Tác giả: Giảng viên Nguyễn Thanh Huy - Đại học Khánh Hòa
Có một dòng chén dùng để thưởng trà, gắn liền với văn hoá uống trà của nhiều dân tộc như Trung Hoa, Việt Nam, Triều Tiên và Nhật Bản. Riêng ở người Nhật, họ đã nâng tục uống trà lên thành “trà đạo”, đồng thời định danh cho loại chén uống trà ấy là “Tenmoku” hoặc “Temmoku”. Thực chất, tên gọi này có nguồn gốc bởi sự phiên âm hai từ 天 [tiān] và目 [mù] trong tiếng Hán và cách đọc âm Hán-Việt là “thiên mục” (mắt trời).
Thiên Mục, chính là tên một ngọn núi nằm giữa ranh giới của tỉnh Chiết Giang 浙江với An Huy 安徽, Trung Quốc. Tại nơi đây, tăng sĩ Nhật Bản Onkei Soyu (1286-1344) theo tu học, và ông là người có công đầu ghi lại dòng chén này với tên gọi “Tenmoku” vào thư tịch Nhật Bản năm 1335. Có thể nói, loại chén này du nhập vào Nhật Bản từ thế kỷ XIII là nhờ vào giới tăng sĩ. Từ đó người Nhật đã bảo tồn, cũng như cố gắng phỏng theo, phục dựng dòng gốm này cho đến hôm nay.
Vậy, phải chăng văn hoá trà đạo của Nhật được manh nha cũng nhờ vào sức hấp dẫn, sự độc đáo của dòng chén này?
Trở lại lịch sử, dòng gốm này bắt đầu từ thời nhà Đường, ở phủ Kiến Ninh 建寧, Kiến An 建安, nay thuộc trấn Thủy Cát 水吉, Kiến Dương 建陽, Phúc Kiến 福建. Suốt triều Tống trở thành giai đoạn phát triển cực thịnh của dòng đồ này.
Xuất phát từ tên vùng đất lập lò mà người Trung Quốc định danh dòng gốm cổ này là “Kiến diêu” 建窯. Một trong những kiểu màu men phổ biến của dòng chén “Thiên Mục” được đặt tên là “Thố hào trản” 兔毫盞. Sở dĩ gọi như vậy vì men đặc trưng của loại này trông giống như bộ lông con thỏ. Ngoài ra, người ta còn gọi nó bằng một cái tên dài hơn là “Hoàng thố ban trích châu”.
Nhắc đến loại chén này, ở Việt Nam, trước hết, phải tưởng nhớ về cụ Vương Hồng Sển, vì ông là người sớm sở hữu được một chiếc trong cuộc đấu giá tổ chức tại miền Nam năm 1939. Nhưng điều có ý nghĩa hơn là ông đã từng bước tìm tòi, giải mã nó để rồi viết một số bài báo về “Chén trà Đại Tống”. Nghĩa là ngay khi mua, ông cũng không rõ nó là gì mà chỉ mua bằng cảm nhận và trực giác nhạy bén của một nhà sưu tầm thiên bẩm với “linh nhãn” trời ban.
Nhưng điều đặc biệt hơn cả ở ông là một tư duy sắc sảo, một cách nhìn nhận vấn đề hết sức tinh tế, và sự uyên bác trên nhiều lĩnh vực tri thức.
Số là, dòng chén “Tenmoku” được mặc nhiên xem là chén trà, tức công dụng chỉ dùng để uống trà. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, vì tục uống trà có từ thời Đường và sang đến Tống càng trở nên phổ biến. Hơn thế, “Tenmoku” đã trở thành một bộ phận căn bản trong văn hoá trà đạo Nhật Bản. Nhưng cụ Vương lại có cái nhìn khác rất đặc biệt, rất trí tuệ và không kém phần hài hước.
Đó là, ông cho rằng loại chén này trước dùng uống rượu, sau đổi lại uống trà.
Đến đây cũng xin nhắc lại câu chuyện khi cụ Vương tiếp một chuyên gia gốc Nga làm ở bảo tàng Cernuschi tại Paris, Pháp.
Vị chuyên gia nọ khi ghé nhà cụ Vương có cầm chiếc chén “Tenmoku” lên và hỏi: “Ông biết chén này thuộc đời nào chứ ?”. Cụ Vương đã đối đáp cẩn trọng và đưa ra quan điểm riêng của mình. Ông đã thuyết một bài dài về câu chuyện tại sao ông gọi nó là trước uống rượu sau uống trà.
Theo đó, ông nhắc lại tích sử Triệu Khuông Dẫn, tức Tống Thái Tổ trong lúc say đã ra lệnh chém đầu người em kết nghĩa - tướng tài Trịnh Ân vì tội dám mạo phạm đến quân vương. Điều đáng nói, vua Tống có thể cố ý giả say để sát hại một người thân tín biết nhiều bí mật riêng tư và có ảnh hưởng đến uy quyền của mình. Sau cái chết của chồng, người vợ của Trịnh Ân là Đào Tam Xuân đã dấy binh báo thù. Để vỗ về trước sự thù hận tận xương tủy của nữ tướng này, tình thế cấp bách, Triệu Khuông Dẫn một lần nữa nghĩ ra kế sách giết vợ của mình - đổ vạ cho ái phi Hàn Tố Mai đã xúi bậy vua lúc đang say và mang nàng giao nộp cho nữ tướng kia hành quyết.
Sau sự kiện này, để thể hiện bản lĩnh hơn người cũng như ra vẻ ăn năn, Tống Thái Tổ đã hạ chiếu - cấm uống rượu mỗi khi có lễ sự, và khuyên dùng trà thay rượu, vì trà vừa tinh khiết vừa hiền hơn rượu, uống mãi không say...
Từ câu chuyện lịch sử, dưới góc nhìn của một học giả uyên bác, một nhà sưu tầm cổ vật tinh tế, cụ Vương đã nhận định “Thố hào trản” trước dùng uống rượu sau uống trà, khiến cho chuyên gia Pháp kia trầm ngâm, không biết nói gì hơn, chỉ gật đầu ra chiều suy nghĩ mông lung.
Có thể nói, dưới góc nhìn khoa học, quan điểm của cụ Vương chỉ là một giả thiết. Nhưng đó là giả thiết có lí, tức vẫn đủ sức hấp dẫn và thuyết phục người nghe. Hơn nữa, trong thú chơi, thú sưu tầm đôi khi chỉ cần những cuộc đàm luận như vậy cũng đủ khiến cuộc chơi trở nên thi vị!
Ngày xuân, vạn vật tươi tốt, trăm hoa đua nở, nhắp ngụm trà thơm trong chén cổ, lòng bâng khuâng nhớ những chuyện xưa như là cách hoài niệm về một thời sống chậm, một quá khứ đẹp đẽ, một không gian văn hóa mà ở đó con người ta với khí tiết thanh cao, vốn sống lịch lãm và đầy tình yêu thương.
Tác giả: Giảng viên Nguyễn Thanh Huy - Đại học Khánh Hòa*** TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Vương Hồng Sển, “Khảo về đồ sứ cổ Trung Hoa”, Nxb Phương Đông, Tp Hồ Chí Minh, 2006. 2. Vương Hồng Sển, “Cuốn sổ tay của người chơi cổ ngoạn”, Nxb Tổng hợp Đồng Nai, 2004. 3. John Britt, “Oil Spot and Hare’s Fur Glazes: Demystifying Classic Ceramic Glazes”, 2011. 4. Koh N. K, “Jian Temmoku bowls (Jian Zhan), Koh-antique.com”, Retrieved 26 August 2018. 5.“Tea Drinking and Ceramic TeaBowls - China Heritage Quarterly”, Chinaheritagequarterly.org, Retrieved 26 August 2018. 6. “Japanese Pottery - Artist Profile Kamada Koji”, E-yakimono.net, Retrieved 26 August 2018.
* Hình ảnh do chính tác giả chụp từ cổ vật trong bộ sưu tập cá nhân của tác giả: Chén lông thỏ, dòng Kiến diêu (Temoku/ Thiên Mục), thời Tống, thế kỷ 10 - 13 (A ‘Jian’ ‘Temmoku’ ‘hare's fur’ bowl, Song dynasty, 10th - 13th century).
Bình luận (0)