diên thọ, quốc gia xương long; nhưng cũng vì cầu như vậy mà có xá miễn tội nhân.
Sau đó lại xuất hiện một tư tưởng hoàng đế tức là Phật, các nhà nước Hán tộc trước kia cũng từng muốn hợp nhất chính phủ và Phật giáo, nhưng không dễ dàng gì; nhưng với quyền lực của quân chủ Bắc tộc thì kết hợp giữa hoàng đế thế gian với Phật giáo xuất thế gian không xuất hiện nhiều mâu thuẫn. Hiện trạng đó sớm đã thấy từ thời Lục triều.
4. Sự thống chế của triều Nguyên đối với Phật giáo
Năm Chí Nguyên thứ sáu thời Nguyên Thế Tổ (1269) cho lập Tổng Chế Viện, là cơ quan chuyên xử lý các vấn đề về Phật giáo và quan hệ với Tây Tạng, sau đổi tên là Viện Tuyên Chính. Cơ quan này trực thuộc hoàng thất (đế sư) nên hoàn toàn độc lập so với những cơ quan hành chính thông thường của Trung thư tỉnh. Do đó, những mệnh lệnh được ban hành cũng có uy quyền giống như chiếu lệnh của Hoàng Đế.
Người đứng đầu Viện Tuyên Chính gọi là Viện sứ, gồm hai người bắt buộc phải do tăng nhân được hoàng đế tiến cử đảm nhận. Phía dưới có Đồng chi, Phó sứ, Tham nghị, mỗi chức vụ gồm hai người, cũng có dùng cả cư sỹ vào làm việc. Sau đó, do bởi hoàng thất nhà Nguyên ngày càng sùng kính Lạt Ma giáo nên mở rộng cơ quan. Đến năm Thiên Lịch thứ hai thời Văn Tông (1329) số người nhậm chức Viện sứ đã tăng đến mười người.
Đối với vùng đất cũ nhà Nam Tống, vùng Giang Nam, thời Nguyên Thế Tổ có cho lập Giang Nam Thích Giáo Tổng Thống Sở tại Hàng Châu để thống lĩnh và quản lý giáo đoàn, bắt đầu dùng các vị Lạt Ma đảm nhận chức vụ đứng đầu cơ quan này, gọi là Tổng thống. Đến năm Đại Đức thứ ba đời Thành Tông (1299) thì hợp nhất sở này với Viện Tuyên Chính ban đầu.
Đến đời Văn Tông cho thực hành chế độ cải cách thống nhiếp Phật giáo, phía dưới viện Tuyên Chính ở trung ương, cho lập mười sáu Quản Giáo Tổng Quản Phủ trên toàn quốc, thống nhất tổ chức giáo đoàn Phật giáo, sau đó không lâu quy định cũ của Viện Tuyên Chính lại được khôi phục. Các châu huyện ở địa phương lập các tăng quan để xử lý các sự vụ Phật giáo.
Một cơ quan khác cũng tương đồng với Viện Tuyên Chính là Công Đức Sứ Ty, để chuyên xử lý các công việc về công đức, tu hành của hoàng đế và quốc gia. Từ năm Chí Nguyên 17 bắt đầu được lập ra, tuy ở giữa có một thời gian bị ngừng hoạt động nhưng nói chung cho đến tận thời Văn Tông vẫn tiếp tục đảm trách công việc thúc tiến sự nghiệp Phật giáo.
Người đứng đầu của Công Đức Sứ Ty gọi là Công Đức Sứ gồm mười người, có lúc chỉ có sáu người. Ngoài ra, còn có Diên Khánh Ty lo các vấn đề tu Phật, được lập vào năm Chí Nguyên 21. Đại khái duy trì hoạt động đến cuối thời Nguyên. Đó là cơ quan chuyên để đảm nhận các Phật sự của hoàng thất nhà Nguyên, nên về tính chất có nhiều chỗ trùng lặp so với Công Đức Sứ Ty, do đó cũng có lúc hai cơ quan trên cùng nhau gánh vác. Từ việc thiết lập các cơ quan trên, có thể thấy sự sùng kính Phật giáo của hoàng thất nhà Nguyên.
5. Sự tranh chấp giữa Phật giáo và Đạo giáo
Nhà Nguyên tuy ủng hộ Phật giáo, nhưng ở phương diện khác thì Đạo giáo cũng có cơ hội phát triển. Đạo giáo thời Nguyên ở vùng Hoa Bắc thì có sự hưng long của Toàn Chân giáo; ở vùng Giang Nam thì có Chính Nhất giáo.
Người có đóng góp lớn nhất cho việc phát triển Toàn Chân giáo chính là Trường Xuân chân nhân Khưu Xử Cơ, là đệ tử của Vương Trùng Dương, sau này trở thành giáo chủ đời thứ 5, nhân vì bái yết Thái Tổ trên đường Tây chinh nên được Nguyên Thái Tổ tín nhiệm và tặng hiệu là Thần Tiên Đại Tông Sư, sau trở thành người quản lý tối cao của Đạo giáo.
Đệ tử là Tống Đức Phương cũng góp sức lớn để phát triển thế lực Đạo giáo, cho xuất bản các Kinh tạng Đạo giáo, đồng thời ở Long Sơn cho khắc kinh tạng Đạo giáo vào hang đá, đó là thạch quật lưu trữ kinh tạng Đạo giáo duy nhất trong lịch sử. Do đó, có thể thấy rõ thế lực của Toàn Chân giáo đã át hẳn thế lực Phật giáo ở vùng Hoa Bắc, và cũng làm nảy sinh ra tranh chấp giữa hai giáo đoàn Phật giáo và Đạo giáo.
Đến thời Nguyên Hiến Tông, tín đồ Đạo giáo đã chiếm 482 ngôi chùa Phật, phá hoại tượng Phật, đồng thời truyền bá hai bộ ngụy tạo là “Lão Tử Hóa Hồ Kinh” và “Lão Tử Bát Thập Nhất Hóa Đồ”. Sau, do pháp sư Phúc Dụ ở Thiếu Lâm tự tố thuật các hành vi ngang ngược với hoàng đế, đồng thời biện luận khuất phục được đạo sỹ Lý Chí Thường.
Sau đó, giữa hai đạo còn có mấy lần tranh luận, đến năm Chí Nguyên thứ 17 (1280) sau trận luận chiến thì Nguyên Thế Tổ tuyên bố Đạo giáo bị khuất phục, tất cả kinh điển của Đạo giáo (trừ bộ Đạo Đức Kinh) đều bị coi là ngụy tạo và bị mang thiêu hủy vào năm Chí Nguyên thứ 18; rất nhiều đạo sỹ hoặc là hoàn tục, hoặc là chuyển làm tăng. Các Vua triều Nguyên sau đời Thế Tổ đều đối đãi với Đạo giáo giống với Phật giáo, vì cũng được ủng hộ nên Đạo giáo dần dần được khôi phục.
Chính Nhất giáo là trung tâm Đạo giáo ở núi Long Hổ, tỉnh Giang Tây, tự xưng là Đạo giáo chính thống truyền thừa từ thời Hán, thiên sư đời thứ 36 Trương Tông Diễn được Nguyên Thế Tổ cho đảm nhận vị trí lãnh tụ thống lĩnh các lộ Đạo giáo vùng Giang Nam, sau đó lịch đại thiên sư của Chính Nhất giáo cũng đều dựa vào tiền lệ này mà tiếp tục nắm giữ vị trí thống lĩnh Đạo giáo Giang Nam.
Không chỉ tại Giang Nam, đệ tử của Trương Tông Diễn là Trương Lưu Tôn cũng đến kinh sư để tổ chức các hoạt động Đạo giáo tại Tập Hiền viện. Lưu Tôn và các môn hạ cũng nhận được sự tín phụng của Hoàng thất triều Nguyên, do đó Chính Nhất giáo cũng được gây dựng tại Yến Kinh. Về lý do mà Chính Nhất giáo nhận được sự tôn sùng của Hoàng thất triều Nguyên, là bởi nghi lễ cầu kéo dài tuổi thọ của Đạo giáo rất được tộc người Mông Cổ mến mộ.
6. Các tông phái của Phật giáo thời Nguyên
Lạt Ma giáo tuy rất hưng thịnh vào thời Nguyên, nhưng những truyền thống Phật giáo cũ khác cũng được truyền bá trong xã hội người Hán, trong đó phát triển mạnh nhất là Thiền Tông. Bởi có các vị Thiền tăng của tông Lâm Tế như pháp sư Ấn Giản, pháp sư Tử Thông, pháp sư Trí Ôn thường ở bên cạnh Hoàng đế triều Nguyên để tham dự vào chính trị, đồng thời cũng tận lực trong công việc hưng long Phật pháp.
Về tông Tào Động thì có các pháp sư Hành Tú, Hoạt Dược (vào cuối thời Kim đầu thời Nguyên), cùng các vị môn hạ đứng đầu là Gia-luật-sở-tài; các nhân vật vọng trọng trong giới Phật giáo thời Nguyên cũng rất nhiều.
Trừ các vị trên, còn có pháp sư Niệm Thường dốc sức vào lĩnh vực sử Phật giáo, có viết bộ “Phật Tổ Lịch Đại Thông Tải”; pháp sư Giác Ngạn viết bộ “Thích Thị Khể Cổ Lược”; pháp sư Tường Mại vào khoảng năm Chí Nguyên (1264- 1294) khi hai nhà Phật - Đạo xảy ra tranh chấp đã viết bộ “Biện Ngụy Lục”, để luận phá những ngụy vọng của Đạo giáo; pháp sư Đức Huy sửa lại bộ “Bách Trượng Thanh Quy” và rất được Thiền môn coi trọng, vẫn còn được lưu truyền tới nay.
Các tông phái khác ngoài Thiền môn tuy không có nhiều thành tựu rực rỡ nhưng cũng có pháp sư Ngọc Cương Mông Nhuận thuộc tông Thiên Thai viết bộ “Tứ Giáo Nghi Tập Chú”; tông Hoa Nghiêm có bộ “Huệ Đăng Tập”; tông Pháp Tướng có pháp sư Anh Biện và pháp sư Chí Đức; Luật tông có Luật sư Pháp Văn. Tịnh Độ tông được lưu truyền rộng rãi trong tầng lớp bình dân, thịnh hành hình thức kết xã niệm Phật, có pháp sư Minh Bản Thiền sư viết “Hoài Tịnh Độ Thi”, pháp sư Duy Tắc viết “Tịnh Độ Hoặc Vấn”.
Do vì có không ít các vị tăng nhân đều gửi lòng vào Tịnh Độ giáo, nên có nhiều vị như pháp sư Phổ Độ tông Thiên Thai viết “Liên Tông Bảo Giám”, nỗ lực chấn hưng Tịnh Độ giáo. Nói chung Phật giáo thời Nguyên có khuynh hướng dung hợp các tông phái rất rõ nét, từ tinh thần kiêm tu kiêm học của các vị tăng nhân có thể nhìn thấy điều đó.
Ngoài ra, còn có Bạch Liên giáo và Bạch Vân tông đều là những tổ chức sáng lập sau thời Tống, có sức ảnh hưởng rất lớn ở vùng Giang Nam. Bạch Liên giáo do bởi có quan hệ với tà giáo nên nhiều lần bị chính quyền cấm hoạt động. Bạch Vân tông cũng do vì môn đồ có nhiều hành vi không như pháp và giáo chủ Thẩm Minh Nhân vi phạm pháp luật nên bị cấm hẳn hoạt động.
Nhưng dưới thời Nguyên Thế Tổ do vì sự nỗ lực của tông đồ Bạch Vân mà có bản khắc Đại Tạng Kinh, đến năm Chí Nguyên 27 (1290) thì hoàn thành, được gọi là “Hàng Châu Dư Hàng Huyện Bạch Vân Tông Nam Sơn Đại Phổ Ninh Tự Đại Tạng Kinh”, cũng là một việc lớn đáng chú ý.
7. Sự bùng phát của giáo đoàn
Căn cứ vào những ghi chép của viện Tuyên Chính vào năm Chí Nguyên 28 đời Nguyên Thế Tổ thì toàn quốc có 42.138 ngôi chùa, tăng ni có 2.113.148 người. Nhưng do vì triều Nguyên sùng Phật nên những con số về sau mỗi năm đều tăng, đến giữa thời Nguyên thì số lượng tăng ni đã đạt tới hàng triệu người. Do vậy, có thể biết được tình hình bùng nổ về số lượng người trong giáo đoàn. Đặc biệt là những tự viện có quy mô lớn, có quan hệ mật thiết với hoàng thất nhà Nguyên thì cũng được hưởng lợi ích trong việc phân chia ruộng chùa.
Những ruộng chùa đó, một phần vốn là do sự thí cấp của hoàng thất, một phần là do bản thân chùa tích cực mua ruộng của dân; cũng có dùng các thủ đoạn không chính đáng như dựa vào quyền lực để cưỡng đoạt ruộng. Vì để canh tác những ruộng đất rộng lớn như trên cần rất nhiều người nên những tá điền thuộc diện chùa không giống với những người dân bình thường, không phải nộp thuế đối cho quốc gia, do đó trở thành vấn đề lớn đối với nguồn thu quốc khố.
Chính quyền nhà Nguyên cũng ban nhiều sắc lệnh nhằm giải quyết vấn đề này nhưng do mối quan hệ giữa tự viện với vương công cùng các quan lại nên hiệu quả không đáng kể.
Hoàng thất nhà Nguyên đặc biệt ưu ái và tôn sùng Lạt Ma giáo, ví dụ, từng hạ lệnh “phàm người dân đánh Lạt Ma thì bị chặt tay, chửi mắng thì cắt lưỡi”, đó là như kiệt tác của Nguyên Vũ Tông; có thể thấy sự bảo hộ và cuồng tín của nhà Nguyên đối với Lạt Ma tăng. Lạt Ma tăng quen được ân sủng như vậy nên rất ngang ngược, thường chiếm đoạt ruộng đất của lương dân, cướp đoạt con gái nhà lành.
Cuối thời Nguyên Thế Tổ có vị Sa môn Dương-liên-chân-ca nhậm chức Tổng thống Giang Nam Thích Giáo, tiến hành đào trộm lăng mộ tiền triều Nam Tống, giết người nam, cướp đoạt phụ nữ, những tài vật cướp được có tới 1.700 lạng vàng, 6.800 lạng bạc, 9 dây lưng bằng ngọc, 121 đồ ngọc, những đồ quý giá khác hơn 150 chiếc, 50 lượng châu lớn, 23 nghìn mẫu ruộng và nhiều vật phẩm trân quý khác.
Những việc như vậy cũng đều do nguyên cố từ việc quan hệ với vương công đại thần mà ra, nên tạo ra sự phản cảm gay gắt trong cái nhìn của người Hán đối với Lạt Ma và chính quyền nhà Nguyên.
Trong xã hội người Hán ở vùng Giang Nam, ngoài Bạch Liên giáo và Bạch Vân tông bên trên vừa đề cập ra còn có tín ngưỡng Phật giáo Đầu Đà Tông Lý Tục. Do bị coi là tà giáo nên bị nghiêm cấm nhưng vẫn hoạt động ở một số nơi, hoạt động trong bí mật. Rất nhiều người Hán dưới sự áp bức của người Mông Cổ nên tham gia vào các hoạt động của tổ chức này dần dần hình thành các nhóm nổi loạn mang màu sắc tôn giáo.
Vì trị an của địa phương nên tạo thành không ít những động loạn trong xã hội, trong đó thế lực mạnh nhất là giáo đồ Bạch Liên. Thời Thuận Đế cuối thời nguyên, Hàn Sơn Đồng của Bạch Liên giáo kích động nhân dân vùng Hà Nam và Giang Hoài nổi dậy khởi nghĩa. Sau đó, các nơi hưởng ứng tạo thành làn sóng phản đối chính quyền Mông Cổ, không lâu sau Chu Nguyên Chương xuất thân từ Bạch Liên giáo hoàn thành đại nghiệp diệt Mông phục Hán, lập ra nhà Minh.
Chương XII PHẬT GIÁO THỜI MINH
1. Bản chất Phật giáo thời Minh
Trong quyển tám bộ “Ngũ Tạp Trở” của tiến sĩ Tạ Triệu Triết khoảng năm Vạn Lịch (1573-1619) có lời chỉ trích Phật giáo đương thời như sau: “Thích giáo ngày nay, nguy khắp thiên hạ, Lâm vũ Phạm cung(33), đạo tràng dựng khắp, phụng kinh tụng chú, rộn tiếng đàn ca. Trên từ vương công quý nhân, dưới đến kẻ đàn bà, con gái; mỗi ngày đều Thiền, bái Phật, không ai là chẳng kính hỷ, vui mừng.
Nhưng đại khái có hai niềm: một là kẻ huyết khí đã suy, tử sinh niệm trọng; hai là kẻ bình sinh tạo nhiều ác nghiệp, biết khó tránh nhân quả; nên mượn giáo thuyết Khổ - Không để mong cầu luân hồi chuyển phước ngày sau. Đó là một điều nghi hoặc vậy.
Những người xuất gia thì hành vi dị thường, sống tri túc, mong ẩn dật, đọc sách thánh hiền mà chưa từng tận hành vào thực tiễn, coi việc xả bỏ là bình thường, mà học giáo thuyết hư vô tịch mặc, nghe luận kiến tính minh tâm, hợp tan mơ hồ không thực tế mà coi như điều lạ bình sinh chưa có hoặc mật pháp bí truyền. Chen chân kế tục nhau, không biết tự phản tỉnh, nên không thể dùng ngôn từ trách nhiếc để ngừng lại.
Căn gốc nông cạn mà nói lời uyên áo, căn gốc thấp kém mà dùng lẽ cao xa, gốc thiển cận mà ví dụ thì diệu vợi, gốc hữu hạn mà tỏ vẻ vô cùng, như một con đường lớn không thông bèn tìm đường ngạch gập ghềnh xa vòng trăm dặm, ngắm cảnh nhìn sao, rồi sau đắc đạo tự cho là khôn lường. Đó lại là một cái nghi nữa. Điều nghi hoặc thứ nhất, mười người thì bảy tám người chịu; điều nghi thứ hai, trăm người có hai ba người chịu.
Cho đến tông chỉ của Thích giáo, vẫn chưa vào đạo thì ai dám ngó bàn chỗ uyên áo? Còn đám ngu dung tục tử, tham sống sợ chết, vọng cầu phúc báo, lại càng không đáng nói(34)”.
Niên hiệu Vạn Lịch đã là cuối thời Minh, từ những đặc điểm do quan sát hiện trạng đương thời có thể biết được bản chất của Phật giáo thời Minh. Đoạn văn trên của tiến sĩ Tạ Triệu Chiết làm tới chức Công bộ Lang Trung, là một phần tử tri thức, lại là một chính trị gia, bất luận giáo đoàn Phật giáo như thế nào nhưng tạo thành cái nhìn của xã hội bên ngoài như vậy là điều mà chúng ta cần chú ý.
2. Sự thống chế của Minh Thái Tổ đối với Phật giáo
Cuối thời Nguyên do thiên tai mà tạo thành nạn đói, xã hội bất an, các nhóm cướp mang tính chất tôn giáo như cha con Hàn Lâm và Hàn Sơn Đồng mở rộng địa bàn hoạt động, lấy hiệu là nước Tống. Cũng một nhóm khác do Chu Nguyên Chương là thuộc hạ của Quách Tử Hưng vốn là Sa-di trong chùa Hoàng Giác, về sau hoàn tục đi đầu quân, sau thăng làm bộ tướng rồi trở thành người đứng đầu, đóng đô ở Kim Lăng, quốc hiệu là Minh, đổi niên hiệu Hồng Vũ (1368), xưng Minh Thái Tổ.
Minh Thái Tổ hiểu nỗi khổ lập quốc dưới sự áp bức của dị tộc, lại trải nghiệm qua cuộc sống tự viện, nên dưới phương châm thi hành chính sách độc tài, bảo thủ, nhà Minh đối với việc xử lý các giáo đoàn Phật giáo vốn là cơ sở hình thành các nhóm phản loạn, cũng cho vận dụng rất khéo léo chính sách bảo hộ kiêm kiểm soát chặt.
Năm đầu Hồng Vũ, mô phỏng chế độ Viện Tuyên Chính từ triều Nguyên, cho thiết lập Viện Thiện Thế tại chùa Thiên Giới ở Kim Lăng làm tổng bộ thống chế Phật giáo, đồng thời đặt các chức vụ tăng quan như thống lĩnh, phó thống lĩnh, tán lĩnh, kỉ hóa. Lúc đó người thống lĩnh tối cao là pháp sư Huệ Vân (1304-1371), tính hàm nhị phẩm, lại tặng thêm hiệu Diễn Phạm Thiện Thế Lợi Quốc Tùng Giáo đại sư.
Từ tên hiệu đó có thể thấy được khuynh hướng chính sách Phật giáo của Minh Thái Tổ, không chỉ có lợi đối với sự phát triển của quốc gia mà điều kiện để công nhận Phật giáo tồn tại cũng cho thấy chưa thoát ra khỏi nguyên tắc dùng Nho giáo để lập quốc của truyền thống Trung Quốc.
Năm Hồng Vũ thứ 15, đổi Viện Thiện Thế thành Ty Tăng Lục, đặt các chức quan gồm: Thiện thế, xiển giáo, giảng kinh, giác nghĩa; các phủ ở địa phương thì cho lập Ty Tăng Cương, ở các Châu thì lập Ty Tăng Chính, các huyện thì lập Ty Tăng Hội, hoàn thiện trật tự cơ cấu thống chế Phật giáo trung ương tập quyền.
Lại theo quy định đưa ra năm Hồng Vũ thứ sáu, phàm kẻ không giữ giới đầy đủ lại không thông kinh điển thì không cho cấp độ điệp; phụ nữ chưa đủ 40 tuổi (sau đổi là 50 tuổi) thì không được phép xuất gia. Bản thân Minh Thái Tổ cũng không thay đổi sơ tâm phụng Phật thuở đầu nên thường thiết lễ trai tăng ở Tưởng Sơn, đồng thời cũng trọng dụng hai vị cao tăng là pháp sư Tông Lặc và Ngô Ấn.
3. Tể tướng áo đen – Pháp sư Đạo Diễn
Năm Hồng Vũ thứ 15 thời Minh Thái Tổ (1382), Mã hoàng hậu qua đời, vì hoàng hậu công cao nên các vương muốn thỉnh cao tăng về tụng kinh để truy thiện. Trong đó có pháp sư Đạo Diễn vốn theo Yến Vương (sau là Thành Tổ Vĩnh Lạc đế) trước tu học Thiên Thai và Thiền, sau theo Tịnh Độ.
Sau biến loạn khiến Huệ Đế bỏ đi, Yến vương tức vị, là một sự kiện chính trị quan trọng thời Minh, mà thực chất người đứng sau chính là pháp sư Đạo Diễn, do đó pháp sư trở thành đệ nhất công thần và được trọng dụng, tặng tên tục là Diêu Quảng Hiếu, quan thăng đến chức Thái tử thiếu sư. Nhưng cuộc sống về sau vẫn không để râu, mặc pháp phục, sống đời sống tu hành.
Trừ quyển “Đạo Dư Lục” là viết để phản bác lại tư tưởng bài xích Phật giáo của Tống Nho, còn có trước thuật các quyển “Chư Thượng Thiện Nhân Vịnh, Đào Hư Tử Thơ Thi Tập, Độc Am Ngoại Tập” pháp sư cũng tham gia công tác biên soạn “Vĩnh Lạc Đại Điển” và “Thái Tổ Bảo Lục” nên pháp sư là một vị cao tăng kiệt xuất trong giới Phật giáo đầu thời Minh.
Minh Thành Tổ đích thân soạn viết chín quyển “Thần Tăng Truyện”, 51 quyển “Chư Phật Thế Tôn Như Lai Bồ Tát Tôn Giả Danh Xưng Ca Tụng”, 40 quyển “Chư Phật Thế Tôn Như Lai Bồ Tát Tôn Giả Thần Tăng Danh Kinh”, cũng đều là do ảnh hưởng của pháp sư mà có.
Ngoài ra, sau biến loạn Huệ Đế dùng phương pháp truyền bá hai bộ “Nhân Hiếu Hoàng Hậu Khuyến Thiện Thư” và “Đại Minh Nhân Hiếu Hoàng Hậu Mộng Cảm Phật Thuyết Đệ Nhất Hi Hữu Đại Công Đức Kinh” để vỗ về dân tâm, đồng thời cũng phản ánh tình hình thực tế hoàng thất nhà Minh tín ngưỡng Phật giáo lúc bấy giờ.
4. Tình hình thực tế và mua bán độ điệp của Phật giáo thời Minh
Theo thống kê vào năm Hồng Vũ thứ năm đời Minh Thái Tổ (1372) số lượng độ điệp phát cho tăng lữ và đạo sĩ là 57.200 bộ, đến năm sau những người mới độ đã là 9.632 người. Năm Vĩnh Lạc thứ 16 đời Minh Thành Tổ (1418) hạn chế số lượng tăng lữ trên toàn quốc là 36,000 người, nhưng số lượng tăng ni vẫn tiếp tục tăng thêm. Đến năm Thành Hóa thứ 22 đời Hiến Tông (1486), chỉ trong thời gian một năm số độ điệp thực tế được phát ra đã có tới 320.000 bộ.
Cho dù chính sách hạn chế tăng lữ có từ thời Thái Tổ và thi hành triệt để chế độ thi cử kinh điển Phật giáo. Nhưng với số lượng tăng ni lên đến hàng trăm ngàn người có thể thấy sự bùng phát của tăng đoàn, nhưng cũng không thể che lấp được chất lượng của việc đào tạo tăng tài không được như trước.
Những năm đầu thời Minh, vì để phòng ngừa tình trạng giả dạng tăng nhân, có chế ra quy định dùng sổ sách để ghi lại tên của các vị xuất gia, đối với người đủ quy định thì đều cấp phát độ điệp miễn phí. Nhưng sau đó vì để giải quyết vấn đề cứu đói nên chính phủ dùng biện pháp đem bán 10.000 độ điệp trống tên với giá mười thạch thóc một độ điệp, do đó mà nảy sinh ra tệ nạn mua bán độ điệp.
Cho đến sau thời Gia Tĩnh thì việc cấp độ điệp đã trở thành lệ, không có tiền thì không bán, nếu không nộp thì không được trở thành tăng ni hợp pháp. Ở phương diện khác, rất nhiều người sau khi dùng giá cao để mua độ điệp thành tăng nhân, có thể tránh được nghĩa vụ lao động, miễn phải đi lính, ẩn thân nơi rừng núi tránh được sự truy bắt của quan phủ.
Cứ như vậy, làm cho tăng đoàn Phật giáo càng ngày càng đi xuống, cho đến những tín sĩ thông thường thì phần nhiều cũng chỉ nghĩ đến việc truy cầu lợi ích trước mắt của chính mình, lại vì thường tổ chức các trai hội lớn như Pháp hội Thủy Lục nên có ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế xã hội. Cũng như lời trích dẫn trong “Ngũ Tạp Trở” của Tạ Triệu Triết bên trên.
5. Đạo giáo và sổ Thiện Ác (công quá cách)
Đạo giáo thịnh truyền ở vùng phương Bắc là do Toàn Chân giáo tuyên thuyết Tiên Phật đồng nguyên; Chính Nhất giáo ở phương Nam nhân bởi sự tôn sùng của triều đình mà phát triển, giáo thuyết như “Khai Ngộ Luận”, phần lớn đều bắt nguồn từ kinh điển Phật giáo. Phật giáo và Đạo giáo giao lưu hòa quyện và được tiếp nhận rộng rãi trong tầng lớp thứ dân, cũng chính là do tư tưởng ghi chép chuyện thiện ác của Viên Liễu Phàm để làm công cụ giúp bản thân tự phản tỉnh mỗi ngày, sau đó được in ấn và phổ biến rộng ra dân gian.
Ở phương diện khác, do phổ biến rộng nên dần dần tính tôn giáo bị mờ đi mà gần như trở thành một thứ luân lý Nho giáo dùng trong cuộc sống thường ngày. Pháp sư Vân Thê Liên Trì cũng trên cơ sở hình thức ghi chép thiện ác mà viết “Tự Tri Lục”.
6. Châm Cơ đạo nhân
Một đặc sắc khác của Phật giáo thời Minh là dung nhập với phong tục xã hội, để đáp ứng nhu cầu nghi thức tang lễ cho người chết và cúng dường truy thiện mà có sự tồn tại của nghề thầy tu, được gọi là Du Già giáo tăng và Hỏa Cư Ứng Phốc tăng. Lại vì khó khăn tài chính do chính sách miễn thuế nhà chùa bị bãi bỏ, chính phủ cho đặt một chức vụ quản lý do người tại gia đảm nhiệm để duy trì hoạt động ruộng chùa và phụ trách nộp thuế gọi là Châm Cơ đạo nhân.
Quy định này được ban hành vào năm Hồng Vũ thứ 19 đời Minh Thái Tổ (1386), công việc của Châm Cơ đạo nhân không liên quan gì đến tăng lữ do đó giữa chùa và quan lại, phú hào cũng không cần thiết phải có sự giao thiệp trực tiếp nên mục đích của nó là để ngăn cản sự mở rộng thế lực của tự viện.
7. Các tấu chương yêu cầu chỉnh đốn Phật giáo
Tuy nhiều lần hạ lệnh hạn chế xuất gia nhưng số lượng vẫn không ngừng tăng và vượt qua hơn 500.000 người, điều đó dần trở thành vấn đề lớn đối với sự suy thịnh của quốc gia. Dần dần cũng có các cuộc nổi dậy hình thức tương tự các nhóm cướp mang tính chất tôn giáo như Bạch Liên giáo cuối thời Nguyên, đến năm Hồng Vũ thứ 19 có Bành Ngọc Lâm, năm Chính Đức thứ bảy đời Minh Vũ Tông (1512) có Triệu Cảnh Long nổi dậy ở Hà Nam, tạo nên không ít động loạn trong xã hội đương thời.
Do vậy mà các triều thần nhiều lần tấu thỉnh nghiêm túc chỉnh đốn giáo đoàn và cấm chỉ xây dựng chùa chiền mới; đáng chú ý là tấu văn của Tả Đỉnh, Mã Văn Thăng và Vương Luân đưa ra phương sách đào thải bớt tăng nhân, đạo sĩ.
Năm Cảnh Thái thứ năm đời Minh Anh Tông (1454), Lâm Thông dâng thư trần thuật tám điều bế tắc cần xử lý, tấu thỉnh loại bỏ bớt tăng nhân đạo sĩ, cấm chỉ lập đàn tế lễ; cũng tháng Năm năm đó, Chung Đồng dâng tấu biểu cấm chỉ tăng nhân đạo sĩ bòn hại sinh dân; tháng 12 năm đó, nhân bởi Phật giáo tại Vân Nam phát triển mạnh, tăng nhân quá nhiều nên quan Dịch thừa ở Vân Nam dâng thư tấu thỉnh hạ lệnh cho hoàn tục quy nông.
Những tấu biểu đó xuất hiện liên tiếp nên không khó suy luận được tình hình giáo đoàn Phật giáo đương thời đã trở thành một vấn đề quan trọng trong các cuộc nghị bàn hành chính quốc gia.
8. Lạt Ma giáo thời Minh
Tây Tạng Lạt Ma giáo thời Minh tuy không được đại hoằng pháp hóa hưng thịnh như thời Nguyên, nhưng những chính sách về tăng lữ Tây Tạng, phong quốc sư, pháp vương vẫn không thay đổi, tăng nhân Tây Tạng qua lại lãnh thổ Trung Quốc cũng không ít.
Về tình hình Tây Tạng, đến giữa thời Minh xuất hiện phái cải cách do đại sư Tông-khách-ba khởi dựng, quy định y phục áo vàng mũ vàng, thường gọi là Hoàng giáo phái, tôn phụng và nghiêm trì giới luật, sức ảnh hưởng cũng dần dần vươn đến nội địa Trung Quốc, nên dần áp chế được việc cho phép tăng nhân lấy vợ khi trước của Lạt Ma áo đỏ mũ đỏ Hồng giáo phái.
9. Các tông dung hợp
Phật giáo thời Minh tuy bên trên có tạo thành rất nhiều các vấn đề xã hội, trong trong giới tăng lữ tu hành cũng không ít các vị cao tăng kiệt xuất. Đứng đầu là pháp sư Đạo Diễn đầu thời Minh, pháp sư Toàn-thất-tông-lặc (1318-1381), pháp sư Pháp Chu Đạo Từ (1487-1560), pháp sư Ngọc Chi Pháp Tụ (?-1563), pháp sư Vân Cốc Pháp Hội (?-1567), pháp sư Tượng Tiên Chân Thanh (1532-1588).
Lại có pháp sư Mật Vân Viên Ngộ (1566-1642) trùng hưng tông Thiên Thai, pháp sư Thiên Ẩn Viên Tu (?-1635) xây chùa tại Khánh Sơn. Đặc biệt là các vị Thiền sư tông Lâm Tế, nhân tài bối xuất. Giới Phật giáo thời kỳ này có một đặc điểm là không có ý thức tông phái mạnh mẽ. Các tự viện từ thời Tống về sau chia làm ba loại gồm Thiền, Giáo, Luật; đến thời Minh thì chia thành ba loại gồm:
Thiền: Các tự viện Thiền tông tu hành pháp tọa Thiền công án.
Giảng: Các tông phái chú trọng về giảng thuyết kinh điển như Thiên Thai, Hoa Nghiêm, Pháp Tướng Duy Thức.
Giáo: Là các chùa Du Già giáo thực hành pháp sự, nghi thức; do các chùa Luật tông thời trước biến tướng mà thành một điểm đặc sắc của Phật giáo thời Minh.
Do vì phân loại như vậy, nên năm Hồng Vũ thứ 15 đời Minh Thái tổ (1382) cho quy định sắc phục tăng lữ khác nhau: Thiền tăng mặc y phục màu nâu trà và cà sa màu ngọc điều đỏ; Giảng tăng thì mặc y phục màu ngọc và cà sa màu đỏ nhạt điều đỏ; Giáo tăng thì mặc y phục màu trắng và cà sa màu đỏ nhạt điều đen.
Căn cứ theo cuốn “Trúc Song Tùy Bút” của pháp sư đại sư Liên Trì thì Thiền, Giảng, Giáo là chùa mà học giả ba tông cư trú; lúc pháp sư mới xuất gia thì Thiền tăng áo màu nâu trà, Giảng tăng áo màu lam, Luật tăng áo màu đen; nhưng đến khi pháp sư viết cuốn này thì áo đều thành màu đen cả; Thiền viện, Luật viện cũng đều giảng học. Có thể thấy được khuynh hướng dung hợp các tông thông qua việc thay đổi màu sắc y phục tăng nhân để đi đến thống nhất.
Thông qua tác phẩm “Trúc Song Tùy Bút” đại biểu cho tư tưởng Thiền-Tịnh song tu thì niệm Phật không những không trở ngại gì cho Thiền mà còn có trợ ích cho việc tọa Thiền. Do đó, tư tưởng dung hợp các tông rồi lấy Thiền Tịnh nhất trí là chủ đạo tạo thành điểm đặc sắc của Phật giáo thời Minh. Khuynh hướng đó có thể thấy rõ ràng là kiến giải thống nhất và tương đồng trong tư tưởng hoằng truyền Phật giáo của bốn vị đại sư thời Minh là các pháp sư Liên Trì, pháp sư Chân Khả, pháp sư Đức Thanh và pháp sư Trí Húc.
10. Bốn vị đại sư
Pháp sư Vân Thê Châu Hoằng (1535-1615), là người vùng Nhân Hòa tỉnh Chiết Giang, thọ học Hoa Nghiêm nơi pháp sư Biện Dung, thọ Thiền mạch nơi pháp sư Tiếu Nham, bình sinh pháp sư lấy “sinh tử đại sự” để làm lời cảnh sách suốt đời, quy tâm nơi Tịnh Độ, trì niệm Phật hiệu Di Đà. Năm Long Khánh thứ 5 đời Minh Mục Tông (1571), pháp sư về chùa Vân Thê ở Hàng Châu, tận lực nơi pháp niệm Phật tam muội, hết lòng giáo hóa đồ chúng.
Tăng đồ môn nhân quy về nơi pháp sư có cả ngàn người, Thiền Tịnh song tu, nương giáo lý Hoa Nghiêm để chứng minh, giải thích, lại đề xướng phong trào tân Phật giáo dung hợp các tông, cổ xúy cụ túc ba điều kiện tất yếu: Tín - nguyện - hạnh để tu Tịnh nghiệp.
Trước tác của pháp sư bắt đầu từ bộ “Tri Môn Sùng Hạnh Lục” để chỉnh đốn tăng phong đương thời, sau còn có nhiều bộ cả về giáo nghĩa, sinh hoạt thường nhật, nghi thức như “A Di Đà Kinh Sớ”, “Vãng Sinh Tập”, “Phạm Võng Kinh Giới Sớ Phát ẩn”, “Trúc Song Tùy Bút”, “Thiền Quan Sách Tấn”, “Tự Tri Lục”, “Thủy Lục Nghi Quỹ”, “Vân Thê Cộng Trụ Quy Ước”, tất cả tập thành một bộ sách lớn gọi là “Vân Thê Pháp Vị”, gồm 23 quyển.
Cuốn “Tự Tri Lục” như đã nói từ trước là dựa trên nền tảng tư tưởng sổ ghi chép thiện ác từng ngày, đã đem tư tưởng thiện ác báo ứng nhân quả ba đời của Phật giáo dung hội với tinh thần phản tỉnh trong cuộc sống luân lý thường nhật của Nho và Đạo, hình thành bộ sách dung thông tam giáo.
Đối với vấn đề đạo Thiên Chúa truyền bá vào Trung Quốc thời kỳ này thì đại sư giữ thái độ phản đối, do vì Minh Thần Tông tín nhiệm giáo sĩ Lợi-mã-đậu (Matteo Ricci 1552-1610) xây giáo đường tại Bắc Kinh dẫn khởi tranh nghị luận rất lớn trong xã hội đương thời. Pháp sư Liên Trì cũng dùng cuốn “Tự Tri Lục” để luận là tà giáo.
Pháp sư Tử Bách Chân Khả (1543-1603) người vùng Ngô Giang, Giang Tô, học Hoa Nghiêm nơi pháp sư Biện Dung, được tâm ấn, nên có nghĩa đồng môn cùng pháp sư Liên Trì. Căn cứ vào “A Di Đà Phật Tán” và “Vô Lượng Thọ Phật Tán” có thể thấy được pháp sư chủ trương hạnh niệm Phật.
Vì sự việc quan lại chuyên quyền và thuế mỏ dần trở thành một vấn đề chính trị lớn nửa sau khoảng năm Vạn Lịch mà pháp sư Chân Khả bị liên đới; đồng thời bị liên quan đến vụ việc sách mê hoặc (yêu thư) trong mưu lập thái tử mà sau đó pháp sư Chân Khả bị chết ở trong ngục. Pháp sư Chân Khả dùng sự phổ cập của kinh điển Phật học làm phương cách chủ đạo để hưng long Phật pháp, vì vậy mà dốc sức vào sự nghiệp xuất bản Phương Sách Bản Đại Tạng Kinh.
Pháp sư Chân Khả, Hám Sơn Đức Thanh và Mật Tạng Đạo Khai trước tại Ngũ Đài Sơn, sau chuyển đến am Tịch Chiếu ở Kính Sơn, Chiết Giang hoàn thành đại nghiệp khắc bản Đại Tạng Kinh này. Pháp sư Chân Khả mất khi sự nghiệp còn dang dở, nhưng Gia Hưng tạng hay Vạn Lịch bản, cũng gọi là Minh bản Đại Tạng Kinh cũng đều là những pháp bảo do pháp sư Chân Khả phát khởi.
Những trước tác của pháp sư Chân Khả được tổng tập thành bộ “Tử Bách Tôn Giả Toàn Tập” gồm 30 quyển, do pháp sư Đức Thanh hiệu tập mà thành; cũng có 4 quyển biệt tập khác là do đại nho Tiền Khiêm Ích biên chép.
Pháp sư Hám Sơn Đức Thanh (1546-1623) cũng thọ học nơi các vị Biện Dung, Tiếu Nham, Vân Cốc, sau đó pháp sư đến Lưu Sơn kết thảo am chuyên tâm niệm Phật.
Các chức tác của pháp sư có bảy quyển “Pháp Hoa Kinh Thông Nghĩa”, hai quyển “Viên Giác Kinh Trực Giải”, sáu quyển “Triệu Luận Lược Chú”, 55 quyển “Hám Sơn Đại Sư Mộng Du Tập”, 20 quyển “Hám Sơn Ngữ Lục” đều là những tác phẩm đứng trên lập trường của Thiền tông, Hoa Nghiêm và niệm Phật Tịnh Độ để điều hòa các tông. Lại có các tác phẩm như “Trung Dung Trực Giải”, “Lão Tử Giải”, “Trang Tử Nội Thiên Giải”, dùng tư tưởng Phật học để giải thích những sách Nho và Đạo, đề xướng thuyết tam giáo nhất trí.
Pháp sư Ngẫu Ích Trí Húc (1599-1655) là người vùng Mộc Độc, tỉnh Giang Tô, xuất thân muộn hơn ba vị đại sư bên trên khoảng 50 năm. Pháp sư học giáo thuyết Thiên Thai, nương thừa nơi pháp sư Tứ Minh Tri Lễ. Các tác phẩm có “Giáo Quán Cương Tông”, “Đại Thừa Chỉ Quán Thích Yếu”, “A Di Đà Kinh Yếu Giải”, “Lăng Già Kinh Nghĩa Sớ”, “Chiêm Sát Kinh Nghĩa Sớ”, “Phạm Võng Kinh Hợp Chú”, “Duyệt Tạng Tri Tân”, tổng cộng 40 bộ.
Pháp sư chủ chương “Thiền là tâm Phật, Giáo là lời Phật, Luật là hạnh của Phật, đủ cả ba điều mới bắt đầu hoàn toàn là Phật giáo” tức nói Thiền-Giáo-Luật tam học đồng hành, quy kết trong một hạnh niệm Phật tam muội.
Pháp sư Trí Húc xuất phát từ Thiên Thai, sau hướng tông nơi Tịnh Độ, đồng thời lại đề xướng phong trào tân Phật giáo thực tiễn dung hội Thiền-Giáo-Luật, là một nhân vật đại biểu cho khuynh hướng quy kết và dung thông Phật giáo thời Minh. Ngoài ra pháp sư còn viết các sách như “Tứ Thư Ngẫu Ích Giải”, “Chu Dịch Thiền Giải” là những tác phẩm chú và giải kinh điển Nho giáo.
Về thái độ đối với Thiên Chúa giáo cũng tương đồng như pháp sư Liên Trì, tích cực trong phong trào phản đối, cũng có viết “Thiên Học Sơ Trưng” và “Thiên Học Tái Trưng”. Pháp sư Trí Húc là nhà tư tưởng lớn cuối cùng của Phật giáo Trung Quốc.
11. Tam giáo dung hợp và cư sỹ Phật giáo
Bốn vị đại sư đại biểu cho Phật giáo thời Minh đều suy nghĩ đến phong trào vận động dung hợp Nho - Phật - Đạo. Ngoài ra, các vị thiền tăng như Ngọc Chi Pháp Tụ, Trạm Nhiên Viên Trừng đều có mối quan hệ giao thiệp với Nho học đặc biệt là học phái Dương Minh; Một số nhà Nho như Trần Bạch Sa, Vương Dương Minh, Vương Long Khê cùng nhiều người khác cũng ủng hộ quan điểm dung hợp Nho và Phật.
Lại có Viên Hoằng Đạo viết 10 quyển “Tây Phương Hợp Luận”, Chu Khắc Phục viết 10 quyển “Tịnh Độ Thần Chung”, rồi dần dần nở rộ thành phong trào cư sỹ Phật giáo vào thời Thanh. Đối với những nhà Nho chủ trương bài xích Phật giáo như “Cư Nghiệp Lục” của Hồ Kính Trai, “Dị Đoan Biện Chứng” của Chiêm Lăng, “Khốn Tri Ký” của La Chỉnh Am, “Dạ Hành Chúc” của Tào Đoan, thì cũng có những nhà Nho khởi xướng phong trào hộ pháp như “Phật Pháp Kim Thang Biên” của Tâm Thái, “Phật Pháp Kim Thang Lục” của Đồ Long.
Vào năm Sùng Trinh thứ 11 đời Trang Liệt Đế cuối thời Minh (1638), trong lời tự cuốn “Thích Giám Khể Cổ Lược Tục Tập” của Huyễn Luân có viết: “Tăng nhân mà không kiêm cả cái học bên ngoài thì vừa lười lại không có biết rộng, nhà Nho mà không nghiên cứu Phật điển thì cũng thường thường, hẹp mà không thông.”
Có thể thấy người mà không thông cả Nho cả Phật thì không đáng bàn; đó là khuynh hướng của học giả Phật giáo từ sau pháp sư Tán Ninh đời Tống, cũng là một điểm rất thú vị khi khảo sát về lịch sử Phật giáo Trung Quốc thời cận thế.
12. Sự xuất bản Đại Tạng Kinh
Nhà Minh kéo dài khoảng 300 năm là thời kỳ tình hình trong nước tương đối an định, văn hóa tiến bộ, là thời đại thuật in ấn rất phát triển. Đại Tạng Kinh được xuất bản vào thời kỳ này gồm 4 bản như sau:
Nam Tạng Bản: Năm Hồng Vũ thứ năm đời Minh Thái Tổ (1372) tại chùa Tưởng Sơn ở Nam Kinh cho xuất bản Tạng Kinh do triều đình tổ chức, gồm 636 hòm, 6.331 quyển (mục lục được thu vào quyển 49 trong “Kim Lăng Phạm Sát Chí”), số bản gỗ nhiều đến 57.160 bản. Sự xuất bản Nam Tạng có ích lợi rất lớn đối với sự phổ cập Đại Tạng Kinh.
Bắc Tạng Bản: Là công trình do Minh Thành Tổ vì hiếu kính với phụ mẫu (Minh Thái Tổ và Mã hoàng hậu) mà phát nguyện khắc ấn. Đến năm Chính Thống thứ năm đời Minh Anh Tông (1440) mới hoàn thành, gồm 636 hòm, 6.361 quyển.
Vũ Lâm Bản: Căn cứ vào phần Duyên Khởi khắc tạng được biết là Phương Sách Bản ở Vũ Lâm Hàng Châu.
Vạn Lịch Bản: Là bản khắc in do tư nhân tổ chức, cũng chính là công trình do nhóm pháp sư Chân Khả hoàn thành, tổng cộng 1.618 bộ, 7.334 quyển. Phần chính tạng được hoàn thành vào khoảng năm Vạn Lịch (1573-1619), phần tục san phải đến năm Khang Hy thứ 15 đời Thánh Tổ triều Thanh (1676) mới hoàn thành.
Để tiện lợi cho việc giở đọc nên chọn phương pháp “phương sách” (đóng gáy), cũng tiện cho việc lưu truyền phổ cập rộng. Cũng còn gọi là Minh bản, “Nhất Thiết Kinh” bản Hoàng Bá của Thiết Nhãn cũng là bản khắc lại của Minh bản.
13. Các điển tịch Phật giáo thời Minh
Ngoài các sử tịch Phật giáo như bộ tám quyển “Đại Minh Cao Tăng Truyện” của Như Tinh và bộ hai quyển “Thích Giám Khể Cổ Lược Tục Tập” của Huyễn Luân thì thời kỳ này do vì thuật in ấn phát triển, đồng thời cũng chịu ảnh hưởng của văn hóa thời Minh nên có nhiều sách chèn thêm hình ảnh như “Tiên Phật Kỳ Tông”, “Thích Thị Nguyên Lưu”, “Phật giáo Nguyên Lưu Cao Tăng Truyện Tông” không ngừng được ấn hành, thúc đẩy quá trình phổ cập hóa Phật giáo trong dân gian.
Lại vì có các tác phẩm như “Thần Tăng Truyện” của Minh Thành Tổ, “Tượng Giáo Bì Biên” của Trần Sĩ Nguyên tương đương như một cuốn khái luận về Phật giáo; cùng với tư tưởng dung thông Phật giáo không nghiêng về một tông một phái nào cả, do bốn vị đại sư cuối thời Minh đề xướng; nên tinh thần Phật giáo mang tính dung hợp các nhà đó tuy chưa hẳn đã đạt đến mức viên mãn thành thục nhưng thể hiện được phương hướng của thời đại.
Còn tiếp...
Tác giả: Thượng tọa TS Thích Giải Hiền soạn dịch Trích sách: Lịch sử Phật giáo Trung Quốc
***
Bình luận (0)